top of page

Phần 4:

Xin Cha cho chúng con

hôm nay lương thực hằng ngày.

 

 

 

Mới nhìn qua, phần hai của kinh Lạy Cha có vẻ trái ngược với phần một. Nếu những lời cầu xin đầu tiên liên hệ đến kế hoạch cứu độ, thì các lời cầu xin còn lại của kinh Lạy Cha lại đề cập đến những nhu cầu hằng ngày, thậm chí những nhu cầu trần tục của con người như lương thực để ăn. Các lời cầu xin này không ăn khớp với nhau một cách rõ ràng lắm so với các lời cầu xin trước[i]. Giờ đây xin đi vào lời kinh « xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày », một lời kinh ở số nhiều.

 

Lời kinh ở số nhiều.

 

‘Xin Cha cho chúng con’, một lời cầu xin ở số nhiều. Điều này có ý nghĩa gì ? Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Kitô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Kitô hữu, mà để động viên họ khi thấy họ đói, ai cần thì phải giúp họ thấy khuôn mặt của Đức Kitô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn[ii]. Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết : « Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các an hem, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (X. Lc 16, 19-31) và cuộc phán xét chung (Mt 25, 31-46) »[iii].

 

Lương thực vật chất cần thiết cho cuộc sống.      

 

« Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ». Trong lời cầu xin này, từ ngữ « lương thực hằng ngày » được chú ý và được tranh luận nhiều. Trước hết, « lương thực » chỉ về tấm bánh mì được dùng như lương thực hằng ngày. Đó là ý nghĩa của vật chất.

Trong Kinh Thánh, khi nói ban bánh là có ý nói nuôi ăn, cấp đỡ cho các nhu cầu. Như trong sách Châm ngôn:

« Xin đừng cho tôi giàu sang hay nghèo nàn,

Chỉ xin cho có một phần bánh thôi » (Cn 30,8).

 

Đối với các Kitô hữu ngày xưa, lương thực hằng ngày là một thí dụ rất sống động để nói lên những ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Như thánh Gioan đã lưu ý, nó làm cho ta nhớ tới Manna mà Chúa đã ban cho dân Người trên đường xuất hành khi băng qua sa mạc. Như tấm bánh mà Đức Giêsu bẻ ra, trong giờ ăn được nhân lên một cách lạ lùng, đã làm đám dân đang đói nhớ tới Manna ngày xưa ấy. Hơn nữa, theo Luz, lời kinh này cũng liên hệ đến mối phúc đầu tiên trong các mối phúc : « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó» (Mt 5, 3a). Điều này diễn tả sự quan tâm đặc biệt của Chúa, sự gần gũi và tình yêu của Ngài đối với con cái của Ngài, những người con luôn thiếu những nhu cầu cần thiết nhất để sống và tồn tại[iv]. Như vậy, lời kinh Lạy Cha ở đây dạy chúng ta chỉ xin lương thực đủ cho cuộc sống thường ngày, để khuyên chúng ta ngày ngày hãy sống trong vòng tay Chúa. Lời kinh này cũng thúc giục chúng ta đừng có tích trữ, bởi vì phần thặng dư là phần của người túng thiếu. Là khách lữ hành trong cuộc vượt qua mới, chúng ta phải có tâm hồn nghèo khó, tìm kiếm Nước Chúa trên hết, không quá lo tới ngày mai[v].

 

Như vậy, lời cầu xin cho được lương thực hằng ngày nói lên tinh thần ý thức sống đơn sơ với những nhu cầu cần thiết, chứ không cầu xin cho có được một cuộc sống tiện nghi dư thừa. Grégoire de Nysse đã nhấn mạnh điều này : khi chúng ta cầu xin như vậy, là chúng ta cầu xin cho những nhu cầu thiết yếu cho đời sống, chứ chúng ta không xin có một cuộc sống vương giả nhung lụa kiểu đại gia, không cầu xin cho có nhiều vòng vàng và những viên đá quý, không cầu xin có được những tà áo sang trọng, những chiếc bình bạch ngọc trưng bày trong nhà cao cửa rộng, cũng chẳng cầu cho có được đàn Ngựa và đàn Bò béo tốt. Tóm lại chúng ta cầu xin những đồ vật và lương thực không cám dỗ và lôi chúng ta ra khỏi tương quan thân mật với Thiên Chúa[vi].

 

Tương hợp với tâm tình của Grégoire, Théodore de Mopsueste, trong bài viết về Kinh Lạy Cha mang tính cách luân lý, cũng đã nhấn mạnh lời cầu xin này liên hệ đến những nhu cầu thiết yếu cho đời sống thường ngày : « Tôi cho phép các bạn sử dụng những đồ đạc của thế gian này, với điều kiện các bạn hài lòng với những nhu cầu thiết yếu, và không bao giờ đòi hỏi hay tìm kiếm những thứ vượt trên nhu cầu thiết thực. Về điều này Thánh Phao-lô đã nhắc nhở, khi Ngài nói : « Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ“ (1Tm 6, 8), Chúa Giêsu đã gọi đó là „bánh“, để ám chỉ đến một nhu cầu thiết yếu. Chúng ta chân nhận rằng, bánh là lương thực quý báu nhất của mọi thứ để giúp nuôi sống và giúp tồn tại trong cuộc sống trên trần gian này“[vii].

 

Để hiểu sâu hơn ý nghĩa của tử ngữ « tấm bánh hằng ngày », thì cần đi vào chính kinh nghiệm của người nghèo, của những ai sống trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực nuôi sống, như kinh nghiệm của Cha Alfred Delp ở trong tù của Phát-xít. Cha viết: « Lời cầu xin này đầu tiên chỉ về lời cầu xin tấm bánh vật chất… Để học được tinh thần tôn trọng tấm bánh là lương thực nuôi sống, và để ý thức sự vất vả lo toan kiếm được tấm bánh, người ta cần phải trải qua kinh nghiệm một lần bị bỏ đói, đói từ tuần này qua tuần khác, cái đói dày vò thân xác con người. Và người ta cũng cần một lần trải nghiệm sự đói khổ, để khi bất ngờ nhận được một mẩu bánh, là thực sự nhận được một ân sủng cao quý từ trên trời ban xuống »[viii].

 

Dù đã chân nhận được giá trị của tấm bánh, của lương thực hằng ngày cần có để con người có thể sống còn, nhưng Alfred Delp vẫn xác tín rằng : « Tấm bánh mì thật quan trọng và giá trị, nhưng nếu chỉ có tấm bánh mì thôi, thì không thể nuôi sống và làm cho con người tồn tại được… Bánh mì thì quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tự do và quan trọng nhất là sự trung tín vững bền và tinh thần thờ lạy không ngơi nghỉ »[ix]. Trong tâm tình này, lương thực cho thân xác và những « lương thực cho linh hồn » đều cần thiết cho con người, và cả hai đều quyện lẫn và liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể gỡ ra được. Con người cầu nguyện, kêu gọi, đau khổ, hy vọng là con người toàn diện. Vì thế, con người toàn diện ấy phải được nuôi sống ít nhất là ở mức tối thiểu, thì mới sống Tin Mừng, sống theo tinh thần của Thiên Chúa được. Nói cách khác, với lời cầu xin này ta thấy rõ chiều dọc và chiều ngang phải cân xứng nhau, có chiều này mà không có chiều kia là què cụt. Vì thế, lời cầu xin không chỉ đề cập đến của ăn vật chất mà còn nói đến lương thực thiêng liêng.

 

Lương thực thiêng liêng cho đời sống.

 

Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh. Đó là điều Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan muốn nói, trong bài giáo lý tiếp theo sau trình thuật bánh hoá nhiều. Đức Giêsu đến không phải để làm một việc phụ trội, nhưng để đáp lại những tiếng gọi rất sâu xa. ‘Cái hơn ấy ở trong chính bản thân anh’. Bánh hoá nhiều, phép lạ ấy phải làm ta nhận ra nơi mình còn có một nguyện vọng cao hơn nữa, một sự đói khát mà chỉ mình Chúa mới có thể thoả mãn được khi ta được ở với Người trong Nước Trời[x].

 

"Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6, 26-27). Với lời này, Chúa Giêsu muốn kéo những con người nông cạn, chỉ tìm cơm bánh vật chất, đi vào nhu cầu nội tâm thiết yếu hơn của đời người. Thật vậy, con người không nên đui mù chỉ biết chạy theo cái “dạ dày” của mình, chỉ lo thứ lương thực chóng qua không đem lại sự sống vĩnh cửu. Ngược lại, con người cần phải vượt ra khỏi chính mình, vượt ra khỏi cái thế giới vật chất đầy giới hạn này, để đi vào một vũ trụ bao la hơn, đó là đi vào tương quan thân mật với Chúa qua chính niềm tin của mình, niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đến để con người được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Đối với Tertulian, khi cầu xin tấm bánh hằng ngày là chúng ta cầu nguyện được liên lỉ sống với Chúa Kitô, và được trở nên một với thân thể của Ngài[xi].

 

Theo Martini, tấm bánh thiêng liêng là tấm bánh của niềm tin và niềm hy vọng. Khi chúng ta cầu nguyện: “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, là chúng ta cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần và của chính Đức Kitô, ân sủng đó như là món quà và bảo đảm cho ý nghĩa đích thực của cuộc sống chúng ta. Hơn nữa, khi cầu xin tấm bánh thiêng liêng, là chúng ta cũng cầu xin cho có được sự hiện diện gần gũi và thân tình của Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ để chúng ta cô đơn một mình. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ, trong bữa tiệc thánh thể, và Ngài cũng đang ngự trong nhà tạm[xii]. Về điều này, thánh Phêrô Kim Ngôn diễn tả thật sống động : « Cha trên trời thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời. Đức Kitô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nướng trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu »[xiii].

 

Còn thánh Têrêsa thành Avila, khi suy niệm lời kinh này, khuyên chúng ta cần chú ý cầu xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ thiếu Chúa, và cũng xin Chúa giúp chúng ta có được một lòng khát khao để đón nhận Ngài cách xứng đáng[xiv].

Thật vậy, chính Đức Kitô ban lương thực làm cho đời sống chúng ta dồi dào. Hơn nữa, chính Ngài là bánh hằng sống cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

 

« Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! » (Ga 6, 32-35). Đức Kitô chính là tấm bánh trường sinh, nhưng ở đây mang cả hai hình ảnh, tất cả những ai đến với Ngài sẽ được làm cho no nê không phải đói nữa, và ai tin vào Ngài thì cơn khát mãi mãi „không còn khát nữa“. Như vậy, kết hiệp với Đức Kitô, thì đời sống chúng ta sẽ được no thỏa, và khi kết hiệp với Đức Kitô, chúng ta cũng ý thức sống theo thánh ý của Cha trên trời.

Trong phúc âm thánh Gioan, Đức Kitô đã nói: „Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người“ (Ga 4, 34). Như vậy, tấm bánh thiêng liêng nối kết với tinh thần sống theo thánh ý của Cha. Ở đây, chúng ta thấy sự liên hệ chặt chẽ của lời kinh này với lời kinh trước: „Xin cho ý Cha được thể hiện“. Vì thế, mỗi lần cầu xin lương thực cho cuộc sống, chúng ta cũng xin nhận ra được thánh ý của Cha, và biết sống trọn vẹn theo thánh ý của Cha, như Đức Kitô đã sống. Thật vậy, một trong những hình ảnh mà Đức Kitô vâng theo ý Cha, như là lương thực nuôi sống, là sống tinh thần nhân từ và tha thứ. Đó là tinh thần kế tiếp của Đức Kitô dạy chúng ta cầu nguyện với Cha.

 

 

 

 

 

 

[i] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.59.

 

[ii] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.60.

 

[iii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2831, t.784.

 

[iv] X. LUZ U., Das Evangelium nach Mattheus, 1.Band, t.351.

 

[v] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.60.

 

[vi] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.99.

 

[vii] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.156.

 

[viii] DELP A., Gesamte Schriften, Band IV, t.235.

 

[ix] DELP A., Gesamte Schriften, Band IV, t.236.

 

[x] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.61.

 

[xi] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, t.33.

 

[xii] MARTINI C., Le Notre Pere, t.36.

 

[xiii] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2837, t.786.

 

[xiv] Thrérèse d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981, p. 156.

bottom of page