top of page

- Trái tim trong sạch với mục đích chân chính và không có hậu ý.

 

Trong cuộc sống hiện tại, có thể thấy rằng, con người chúng ta gặp gỡ nhau ít khi không có những mục đích hay mục tiêu đàng sau. Cách suy nghĩ của chúng ta bị các mục đích và mục tiêu ảnh hưởng, và cả hành động của chúng ta cũng bị ảnh hưởng như thế. Nếu chúng ta giúp đỡ một người, chúng ta muốn mình được mọi người coi là người tốt lành, và mọi người ngoài đời cũng như trong các tập thể sẽ đánh giá cao về chúng ta. Ngày nay, nhiều người tự hỏi về những lời mà các chính trị gia hay các nhà kinh tế tuyên bố hùng hồn có thật là suy nghĩ chân chính của họ, hay chỉ là tuyên bố cho đẹp và cho kêu, hay đó chỉ là những show diễn.

Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ chạy theo hiệu quả, đến nỗi chúng ta không còn có thể tin rằng, người nào đó nghĩ như vậy, sẽ nói như vậy và làm đúng theo điều họ nghĩ và nói, và họ không có hậu ý gì cả, cũng như không có mục tiêu đàng sau nào khác; họ chỉ làm những gì họ cho là đúng và họ muốn là người chân thật. Trong một thế giới mà các cảm giác và suy nghĩ của chúng ta bị nhiều điều làm cho vẩn đục, chúng ta khao khát một sự rõ ràng và chân thật, chúng ta khao khát những con người có trái tim trong sạch không có những hậu ý, không có những mục tiêu kế bên. Họ suy nghĩ, nói năng và hành động theo những gì họ thấy đúng đắn. Nói khác đi, họ luôn hướng về sự thật để suy nghĩ, nói năng và hành động. Nghĩa là họ không bao giờ đi tìm tiếng tăm, không tự tô điểm giá trị cuộc sống cho riêng mình qua những hành động tốt, lời nói hay và suy nghĩ hay. Thật vậy, chúng ta đang khao khát những người có trái tim trong sạch.[i]

 

Người có trái tim trong sạch là người không có hậu ý gì cả. Chúng ta đã trải nghiệm nhiều rồi, tất cả những điều tốt đẹp chúng ta làm đều có pha ít hay nhiều sự ích kỷ của chúng ta. Tình yêu của chúng ta cũng thế, đôi khi bị pha lẫn bởi những cảm giác muốn chiếm đoạt, hay cảm giác mang tính cách bạo lực, đôi khi tình yêu lại bị trộn lẫn với cả thành kiến và sự kết án, và không ít lần tình yêu cũng bị vướng bẩn bởi ý muốn điều khiển và chiếm đoạt. Ngoài ra, khi chúng ta làm việc tốt, chúng ta thích hãnh hiện về điều đó với bản thân và với người khác. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cũng hướng nhìn những khán giả đang ở xung quanh chúng ta, họ sẽ cho chúng ta là những người đạo đức. Thật vậy, chúng ta khao khát một trái tim trong sạch tinh tuyền, không tì vết của kiêu hãnh và của thói đạo đức giả bề ngoài, không tì vết của những cảm giác và ý muốn tiêu cực, không tì vết của những suy nghĩ mang nặng thành kiến và kết án.[ii]

Cũng trong cái nhìn như trên, theo Martini, người có trái tim trong sạch là người không có những tư tưởng phía sau nào cả, không có những tư tưởng bí mật lần theo mục đích chính, nghĩa là họ không có hậu ý gì. Người có trái tim trong sạch là người hoàn toàn chân thật và ngay thẳng khi gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Họ luôn có một mục đích chân chính và duy nhất. Một ví dụ làm rõ ý nghĩa này là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và nhóm người Pha-ri-sêu. Khi các môn đệ của Ngài ngồi vào bàn ăn, mà trước đó không rửa tay như theo luật thanh sạch, thì các người Pha-ri-sêu liền trách các ông. Chúa Giê-su liền phản ứng và nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Sau đó, Chúa Giê-su giải thích tiếp: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,20-23).

Như vậy, trái tim chính là điểm xuất phát của sự ô uế. Nếu trái tim tinh tuyền, thì trái tim sẽ trở nên nguồn mạch của sự trong sạch, và sẽ dẫn con người tới những hành động tốt lành. Chỉ có ai ý thức sống có cùng một nhịp điệu với thánh ý của Thiên Chúa, thì người đó có trái tim trong sạch. Người đó luôn tự hỏi rằng, Thiên Chúa muốn gì, và Ngài đặt anh ta ở đâu. Khi nhận ra thánh ý của Chúa, anh ta sẽ theo đuổi như là mục đích duy nhất, mà không bao giờ có tư tưởng nào khác dẫn đến những mục tiêu khác. Như thế, người có trái tim trong sạch là người luôn đi tìm Chúa, đi tìm thánh ý của Chúa như là mục đích duy nhất trên hành trình sống. Cả cuộc đời, người có trái tim trong sạch luôn hướng về điều đó, cả trong phương diện liên hệ đến đức trong sạch.[iii]

 

- Người có trái tim trong sạch mang trong mình nhân đức trong sạch.

 

Thánh Phao-lô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14). Những lời trên đây đã có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc hoán cải của một trong những vị thánh lớn của Giáo Hội là thánh Âu-tinh, như ngài đã viết trong cuốn Tự thú - Confessions. Một ngày nọ, trong lúc đi dạo ở vườn nhà một người bạn, tâm hồn đang bị xâu xé, thì từ nhà bên cạnh, Âu-tinh nghe có tiếng trẻ con nói: Hãy cầm lấy và hãy đọc (tolle et lege).

 

Âu-tinh cho đây là lời Thiên Chúa mời gọi. Đang cầm cuốn sách các thư Phao-lô, tình cờ ngài mở ra, và định bụng rằng hễ thấy câu nào đầu tiên, thì câu đó nói lên ý muốn của Thiên Chúa. Câu đầu tiên chính là câu của thư Rôma vừa trích ở trên. Âu-tinh đã gắn bó với Đức Tin. Những vấn nạn ngày càng tan biến. Nhưng vẫn còn một điều làm ngài lưỡng lự: sợ không thể sống khiết tịnh. Thì đây, qua những lời của Phao-lô, một ánh sáng an bình chan hoà trong tâm hồn ngài, xoá tan mọi phân vân. Âu-tinh hiểu rằng, với ơn Chúa giúp sức, mình có thể sống nhân đức trong sạch. Trở về với lời của Thánh Phao-lô ở trên, chúng ta thấy trong số những việc do tính xác thịt, có sự dâm dật, được Phao-lô nhấn mạnh ở đầu lá thư (x.Rm 1,26tt), ngược với vũ khí của sự sáng, tức sự trong sạch. Cùng với sự vâng phục và bác ái, đây cũng là hoa quả cơ bản của Thần Khí. Thần Khí sửa chữa mối liên hệ giữa ta với Chúa bằng sự vâng phục, giữa ta với người khác bằng bác ái, thì cũng sửa chữa mối liên hệ của ta với chính mình bằng sự trong sạch.

Có hai từ chủ chốt được thánh Phao-lô sử dụng giúp chúng ta hiểu về sự trong sạch. Một là tiết độ (enkrateia), mà Phao-lô coi là thuộc hoa quả của Thần Khí (x.Gl 5,22). Tiết độ có nghĩa chung là làm chủ mình, chẳng hạn trong ăn uống, nói năng, lúc nóng giận. Nhưng ở đây, cũng như ở hầu hết các chỗ khác trong Tân Ước, nó chỉ sự tự chủ trong một lãnh vực rõ ràng: lãnh vực tính dục, làm chủ bản năng tính dục của mình.

Đối lại với nó là dâm bôn (porneia. Từ này còn được dịch là: đĩ điếm, dâm ô, thông dâm, gian dâm, ngoại tình…). Ý tưởng  cơ bản của dâm bôn là bán mình. Khi dùng từ này để chỉ hầu hết các cách biểu lộ sự sa đoạ về tính dục, Thánh Kinh cho ta hay mọi tội lỗi về đức trong sạch, theo một nghĩa nào đó, là một cách bán mình. Như vậy, hai từ mà Phao-lô sử dụng cho thấy có thể có hai thái độ trái ngược nhau đối với thân xác và tính dục của ta. Một là hoa quả của Thần Khí (tiết độ, tự chủ), một là việc của tính xác thịt (dâm bôn). Một là nhân đức, một là nết xấu. Một thái độ làm chủ thân xác mình, một thái độ bán mình, làm thân xác mình bị tha hoá, tức là sử dụng tính dục theo ý riêng, vào những mục đích vụ lợi, hoặc khác với những mục đích mà Thiên Chúa muốn đặt nơi nó; là biến hành vi tính dục thành một hành vi có thể mua bán như trong trường hợp mại dâm, hoặc tìm trong hành vi này những lạc thú hoàn toàn ích kỷ.

Đi xa hơn nữa, với đoạn 1Cr 6,12-20, dường như các tín hữu Cô-rin-tô hiểu sai ý của Phao-lô về sự tự do trong Chúa Ki-tô, nên dựa vào nguyên tắc “tôi được phép làm mọi sự” để thậm chí sống buông tuồng dâm dật. Câu trả lời của Phao-lô chứa đựng một lý do hoàn toàn mới mẻ về đức trong sạch. Lý do này phát xuất từ chính mầu nhiệm Đức Ki-tô (lý do Ki-tô học). Thánh Tông đồ nói đại khái: không được phép dâm ô, không được phép bán mình, không được phép sử dụng thân xác mình theo sở thích. Lý do là vì chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Đức Ki-tô. Chúng ta không thể sử dụng những gì không còn thuộc về ta. Thánh Phao-lô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,15.19). Câu 13 là: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa”. Cứ như trên, lý do cuối cùng của đức trong sạch là vì “Đức Giê-su là Chúa”.

 

Nói cách khác, sự trong sạch Ki-tô giáo không ở chỗ để cho lý trí làm chủ các bản năng tính dục, cho bằng để cho Chúa Ki-tô làm chủ tất cả con người của ta, cả lý trí lẫn bản năng của ta. Điều quan trọng nhất không phải là ta làm chủ con người của ta, nhưng là Đức Giê-su làm chủ con người của ta. Như vậy, từ “tiết độ” ở trên, với nghĩa làm chủ mình, mang một nội dung mới: không phải ta làm chủ ta, nhưng là Chúa Ki-tô làm chủ ta. Hai viễn tượng này khác nhau xa. Một đàng sự trong sạch phục vụ ta, ta là mục đích. Một đàng sự trong sạch  phục vụ Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô là mục đích. Đương nhiên là tiên vàn ta phải cố gắng làm chủ mình, nhưng sẽ nhường cho Chúa Ki-tô làm chủ ta. Lý do này càng mạnh hơn do chính lời Phao-lô thêm vào bản văn, đại ý: chúng ta không chỉ thuộc về Đức Ki-tô một cách chung chung, như là vật sở hữu của Ngài. Chúng ta còn là phần thân thể của Ngài. Vậy phạm tội dâm ô là chúng ta làm cho thân thể Ngài ra ô uế. Chúng ta mắc một thứ tội phạm thánh ghê tởm.“Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm thành phần thân thể của người kỹ nữ sao?” (1Cr 6,15).

Ngoài lý do Ki-tô học, còn có lý do Thánh Thần học, lý do liên hệ đến Chúa Thánh Thần. “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Lạm dụng thân xác mình là làm cho đền thờ của Chúa Thánh Thần ra ô uế. Và nếu ai làm cho đền thờ này ra ô uế, là phá huỷ đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người đó (x.1Cr 3,17). Thánh Phao-lô cũng viết trong thư Ê-phê-sô: phạm tội tà dâm là “làm phiền lòng Chúa Thánh Thần” (x.Ep 4,30). Cùng với hai lý do trên đây, Phao-lô còn cho thấy lý do thứ ba, lý do cánh chung học, lý do liên hệ đến vận mệnh cuối cùng của con người. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho thân xác ta sống lại (x.1Cr 6,14), để cùng với linh hồn dự phần vào hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu. Vậy phải giữ thân xác cho trong sạch.

 

Sống trong sạch không phải là khinh miệt thân xác, ngược lại, còn tỏ ra kính trọng thân xác. Theo các Giáo Phụ, Phúc Âm không dạy là chúng ta được cứu thoát khỏi thân xác, nhưng được cứu thoát cùng với thân xác. Ai cho rằng thân xác như chiếc áo ngoài được bỏ lại ở trần gian, người đó sẽ không hiểu, không thấy lý do vì sao Ki-tô hữu lại giữ cho thân xác không tì tích. Thánh Cyrillô thành Giê-ru-sa-lem viết: “Vì thân xác kết hợp với linh hồn trong mọi hoạt động, nó sẽ là bạn đồng hành của linh hồn trong mọi sự sẽ xẩy đến trong tương lai. Vậy hãy kính trọng thân xác ta… Chúng ta phải tính sổ với Thiên Chúa về mọi điều chúng ta đã làm với thân xác ta”.

 

Có sự trong sạch nơi thân xác. Có sự trong sạch trong tâm hồn. Sự trong sạch này không thể đi đôi với hành vi xấu, với những tư tưởng và ước muốn xấu: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Có sự trong sạch trên môi miệng: không nói những lời dâm ô, thô tục, nhưng nói những lời thành thực, ngay thẳng, có nói có, không nói không. Cuối cùng, còn có sự trong sạch trong đôi mắt, trong cái nhìn. Chúa nói: đèn của thân thể là con mắt, nếu mắt sáng thì toàn thân sẽ sáng (x.Mt 6,22tt; Lc 11,34). Trong sạch trong những khía cạnh trên đây chính là nét đẹp của đời sống Ki-tô giáo, của đời sống mới trong Thần Khí.

 

Thánh Phê-rô khuyên: “Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ, để có thể cầu nguyện được” (1Pr 4,7). Ngay đối với các đôi vợ chồng, tuy việc vợ chồng là chuyện hợp pháp và thánh thiện đấy, nhưng thánh Phao-lô vẫn khuyên đôi khi nên kiêng cữ, để tâm hồn được tự do hơn mà cầu nguyện (x.1Cr 7,5), thế thì phải nói sao về những người sống buông thả, bừa bãi. Thực tế, những người như vậy không thể cầu nguyện, trừ khi có ý thành thực muốn chiến đấu và chiến thắng những yếu đuối của mình, và muốn nhờ cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp.

 

Để tập sống nhân đức trong sạch, phải bắt đầu bằng cách làm sạch từ gốc rễ là chính tâm hồn ta, vì cái làm cho đời sống con người ra ô uế phát xuất từ đó. Chúa Giê-su nói trong Mối Phúc mà chúng ta đang suy niệm: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Tức là người ấy có đôi mắt mới, như đôi mắt của Đức Giê-su, để thấy Thiên Chúa trong thế giới này, đôi mắt trong sáng có thể thấy cái gì đẹp cái gì xấu, cái gì ngay thật cái gì dối trá, cái gì là sự sống và cái gì là sự chết.

 

Ít nhất có hai phương tiện giúp tập sống nhân đức trong sạch. Đó là hãm mình và cầu nguyện. Về đức trong sạch, tu đức thường nói đến việc hãm dẹp ngũ quan. Trong ngũ quan thì đặc biệt là hãm dẹp con mắt. Mắt là cửa sổ của tâm hồn, người ta hay nói thế. Khi có gió lộng bụi mù, không ai dại gì mở cửa sổ để bụi bay vào nhà. Phải đóng cửa, đóng mi mắt lại. Chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều thứ bụi trong các hình ảnh, báo chí, video, internet trong thời đại truyền thông của ngày hôm nay. Cần hãm dẹp con mắt. Chúa có những lời rất mạnh chúng ta từng nghe: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi” (Mt 5,29). Chúa đã nói như thế, vào lúc Ngài giảng về cái nhìn trong sạch. Chắc chắn một hình ảnh lố lăng không cần thiết bằng con mắt. Vậy nếu hình ảnh đó làm dịp tội cho ta, thì thay vì móc mắt vất đi, hãy quẳng hình ảnh đó đi. Thà không biết một hình ảnh còn hơn là mất tình nghĩa với Chúa, nếu tâm hồn ta ra ô uế.

 

Ngoài việc hãm mình, còn phải nại tới kinh nguyện. Sự trong sạch là hoa quả của Thần Khí, là ân huệ của Thiên Chúa, hơn là do ta cố gắng mà có, cho dù sự cố gắng này vẫn cần thiết. Đã là ơn Chúa, ta phải xin, phải cầu nguyện. Chắc chắn Chúa ban phương tiện cho chúng ta, nếu chúng ta đánh động tai Ngài bằng những lời van xin của chúng ta, nếu chúng ta lấy Đức Tin mạnh mẽ trút nỗi lo âu của ta cho Chúa. Thánh Âu-tinh đã nói lên kinh nghiệm đó của mình và cầu xin rằng: “Chúa đã truyền cho con tiết dục, thì xin ban cho con sức mạnh để làm điều Chúa truyền, và truyền dạy con điều Chúa muốn” (Confessions VI,11; X,29). Như ta đã biết, chính bằng phương tiện này mà Âu-tinh đã giữ được đức trong sạch.[iv] Như thế, chúng ta cùng tập sống cầu nguyện để có được đức trong sạch, và qua đó trái tim của chúng ta sẽ được tinh tuyền sạch trong: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 50,12). Ngoài ra, trái tim trong sạch mà Chúa Giê-su đề cập đến cũng mang một hình ảnh hướng về những người đạo đức thật sự, đời sống của họ tương phản với những người đạo đức giả.

 

- Người đạo đức giả không có trái tim trong sạch.

 

Theo Cantalamessa, ai đọc Mối Phúc của Chúa Giê-su nói về người có trái tim trong sạch đều có thể nghĩ đến nhân đức trong sạch đã được nhắc đến trong điều răn thứ Sáu: “Chớ muốn vợ chồng người” (Xh 20,14). Sự giải thích này đã được chú ý trong một số thời đại trong lịch sử của Ki-tô giáo. Hiện nay, đối với các Ki-tô hữu, thì trái tim trong sạch không chỉ liên hệ đến một nhân đức đặc biệt, mà còn diễn tả một chất lượng cần thiết mà các nhân đức cần phải có.[v]

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của trái tim trong sạch mà Chúa Giê-su nhắc đến trong Mối Phúc này, chúng ta đi vào trong bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta thấy rằng, Chúa Giê-su hướng về một điều quan trọng. Đó là trong những việc đạo đức cần có mục đích rõ ràng, dù đó là việc ăn chay hay bố thí hoặc cầu nguyện: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,2-4).

 

Đạo đức giả là một tội lỗi mà Thiên Chúa lên án mạnh mẽ nhất xuyên suốt trong Thánh Kinh. Với sự đạo đức giả, con người đã đưa Thiên Chúa xuống khỏi ngai của Ngài, và đưa Ngài xuống bậc thứ hai, trong khi những thụ tạo mà Thiên Chúa tạo nên lại chiếm chỗ hạng nhất. “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sam 16,7). Nếu chỉ nhấn mạnh đến vẻ bề ngoài hơn là chú ý đến tâm hồn, đến trái  tim, thì con người đang tự cho mình quan trọng hơn Thiên Chúa. Đạo đức giả cũng là một tình trạng rõ rệt thiếu vắng niềm tin. Không chỉ thế, người đạo đức giả cũng thiếu tình yêu thương người đồng loại. Họ bố thí không phải vì bác ái hay thương xót, mà họ chỉ mong được tiếng khen của người khác. Với Chúa Giê-su, họ đã được phần thưởng rồi. Cái phần thưởng của tiếng khen người đời mà thôi. Còn phần thưởng từ trời cao đưa lại hạnh phúc đích thật, thì không đến với họ.

 

Người đạo đức giả cũng giả ở trong cả lời cầu nguyện. Qua miệng tiên tri I-sai-a, Thiên Chúa đã than phiền: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (Is 29,13). Chúa Giê-su đã dẫn nhập lời này để lên án những người đạo đức giả. Thánh Mát-thêu viết trong đoạn nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với các kinh sư và Pharisêu. Ngài đã lên án mạnh mẽ lời cầu nguyện chỉ bằng môi miệng: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,7-8). Như thế, người cầu nguyện giả hình có môi miệng ở gần Chúa, tức luôn có lời lẽ kính trọng Ngài, nhưng lòng họ lại xa cách Ngài, theo nghĩa chống lại Ngài. Một Thánh Vịnh có viết: “Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người” (Tv 78,36).

Khi Thiên Chúa than phiền: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm”, Chúa không có ý nói về sự chia trí thuần tuý trong khi cầu nguyện. Chúa muốn nói về một điều nghiêm trọng hơn: lòng nói ngược lại với miệng, tức là một tâm hồn dối trá. Thế nào là dối trá ở đây? Là khi con người muốn những cái Thiên Chúa có, hơn là muốn chính Ngài. Thiên Chúa bị coi như dụng cụ để phục vụ con người. Đó không còn là lời cầu xin của người bạn, nhưng là của một nô lệ, biết mình yếu đuối, thiếu thốn, và chủ mình quyền năng, dư dật, nên cầu xin chỉ để nhằm khai thác chủ. Cầu nguyện nhằm mua chuộc, chứ không phải là hành vi phát xuất tự đáy lòng. 

 

Từ thái độ như vậy, người ta sẽ nảy sinh một thứ kinh nguyện quanh co, tạm gọi là kinh nguyện “ngoại giao”. Nói chuyện tâm tình khác hẳn nói chuyện ngoại giao. Tâm tình thì được tự do bên trong, dám nhìn vào mắt nhau, không có hậu ý, không cần cân nhắc nhiều về lời nói, hiểu nhau dù không nhiều lời, thậm chí đôi khi không cần nói mà nhìn nhau cũng đủ. Còn ngoại giao đòi thận trọng, cân nhắc từng lời từng chữ. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn. Ngoại giao có thể lừa được nhau, nhưng không thể lừa được Thiên Chúa. Thiên Chúa biết rõ lòng con người đang cầu nguyện như thế nào. Điều quan trọng và nền tảng mà Ngài tìm kiếm là sự chân thành của trái tim. Không có nó, thì mọi sự khác đều không có giá trị.[vi]

 

Sự lên án của Chúa Giê-su đối với những người đạo đức giả giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của “một trái tim trong sạch” trong Mối Phúc của chúng ta. Ngoài ra, Chúa Giê-su còn lên án mạnh mẽ các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,27-28).

 

Hai từ ngữ tương phản bên ngoài và bên trong ở đây cũng làm nổi bật thêm ý nghĩa của Mối Phúc về trái tim trong sạch. Trong suy nghĩ của Đức Ki-tô về sự trong sạch của trái tim, sự tương phản đầu tiên không phải là sự dơ bẩn, mà là tính cách đạo đức giả. Đạo đức giả là một tật xấu của con người có lẽ được lan rộng nhiều nhất, và lại ít khi được xưng thú ra nhất. Chúng ta có hai cuộc sống, Pascal đã viết như thế. Một cuộc sống là cuộc sống thật của chúng ta, và cuộc sống kia thì tồn tại trong tư tưởng của chúng ta, và trong tư tưởng của người khác. Đó là một cuộc sống tưởng tượng. Chúng ta không mệt mỏi làm việc để trang điểm và bảo vệ cuộc sống tưởng tượng của chúng ta, và xao lãng với cuộc sống thật của chúng ta.

 

Nếu chúng ta có được nhân đức nào hay điều gì có giá trị cao, thì chúng ta háo hức muốn nhiều người biết về điều đó, và chúng ta cố gắng dùng mọi cách thức để các nhân đức và giá trị đó được quy vào cuộc sống tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta làm cho cuộc sống thật của chúng ta nhỏ đi, bằng cách thêm thắt một số điều cho cuộc sống tưởng tượng của chúng ta. Cho dù chúng ta rơi vào trường hợp trở thành những kẻ hèn nhát, mà đạt được một tiếng thơm mà kẻ khác nói về chúng ta là kẻ ngoan ngoãn, hay là người thanh thoát không còn vương vấn với niềm vui gì cả, thì chúng ta cũng sẵn lòng.

Điều mà Pascal nói đã trở thành thực tế trong thời đại văn hoá của chúng ta hiện nay. Chúng ta có thể quan sát thế giới truyền thông với phim ảnh, internet, nhất là các trang mạng xã hội. Nhiều người đã rơi vào trong thế giới ảo, sống một cuộc sống tưởng tượng nhiều ảo ảnh trên internet và với các mạng xã hội. Có nhiều em thiếu niên và giới trẻ đã bỏ ăn uống và ngủ nghỉ, để theo đuổi những trò chơi game, để qua đó em có được cảm giác là hero – anh hùng. Còn có người chỉ sống cuộc sống ảo trên facebook. Có người đưa giá trị con người vào trong facebook, youtube, nghĩa là bạn có bao nhiêu bạn bè trên facebook, youtube hay clip bạn làm có bao nhiêu người coi? Nếu số lượng càng nhiều, thì giá trị cuộc sống của bạn càng cao. Rồi các phương tiện sử dụng thường ngày như điện thoại Iphone hoặc Smartphone cũng được đánh bóng vẻ bề ngoài, đương nhiên các thứ này phải luôn kỹ thuật hiện đại bên trong, để rồi khi bạn sở hữu những phương tiện đời mới đó, thì bạn được phép coi mình có giá trị hơn người khác.

 

René Descartes nói rằng: “Cogito ergo sum - Je pense, donc je suis - tôi tư duy, nên tôi hiện hữu”. Còn hôm nay chúng ta nói rằng: “I appear, therefore I am – Tôi xuất hiện ra bên ngoài, nên tôi hiện hữu”. Đó là một gốc gác cho thái độ sống đạo đức giả được biểu lộ qua giáng vẻ bề ngoài, và trên căn bản chỉ sử dụng trong kịch nghệ. Nghĩa là người ta giới thiệu về những điều thuộc về “sân khấu”. Người đạo đức giả đồng nghĩa với người giả vờ giả vĩnh, là người phô bày ra bề ngoài những tính cách khác, và những tính cách này chỉ thuộc các diễn viên của kịch nghệ. Mọi chuyện đều được thêu dệt và thêm thắt cho hấp dẫn như trong Ti-vi, trong các phương tiện truyền thông.

Khi nói về các diễn viên trong kịch nghệ, có một người khuyết danh viết rằng: Những nhân vật hư cấu chính là một sự sai lạc với con người thật. Con người có khuôn mặt, nhân vật hư cấu mang mặt nạ. Con người trần truồng một cách rõ rệt, nhân vật hư cấu chỉ là một bộ áo quần. Con người yêu mến sự chân thật và điều thực tế, nhân vật hư cấu sống một cuộc sống ảo ảnh và giả dối. Con người theo đuổi những gì thuyết phục họ, nhân vật hư cấu chỉ theo đuổi những tác phẩm kịch nghệ. Con người thì khiêm tốn và họ là ánh sáng chiếu soi, nhân vật hư cấu thì nặng nề và rắc rối. 

Tính hư cấu của kịch nghệ, dù thế nào, cũng là một kiểu đạo đức giả vô tội vạ, bởi vì nó duy trì một khoảng cách giữa sân khấu và đời sống thật. Không ai có thể nghĩ rằng, diễn viên đóng trong các vở kịch thế nào, thì đời sống thật của họ cũng thế ấy. Tuy nhiên, đang có một khuynh hướng, là càng ngày người ta càng muốn thâu nhỏ khoảng cách kia, để đưa cuộc sống thật của mình vào trong các show diễn. Điều này được gọi là “reality-show”. Trong các chương trình Ti-vi ở khắp nơi, đều có những show kiểu này. Triết gia người Pháp Jean Baudrillar đã nói về sự khó khăn trong việc phân biệt những biến cố thực tế (chiến tranh thế giới, biến cố 11.9 ở New York), với những màn trình diễn của truyền thông. Thực tế và ảo ảnh đang bị trộn lẫn và sát nhập vào nhau.[vii] Kế bên việc Chúa Giê-su lên án những người đạo đức giả thích chú ý tới vẻ bề ngoài hay chú ý tới những điều luật nghiêm khắc, mà không để ý tới bề trong và không chú ý tới tình yêu thương bác ái, Chúa còn vượt trên những kiểu cách bề ngoài, và vượt trên những điều luật nghiêm khắc. Ngài đã ngồi ăn chung với những người tội lỗi, ngồi chung bàn với những người phong hủi, và Ngài đã dành thời giờ để gặp gỡ những người ngoại giáo.[viii] Thái độ sống và lời giảng của Chúa Giê-su về Mối Phúc trái tim trong sạch mời gọi chúng ta hiệp nhất với Chúa Giê-su trên hành trình đời sống và Đức Tin, để nhờ đó chúng ta có thể có được trái tim trong sạch. 

 

  • Hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng mang trái tim trong sạch tinh tuyền nhất.

 

Khi chúng ta đã hướng nhìn lên Chúa Giê-su, và nhìn lên trái tim trong sạch của Chúa, chúng ta thấy, Ngài không đi tìm vinh danh cho mình, mà tất cả để vinh danh Thiên Chúa trên trời: “Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình” (Ga 8,50). Chính các kẻ thù của Chúa cũng đã nói về Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Mc 12,14). Đường lối của Thiên Chúa là yêu thương và thành tín, dù cho dân Ngài có thế  nào đi nữa.

- Trái tim tinh tuyền của Chúa Giê-su tràn đầy tình yêu và thành tín.

 

Để cảm nhận được tình yêu và sự thành tín của trái tim của Chúa Giê-su, chúng ta nên đọc lại chương 11 trong sách tiên tri Hôsê nói về trái tim của Thiên Chúa. Chương này bắt đầu như sau:

“Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,
từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.
Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi;
chúng dâng hy lễ cho các Ba-an, đốt hương kính ngẫu tượng.

Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó,
nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.

Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má;
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.

 Nó sẽ không trở về Ai-cập nữa,
nhưng Át-sua sẽ lại làm vua nó, vì nó không chịu về với Ta.
Gươm đao sẽ hoành hành trong các thành của nó,
sẽ làm cỏ và ngốn sạch con cái nó, vì chúng có những ý đồ xấu xa”.

 

Những lời này nói về tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa tương phản hoàn toàn với thái độ bội phản và tội lỗi của dân Người. Vì thế, Hôsê đã diễn tả hình ảnh Thiên Chúa giận dữ và tiêu diệt dân này. Nhưng cơn giận không phải là lời cuối cùng của trái tim nhân từ. Thiên Chúa thành tín và yêu thương lại tiếp tục tha thứ. Hôsê viết tiếp:

 

“Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín,
chúng được kêu mời hãy vươn lên,
mà chẳng một ai ngóc đầu dậy!

Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!
Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!
Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,
để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.

Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận,
sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa,
vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,
và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,7-9).

 

Tình yêu đã chiếm ưu thế. Hình phạt chỉ là phương thuốc chữa trị, mục đích là phục hồi mối dây ân tình. Cuộc chiến giữa cơn giận và tình yêu trung tín trong Trái Tim Thiên Chúa được mô tả rõ ràng, là Thiên Chúa không hành động theo cơn nóng giận, Thiên Chúa không muốn sự huỷ diệt. Hình phạt là hậu quả của tội lỗi. Khi phạm tội, chúng ta phải đối diện với các hậu quả của nó. Nhưng Thiên Chúa không muốn trừng phạt, Ngài muốn sự hiệp thông. Điều ngôn sứ Hôsê khẳng định về Ít-ra-en ở đây, thì cũng khẳng định đối với toàn thể nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa mở rộng cho tất cả mọi dân tộc, và tình yêu của Thiên Chúa mang tính cứu độ. Hôsê đã kết thúc chương 11 này với việc mô tả dân từ chốn lưu đày trở về đất hứa. Thật vậy, chương 11,7-9 của sách tiên tri Hôsê là bản văn đầy kịch tính nhất nói về trái tim của Thiên Chúa, và nó diễn tả tình yêu thắng thế trong trái tim của Ngài một cách tốt đẹp.[ix]

 

Trong một bài thuyết trình về hình ảnh Trái Tim Chúa Giê-su bị đâm thâu, Ratzinger cũng đã suy tư về chương 11 trong sách tiên tri Hôsê, và thật đặc biệt, vị thần học gia lỗi lạc này đã bắc một nhịp cầu từ Trái Tim Thiên Chúa trong Hôsê đến với Trái Tim của Chúa Giê-su.

Tội lỗi của nhân loại đã làm cho Trái Tim Thiên Chúa đau khổ, và Thiên Chúa phải rút lại việc tuyển chọn Ít-ra-en và bỏ mặc họ cho kẻ thù, nhưng “trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi, lòng thương xót của Ta mọc lên cách ấm áp và nhân hậu”. Trái Tim Thiên Chúa đã quay trở lại. Bởi tình yêu thánh thiêng, Trái Tim Thiên Chúa đã ảnh hưởng đến việc dập tắt hình phạt pháp lý chống lại Ít-ra-en. Tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa chiến thắng sự công chính không thể chạm đến của Người. Ở đây, chúng ta còn nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong Trái Tim của Thiên Chúa như cuộc thương khó đích thực của riêng Người. Dựa theo đoạn 11 này của tiên tri Hôsê, cuộc thương khó của Chúa Giê-su là bi kịch của trái tim Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. Trái tim bị đâm thâu qua của Người Con chịu đóng đinh hoàn tất theo nghĩa đen của lời tiên tri về Trái Tim Thiên Chúa, chảy tràn sự công chính bởi lòng nhân từ và bởi từng hành vi vẫn là công chính.[x]

Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su đã đi ngược với nhiệm vụ bình thường của trái tim. Đó là: Nhiệm vụ của trái tim là sự tự bảo toàn, nắm bắt tất cả chung lại với nhau những gì là của riêng nó. Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Trái Tim của Chúa Giê-su không quan tâm đến việc tự bảo toàn, nhưng quan tâm đến một hành động của tình yêu: tự phó dâng. Trái Tim của Chúa Giê-su cứu thế giới bằng cách mở chính mình ra. Sự sụp đổ của trái tim mở ra là nội dung của mầu nhiệm Phục Sinh. Đúng thế, trái tim cứu lấy, nhưng cứu lấy bằng cách cho đi chính mình. Vì thế, trong Trái Tim Chúa Giê-su, tâm điểm của Ki-tô giáo đặt ra trước chúng ta. Tâm điểm này diễn tả mọi sự, tất cả những gì thực sự mới mẻ và giải thoát trong Giao Ước mới. Trái Tim này kêu gọi trái tim ta. Trái Tim này mời gọi ta bước tới trước, ra khỏi cố gắng phù phiếm muốn tự bảo toàn, và bằng cách nối kết trong chức vụ tình yêu, bằng cách dâng trao chính ta cho Ngài và với Ngài, khám phá ra sự viên mãn của tình yêu vốn một mình là vĩnh cửu, và vốn một mình dưỡng nuôi thế giới.[xi]

Như thế, khi chiêm ngắm và suy niệm về trái tim tinh tuyền đầy tràn tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa, và của Chúa Giê-su, chúng ta cảm nhận được lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Karl Rahner cũng đã suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua Trái Tim của Chúa Giê-su, một trái tim mang nhân tính, như Hiến Chế Vui Mừng và Hy vọng đã nói “Ngài đã yêu với trái tim con người” (số 22). Trái Tim của Chúa Giê-su sản sinh tình yêu chân thực, sản sinh lòng nhân hậu thập toàn: “Ôi Thiên Chúa vô hạn vô biên, quả thật Ngài đã ngỏ với con một lời như thế! Ngài đã ra lệnh cho đại dương vô hạn là chính Ngài đừng đổ ụp vào bờ rào đang bao quanh đồng cỏ thô hèn cuộc đời con, để con được ẩn náu dưới sự cao cả vô biên của Chúa. Đơn giản là Ngài đã muốn rải xuống một màn sương mai của lượng bao dung nhân hậu Ngài, trên đám đất nhỏ hèn của riêng con. Ngài đã đến với con trong một lời nói của phàm nhân.

 

Vì chính Ngài, ôi Thiên Chúa vô biên, Ngài là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con. Chúa Giê-su đã nói với chúng con một ngôn ngữ phàm nhân. Trên miệng lưỡi Người, danh từ tình yêu không có nghĩa nào khác, và không hàm chứa điều gì khủng khiếp đối với con. Khi Chúa Giê-su khẳng định Người yêu thương chúng con, và chính Thiên Chúa yêu thương chúng con qua Người, thì lời nói đó phát xuất từ một trái tim nhân loại, và nó không mang ý nghĩa nào khác hơn là ban cho chúng con hạnh phúc. Một khi trái tim phàm nhân đó, Trái Tim Con Chí Thánh Ngài, một trái tim cũng giống hệt trái tim con, Trái Tim ấy yêu thương chúng con, đó là lúc trái tim con được yên hàn ấm dịu: xin chúc tụng Chúa về điều này! Khi một trái tim như vậy yêu thương chúng con, và con biết rõ tình yêu phát xuất từ nó, đó chỉ có thể là yêu thương tinh ròng.

 

Thế mà chính Đức Giê-su đã nói là Người yêu con, và lời nói của Người phát xuất từ một trái tim nhân thế. Trái tim đó cũng chính là Trái Tim Ngài, ôi Thiên Chúa của Đức Giê-su Chúa chúng con. Một Trái Tim vô cùng lớn lao hơn trái tim con, vô cùng phong phú hơn, vì nó sản sinh tình yêu chân thực, sản sinh lòng nhân hậu thập toàn. Tuy vậy, đó chỉ là một trái tim người phàm, nên chúng con không sợ hãi oai phong lẫm liệt của Ngài, vì nơi đây, tất cả đều khắng khít hoà nhập với nhau trong duy nhất, bất khả chia lìa”.[xii] Trái tim của Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu cứu độ nhân loại. Đó cũng là sứ mạng của Ngài khi xuống trần gian trong sự vâng phục Cha ở trên trời cách trọn vẹn.

- Trái tim tinh tuyền của Chúa Giê-su luôn nói lời xin vâng với thánh ý của Cha trên trời.

 

Là Người Con yêu dấu của Cha trên trời, Chúa Giê-su luôn làm hài lòng Cha với sự vâng phục tuyệt đối của Ngài. Sự vâng phục của Chúa Giê-su không chỉ bao gồm các hành vi vâng phục, nhưng còn là một thái độ căn bản, một chiều kích của Trái Tim Ngài, một sự trao phó chính bản thân mình. Với lòng vâng phục tuyệt đối, Chúa Giê-su đã thực hiện ý của Cha cách hoàn hảo và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Qua đó, sự bất tuân, bất trung và tội lỗi con người gây ra đã được Ngài mang trên thân mình, và chính Ngài đã hiến dâng chính mình để đền tội cho con người. Nhờ đó trong Ngài, trong Đức Ki-tô, một mầm sống mới, một sự khởi đầu mới được nảy sinh trong lòng thế giới nhân loại. Từ sự sống mới này, thánh ý của Thiên Chúa cần được tỏ lộ và cần được thực hiện trong một cách thức mới, để góp phần tạo nên trật tự và tự do cho thế giới này. Ngay từ những ngày đầu tiên trên hành trình sứ vụ, Đức Ki-tô đã thốt lên rằng: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

 

Điều này có ý nghĩa gì ? “Lương thực”, nghĩa là cái làm cho Thầy sống và hoạt động được. Ý muốn của Cha chính là lý do khiến Đức Giê-su đến trần gian và thi hành sứ mạng. Nói cách khác, trở nên một với thánh ý của Cha chính là nguyên lý đời sống của Chúa Ki-tô. Và “nên một với ý Cha” chính là điều cốt lõi của sự hiện diện của Ngài trên trần gian. Cũng trong Phúc Âm thánh Gio-an chúng ta nghe Chúa Giê-su nói rằng: “Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (6,38-40). Như vậy, Chúa Giê-su thi hành ý Cha, và vì thế Ngài không bao giờ để cho những người thuộc về Ngài, thuộc về cộng đoàn của Ngài bị mất đi, mà ngược lại như người Mục Tử nhân lành, Ngài luôn bảo vệ những con chiên của Ngài, và Ngài sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên của Ngài (x.Ga 10,14-15). Hơn nữa, là Mục Tử nhân lành, Ngài luôn sống tâm tình: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).

 

Đó cũng chính là thánh ý Cha trên trời. Cha trên trời không ao ước điều gì hơn là tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô, đều được gìn giữ và không bao giờ bị diệt vong. Hơn nữa, qua Người Con của Cha, họ sẽ tìm được sự sống muôn đời, sự sống vĩnh cửu. Đó là thánh ý cứu rỗi, thánh ý diễn tả tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người từ ngày đầu tiên và có giá trị cho đến muôn muôn đời.

Henri Nouwen đã suy niệm về trái tim tinh tuyền của Chúa Giê-su như sau: “Chúa Giê-su, người con yêu dấu của Thiên Chúa, có một trái tim trong sạch. Có trái tim trong sạch có nghĩa là luôn muốn một điều duy nhất. Chúa Giê-su chỉ mong muốn thực thi thánh ý của Cha trên trời. Bất cứ điều gì Chúa Giê-su làm và nói, Ngài đều làm và nói trong tinh thần vâng lời của Người Con đối với Thiên Chúa: ‘Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người’ (Ga 8,28-29). Trong Trái Tim của Chúa Giê-su, không có sự chia cách, không có hai mục đích, không có những mục tiêu bí mật. Trong Chúa Giê-su, hoàn toàn có một sự hiệp nhất trong nội tâm, vì Ngài luôn hiệp nhất hoàn toàn với Thiên Chúa. Trở nên giống Chúa Giê-su là lớn lên trong sự tinh tuyền của trái tim. Sự tinh tuyền là điều mà Chúa Giê-su ban tặng, và trái tim tinh tuyền đem lại cho chúng ta một viễn tưởng thiêng liêng thực sự”.[xiii]

Khi Chúa Giê-su tùng phục ý Cha với tâm tình con thảo, thì chẳng những không làm cho cuộc sống của Ngài hết bi thảm, mà còn khiến nó bị người đời công kích và bị đưa ra đương đầu với tội lỗi thế gian; tội lỗi này rốt cuộc Ngài vừa phải gánh lấy vừa phải chiến thắng. Nhìn hoạt cảnh xảy ra ở vườn Giêtsêmani, ta có thể đo lường được tấm bi kịch đè trên vai Đức Ki-tô nặng tới mức nào: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha… Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,39 và 42). Ngài bị chấn động không phải do ý muốn của Ngài và ý muốn của Cha đối chọi nhau, nhưng vì Ngài kinh hãi khi đứng trước nhiệm vụ mà kế hoạch cứu độ đòi Ngài phải thi hành. Trước công việc mà mình có bổn phận phải hoàn thành, Con Người ấy đã run sợ nhưng không khước từ thực hiện. 

Lời cầu nguyện này của Đức Ki-tô đã được thánh Phao-lô giải thích trong thư gởi tín hữu Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhận lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9). Và tiếp đến, Phao-lô còn nói cách sống động hơn: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Thực thi thánh ý của Thiên Chúa là điều nền tảng trong cuộc đời Chúa Giê-su. Trái tim tinh tuyền của Ngài luôn hướng về điều này. Đó là mục đích tối hậu và duy nhất mà Ngài theo đuổi. Hơn nữa, Chúa Giê-su theo đuổi và thực thi thánh ý Cha với tất cả sự hiền lành và khiêm nhường.

- Trái tim tinh tuyền của Chúa Giê-su là trái tim hiền lành và khiêm nhường.

 

Khi hướng nhìn lên trái tim tinh tuyền của Chúa Giê-su, chúng ta cần đọc lại lời thật an ủi của Chúa nói trong Phúc Âm của Thánh Mát-thêu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng của Mát-thêu 11,25-30, thường được gọi là thánh thi vui mừng. Đoạn này có thể chia làm ba phần: (1) Mt 11,25-26 nói về việc Chúa Giê-su chúc tụng Cha vì đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời không phải cho bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng là cho những người bé mọn. (2) Mt 11,27 nói đến sự hiểu biết giữa Chúa Cha và Người Con. (3) Mt 11,28-30 là đoạn Thánh Kinh mà chúng ta suy niệm. Đó là lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho tất cả mọi người. Chúa Giê-su là vị Tôn Sư với ách nhẹ nhàng. Ngài có trái tim hiền lành và khiêm nhường.

Theo Bovenmars, những từ hiền lành và khiêm nhường theo truyền thống Thánh Kinh là tính cách của những người nghèo của Thiên Chúa (anawim). Đối nghịch lại là những người giàu có kiêu căng, những kẻ chỉ đi theo đường lối của riêng của mình, họ tự mãn không cần đến Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, hai từ hiền lành và khiêm nhường xuất hiện chung với nhau lần đầu trong sách của tiên tri Xôphônia 3,12 quy chiếu đến những người nghèo của Thiên Chúa. Trong các Thánh Vịnh, chúng quy chiếu đến những người nghèo và đơn sơ luôn tín thác vào Thiên Chúa. Tv 34 nói về ơn cứu độ được hứa ban cho người khiêm nhu. Tv 25 nói về việc Thiên Chúa dạy dỗ những ai khiêm nhu và nghèo hèn. Tv 37 nói về những người hiền lành sẽ được chiếm hữu đất đai. Trong các Thánh Vịnh trên, chúng ta không thấy có sự khác biệt bao nhiêu về hai từ hiền lành và khiêm nhường.

 

Nhiều lần từ hiền lành được dịch là khiêm nhường. Cả hai đều quy chiếu đến một thái độ đầy lòng tôn kính đối với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta phụ thuộc và không có Ngài chúng ta chẳng làm được việc gì. Trong các Mối Phúc, Chúa Giê-su đã có sự phân biệt rất rõ ràng giữa người có tinh thần nghèo khó và người hiền lành. Những người nghèo khó, đói khát, hiền lành, bị bách hại, tất cả đều là tính cách thuộc về cùng một lớp người anawim, những người nghèo của Thiên Chúa. Họ được chúc phúc. Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng cho họ, Nước Trời là của họ.

Từ những đoạn Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy, khi Chúa Giê-su nói: Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng, có nghĩa là Ngài đặt mình ở giữa những người nghèo của Thiên Chúa. Ngài tự giới thiệu mình với tư cách là một trong những anawim, thuộc về lớp người đó, không chỉ vì sự nghèo khó bên ngoài của Ngài, nhưng còn hơn nữa là vì những khuynh hướng hiền lành và khiêm nhường trong Trái Tim của Ngài. Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng, không kiêu căng, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Ngài là mẫu mực lý tưởng của những ai nghèo khó trong tinh thần. Đó là lý do tại sao Ngài mời gọi những người nghèo hèn, những ai vất vả lao nhọc và gồng gánh nặng nề hãy đến với Ngài, vì Ngài cũng là một người trong số họ.

 

Vinh quang và nghèo hèn, vĩ đại và khiêm tốn. Để hiểu được điều nghịch lý này, chúng ta phải nhận ra Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể, Con duy nhất của Chúa Cha đã trở nên một người trong chúng ta. Ngài đã khiêm tốn trở nên một trong những người nghèo. Ngài thực sự trở nên nghèo túng. Cái nghèo ở hang lừa Belem, cái nghèo và đơn sơ trong cuộc sống ẩn dật ở Na-da-rét, cái nghèo của một Ráp-bi hăng say đi khắp mọi nơi để rao giảng Tin Mừng, và để nâng đỡ những người nghèo hèn và khổ đau. Quả thật, Chúa Giê-su là tôi tớ khiêm tốn của Thiên Chúa. Bài ca thứ nhất về người Tôi Trung của Thiên Chúa được áp dụng cho Ngài:

“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,
Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;
nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.

Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.

Nó không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42,1-4).

Lời này được Mátthêu trích dẫn lại và chỉ về Chúa Giê-su (x.Mt 12,18-21). Chúa Giê-su nhân hậu đối với những người bị chà đạp và bị áp bức. Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, Ngài cũng chẳng nỡ tắt đi. Ngài đem lại bình an đích thực. Ngài cứu chữa mọi người bằng chính sự đau khổ của mình.

Sự liên đới với người nghèo của Chúa Giê-su ăn rễ sâu trong Trái Tim của Ngài. Ngài cảm thấy giống như họ, đơn sơ không kiêu căng; Ngài thuộc về họ. “Hãy đến với tôi”. Ngài quan tâm đến những người mà Ngài giảng dạy. Ngài đem lại sự nghỉ ngơi cho tâm hồn của họ. Trái Tim của Ngài chứa đựng mọi kho tàng khôn ngoan và hiểu biết, có đầy cảm xúc của một người tôi tớ hiền lành, nhiệt thành trợ giúp, soi sáng và làm vơi nhẹ những gánh nặng của con người, chữa lành tâm hồn lo âu và băn khoăn của con người bằng sự bình an của Ngài.[xiv]

Ngoài ra, sự khiêm nhường của Chúa Giê-su còn được hiểu trong việc Chúa tự hạ mình vì tình yêu thương dành cho chúng ta. Cantalamessa đã chia sẻ rằng: “Đâu là sự khiêm tốn của Ðức Giê-su để Ngài có thể nói với ta: Hãy học với tôi vì tôi có lòng khiêm nhượng? Ở đây, chúng ta khám phá ra một điều quan trọng. Khiêm tốn chủ yếu không phải ở chỗ là người hèn mọn, vì người ta có thể hèn mọn mà không khiêm tốn. Cũng không ở chỗ cảm thấy mình hèn mọn, biết mình hèn mọn, vì có thể thật sự là thế, và như vậy mới chỉ là một điều khách quan, chứ chưa phải là khiêm tốn. Chưa kể việc cảm thấy mình hèn mọn có thể là do một mặc cảm tự ti, đưa ta đến chỗ thu mình lại và thất vọng, buồn chán, hơn là đưa ta tới chỗ khiêm tốn.

Tự nó, sự khiêm tốn ở mức độ hoàn hảo nhất, không phải ở chỗ ta là người hèn mọn, hoặc cảm thấy mình hèn mọn, nhưng là làm cho mình trở thành người hèn mọn, trở thành người khiêm tốn, không vì một nhu cầu lợi ích cá nhân nào của mình, nhưng vì tình yêu, nhằm làm thăng hoa người khác. Ðây chính là sự khiêm tốn của Ðức Giê-su. Ngài không phải là người hèn mọn, không cảm thấy mình hèn mọn, nhưng trở nên hèn mọn, đến nỗi huỷ mình ra không, chỉ vì yêu loài người chúng ta.

Thánh Phao-lô đã nói về sự nghèo khó của Ðức Ki-tô như thế này: ‘Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có’ (2Cr 8,9). Có thể nói một cách tương tự về sự khiêm nhường của Ðức Ki-tô: Ngài đã ra không vì ta, để lấy sự hư không của mình mà làm cho ta được có (tức trở thành người mới). Cứ như ta thấy theo mạc khải, sự khiêm tốn của Ðức Giê-su là một sự đi xuống, không ở trong tư tưởng, lời nói, tình cảm của Ngài cho bằng trong các sự kiện (hư vô hoá mình).

Ám chỉ bản văn Pl 2,6tt, Tertullianô nói rằng trong nhập thể, Thiên Chúa đã hành động như ông vua kia có một viên đá quý khảm trong chiếc nhẫn vàng, và chiếc nhẫn này rơi xuống vũng bùn. Vua bèn mặc bộ đồ dơ, lội xuống đó, bì bõm trong nước bẩn, mò lại chiếc nhẫn, rửa sạch nó và đeo vào ngón tay, để nó lại lấp lánh trong ngón tay vương giả. Tác giả cắt nghĩa: đá quý là linh hồn con người, chiếc nhẫn là thân xác con người, cả hai rơi vào vũng bùn tội lỗi; ông vua là Ðức Giê-su mặc y phục của tên đầy tớ, xuống vũng bùn là thế gian, tìm lại con người, rửa nó trong phép Rửa Tội, đưa nó theo mình lên với Chúa Cha…Sự khiêm tốn của Ðức Giê-su là sự khiêm tốn từ Thiên Chúa mà đến, có gương mẫu tuyệt vời nơi Thiên Chúa, chứ không phải nơi con người. Quả thực, Thiên Chúa không thấp hèn, không cảm thấy mình thấp hèn, nhưng đã làm cho mình ra thấp hèn vì yêu ta”.[xv]

Chúa Giê-su trở nên thấp hèn vì yêu chúng ta. Trong tình yêu đó, Ngài - Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng - luôn có tinh thần phục vụ. Thật vậy, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Một lần, các môn đệ của Chúa tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Nghe thế, Chúa ngồi xuống (một cung cách cho thấy bài học sắp đưa ra là quan trọng), gọi các ông lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Muốn làm đầu, phải làm người rốt hết, tức là phải đi xuống, hạ mình xuống. Liền sau đó, Chúa cho họ hiểu làm người rốt hết có nghĩa gì. Có nghĩa là phục vụ mọi người. Vậy sự khiêm tốn mà Ðức Giê-su công bố chính là sự phục vụ, phục vụ như một người tôi tớ.

Bài học này còn được củng cố bằng một mẫu gương của chính Chúa, như lời Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Có nhiều điều mới mẻ trong lời đơn sơ trên về sự khiêm tốn phục vụ. Một trong những điều đó là sự hoà hợp hoàn toàn giữa nhân đức khiêm nhường và ước muốn những việc lớn cũng như thực hiện những việc lớn. Nhiều người tưởng rằng khiêm tốn thì không thể suy nghĩ, ước muốn và thực hiện những việc lớn, và ngược lại. Nhưng như lời Chúa cho thấy, chính sự khiêm tốn là thước đo của ước muốn này: Ai muốn làm người đứng đầu thì... Ai muốn làm lớn giữa anh em thì... Người khiêm tốn vẫn được phép làm người đứng đầu, được phép muốn những việc lớn. Có điều không được làm lớn mà gây thiệt hại cho người khác, cho người dưới quyền, bằng cách thống trị họ, theo cung cách của chính trị xã hội, nhưng là làm lợi cho họ, những anh chị em dưới quyền và nhỏ bé.

Phúc Âm đã làm đảo lộn bậc thang giá trị. Giữa làm lớn và khiêm tốn giống như giữa khôn ngoan và điên rồ. Phải thành điên để thực sự khôn ngoan (x.1Cr 3,8). Phải thành trẻ nhỏ để thực sự trở nên người lớn. Các thánh đã làm như thế. Làm lớn không chỉ được đánh giá bằng việc làm, mà nhất là bằng ý định chi phối việc làm này, nghĩa là bằng tình yêu. Các thánh làm lớn theo cách thức của Thiên Chúa, chứ không phải của con người.[xvi]

Quả thật, nếu chúng ta muốn giải thích lời của Chúa được tốt hơn: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29), chúng ta phải biết nhận định những tình tiết của đời sống Chúa Giê-su, để xem cách Ngài xử thế và giải thích về sự dịu dàng và khiêm nhường này. Qua đó, chúng ta sẽ khám phá chiều sâu của trái tim khiêm nhường và hiền lành của Chúa Giê-su sẵn sàng để cho bị đâm thâu.

 

[i] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.87.

[ii] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.89.

[iii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.73-75.

[iv] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, Chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng, NXB. Tôn Giáo 2012, t.227-244.

[v] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.79.

[vi] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, t.148-150.

[vii] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.86-88.

[viii] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.80-81.

[ix] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.57-58.

[x] X. RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, Nguyễn Luật Khoa, OFM., biên dịch, NXB Tôn Giáo 2009, t.67-68.

[xi] X. RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, t.74.

[xii] RAHNER K., Réo gọi vị Thiên Chúa thầm lặng. Chuyển ngữ: Vũ Văn Thiện, NXB. Tôn Giáo 2003, t. 36-37.

[xiii] NOUWEN H., Bread for the Journey, HarperSanFrancisco 1997, trong tháng May 29, bài Jesus is pure of heart.

[xiv] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.125-128.

[xv] CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, t.199-200.

[xvi] CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, t.202-203.

bottom of page