top of page

- Yêu thương là xây dựng hoà bình.

 

Để xây dựng hoà bình, cần sống yêu thương. Để có được bình an trong tâm hồn và trong cuộc sống, cần sống yêu thương. Đó là bí quyết tìm được bình an. Chúa Giê-su đã dạy dỗ chúng ta, cùng với tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa chúng ta cần biết yêu thương người đồng loại: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27), và “anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). Chỉ khi sống tinh thần tình yêu, tinh thần agape, và chỉ khi thực thi những điều tốt lành cho anh chị em bên cạnh mình, thì chúng ta mới trở nên những con người xây dựng hoà bình.

 

Chiến tranh, hận thù và chia rẽ chỉ sinh ra sự thiếu thốn tình yêu trong trái tim con người, như thánh Giacobê nói trong thư của ngài: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2). Như thế, để xây dựng bình an, thì cần sống yêu thương. Yêu thương là phong cách sống, là bản chất chính yếu của người Ki-tô hữu.

Thần học gia Hans Urs von Balthasar, trong tác phẩm “Wer ist ein Christ? – Là ai, một người Ki-tô hữu ?”, đã có một chương nói về Tình yêu – phong cách sống của người Ki-tô hữu.  Balthasar nhấn mạnh tình yêu là điều nền tảng của đời sống người Ki-tô hữu. Tình yêu này bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ngài là kiểu mẫu của tình yêu và mọi tín hữu, khi đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, thì cần phải thể hiện tình yêu đó với tha nhân, với mọi anh chị em: “Người ta chú ý đến một điều quan trọng lạ lùng của Thánh Gio-an: ‘Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta’ (1Ga 4,10). Điều gợi ý quan trọng này là nền tảng của Ki-tô giáo. Dựa trên nền tảng này, tình yêu của chúng ta dành cho nhau được sống động.

 

Hướng đi của tình yêu này là từ chúng ta đến với Thiên Chúa và đến với tha nhân. Cả hai được hiệp nhất trong Chúa Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa và là Người, là Thiên Chúa ở giữa chúng ta và là Người cho chúng ta. ‘Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối’ (1Ga 4,20). ‘Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân’ (1Ga 3,14-15). ‘Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8). Cách thức yêu thương của chúng ta được xác định qua điều, khi chúng ta đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa, thì tương hợp như thế chúng ta cần phải trao ban tình yêu đó cho anh chị em. ‘Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em’ (1Ga 3,16). ‘Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau’ (1Ga 4,11). Tình yêu từ Thiên Chúa đến với chúng ta, và tình yêu mà chúng ta trao cho nhau, hướng đi của tình yêu này có trung tâm điểm là lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Ki-tô, Ngài đã trao ban cho chúng ta một sứ điệp của tình yêu: ‘Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy’ (Ga 14,15.24; 15,12-14)”.[i]

Baltharsar nói về phong cách sống của người Ki-tô hữu là sống tình yêu thương. Còn với thần học gia Ratzigner, thì bản chất của người Ki-tô hữu nằm ở trong nguyên lý nền tảng - nguyên lý yêu thương. Trong tác phẩm quan trọng Einfuehrung in das Christentum, Ratzinger đã có một phụ chương bàn về Cấu trúc Ki-tô giáo. Trong đó, Ratzinger đề cập đến sáu nguyên lý của cấu trúc Ki-tô giáo. “Nguyên lý cho” là một trong sáu nguyên lý: “Đức Tin Ki-tô giáo đòi buộc từng cá nhân, nhưng lại muốn cá nhân sống cho toàn thể chứ chẳng phải cho riêng mình. Vì thế chữ ‘cho’ phải là quy luật nền tảng của đời sống Ki-tô hữu. Nó là hệ quả tất yếu của những gì đã bàn trên đây. Vì thế, trong bí tích Thánh Thể, bí tích trọng tâm của phụng vụ Ki-tô giáo, sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô được trình bày như là sự sống ‘cho nhiều người’ – ‘cho anh em’… Là Ki-tô hữu chủ yếu có nghĩa là cuộc vượt qua từ cuộc ‘sống cho mình’ sang cuộc ‘sống cho nhau’…

 

Như thế, lựa chọn căn bản của Ki-tô hữu hay chấp nhận sống đời Ki-tô hữu có nghĩa là rời bỏ cuộc sống chỉ quy vào cái tôi để tháp nhập vào đời sống của Đức Giê-su Ki-tô, một đời sống hoàn toàn khai mở ra với toàn thể. Cũng vậy, lời Đức Giê-su kêu gọi vác Thánh Giá đi theo Ngài không hề nhắm đến lòng đạo đức cá nhân, nhưng nói lên một đòi hỏi căn bản: hãy từ bỏ cuộc sống an thân, khép kín của cái tôi, hãy ra khỏi chính mình, đóng đinh cái tôi của mình, hầu có thể bước theo Đấng chịu đóng đinh và sống cho tha nhân… Gio-an lại dùng một hình ảnh rút ra trong thiên nhiên để diễn tả tất cả những điều trên, và qua đó chân trời được nới rộng tới chiều kích vũ trụ chứ không dừng lại ở bình diện nhân học và lịch sử cứu độ. Thật vậy, ở đây cơ cấu nền tảng của đời sống Ki-tô hữu nói cho cùng đã mang dấu ấn của Tạo Dựng: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác’ (Ga 12,24). Trong vũ trụ đã có quy luật này, là chỉ xuyên qua cái chết, xuyên qua việc mất đi chính mình, thì mới xuất hiện sự sống mới”.[ii]

Cuối cùng, Ratzinger đã kết luận rằng: “Để khái quát lại tất cả những điều trình bày ở trên, có thể nói rằng: sáu nguyên lý mà chúng ta vừa cố gắng phác họa làm nên cấu trúc chính yếu của hiện hữu Ki-tô giáo và đồng thời nói lên yếu tính của Ki-tô giáo hay ‘bản chất của Ki-tô giáo’. Các nguyên lý đó cũng nói lên điều mà chúng ta có thể gọi là ‘kỳ vọng tuyệt đối’ của Ki-tô giáo, một khái niệm bị hiểu lầm rất nhiều. ‘Kỳ vọng tuyệt đối’ của Ki-tô giáo đề cập ở đây chủ yếu nằm nơi các nguyên lý ‘Đặc Thù’, nguyên lý ‘Cho’, nguyên lý ‘Hoàn Tất’ và nguyên lý ‘Hiện Thực’. Các nguyên lý nền tảng này cho thấy ý nghĩa đặc biệt của kỳ vọng mà Đức Tin Ki-tô giáo khẳng định, và cần phải khẳng định trước lịch sử các tôn giáo nếu muốn tiếp tục sống đúng với chân tính của mình…Chúng ta đã xem sáu nguyên lý nói trên một cách nào đó giống như những hạt cơ bản cấu tạo nên hiện hữu Ki-tô giáo. Nhưng vấn đề là: Đàng sau các nguyên lý đó chẳng lẽ lại không có một trọng tâm đơn giản, duy nhất của thực tại Ki-tô giáo hay sao? Có, có một trọng tâm như thế và tôi nghĩ rằng, giờ đây, sau tất cả những suy tư trên, chúng ta có thể khẳng định cách vững chắc, chứ không đơn giản là một tâm tình đạo đức, rằng sáu nguyên lý đó cuối cùng quy về một nguyên lý duy nhất, đó là Tình Yêu. Nói cách mộc mạc, dù có thể gây hiểu lầm: Ki-tô hữu đích thực không phải là thành viên của một giáo phái, nhưng là kẻ, xuyên qua cách sống Ki-tô hữu mà trở thành con người đầy chất người. Ki-tô hữu đích thực không phải là kẻ chỉ biết cắm cúi tuân theo một hệ thống phép tắc cách nô lệ, chỉ biết lo cho riêng mình, nhưng là kẻ đã nên tự do với tấm lòng rộng mở, sẵn sàng sống vì tha nhân”.[iii]

 

Phong cách và bản chất của người Ki-tô hữu là sống vì tha nhân như Chúa Giê-su đã sống, là yêu mến tha nhân đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình như Chúa Ki-tô đã làm. Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, nhiều chứng nhân đã thực sự sống tinh thần tình yêu của Đức Ki-tô, và qua chính sự dấn thân hết mình vì yêu thương tha nhân, đặc biệt yêu thương những người bất hạnh, nên họ đã đưa bình an vào một thế giới có quá nhiều khập khễnh, quá nhiều bất công của chúng ta. Chứng nhân đầu tiên trong thời đại của chúng ta có thể kể đến, chính là mẹ Têrêsa thành Can-cut-ta. Thế giới đã quyết định trao cho nữ tu đơn sơ bình dị giải thưởng cao quý Nobel hoà bình vào năm 1979. Giải thường này vinh danh những nhân vật xả thân để xây dựng hoà bình trong thế giới chúng ta. Nhưng mẹ Têrêsa đã xây dựng hoà bình như thế nào? Mẹ đã sống tinh thần yêu thương mà Chúa Giê-su đã dạy.

 

Tình yêu mà mẹ và biết bao nữ tu bác ái của mẹ dành cho những người bất hạnh nhất, những người phong hủi, những kẻ ăn xin ngoài đường phố, những người bị bệnh Sida, những phụ nữ kém may mắn bị bỏ rơi, những trẻ em mồ côi bị bỏ lê lết giữa chợ đời, và cả những người nghèo khổ đang nằm chờ chết được mẹ và các nữ tu đưa vào nhà hấp hối, để họ có thể chết như một con người, chứ không phải chết như một con thú giữa góc đường mà chẳng ai lưu tâm đến. Mẹ đã nói: “Họ đã sống như một con thú, giờ đây ít nhất họ được chết như con người”.[iv] Khi nhận giải Nobel hoà bình, mẹ Têrêsa đã có bài thuyết trình ở sảnh đường đại học Oslo, và mẹ đã nhắc tới cả bào thai bị giết trong bụng mẹ, và những người nghèo cần được quan tâm: “Sự tàn phá hoà bình lớn nhất ngày hôm nay là tiếng kêu của các thai nhi vô tội và không được sinh ra…Đối với tôi, những đất nước cho phép phá thai, là những đất nước nghèo nhất. Họ đã sợ những em bé, họ đã sợ những bào thai không được sinh ra…Nếu bạn quay lưng lại với người nghèo, là bạn quay lưng lại với Đức Ki-tô. Ngài đã tự làm mình trở nên những người nghèo, những người đói khổ, những người trần truồng, những người không quê hương, nên bạn và tôi có cơ hội, để yêu thương Chúa Giê-su”.[v]

 

Sự bình an đối với mẹ Têrêsa như là một trong những điều căn bản cần thiết nhất cho cuộc sống, như là chúng ta cần đến Thiên Chúa vậy. Mẹ đã nói rằng: “Khi có bình an, thì có Thiên Chúa”. Và lời khuyên của mẹ sau đây sẽ hữu ích cho chúng ta: “Sau cùng, tôi có chỉ có một thông điệp về sự bình an. Đó là hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương mỗi người. Chúa Giê-su đến để ban cho chúng ta Tin Mừng rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau. Khi đến giờ chết và trở về với Thiên Chúa, chúng ta sẽ nghe Ngài nói, ‘Hãy đến và chiếm lấy Nước Trời đã được chuẩn bị cho con, bởi vì ta đói và con đã cho ta ăn, ta trơ trụi và con đã cho ta áo mặc, ta đau yếu và con đã thăm viếng ta. Bất cứ những gì con làm cho người bé mọn nhất của anh em ta là con đã làm cho chính ta’. Xin Thiên Chúa chúc lành cho bạn”. Quả thật, khi yêu thương nhau chính là lúc chúng ta đang xây dựng bình an. Vì vậy, dù gì đi nữa cứ hãy yêu thương nhau:

 

“Con người thì vô lý, sai lầm, và ích kỷ.

Hãy Yêu Thương Họ Dù Gì Ði Nữa.

 

Nếu bạn làm điều tốt, họ sẽ lên án là làm cho chính bạn với nhiều ẩn ý.

Hãy Làm Tốt Cho Họ Dù Gì Ði Nữa.

 

Nếu bạn thành công, sẽ có nhiều người giả dối đến với bạn, cũng như có thêm kẻ thù ghét bạn.

Hãy Thành Công Dù Gì Ði Nữa.

 

Ðiều tốt bạn làm sẽ rơi vào quên lãng.

Hãy Làm Tốt Dù Gì Ði Nữa.

 

Sự thành thật và thẳng thắn khiến bạn dễ bị mất lòng.

Hãy Thành Thật và Thẳng Thắn Dù Gì Ði Nữa.

 

Những gì bạn bỏ công xây dựng cả năm có thể tan biến sau một đêm.

Hãy Xây Dựng Dù Gì Ði Nữa.

 

Con người thật sự cần được giúp đỡ nhưng họ có thể tấn công bạn nếu bạn giúp đỡ họ.

Hãy Giúp Ðỡ Dù Gì Ði Nữa.

 

Bạn hết mình xây dựng thế giới và chỉ nhận được những đắng cay.

Hãy Cho Thế Giới Hết Sức Dù Gì Ði Nữa”.

 

(Bài này được viết trên tường của nhà Shishu Bhavan, nhà dành cho các trẻ em ở Can-cut-ta).

 

Hướng đến người nghèo, yêu thương và giúp đỡ họ là xây dựng bình an cho cuộc đời họ. Thật vậy, tình yêu đem lại bình an, yêu thương xây dựng hoà bình. Chứng nhân thứ hai sống yêu thương để đưa lại bình an, là cha Phê-rô Arrupe, một linh mục Dòng Tên, người Tây Ban Nha, đi truyền giáo bên Nhật Bản. Khi cha chứng kiến biến cố bom nguyên tử bị thả xuống thành phố Hiroshima, cha đã cùng các học trò của mình là các tập sinh giúp đỡ các nạn nhân. Khi làm bề trên tổng quyền Dòng Tên, trong dịp gặp mặt các bạn trẻ thuộc phong trào Thánh Thể tại Assisi, cha đã kể lại kinh nghiệm của cha về việc cha yêu thương và nâng đỡ những nạn nhân như thế nào, đặc biệt kinh nghiệm này được diễn ra trong Thánh Lễ, trong bí tích Thánh Thể, bí tích của an bình: “Trái bom nguyên tử nổ ra vào lúc 08 giờ 10 phút, sáng ngày 06 tháng 8 năm 1945. Nó biến cả thành phố Hiroshima thành tro bụi và giết chết 80.000 người cùng một lúc. Ngôi nhà của chúng tôi là một trong những ngôi nhà chưa bị sụp đổ, nhưng ở trong một điều kiện hết sức tồi tàn: không còn cửa ra vào, các cánh cửa đã bị cơn gió cực mạnh tạo ra do vụ nổ, cuốn đi hết. Chúng tôi chuyển sang ở bệnh viện, nơi tiếp đón, chăm sóc và giúp đỡ cho 200 nạn nhân.

Ngày hôm sau, mồng 07 tháng 8, vào lúc 05 giờ sáng, tôi đang dâng thánh lễ ở nhà, trước khi bắt đầu công việc cứu giúp những người bị thương và chôn cất những người chết. Trong những giây phút càng bi thảm, người ta càng gần Thiên Chúa hơn, người ta càng thấy cần thiết phải giúp đỡ nhau, khung cảnh thực không thích hợp cho việc sốt sắng thánh lễ. Nhà nguyện thì một nửa đã bị phá hủy, chật ních những người bị thương nằm chen chúc nhau trên mặt đất. Họ đau khổ ghê gớm và quằn quại vì đau đớn. Tôi bắt đầu dâng lễ như tôi có thể, giữa đám người không có chút ý niệm về những gì diễn ra trên bàn thờ. Họ là những người ngoại đạo chưa bao giờ tham dự thánh lễ.

Tôi không thể nào quên được cái cảm giác bàng hoàng khi quay lại phía họ để chúc: ‘Chúa ở cùng anh chị em’ (hồi đó, các linh mục làm lễ quay mặt lên bàn thờ) và tôi cảm thấy cảnh tượng này của bàn thờ. Không thể cử động được nữa, tôi đứng như người bất toại, hai tay dang ra, nhìn ngắm tấm thảm kịch này của nhân loại: kiến thức loài người, tiến bộ kỹ thuật đã được dùng để hủy diệt con người. Tất cả họ nhìn tôi, với cặp mắt đầy lo lắng và thất vọng, như thể chờ đợi một sự an ủi nào đó đến từ bàn thờ. Cảnh tượng thật hãi hùng! Vài phút sau, Đấng mà thánh Gio-an Tẩy Giả đã nói: ‘Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết’, ngự xuống bàn thờ.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự cô độc của những người không biết Chúa Giê-su Ki-tô
như lúc ấy. Cứu Chúa của họ đang hiện diện ở đó. Đấng đã hiến mạng sống cho họ… nhưng họ lại không biết ‘Không biết Ngài ở giữa họ’ (Ga 1,26). Lúc đó, chỉ có tôi biết Ngài. Tự nhiên tôi thốt lên lời nguyện cầu cho những kẻ tàn ác dã man đã ném bom nguyên tử: ‘Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm’, và cho những người nằm xoài trước mặt tôi đang quằn quại vì đau đớn: ‘Lạy Chúa, xin ban cho họ niềm tin để họ thấy và xin ban sức mạnh để họ chịu đựng đau khổ’. Khi nâng tấm bánh lên trước mặt những thể xác đầy thương tích và rách nát này, tôi kêu lên tự đáy lòng: ‘Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa Con, xin thương xót đoàn chiên không có chủ chăn này!’ (Mt 9,36; Mc 6,34). ‘Lạy Chúa, để họ tin vào Chúa, xin hãy nhớ họ cũng là những người cần phải nhận biết Chúa’ (1Tm 2,4).

Những dòng thác ân sủng chắc chắn đã tuôn chảy từ tấm bánh và bàn thờ. Sáu tháng sau, khi đã được chữa lành, tất cả đã từ giã nhà Dòng chúng tôi (chỉ có hai người đã chết ở đó), nhiều người trong số họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Tất cả họ đều nhận ra đức ái Ki-tô giáo là thông cảm, giúp đỡ, đem lại niềm an ủi vượt trên mọi nâng đỡ con người. Đức ái thông truyền bình an, giúp cho ta tươi cười trong đau khổ, và tha thứ cho những người đã gây bao đau khổ cho ta. Những Thánh Lễ như thế là những trực giác sống động về Thánh Thể, giúp ta hiểu được giá trị của đau khổ, sự cao cả và vẻ đẹp của hy sinh vì đức ái, điều mà không có niềm tin chúng ta không thể hoặc khó có thể hiểu được”.[vi]

Câu chuyện của cha Arrupe như là một đáp lời cho tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô về bí tích Thánh Thể: “Nhưng Thánh Lễ mà tôi cử hành có đưa tôi đến việc thật sự coi tất cả mọi người như anh chị em không? Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui và khóc với người khóc không? Nó có thúc đẩy tôi đến với những người nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ ra ngoài lề xã hội không? Nó có giúp tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su trong họ không? Tất cả chúng ta đi tham dự Thánh Lễ vì chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và muốn chia sẻ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người trong Bí Tích Thánh Thể. Nhưng chúng ta có yêu thương những anh chị em túng thiếu như Chúa Giê-su muốn không?”[vii]

Chứng nhân thứ ba của việc sống yêu thương để đem lại bình an, là cha Henri Nouwen, một linh mục người Hà Lan, người đã để lại rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về tu đức học. Ở tuyệt đỉnh của sự nghiệp, cha đã rời bỏ chân giáo sư tại đại học Harvard, Hoa kỳ, để tìm đến một cộng đồng có tên là Bình Minh tại Toronto, Canada. Đây là một trung tâm dành cho những người khuyết tật. Trong những người được cha Nouwen săn sóc có một người thanh niên tên là Adam. Adam quả là một người đàn ông mà nhiều người xem như là sống kiếp cỏ cây, một con người hoàn toàn vô dụng cho xã  hội, một con người lẽ ra đừng sinh ra thì hơn. Nhưng cho tới lúc qua đời cha Nouwen vẫn luôn xác tín và khẳng định rằng, chính cha chứ không phải Adam là người được may mắn nhất trong mối quan hệ này.

Cha Nouwen  kể: “Adam là một người đàn ông đã hai mươi lăm tuổi nhưng không thể nói, không thể tự mình thay quần áo. Anh cũng không thể đi đứng một mình, ăn uống một mình. Anh cũng chẳng biết khóc hay biết cười. Thỉnh thoảng, anh mới dùng ánh mắt để liên lạc với người khác, cuộc sống của anh bị câm, tay chân anh co quắp, người anh co giật liên hồi và dù phải uống thuốc rất nhiều, những cơn động kinh vẫn không thuyên giảm. Đôi khi anh tru tréo, một vài lần tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má anh. Phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ mới đánh thức Adam dậy, cho anh uống thuốc, dìu anh vào phòng vệ sinh, tắm rửa cho anh, đánh răng cho anh, mặc quần áo cho anh, đưa anh vào nhà ăn, cho anh ăn sáng, đặt anh vào xe lăn và đẩy đến nơi anh sẽ ở lại suốt ngày để tập cử động theo phương pháp trị liệu”.

Với cha Nouwen, những tháng ngày ở bên cạnh Adam, cha đã có được sự bình an sung mãn đến độ tất cả những công việc khác đều trở nên nhàm chán. Ngồi bên cạnh người thanh niên tật nguyền, bất lực như một thơ nhi, cha bỗng nhận thấy rằng đoạn đường đi trước kia của cha, trong đó cha phấn đấu để tìm kiếm danh vọng, đầy dẫy những dành giật và bạo động, nhưng từ Adam cha đã học được rằng, điều làm chúng ta là người không phải là lý trí mà là trái tim của chúng ta; điều làm chúng ta là người không phải là khả năng suy tư, mà chính là khả năng yêu thương. Ai nghĩ rằng Adam là một thụ tạo sống như cỏ cây hay thú vật, người đó không nắm bắt được mầu nhiệm thâm sâu, mà qua đó Adam cũng có thể trao ban và đón nhận tình yêu. Các thánh là những người thực thi châm ngôn của thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc, nghèo với người nghèo, yếu với người yếu”. Đó chính là bí quyết của sự xây dựng bình an đích thực.[viii]

Qua ba chứng nhân trên, chúng ta thấy rằng, những người xây dựng hoà bình là những người luôn sống yêu thương. Yêu thương là không giữ cho mình được nguyên vẹn, mà ngược lại sẵn sàng để cho mình được gọt dũa, và sẵn sàng bị thương tích, cũng như sẵn sàng được bẻ ra như tấm bánh. Tấm bánh sẽ không mang lại giá trị đích thực cho cuộc sống, nếu tấm bánh không bị bẻ ra, mà chỉ khư khư giữ nguyên vẹn hình hài lúc ban đầu. Hơn nữa, yêu thương trong ý nghĩa đích thực, nghĩa là yêu thương vô vị lợi và không biên giới sẽ đem lại bình an thật sự. Đó là tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại. Một tình yêu quên mình đi, để hiến dâng hoàn toàn cho người mình yêu. Và tình yêu đó vượt trên cả thù hận, để tha thứ và đón nhận kẻ thù trong ý nghĩa tích cực, nghĩa là sống yêu kẻ thù, như chính Đức Ki-tô là mẫu gương sống động. 

 

- Yêu thương kẻ thù là xây dựng hoà bình cho cuộc sống.

 

Yêu thương tha nhân bên cạnh mình đã là tuyệt vời. Nhưng nếu dừng lại ở đó, thì chưa đi trọn tinh thần của Đức Ki-tô. Thật vậy, trong một ý nghĩa sâu xa, Mối Phúc cho những ai sống tinh thần xây dựng hoà bình cũng hướng về giới răn yêu mến kẻ thù. Dù ở trong phần suy niệm về Mối Phúc dành cho người hiền lành, đã có đoạn suy niệm về giới răn quan trọng này, giờ đây xin được suy niệm thêm đôi hàng về tinh thần yêu thương kẻ thù mà Chúa Giê-su đã sống và đã dạy: Yêu thương những người đã gây ra đau khổ cho mình, yêu những người đã xúc phạm đến phẩm giá của mình, yêu thương những người mưu mô ác độc luôn muốn đưa mình vào trong hố sâu của bất nhân và đau đớn.

 

Đó là điều Chúa Giê-su nhắc đến trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,43-48). Trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giê-su đã đưa ra một phản đề (antithese). Luật xưa thì dạy: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Phản đề này rất quan trọng và nêu bật cốt lõi của tinh thần Ki-tô giáo. Theo chiều dài lịch sử của Giáo Hội, giới luật yêu thương kẻ thù luôn được nhắc đến và đề cao. Giới luật này là một nét đặc sắc của đời sống Ki-tô hữu, và khi họ sống đúng giới luật này, thì dân ngoại sẽ rất ngạc nhiên. Các nhà truyền giáo và các Giáo Phụ luôn nhìn Ki-tô giáo là một tôn giáo thực hành. Đó là một điều quyết định. Yêu mến kẻ thù không chỉ được giảng dạy, mà cần phải được thực hành. Yêu mến kẻ thù trong mạch văn của Bài Giảng Trên Núi đều hướng về một tinh thần nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo.[ix]  

Trong tinh thần yêu thương kẻ thù, chúng ta được mời gọi nói không với phản ứng tiêu cực hay bạo lực đối với những người gây ra đau khổ, đối với kẻ thù. Thật nguy hiểm biết bao, nếu chúng ta, những Ki-tô hữu lại sống theo quy tắc của ngoài đời là lấy mắt đền mắt, răng đền răng. Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tôn giáo tại Ấn Độ, người ta đọc được một biểu ngữ như sau: Nếu chúng ta lấy mắt thế mắt, thì cả thế giới sẽ ra mù loà. Có thể nói thêm: Nếu con người lấy răng đền răng, thì môi miệng của con người trên thế giới sẽ ra móm méo. Quả thật, hận thù luôn đẻ ra hận thù, bạo động luôn làm phát sinh bạo động. Chúa Giê-su đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39). Đó là một phản đề khác được Chúa Giê-su nói trước giới luật yêu thương kẻ thù.

 

Thật vậy, nếu chúng ta mường tượng, mọi người cứ sống theo quy tắc mắt đền mắt, răng đền răng, thì cuộc sống này có bình an không? Quy tắc này đi ngược hoàn toàn với tinh thần xây dựng hoà bình mà Chúa Giê-su mời gọi. Vì thế, sống giới răn yêu thương kẻ thù là cách sống tích cực và chủ động, với tất cả tấm lòng khiêm nhường và nhân hậu, đi tìm sự hoà giải qua việc xin lỗi và đón nhận sự xin lỗi, qua việc mở lòng ra để tha thứ và khiêm tốn để xin được thứ tha. Con đường của lòng nhân hậu sẽ mở ra một con đường mới, con đường dẫn tới sự hoà giải, con đường đưa tới sự bình an, bình an cho người mình không ưa và bình an cho chính bản thân mình. Bình an không phải là một hành động xảy ra cách bất ngờ, mà là một hành động được dựng xây. Để có được bình an, cần lên đường đi tìm, theo bước và xây dựng với tất cả trái tim nhân hậu, khiêm tốn và tỉnh thức. Cuối cùng, để có thể trở thành người xây dựng hoà bình, chúng ta cần trở thành những con người hoàn toàn từ chối bạo lực (désarmées). Đây là một con đường rất khó khăn, nhưng không vì thế mà người Ki-tô hữu sợ hãi hay từ chối không bước vào.[x]

Hướng nhìn Đức Ki-tô, chúng ta thấy rằng cả cuộc đời của Ngài hoàn toàn từ chối bạo lực. Đặc biệt trên con đường thương khó, Ngài bị những người ganh tỵ và ghen ghét Ngài lập hết mưu mô này đến mưu độc khác, để kết án, để đưa Ngài tới án tử. Với tâm hồn bình thản và kiên quyết, Ngài đã đón nhận tất cả, Ngài chẳng chống cự lại những người ác nhân, Ngài không bào chữa và cũng không có bất cứ lời nào mang tính cách trả đũa theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”. Nếu Ngài lên tiếng, chỉ là tiếng nói thuộc về chân lý và tình yêu. Cuối cùng, đường thương khó mà con người bất nhân dọn cho Ngài được kết thúc với dấu hiệu của thập giá chỉ dành cho những kẻ có tội thực sự. Thập giá đó đã được chính Đức Ki-tô biến thành Thánh Giá của tình yêu, Thánh Giá của Đấng đã chết cho nhân loại, để ban lại cho nhân loại ơn bình an và sự cứu rỗi.

 

Đối với các môn đệ của Ngài, cụ thể như Phê-rô với ba lần chối Thầy, Đức Ki-tô đã cảm thông và cuối cùng với ánh mắt nhân từ nhìn đến Phê-rô, Ngài đã đem lại sự bình an cho ông, sự bình an đến qua nước mắt của thống hối và ăn năn. Còn với Giuđa, kẻ đã bán Thầy, Đức Ki-tô chỉ có một lời duy nhất về ông: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24). Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, lời này của Đức Ki-tô diễn tả một cuộc sống bất hạnh của Giuđa, nhưng lời này không nhất thiết là một lời kết án Giuđa sẽ đánh mất linh hồn.[xi] Có lẽ hay nhất, nên nhìn nhận rằng, chuyện Giuđa mất linh hồn hay không nằm trong bàn tay của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Đấng có quyền xét đoán và cho mưa rơi trên người lành và kẻ xấu.

Ngoài ra, Rolheiser đã suy niệm về mẫu gương của Chúa Giê-su sống tinh thần yêu thương kẻ thù, cũng như làm sao chúng ta có thể theo gương Chúa để sống tinh thần cao quý nhưng khó khăn này: “Và Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một tấm gương mà chúng ta cần để trả lời với kẻ thù của chúng ta. Khi Thánh Kinh kể rằng Chúa Giê-su cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, nó không chỉ có nghĩa rằng khi dâng cái chết của mình lên Chúa Cha như một hy sinh trong một hành động vĩnh viễn, Người đã chuộc tội cho chúng ta. Nó cũng chỉ ra cách sống của Người và bằng cách nào mà, như Người đã cho thấy, sự tha thứ và thương yêu kẻ thù có thể cứu chuộc tội lỗi, bằng cách hóa giải nó. Hành động thương yêu vĩ đại của Chúa Giê-su, như Kierkegaard từng nói, là để làm theo chứ không chỉ để thán phục.

Nhưng làm sao chúng ta làm vậy được? Dường như chúng ta không biết làm thế nào để thương yêu kẻ thù, chúng ta không có sức mạnh để tha thứ. Chúng ta rao giảng đó là lý tưởng và ngây thơ tin rằng mình đang làm điều đó. Nhưng phần lớn, chúng ta không làm. Chúng ta không thật sự thương yêu và tha thứ những ai chống đối mình. Quá thường xuyên chúng ta ngờ vực, bất kính, chua cay, coi kẻ khác như quỷ dữ, và dùng ngôn ngữ ám hại đối với nhau. Nếu trong đời sống của chúng ta có nhiều tình thương yêu và tha thứ cho kẻ thù, thì điều này chẳng hề rõ ràng chút nào, ở ngoài đời cũng như ở nhà thờ. Như Ronald Knox từng nói, là Ki-tô hữu, chúng ta chưa bao giờ thật sự nghiêm túc tiếp nhận thách thức của Chúa Giê-su rằng hãy yêu thương kẻ thù và chìa má kia ra.

Tôi nói điều này với lòng lân mẫn. Chúng ta cần được giúp đỡ. Ngạn ngữ cổ nói đúng: Mắc lỗi là con người, tha thứ là thánh. Vậy chúng ta bắt đầu bằng cách nào đây? Có thể chúng ta bắt đầu bằng cách vừa thừa nhận thất bại của chúng ta vừa thừa nhận sự bất lực của mình, với tư cách cá nhân cũng như Giáo Hội. Chúng ta chẳng mấy thương yêu hay tha thứ cho ai khi bị chống đối. Tiếp đó, chúng ta cần nêu bật tính chất chưa trưởng thành này và tầm quan trọng của thất bại đó trong khi chúng ta rao giảng và giảng dạy. Thương yêu kẻ thù mình là một phép thử tôn giáo và luân lý thật sự!..

Về mặt cá nhân mà nói, tôi coi đây là thách thức lớn nhất của đời mình, về mặt đạo đức lẫn con người. Làm thế nào để thương yêu được kẻ thù: Làm thế nào để tôi không để cho một ánh nhìn ghen tức khiến tim mình lạnh giá? Làm thế nào để tôi không để cho một lời nói chua chát làm hỏng một ngày của tôi? Làm thế nào để tôi không coi những người khác như quỷ dữ khi họ chống đối tôi? Làm thế nào để tôi vẫn giữ lòng bình tâm khi tôi bị hiểu lầm? Làm thế nào để tôi vẫn giữ được nồng ấm khi đối diện với chua cay? Làm thế nào để tôi không chào thua trong căn bệnh sợ hoang tưởng khi cảm thấy mình bị đe dọa? Làm thế nào để tôi tha thứ được cho một người không cần tôi tha thứ? Làm thế nào để ngăn không cho chính bản thân tôi đóng sầm cánh cửa lòng mình khi đối diện với lạnh lùng và chối bỏ? Làm thế nào để tôi tha thứ cho những người khác khi chính trái tim tôi đang chua chát thấy tội nghiệp cho bản thân mình? Làm thế nào để tôi thật sự thương yêu và tha thứ như Giê-su đã làm? Tôi vẫn thường tự hỏi làm sao mà Chúa Giê-su làm được điều đó. Làm thế nào mà Người giữ được cõi lòng bình an, trái tim nồng ấm, lời nói độ lượng, cuộc sống vui vẻ, nỗ lực bền bỉ, khả năng biết ơn, và vui tính khi đối diện với hiểu lầm, tỵ hiềm, căm thù và đe dọa giết? Người làm điều đó bằng cách thừa nhận rằng đó là, và duy nhất là, mối thách thức quan trọng nhất cuộc đời và sứ mệnh của Người, và dưới sức nặng của mệnh lệnh đó, bằng cách quỳ gối xuống và xin ơn trên giúp đỡ. Người có thể làm cho chúng ta những gì mà chúng ta không thể làm được cho chính mình”.[xii]

Làm theo Chúa chứ không thán phục Chúa thôi. Và khi làm theo Chúa, thì luôn luôn cần ý thức khiêm tốn xin ơn Chúa, vì với sức người chúng ta không thể sống được tinh thần yêu thương kẻ thù. Ở đây, chúng ta cũng nên nhìn đến một mẫu gương đặc biệt sống tinh thần này. Đó là Mục sư Martin Luther King, ông nhận được Giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Cũng trong năm này, tạp chí Time đã bầu chọn ông là “Nhân Vật Tiêu Biểu Năm 1964”, và năm 1968 ông đã bị kẻ thù ám sát.[xiii] Ngày nay không ai là không biết đến các hoạt động của Martin Luther King. Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã công nhận sự bình đẳng của mọi công dân thuộc các chủng tộc khác nhau. Đó là hoa quả việc xây dựng hoà bình của Mục sư Martin Luther King. Ông đã hoạt động một cách tích cực, có khi rầm rộ để sự bình đẳng này trở thành hiện thực trong thực tế đời sống. Nhưng điều làm cho Mục sư Martin Luther King được thế giới biết đến và ngưỡng mộ, tiên vàn chính là tinh thần thúc đẩy ông hành động và phương pháp ông lựa chọn để đưa cuộc đấu tranh đến thành công.

Trong thời gian Mục sư Martin Luther King đấu tranh bất bạo động cho quyền của người da màu, một số người da trắng quá khích đã đặt bom phá hủy ngôi nhà của ông. Ông tuyên bố: “Chỉ có tình yêu Ki-tô giáo mới có thể đem lại tình huynh đệ đại đồng. Ðấu tranh bất bạo động, đó là điều người ta sẽ chiếu theo đó mà xét xử chúng ta. Người dũng mạnh đích thực là người có thể đứng lên bảo vệ các quyền của mình mà không ăn miếng trả miếng”. Khi nghe ông nói như vậy, người ta nghĩ đến Gandhi. Và thật vậy, Martin Luther King là một môn đệ của Gandhi. Nhưng nhất là một môn đệ của Ðức Ki-tô.

 

Ông nói: “Tinh thần bất bạo động đến với tôi từ Sách Thánh và các lời giảng dạy của Ðức Giê-su, còn cách thức hành động thì từ Gandhi”. Hành động của Martin Luther King được nuôi dưỡng bằng Tin Mừng. Các cuộc họp đều bắt đầu bằng việc đọc Sách Thánh, cầu nguyện và hát thánh ca. Khi bất công và thất bại làm cộng đồng người da đen mất kiên nhẫn và căng thẳng tột độ, ông đã cố gắng làm hạ cơn sốt: “Hãy là những người hiếu hòa. Chúng ta muốn yêu thương kẻ thù. Hãy tỏ ra là những người tốt đối với họ. Hãy yêu thương họ và cho họ thấy chúng ta yêu thương họ... Ðiều chúng ta đang làm là điều chính đáng và Thiên Chúa đứng về phía chúng ta”. Trong các bài giảng nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, có bài giảng với tựa đề Yêu Kẻ Thù. Ông đã trích dẫn Lời của Chúa Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

 

Sau đó ông đã chia sẻ như sau: “Hận thù làm con người không còn biết nhận thức các giá trị khách quan, coi cái đẹp là xấu, cái xấu là đẹp, lầm lẫn cái thật với cái giả và cái giả với cái thật. Có lẽ không có lời khuyên nào của Ðức Giê-su lại khó đem ra thực hành cho bằng lời khuyên ‘Hãy yêu kẻ thù’. Một số người chân thành nghĩ rằng, trong thực tế, không ai có thể giữ được lời khuyên này. Yêu người yêu mình thì dễ, còn ai lại đi yêu kẻ tìm cách làm hại mình một cách công khai hay âm thầm? Ðối với một số người khác như triết gia Nietzsche chẳng hạn, lời khuyên ‘Hãy yêu kẻ thù’ cũng đủ để chứng minh rằng đạo đức Ki-tô giáo chỉ dành cho những kẻ bạc nhược, nhát đảm, chứ không phải cho những người can đảm, dũng mạnh.

 

Họ cho rằng Ðức Giê-su là người quá lý tưởng và thiếu thực tế. Mặc dầu các câu hỏi này có được nhấn mạnh đến đâu chăng nữa, và các thắc mắc có được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, lời khuyên của Ðức Giê-su vẫn tra vấn chúng ta hơn bao giờ hết. Hết biến động này đến biến động khác không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng, con người thời đại ngày nay đang đi trên con đường hận thù dẫn đến diệt vong và trầm luân. Thay vì là lời khuyên đạo đức của một kẻ mộng tưởng, thì lời khuyên ‘Hãy yêu kẻ thù’ lại là một điều cần thiết tuyệt đối, nếu chúng ta muốn sống còn. ‘Hãy yêu kẻ thù’ là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong thế giới ngày nay. Ðức Giê-su không phải là con người quá lý tưởng để quên mất thực tế; Người là con người thực tế đích thực. Tôi tin rằng Ðức Giê-su biết rõ khó khăn khi nói phải ‘yêu kẻ thù’. Người không toa rập với những kẻ cho rằng sống đúng theo các đòi hỏi luân lý là chuyện dễ. Người biết rõ rằng mọi biểu hiện của tình yêu đích thực đều xuất phát từ sự phó thác hoàn toàn và dứt khoát vào Thiên Chúa. Khi Ðức Giê-su nói: ‘Hãy yêu kẻ thù’, thì không phải là Người không biết đến các đòi hỏi của lời khuyên này. Mỗi từ trong câu này đều có nghĩa của nó. Các Ki-tô hữu có trách nhiệm khám phá ý nghĩa của lời khuyên này và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày”.[xiv]

Sau phần mở đầu của bài giảng, Martin Luther King đã đặt ra hai câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là: Làm thế nào chúng ta yêu kẻ thù được? Trả lời cho câu hòi này, ông đã đưa ra những lý do sau: “Thứ nhất, chúng ta phải phát huy và củng cố khả năng tha thứ. Không biết tha thứ, thì cũng không biết yêu thương…Tha thứ không phải là không biết điều đã phạm là một hành vi xấu, hay gọi hành vi xấu này bằng một tên gọi không đúng với thực chất của nó. Ðúng hơn, tha thứ là xem hành vi xấu này không còn là một chướng ngại để thiết lập những quan hệ mới. Tha thứ là một chất xúc tác tạo nên một bầu khí cần thiết cho một cuộc lên đường, một khởi đầu mới. Tha thứ là cất đi một gánh nặng, hay xóa bỏ một món nợ…

 

Thứ hai, người thân cận làm tổn thương chúng ta chính là kẻ thù. Nhưng phải nhìn nhận rằng hành vi xấu của con người đó không bộc lộ hết toàn diện con người đó. Nơi kẻ thù tệ nhất, chúng ta có thể khám phá ra những điểm tốt lành…Dù sao, hình ảnh Thiên Chúa nơi họ không thể bị xóa nhòa. Như thế, chúng ta yêu kẻ thù vì biết rằng họ không hoàn toàn xấu về mọi phương diện và họ cũng không ở ngoài tầm tác động của tình yêu cứu chuộc mà Thiên Chúa dành cho họ. Thứ ba, chúng ta phải tránh làm nhục kẻ thù. Trái lại, phải tìm cách gây thiện cảm và cảm thông với họ”.

Câu hỏi thứ hai Martin Luther King đặt ra là Tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù? Ông cũng đưa ra một số lý do: “Lý do thứ nhất thật là hiển nhiên. Lấy oán báo oán chỉ có thể làm tăng thêm hận thù, chỉ có thể làm cho đêm tối lại càng thêm tối tăm mù mịt bởi thiếu vắng ánh sáng các vì sao. Bóng tối không thể nào xóa tan bóng tối. Chỉ có ánh sáng xóa tan bóng tối. Hận thù tăng thêm hận thù; bạo lực kéo theo bạo lực; tàn nhẫn nhân thêm tàn nhẫn, như một cơn gió xoáy ập tới tiêu diệt tất cả…Lý do thứ hai chúng ta phải yêu kẻ thù là vì hận thù làm tổn thương tinh thần và hủy diệt nhân cách. Quá nhấn mạnh đến hận thù như là một sức mạnh xấu, nguy hiểm, chúng ta thường quan tâm đến các tác hại nơi người bị oán ghét. Ðây là điều dễ hiểu vì hận thù gây nhiều tác hại không thể cứu vãn nổi nơi các nạn nhân…Nhưng cũng có một điều mà chúng ta không bao giờ được phép quên, đó là hận thù cũng gây tác hại cho chính con người oán ghét kẻ khác. Như một căn bệnh ung thư tiềm ẩn, hận thù làm tổn thương và phá vỡ thế thống nhất của nhân cách. Hận thù làm con người không còn biết nhận thức các giá trị khách quan, coi cái đẹp là xấu, cái xấu là đẹp, lầm lẫn cái thật với cái giả và cái giả với cái thật… Lý do thứ ba chúng ta phải yêu kẻ thù là vì tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng biến thù thành bạn”.

Để kết luận bài giảng Yêu kẻ thù, Martin Luther King đã dẫn người nghe về với Đức Ki-tô, về với Tin Mừng của Ngài, nơi ông tìm thấy lý do chính yếu nhất cho việc yêu kẻ thù. Ông nói: “Tuy vậy, chúng ta phải nói ngay rằng các lý do trên khiến chúng ta yêu kẻ thù cũng chưa phải là lý do quyết định. Lý do căn bản nhất và được diễn tả rõ ràng nhất chính là lý do Ðức Giê-su đã nói: ‘Anh em hãy yêu kẻ thù. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời’. Chúng ta được mời gọi làm công việc khó khăn này cốt là để cùng với Thiên Chúa tạo nên được một mối tương quan độc nhất vô nhị. Chúng ta có thể trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ yêu thương, chúng ta có thể biến khả năng này thành hiện thực. Chúng ta phải yêu kẻ thù vì, như vậy, chúng ta mới có thể biết được Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa là Ðấng Thánh”.

 

Tinh thần sống yêu thương kẻ thù của Martin Luther King đã lan rộng không chỉ ở Hoa Kỳ, mà khắp trên thế giới. Ông đã trở thành một trong những chứng nhân vĩ đại sống tinh thần xây dựng hoà bình, với một tình yêu không biên giới, với tình yêu bất bạo động. Với ông “Tình yêu là sức mạnh tồn tại lâu dài nhất ở thế gian này. Như được minh chứng một cách rõ ràng nơi đời sống Ðức Giê-su, tình yêu sáng tạo là công cụ hữu hiệu nhất mà nhân loại có thể sử dụng trong công cuộc tìm kiếm hòa bình và an toàn”. Cuộc sống và sự dấn thân cho hoà bình của Martin Luther King đã tương hợp với lời của thánh Giacôbê tông đồ: “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3,13-18). Thật đẹp thay những cuộc đời công chính, những bước chân xây dựng hoà bình; thật đẹp thay những chứng nhân xả thân để cùng Chúa Ki-tô đem lại bình an cho nhân trần.

 

“Tất cả anh em thân mến, chúng ta hãy chú ý đến điều Chúa nói:

‘Hãy yêu kẻ thù và làm cho họ những điều tốt lành, những kẻ thù ghét anh em’ (x.Mt 5,44);

vì Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà chúng ta cần phải theo bước,

đã gọi kẻ phản bội Ngài là bạn,

và Ngài đã tự để cho mình bị dẫn đến với những kẻ đóng đinh Ngài.

Vì thế, tất cả mọi người đó đều là bạn bè của chúng ta,

những người đã làm cho chúng ta sợ hãi, đưa lại cho chúng ta biết bao nỗi khổ đau;

những người đã gây ra những bất công với chúng ta, và tạo nên những điều ô nhục;

những người đã làm nên mọi nỗi thống khổ đối với chúng ta và gây nên biết bao vết thương;

những người đã làm cho chúng ta phải chịu chết vì đạo, cũng như đã kết án tử chúng ta.

Những người này, chúng ta cần yêu thương thật nhiều,

vì chúng ta sẽ đạt được đời sống vĩnh cửu, khi chúng ta yêu thương họ hết mực,

những người đã làm những điều đó đối với chúng ta”.

(Thánh Phanxicô thành Assisi).[xv]

 

Lời của thánh Phanxicô như là một lời mời gọi chúng ta luôn hướng nhìn lên Chúa Giê-su và lắng nghe lời chỉ bảo của Chúa, để xây dựng hoà bình qua tình yêu, đặc biệt tình yêu dành cho kẻ thù.

Tinh thần xây dựng hoà bình mà Chúa Giê-su mời gọi luôn được Giáo Hội quan tâm, cổ võ, dấn thân và nỗ lực sống, cụ thể qua sự cố gắng của các vị chủ chăn và các phần tử trong Giáo Hội.

 

[i] BALTHASAR H.U., Wer ist ein Christ? s.96-97.

[ii] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, s. 205-206.

[iii] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, s. 220.

[iv] Trích bởi FELDMANN C., Traeume beginnen zu leben, grosse Christen unseres Jahrhunderts, Herder Verlag, Freiburg 1973, t.73

[v] Trích bởi FELDMANN C., Traeume beginnen zu leben, t.81.

[vi] ARRUPE P. SJ., Thánh Thể trong đời tôi, trong bài thứ 05 Mình và máu Chúa Giê-su dành cho thế giới, nguồn: dongten.net

[vii] Bài giáo lý của ĐTC Phanxcio về Bí Tích Thánh Thể, ban hành ngày 12 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. http://www.giaoly.org/

[viii] X. Đài Veritas, Chiếc áo từ nhân, trong bài Bí quyết của bình an, nguồn: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan.

[ix] X. LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, t.307.

[x] X. BIANCHI E., Chemin d’humanité, Les Béatitudes, t.132-133.

[xi] X. LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 4.Teilband, Benzinger Verlag, Düsseldorf und Zürich 2002, t.89, và GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1988, t.307,

[xii] ROLHEISER R, OMI., Bài viết Thương yêu kẻ thù chúng ta (27.3.2011), nguồn: http://ronrolheiser.com

[xiii] Tham khảo trong Dũng Mạnh để yêu thương, 12 Bài giảng của Mục Sư M.L King, do Lm André Trần Hữu Phương, OFM chuyển ngữ, phần Lời mở đầu. Nguồn: www.nguoitinhuu.org

[xiv] Tham khảo trong Dũng Mạnh để yêu thương, 12 Bài giảng của Mục Sư M.L King, bài giảng Yêu kẻ thù.

[xv] Wo Armut ist Freude, Wort des heiligen Franziskus, Textzusammenstellung: Reinhard Abeln, Lahn Verlag, Kevelaer Deutschland 2013, s. 12.

bottom of page