top of page


Phần 01:

PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ,

VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

​BẢN PDF

Đề tài nghèo khó được bàn luận rất nhiều. Nhưng làm sao hiểu được ý nghĩa của nghèo khó mà Chúa Giê-su nhắc đến ở đây? Dù không có ý định bàn luận sâu xa về các thuật ngữ trong Mối Phúc đầu tiên này, nhưng cũng xin được có vài hàng sơ lược để tìm hiểu.

 

  • Một vài thuật ngữ.

 

Về chữ nghèo trong Mối Phúc thứ nhất, tiếng Hy-Lạp là ptochoi, theo Martini,[i] danh từ này trong tiếng Hy-lạp luôn luôn chỉ về hoàn cảnh nghèo đáng thương, thiếu thốn vật chất. Và liên hệ đến từ này là từ ptocheion có nghĩa là nhà người nghèo, chỗ ở cho người hành khất. Còn động từ ptocheuo thì có nghĩa là ăn xin, là ở trong tình trạng nghèo nàn.

Ngoài ra, so sánh hai bản văn của Mát-thêu và của Lu-ca, chúng ta thấy có điểm đồng nhất là cả hai đều nhắc tới chữ nghèo, vì thế có thể hai tác giả đều kín múc từ một nguồn chung. Bên cạnh đó, sự khác biệt cũng rõ ràng. Lu-ca nhấn mạnh đến phương diện nghèo mang tính xã hội, và với mối hoạ “khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 6,24), Lu-ca còn làm nổi bật Mối Phúc cho người nghèo “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20). Còn Mát-thêu thì nói “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó - ptochoi to pneumatic”, nghĩa là hướng đến ý nghĩa nghèo trong phương diện tôn giáo, mang tính thiêng liêng. Chính ở điểm khác biệt này, mà có những cuộc tranh luận về điều Chúa Giê-su thực sự muốn nói.

 

Một đàng, những người theo khuynh hướng cắt nghĩa Mối Phúc thứ nhất theo tính tôn giáo và thiêng liêng thì nhấn mạnh đến khía cạnh “nghèo trong tâm hồn”, nghĩa là Mối Phúc thứ nhất này tuỳ thuộc vào chất lượng của tâm hồn con người, và niềm tin của họ vào Chúa. Đối với họ, Chúa Giê-su không có ý nói về cái nghèo mang tính xã hội, nghĩa là Ngài không có ý nói về thành phần người nghèo trong xã hội. Đàng khác, có những người “gạch dưới” bản văn của Lu-ca, và cắt nghĩa chữ nghèo trong Mối Phúc này nói trực tiếp về thành phần người nghèo trong xã hội. Nghĩa là Mối Phúc này tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sống của con người. Trong cái nhìn thần học, nếu tách rời hai cách chú giải này riêng ra, thì không có cách chú giải nào giải thích đầy đủ sứ điệp của Chúa Giê-su về Mối Phúc thứ nhất này. Cách giải thích thứ nhất không đầy đủ, vì đã tách biệt hoàn toàn khía cạnh nghèo mang tính xã hội ra, nghĩa là thành phần người nghèo không được đề cập đến. Cách giải thích thứ hai cũng không đầy đủ, vì nó hoàn toàn từ chối mọi khía cạnh liên quan đến cái nghèo trong tâm hồn, cái nghèo thiêng liêng. Vì thế, có thể nói hai cách giải thích này cần được nối kết với nhau. Dù như thế nào đi nữa, ý nghĩa chỉ về cái nghèo tâm hồn vẫn nổi bật hơn và được chú ý hơn.[ii]  Trong phần suy niệm, sẽ chú ý đến khía cạnh này, nhưng vẫn cố gắng nối kết với ý nghĩa nhắc đến người nghèo xã hội.

 

Về từ ngữ pneumatic, theo Strecker, ở đây không chỉ về Thần Khí của Thiên Chúa, mà chỉ về tinh thần hoặc tâm hồn của con người với những tình cảm, quan niệm và ý muốn. Như thế, những tâm hồn nghèo khó ở đây không liên hệ đến việc sở hữu, mà chỉ về người tự hạ mình xuống, những người khiêm tốn. Qua đó, ptochoi to pneumatic – những người có tâm hồn nghèo mang ý nghĩa thiêng liêng và luân lý. [iii]

 

Hơn nữa, theo Martini,[iv] để hiểu được điều Chúa Giê-su muốn nói trong Phúc Âm Mát-thêu, thì rõ ràng chúng ta không được phép dừng lại trong từ ngữ “nghèo nàn”. Chúa Giê-su đã dùng từ này không như ngôn ngữ bình thường hay sử dụng. Chúa Giê-su hướng về giá trị bên trong của sự nghèo khó, như trong Cựu Ước đã được diễn tả. Điển hình là một đoạn trong sách của tiên tri Xô-phô- ni-a:

“Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở,

những kẻ thi hành mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA,

anh em hãy tìm kiếm Người;

hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường” (2,3).

 

Theo tiên tri Xô-phô- ni-a cũng như theo các tiên tri khác, người nghèo hay người bị chèn ép đều là dân Ít-ra-en, họ đánh mất sự độc lập về chính trị. Qua sự chiếm đóng và đô hộ của thế lực từ bên ngoài, họ bị chèn ép và trở nên nghèo nàn. Vì vậy, trong chính hoàn cảnh đau thương này, họ đã học biết tùng phục thánh ý của Thiên Chúa. Và họ sống trong niềm tin tưởng vào tình yêu chở che của Thiên Chúa. Họ đã biết chắc rằng: Thiên Chúa sẽ giúp đỡ họ.

 

Người nghèo mà Chúa Giê-su chúc phúc ở đây, trong cách nói của Mát-thêu, là những người không có gì nhiều để tự khen mình, và họ cũng chẳng có gì nhiều để cậy dựa vào đó. Họ cũng không bao giờ cậy vào sức lực của riêng mình. Họ là những người ý thức sự yếu đuối và nhỏ bé của mình, tự mình không thể giúp mình được, tự mình không thể trở nên đạo đức tốt lành, tự mình không thể tìm thấy ơn cứu rỗi, tự mình không thể đạt được đích đến của cuộc đời là Nước Trời. Nước Trời và ơn cứu rỗi chính là món quà Thiên Chúa trao tặng. Nên trước mặt Thiên Chúa họ là những kẻ hành khất, luôn cậy nhờ vào Thiên Chúa, sức mạnh và lòng nhân từ của Ngài. Cả cuộc đời, là người nghèo và bị chèn ép, họ đặt trọn niềm hy vọng vào Thiên Chúa. 

 

Ngoài ra, trong thời Cựu Ước, thường thì người nghèo không bao giờ được tôn trọng, chỉ có những ai giàu sang có nhiều của cải được tôn trọng và được coi như là những người được Thiên Chúa chúc phúc. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa xa lìa người nghèo. Họ dù nghèo vẫn là người được Thiên Chúa che chở cách đặc biệt, và họ có thể đến gần Thiên Chúa và chính Ngài sẽ nâng đỡ và cứu giúp họ.

 

Họ chính là những người mà Đấng Mê-si-a hướng tới: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1), và “kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Is 66,2). Theo các nhà chú giải, thì ở đây Mát-thêu chịu ảnh hưởng bởi tiên tri I-sai-a. Hiểu theo ý nghĩa này, nhưng cũng cần tránh hiểu lầm và nói rằng: “Ai nghèo thì có phúc”. Về điều này, Charpentier đã chú ý như sau: “Phải đau đớn nhận rằng các lời chúc phúc ấy đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm một thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ nỗi khổ đau và sự nổi loạn của những người nghèo. Người ta muốn hiểu chúng như sau: ‘Hỡi những người nghèo, các người hạnh phúc lắm vì các người được Thiên Chúa yêu thương... vậy cứ tiếp tục nghèo đi! Hãy chấp nhận thân phận của các người, rồi một ngày nào đó ở trên trời các người sẽ được hạnh phúc’. Nhưng thực ra Đức Giê-su nói ngược hẳn lại: Hỡi những người nghèo, chúng con hạnh phúc, vì từ nay chúng con không còn nghèo nữa, vì triều đại của Thiên Chúa đã đến”.[v]

Ngoài ra, “cũng cần phân biệt nghèo khó với lầm than. Lầm than là một điều kiện sống cần phải loại trừ. Thế nên đừng gán cho nó một mầu sắc thiêng thánh. Gán như vậy là không còn cố gắng đưa người ta ra khỏi đó. Chúa không nói: Phúc cho anh em là những người không có gì ăn. Chủ trương bần cùng hay chủ trương thống khổ, lấy lý do chúng giúp ích cho đời sống đạo đức, là những chủ trương xa lạ với Ki-tô giáo. Emmanuel Mounier nói: thuyết bần cùng hay thuyết thống khổ không phải là truyền thống Ki-tô giáo.

Tuy vậy, có một mối liên hệ giữa sự nghèo khó tinh thần và sự nghèo khó vật chất. Nếu xem xét sự nghèo khó tinh thần một cách nghiêm túc, ta sẽ phải từ bỏ mọi thành kiến bảo vệ sự tiện nghi vật chất. Phải hiểu rằng tiền bạc hoạ hoằn lắm mới không liên hệ gì với quyết định Đức Tin. Vì vậy mà Chúa đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được’ (Lc 16,13). Quả thực, người ta không thể phục vụ đồng thời cả hai chủ đó. Chúa muốn chúng ta có tinh thần nghèo khó, tức sự nghèo khó cho phép ta sống đời sống Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, nhưng đừng quên sự nghèo khó ấy cũng tác động trên đời sống vật chất của ta. Không được nghĩ rằng chỉ cần có tinh thần nghèo khó là đủ, còn sống sung túc như những người giầu cũng chẳng sao. Thánh Augustinô nói: ‘Nếu bạn muốn mở rộng không gian tình yêu, bạn phải hạn chế không gian xác thịt’. Tiền bạc chính là những cái thuộc không gian xác thịt”.[vi]

 

Theo Ulrich Luz[vii], phần đông các giáo phụ hiểu “người có tâm hồn nghèo khó” liên hệ đến sự khiêm nhường. Như vậy, tâm hồn nghèo liên hệ đến thái độ bên trong đối với sự giàu có: Người ta không nên đặt hy vọng vào sự giàu có. Theo thánh Lêo Cả, người có tinh thần nghèo khó là người không yêu mến và gắn bó với những thứ thuộc về trần gian. Như vậy, người nghèo trong ý nghĩa này là người có một tâm hồn tự do với vật chất, với những gì liên hệ đến trần gian. Ngoài ra, còn có một cái nhìn siêu nhiên về người nghèo của Meister Eckhart. Người có tâm hồn nghèo khó được giải thích trong ba cách thức: Tâm hồn nghèo là người không muốn gì cả, không muốn cả điều yêu mến và thực thi thánh ý Chúa cách trọn vẹn. Tâm hồn nghèo là người không biết gì cả, không biết cả những ảnh hưởng của Thiên Chúa trong chính bản thân mình. Tâm hồn nghèo là người không có gì cả, không có cả không gian ở trong mình, nơi Thiên Chúa ngự đến và ảnh hưởng.

Ngoài ra, trong Giáo Hội tiên khởi, ý nghĩa “tự nguyện trở nên nghèo” được nhấn mạnh. Và Mối Phúc thứ nhất này liên hệ đến các giáo sĩ và tu sĩ, như các tu sĩ chuyên đi hành khất vào những thế kỷ đầu, và sau này như tu sĩ dòng Phan-xi-cô khó nghèo. Cách hiểu này dù có “đặc biệt” đến mấy, nhưng không hợp với mục đích mà bản văn hướng đến. Thiên Chúa đâu chỉ hướng đến và trao tặng Nước Trời cho những người tự hiến đời mình, trở nên nghèo để sống đời dâng hiến.

 

“Vì Nước Trời là của họ.” Nước Trời được ban cho những ai có tâm hồn nghèo. Nhưng đây là phần thưởng họ được thưởng hay là lời hứa ban, là ân sủng? Trong mạch văn, có thể thấy rằng Nước Trời ở đây chính là lời hứa ban, là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng. Nước Trời này là Nước Trời mà Chúa Giê-su rao giảng: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23).

 

Về hình ảnh Nước Trời thuộc về những người có tâm hồn nghèo, Martini đã suy niệm như sau: Ai không tin vào mình, mà duy nhất chỉ tin vào Thiên Chúa, thì sẽ sẵn sàng cởi mở đón nhận Tin Mừng Nước Trời mà Chúa Giê-su đem lại. Ngược lại, sự sở hữu của cải vật chất và của cải tinh thần có thể làm mất đi phần nào tinh thần sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Bất cứ ai sống trong sự an toàn giả tạo, và sống sung túc trong những thứ tiện nghi của mình, cũng như tự nhốt mình đàng sau những gì mình có và mình là, thì người đó luôn sống trong nỗi sợ hãi, là sẽ đánh mất đi cái gì đó, hay có thể sẽ bị đẩy xuống khỏi ngai vàng của mình. Người đó sẽ có chiều hướng nhốt mình lại trong giàu có và trong của cải, và không còn khả năng để đón nhận những lời dạy bảo mới mẻ và khác thường của Chúa Giê-su.

Còn người ý thức không tự xây dựng trên chính mình, mà luôn chú ý đến tính “dễ vỡ” của con người, cũng như ý thức rằng mọi sự mà con người bám chặt vào, sẽ có thể vỡ tan nát như thế nào, người đó sẽ sẵn sàng cởi mở đón nhận những điều mới mẻ của Nước Trời. Một cách nào đó, Nước Trời đã thuộc về người đó. Như vậy, người đó sẵn sàng và vui mừng đón nhận Nước Trời, cũng như đón nhận Lời của Chúa Giê-su như lời của sức mạnh và lời đầy động viên, lời của niềm vui và lời của niềm hy vọng.[viii]

 

  • Bước suy niệm Mối Phúc thứ nhất về người nghèo khó.

 

- Mối Phúc nghèo trong sự liên hệ với một số đoạn Tin Mừng.

 

Trước hết, chúng ta để Martini hướng dẫn đi tìm giá trị và ý nghĩa của Mối Phúc thứ nhất này, bằng cách liên hệ đến những đoạn Thánh Kinh khác.[ix] Trong sự liên hệ đó, Martini chú ý rằng, những từ ngữ “lớn lao” của Thánh Kinh không bao giờ để cho tính xác thực của toán học định nghĩa. Những từ ngữ này luôn hướng đến chiều sâu của trái tim, hướng đến kho tàng nội tâm. Từ kho tàng này xuất hiện nhiều thái độ sống, và các thái độ đó được sống động trong đời thường. Đoạn Thánh Kinh đầu tiên nói về các trẻ nhỏ:

 

(1) “Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3). Paidion trong tiếng Hy-lạp chỉ một trẻ nhỏ từ 3 đến 8 tuổi. Trong tuổi này, trẻ nhỏ có niềm tin tưởng và rất đơn sơ. Em luôn tin tưởng và và nương tựa vào cha mẹ. Ai cũng thích chơi với trẻ nhỏ trong tuổi này. Thái độ của trẻ nhỏ ở đây là thái độ của con người trước Thiên Chúa. Thái độ này quan trọng và cần thiết, để bước vào Nước Trời và có thể đón nhận Nước Trời.

 

(2) “Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Nepiois, từ ngữ Hy-lạp này còn có thể dịch là “bé mọn”, và có ý nghĩa chỉ một trẻ nhỏ, rất nhỏ đến nỗi chưa bập bẹ được tiếng nào cả. Câu trên nói rằng, mặc khải của Thiên Chúa đến với những con người chưa một lần tự mình biểu lộ được chính bản thân mình. Thiên Chúa không mặc khải những mầu nhiệm cho những người đạo đức và thông thái, có đầy đủ kiến thức và không cần phải học hỏi nhiều nữa. Mầu nhiệm của Chúa được ưu tiên mặc khải cho những người khiêm nhường ý thức rằng, họ cần phải đón nhận tất cả mọi sự.

 

(3) “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới... Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,48.52), và “nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mt 19,30). Ai luôn chọn chỗ tốt nhất, ai luôn muốn là người quan trọng, dù phải bóc lột và chà đạp những anh chị em khác, thì người đó có sống xứng đáng với tư cách là con cái của Thiên Chúa chưa? Thiên Chúa yêu thương những người ý thức đón nhận hoàn cảnh của mình trong niềm tin tưởng vào Chúa, dù cho hoàn cảnh và chỗ ngồi của họ rất bình thường. Thiên Chúa dành ưu tiên cho những người luôn cậy nhờ vào Chúa, và ý thức rằng, chỉ có Chúa là lớn, lớn hơn tất cả mọi người.

Thiên Chúa muốn rằng, chúng ta cần sống thái độ luôn đơn sơ và cởi mở thật sự cho các mầu nhiệm. Nghĩa là chúng ta cần tự do trước thái độ tự kiêu về những gì mình có, nhờ đó chúng ta có khả năng tin tưởng vào Chúa và cậy trông vào Ngài. Một mẫu gương tiêu biểu là Đức Maria. Trong biến cố truyền tin Mẹ đã nói lời xin vâng với điều lớn lao mà Thiên Chúa muốn dành cho Mẹ. Mẫu gương khác thật đặc biệt chính là Chúa Giê-su. Trong mọi hoàn cảnh sống khác nhau của cuộc đời trần thế, Người luôn hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

 

Điều quan trọng là chúng ta không đặt niềm tin của mình trên bàn cân, nghĩa là đã biết hết tất cả mọi sự về Chúa, về mình và về người khác. Đôi khi có những tư tưởng đến trên chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Tôi biết hết tất cả. Tôi không cần phải được dạy dỗ nữa. Tự mình tôi có thể sống được mà…”. Các Mối Phúc và toàn thể sứ điệp của Tin Mừng tố cáo thái độ của kẻ no nê, kẻ tìm thỏa mãn bản thân trong sự tham lam của cải, quyền lực, kiến thức, đầy đủ và tiện nghi. Tiếc rằng, kẻ đó đã u mê từ bên trong, trở nên rỗng tuếch và lạnh lùng, không có một chút cảm giác sâu xa nào, không có chút tình người, không có niềm tin và niềm hy vọng.

 

Như thế, chỉ có những ai khiêm tốn ý thức sự hèn mọn của mình, những ai bé mọn như trẻ nhỏ luôn mở lòng với Thiên Chúa, tin tưởng và tín thác hoàn toàn vào Ngài, cũng như ý thức rằng, mọi sự họ nhận được, cũng như họ đáng có đều đến từ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đến với người đó để làm cho họ trở nên giàu có, sự giàu có của Nước Trời. Hình ảnh những người khiêm tốn, bé nhỏ và tin tưởng này tương phản với một số nhóm người khác trong xã hội hôm nay.

 

- Một vài nét chấm phá về đời sống xã hội hôm nay.[x]

 

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy rằng cuộc sống chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự giàu có. Rất nhiều người chỉ chạy theo tiền bạc và của cải. Giá trị bản thân và giá trị cuộc sống của họ lệ thuộc vào của cải và tiền bạc, như họ sẽ đi xe hơi hiệu gì và đời nào, cũng như sẽ mặc quần áo mác gì. Các em học sinh trong trường sẽ bị bạn bè chọc ghẹo, bị chê bai và đôi khi bị cô lập, nếu các em mang những đôi giày thể thao không có nhãn hiệu đắt tiền, cũng như quần áo của các em không hợp thời và không mang hiệu sang trọng. Như thế, cảm giác mình có giá trị, cũng như sự tự tin của các em một cách nào đó bị lệ thuộc vào những mác hay hiệu đắt tiền sang trọng của quần áo và những đồ dùng các em sử dụng. Nhiều người đã lệ thuộc vào những biểu tượng, những mác hiệu bên ngoài, và họ núp đàng sau những mác hiệu đó.

 

Kế bên đó, trong xã hội hôm nay, mọi sự được đong đếm với sự hiểu biết và làm chủ. Nghĩa là con người thời đại muốn nắm bắt mọi sự trong tay: cuộc sống của họ, mọi tài nguyên của thế giới này, và cả nhân loại. Trí thông minh không còn được dùng với mục đích đi tìm chân lý, đi tìm sự thật, mà trí thông minh trở thành một phương tiện cho việc làm chủ và điều khiển xã hội. Với sự hiểu biết kỹ thuật tân tiến, người ta muốn install – cài đặt trời cao vào đất thấp. Song song, chúng ta cảm thấy một sự đe doạ qua những cách suy nghĩ hiện đại này. Thật vậy, lòng ham muốn hiểu biết và làm chủ mọi sự của con người thời đại thật lớn lao. Nhiều nơi, người ta treo tấm bảng với hàng chữ nothing is impossible – không có gì là không thể. Lẽ ra hàng chữ này chỉ dành cho Thiên Chúa: nothing is impossible for God – không có gì là không thể đối với Thiên Chúa, nhưng thời đại hôm nay, con người đã gạt Thiên Chúa ra bên lề, và họ tự đề cao mình và ban tặng cho mình chỗ đứng của Thiên Chúa. Vì thế, chân lý và sự thật không còn được tính đến, mà chỉ có sự hiểu biết và những lợi thế đem lại tiền bạc và quyền lực cùng danh vọng được tính đến. Trước khuynh hướng sống này, chúng ta được phép có cái nhìn phê bình. Quyền lực và tiền bạc không thôi thì không giá trị gì trong bản chất của nó, và nó cũng không giúp gì, khi chúng ta không biết phải dùng nó cho việc gì hay dùng nó thế nào cho tốt. Hơn nữa, kinh nghiệm của cuộc sống cũng dạy chúng ta rằng, những sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, kế bên ảnh hưởng tích cực giúp ích cho cuộc sống, đều có ảnh hưởng phụ đôi khi rất nguy hiểm, và có thể tàn phá sự sống của nhân loại và của mọi loài trên trái đất này.

 

Trong hoàn cảnh sống này, may thay một lòng ao ước đi tìm sự khôn ngoan đích thật trỗi dậy. Đó là sự khôn ngoan không vụ lợi, sự khôn ngoan không đi tìm quyền lực để làm chủ người khác, mà là sự khôn ngoan có cái nhìn sâu xa hơn. Sự khôn ngoan nhận biết nguyên lý và nền tảng của sự sống, của sự hiện diện của con người trên trái đất này. Sự khôn ngoan này không muốn đạt đến bất cứ điều gì, nghĩa là sự khôn ngoan này không bị điều khiển bởi những tư tưởng thực dụng, bởi lòng tham vô đáy của con người. Sự khôn ngoan vô vị lợi này chỉ muốn ngắm nhìn, nhận ra, và ngạc nhiên trước sự thật và chân lý cao quý. Sự khôn ngoan này cũng tôn trọng mọi sự, không chiếm đoạt và làm chủ bất cứ sự gì. Thuộc về sự khôn ngoan vô vị lợi này, một cách nào đó chính là lòng khiêm nhường thẳm sâu. Lòng khiêm nhường với sự chú ý cao độ và với sự nhạy cảm sâu xa. Sự chú ý đến chân lý và sự thật của toàn bộ sự hiện diện và sự sống trên trái đất này. Ai có lòng ao ước sự khôn ngoan đích thật này, đều mang trong mình một lòng ao ước có được sự tự do đích thật, sự tự do của những người có tâm hồn nghèo khó.

 

- Người có tâm hồn nghèo khó là con người tự do đích thật.[xi]

 

Sự tự do đích thật là một trong những điều con người ao ước. Sự tự do này không được định nghĩa bởi sự dư đầy của cải và vật chất, không lệ thuộc vào khuynh hướng sống sung túc, càng có của cải nhiều càng sung sướng. Thật vậy, những ai giàu sụ với kho tàng của cải kếch xù, đều cảm nhận một cách đau đớn, là gia tài kếch xù đó không thể làm cho họ được hạnh phúc thực sự, ngược lại còn có thể làm cho họ trở nên những kẻ nô lệ của tiền bạc và của cải. Hơn nữa, kinh nghiệm của nhiều người giàu có cho biết, càng giàu và càng nhiều tiền thì càng dễ sinh tật. Tật cờ bạc, tật rượu chè, tật hút sách, tật đam mê dục vọng và quyền lực… Những thứ tật làm cho họ trở thành những kẻ nô lệ. Những thứ tật đó lại có những kết cục thật đau thương. Không chỉ đau thương cho chính bản thân và của cuộc sống của những người giàu có, mà còn đau thương cho người xung quanh.

Vì thế, một số người trong xã hội hôm nay đang ao ước một cuộc sống giản dị. Họ mong muốn có được sự tự do nội tâm đích thật, đến nỗi họ có của cải nhưng như là không có gì, và họ có thể ứng xử tốt với mọi hoàn cảnh của cuộc sống, lúc sung túc cũng như lúc nghèo khó. Thánh Phao-lô đã gọi tinh thần sống này này là tinh thần sống thánh hiến.  Hôm nay, nhiều người ao ước được thánh hiến theo nghĩa này, nghĩa là họ không hài lòng với cách sống hời hợt bề ngoài chỉ dựa vào tiền bạc và giàu sang, mà họ muốn đời sống của họ được cấy mầm, được thánh hiến trong tương quan chiều sâu với Thiên Chúa và với tha nhân. Một số bậc cha mẹ đã chia sẻ rằng, họ chỉ mong thoát khỏi cái cảnh cứ phải sắm sửa cho con mình quần áo và giày dép với hiệu mắc tiền, để con mình khi đến trường được chúng bạn chấp nhận, và không còn bị chê bai và bị bỏ rơi. Sự ao ước thoát khỏi áp lực mà xã hội tân tiến đưa lại, và sự ao ước có được tự do đích thật, nghĩa là sự tự do không lệ thuộc vào bất cứ mác hiệu quần áo hay bất cứ đồ dùng nào, là điều quan trọng. Con người hôm nay sống trong một xã hội tiêu thụ, nhưng rất hời hợt và rất bề ngoài, họ cần tìm cho mình một sự tự tin, không để cho những thứ bên ngoài, hay những ánh mắt bên ngoài định nghĩa hay định giá cho cuộc sống của mình, mà họ cần đi vào chiều sâu của cuộc sống, để gặp gỡ Thiên Chúa. Và trong tương quan sâu xa với Thiên Chúa, họ có thể trở thành những con người tự do đích thật, những con người khiêm tốn và có tâm hồn nghèo khó hoàn toàn, những người thuộc về Thiên Chúa.

Trước những ai có lòng khao khát sự khôn ngoan và tự do đích thật, Chúa Giê-su đã gởi đến cho họ Mối Phúc thứ nhất này. Mối Phúc dành cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Theo Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, Mối Phúc này của Chúa Giê-su không chỉ là một lời công bố, mà còn là hướng dẫn cho một con đường sống. Nghĩa là những ai lắng nghe và đón nhận Mối Phúc này, cần phải nỗ lực và làm việc với chính bản thân mình. Nghèo khó trong tâm hồn chính là thái độ sống mà các nhà thiêng liêng học và siêu nhiên học, cũng như các tâm lý gia đều nhìn như là con  đường dẫn đến hạnh phúc đích thật. Thái độ sống này là thái độ của sự tự do nội tâm thật sự. Có thể nói, trong ý nghĩa của Mối Phúc này theo Phúc Âm của thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự tự do nội tâm, và sự tự do nội tâm nhắc nhớ rằng: “Tôi không đeo bám bất cứ điều gì, và bất cứ ai. Tôi không cần đến của cải giàu sang. Nếu tôi có gì, tôi có thể chia sẻ với người khác cái đó. Tôi có thể hưởng thụ cái đó, nhưng tôi cũng không than van khi tôi không nhận được cái đó”. Sự tự do nội tâm với tất cả mọi thứ và với mọi nhu cầu là một trong những điều kiện cần thiết để đạt được hạnh phúc đích thật. Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận đã viết trong Đường Hy vọng: “Người ít đòi hỏi là người sướng, vì thấy mình đầy đủ. Người nhiều đòi hỏi là người cực, vì thấy mình thiếu thốn mãi”. (Đường Hy vọng số 409).

Ngoài ra, những ai có được sự tự do nội tâm, thì họ luôn cởi mở chân thành với mọi sự, nghĩa là họ luôn chân thành cởi mở và đón nhận bất cứ điều gì Thiên Chúa và anh chị em ban tặng trong mỗi ngày sống. Với họ những gì họ đón nhận đều là quà tặng và ân sủng của Thiên Chúa, nên họ đón nhận với lòng quảng đại. “Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con sử dụng, của người nghèo”. (Đường Hy vọng số 414). Khi biết trân quý những hồng ân và món quà Chúa ban, thì người có tinh thần nghèo cũng trân quý những giọt mồ hôi và công sức của nhiều người đã hy sinh làm ra những của cải vật chất: “Khó nghèo trước tiên là tập trung của cho đúng. Một cốc cà-phê, một cốc bia! Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó. Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh”. (Đường Hy vọng số 422)

Như thế, mỗi ân sủng và mỗi món quà đều làm cho người có tâm hồn nghèo vui mừng và biết ơn. Tâm hồn họ thực sự trống rỗng và luôn ao ước tìm đến sự tràn đầy đích thật. Sự tràn đầy và dồi dào mà Đức Ki-tô ban cho họ, vì Ngài đến để cho con người được sống và sống dồi dào hơn. Thật vậy, những ai có sự tự do nội tâm đích thật, kể cả tự do với chính bản thân mình, thì dễ dàng tìm được sự dồi dào phong phú và tràn đầy trong cuộc sống.

 

- Người có tâm hồn nghèo khó là người tự do với chính bản thân.[xii]

 

Theo các nhà thần bí Ki-tô giáo, người có tâm hồn nghèo khó là người không chỉ tự do với mọi thứ trên trần gian, mà còn tự do với chính bản thân mình, không bám víu vào chính cái tôi của mình, và họ luôn cởi mở đối với Thiên Chúa. Như đã nói sơ qua ở trên, nhà thần bí Meister Eckhart đã nhắc đến ba cách thức nghèo khó: Người có tinh thần nghèo khó là người không muốn gì cả, không biết gì cả, và không sở hữu gì cả. Dưới đây, xin khai triển một chút, để phần nào hiểu được điều mà nhà thần bí người Đức nói tới.

 

Người có tinh thần nghèo khó là người không muốn gì cả nghĩa là gì? Người đạo đức thiêng liêng hiểu điều này theo tâm tình: họ không muốn đạt được bất cứ điều gì trên con đường thiêng liêng. Họ không dùng Thiên Chúa như là một đối tượng, để đạt bất cứ điều gì cho bản thân, hay để thoả mãn những ước vọng riêng tư, và họ cũng chẳng muốn có được những cảm nhận chắc chắn nhờ sự che chở của Thiên Chúa. Người có tinh thần nghèo khó là người vô vị lợi, và không có bất cứ ẩn ý hay mục đích gì riêng tư cho bản thân. Tinh thần vô vị lợi này là điều kiện cho cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa và với tha nhân. Thật vậy, ai có ẩn ý gì trong tương quan với người khác, thì tương quan đó hàm chứa một sự giới hạn nhất định. Trong tương quan đó, người ta không thể gặp gỡ được người khác trong chiều sâu thật sự. Đó là tương quan mang ý nghĩa đổi chác và buôn bán – có qua có lại mới toại lòng nhau.

 

Người có tinh thần nghèo khó là người không biết gì cả. Tinh thần này chúng ta có thể tìm thấy trong văn học khôn ngoan của nhiều dân tộc. Người khôn ngoan thực sự là người biết rằng, ông ta không biết gì cả. Từ triết gia Sokrates, tinh thần này đã được loan truyền. Meister Eckhart hiểu điều này theo tâm tình tôn giáo, nghĩa là người khôn ngoan thực sự cũng không biết gì về sự hoạt động và ảnh hưởng của Thiên Chúa trong bản thân mình. Nghĩa là người khôn ngoan thực sự phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Ông ta cũng chẳng biết, khi nào và bằng cách nào Thiên chúa hoạt động trong ông. Người khôn ngoan từ chối giải thích về sự hoạt động của Thiên Chúa. Ông trân trọng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ông nói lời từ biệt hoàn toàn với sự tò mò của trí hiểu, cứ muốn biết và kiểm tra được mọi thứ. Ông chỉ khát khao một sự khôn ngoan đích thật, sự khôn ngoan vô vị lợi và không hàm chứa bất cứ ẩn ý nào.

 

Người có tinh thần nghèo khó là người không sở hữu gì cả. Không có gì thuộc về tôi cả. Tôi được phép đón nhận và tận hưởng tất cả, nhưng tôi luôn ý thức rằng, tất cả tôi được cho mượn và được ban tặng cho cuộc sống này. Kể cả thân xác của tôi cũng là một món quà ban tặng cho chính tôi. Tôi không thể làm chủ thân xác mình. Tôi cần ý thức chăm sóc bản thân để có một cuộc sống mạnh khoẻ, nhưng nếu bệnh tật đến tôi không thể từ chối. Dù không muốn mở cửa nhưng bệnh tật vẫn vào được căn nhà thể xác của tôi. Rồi nhiều người tôi yêu thương cũng không thuộc về tôi. Họ luôn tự do. Chỉ khỉ nào tôi để cho họ tự do với cuộc sống của họ, tôi mới thực sự yêu thương họ. Kể cả Thiên Chúa, Ngài cũng không thuộc về tôi. Tôi không sở hữu Thiên Chúa. Tôi tín thác cuộc sống tôi, thân xác tôi và tâm hồn tôi trong bàn tay của Thiên Chúa, và tôi cũng không chờ đợi nhận được bất cứ điều gì.

Đó là thái độ nghèo trước mặt Thiên Chúa mà Meister Eckhart muốn diễn tả. Khi Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta với thái độ nghèo đó, Ngài sẽ đón nhận và cho chúng ta hiệp nhất với Ngài. Thật vậy, ai có tâm hồn nghèo khó và đôi tay trống rỗng trước mặt Thiên Chúa, thì người đó có thể cảm nhận được hạnh phúc lớn lao đang chờ đợi người đó. Còn ai đang dang đôi tay ra ôm Chúa vào lòng, và chỉ muốn gìn giữ Chúa cho riêng mình, như Chúa là sở hữu của mình, thì người đó chỉ ôm ấp một tấm hình mà thôi. Thiên Chúa là Thiên Chúa của tự do. Ngài không để cho những ai có tâm hồn tham lam giàu có sở hữu Ngài, để sử dụng Ngài cho mục đích riêng tư của họ.

 

Anh em Phật Giáo trong giáo lý của họ cũng đề cập đến thái độ sống nghèo khó trong tâm hồn qua tinh thần tránh tham sân si, và tinh thần không bám víu vào bất cứ sự ham muốn nào. Đức Phật đã dạy: “Đa dục vi khổ” nghĩa là còn ham muốn nhiều thì còn khổ nhiều, càng hy vọng nhiều thì càng thất vọng nhiều, càng chứa nhiều thì tâm ta càng trĩu nặng. Xã hội văn minh hôm nay đưa lại cho con người rất nhiều vật chất, nhưng bên cạnh đó cũng cướp mất cuộc sống đơn giản thường tình nơi con người, cướp mất cái hạnh phúc chân thật của con người, làm cho con người đánh mất đi lương tâm và những điều tốt đẹp trong tương quan với những người mà chúng ta thương mến, đó là cái mà người ta quý hơn tất cả mọi thứ tiền tài vật chất trên đời. Mà bất hạnh thay, đôi khi ta lại chửi rủa hay cãi cọ với anh chị em của chúng ta, chỉ vì những thứ vật chất rất tầm thường. Vì thế, muốn tránh cảnh làm nô lệ cho vật chất tiện nghi, hay nô lệ cho tiền bạc và của cải, cần tập cho mình cuộc sống đơn giản, một cuộc sống với tự do nội tâm sâu xa.

 

Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là mình phải đi lùi với đời sống xã hội bên ngoài. Chúng ta sống một cách thanh thản và tạo ra của cải vật chất, để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau. Nhưng điều cốt yếu là chúng ta không chạy theo vật chất, tiền bạc và làm nô lệ cho chúng. Cần tập sống đơn giản không phải quá ưu tư, lúc đó tâm hồn chúng ta tự nhiên sẽ được nhàn nhã hơn. Chúng ta có một đời sống ý nghĩa và có lợi ích cho mọi người, còn không chúng ta cứ sống theo vật chất, cứ chạy theo tiền bạc và của cải, thì chẳng khác nào con thiêu thân lao vào lửa tự giết mình. Như thế, để có được một cuộc sống thanh cao và hạnh phúc, điều cốt yếu là chúng ta phải làm cách nào cho thân tâm mình được hoàn toàn tự do, ra ngoài mọi trói buộc. Thiếu tự do đích thực, thì chẳng thể thấu rõ đâu là chân lý, đâu là lầm lẫn. Không tự do thì cuộc sống trở nên cạn cợt, chẳng có mục đích, lý tưởng. Người thiếu tự do hằng lệ thuộc mọi ảnh hưởng, mọi áp lực do gia đình, tài sản, bạn bè, xã hội, sự sống chết. Tự do thật sự chỉ ở trong con người thanh bạch, có nếp sống giản dị, ngây thơ như đứa trẻ, không dính mắc trong khao khát dục lạc, không bị trói buộc bởi bất cứ việc gì. Tư cách dứt bỏ để sống cuộc đời tri túc, nghĩa là cuộc sống biết mình được như thế là đã đủ, không còn mong gì hơn, hay luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại và không đòi hỏi điều gì thêm, cũng là điều kiện tối cần để đưa người vào nếp sống tự do. Dứt bỏ cũng là nguyên nhân đem lại tình thương cao cả.

 

Tinh thần dứt bỏ mọi sự để có được tự do nội tâm thật sự, và có được một đời sống giản dị, giúp chúng ta nhận ra được sự tương đối của kiếp sống làm người. Trịnh Công Sơn một cách nào đã hiểu được triết lý nhân sinh này, nên ông đã diễn tả trong nhạc phẩm Ở Trọ:

Con chim ở đậu cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.

Tôi nay ở trọ trần gian,

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.

 

Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước rất sinh động, gợi cảm, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Con chim nào đậu mãi trên cành cây? Con cá nào trọ hoài trong dòng nước? Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dòng đời cũng vận hành theo duyên nghiệp hợp tan. Nhưng Ở Trọ của nhạc sĩ họ Trịnh kia hình như luôn hướng về chốn xa xăm cuối trời. Chốn xa xăm cuối trời là ở đâu? Trong cái nhìn của Ki-tô hữu, chốn xa xăm cuối trời đó không vô định. Chốn đó là nơi mà người có niềm tin vào Thiên Chúa được Đức Ki-tô hứa ban, đặc biệt dành cho những người có tâm hồn nghèo khó, những người không đui mù bám vào bất cứ tài sản nào hay điều gì trong thế giới này. Chốn đó là Nước Trời, là nơi người có tâm hồn nghèo khó được kết hiệp với Thiên Chúa.

 

- Người có tâm hồn nghèo khó được kết hiệp với Thiên Chúa.

 

Đối với Grégoire de Nysse tâm hồn nghèo khó chính là điều kiện quan trọng và cần thiết, để trong sự tự do hoàn toàn, người ta được nâng lên đến với Thiên Chúa. Grégoire không giải thích Mối Phúc thứ nhất này trong ý nghĩa luân lý như là thái độ từ bỏ tất cả mọi của cải vật chất, mà tâm hồn nghèo khó như là con đường siêu việt để đến với Thiên Chúa: “Bạn muốn biết ai là người có tâm hồn nghèo khó? Đó là người đánh đổi sự sung sướng của thân xác với sự giàu có của tâm hồn. Đó là người giũ bỏ sự giàu có như là gánh nặng, để tự vươn dậy và bay lên cao, để được đưa lên với Thiên Chúa trên tầng trời cao, như Thánh Tông Đồ đã diễn tả (x.1Th 4, 16)”.[xiii]

Như thế, sự nghèo khó nội tâm giải thoát chúng ta khỏi mọi đam mê. Sự nghèo khó nội tâm đưa chúng ta lên núi Bát Phúc để gặp Chúa, giúp chúng ta nâng tâm hồn lên và trong ân sủng được hiệp nhất với Ngài. Trong khi của cải vật chất kéo ghì chúng ta xuống đất thấp, thì tâm hồn tự do thực sự với tất cả mọi ham muốn vật chất có thể được nâng lên cao để đến với Thiên Chúa, và hiệp nhất với Ngài trong tình yêu tinh tuyền. Chúa Giê-su chính là mẫu gương tuyệt hảo nhất, Ngài đã sống tinh thần các Mối Phúc, tinh thần nghèo cách triệt để, để rồi trong thiên tính và trong nhân tính, Ngài luôn kết hiệp với Thiên Chúa.

 

[i] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.20-21.

[ii] X. CANTALAMESSA, R O.F.M. CAP., Beatitudes, t.1-4.

[iii] STRECKER G., Die Bergpredigt, Ein exegetischer Kommentar, s.33-34.

[iv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.20-21.

[v] CHARPENTIER E., Hướng dẫn đọc Tân Ước, Lm. Carolo Hồ Bặc Xái chuyển dịch, ĐCV. Thánh Quý 1995, t.175.

[vi] Lm. TRẦN ĐÌNH QUẢNG, Sứ Điệp của Đức Giê-su, viết theo Francois VARILLON SJ., Le message de Jésus, Bài 12, Bài Giảng Trên Núi, Tám Mối Phúc (phần 01). Nguồn: simonhoadalat.com.

[vii] X. LUZ U., Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, s.207.

[viii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.22.

[ix] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.23-25.

[x] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.30-31.

[xi] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.31-33.

[xii] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.33-35.

[xiii] GRÉGOIRE de Nysse, Les Béatitudes, Migne Editions, Paris 1997, t.38.

bottom of page