top of page

Phần 2:

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,  

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.

 

 

 

Nguyên lý và nền tảng của kinh Lạy Cha.

 

Trong những trang đầu tiên của sách Linh Thao, thánh I-Nhã đưa ra chủ đề « nguyên lý và nền tảng », trong đó I-Nhã nhắc đến mục đích của cuộc sống của con người, nhắc đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa, cũng như thái độ nền tảng cần có để con người có thể đi tìm thánh ý Chúa và tập sống theo điều Chúa muốn cho con người, hầu con người có thể đạt đến được cứu cánh của mình (ss. Linh Thao số 23).  Theo Martini, chúng ta cũng có thể tự hỏi xem, trong kinh Lạy Cha có « nguyên lý và nền tảng » không ? Câu trả lời là chắc chắn có. Trong phần đầu của kinh Lạy Cha chứa đựng những nguyên lý rất nền tảng cho đời sống thường ngày của con người, đặc biệt trong ba lời cầu xin đầu tiên hướng về Cha trên trời chỉ ra nguyên lý nền tảng của đời sống con người, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha trên trời[i].

 

« Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời ». Kinh Lạy Cha bắt đầu như vậy. Lời cầu nguyện bắt đầu bằng hai từ « Lạy Cha » là một điều rất lạ. Không có Thánh Vịnh nào bắt đầu như thế. Vậy thì sự bắt đầu với việc kêu lên « Cha » có ý nghĩa gì ? Chúng ta cần phải tìm hiểu về ý nghĩa của điều này, bằng cách chúng ta cùng đi vào phần suy niệm và tìm hiểu từ ngữ « Cha ».

 

« Cha » trong ý nghĩa tự nhiên của cuộc sống.

 

Trước hết, từ ngữ « Cha » trong bản chất của nó chứa đựng nhiều yếu tố tình cảm. Một số người có những tương quan rất sống động và gần gũi với cha đẻ của mình từ thời ấu thơ, nhưng cũng có người lại không cảm thấy gần gũi với cha mình lắm. Đó là điều bình thường. Nhưng dù thế nào, thì cách gọi « Cha » đều đụng tới nhiều khía cạnh của tâm hồn chúng ta. Nói chung, cách gọi « Cha » chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu. Trước hết, cha cùng với mẹ, qua sự kết hiệp của cả hai, sinh ra một mầm sống mới, một người con. Sau khi sinh con ra, người Cha đóng vai trò giáo dục con cái qua chính cách thức riêng của mình, nghĩa là với sức mạnh và với quyền thế. Vì thế, trong khi giáo dục con cái, đôi khi cha cũng cần phải có những hình phạt, nhưng hình phạt của cha luôn luôn đi đôi với tình yêu thương. Ngoài ra, một cách nào đó, người cha cũng đóng vai trò chính yếu trong việc cung cấp lương thực và nuôi sống con cái và gia đình. Hơn nữa, cha cũng sẵn sàng bảo vệ và che chở con mình. Đôi bàn tay của cha chính là chỗ nương ẩn cho những đứa con thơ bé. Nếu chúng ta quan sát, sẽ thấy các em bé thường hay nhảy vào lòng cha, khi có gì đe dọa các em. Người Cha sẽ ôm con vào lòng, và sẽ che chở con mình. Như vậy, cha chính là biểu tượng cho sự ẩn núp và cho sự trợ lực. Hơn nữa, cha cũng diễn tả tinh thần của truyền thống, của giống nòi. Khi chúng ta kêu « cha », chúng ta cũng đụng tới chính nguồn gốc của chúng ta và cả căn tính của chúng ta. Theo Martini, từ ngữ “cha” trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy chứa đựng tất cả những ý nghĩa vừa kể trên[ii].

 

Nhưng không chỉ vậy, từ « Cha » trong kinh Lạy Cha phải còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, vì một điều rõ ràng là « Cha » trong kinh Lạy Cha hướng về Thiên Chúa Cha trên trời. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong kinh Lạy Cha, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu chút về hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Cựu Ước.

 

Cựu Ước có gọi Thiên Chúa là Cha không?

 

Trong Cựu Ước Thiên Chúa ít khi được gọi là Cha. Khi Thiên Chúa được nhắc đến như là người Cha trong Cựu Ước, thì tình phụ tử của Thiên Chúa không giành cho tất cả mọi người trên trái đất, mà chỉ giành cho những người được Thiên Chúa tuyển lựa. Dân Ít-ra-en được coi là những người được Thiên Chúa chọn và là những người con đầu tiên[iii]. Khi dân Ít-ra-en phải làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa đã gởi một sứ điệp cho vua Pha-ra-ô: "ĐỨC CHÚA phán thế này: Con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en. Ta đã phán với ngươi: Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta." (Xh 4, 22-23). Chính Mô-sê cũng đã nêu bật tình phụ tử của Thiên Chúa trong bài ca của ông, bài ca ông gởi cho dân Ít-ra-en trước khi ông qua đời. Trong bài ca đó có câu:

“Những đứa con mà Chúa đã sinh ra không tì ố
lại lỗi đạo với Người, ôi nòi giống lưu manh tà vạy!
Hỡi dân tộc ngu si khờ dại,
ngươi đáp đền ơn ĐỨC CHÚA vậy sao?
Há chính Người chẳng phải cha ngươi,
Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, củng cố?” (Đnl 32, 5-6).

 

Tình phụ tử của Thiên Chúa cũng được các tiên tri nhắc đến. Như tiên tri Hô-sê-a đã miêu tả sự chăm sóc của Thiên Chúa là Cha giành cho dân Ít-ra-en: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11,1). Giê-rê-mi-a cũng giới thiệu khuôn mặt củaThiên Chúa là người Cha nhân từ:

“Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,
Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,
trên đó chúng không còn vấp ngã.
Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha,
còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31, 9).

 

Tình phụ tử của Thiên Chúa cũng được tiên tri I-sa-i-a diễn tả thật dễ thương:

“Thế nhưng, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con;
chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,
chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64, 7).

 

Ngoài ra, thánh vịnh gia cũng nêu bật khuôn mặt người Cha của Thiên Chúa:

“Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2, 7).

 

"Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! " (Tv 89, 27).

 

Và trong sách Khôn ngoan, Thiên Chúa được nhắc đến cách đặc biệt với hình ảnh là người Cha luôn thương yêu và dẫn dắt con cái của mình. Như trong đoạn 14,3: « Thế nhưng lạy Cha, chính Cha mới quan phòng hướng dẫn vì Cha đã vạch đường giữa biển, rẽ lối an toàn trên sóng nước ».  

Như vậy, trong Cựu Ước Thiên Chúa được coi là Cha và dân Ít-ra-en được gọi là con. Tuy nhiên, đối với Cựu Ước tình cha con này không mang tính cách tự nhiên, mà được giới hạn trong sự chọn lựa của Thiên Chúa. Nghĩa là chỉ có những ai được chọn lựa mới được gọi là con của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước là thế, còn trong Tân Ước thì sao?

 

Chúa Giêsu với Cha trên trời.

 

Trong Tân Ước, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa trên trời chính là Đấng mà Ngài gọi là Abba – Cha, và Thiên Chúa trên trời cũng gọi Ngài là Con yêu dấu. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng : « Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.’ » (Mt 3, 16-17). Ngoài ra, khi Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Abba - Cha, thì Ngài không dựa trên nền tảng của Do-thái giáo, mà dựa trên tương quan có một không hai của Ngài với Thiên Chúa. Trong khi người ta không tìm thấy trong các tài liệu về cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo một chỗ nào dùng từ ngữ Abba để chỉ cho Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su lại luôn dùng từ ngữ Abba để chỉ về Thiên Chúa, ngoại trừ tiếng kêu của Ngài trên thập tự (x. Mk 15, 34). Vì thế, cách gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi, là cách gọi riêng của Chúa Giê-su,[iv] một cách gọi rất thân thương và mang tính cách gia đình. Theo Tertullianô, thì “danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào cả. Cả khi ông Môisen hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’”[v]. 

 

Nhưng tại sao, cách gọi Abba lại không được sử dụng trong những lời cầu nguyện và phụng vụ của Do-thái giáo? Theo Jeremias, thì người Do-thái tránh tối đa dùng những ngôn từ mang tính cách gia đình để gọi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng họ thờ lạy, nên không bao giờ họ nghĩ đến chuyện họ gọi Thiên Chúa là Abba[vi].

 

Như vậy, cách thức cầu nguyện của Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Abba  thật là mới mẻ. Đó cũng là cách thức của một em bé dùng để kêu chính cha đẻ của mình, một cách thức xưng hô rất thân thương và chất chứa niềm tin tưởng mạnh mẽ[vii], niềm tin luôn hướng về sự vâng lời Cha cách tuyệt đối mà chính Chúa Giê-su đã sống. Như vậy, khi Chúa Giê-su sử dụng cách thức xưng hô bình dị và thân tình này để cầu nguyện, thì Ngài muốn chỉ ra mối tương quan rất gần gũi và đầy tin tưởng của Ngài với Cha[viii].

 

Từ ngữ Abba tương đương với ‘bố ơi, ba ơi hay tía ơi’ mà trẻ em Việt Nam thường dùng để gọi Cha mình, một từ ngữ chứa đầy lòng tin tưởng và sự thân tình, mà không có từ ngữ nào khác diễn tả được. Và cũng thật đặc biệt, khi trong tiếng Việt có thêm chữ « lạy » vào chữ « Cha », phải chăng khi người công giáo Việt Nam kêu lên “Lạy Cha” là một đàng họ muốn diễn tả lòng kính trọng tôn thờ Thượng Đế, tôn thờ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, và đàng khác họ cũng muốn diễn tả một tương quan rất thân tình với Đấng Tạo Dựng, với Thượng Đế, Ngài chính là Cha của chúng ta.

 

« Cha » là một từ ngữ xác định bản chất thật của Thiên Chúa, và nói lên quan hệ chặt chẽ nối kết Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha trên trời, một quan hệ diễn ra trong sự yêu thương nhau tuyệt vời khôn tả. Đó chính là tiếng gọi của Ngôi Con kết hợp với Cha, cũng như qua sứ mạng mà Cha đã giao cho Người là cứu thoát nhân loại. Chính vì thế, Đức Giêsu mới dám nói: « Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con ». Và vì yêu thương mọi người, nên Chúa Giêsu hướng dẫn mọi người bước vào trong tương quan thân tình với Cha.

 

Qua Đức Kitô, con người bước vào « căn nhà Cha-Con » với Thiên Chúa. 

 

Thật vậy, “chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là ‘Cha’, bởi vì Con của Ngài nhập thể mạc khải cho chúng ta và vì Thần Khí của Ngài làm cho chúng ta nhận biết ngài. Điều con người không thể nhận biết và các cơ binh Thiên Thần không thể nhìn ra, về tương quan ngôi vị của Chúa Con với Chúa Cha, thì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta, những người tin Chúa Giêsu là Đức Kitô và là những người được sinh ra bởi Thiên Chúa, được tham dự vào trong tương quan đó”[ix].

 

Từ khi sống lại, Đức Kitô càng cho các môn đệ chia sẻ sâu xa hơn thân phận làm Con Thiên Chúa của mình, là Con sống trong tương quan gần gũi với Cha. Người kết hợp mọi tín hữu lại với Người, thành một thân thể, thành một dân mới. Người sai Thánh Thần đến tập cho các tín hữu làm quen với mầu nhiệm kinh hoàng đó, mầu nhiệm đã làm cho họ trở thành con cái Chúa.

 

Như vậy, qua kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su mở cánh cửa cho phép tất cả các môn đệ cùng những tín hữu của Giáo Hội tiên khởi ngày xưa, và chúng ta ngày nay bước vào « căn nhà Cha-Con » với Thiên Chúa, cho phép chúng ta tham dự vào trong tình Cha-Con cao quý này. Tâm tình này được Henri Nouwen diễn tả rất sống động: “Gọi Thiên Chúa “Abba” là bước vào trong một tương quan thân mật và không sợ hãi, đầy tin tưởng và phó thác với Thiên Chúa như Chúa Giê-su vậy...Gọi Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15; Gl 4,6) là một tiếng kêu từ con tim, một lời cầu nguyện tràn ra từ tận đáy lòng của con người”[x].

 

Và khi cầu nguyện « Lạy Cha chúng con », chúng ta, những Kitô hữu, nói lên một điều mà chỉ nhờ Tin Mừng chúng ta mới biết được: chỉ có một nhân vật có thể cho chúng ta biết rõ hết sự thật của cách gọi Lạy Cha, nhân vật đó là Người Con của Ngài, là Người Con độc nhất. Bởi đó cũng chỉ có Người mới xứng đáng gọi Cha ‘của Tôi’ và Cha ‘của anh em’ (Ga 20,17)[xi]. Đối với Karl Rahner, khi nói về Cha của Chúa Giê-su Kitô, thì “Ngài cũng là Cha của chúng ta! Nhưng chỉ qua sứ điệp của niềm tin mà chúng ta biết được điều này, và điều này luôn là điều vĩ đại và bao la, nếu con người nhận biết Thiên Chúa là gì và chúng ta là gì”[xii].

 

Thánh Phao-lô nói rằng : « Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Abba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. » (Rm 8, 15-16) và « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi! » (Gl 4,6). Chúa Giê-su đã ban tặng Thần Khí cho chúng ta, và trong Thần Khí của Ngài, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Cha của Giê-su cũng chính là Cha của chúng ta. Đó là một ân sủng vô cùng lớn lao của Đức Kitô và của Thần Khí ban tặng cho chúng ta.

 

Ân sủng càng cao quý, thì càng dễ làm cho lòng người bị rung động mạnh, và càng dễ đưa tâm hồn con người đến gần với tâm hồn của Cha trên trời. Cha Brémond có kể giai thoại về một thiếu nữ chăn bò cho một nữ tu viện chiêm niệm, mỗi lần đọc ‘Lạy Cha chúng con’ đều xuất thần: « Cô thiếu nữ kỳ diệu ấy, mặt ràn rụa nước mắt, đã xin Mẹ Marie de Valence dạy cho mình biết cách để đọc cho hết kinh Lạy Cha, vì theo ngôn ngữ của người miền núi, cô ta nói ‘Con không thể nào đọc hết kinh ấy. Từ gần 5 năm nay, mỗi khi thốt lên hai chữ ‘Lạy Cha’, và nghĩ rằng Đấng ở trên nơi cao kia, vừa nói cô vừa lấy ngón tay chỉ lên trời, chính là Cha con…Con liền khóc, và cả ngày, khi trông coi bò con cứ ở mãi trong trạng thái đó[xiii].  Chính kinh nghiệm đơn sơ và nhỏ bé của cô thiếu nữ nông thôn trên giúp cho chúng ta khám phá sâu hơn căn tính của người Kitô hữu chúng ta.

 

Căn tính người Kitô hữu: là con cái của Cha trên trời.

 

Ân sủng cao quý là con cái của Cha trên trời còn có giá trị hơn, khi chúng ta khám phá ra được chính mình và căn tính của mình qua kinh Lạy Cha.

Khám phá ra mình mang một thân phận thấp hèn, tội lỗi, nhưng được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đón nhận, nghĩa là từ một đầy tớ xấu, nhờ ân sủng và tình yêu của Cha, chúng ta trở nên những người con ngoan. Thánh Ambrôsiô giúp chúng ta hiểu được điều này cách rõ ràng: “Hỡi con người, bạn không dám ngước mắt lên trời, bạn đưa mắt nhìn xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Kitô, mọi tội lỗi của bạn được tha thứ. Từ một người đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan...Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, Đấng đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con...’. Nhưng bạn đừng đòi hỏi điều gì riêng biệt. Thiên Chúa là Cha riêng biệt đối với Đức Kitô mà thôi, và là Cha chung của tất cả chúng ta, bởi vì Ngài đã sinh ra một mình Chúa Con, còn chúng ta thì được Ngài tạo dựng. Vì thế, nhờ ân sủng bạn hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con”, ngõ hầu bạn xứng đáng là con của Ngài”[xiv].  

 

Khám phá ra căn tính cao quý của mình. Đó là giờ đây chúng ta là những người con trai, con gái của Cha trên trời. Để phần nào hiểu và ý thức được căn tính cao quý này, chúng ta cần phải giành thời gian để cầu nguyện và suy gẫm câu mở đầu của kinh Lạy Cha nhiều lần. Trước hết, căn tính là con cái của Cha trên trời được ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận bí tích thanh tẩy, và căn tính đó trải dài trong suốt hành trình cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa trong nền tảng, căn tính là con cái của Cha trên trời đem lại cho chúng ta một niềm vui nội tâm sâu sa, và sự bình an tuyệt hảo, sự bình an của một trẻ thơ nép mình lòng Cha. Trong lòng Cha, tâm hồn của trẻ thơ an vui vô ngần. Và vui hơn nữa, khi trong bầu khí tĩnh lặng, trẻ thơ nghe được lời Cha dịu hiền vang lên: « Con là con yêu dấu của Cha », và thật đơn sơ trẻ thơ thưa lại rằng: « Thưa Cha »[xv]. Đến đây, tôi nhớ lại một kinh nghiệm rất đặc biệt của cha Alfred Delp, một tu sĩ dòng Tên người Đức, trong chiến tranh thế giới thế hai, đã bị Phát-xít Đức bắt, bởi vì Ngài đã có những thái độ chống lại sự độc tài và bất công của chế độ. Cha Alfred kể lại rằng, khi bị tống giam vào ngục tù, một trong những điều đầu tiên các tù nhân nhận được, đó là họ được gắn vào trên ngực áo một con số như là căn tính mới của họ. Và tất cả đều phải nhớ nằm lòng con số của mình, vì từ đó trở đi các cai ngục sẽ không còn gọi tên của tù nhân nữa, mà chỉ gọi số tù của họ thôi. Như vậy, một cách nào đó, tên mà cha mẹ đẻ đã đặt cho giờ đây bị những kẻ ác độc tước mất. Và khi tước đi tên của người khác, thì chúng đang nhẫn tâm cắt đứt tất cả mối tương quan của họ. Ở đây là mối tương quan giữa tù nhân với gia đình, với bạn bè và với tất cả những người thân của họ. Hơn nữa, qua đó căn tính của con người bị đe dọa, và phẩm giá làm người bị xúc phạm cách trầm trọng. Suy nghĩ nhiều về điều này, Alfred Delp cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhưng chính trong sự đau khổ đó, Alfred đã nhận được một sự ủi an sâu thẳm, khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Với Alfred, dù cuộc đời này tàn nhẫn và dã man cướp mất tên mà cha mẹ đẻ đã đặt cho, và thay vào đó là con số vô nghĩa kia, nhưng cuộc đời này không thể cướp mất tình phụ tử cao quý mà Cha trên trời giành cho Alfred.

Muôn muôn đời và trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong hoàn cảnh đau khổ nhất, mỗi người đều có thể hướng mắt lên trời và thân thưa : « Lạy Cha – thưa Cha – Cha ơi ». Thật vậy, không có bất cứ thế lực nào có thể lấy mất được tư cách, cùng căn tính làm con Cha trên trời của mỗi người chúng ta. Cũng vậy, không ai có thể « bẻ gãy » tương quan giữa chúng ta với Cha trên trời, vì chúng ta luôn là những người con được Cha trên trời yêu thương, Đấng mà chúng ta hằng tin tưởng và cậy trông .

 

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là sống niềm tin vào Cha trên trời.

 

Khi chúng ta kêu « lạy Cha » hay « thưa Cha » hoặc “Cha ơi”, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin sâu sắc của mình vào Cha trên trời. Chính tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu hiện diện nơi người mình yêu cho đến tận thế (x. Ga 13,1), chỉ ra chính bản chất nền tảng của Cha trên trời. Cha chúng ta ở trên trời chính là tình yêu, và Ngài cũng chính là nguồn mạch của mọi sự tốt lành và sự công chính, là thước đo và là mẫu gương của tất cả những ai đã hay đang ao ước trở nên thiện hảo. Vâng, « Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. » (Mt 5,45). Tiếp đến, Đức Kitô chỉ cho chúng ta nhận ra rõ hơn khuôn mặt của Cha trong phúc âm Mát-thêu : « Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? » (Mt 7, 9-11). Còn Luca thì diễn tả như sau: « Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc 11,13). Ở đây Luca muốn nói rằng, ân sủng và quà tặng của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa. Sự tốt lành Ngài muốn ban tặng cho chúng ta là chính Ngài. Vâng, chỉ có món quà này là cần thiết. Khi có Chúa là có tất cả[xvi]. Thánh Tê-rê-sa Avila đã nói rằng : « Thiên Chúa đủ cho tôi ». Còn với Mary Ward thì : « Mọi sự không bao giờ đủ cho bạn, ngoại trừ Thiên Chúa ra ». Cầu nguyện là một con đường, trên đó chúng ta có thể sàng lọc và sửa đổi tất cả những ao ước và đam mê của mình, và từ từ chúng ta nhận ra điều duy nhất mà chúng ta cần tới. Đó chính là Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài.

 

Trong niềm tin tuyên xưng Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng ta, chúng ta vui mừng vì qua đó chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và cùng với Đức Kitô được bước vào trong « ngôi nhà Cha-Con ». Sự thông hiệp của tình Cha Con với Thiên Chúa không dừng bước ở đó. Nói khác đi, tư cách làm con của Cha trên trời của chúng ta chưa kết thúc, mà chúng ta là con đó nhưng chúng ta vẫn ở trên đường tập sống để trở nên con của Cha trên trời, và hơn nữa mỗi ngày trở nên giống Cha hơn.

 

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là quyết chí muốn nên giống Cha.

 

Ngay từ ngày đầu tiên khi được sinh vào cuộc đời, con người chúng ta đã được mang hình ảnh của Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhưng vì tội lỗi, con người đã đánh mất đi vẻ đẹp thanh cao của người con của thuở ban đầu. Tuy vậy, nhờ ân sủng, con người chúng ta được phục hồi việc nên giống Cha trên trời. Vì thế, trong ân sủng chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực qua cách sống, cách suy nghĩ và hành xử của mình sao cho tương xứng với vai trò là con, những người con quyết chí muốn nên giống Cha, như lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Thánh Cyprianô cũng nhắn nhủ rằng: “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. Còn thánh Gioan Kim Khẩu thì: “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa”. Và thánh Grêgôriô Nyssênô mời gọi: “Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha trên trời, và phải tô điểm tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó”[xvii].'

 

 

Thật vậy, nếu chúng ta càng gắn chặt với Cha, càng tin tưởng mạnh mẽ vào Cha, và càng sống gần gũi với Cha trong một ngôi nhà, thì chúng ta đang tô điểm mình theo vẻ đẹp của Cha, và càng dễ dàng trở nên người con giống Cha.

Như vậy, « là con » đồng nghĩa với tinh thần sống đức tin, và đồng nghĩa với tinh thần sống quyết tâm nên giống Cha. Và “là con”, chúng ta cũng luôn hướng nhìn lên Đức Kitô, là Anh Cả của chúng ta, Người Anh đã dẫn chúng ta đến với Cha. Người Anh đã sống theo tinh thần của Cha và sống kết hiệp mật thiết với Cha cách đặc biệt và sống trọn vẹn theo thánh ý của Cha.

 

Sống tâm tình cầu nguyện “Lạy Cha” là sống theo thánh ý của Cha.

 

« Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con. » (Ga 17,10). Đức Kitô đã thốt lên như vậy trong lời cầu nguyện của Ngài với Cha. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người Cha cũng đã thốt lên một lời tương tự như vậy đối với người con cả: « Tất cả những gì của cha đều là của con. » (Lc 15,31). Trong sự kết hiệp sâu sắc với Cha, Đức Kitô luôn sống đúng tinh thần của Cha. Thánh Ý của Cha chính là lương thực nuôi sống Ngài, lương thực đó Đức Kitô khát khao đón nhận ngay cả những lúc bóng đêm đen tối bao phủ Ngài : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. » (Mt 26,39). Chúng ta đừng quên rằng Đức Kitô đã lặp lại lời đó đến ba lần trong khi cầu nguyện trong vườn cây dầu (x. Mt 26, 42 và 44).

 

Như vậy, khi dạy chúng ta cầu nguyện « lạy Cha », Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta, những anh chị em của Ngài, tham dự vào trong quyết định thật quả quyết, là sống thi hành trọn vẹn thánh ý Cha trên trời. Vâng, « ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. » (Mt 12,50). “Sống thánh ý của Cha”, nói thì dễ nhưng trong thực tế thì thật khó. Không ít lần, vô ý hay hữu ý chúng ta sống ngược lại hoàn toàn với những gì Chúa dạy. Chúa Giê-su đã hiểu thấu sự cứng đầu và tội lỗi của con người chúng ta, là thường xuyên làm ngược lại thánh ý Chúa. Và cũng chính Đức Kitô đã đón nhận những hậu quả thật đau đớn của tội lỗi chúng ta gây nên. Đó là chính cái chết của Ngài trên thánh giá. Dù vậy, trước khi chết, Ngài vẫn nhân từ cầu cho chúng ta : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. » (Lc 23, 34). Cái u muội đần độn của con người hy vọng sẽ là bài học quý báu cho mỗi người trong từng thế hệ. Mong sao chúng ta luôn ý thức tập sống luôn gần gũi với Cha trên trời, cả những lúc vui cũng như lúc buồn, cả những khi được an ủi cũng như khi buồn bã chán nản. Ước ao sao chúng ta luôn can đảm đi con đường mà Cha muốn chúng ta đi, con đường của tình yêu, của niềm tin tưởng, của vâng phục, của ăn năn và của trở về. Có như vậy thì ở chặng cuối của con đường đời, chúng ta có thể thốt lên như chính Đức Kitô : « Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. » (Lc 23,46).

 

Hy vọng lời kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc mỗi ngày « Lạy Cha chúng con ở trên trời », luôn sống động trong chúng ta. Nghĩa là, « khi chúng ta cầu nguyện như thế, thì chúng ta đang vâng phục thánh ý của Chúa » (Tertulian)[xviii]. Và lời kinh lạy Cha cũng nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng đừng để ý riêng của chúng ta đi lệch với thánh ý của Chúa. Hơn nữa, một cách chân thực, người con giống cha không chỉ với khuôn mặt, mà cần giống cả cách cư xử nữa[xix].

 

Tóm lại, có thể nói chữ ‘Cha’ diễn tả trọn vẹn mạc khải của Kitô giáo, diễn tả trọn vẹn đức tin của người tín hữu: quan hệ con thảo với Thiên Chúa của Đức Giêsu và, trong Người, quan hệ con thảo của mọi tín hữu. Thánh Augustin kết luận: « Con cái Thiên Chúa là thân thể của Con Một Thiên Chúa ». Chỉ nhờ đức tin ta mới được sinh ra từ nơi Thiên Chúa và mới sửng sốt khám phá ra rằng chúng ta có một « Cha ở trên trời »[xx].

 

Như vậy, không phải nhờ trí tuệ, mà là nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta đã vượt qua được ngưỡng cửa của mầu nhiệm sâu thẳm ấy: trong mầu nhiệm đó, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, là Đấng khai sinh ra sự sống mới, sự sống ấy đã vọt lên như một nguồn suối. Đức tin sẽ cắm chúng ta vào sâu nơi Thiên Chúa, cho chúng ta thông công với sức sống sâu xa của Người, mà theo lời của Clément (Alexandrie) sự sống đó là một « mùa xuân bất tận »[xxi]. Và ở trong mùa xuân vĩnh cửu này, chúng ta cùng hiệp thông với hai vị thánh cả chúc tụng cha trên trời. Trước hết cùng thánh Phê-rô: « Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. » (1P 1,3-4). Và cùng thánh Phao-lô : « Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. » (2Cr 1,3-4).

Hai lời chúc tụng trên thật đẹp biết bao. Ước sao, hai lời chúc tụng đó thực sự là những lời chúc tụng của chúng ta, những người con cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Cha chúng con”.

 

Lời kinh số nhiều với từ ngữ « chúng con ».

 

Trong khi Luca (11,2) chỉ viết « Lạy Cha », thì Mát-thêu lại thêm vào hai từ « chúng con », để nhấn mạnh đến tinh thần hiệp thông của một cộng đoàn cầu nguyện. Như vậy, kinh Lạy Cha không chỉ là lời cầu nguyện của cá nhân, mà trên hết là lời cầu nguyện của cộng đoàn, của tập thể. Tinh thần cộng đoàn trong cầu nguyện cũng là điều quen thuộc đối với người Do-thái, vì đối với họ, khi cầu nguyện, tâm hồn của mỗi người cần phải hướng về và hiệp nhất với cộng đoàn  của mình[xxii].

Còn đối với Giáo Hội Công Giáo thì : « Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha ‘chúng con’ vì Hội thánh của Ðức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên ‘một trái tim và một linh hồn’ (Cv 4,32) »[xxiii]. Trong Thánh Lễ, mọi người trong cộng đoàn dân Chúa luôn hiệp thông cầu nguyện với kinh Lạy Cha qua chính lời mời gọi của chủ tế: « Chúng ta dám nguyện rằng. »

 

Khi chúng ta, cộng đoàn dân Chúa, đáp lời: “Lạy Cha chúng con”, là chúng ta thoát được chủ nghĩa cá nhân, bởi vì tình yêu, mà chúng ta đón nhận, giải thoát chúng ta khỏi điều đó. Thuật ngữ “chúng con”, ở đầu kinh Lạy Cha, cũng như thuật ngữ “chúng con” trong bốn lời xin cuối cùng, không loại trừ một ai. Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và đối nghịch[xxiv].

Đối với Martini, « chúng con » ở đây còn được hiểu rộng hơn nữa, nghĩa là không chỉ giới hạn ở những tín hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội. « Chúng con » ở đây cũng chỉ đến những anh chị em « Kitô hữu vô danh ». Đó là thuật ngữ mà thần học gia Karl Rahner sử dụng đầu tiên để diễn tả những anh chị em dù không quen biết Đức Kitô, nhưng với tất cả sự ý thức, trong ân sủng của Đức Kitô, họ đang sống tinh thần của Đức Kitô. Họ cũng là những người con của Thiên Chúa là Cha trên trời[xxv]. Như vậy, khi chúng ta kêu lên « lạy Cha chúng con », tức là chúng ta đang hiệp thông với rất nhiều anh chị em rải rác trên mặt đất. Sự hiệp thông này vượt qua hàng rào của ngôn ngữ và văn hóa, của chủng tộc và quốc gia, của thành phần và giai cấp. Với thánh Âu-tinh, thì khi chúng ta cầu nguyện « lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », là lúc chúng ta khởi đi từ một gia đình thật lớn. Trước mặt Cha ở trên trời này, kẻ giàu cũng như người nghèo, người chủ cũng như nô lệ, kẻ danh giá cũng như người tầm thường đều là anh chị em của nhau[xxvi].

 

Còn đối với gia đình gần gũi thân thương, khi cầu nguyện « lạy Cha chúng con », là chúng ta đang cùng hiệp thông với cha mẹ và anh chị em của chúng ta, với bạn bè tri kỷ và và những người quen rất thân thương, với anh em trong cộng đoàn tu trì, với mọi người trong giáo xứ, và với những người chúng ta đã từng gặp gỡ. Sự hiệp thông thân tình này vượt trên ngưỡng cửa của sự sống và của sự chết, nghĩa là dù cha mẹ hay ông bà, người thân hay bạn bè của chúng ta đã qua đời, chúng ta vẫn hiệp thông và hiệp nhất với họ, khi chúng ta đọc lên « lạy Cha chúng con ».

Nhưng để có thể cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông, thì mỗi người chúng ta cần phải ý thức bước ra khỏi cái tôi đóng kín của mình, và với tinh thần hy sinh can đảm bước vào trong cộng đoàn của Giáo Hội, trong tương quan với rất nhiều anh chị em khác. Trong tinh thần này, chúng ta nói lời xin vâng với Giáo Hội, lời xin vâng đón nhận anh chị em khác[xxvii]. Và trong mối dây hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa, trong tương quan rất gần với mọi người trong gia đình, và với rất nhiều anh chị em khác trên thế giới, chúng ta cầu cùng « Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời ».

 

Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời, không xa lạ nhưng rất gần gũi.

 

Với từ ngữ « Đấng ngự trên trời » trong lời kinh của chúng ta, chúng ta không đưa Thiên Chúa, Cha của chúng ta, đến một hành tinh xa lạ nào, mà chúng ta tôn vinh và thờ lạy Ngài đang ngự ở trên trời và cũng ở rất gần bên chúng ta. Hơn nữa, « người đồng thời với Chúa Giê-su dùng chữ Trời để chỉ Thiên Chúa vì sợ phạm húy. Cũng trong nghĩa đó, Chúa Giê-su nói : « Cha chúng con (là) Đấng ngự trên trời, để chỉ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng thế, chúng ta nói « Ông Trời » để chỉ một thế giới khác, một thực tại khác không thuộc vật chất, không phải ở bên trên cũng không phải ở bên dưới, nhưng là một cõi, nơi đó Thiên Chúa là tất cả… Khi hướng lòng về Đức Chúa Trời, chúng ta không nghĩ là Người ở nơi xa vời, quá cao xa đối với chúng ta. Chúng ta chỉ cố gắng nâng tâm hồn lên tới Người [xxviii] ».

 

Ngoài ra, tất cả những ai được gọi là cha dưới thế đều bởi Cha trên trời mà ra, và Cha trên trời cũng chính là tiêu chuẩn và là nguồn cội của mọi tình phụ tử, như Thánh Phao-lô nói : « tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. » (Ep 3,14-15). Chúng ta cũng nghe lời Đức Kitô nhắc rằng : « Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. » (Mt 23,9). Thực vậy, tình phụ tử của Cha trên trời giành cho chúng ta cao quý hơn tình phụ tử mang tính cách con người, bởi vì trong sâu thẳm chúng ta có thể hiện diện trên mặt đất này, là do bởi Cha trên trời, vì chính Cha trên trời mới có thể ban cho chúng ta ngôi nhà của Cha thực sự, một ngôi nhà tồn tại mãi mãi. Và nếu tình phụ tử mang tính cách con người qua đi, thì tình phụ tử của Cha trên trời vẫn tồn tại, và lúc đó sẽ nhanh chóng đến với chúng ta. Trời là chốn cao vời của Thiên Chúa, từ đó chúng ta được sinh ra, và chúng ta cũng sẽ trở về nơi đó, về với Cha[xxix]. Ngài hiện diện trên trời trong ánh sáng vĩnh cửu, nơi Ngài không còn sợ hãi, không còn bất công, tội lỗi cũng không còn nữa.

 

Trời cũng là nơi mà thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện cách tuyệt hảo, thánh ý làm cho tình yêu được tròn đầy, thánh ý ban tặng bình an hoàn hảo. Về tâm tình này, Đức hồng y Martini đã suy niệm như sau : « Tâm tình cầu nguyện này luôn đem lại cho tôi sự bình an. Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ sống trong hoàn cảnh rõ ràng, không ít thì nhiều, chúng ta luôn luôn sống trong sự thỏa hiệp, và đôi khi chúng ta chìm sâu trong đó. Chúng ta sống trong hoàn cảnh tối tăm có nhiều sự đe dọa. Trong bối cảnh đó, đôi khi chúng ta không biết phải cư xử thế nào cho đúng với tinh thần của Tin Mừng. Hằng ngày, chúng ta thường chạy trên con đường nhập nhằng không định hướng. Nhưng khi chúng ta cầu nguyện rằng : « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », chúng ta tin rằng có một nơi mà ở đó ánh sáng đang chiếu soi và mọi sự đều rõ ràng, nơi đó sự công chính và chân lý đang ngự trị. Nếu chúng ta nhìn xung quanh mình, chúng ta như cảm thấy mệt mỏi và nặng nề, đôi khi bị đè nặng bởi những «đống» bất công, chúng đang bủa vây xung quanh chúng ta. Và dù muốn hay không, đôi khi chúng ta cũng tham dự vào trong những sự bất công đó. Khi tuyên xưng : « Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời », chúng ta xác tín rằng có một nơi chốn mà ở đó không còn bất công, không còn nước mắt và đắng cay, không còn mờ ám và không còn hiểu lầm. Nơi đó mọi sự đều tỏ tường và mang nét đẹp thanh cao, nơi đó mọi sự đều trong sạch. Thực, lời cầu nguyện đầu tiên của kinh lạy Cha có khả năng nuôi sống, nâng đỡ và an ủi tâm hồn[xxx]». Vì qua đó, chúng ta nhận được niềm hy vọng lớn lao là sẽ được gọi là những người con của Cha trên trời, là những công dân của trời cao, nơi mà tình yêu, sự công chính và nền hòa bình vĩnh cửu đang ngự trị. Và trên chốn cao vời đó, chúng ta được phép hiệp thông cùng triều thần thiên quốc tung hô danh thánh Cha vinh hiển.

 

« Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển ».

 

Đây là lời cầu xin đầu tiên trong kinh lạy Cha. Lời cầu xin này quy về đối tượng duy nhất là chính Cha trên trời. Như vậy, lời cầu xin này mang một nguyên lý và nền tảng sâu sa: chỉ có Cha là « tác giả duy nhất » làm cho chính Danh của Ngài được vinh hiển, và thông phần với Cha là chính Đức Kitô, Con yêu dấu của Cha. Qua Đức Kitô cũng như sự dạy dỗ của Ngài, chúng ta, một cách nào đó, cũng được thông phần làm cho danh Cha được vinh hiển[xxxi]. Tuy nhiên, tên Đức Chúa Trời hay « Danh thánh Cha » là gì vậy ?

 

« Ta là Đấng Hiện Hữu ».

 

Muốn hiểu được phần nào danh Thánh Chúa, thì cần phải đi vào câu chuyện của ông Mô-sê gặp Chúa nơi bụi gai (Xuất hành 3). Đang khi Mô-sê chăn chiên trên núi Khô-rếp, thì nhìn thấy bụi gai cháy bừng, nhưng lại không bị thiêu rụi. Vì hiếu kỳ tò mò, Mô-sê tự nói với mình : « Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? » Khi tới gần bụi gai thì có tiếng nói với ông rằng : « Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. » (Xh 3,6). Và chính Thiên Chúa này đã sai ông trở về Ai-cập với sứ mạng, đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập để trở về đất hứa. Như vậy, trong danh Thánh Thiên Chúa, Mô-sê đòi hỏi Pha-ra-ô cho dân Ít-ra-en tự do trở về.

Nhưng vào thời đó có rất nhiều thần thánh mà dân chúng tôn thờ, nên Mô-sê liền hỏi tên của Thiên Chúa. Câu trả lời của Thiên Chúa vừa là sự thinh lặng vừa là sự mạc khải. Sự mạc khải cả về danh Thánh, cả về sự vô danh của Ngài. Vì thế, mà ở Ít-ra-en danh thánh Thiên Chúa, danh mà người ta lắng nghe qua từ ngữ « JHWH - Giavê », không được phép kêu lên. Người ta không được phép làm cho danh Thánh của Chúa trở nên thấp hèn. Cho nên không thể chuyển ngữ danh Thánh Chúa, một danh Thánh thật huyền bí, và nếu có chuyển ngữ thì cần phải cẩn trọng vô cùng. Simon Weil, một nhà huyền bí người Pháp, gốc Do-thái, đã nói rằng : « Chỉ có Thiên Chúa có khả năng tự đặt tên cho chính mình. Môi miệng của con người không thể kêu tên của Ngài được »[xxxii].

 

Trở về với câu chuyện của Mô-sê, đương nhiên Thiên Chúa không im lìm trước câu hỏi của Mô-sê, và Ngài đã trả lời rằng : « Ta là Đấng Hiện Hữu ».Theo ĐTC Biển Đức 16, thì câu trả lời này vừa mạc khải danh Thánh, vừa chỉ cho thấy tính cách vô danh của Thiên Chúa. Làm sao có thể hiểu được tính cách nước đôi trong câu trả lời trên? Đầu tiên, chúng ta cần phải làm sáng tỏ một điều : Tên thực sự là cái gì vậy ? Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, tên giúp cho chúng ta có thể gọi hay kêu một ai đó, nghĩa là tên đóng vai trò quan trọng để tạo nên mối tương quan. Ông A-đam khi đặt tên cho thú vật, thì không có nghĩa là để chỉ về bản chất của chúng, mà ông muốn đưa chúng vào trong thế giới của con người, ông đặt cho mỗi con vật một tên để mọi người có thể gọi chúng. Qua đó, ông tạo nên mối tương quan giữa con người và các loài thú. Từ đó, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Thiên Chúa cũng muốn xây dựng mối tương quan với chúng ta, qua chính danh thánh của Ngài. Ngài cho phép chúng ta kêu lên Ngài với chính tên của Ngài. Thiên Chúa bước vào trong tương quan với chúng ta và giúp chúng ta cũng có thể có tương quan với Ngài. Điều này có ý nghĩa là Thiên Chúa sẵn sàng hiến thân mình cho thế giới của nhân loại. Ngài luôn ở đó, để bất cứ ai cũng có thể kêu cầu đến, và Ngài cũng có thể bị con người xúc phạm và tổn thương. Vâng, khi đồng ý bước vào tương quan với con người, là Thiên Chúa sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu. Qua biến cố Nhập Thể của Đức Kitô, Danh Thánh của Thiên Chúa được mạc khải cách trọn vẹn. « Con đã cho họ biết danh Cha. » (Ga 17,6). Chúa Giê-su đã nói như thế trong lời cầu nguyện của mình với Chúa Cha. Như vậy, có thể nói rằng, biến cố gặp gỡ Chúa của Mô-sê ở bụi gai đã được thực hiện cách trọn hảo qua chính Mô-sê mới là Chúa Giê-su, người Con của Cha trên trời. Bây giờ, trong người Con này, Thiên Chúa có thể được kêu lên với chính danh thánh của Ngài. Vâng, Thiên Chúa đã đi vào thế giới và đã phó mặc chính mình vào trong đôi tay của nhân loại[xxxiii].

 

Danh Thánh của Cha trên trời có thể bị xúc phạm.

 

Thiên Chúa càng phó mặc chính mình cho chúng ta, thì chúng ta càng có thể làm cho ánh sáng của Chúa bị lu mờ đi. Cũng thế, Thiên Chúa càng gần chúng ta chừng nào, thì những hành động xấu xa của chúng ta càng dễ làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa mờ nhạt đi, và càng dễ xúc phạm đến danh thánh của Chúa.

Trong Cựu Ước, tiên tri Ê-dê-ki-en cũng đã nêu lên sự xúc phạm danh Thánh của Thiên Chúa, bằng cách ông đã trích dẫn lời của Thiên Chúa nói với nhà Ít-ra-en rằng : « Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến. Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng » (Ed 36,22-23). Và « Ta sẽ làm cho danh thánh Ta được nhận biết giữa dân Ta và sẽ không để cho danh thánh của Ta bị xúc phạm nữa. Bấy giờ các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng Thánh của Ít-ra-en ». (Ed 39,7).

Như vậy, lời cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển » trong kinh Lạy Cha, cũng liên hệ đến những sự kiện trong quá khứ mà thánh danh Chúa đã bị con người xúc phạm[xxxiv]. Nói một cách khác đi, lời cầu xin trên mà Chúa Giê-su dạy chúng ta vang lên trong một thế giới đen tối, ác độc, xấu xa. Trong bóng đêm của cuộc đời, lời cầu xin như chỉ cho chúng ta thấy rằng, chỉ có Thiên Chúa là công chính, chỉ có Thiên Chúa, Cha trên trời, là thánh và là nguồn ánh sáng chiếu soi và sưởi ấm cuộc đời này. Chân lý này được mọi người tín hữu chân chính đón nhận và tuyên xưng. Mẫu gương đặc biệt trong các tín hữu là chính Đức Mẹ Maria. 

 

« Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! »

 

Để đi sâu hơn nữa vào lời cầu xin này của kinh Lạy Cha, chúng ta chạy đến với Mẹ Maria để học cùng Mẹ, vì chính Mẹ đã cảm nghiệm sâu huyền nhiệm của danh thánh Thiên Chúa. Trong bài ca Magnificat, Mẹ đã cất lên lời ca: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! » (Lc 1,49). Tâm tình ca ngợi danh thánh Chúa của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta một điều, đó là hành động của Thiên Chúa luôn tương hợp với bản chất của Ngài. Bản chất của yêu thương, của lòng nhân từ vô bờ bến. Về điều này, François Bovon đã nói rằng : « Trong sự trung thành với danh Thánh của mình, nghĩa là trung thành với chính mình, Thiên Chúa cứu rỗi dân của Ngài »[xxxv]. Và tất cả những người được cứu đều biết đến Danh Thánh của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách họ đã đón nhận và được sống trong ân sủng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Trong Cựu Ước, thánh vịnh gia cũng đã thốt lên : « Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý. » (Tv 111, 9).

Như vậy, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu sa ân sủng cứu rỗi và yêu thương của Thiên Chúa, vì thế với tất cả tâm hồn Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi tuyệt vời như vậy. Và không chỉ Mẹ, mà tất cả chúng ta, ai khám phá dấu ấn tình yêu Chúa trong đời mình, đều muốn thốt lên như thế.

 

 

Cùng cầu nguyện với Mẹ Maria: « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển ».

 

Khi chúng ta cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển », là chúng ta đang ao ước tất cả mọi người trên thế giới này đều khám phá được Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời và cũng là Cha dưới đất, người Cha nhân từ, người Cha luôn đứng chờ con ở cửa nhà, và vui mừng hớn hở khi thấy con đi hoang trở về. Và lúc con mới xuất hiện ở đầu làng, Cha đã chạy đến ôm lấy con mình, hôn lấy hôn để khuôn mặt lấm bụi đời của con. Nụ hôn và vòng tay của Cha trả lại cho con tư cách làm con, đeo lại cho con chiếc nhẫn của tình cha con, mặc cho con chiếc áo mới nhất, tẩy sạch tất cả những gì ô uế trên thân mình con, và mở tiệc mừng con trở về và sống lại với con bê đã vỗ béo (ss. Lc 15, 11-32). Tất cả cần phải ăn mừng, mọi người đều hân hoan dâng lời ca tụng như Mẹ Maria: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! »Và tiếp tục kêu xin: « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển ».

Lời cầu xin này chúng ta dâng lên trong sự hiệp thông không chỉ với Mẹ Maria, mà với cả Chúa Giê-su, Đấng làm vinh hiển danh Thánh Cha trên trời cách trọn hảo: « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha.» (Ga 17,6) Và « con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa. » (Ga 17, 26). Đức Kitô xuống trần để loan báo Tin Mừng cứu độ, loan báo về Nước Thiên Chúa, và trong sứ mạng loan báo đó, Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết về Cha. Nói khác đi, Ngài làm vinh hiển danh Cha trong lòng thế giới của chúng ta. Và danh Cha được hiển vinh trong cuộc đời của Đức Kitô cách trọn hảo, đặc biệt trong chính biến cố Phục Sinh của Đức Kitô.

 

Đức Kitô dạy chúng ta làm vinh hiển danh Cha.

 

Khi mạc khải danh Cha cho chúng ta, Đức Kitô cũng dạy dỗ và cho phép chúng ta thông phần làm vinh hiển danh Cha. Vâng, chúng ta đang thông phần làm vinh hiển danh Cha trên trời, khi chúng ta hằng ngày trung thành cầu nguyện và sống lời kinh Lạy Cha mà chính Đức Kitô đã dạy chúng ta. Hơn nữa,  trong Cựu Ước, tiên tri I-sa-i-a có nói rằng: « vì khi Gia-cóp nhìn thấy nơi nó những công trình tay Ta đã làm, nó sẽ tuyên xưng danh Ta là thánh, sẽ tuyên xưng Đấng Thánh của Gia-cóp là thánh, và sẽ kính uý Thiên Chúa của Ít-ra-en. » (Is 29,23), và ở sách Lê-vi có ghi lại như sau : « Các ngươi phải giữ các mệnh lệnh của Ta và đem ra thực hành. Ta là ĐỨC CHÚA. Các ngươi không được xúc phạm đến thánh danh Ta, để Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta giữa con cái Ít-ra-en. Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá các ngươi. » (Lv 22,31-32). Như vậy, chúng ta có thể thông phần làm cho danh Cha trên trời được vinh hiển, khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài, sự cứu độ mà chính chúng ta đã được lãnh nhận. Và danh Thánh của Thiên Chúa đặc biệt được vinh hiển qua chính thái độ sống tuân theo những điều Chúa dạy của chúng ta, nghĩa là qua chính đời sống thường ngày của chúng ta[xxxvi].

Thánh Phêrô Kim Ngôn cũng đã chia sẻ điều này: “Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thánh hoá Danh Ngài, nghĩa là Ngài cứu độ và thánh hoá toàn thể tạo vật bằng sự thánh thiện của Ngài. Danh đó là Danh ban ơn cứu độ cho trần gian đã hư mất. Nhưng chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa được thánh hoá trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Ngài bị phỉ báng. Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: ‘Chính vì các người mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’ (Rm 2, 24). Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu”[xxxvii].

 

Nói khác đi, việc tung hô Danh Chúa luôn đi đôi với đời sống tương hợp với giáo huấn và thánh ý của Chúa. Trong Cựu Ước, các tư tế khinh thường danh Chúa đã được nhắc nhớ như sau : « Con phải kính trọng cha; tôi tớ kính trọng chủ. Vậy nếu Ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta? Và nếu Ta là chủ, thì đâu là niềm kính sợ Ta? ĐỨC CHÚA các đạo binh phán với các ngươi là những tư tế khinh thường danh Ta. - Nhưng các ngươi nói: "Chúng con khinh thường danh Ngài ở chỗ nào? " - Khi các ngươi tiến dâng thức ăn ô uế trên bàn thờ của Ta - các ngươi lại nói: "Chúng con đã làm cho Ngài ra ô uế ở chỗ nào? " - Khi các ngươi nói: "Chính bàn của ĐỨC CHÚA đáng tởm." Khi các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế, đó chẳng phải là xấu sao? Và khi các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật, đó chẳng phải là xấu sao? Hãy dâng con vật ấy cho tổng đốc của ngươi, liệu nó có bằng lòng với ngươi chăng? Hay nó có sẵn sàng đón nhận ngươi không? » (Mal 1, 6-8). Như vậy, khi các tư tế không hành động theo các giáo huấn của Chúa, thì họ không thể làm vinh hiển danh Chúa được.

Tóm lại, lời cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển » một cách nào đó vẫn còn chút huyền bí. Có lẽ lời cầu nguyện này tìm được « sự trọn vẹn hoàn toàn » của mình, khi chính Thiên Chúa là Cha làm cho danh của Ngài được vinh hiển. Vì thế, với tất cả tâm tình chúng ta tiếp tục dâng lên Cha lời cầu nguyện này, và cũng xin được hiệp thông với Đức Kitô để cố gắng sống một cuộc đời tương hợp với giáo huấn và thánh ý của Chúa. Cũng như xin Ngài giúp chúng ta luôn ý thức khám phá những hồng ân cứu độ trong cuộc đời chúng ta, và có được lòng biết ơn sâu thẳm trước Chúa là Cha. Lòng biết ơn thúc đẩy chúng ta cảm tạ Cha trên trời, và cao rao danh thánh của Ngài trên mọi nẻo đường chúng ta đi. Danh Thánh đem lại niềm hy vọng, củng cố niềm tin và chất chứa sức mạnh cứu rỗi, và cũng Danh Thánh đó đưa chúng ta về mảnh đất của yêu thương và của an bình. Mảnh đất đó chính là vương quốc của Cha.

 

 

 

 

[i] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.37-38.

 

[ii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.39-40.

 

[iii] X. The Theological-Historical Commission for the Great Jubilee of the year 2000, God, the Father of Mercy, Translate from Italian by Robert R. Barr, The Crossroad Publishing Company, New York 1998, t.35-36.

 

[iv] X. JEREMIAS J., Abba,Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1966, t.59.

 

[v] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2779, t.770.

 

[vi] X. JEREMIAS  J., Abba, t.63.

 

[vii] X. GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.217.

 

[viii] X. LUZ U., EKK, Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband (Mt 1-7), t.341.

 

[ix] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2780, t.770.

 

[x] NOUWEN H., The only necessary thing, The Crossroad Publishing Company,New York 1999, t.59.

 

[xi] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.50.

 

[xii] RAHNER K., Betrachtungen zum Ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel Verlag, München, 1965, t.20.

 

[xiii] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.49-50.

 

[xiv] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2783, t.771.

 

[xv] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.41-42.

 

[xvi] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.170.

 

[xvii] Các trích dẫn trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2784, t.772.

 

[xviii] Trích dẫn bởi HAMMAN Adalbert G. trong « Le notre Pére dans l’église ancienne », t.29.

 

[xix] X. Hiến luật của bậc thầy (la règle du Maître), trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.182.

 

[xx] Trích bởi HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, t.51.

 

[xxi] X. HAMMAN A.G., Abrégé de la prière chrétienne, t.51.

 

[xxii] X. BILLERBECK P., Das Evangelium nach Matthaüs, I Band,  C.H. Becksche Verlag, München 1922, t.410.

 

[xxiii] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2790, t.773.

 

[xxiv] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2792, t.774.

 

[xxv] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.45.

 

[xxvi] X. AUGUSTIN, bài giảng số 59, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.134-135.

 

[xxvii] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.175.

 

[xxviii] Chú thích Mt 6 ,9 của Hurault, trong « Lời Chúa cho mọi người », Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, t. 1595.

 

[xxix] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.175-176.

 

[xxx] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.47-48.

 

[xxxi] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.71.

 

[xxxii] WEIL S., Attente de Dieu, La Colombe, Paris 1950, t.213.

 

[xxxiii] X. Ratzinger J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.176-178.

 

[xxxiv] X. GNILKA Joachim, Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.218.

 

[xxxv] BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, EKK, III/1, Benzinger Verlag, Zürich 1989, t.89.

 

[xxxvi] X. GNILKA Joachim, Das Matthaeusevangelium, teil 1, t.219.

 

[xxxvii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2814, t.779.

bottom of page