top of page

Phần 02:

PHÚC THAY AI HIỀN LÀNH,

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC ĐẤT HỨA LÀM GIA NGHIỆP

Theo cái nhìn của thời nay, người hiền lành không chỉ được khen, mà còn bị chê là người nhát gan, dễ dàng bỏ cuộc, và dễ bị người khác điều khiển. Trong Mối Phúc thứ hai này, Chúa Giê-su nhắc đến người hiền lành và hứa ban cho họ đất hứa làm gia nghiệp. Trước khi bước vào phần suy niệm, xin được có vài hàng về thuật ngữ hiền lành.

 

  • Từ ngữ hiền lành.

 

Từ ngữ hiền lành trong tiếng Hy-lạp là praies. Trong Tân Ước, từ ngữ này được dùng trong hình thức danh từ và tính từ. Theo Frankenmoelle,[i] trong Tân Ước từ hiền lành trong dạng tính từ được dùng tất cả 04 lần, còn trong dạng danh từ thì 11 lần. Nổi bật là, không có Phúc Âm nào, ngoại trừ Phúc Âm của Mát-thêu nhắc đến từ hiền lành trong dạng tính từ 03 lần. Trong chương 21,5, Mát-thêu diễn tả: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa”. Ở đây, Mát-thêu liên hệ đến sách tiên tri Da-ca-ri-a 9,9-10:

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem;
cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,
và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”.

“Đoạn này loan báo về một vị vua nghèo khó, một vị vua cai trị không dựa vào sức mạnh chính trị và quân sự. Hữu thể sâu thẳm của Ngài là khiêm nhường và hiền lành trước mặt Thiên Chúa và con người. Trong đó, Đấng ấy đối lập hoàn toàn với các vua vĩ đại của thế gian. Một minh họa sống động là chi tiết Đấng ấy ngồi trên lưng lừa, con vật mà người nghèo cỡi, hình ảnh phản ngược với chiến mã mà Ngài chối từ. Ngài là vua hoà bình nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải của riêng Ngài”.[ii]

Từ ngữ praies - hiền lành cũng được Mát-thêu nhắc đến trong Mối Phúc thứ hai. Ở đây, có một sự liên hệ với Thánh Vịnh 37,10-11:

“Ít lâu nữa ác nhân sẽ chẳng còn,

đến chỗ xưa cũng không tìm thấy hắn.

Còn kẻ nghèo hèn (hiền lành) được đất hứa làm gia nghiệp

và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà”.

 

Ngoài ra, từ ngữ này còn tìm thấy ở Mt 11,29: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.  Câu này nêu bật nét dễ thương của Chúa Giê-su, Đấng yêu thương và luôn chú ý đến những người bất hạnh, khổ đau và vất vả lầm than. Như thế, với Mát-thêu, từ ngữ này mang tính Ki-tô học. Chúa Giê-su chính là vị Vua xây dựng hoà bình, vị Vua hiền lành cưỡi trên lưng lừa (21,5). Ngài là Đấng khôn ngoan, hiền lành và khiêm nhường, ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng đối với tất cả những ai lầm than vất vả, những ai khổ đau bất hạnh, khi họ tìm đến với Ngài (11,29). Lời mời gọi của Chúa Giê-su hãy học với Ta (11,29) nêu bật tinh thần mà người môn đệ cần có: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Như đã nói ở trên, chỉ có Mát-thêu dùng từ ngữ hiền lành này. Trong ba lần sử dụng, thì đã hai lần từ ngữ “hiền lành” liên hệ trực tiếp đến Giê-su (x.Mt 11,29 và 21,5), nên theo Martini có thể gọi Phúc Âm của Mát-thêu là “Phúc Âm hiền lành”.[iii]

 

Còn với thánh Phao-lô, “hiền lành” là một nhân đức của người Ki-tô hữu hoàn hảo, và đó cũng là nhân đức của chính Đức Ki-tô. Trong thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Tông Đồ đã dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Ki-tô mà khuyên nhủ các tín hữu: “Tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Ki-tô mà khuyên nhủ anh em” (2Cor 10,1). Còn trong thư gởi giáo đoàn Ga-la-ta, sự hiền lành được coi như là hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Ki-tô hữu: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Ngoài ra, “hiền lành” còn được coi như là một thái độ sống người Ki-tô hữu cần có. Đó cũng là tinh thần của áo mới mà người Ki-tô hữu mặc trong Đức Ki-tô (x.Ep 4,32), hay trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-xê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại” (Cl 3,12).[iv]

 

“Hiền lành” cũng xuất hiện trong thư thứ nhất của Thánh Phê-rô. Tác giả dùng từ này chỉ về các phụ nữ: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1Pr 3, 3-4). Với Thánh Phê-rô thì sự hiền hòa và thùy mị chính là đồ trang sức đẹp và quý giá của phái đẹp. Những tính tình này còn quý giá gấp vạn lần những vòng vàng quý giá khác. Người phụ nữ thuỳ mị và hiền hoà luôn được mọi người trân quý và yêu thương, và đặc biệt họ là những người quý giá trước mặt Thiên Chúa. Giá trị của họ được biểu lộ rõ rệt qua sự hiền hoà và thuỳ mị. Giá trị đó tương hợp với tính cách và bản chất của Chúa Giê-su. Giá trị đó không bao giờ phai tàn.[v]

 

Trở về với Mối Phúc thứ hai, chúng ta cùng tìm hiểu thêm nghĩa của từ praies mà Chúa Giê-su nói tới trong bản văn Hy-lạp. Thực sự không dễ để chuyển ngữ chính xác từ ngữ praies. Để phần nào hiểu được ý nghĩa của từ ngữ này, nên coi một số bản dịch của các ngôn ngữ khác. Trước hết, bản dịch đại kết trong tiếng Đức Die Bibel – Einheitsuebersetzung dịch là Selig, die keine Gewalt anwenden – Phúc cho người không sử dụng đến bạo lực, còn Martin Luther dịch là Sanfmuetigen, nghĩa là hiền lành. Còn có bản dịch từ ngữ praies là freundlich - dễ thương. Ở đây, có một sự giải thích của thần học gia Ratzinger: “Bản dịch đại kết trong tiếng Đức - Die Bibel, Einheitsuebersetzung dịch thuật từ ngữ praies trong tiếng Hy-lạp thành ‘bất bạo động’. Cách dịch này thu hẹp thuật ngữ Hy-lạp lại vốn rất phong phú trong truyền thống. Cụ thể, Mối Phúc thứ hai trích dẫn Thánh Vịnh: ‘Kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp’ (Tv 37,11). Thuật ngữ praies trong sách thánh Hy-lạp dịch chữ anawim của Do Thái, được dùng để nói về người nghèo của Thiên Chúa, là những người đã được đề cập tới trong Mối Phúc thứ nhất. Vì thế, Mối Phúc thứ nhất và Mối Phúc này gối lên nhau trong phạm vi rộng. Thêm vào đó, Mối Phúc này (hiền lành) làm sáng tỏ chiều kích thiết yếu ý nghĩa việc sống khó nghèo từ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa”.[vi]

Trong tiếng Pháp, từ ngữ praies thường được dịch là doux – hiền lành, nhẹ nhàng, như bản dịch của TOB: Heureux les doux. Chung chung, trong các bản dịch của tiếng Anh, từ ngữ này thường được dịch là meek – hiền lành, nhu mì. Tuy nhiên, cũng có bản dịch chuyển ngữ là the gentle – hiền lành, dịu dàng, hoà nhã, như trong bản dịch của The New Jerusalem Bible: Bless are the gentle. Còn trong tiếng Việt, bản dịch mới nhất của nhóm Các giờ kinh Phụng Vụ chuyển ngữ là hiền lành, cha Nguyễn Thế Thuấn cũng dịch là hiền lành, còn anh em Tin Lành chuyển ngữ là khiêm nhu hay nhu mì. Mỗi cách chuyển ngữ của mỗi bản dịch đều nói lên được phần nào ý nghĩa của từ ngữ praies. Vì thế, trong phần suy niệm Mối Phúc thứ hai này, luôn nhìn đến ý nghĩa của từ ngữ praies đã được chuyển ngữ trong các bản dịch Thánh Kinh của những ngôn ngữ trên.[vii]

 

Tìm hiểu thêm về từ ngữ này, chúng ta có thể thấy từ ngữ praies - hiền lành ở đây liên hệ đến người có hoàn cảnh thấp kém và khó khăn trong xã hội - những người bị chèn ép - những người nghèo khổ - những người không được trọng dụng, hay từ ngừ này chỉ về thái độ nội tâm của người hiền lành, nghĩa là những người từ chối không dùng bạo lực, những người khiêm nhường không bao giờ tự cao tự đại, nhưng luôn ý thức thi hành trách nhiệm của mình và không bao giờ lạm dụng quyền lực. Theo Martini, từ ngữ “hiền lành” diễn đạt khả năng để phân biệt và nhận định, trong phạm vi nào quyền lực được sử dụng, và lúc nào cần thiết phải dẹp bỏ quyền lực sang một bên. “Hiền lành” là một sự nhận thức quan trọng về một điều: trong các mối tương quan giữa người với người không có không gian cho sự chèn ép và bạo lực, mà hơi ấm của tình yêu bao phủ tương quan của con người.

Người hiền lành trong Mối Phúc của Chúa Giê-su ở đây, là người dù có giàu cảm xúc, nhưng vẫn luôn linh động, cởi mở và có một nội tâm rất tự do thoải mái. Người hiền lành luôn tôn trọng sự tự do của người khác. Người hiền lành cảm nhận rằng, Chúa hiện diện trong anh chị em. Ngài tôn trọng mọi người, ảnh hưởng hành động trong mỗi người, và thúc đẩy con người đi đến sự phục tùng và yêu thương, mà không dùng đến quyền lực để ép buộc.

Hiền lành luôn từ chối bạo lực dưới bất cứ hình thức nào, bên trong lẫn bên ngoài. Hiền lành là chiến thắng của hòa bình trên chiến tranh, là chiến thắng của đối thoại trên sự đàn áp người khác. Ở đây cần phải nêu lên định nghĩa về hiền lành của nhà chú giải Thánh Kinh, Cha Jacques Dupont, một định nghĩa gần với tinh thần mà Mối Phúc muốn nói: “Hiền lành được nhắc đến trong Bài Giảng Trên Núi không khác gì hơn là tinh thần khiêm nhường. Tinh thần này được diễn tả qua sự dễ thương trong tương quan với người bên cạnh. Sự hiền lành dễ dàng được nhận ra. Trong con người Chúa Giê-su có thể nhận ra được sự hiền lành này. Ngài chính là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Trong nền tảng, sự hiền lành đối với chúng ta là một hình thức của tình yêu. Một tình yêu kiên nhẫn, và luôn chú ý đến người khác với một sự nhạy cảm sâu xa”.[viii]

 

Từ những suy nghĩ trên, chúng ta thấy rằng, chẳng khó hiểu gì khi Chúa Giê-su nói với người hiền lành: “họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Đất Hứa này chắc chắn là Đất của các thánh ở trên trời, nhưng Đất Hứa này cũng đang hiện diện lúc này trên trái đất của chúng ta. Với sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta cùng cố gắng để xây dựng vương quốc này. Khi chúng ta từ chối bạo lực và hận thù, khi chúng ta dẹp bỏ chèn ép và bất công, thì chúng ta, những người Ki-tô hữu, đang kề vai nhau xây dựng một con đường. Trên con đường đó, lòng nhân từ và sự thật tìm thấy “chỗ trú ngụ”. Và như vậy xã hội sẽ có một khuôn mặt mới.

Chắc chắn rằng, tinh thần hiền lành trong Bài Giảng Trên Núi chỉ có thể từ từ lớn dần trong tâm hồn của mỗi người, và cũng như trong các tập thể và trong xã hội. Người ta phải trải qua rất nhiều thử thách, nhiều kinh nghiệm thất vọng và thất bại đắng cay, để qua đó hiểu được rằng, mỗi kiểu bạo lực, kể cả bạo lực mang tính luân lý hay hay bạo lực dựa vào bất cứ chủ nghĩa hay ý thức hệ nào, thì đều đứng “cô đơn” và “rỗng tuếch” ở cuối con đường.

 

  • Bước suy niệm Mối Phúc về người hiền lành.

 

- Hiền lành và một cái nhìn vào xã hội nhiều có nhiều bạo lực.

 

Nếu nhìn vào trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy rằng hiền lành khó có chỗ đứng, vì xã hội hôm nay được đánh dấu bởi sự cạnh tranh, và con người luôn sống trong sự so sánh với người khác. Các hãng xưởng tuyển dụng nhân viên bán hàng hay marketing không ưu tiên chỗ cho người hiền lành, nhu mì ít nói, mà họ luôn chú ý đến những người nhanh nhẹn, khôn lanh, biết ăn nói ngọt ngào. Và nếu họ có một cá tính mạnh mẽ, luôn dám tranh đấu, khôn ngoan và can đảm dùng những chiêu bài, những mánh lới, cũng như biết tìm kiếm và đặt ra những chiến lược - strategy để đạt được thành quả cao cho hãng xưởng, cho công ty, thì họ sẽ dễ được nhận vào.

Còn trong học đường, các nhà tâm lý học đã cảnh báo rằng, học sinh mỗi ngày thích dùng bạo lực hơn, không chỉ bạo lực qua lời nói chửi bới hay chửi thề, mà còn bạo lực bằng hành động gây thương tích. Bạo lực trong trường học giờ đây là một đề tài cần được chú ý và bàn luận. Bình thường, tuổi học trò vốn dĩ là khoảng thời gian kỳ diệu đầy ắp những kỷ niệm hồn nhiên và lanh lảnh tiếng cười. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với không ít các học sinh lại hoàn toàn khác. Nhiều em là nạn nhân của nạn bạo hành học đường (mobbing), ức hiếp, quấy rối, trêu chọc, bêu xấu, cô lập, khiêu khích, đánh đập… Đó là một hiện tượng khá phổ biến, nan giải, tồn tại từ lâu và ngày càng phát triển trên thế giới. Có những trường học đã đưa đề tài này vào trong giáo trình dạy học. Trước thực trạng đáng buồn đó, không ít thầy cô giáo đứng trước một ngõ cụt. Họ mệt mỏi không biết phải làm gì. Họ rơi vào stress, và có người mang những triệu chứng của sự trầm cảm. Như thế, các thầy cô giáo và các phụ huynh đứng trước thử thách khá lớn, trong việc giáo dục con em của mình ngày hôm nay.

Chắc chắn rằng, một số em thiếu nhi và thiếu niên sẽ dễ dàng trở nên tức tối và bạo lực, khi các em sống trong một hoàn cảnh gia đình tế nhị, như gia đình ly dị, hay các em bị cha mẹ bỏ bê và không chăm sóc đàng hoàng. Em nào thiếu tình yêu thương trong gia đình, và trong môi trường em sống, thì em đó dễ dàng trở nên tức tối và dễ dàng gây ra bạo lực. Nói một cách khác, nếu các em bị người khác làm tổn thương, thì các em cũng dễ dàng gây tổn thương cho người xung quanh.

Rồi hơn nữa, chúng ta cũng luôn nghe về những khu phố bạo lực nổi tiếng với việc đốt xe hơi, với việc ăn trộm ăn cướp. Mỗi lần đi vào những khu phố như thế, ai cũng lo lắng và sợ sệt. Có một số người bạn của tôi đã từng là nạn nhân của sự cướp bóc trên đường phố trong những nơi phức tạp như vậy. Họ đã kể lại kinh nhiệm đó, họ thực sự sợ hãi và luôn phải dặn nhau phải cẩn thận, khi bước vào những khu phố như thế. Những khu phố đó không chỉ có ở những nơi nghèo nàn, mà còn có ở những đất nước văn minh, mà người ta gọi là những nước thuộc về thế giới thứ nhất.

 

Trong xã hội văn minh với truyền thông hôm nay, có một hiện tượng bạo hành thường xảy ra, mà người ta dùng từ ngữ tiếng Anh mobbing-internet để diễn tả. Đó là kiểu tấn công và hành hình qua mạng theo tính cách một người bị một tập thể bôi xấu, chụp mũ, thoá mạ, đe doạ, kết án và hành hình ở trên mạng. Ai là nạn nhân của kiểu mobbing-internet có thể bị cô lập, trở nên trầm cảm hay bị những chứng bệnh tâm lý khác, và có thể dẫn đễn tự tử là hậu quả xấu nhất. Thật vậy, tình trạng nhiều nhóm cư dân mạng tấn công một người từng có hành động sai trái nào đấy đang trở thành đề tài tranh luận của xã hội. Nếu cuộc tấn công chỉ ngừng ở mức độ cảnh cáo thì chẳng có gì ầm ĩ, điều đáng nói ở đây là nhiều trường hợp nạn nhân đã bị dồn đến đường cùng. Có rất nhiều ví dụ về các nạn nhân của mobbing-internet, như một cô gái đã trở thành nạn nhân của trò tấn công hội đồng trên mạng. Số là cô này đã từ chối dọn sạch phân chó sau khi con cún cưng của cô lỡ “bậy” trên một xe điện ngầm tại Hàn Quốc. Một hành khách đi chung đã chụp hình người này và đăng lên internet. Cô gái nhanh chóng bị nhận diện và mọi chi tiết về đời tư của cô đã bị đăng toàn bộ lên mạng. Thế là cô trở thành đề tài đàm tiếu và bị cư dân mạng hạ nhục. Thậm chí có người còn gửi thư đe doạ giết cô. Đó là một trường hợp tiêu biểu của mobbing-internet hoặc lynch mobbing.

 

Nhìn xa hơn một chút, chúng ta cũng thấy hiện trạng của thế giới hôm nay với khủng bố luôn luôn là đề tài nổi bật. Trong khủng bố, bạo lực luôn được dùng tới mà không có giới hạn nào cả. Đôi khi khủng bố lại nhân danh Thượng Đế, nhân danh Ông Trời. Khi họ lạm dụng chính Danh của Thượng Đế để làm những chuyện giết chóc và khủng bố người khác, thì họ không biết tới giới hạn nào cả. Giá trị và phẩm giá của con người như không còn được nhìn tới. Điều chính yếu là họ muốn gieo rắc nỗi sợ hãi đến nhiều người. Vì họ đã bị khinh thường hay tự khinh thường mình, nên họ đã tự kết liễu đời mình bằng cách dùng chính cái chết của mình để giết chết biết bao nhiêu người khác. Bạo lực là một sự xúc phạm đến giá trị và phẩm giá của con người, đã làm cho nền tảng của xã hội nhân loại bị lung lay, và nó phá đổ những điều căn bản quan trọng cho cuộc sống chung của mọi người.

 

Đó là một vài nét chấm phá về xã hội và thực trạng của đời sống hôm nay. Nét chấm phá này không chỉ lấy từ truyền thông – media, mà đi từ chính kinh nghiệm thật của cuộc sống. Có người đã kể cho tôi nghe về việc đứa con nhỏ của họ bị bạn bè cô lập và hất hủi như thế nào, chỉ vì em là học sinh mới, vì em là người ngoại quốc, và không ăn mặc những đồ hàng hiệu. Cha mẹ đã phải nhờ đến thầy cô giáo can thiệp, để hy vọng con của họ có thể tìm được chỗ đứng trong lớp học. Câu chuyện khác kể lại rằng. Người con trai trong gia đình thường xuyên nói năng tỏ thái độ tức tối với người khác, và đôi khi với cả cha mẹ anh ta. Có lần, không thể chịu đựng được nữa, người cha lên tiếng nhắc nhớ con, thì người con trả lời: “Thế giới này quá xấu xa và dữ dằn. Ba chỉ sống trên mây. Ba không biết gì về thế giới này. Ai không bạo lực, người đó thua cuộc”.[ix]

Chính trong xã hội hôm nay có nhiều bạo lực, lời của Chúa Giê-su vẫn vang lên: Phúc cho ai hiền lành. Lời của Chúa nói với tất cả mọi người, đặc biệt với những ai muốn thoát ra khỏi lối sống đầy bạo lực, những ai ao ước một thế giới dễ thương hơn và an bình hơn, những ai đi tìm sự hài hoà và một cuộc sống được mọi người chấp nhận mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì cả. Những anh chị em đó đang mong chờ một thế giới hiền lành, một thế giới hài hoà, trong đó con người sống yêu thương lẫn nhau, và không cần phải hãi sợ, không cần phải dè chừng và không cần cứ phải ở trong tình trạng đề phòng và đối phó. Cũng cần phải nói thêm rằng, cả những người thường gây ra bạo lực luôn có ước mong trở nên hiền hoà hơn, nhẹ nhàng hơn, được người khác chú ý đến với sự trân quý và yêu thương hơn. Thật vậy, dù thế nào đi nữa, âm thanh của hai từ hiền lành luôn luôn được chú ý giữa lòng cuộc sống của con người.

 

- Âm thanh của từ ngữ hiền lành nhẹ nhàng nhưng thật mạnh mẽ.

 

Trong bầu khí của một xã hội nhiều bạo lực, Chúa Giê-su đã cất tiếng tuyên bố Mối Phúc dành cho những người hiền lành và khiêm tốn, những người không bao giờ dùng đến bạo lực, và những con người dễ thương. Lời của Chúa Giê-su tuyên bố trên núi cao đã vang lên cách mạnh mẽ. Lời đó đi xuống và đi vào giữa lòng thế giới của nhân loại. Lời của Ngài mạnh mẽ và lớn hơn các âm thanh của bạo lực và sự tức tối. Bên ngoài, Lời của Chúa vang lên và hình như chẳng ai để ý tới, nhưng Lời đó như là một cái gai làm cho những ai thích bạo lực phải nhói đau, và đặt câu hỏi rõ ràng về ý nghĩa và hậu quả tiêu cực của bạo lực. Lời của Chúa như một âm thanh trong suốt đi vào giữa lòng thế giới cách mạnh mẽ, và làm cho thế giới này tỉnh thức để nhận ra giá trị của sự hiền lành và khiêm tốn.

Trong hoàn cảnh xã hội Do Thái thời đó, chúng ta nhận ra rằng, khi Chúa Giê-su tuyên bố Mối Phúc hiền lành, Ngài đã can đảm biết bao. Ngay tại giữa bối cảnh dân tộc Do Thái bị đế quốc Rô-ma cai trị một cách dã man và nhiều bạo lực, đưa lại biết bao khổ đau, cũng như ngay giữa lòng xã hội của chúng ta hôm nay cũng nhuốm màu bạo lực, Chúa Giê-su đã nói về Mối Phúc hiền lành và khiêm tốn. Thật vậy, thế giới này và xã hội của chúng ta dù có nhiều bạo lực và xấu xa đến mấy, cũng không thể bịt tai trước Lời của Chúa nói về Mối Phúc hiền lành. Khi âm thanh của từ ngữ hiền lành vang lên giữa lòng nhân loại, thì sẽ kéo con người vào trong tinh thần khao khát một thế giới thanh bình và hài hoà hơn. Từ ngữ hiền lành mang một âm thanh nhẹ nhàng nhưng thật mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ đến từ Chúa Giê-su, Đấng luôn luôn xây dựng hoà bình và hoàn toàn chối từ bạo lực, vì bạo lực không có giá trị gì cả.[x]

 

- Bạo lực không có giá trị gì cả.

 

Qua Mối Phúc cho người hiền lành, Chúa Giê-su rõ ràng đã kết án mọi hình thức bạo lực. Chiến tranh trong lịch sử nhân loại chỉ ra rằng, bạo lực dù trải dài nhiều năm trời vẫn không bao giờ tồn tại mãi được. Những con người sử dụng bạo lực để đạt mục đích của mình, và lầm tưởng là như thế mình sẽ đạt được hạnh phúc, là những người vô phúc. Sức mạnh của họ đã bị “mục nát” ngay từ trong cội rễ rồi. Họ như những bình sành dễ vỡ, bị rơi xuống và vỡ tan thành từng mảnh. Chúng ta có thể nhìn đến Phát-xít Đức, Khơ-me đỏ và biết bao ý thức hệ khác dùng bạo lực để đạt được quyền lực và thống trị người khác, rồi một ngày nào đó cũng sẽ phải đóng những trang sách bạo lực của họ lại. Tiếc rằng, những trang sách đó nhuốm màu bạo lực đã để lại những dấu ấn đau thương cho nhân loại. Đọc kỹ lại những trang sách lịch sử đó, chúng ta thấy rằng bạo lực thực sự không có giá trị gì cả.[xi] Hy vọng những trang sách lịch sử chẳng hay ho gì là bài học quan trọng và cần thiết cho nhân loại chúng ta. Đang khi viết những dòng chữ này, thế giới đang phập phồng hồi hộp về việc đất nước Syria có thể sẽ bị Hoa Kỳ và Phương Tây tấn công bằng vũ lực. Lý do người ta nói là để diệt trừ bộ máy cai trì dã man đã dùng đến vũ khí hoá học giết hại dân thường. Thực hư chỉ có Chúa biết.

 

Tuy nhiên, đứng trước một sự đe doạ của bạo lực và nguy cơ chiến tranh có thể giết chết biết bao người dân vô tội, những con người thấp cổ bé miệng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo và mọi người trên thế giới hãy tỉnh táo và chín chắn, nói không với bạo lực và với chiến tranh để đi tìm con đường hoà bình cho người dân vô tội. Ngoài ra, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người người Công Giáo trên toàn cầu dành một ngày thứ bảy, để ăn chay cầu nguyện, lần chuỗi và viếng Thánh Thể Chúa, với mục đích cầu nguyện cho hoà bình ở Syria. Đã qua được một tuần sau cuộc họp thượng đỉnh của các nguyên thủ, việc tấn công Syria chưa diễn ra. Có dấu hiệu tốt, khi Syria nộp kho vũ khí hoá học, thì sẽ không bị tấn công. Đó là điều mọi người mong đợi. Đó là điều mà Chúa Ki-tô là Ánh Sáng hiền lành, là vị Vua hiền từ luôn từ chối bạo lực mong ước nơi nhân loại. Trong Thánh Lễ ngày 03.9.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Chúa Giê-su không cần một đội quân để xua đuổi ma quỷ, Người không cần sự kiêu hãnh, không cần vũ lực, không cần sự kiêu ngạo. Chúa Giê-su có cách thế của Ngài. Ngài chiếu Ánh Sáng nhân từ và diệu hiền của Ngài cho nhân loại, chứ Ngài không bao giờ chiếu Ánh Sáng nhuốm đầy bạo lực và có sức giết chết con người... Ánh sáng của Chúa Giê-su là một ánh sáng nhẹ nhàng, một ánh sáng bình an, một ánh sáng của hòa bình, giống như ánh sáng trong đêm Giáng sinh, không giả tạo... Ánh sáng của Chúa Giê-su không phải để trình diễn, đó là một ánh sáng đi vào trái tim, hiến dâng và đem lại hòa bình”.

Trong niềm tin vào Chúa Giê-su, Đấng là nguồn của Ánh Sáng dịu hiền, Ánh Sáng hoà bình, Đức Thánh Cha đã cùng mọi người Công Giáo toàn cầu canh thức và cầu nguyện cho hoà bình tại Syria vào tối thứ bảy 07.9.2013. Ngài đã chia sẻ trong bài giảng: “Toàn thể công trình sáng tạo họp thành một tập hợp hài hòa, tốt lành, nhưng nhất là con người, được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, họ là một gia đình duy nhất, trong đó những tương quan huynh đệ đích thực không những được công bố bằng lời nói mà thôi: tha nhân là anh chị em cần yêu thương, và tương quan với Thiên Chúa là tình thương, là lòng trung thành, là sự thiện hảo phản ánh trên tất cả các quan hệ giữa con người với nhau và mang lại sự hài hòa cho toàn thể công trình sáng tạo… Tối hôm nay, trong sự suy tư, chay tịnh, cầu nguyện, mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta hãy suy tư trong thâm tâm mình: phải chăng đây là thế giới mà tôi mong muốn? Phải chăng đây là thế giới mà tất cả chúng ta mang trong trái tim? Thế giới mà chúng ta mong muốn chẳng phải là một thế giới hài hòa và hòa bình trong chúng ta, trong các quan hệ với tha nhân, trong gia đình, trong các thành thị, trong và giữa các quốc gia sao? Và tự do đích thực trong việc chọn lựa những con đường cần đi theo trên thế giới này, có phải là con đường duy nhất hướng về thiện ích của tất cả mọi người và được tình thương hướng dẫn hay không?

Nhưng giờ đây chúng ta hãy tự hỏi: phải chăng đó là thế giới mà chúng ta đang sống? Công trình tạo dựng giữ nguyên vẻ đẹp của nó làm cho chúng ta đầy kinh ngạc, tiếp tục là một công trình tốt đẹp. Nhưng cũng có cả ‘bạo lực, chia rẽ, đụng độ, chiến tranh’… 

Khi con người chỉ nghĩ đến mình, tới lợi lộc riêng của mình và đặt mình ở trung tâm, khi con người để cho mình bị thu hút vì những thần tượng thống trị và quyền lực, khi con người coi mình thay Thiên Chúa, thì lúc đó nó làm hư hỏng mọi tương quan, làm tan vỡ tất cả, và mở cửa cho bạo lực, cho sự dửng dưng, cho xung đột. Đó chính là điều mà đoạn sách Sáng Thế muốn cho chúng ta hiểu, đoạn sách trong đó có thuật lại tội lỗi của con người: con người bắt đầu xung đột với chính mình, nhận thấy mình trần truồng và ẩn nấp vì sợ hãi (x.St 3,10), con người sợ cái nhìn của Thiên Chúa; cáo buộc người nữ vốn là thịt bởi thịt của mình; con người phá vỡ sự hài hòa với thiên nhiên, đi tới độ giơ tay chống lại em mình để giết hại em. Chúng ta có thể nói rằng từ sự hòa hợp, người ta tiến tới sự thiếu hòa hợp (disarmonia) hay chăng? Không, không có sự thiếu hòa hợp: hoặc là có sự hòa hợp, hoặc người ta rơi vào tình trạng hỗn độn, trong đó có bạo lực, tranh giành, đụng độ và sợ hãi.

Con người ở trong tình trạng xáo trộn ấy khi Thiên Chúa hỏi lương tâm con người: ‘Abel em ngươi ở đâu?’ Và Cain trả lời: ‘Tôi không biết. Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?’ (St 4,9). Câu hỏi này cũng được gửi đến chúng ta và chúng ta cũng nên tự hỏi: ‘Tôi có phải là người canh giữ anh em tôi không?’ Đúng, ngươi là người canh giữ anh em ngươi! Là người có nghĩa là người canh giữ nhau! Và trái lại, khi người ta phá vỡ sự hài hòa, thì xảy ra một sự biến thái: người anh em cần phải canh giữ và yêu thương trở thành một đối thủ phải bài trừ, phải tiêu diệt. Bao nhiêu bạo lực xảy ra từ lúc ấy, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu chiến tranh xảy ra trong lịch sử chúng ta! Chỉ cần nhìn xem nỗi đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đây không phải là một cái gì tình cờ, nhưng là một sự thật: trong bạo lực và trong chiến tranh chúng ta làm tái sinh Cain. Tất cả chúng ta! Và cả ngày nay, chúng ta tiếp tục để cho những thần tượng, lòng ích kỷ, những lợi lộc riêng tư hướng dẫn, và thái độ này đi xa hơn: chúng ta đã kiện toàn các võ khí, lương tâm chúng ta ngái ngủ, chúng ta làm cho những lý luận của mình trở nên tinh tế để biện minh cho mình. Chúng ta tiếp tục gieo rắc sự tàn phá, đau thương, chết chóc, như thể đó là một điều bình thường!”

Suy niệm đến đây, Đức Thánh Cha đã đặt ra những câu hỏi: chúng ta có thể đi theo một con đường khác hay không? Chúng ta có thể ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đau thương và chết chóc hay không? Chúng ta có thể học lại cách bước đi trên những con đường hòa bình hay không?

“Khi cầu khẩn ơn phù trợ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, là Nữ Vương hòa bình, tôi muốn trả lời rằng: Có, tất cả chúng ta đều có thể đi theo một con đường khác! Tối hôm nay, tôi muốn rằng từ mọi nơi trên trái đất chúng ta kêu lên: Có, tất cả mọi người đều có thể đi con đường khác! Đúng hơn, tôi muốn mỗi người chúng ta, từ nhỏ chí lớn, cho tới cả những người được kêu gọi cai trị các dân nước, hãy trả lời: Có, chúng tôi muốn con đường khác! Đức Tin Ki-tô của tôi thúc đẩy tôi nhìn lên Thánh Giá. Tôi ước ao rằng trong lúc này đây tất cả mọi người nam nữ thiện chí nhìn lên Thánh Giá! Tại đó, người ta có thể đọc được câu trả lời của Thiên Chúa: tại đó, người ta không đáp trả bạo lực bằng bạo lực, không dùng ngôn ngữ chết chóc để đáp lại chết chóc. Trong thinh lặng của Thánh Giá, tiếng bom đạn im bặt và người ta nói với ngôn ngữ của sự hòa giải, tha thứ, đối thoại, hòa bình…

 

Ước gì mỗi người nhìn vào thẳm sâu của lương tâm mình và lắng nghe tiếng nói: ngươi hãy ra khỏi lợi lộc riêng tư đang góp nghẹt trái tim ngươi, hãy vượt thắng sự dửng dưng đối với tha nhân, sự dửng dưng làm cho trái tim ngươi không còn nhạy cảm, hãy chiến thắng những lý lẽ chết chóc của ngươi và hãy cởi mở đối thoại, hòa giải: hãy nhìn nỗi đau khổ của anh em ngươi và đừng chất thêm những đau khổ khác, hãy ngừng tay lại, hãy tái tạo sự hòa hợp đã bị phá tan; và thực hiện điều này không phải bằng sự đụng độ, nhưng bằng sự gặp gỡ! Hãy chấm dứt những tiếng ồn của võ khí! Chiến tranh luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, luôn luôn là một sự thất bại cho nhân loại”.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha là những tâm tình của tình yêu thương. Với cái nhìn của Tin Mừng và trong tinh thần của Chúa Giê-su, ngài mời gọi tất cả nhân loại hãy chối từ bạo lực. Đừng bao giờ dùng bạo lực để giải quyết những bất đồng. Thánh Giá Chúa chính là minh chứng hùng hồn cho một con đường hoà giải. Đó là con đường của Đấng hiền lành và khiêm nhường, vị Vua hiền lành đang ngồi trên lưng Lừa. Ngài nói với mọi người rằng: “Phúc thay những ai hiền lành” giống như Ngài. Hãy học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường đem lại hoà bình và hạnh phúc cho cuộc sống. Như vậy, sứ điệp của Chúa Giê-su trong Mối Phúc này khuyến khích và làm tăng thêm lòng dũng cảm sống tinh thần hòa bình, bất bạo động. Các giáo phụ chú giải các Mối Phúc đều hiểu “hiền lành” là tinh thần từ chối bạo lực, dẹp bỏ hận thù và những suy nghĩ thù hận với người khác, và với cả bản thân mình.

 

- Bạo lực cũng không có giá trị trong đời sống cá nhân của con người.

 

Cha Anselm Gruen[xii] đã nhấn mạnh đến sự bạo lực trong đời sống cá nhân, và cha mời gọi hãy biết hiền lành và thương xót mình, biết chấp nhận mình để tìm thấy niềm vui và an bình trong cuộc sống. Cụ thể hơn, có một số trường hợp không chỉ hướng bạo lực ra ngoài xã hội, mà còn hướng bạo lực vào đời sống tinh thần, đời sống tâm sinh lý của bản thân mình. Họ không hài lòng về chính bản thân mình, họ thường tức tối với chính mình, và thường xuyên bạo lực với chính bản thân mình. Cũng rất tiếc, khi một số người có khuynh hướng tự làm giảm giá trị con người mình, khinh thường chính mình, và đôi khi đi đến chỗ từ từ tàn phá đời mình. Dấu hiệu bên ngoài họ tỏ ra là thường xuyên cáu kỉnh và hay tự chê trách bản thân mình. Lương tâm của họ trở thành một quan toà khắc nghiệt, đến nỗi luôn nhìn mọi sự trong lăng kính tiêu cực (negativ). Chắc chắn có nguyên do của thái độ tiêu cực này. Một trong những nguyên do là từ hồi nhỏ họ đã không có những kinh nghiệm tốt đẹp trong cuộc sống, họ không tìm thấy cách hội nhập hài hoà vào trong đời sống xã hội, và họ luôn mang nỗi sợ hãi trong người. Đó là những áp lực họ mang, và những áp lực đó đã đưa họ đến chỗ chống lại chính bản thân mình, qua đó họ muốn kiểm tra mọi sự trong bàn tay của họ. Hay là vì một lý do gì đó, họ đã kết án chính bản thân quá khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt này không đưa lại cho họ sự quân bình, mà có thể đẩy họ đến tình trạng chối bỏ chính bản thân, và khắc nghiệt có thể làm cho họ quá sợ hãi, đến nỗi không thể sửa lỗi được, mà lại mắc từ lỗi này đến lỗi khác. Nhìn như thế, chúng ta thấy rõ ràng, bạo lực không có giá trị gì trong cuộc sống cá nhân, mà ngược lại còn làm cho cá nhân rơi vào tình trạng tệ hại về tinh thần và trong đời sống thường ngày.

 

Ngoài ra, có một số người cũng tàn phá bản thân, khi họ luôn cảm thấy có tội. Khi có những gì tiêu cực hay sai trái xảy ra xung quanh, thì họ lại cảm thấy mình có lỗi về chuyện đó. Họ cứ nghĩ rằng, họ có phần nào lỗi khi người hàng xóm gặp những vấn đề khó khăn, hay khi khuôn mặt của người đồng nghiệp nghiêm nghị. Họ không biết họ đã làm gì lỗi cả. Nhưng dù vậy họ vẫn cảm thấy mình có phần trong những gì tiêu cực xảy ra quanh họ. Cứ thế họ trở thành người mất quân bình, lúng túng và bối rối. Trong tình trạng đó, họ đang giằng xé bản thân với cảm giác tội lỗi ở nơi mà thực ra chẳng có tội tình gì cả. Các nhà tâm lý học cũng hỏi, từ đâu mà họ lại có những cảm giác tội lỗi như vậy. Bình thường, thì có thể nguyên nhân nằm trong một biến cố nào đó hồi niên thiếu, mà họ gặp phải và họ xấu hổ hết sức về điều đó. Thật vậy, nếu cảm giác tội lỗi cứ ám ảnh họ, thì họ có thể đun đẩy và dồn nén những điều tiêu cực vào trong tâm hồn và tinh thần của họ. Như thế, những tiềm lực tích cực không thể trỗi dậy và phát triển. Kết cục có thể là hậu quả rất xấu xảy ra, và không thiếu trường hợp nhuốm màu bạo lực.

 

Cũng có những trường hợp khác sống trong đau khổ và bối rối. Có người cần rất nhiều thời gian, từ một tiếng đến hai tiếng, mới có thể ra khỏi nhà mình, mỗi lần đi làm hay mỗi lần đi vắng. Họ phải kiểm tra lại tất cả mọi cánh cửa xem đã gài then đàng hoàng chưa. Sau đó, là rảo mắt đến từng ổ cắm điện, xem đã rút điện ra hay đã tắt hết điện chưa. Dù cho lý trí của họ có nói với họ rằng, mọi sự đều tốt, họ vẫn phải rảo bước một lần khắp nhà để kiểm tra lại lần nữa. Vẫn biết rằng cẩn thận vẫn hơn, nhưng trường hợp của họ thì vượt ra khỏi sự bình thường. Họ bắt buộc bản thân làm như thế, thì họ mới làm cho nỗi sợ hãi của họ dịu đi. Nhưng phần nhiều thì sự sợ hãi lại chẳng ăn nhập đến điều mà họ nghĩ rằng bắt buộc họ phải làm để tránh bị cháy nhà.  Cứ sống trong sự bắt buộc đó, con người trở nên bối rối, và đó là dấu hiệu con người chưa đón nhận bản thân mình, chưa thoải mái với cuộc sống của mình. Cứ phải chui vào cái lưới bắt buộc đưa lại an toàn kia, thì mọi chuyện sẽ yên. Nhưng cái lưới thì quá hẹp cho cuộc sống làm người. Và chưa chắc cái lưới kia thực sự đưa lại an toàn và an bình cho cuộc sống. Cứ sống như vậy, thì người ta bất an với chính mình, tức tối với chính mình, và những suy nghĩ và thái độ bạo lực với chính bản thân khó mà tránh khỏi.

 

Ngoài ra, có cả những trường hợp của những người đạo đức sống khắc khổ đến nỗi ghét chính bản thân, họ không chú ý đến khía cạnh tâm lý và tinh thần của cuộc sống. Vì họ lệch lạc và không có được một linh đạo đúng đắn luôn tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng con người trong toàn bộ với thân xác và tinh thần, và họ cũng chưa hiểu được vế thứ hai của điều răn quan trọng yêu thương anh chị em như chính bản thân mình, nên họ đã coi thân xác và bản thân họ như là kẻ thù. Họ khinh thường thân xác, ghét bỏ bản thân, và đã gây ra biết bao đau thương cho chính họ. Đó là những thái độ lệch lạc mà một số người đạo đức gặp phải.

 

Khi nhìn những trường hợp như thế, thì bạo lực thật sự là nguy hiểm, và thật ra chúng không có giá trị tích cực gì cho cuộc sống. Vì vậy, khi mỗi cá nhân biết đánh giá bản thân cách đúng đắn, và có tình yêu thương bản thân thật sự, một tình yêu tỉnh táo, chín chắn và luôn chú ý đến bản thân trong chiều hướng tích cực, thì sẽ tìm thấy được sự quân bình và an bình trong cuộc sống. Chúa Giê-su qua Mối Phúc hiền lành, dễ thương và không dùng đến bạo lực, Ngài muốn nhắc nhớ chúng ta biết ứng xử tốt với chính bản thân. Điều Chúa nói không phải là một lời khuyên rẻ tiền. Thực sự, Ngài đòi hỏi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn. Chúng ta cần có một cái nhìn khác về bản thân, cái nhìn hiền lành, cái nhìn dễ thương với chính mình, cái nhìn yêu thương mình thật sự, tránh mọi suy nghĩ tiêu cực và những thái độ nhuốm màu bạo lực đối với bản thân. Thay vì cứ phê bình và chê bai bản thân, chúng ta cần tập sống đón nhận bản thân mình như bản thân mình là, nghĩa là với vẻ đẹp và nét xấu, mặt trái và mặt phải. Nếu chúng ta đón nhận được bản thân cách tích cực, chắc chắn chúng ta sẽ có thái độ thật dễ thương với bản thân. Chúng ta cần từ chối cái lưới bắt buộc rất hẹp hòi và khó thở kia. Mỗi người chúng ta được phép là người, như chúng ta là. Khi chúng ta có cái nhìn dễ thương về một điều gì đó trong bản thân, thì cách hành xử của chúng ta với bản thân cũng dễ thương. Khi chúng ta hành xử tốt với chính mình, chúng ta dễ dàng đưa hoà bình đến cho người khác. Nói khác đi, lúc đó tự bản thân chúng ta toát ra hơi ấm của an bình. Lời của Chúa Giê-su mời gọi và đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi chính mình, bước ra khỏi cái lưới hẹp hòi của bắt buộc, để gặp gỡ và đón nhận sự hiền lành và dễ thương đang hiện diện trong chúng ta và bên cạnh chúng ta. Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trao ban tinh thần hiền lành và dễ thương cho mọi người xung quanh. Giữa một thế giới có quá nhiều bạo lực, một thế giới hà khắc này, chúng ta sẽ thay đổi được bầu khí, chúng ta sẽ đem lại một không khí trong lành, khi chúng ta sống thực là người hiền lành và dễ thương, người luôn từ chối các hành động của bạo lực.

Như thế, người hiền lành luôn luôn chăm sóc tinh thần hòa bình và hiền lành trong mỗi hoàn cảnh sống. Hiền lành và hoà bình trong gia đình, hiền lành và hoà bình trong tương quan với người khác, như sẵn sàng đón nhận người khác, trở thành bạn của họ, xây dựng một tương quan thực sự, và đồng tâm nhất trí với nhau. Hiền lành và hoà bình cũng chứa đựng niềm tin tưởng vào sức mạnh có thể biến đổi và thánh hóa tình bạn. Văn hào Jean de La Fontaine có nói: “Qua sự hiền lành bạn có thể thắng được nhiều điều hơn là qua bạo lực và gây hấn”. Và ngạn ngữ Đông Phương cũng nói rằng: “Qua hiền lành bạn thắng được tức giận. Qua tốt lành thắng được sự dữ. Qua bố thí thắng được hà tiện bủn xỉn và qua sự thật bạn thắng được gian dối”.

Nhiều người nghĩ rằng, hiền lành và dễ thương không có chỗ đứng trong chợ đời hà khắc, nhưng kinh nghiệm thực tế hoàn toàn chứng minh ngược lại. Sự hiền lành và dễ thương có thể ảnh hưởng trên sự cứng cỏi của những người đồng nghiệp. Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của hiền lành và dễ thương. Sức mạnh đó như làn nước trong lành trong dòng suối luôn nhẹ nhàng lách qua vách đá cứng cỏi đang ngáng đường, để tiếp tục chảy theo cuộc đời an bình. Đến đây, chúng ta có thể đọc lại chương 78, câu 1-2, trong sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử diễn tả rất sống động về tinh thần của con đường nước:

 

“(1) Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. (2) Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được”.

 

Đó là những lời dịch xuôi, còn trong bản dịch theo thể loại thơ văn thì:

(1) Nước kia mềm mại mấy mươi,

Mà chi cứng rắn cũng xoi cũng mòn.

Trần gian chi dám tranh hơn,

Trần gian chi dám tính toan thay vì.

(2) Mềm này lại thắng cứng kia,

Yếu đua với khỏe, chiếm bề thượng phong.

Điều này ai cũng thuộc lòng,

Mà nào ai biết ra công thi hành.

 

Một số nhà chú giải sách Đạo Đức Kinh đã nhìn chương 78 này là điều nên tin. Nhưng điều nên tin là điều gì? Là Bạo lực không bao giờ gây ảnh hưởng lâu dài, bền bỉ, mà trái lại chỉ có sự khéo léo mềm mại mới chinh phục được lòng người. Thiên nhiên đã chứng minh điều đó. Nước là cái gì mềm yếu nhất, uyển chuyển nhất mà thực ra đã xoi mòn được núi non, đã làm tan rã được sắt đá. Lão Tử ưa thích sánh thánh nhân với làn nước và nhân đó cho rằng khiêm cung, từ tốn nhưng kiên nhẫn, bền bỉ sẽ đem tới một thành công vững vàng. Lão Tử cũng đã nhiều lần đề cao sự mềm mại, uyển chuyển và cho rằng đây mới là bí quyết để thủ thắng. Tham khảo lịch sử, chúng ta đã thấy Tần Thủy Hoàng, Hạng Võ, Hốt Tất Liệt không phải là những người làm chủ thiên hạ muôn đời; mà những người làm chủ thiên hạ muôn đời là những Thích Ca, Chúa Giê-su, Lão tử, Khổng tử, Gandhi. Tất cả những vị giáo chủ này đều chủ trương từ bi, hỉ xả, “thành nhân chi mỹ”. Thật đúng là: Nhu thắng cương, nhược thắng cường![xiii]

 

Trở về với tinh thần Ki-tô giáo và hướng nhìn lên Chúa Giê-su, chúng ta tin vào sức mạnh của hiền lành và dễ thương, vì Chúa Giê-su, Chúa chúng ta chính là Đấng hiền lành, khiêm nhường và dễ thương biết bao, Ngài đã chịu khổ đau để chiến thắng khổ đau, Ngài sẵn sàng hy sinh mình để chịu chết, để rồi Ngài chiến thắng sự chết. Đó là con đường hiền lành, khiêm nhường và dễ thương của Chúa dẫn đến hạnh phúc cho mọi người.

 

- Hiền lành và dễ thương, con đường dẫn đến hạnh phúc.

 

Nếu chú ý đến ý nghĩa hiền lành và dễ thương của từ ngữ praies trong tiếng Hy-lạp, sẽ thấy rằng, con người hiền lành luôn có một cuộc sống thanh bình, họ luôn mở rộng lòng mình để sẵn sàng đón nhận tất cả. Nhưng thực tế, có nhiều người khác rơi vào trong tình trạng căng thẳng và bất an, bởi vì họ nghĩ rằng, tốt nhất là họ tống khứ mọi thứ ra khỏi đời họ, để họ không bị vướng bận gì cả. Họ muốn lịch sử đời họ không nhuốm một số chuyện gì đó có thể làm cho họ bất an. Họ lắc đầu với nhiều chuyện mà lẽ ra họ cần đón nhận và thực hiện. Như vậy, họ sống như một quan toà nghiêm khắc luôn canh chừng ngôi nhà của mình. Luôn sợ hãi mọi chuyện ở bên ngoài. Còn người hiền lành và dễ thương thì can đảm và sẵn sàng đón nhận tất cả. Họ không từ chối gì cả. Nói như thế, không có nghĩa là họ đều có chỗ cho mọi thứ trong cuộc đời của họ, và họ đều có thể chịu đựng mọi chuyện diễn ra, mà không bị tá hoả hay không bị tẩu hoả nhập ma. Họ sẵn sàng đón nhận mọi chuyện, và họ biết ý thức nở nụ cười và làm hoà với mọi chuyện. Đó chính là điều kiện quan trọng để họ có thể có một cuộc sống hài hoà với chính mình, và từ đó người hiền lành và dễ thương sẽ nếm cảm được hương vị hạnh phúc.

 

Người hiền lành và dễ thương cũng là con người có cái nhìn tích cực và tốt đẹp về cuộc sống, về chính bản thân mình, về những gì mình đang có trong chiều sâu. Nghĩa là người hiền lành biết ứng xử tốt với chính bản thân mình. Ai lại không lầm lỡ, ai lại không vương vấn tội lỗi, ai lại không tái phạm, và chắc chắn ai lại không có khuyết tật và những thiếu sót trong cuộc sống? Điều quan trọng là cần phải có cách ứng xử nào cho phù hợp với những điểm yếu và mặt trái của bản thân mình. Người hiền lành và dễ thương luôn nhẹ nhàng, không cứng ngắc và hà khắc với chính bản thân. Hiền lành trong tiếng Đức là Milde. Milde có gốc từ động từ mahlen, nghĩa là xay ra. Tất cả mọi chuyện tiêu cực và khó khăn được người hiền lành nhẹ nhàng xay ra, và khi chúng được xay ra thì sẽ dễ nuốt hơn. Sự nhẹ nhàng của người hiền lành diễn tả sự khôn ngoan của những người cao niên. Các cụ cao niên luôn toát ra một sự nhẹ nhàng và hiền lành, như mùa Thu đem lại ánh sáng dịu dàng và nhẹ nhàng trong buổi chiều của cuộc đời. Sự nhẹ nhàng của người hiền lành không kết án người khác, và cũng không kết án bản thân mình. Ngược lại, mọi sự và mọi chuyện đều được phép ở đó đối với người hiền lành. Vết thương của quá khứ để lại vết sẹo. Vết sẹo kia không cần phải được thăm viếng thẩm mỹ viện, mà được phép hiện diện cách an bình trong cuộc sống. Thật vậy, khi chúng ta có cái nhìn hiền lành nhẹ nhàng và dễ thương, thì mọi chuyện trong thế giới này đều có thể được đón nhận. Tuy nhiên, nói như thế không phải chúng ta từ chối cuộc chiến đấu cần có, là cuộc chiến đấu nói không với sự dữ. Cách thức chiến đấu của người hiền lành đối với sự dữ không phải là sự đối đầu hay đôi co, mà là luôn hướng nhìn lên Thánh Giá của Chúa Giê-su, tin tưởng và phó thác vào Ngài, để cùng Ngài bước đi trên con đường nhiều khó khăn nhưng với tất cả tình thương. Đó là con đường Thương Khó, để chiến thắng sự dữ và tìm thấy hạnh phúc, người hiền lành tiến bước cùng Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Cũng thế, người hiền lành nhẹ nhàng và dễ thương không bao giờ là con người hoàn hảo (perfect). Ngược lại, họ biết mình là kẻ tội lỗi. Họ khiêm tốn chân nhận mặt trái và mặt yếu của mình. Như người tội lỗi bước vào đền thờ, không dám đứng ngay phía trên gần cung thánh, mà đứng phía dưới cuối đền thờ và khiêm nhường đấm ngực ăn năn.[xiv] Như thế, khi sống đúng tinh thần của hiền lành, nhẹ nhàng, dễ thương và khiêm tốn, người ta sẽ tìm thấy an bình, niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt hạnh phúc ở bên Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

 

[i] FRANKENMOELLE H., trong Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament, Horst Balz và Gerhard Schneider (Hrg.), Band III, Verlag W. Kohlhammer GmbH, Stuttgart 1983, c. 352-53.

[ii] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.111.

[iii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.45.

[iv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.45-46.

[v] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.46.

[vi] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.110.

[vii] X. CANTALAMESSA, R O.F.M. CAP., Beatitudes, t.33.

[viii] Trích dẫn bởi MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.47-48.

[ix] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.53-55.

[x] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.55-56.

[xi] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.49.

[xii] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.57-60.

[xiii] X. http://nhantu.net/TonGiao/DaoDucKinh/DDK78.htm.

[xiv] Tham khảo GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.60-61.

BẢN PDF
bottom of page