top of page

- Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6,36).

 

“Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Qua lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Thật vậy, Người Ki-tô hữu cần “xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).

Lòng thương xót là nên tảng của Ki-tô hữu. Điều này được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Dụ ngôn về người Samaritanô (x.Lc 10,37) được nhắc ở phần trên là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Hình ảnh sống động về ngày phán xét trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25,31-46), diễn tỏ rõ ràng rằng, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện cần có để được ơn cứu rỗi. Điều răn mới của Chúa Giê-su ban cho các môn đệ là điều răn của lòng thương xót, của tình yêu thương lẫn nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

 

Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đã nối kết tinh thần sống Đức Tin với lòng thương xót. (x.Gc 2,13-15). Thật vậy, Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18). Trong thời đầu tiên của Giáo Hội tiên khởi, lòng thương xót và nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4,34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), qua việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2). Thánh Phê-rô đã đưa ra một lời khuyên sống tinh thần thương xót: “ Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9).

 

Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma sống tinh thần bác ái và xót thương: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).

Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.[i]

 

Ngoài ra, các Giáo Phụ cũng chú ý tới lòng thương xót là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Giáo Phụ Hermas thành Roma (giữa thế kỷ thứ 2) trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”[ii]

 

Một thế kỷ sau đó, Cyprien de Carthade (+258) cũng đã giảng dạy về “Lòng thương xót và việc bố thí”. Lactance (Lactantius, + ca. 325) cũng đã viết một số tác phẩm về lòng thương xót, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo khổ .[iii] Grégoire de Naziane (+ 390) cũng đã nhấn mạnh: “Với tất cả con người, chúng ta hướng về người nghèo khổ và tất cả những ai đau yếu, cũng như tất cả những ai đang chịu đựng khổ đau: …các quả phụ, những em bé mồ côi, những người bị đi đày, những nạn nhân của những ông chủ bất nhân, các nạn nhân của những người chủ vô liêm sỉ, những nạn nhân của những kẻ du côn, của những tên cướp bóc, những nạn nhân của những kẻ thu thuế bất nhân…Tất cả những người bất ngờ rơi vào trong khổ đau, đối với tôi họ cần được đón nhận lòng thương cảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nghĩ đến những nạn nhân của sự dữ thật dễ sợ, thân xác đau khổ của họ đụng tới chúng ta”.[iv]

Các Giáo Phụ nhắc đến nhiều thái độ và hành động bác ái được bắt nguồn từ lòng thương xót. Không dừng ở đó, mà Origene và Jean Chrysostome cùng các Giáo Phụ khác còn hướng đến cách sống bác ái trong chiều kích thiêng liêng. Cụ thể qua sự chú ý, thăm viếng, chia sẻ, ủi an những người đau khổ và bất hạnh. Đó là sự bác ái và nâng đỡ tinh thần rất cần thiết cho nhiều anh chị em bất hạnh.[v] 

Như thế, Lời Chúa và lời các Giáo Phụ luôn mời gọi các tín hữu chú ý đến lòng thương xót trong cuộc sống, cụ thể qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Trong những anh chị em bất hạnh này, Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động. Khi nâng đỡ họ, là nâng đỡ Chúa Giê-su. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.

 

- Thực thi lòng thương xót, con đường dẫn đến ơn cứu độ.

 

Qua một lời kinh đơn sơ, truyền thống Ki-tô giáo đã nêu bật tinh thần lòng thương xót. Đó là kinh Thương người có Mười Bốn Mối với hai phần: thương xác bảy mối, và thương linh hồn bảy mối.

Trong Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa số 15, ĐTC. Phanxicô đã nhắc đến lời kinh này như là một ước mơ cháy bỏng: “Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế… Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!...Ước muốn cháy bỏng của tôi là trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Ngoài các lời của kinh thương người có 14 mối này, thánh Biển Đức còn bổ túc một điều khác trong Hiến Luật mà ngài đã viết ra: “Không bao giờ nghi ngờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa”.[vi]

Phần đầu của kinh Mười Bốn Mối là thương xác bảy mối[vii] tương hợp với đoạn Thánh Kinh cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-36), với mối thứ bảy chôn xác kẻ chết do Giáo Phụ Lactantius (tk.3) bổ túc. Mối thứ bảy này liên hệ đến hình ảnh của Tobia trong Cựu Ước: “Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).[viii]

Với thương xác bảy mối này, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần thương xác bảy mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng về người gặp khổ đau, và với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ họ. Tinh thần của thương xác bảy mối cũng tương hợp với tinh thần của Cựu Ước mà người Do Thái luôn chú ý tới: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường. Khi chúng ta sống tinh thần xót thương và bác ái, thì chúng ta đang đón nhận lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung: “Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi ‘con người bé nhỏ’ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày… để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu” (Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 15).

 

- Thương cho kẻ đói ăn, thương cho kẻ khát uống.

Những hình thức thương và giúp đỡ thể xác người khác thì muôn hình vạn trạng. Chúa Giê-su tóm tắt tất cả trong một câu khuôn vàng thước ngọc nằm trong Bài Giảng Trên Núi: “Mọi điều các con muốn người ta làm cho mình, thì các con cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Như vậy, nếu tôi đói và muốn người ta cho tôi ăn, thì tôi hãy cho kẻ khác đang đói được ăn.

Nhớ lại thời gian còn là tập sinh, cha Giáo gởi tôi đến làm thực tập trong một trung tâm bác ái Công Giáo nằm trong nhà ga xe lửa của thành phố Munich, Đức Quốc. Một trong những công việc bác ái, là mỗi ngày chúng tôi nhận nhiều tấm bánh mì của các lò bánh mì xung quanh tặng. Sau đó, chúng ta tôi quét chút bơ, rắc chút muối trên từng miếng bánh và phân phát cho những người nghèo, cùng những khách bộ hành thiếu thốn ở trong nhà Ga. Công việc chẳng có gì đặc biệt và mệt nhọc, nhưng mỗi lần thấy những anh chị em nghèo khó đón nhận bánh mì với một ly nước trà nóng trong mùa đông lạnh lẽo, lòng tôi vui mừng lắm. Niềm vui đó mang chiều sâu, khi đọc lời của Chúa Giê-su: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống” (Mt 25,35). Chúa hiện thân trong chính người đói khát kia, và Chúa đang mong chờ những tấm bánh, những ly nước được trao ban. Ý thức được điều này, mà rất nhiều người đã hy sinh và dấn thân, để nâng đỡ biết bao người nghèo khổ không có của ăn. Khi học chuyên môn ở Paris, mỗi tuần một lần được đi làm việc tông đồ trong nhà dòng của các thầy Dòng Bác Ái theo tinh thần của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. Được cùng với các thầy và các anh chị em giáo dân hy sinh thời gian, lo nấu những bữa ăn trưa cho những người nghèo khổ, và sau đó dọn bữa ăn và phục vụ cho khoảng 40 người vô gia cư từ khắp mọi nơi của Paris kéo về để cùng ăn, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động về sự hy sinh và về tình bác ái thương xót của các thầy và nhiều anh chị em giáo dân. Sự xúc động về lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện thật sống động dành cho những người bị bỏ rơi, những người vì nhiều lý do khác nhau đã rơi vào trong hoàn cảnh vô gia cư và mất tất cả: gia đình, nghề nghiệp, của cải, an toàn, tương lai... Nhưng dù họ mất tất cả, lòng thương xót của Thiên Chúa họ không bao giờ bị mất cả. Một nhà thần học đã nói: “Mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu Thiên Chúa mãi mãi tồn tại”.

Các thầy và anh chị em phục vụ những người vô gia cư này làm tôi nhớ lại bài Phúc Âm kể việc Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chúa đã lên tiếng với các môn đệ, khi các ông nói với Chúa hãy cho đám đông về các làng mạc để kiếm cái ăn, vì trời đã chiều: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Lời mạnh mẽ của Chúa giúp cho chúng ta ý thức để sống tinh thần bác ái và thương xót những người nghèo khổ thiếu của ăn. Thật là một Xì-căng-đan, nếu các Ki-tô hữu lắc đầu từ chối giúp đỡ những người đói khổ. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó trong Phúc Âm của Lu-ca là một lời cảnh báo đối với chúng ta. (x.Lc 16,19-31). Không có câu chuyện nào thê thảm hơn người phú hộ giàu có chỉ mong muốn được giải thoát khỏi sự khổ đau đời đời, sau khi đã sống một cuộc đời giàu sang với của cải vật chất, nhưng lại chẳng biết xót thương người đói khổ, chẳng màng tới một La-da-rô nghèo đói đang nằm ở trước cổng nhà ông ta: “La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16,20-21). Đó là thái độ vô cảm của người phú hộ. Thái độ vô cảm và sự giàu sang đã làm cho đôi mắt của ông ta đui mù khi còn sống, để rồi dù thật hối hận ở đời sau, nhưng đã muộn rồi. Phải chăng ông ta đã tự chọn cho mình số phận như thế?

Bài học của người phú hộ keo kiệt và vô cảm là một bài học đắt giá đối với chúng ta, những người có niềm tin vào Chúa và sống trong lòng Giáo Hội. Mỗi năm ít nhất hai lần, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết ý thức ăn chay, hãm mình và hy sinh phần nào bữa ăn và của cải, để hướng về những người đói khổ và chia sẻ với họ.[ix] Đức Thánh Cha luôn luôn kêu gọi chúng ta trong các sứ điệp của Mùa Chay, cần biết ra khỏi mình và cái tôi ích kỷ của mình, để đến với người đói khổ và chia sẻ lương thực cho họ.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”. Điều đặc biệt trong lời cầu nguyện này nằm ở chỗ: lời kinh của số nhiều (chúng con), chứ không phải lời kinh của số ít (con). Điều này có ý nghĩa gì?[x] Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa, vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian, vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng, họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Ki-tô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Ki-tô hữu, mà để động viên họ luôn ý thức nhận ra khuôn mặt của Đức Ki-tô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn, Ngài đang hiện diện nơi anh chị em đói khổ.[xi]

 

Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong Kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết : “Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Ki-tô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong Kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (x.Lc 16,19-31) và cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-46)”.[xii]

Một hình ảnh khác thật hay nơi các em thiếu nhi học Giáo Lý rước lễ lần đầu ở một Giáo Xứ bên Đức mà tôi có thời gian được giúp. Khi học bài Giáo Lý về Bí Tích Thánh Thể, ngoài những ý nghĩa thiêng liêng, các em còn được hướng dẫn về ý nghĩa xã hội mang tính cách bác ái của Bí Tích Thánh Thể, và các em đã khám phá ra rằng: Mỗi em chính là tấm bánh cần được bẻ ra và chia sẻ cho người khác, đặc biệt cho những người đói khổ.

Tâm tình của các em bé thiếu nhi làm tôi nhớ lại câu chuyện của một người mẹ Công Giáo ở quê hương, mà một người quen đã kể. Câu chuyện kể về người mẹ này trong thời gian đói nghèo của quê hương vào năm 1945. Lúc đó người mẹ đã nhìn thấy bao con người nghèo khổ và đói rách từ miền quê lên Hà Nội, họ lang bạt khắp nơi, chỉ sao tìm được hạt gạo, chén cơm để lót cái dạ rỗng tuếch của mình. Đặt mình trong vị trí của họ và qua đó một cách thẳm sâu người mẹ đã hiểu được họ cần gì. Vì thế, một nồi bắp đã được bắt lên bếp. Bắp chín, mẹ cặm cụi ngồi gói từng cái bắp và lên đường ra đi. Lên đường, đó là một hành động cao cả một người mẹ. Những cái bắp trên rổ xe đạp của mẹ càng lúc càng vơi đi, khi mỗi lần mẹ dừng lại bên hè phố mà một người nghèo đói đang ngồi trông mong.

“Trông mong”. Đó chính là một động từ đi liền với hoàn cảnh của những anh chị em thiếu may mắn. Mẹ đã hiểu được cái ý nghĩa sâu xa của động từ này qua đôi mắt của bao người đau khổ trên quê hương và mẹ đã đáp lời. Cũng như dụ ngôn người Samaritanô tốt lành trong Phúc Âm được Chúa Giê-su kể sau lời kêu gọi: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình ngươi”. Mẹ đã hiểu được người thân cận, người bên cạnh của mình là ai và làm thế nào để chia sẻ tình yêu cho họ. Vì thế, tình yêu với Chúa và với anh chị em thúc đẩy mẹ tiếp tục lên đường. Nồi to lại được bắt lên bếp. Giờ đây không phải là những cái bắp mà là những nắm gạo. Trong đôi tay của Mẹ  những nắm gạo được vo tới vo lui, và cuối cùng một nồi cháo nóng “xuất hiện” trong nhà mẹ, và đang chờ mọi người đói khổ. Bao người tuôn đến. Để tránh mọi người xô đẩy và để cho có trật tự, mẹ đã để nồi cháo trong hàng rào và từng người có thể đến để nhận một chén cháo lót dạ. Của cho và cách cho đã đi đôi với nhau. Đó là tiếng nói của trái tim. Trái tim đã khơi dậy không chỉ một nghĩa cử bác ái là móc ra một vài đồng bạc cho người khác, nhưng trái tim còn nói mình phải làm sao để đồng tiền cho đi vẫn giữ được tình thân và làm thăng tiến con người.

Điều này mẹ đã diễn tả rất cụ thể qua hành động rất cao quý: Trong số những người nghèo đến lấy cháo mỗi ngày, mẹ để ý thấy một em trai khoảng 10 tuổi ngày nào cũng đến xin cháo, nhưng không ăn ngay, em cẩn thận bưng bát cháo về hướng đầu đường. Mẹ cho chị bếp đi theo thì thấy một cảnh tượng rất thương tâm: em bé đó đưa chén cháo về cho người mẹ mới sinh đứa con nhỏ còn yếu không đi được. Em ngồi đó nhìn mẹ húp từng miếng cháo, mẹ em hỏi ăn chưa thì em nói ăn rồi. Chị bếp về nói lại cho người mẹ. Mẹ nghe vậy và gọi em bé đến. Bây giờ em bé phải ăn chén cháo khác. Bao tử em cần phải được no đầy như chính tâm hồn của em tràn đầy tình yêu thương. Sau đó, người mẹ còn lấy cho em một cái bánh bích-quy. Thật tuyệt vời. Đã bao giờ bé thơ nghèo khổ kia được hưởng một tình người dịu ngọt được cụ thể hóa trong cái bánh  bích-quy ngọt ngào. Cảm tạ Thượng Đế nhân từ biết bao, cám ơn tâm hồn của mẹ dịu ngọt dường nào! “Nhưng mỗi ngày chỉ lo cho em như vậy chưa đủ. Làm sao để giúp em lo được cho chính mình? Làm sao để giúp cho tâm hồn non trẻ nhưng đầy trách nhiệm kia thăng tiến và lo được cho người mẹ mới sinh còn đang yếu?”

Đó chính là nỗi suy tư của mẹ. Cái bánh bích-quy đi liền với cái hộp của nó. Nhưng bây giờ bánh bích-quy cần phải biến dạng. “Người bạn” của hộp bánh giờ đây là những hạt đậu phộng rang. Mẹ đã rang đậu phộng và đã cho em bé đi bán mỗi ngày. Một sáng kiến của trái tim. Thật tuyệt vời! Sau mỗi ngày em bé đi bán trở về, mẹ đã cùng em tính toán sổ sách. Mẹ lấy lại vốn và cho em tiền lời. Em bé đã đưa tiền lời đó về và mua gạo nấu cháo cho mẹ của em và cho em bé mới sinh. Và cứ vậy, ngày ngày em lại đến với người “mẹ nhân từ“ để nhận “tiền vốn – đậu phộng rang” và lại lên đường.

Tiền – tiền vốn – tiền lời. Đó là một khía cạnh rất thương mại. Nhưng dưới con mắt và bàn tay của mẹ chúng đã trở thành một điểm sáng: Tiền đã biến thành tình yêu, tiền vốn đã biến thành dấn thân và tiền lời đã trở thành hoa quả của lòng thương xót. Mong sao lòng xót thương tiếp tục nở hoa qua biết bao nhiều tấm lòng nhân ái, để nhờ đó biết bao người đói khát được no đầy, những người rách rưới được có cái mặc và những ai đau yếu được chăm sóc.

 

- Thương cho kẻ rách rưới ăn mặc.

 

Ở bên Đức, tại mỗi khu phố hay làng mạc đều để các thùng của hội Caritas. Mọi người đều có thể đưa quần áo và giày dép cũ không còn sử dụng vào thùng từ thiện đó. Hội Caritas sẽ chuyển tiếp cho những người nghèo ở các nước khó khăn. Có lần, nghe bà mẹ trong một gia đình nói rằng, trước khi chúng ta đưa quần áo đi để bỏ vào trong thùng từ thiện ấy, thì cần phải giặt sạch sẽ, gấp vào đàng hoàng, bỏ vào bịch và đưa tới thùng từ thiện. Một nét của văn minh tình thương và bác ái mà có lẽ mọi người ai cũng cần phải cố gắng để thực thi. Thật vậy, khi cho kẻ rách rưới ăn mặc là chúng ta đang tôn trọng phẩm giá cao quý của họ. Phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho mọi người. Sách Sáng Thế nhắc tới hình ảnh của A-đam và E-và đã được Thiên Chúa trao ban áo mặc: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21).

 

Tội lỗi đã dẫn đến hình phạt, nhưng đồng hành với hình phạt là lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi của A-đam và E-và không dẫn hai người tới cái chết, nhưng dẫn tới sự lưu đày. Khi hai ông bà bị lưu đày, thì cả hai được Thiên Chúa giàu lòng thương xót che chở qua chính chiếc áo Chúa đã làm ra và trao ban cho cả hai. Chiếc áo này che chở họ trước gió bão và bảo vệ họ trước những đe doạ hiểm nguy từ bên ngoài.[xiii] Ở đây, cũng nên nhắc lại tâm tình của Kasper, khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người giữa nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21).[xiv]

 

Chiếc áo Thiên Chúa trao ban không chỉ che chở con người, mà chiếc áo đó còn mang ý nghĩa tôn trọng phẩm giá cao quý của con người. Con người có quyền được ăn no mặc ấm. Đó là điều mà mọi người ai cũng ao ước và vì thế chúng ta luôn cố gắng không chỉ lo cho mình được mặc ấm và mặc đẹp, mà còn hướng đến anh chị em nghèo khổ, để theo gương của Thiên Chúa từ nhân, trao tặng cho anh chị em rách rưới những chiếc áo che thân.

Câu chuyện của Thiên Chúa mặc áo cho A-đam và E-và cũng đang được sống động trong cuộc đời thực tế. Câu chuyện của một tu sĩ trẻ trên cánh đồng truyền giáo ở đất nước Lào nghèo nàn diễn tả một niềm vui sâu xa, niềm vui của người môn đệ đi tìm kiếm lại vẻ đẹp của Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhỏ bé và nghèo hèn: “Câu chuyện về một chú bé mà em có dịp gặp khi đi thăm làng Navai ở Lào trong một ngày lạnh lẽo. Tụi em đã thấy một chú bé co ro vì không đủ ấm dưới một làn áo đơn sơ giữa thời tiết lạnh giá. Hai anh em tụi em thì được bọc dưới mấy lớp áo ấm mà vẫn thấy lạnh. Một trong hai tụi em đã cho chú bé ‘mượn’ một chiếc áo gió để em mặc cho bớt lạnh. Chú bé trả lại áo cho bọn em sau khi đã thấy ấm hơn. Không lâu sau đó khi có dịp thăm lại làng ấy tụi em đã tặng cho bé một chiếc áo ấm. Chú bé đã rất vui và hạnh phúc về điều ấy. Chú bé còn bày tỏ khao khát được học giáo lý và được rửa tội. Từ kinh nghiệm này mà tụi em đã khởi động chương trình áo ấm cho trẻ em trong hai làng Navai và Mương-phương, dù lúc ấy không có một đồng trong tay. Nhưng tạ ơn Chúa là lúc này tụi em không những có đủ số tiền cho chương trình này mà còn dư ra một ít nữa chứ!”. Chiếc áo ấm của lòng thương xót đã làm cho thân người nhỏ bé và nghèo khó ấm êm. Chiếc áo ấm đưa lại cho lòng người niềm vui đích thật. Niềm vui của em bé nghèo hèn lạnh lẽo được người môn đệ của Chúa thương xót và trân quý. Niềm vui này tương hớp với lời mời gọi của Chúa: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có” (Lc 3,11).

Câu chuyện của người tu sĩ này làm tôi nhớ lại câu chuyện nổi tiếng trong truyền thuyết về thánh Martin thành Tour. Chuyện kể rằng: Một đêm hoàn toàn đóng băng (có lẽ là trời mưa, hoặc tệ hơn là vẫn còn bông tuyết), Martin cưỡi trên lưng ngựa, khoác trên mình chiếc áo choàng màu đỏ rất ấm, khi ông đi đến các bức tường thành phố Amiens, Gaul (ở Pháp). Ở đó, ông phát hiện một người đàn ông nhỏ bé, ngồi trên mặt đất, co ro trong bộ quần áo mỏng manh rách rưới của mình. Người đàn ông muốn cầu xin ai đó giúp đỡ nhưng ông đã bị lạnh cóng, đôi môi dường như đông cứng lại với nhau. Đội quân của Hoàng đế đã đi qua và chỉ cười với ông ta, trước khi họ bước vào một trong các quán bar của thị trấn với những đồ ăn, thức uống và bếp lửa ấm áp. Bây giờ vận may của người ăn xin đã thay đổi, khi Martin rút kiếm cắt tấm áo choàng màu đỏ của mình thành hai mảnh, một nửa dành cho người đàn ông nghèo khổ. Đôi môi của người ăn xin dần dần bớt cóng lại, vì thế ông ta bắt đầu nói “cám ơn”, nhưng Martin đã đi trước đó bởi vì ông là người khiêm tốn và e thẹn. Đêm hôm sau, Martin kể lại, ông có một giấc mơ, dù không ai thực sự biết chắc chắn, bởi vì ông là người duy nhất ở đó, nhưng người ta nói ông mơ đã gặp lại người đàn ông nghèo đó một lần nữa và người ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài muốn kiểm tra xem Martin có đúng thực là một người đàn ông tốt hay không. Như vậy, Ngài đã thực sự vui bởi vì Ngài đã nói với ông: “Những gì bạn đã làm cho người đàn ông nghèo này, chính là bạn đã làm cho tôi!”.

Lời cuối cùng của câu chuyện về thánh Martin đưa chúng ta về lại lời của Chúa Giê-su: “Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc” (Mt 25,36). Chúa Giê-su hiện diện trong những anh chị em đang rách rưới, đang trần truồng. Chúa và họ đang cần đến những chiếc áo của lòng nhân ái, để che chở bản thân trước những đe doạ của gió bão, để gìn giữ phẩm giá cao quý của con người. Phẩm giá này không bao giờ mất đi, dù con người có đón nhận những cơn bệnh đau đớn.

 

- Thương viếng kẻ liệt.

 

Qua Phúc Âm của Thánh Gio-an người ta vẫn nói, phép lạ đầu tiên Chúa làm là phép lạ ở tiệc cưới tại Ca-na, nhưng nếu đọc Phúc Âm nhất lãm, chúng ta thấy rằng, Lu-ca và Mác-cô đều nêu phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su làm là phép lạ chữa lành người bị quỷ ám và chữa lành nhạc mẫu của ông Phê-rô (x.Mc 1,21-31 và Lc 4,31-39). Còn Mát-thêu lần đầu tiên nhắc đến việc Chúa làm phép lạ qua câu: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (4,23). Nếu chúng ta đọc lại bốn Tin Mừng, thì Chúa Giê-su luôn chú ý đến những người bệnh và Ngài sẵn sàng nâng đỡ và chữa lành cho họ. Qua đó, Chúa Giê-su được coi là người thầy thuốc tốt lành. Đối với các tông đồ, Chúa Giê-su cũng mong muốn các ông sống tinh thần viếng kẻ liệt, chữa lành người đau yếu.

“Nhóm Mười Hai được sai đi để chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Chữa lành là một chiều kích quan trọng của sứ mạng tông đồ và Đức Tin Ki-tô giáo nói chung. Eugen Biser còn đi xa hơn khi gọi Ki-tô giáo là “tôn giáo chữa bệnh”, một tôn giáo chữa lành. Một cách nào đó, điều này diễn đạt nội dung của “cứu độ”.... Trong những phép lạ chữa lành do Chúa và nhóm Mười Hai thực hiện, Thiên Chúa bày tỏ quyền năng nhân từ của Người trên thế gian. Những phép lạ này là “những dấu chỉ” thực thụ hướng đến chính Thiên Chúa, và giúp đưa con người vào trong chuyển động hướng tới Thiên Chúa.[xv]

Cùng với Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, tín hữu được mời gọi chú ý đến những người đau yếu, những bệnh nhân đang cần đến sự quan tâm và yêu thương không chỉ của Thầy Thuốc, Bác Sĩ và Y Tá, mà còn cần đến những người xung quanh, nhất là những người gần gũi trong gia đình, họ hàng, làng xóm…Trên hết, tinh thần viếng thăm và chú ý đến người đau yếu được Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta, vì chính Chúa đang hiện diện sống động trong những người đau yếu. Nói khác đi, họ chính là hiện thân của Chúa Giê-su: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Khi thánh Rôsa thành Lima bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời: “Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, là chúng ta phục vụ chính Chúa Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em”.[xvi]

Nhưng thăm viếng bệnh nhân như thế nào? Ở đây, không bàn đến khía cạnh chuyên môn trong lãnh vực y tế với cách chữa bệnh và cách giao tiếp với bệnh nhân, nhưng xin được có cái nhìn đơn sơ qua chính hình ảnh của Chúa Giê-su. Đọc lại câu chuyện Chúa Giê-su với mẹ vợ của Si-môn (thánh Phê-rô) trong Phúc Âm thánh Mác-cô với ba câu ngắn gọn: “Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,29-31). Câu chuyện nói rằng, ngay lúc Chúa đến thì mẹ vợ của Si-môn đang ngã bệnh. Ở đây, Mác-cô diễn tả rằng, lập tức người ta nói cho Chúa biết tình trạng của bà đang bị bệnh nằm trên giường, không thể dậy để đón tiếp Chúa và mọi người được. Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Chúa có nghe lời của người ta nói về tình trạng đau yếu của mẹ vợ Si-môn đang bệnh không? Mác-cô nói tiếp, Chúa lại gần bà. Thái độ lại gần của Chúa chứng minh điều, Chúa đã nghe rất rõ lời người ta nói, và Ngài còn nghe bằng trái tim cảm thông và yêu thương. Vì thế, trái tim lắng nghe đã thúc đẩy Chúa lại gần, Chúa cất bước đến với người đau yếu, và lại gần họ.

 

Người bệnh rất nhạy cảm với thái độ và cách hành xử của người thăm viếng. Đến thăm người bệnh mà ở xa xa để nhìn thì việc viếng thăm đó chỉ mang chút xã giao bên ngoài, chỉ là một ánh mắt nhìn đến với một chút tội nghiệp, nhưng trái tim thì chưa rung động thật sự, chưa mang một giao động của tình yêu. Chúa đã đến gần bà mẹ vợ của Si-môn, và tại giường bà, Chúa đã đưa tay ra cầm lấy tay bà. Người bệnh luôn cảm thấy một sự cảm thông, một sự ủi an, khi được người thăm viếng nắm lấy đôi tay. Một cuộc gặp gỡ thật sự của thân xác tràn đầy ủi an, cảm thông và nâng đỡ. Khi cầm lấy tay bà, Chúa đã đỡ bà dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa đang vực con người yếu đau dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa không bao giờ muốn con người cứ thế mà nằm trên giường, do bởi cơn bệnh nặng đang chế ngự. Con người đau yếu và tội lỗi cần được tiếp tục đứng dậy. Đức Ki-tô, Đấng mặc lấy thân phận của con người, chính Ngài sẽ vượt qua sự chết để trỗi dậy mãi mãi, sẽ làm cho con người được trỗi dậy với Ngài.

Trở về với hình ảnh người ta nói với Chúa về người bệnh, và Chúa đã lắng nghe. Đó là một điều thật căn bản cho việc thăm viếng bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, người bệnh ao ước được lắng nghe, được thấu hiểu và được cảm thông. Trong căn bản, người bệnh luôn tìm sự ủi an qua việc người khác lắng nghe họ: “Xin hãy lắng nghe lời tôi nói, và như thế đã là yên ủi tôi” (Gióp 21,2).[xvii] Ngược lại, đi thăm người bệnh mà chỉ nói về chuyện của mình, hơn nữa lại còn ngồi lê mách lẻo với bệnh nhân chuyện của người khác, thì chỉ làm cho người bệnh thêm mệt. Như thế, thì việc thăm viếng đó đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa và giá trị của nó. Vì thế, khi đi thăm viếng người bệnh và đau yếu, cần phải ra khỏi chính mình, và ra khỏi chính tính tình và thói quen tiêu cực của bản thân, để mở lòng ra với người bệnh, để chú ý hoàn toàn đến họ, để cho họ có được một chỗ trong tâm hồn, trong ngôi nhà của mình. Lắng nghe, nghĩa là để cho người khác hiện diện. Lắng nghe người bệnh là đón nhận họ, dọn cho họ một chỗ và không bao giờ lấy mất đi không gian của họ. Lắng nghe với trái tim cảm thông là thái độ ủi an sâu thẳm đối với người bệnh và yếu đau. Đôi khi chỉ cần lặng thinh, nắm tay người bệnh và nhìn họ với tấm lòng cảm thông tràn đầy yêu thương, thì đã đưa lại món quà cao quý cho người bệnh rồi. Đừng vội nói. Cần chấm dứt thói quen nói cho đã. Người ta không thể đồng hành với người bệnh, nếu người ta không bước vào trường học lắng nghe.[xviii] Cũng thế, người ta không thể cảm thông được với người tù tội, nếu không thinh lặng lắng nghe họ, lắng nghe với trái tim yêu thương.

- Thương viếng kẻ tù rạc.

Giữa mùa Đông giá rét ở Tây Phương và cũng là dịp tết Nguyên Đán của mọi người Việt da vàng, mùng hai tết âm lịch chúng tôi khăn gói bánh chưng, hạt dưa, các loại mứt và kẹo, lư hương và những bó nhang, cả những câu lộc đầu năm, và lên đường vào một nhà tù để thăm một số anh em. Sau một số thủ tục cần làm, chúng tôi được phép đưa những thứ đồ được chuẩn bị vào trong khuôn viên nhà tù, và được dẫn vào trong một phòng hội. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, xếp bàn ghế và đặt bánh chưng cùng mọi thứ lên bàn.

 

Khoảng 20 phút sau, các tù nhân - những anh em đồng hương đến, có những tù nhân còn đưa tới cả xôi, chả giò, chè và bánh ngọt…Dù hơi hồi hộp, nhưng tay bắt mặt mừng, chúng tôi chào đón nhau và chúc nhau câu chúc đầu xuân. Khi tất cả gần 50 tù nhân tề tựu, chúng tôi bắt đầu buổi Tân Niên với những hương vị của quê hương ngay trong những song sắt ở quê người. Sau khi tâm tình những câu chuyện đầu xuân, chúng tôi cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ, và theo làn khói của những cây nhang, chúng tôi hướng nhìn lên cao và xin Trời Phật phù hộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng những người thân của mình. “Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

 

Câu ca dao của quê mình hôm nay đã đến với quê người, đã vào cả pháo đài ngục thất, để bao trái tim Việt Nam, dù nghèo hay giàu, dù tốt lành hay có tội, vào những ngày đầu năm vẫn chân thành nhìn về Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và gia đình dấu yêu. Những trái tim yêu thương đã hội ngộ. Khi tình yêu đến thì tất cả tội lỗi bị xóa tan, để lòng người rạo rực đón mùa xuân mới. Một mùa xuân đem lại thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui. Sau đó, chúng tôi cùng đọc Kinh Lạy Cha. Hồi hộp biết bao, vì trong số tù nhân chỉ có một hoặc hai người là Công Giáo. Sau khi làm dấu Thánh Giá, chúng tôi cùng đọc lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy, trong sự tôn trọng của các tù nhân khác tôn giáo qua sự yên lặng của họ. Tôi thầm cầu nguyện với Cha trên trời cho tất cả các anh em có được sức khoẻ, bình an và ơn can đảm, cùng những ân sủng mà họ cần đến trong thời gian ở trong ngục tù này.

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục chia sẻ niềm vui ngày tết với những bài hát và câu hò ngày đầu xuân. Trong số gần 50 khuôn mặt thanh niên đang ngồi ở đây, tôi thấy có một anh khoảng ngoài 30 tuổi có một thái độ rất lạ lẫm. Mỗi lần ai vừa hát xong một bài giúp vui, thì tất cả đều cười tươi và khen lấy khen để, còn khuôn mặt anh ta bộc lộ một nét buồn, và anh như vẫn muốn ở lại trong vỏ ốc của mình. Thấy thế, tôi đổi ghế và đến gần, ngồi xuống đối diện anh. Chào anh và anh chào lại. Anh mời miếng bánh ngọt. Tôi cám ơn và ăn thật ngon miệng. Hỏi ra, thì biết bánh ngọt này do anh tự làm lấy. Miếng bánh ngọt ngon lành trong miệng như muốn nói với tôi rằng: “Sau này, nếu được tự do anh này có thể mở tiệm bánh ngọt được rồi!” Tôi khen anh làm bánh rất ngon. Anh mỉm cười và cám ơn. Câu chuyện đầu xuân của chúng tôi bắt đầu từ cái bánh ngọt này đây.

 

Sau đó, hỏi anh về đời sống trong tù thế nào. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe những sinh hoạt thường ngày. Buổi sáng anh dậy sớm, ăn sáng và sau đó quản giám đưa anh đi làm. Sau công việc ở nhà bếp, anh ăn trưa cùng vài người bạn và cả buổi chiều anh có giờ rảnh rỗi. Vì vậy, để đốt thời gian và để đỡ phải nghĩ ngợi lung tung, anh đã quyết định tập tạ, tập fitness đều đặn. Nên anh là một tù nhân rất đô con và khỏe mạnh. Nhưng anh sẽ đốt thời gian cho đến khi nào? Anh kể rằng anh là người tù chung thân. Đã ở tù được 7 năm rồi. Trước đây là người khác đạo, từ ngày lấy vợ anh trở thành người Công Giáo. Vợ chồng anh có một con. Nhưng bây giờ, vợ đã ly dị với anh và lấy chồng khác. Còn đứa con thì đã mấy năm rồi anh chẳng nhìn thấy mặt. Nghe anh kể mà tôi thấy lòng mình buồn làm sao ấy. Còn nguyên nhân làm anh trở thành người tù chung thân, tôi không dám hỏi và cũng không nên hỏi làm gì. Sau đó anh cũng tiết lộ rằng, anh còn mẹ và hai em gái ở quê nhà. Đó là những người thân duy nhất đón nhận anh với quá khứ của anh. Anh vẫn được phép viết thư thường xuyên mỗi tháng về nhà cho mẹ và hai em. Đáp lại, em gái anh cứ ba tuần một lần viết cho anh một lá thư. Anh kể tới đây tôi thấy nơi anh một sự nghẹn ngào chan chứa niềm vui về tình mẹ dành cho mình, tình huynh đệ anh có với em. Những mối tình gia đình này không chỉ chấp nhận và quên đi quá khứ của anh, mà hiện tại còn giữ anh lại với cuộc sống, đem đến cho anh niềm hy vọng, và thúc đẩy anh ý thức sống vươn lên cho ngày mai. Thật quý báu biết bao! Dù thế nào đi nữa, những hồng phúc và niềm vui vẫn còn hiện diện và sống động nơi chính người tù chung thân này. Khi đã kể đôi chút về đời mình, anh hỏi tôi về đời sống của của tôi. Tôi kể anh nghe chút về những bước tôi đi trên đất khách quê người, những vất vả, những âu lo và cả những cố gắng vươn lên để sống trong công việc và học hành. Trên đường tôi đi, Chúa và nhiều người đã dẫn dắt và giúp đỡ tôi, để ngày hôm nay Chúa làm tôi trở thành một người Linh mục cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

Khi đã trò chuyện với nhau, chúng tôi tò mò hỏi tuổi nhau và khám phá ra một điều là, chúng tôi cùng một tuổi. Nhưng đến đây thì anh nói tiếp: “Con và cha cùng tuổi, nhưng đường đời của mỗi người ở đất khách quê người này lại khác. Hôm nay, con thì như vầy, còn cha thì được như thế”. Tôi nghe mà chẳng biết phải đáp lời thế nào, chỉ biết nói với anh rằng: “Dù thế nào, thì điều quan trọng là anh và tôi luôn có khao khát để sống vươn lên. Đó là một trong những điều căn bản cho cuộc đời”. Anh nhìn tôi và mỉm cười. Sức sống vươn lên của anh và của tôi thật cần thiết biết bao. Sức sống đó tôi đọc được nơi anh qua những cố gắng làm lại cuộc đời của mình trong tù, qua việc chăm sóc chính thân xác và tinh thần mình, qua việc gìn giữ và phát triển tình mẫu tử và tình đệ huynh, qua chính cái bánh ngọt anh làm để đãi anh em bạn tù đồng hương và đãi cả chúng tôi.

 

Cái bánh ngọt ngon miệng của anh làm không chỉ đưa lại cho chúng tôi niềm vui của mùa xuân mới, mà đó còn chính là hồng phúc anh trao cho chúng tôi. Khi chia tay ra về, tôi đã chân thành cám ơn anh và thật chân tình tôi nói với anh rằng, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho anh. Tôi hy vọng một ngày nào đó, với thiện chí vươn lên, anh sẽ đón nhận được lòng nhân hậu, và mong sao chúng tôi sẽ gặp nhau bên ngoài ngục thất, để cùng chia một miếng bánh ngọt của Thiên Chúa, của tình người với nhau. Trải nghiệm này thật quý báu biết bao cho hành trình tông đồ của người môn đệ đơn hèn theo Chúa. Ngày xưa Chúa Giê-su đã tuyên bố, Ngài đến để không chỉ rao truyền một năm hồng ân, thời gian của hồng phúc, mà Ngài còn loan báo cho người nghèo một Tin Mừng, một tin vui của mùa xuân mới, và giải thoát người tù nhân ra khỏi gông cùm. Thật vậy, người tù nhân dù tội lỗi có là gì thì vẫn luôn mong ngóng một điều: được giải thoát.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã rất vui mừng khi thăm viếng nhà tù lớn Regina Coeli tại Ý vào ngày lễ thánh Stephano, 26 tháng 12 năm 1958, năm đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng. Ngài nói với các tù nhân rằng: “Các con không thể đến với cha, vì thế cha đến với các con… Do đó, cha ở đây, cha đã đến đây và đã thấy các con; cha chăm chú nhìn vào ánh mắt các con, cha đặt trái tim cha gần trái tim các con. Trong lá thư đầu tiên mà các con viết cho gia đình, các con phải viết về niềm vui, về sự hiện diện của cha với các con và cha hứa cầu nguyện cho gia đình các con”. Lời của ngài tỏ lộ cho thế giới thấy rằng, nhiều khi xã hội có khuynh hướng xem tù nhân là một người bị gạt sang bên lề xã hội hay một con người bị kết án vì cảm xúc hay hành vi của họ. Bằng chứng cho thấy sự gần gũi của ngài với các tù nhân được thể hiện qua việc, trước khi rời nhà tù, ngài đã muốn ở lại giữa các tù nhân. Một bằng chứng thế kỷ đã thuật lại rằng, “trong khi đang ra khỏi cửa nhà tù, Đức Gio-an XXIII thấy một người tách ra khỏi nhóm đang vây quanh bàn thờ. Nhìn ngài với ánh mắt đẫm lệ, người này cúi xuống và hỏi: Những lời hy vọng của ngài có dành cho tôi không, tôi là một kẻ tội lỗi? Đức Thánh Cha không đáp lại, ngài cúi xuống, nắm tay ông và ôm ông vào lòng thật chặt”.

Các tờ nhật báo trong nước viết rằng, với sự kiện này, “Đức Gio-an XXIII đã làm rung chuyển các bức tường của nhà tù Regina Coeli. Người ta không nói về bầu khí tiêu biểu của nhà tù nữa”. Các tờ nhật báo quốc tế, trong đó có tờ Daily Express, đã định nghĩa Đức Gio-an XXIII là “Đức Giáo Hoàng hiện đại”. Một tờ nhật báo Anh quốc đã cho rằng, Đức Gio-an XXIII đang chứng minh rằng, ngài là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội có cái nhìn rộng mở. Bằng cách thăm viếng các nhà tù tại Roma, Đức Thánh Cha đã khôi phục lại truyền thống bị chôn vùi gần một thể kỷ”. Trong thực tế có một biến cố khiến ngài rất đau lòng đó là ngài không được phép thăm 300 tù nhân, những người bị nhốt trong những phòng giam biệt lập vì bị xem là những tù nhân nguy hiểm. Vì thế, Đức Thánh Cha đã gởi cho mỗi người một ảnh nhỏ với sự bảo đảm rằng ngài không quên “những người con vô hình” (những người ngài không được gặp họ).[xix]

Sự kiện đặc biệt này đã được ghi lại qua một tác phẩm nghệ thuật của Giacomo Manzú khắc trên một cánh cửa của đền thờ Thánh Phê-rô ở Roma, diễn tả hình ảnh Đức Gio-an XIII trong bức hình điêu khắc đưa tay qua song sắt của nhà tù, bắt lấy tay của các tù nhân và gọi họ là anh em.[xx] Các tù nhân dù đã mất tự do, họ vẫn là anh em, họ vẫn mang một phẩm giá cao quý làm người. Dù quá khứ của họ có nhuốm màu tội lỗi nào đi nữa, thì phẩm giá của họ vẫn thế, vì mọi sự qua đi nhưng tình yêu của Chúa làm nên phẩm giá con người vẫn luôn tồn tại. Một vị Mục Tử khác của Giáo Hội - Đức Thánh Cha Phanxicô, đã làm mọi người ngạc nhiên, khi ngài không cử hành nghi thức Phụng Vụ của ngày Thứ Năm Tuần Thánh (28.3.2013) tại Latran – theo phong tục của Giám Mục thành Roma, cũng không ở trong đền thánh Phê-rô, mà Đức Phanxicô lại vào trong nhà nguyện của trại giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo, phía bắc của Roma, và cử hành nghi thức ở đó.

 

Trong nhà nguyện của ngục tù, ngài đã cử hành nghi lễ rửa chân và đã quỳ xuống bằng hai đầu gối trước mười hai tù nhân trẻ. Với tất cả sự trân quý các tù nhân trẻ tuổi, Đức Thánh Cha rửa chân và hôn chân họ. Trong số họ, có hai cô gái trẻ và một trong hai cô gái là người Hồi Giáo. Ngài cũng ôm hôn họ khi trao chúc bình an. Trong bài giảng ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn, Đức Phanxicô nói: “Thật là một cử chỉ cảm động. Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Phê-rô không hiểu gì và từ khước. Nhưng Chúa Giê-su giải thích cho ông. Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà làm điều đó! Và chính Ngài giải thích cho các môn đệ: ‘Các con có hiểu điều Thầy làm cho các con không? Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa, và các con nói đúng, vì Thầy là như vậy. Vậy nếu là Thầy và là Chúa mà Thầy rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng làm như Thầy đã làm’. Đó là gương của Chúa: Ngài là người quan trọng nhất mà rửa chân, thì người nào cao trọng nhất trong chúng ta phải phục vụ người khác. Đó là một biểu tượng, một dấu hiệu. Rửa chân có nghĩa là ‘tôi là người phục vụ cho anh’. Và cả chúng ta, không phải là chúng ta phải rửa chân mỗi ngày cho nhau sao? Nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi.

 

Trong tư cách là Linh mục và như là Giám Mục, tôi phải phục vụ các bạn. Nhưng đó là một nghĩa cử đến với tôi từ trái tim: tôi yêu mến điều đó và tôi làm vì Chúa đã dạy tôi làm. Và cả các bạn: hãy giúp đỡ nhau, khi làm như thế, chúng ta làm điều thiện. Bây giờ chúng ta cử hành nghi thức rửa chân, và chúng ta nghĩ, mỗi người chúng ta nghĩ: Tôi có thực sự sẵn sàng, phục vụ, giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta hãy nghĩ điều đó thôi. Chúng ta hãy nghĩ rằng dấu hiệu này là một sự âu yếm Chúa Giê-su đã làm, vì Chúa Giê-su đã đến để làm điều đó, để phục vụ và để giúp đỡ chúng ta”.

Cùng với bà Mary, một người phụ nữ Công Giáo, chúng tôi được phép đến thăm một trại tù. Trước khi đến nhà tù, bỗng chợt bà Mary dừng xe. Bà nói rằng, bà muốn xuống mua một vài thẻ nạp điện thoại. Đến cổng nhà tù, đợi một lát và sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, bà lái xe đưa chúng tôi vào tận bên trong, và đậu xe trong bãi dành cho các nhân viên ở đây. Dù bà chẳng phải là nhân viên của trại tù, nhưng vì tấm lòng và bản chất tốt lành cũng như sự khôn ngoan của bà, nên nhà tù đã cho phép bà đưa xe vào tận bên trong.

 

Đưa xe vào bên trong, không chỉ để tiện đi lại, mà còn tiện để khuân đồ nữa. Mấy thùng mì gói, bánh kẹo và cả vài giỏ quà cáp cho các cai tù được đưa vào phòng đợi. Sau 20 phút ngồi đợi, chúng tôi thấy bóng giáng của những tù nhân đang được các cai tù dẫn ra từ phòng giam. Tay họ bị còng, họ phải xếp hàng dọc, hai tay để trên vai người phía trước và cứ thế từ từ bước vào phòng thăm. Hơn hai mươi chàng thanh niên người Việt bước vào phòng, chúng tôi chào thăm họ. Trong phòng có một vài cái ghế, và cũng có một hàng ghế, nhưng các cai tù bắt tất cả các tù nhân phải ngồi bệt xuống đất. Bà Mary nói tiếng Anh hỏi thăm anh em. Có anh em bà đã gặp trong lần thăm trước, nhưng có một số mới bị bắt vào. Tội trạng thì có gì lớn lao đâu. Một số là ngư phủ lạc vào hải phận của đất nước sở tại, bị cảnh sát biên phòng bắt và bị nhốt ở đây chờ ngày bị trục xuất về quê hương xứ sở. Có người thì cư ngụ bất hợp pháp không giấy tờ, cũng bị bắt và chờ ngày bị trục xuất.

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do. Anh em tù nhân ở đây bị mất tất cả, mất cả tự do căn bản cần có là tự do liên lạc về với gia đình người thân ở quê hương. Hiểu được hoàn cảnh của anh em, bà Mary mỗi lần đến thăm đều chuẩn bị một số điện thoại để gọi ra nước ngoài với giá rẻ. Bà lấy ra hai cái điện thoại mới nạp tiền trước đó, và hỏi anh em nào muốn liên lạc về với người thân. Tất cả đều giơ tay. Điện thoại được truyền từ người này sang người khác. Chiếc điện thoại của tình người, chiếc điện thoại nối tình thân, chiếc điện thoại đưa lại những giây phút tự do, để có thể liên lạc với gia đình ở quê hương. Thật quý và giá trị biết bao chiếc điện thoại, khi cha mẹ, vợ con ở quê hương xa xôi được nghe giọng nói của con, của chồng, và hiểu được hoàn cảnh hiện nay của họ. Ngồi ngắm nhìn anh em gọi điện thoại, lòng xúc động biết bao. Sự xúc động hoà với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của các tù nhân. Những giọt nước mắt không chỉ diễn tả tình cảm của con người, mà còn như muốn nói lên lòng khao khát của anh em được thả ra khỏi chốn ngục tù, mà chẳng ai muốn chọn nơi đó làm chốn nương thân. Tiếng Anh không biết, tiếng địa phương cũng mù tịt, nên anh em được bà Mary nâng đỡ để đối thoại với các nhân viên trại giam và giúp họ làm giấy tờ, để họ có thể mau chóng được hồi hương.

 

Hơn nữa, bà Mary còn giúp họ tìm mua vé máy bay với giá rẻ nhất có thể, để khi có giấy tờ, họ được thả ra và có thể về lại nhà gặp cha mẹ, gặp vợ và con cái. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo này vượt trên mọi biên giới, không chỉ với người tù nhân Việt, mà với các tù nhân từ Miến Điện và từ những nước nghèo nàn khác. Tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ biết đến giới hạn, không bao giờ chấp nhận biên giới mà con người đã vẽ ra trên quả địa cầu nhỏ bé này. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã ghi dấu trong nhiều cuộc đời của các tù nhân. Một vài tù nhân kể rằng, trên tường của ngục thất, một số anh em tù nhân trước đây giờ đã hồi hương, ghi lại tên của bà Mary và số điện thoại của bà cùng lời khuyên cho những tù nhân đến sau: Hãy liên lạc với mẹ Mary với số diện thoại này…, mẹ sẽ giúp đỡ.

Trước khi rời khỏi trại tù, bà Mary còn vội vàng lấy ra mấy thùng mì gói và một số bánh kẹo và tặng cho anh em tù nhân. Thức ăn trong tù đã thiếu, mà giờ đây còn được ăn một gói mì thì thật là tuyệt biết bao. Lời cuối cùng trước khi tạm biệt anh em là lời Kinh Lạy Cha. Bà Mary lên tiếng và xin anh em cùng cầu nguyện với bà lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy. Lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Anh vang lên trên môi miệng bà, chúng tôi một vài người Công Giáo Việt Nam đọc nhẩm bằng tiếng Việt yêu thương. Lời kinh đó vang lên ngay trong trại tù, giữa những anh chị em khác tôn giáo. Lời kinh này được gởi đến Cha trên trời, Cha của mọi người không kể sắc tộc và màu da, không màng tới hoàn cảnh hạnh phúc hay đau thương. Cha trên trời, Đấng giàu lòng xót thương luôn nhìn đến những người con yêu dấu của Ngài – những tù nhân bất hạnh. Lòng tốt của người phụ nữ Công Giáo tốt lành này đã làm tôi nhớ lời của Thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ” (Dt 13,3).

Chào tạm biệt anh em, lòng chúng tôi bịn rịn. Cái bịn rịn của yêu thương và của mong ước anh em mau chóng được thả ra, để về lại với người thân đang mong chờ anh em. Trên xe, bà Mary cho chúng tôi xem con chim được đan bằng những dây nhựa. Bà nói, các tù nhân đã đan và tặng cho tôi. Chú chim đong đưa trên chùm chìa khoá xe của bà như đang nói rằng, tự do tung cánh trong bầu trời cuộc đời là quyền căn bản của con người. Tự do đó cần được chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ. Tự do đó cần được chuộc lại, như bà Mary đã và đang tiếp tục làm cho anh em tù nhân. 

Chữ tù luôn đi đôi với cụm từ mất tự do, nhưng chữ tù không bao giờ giam hãm được lòng thương xót và nhân ái. Lòng thương xót luôn viếng thăm, ủi an, nâng đỡ và tìm cách chuộc lại tự do cho người tù rạc. Đó chính là tinh thần của Đức Ki-tô, Đấng đang hiện diện sống động trong các tù nhân, như chính Chúa đã nói: “Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,36).

 

[i] NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980,c.1328-1329.

[ii] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1330.

[iii] X. NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331-1331.

[iv] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331.

[v] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1332-1334.

[vi] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 143.

[vii] Kinh 14 Mối dựa vào Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo truyền thống lời kinh này được các Giáo Phụ nhắc đến, đặc biệt thánh Âu-tinh đã chú ý đến. Với thời gian lời kinh này trở thành một lời kinh quan trọng. Phần đầu dựa vào chương 25 của Phúc Âm thánh Mát-thêu - Thương xác bảy mối. Trong bản tiếng Việt là: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Nếu so sánh với các bản tiếng La-tinh, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, sẽ nhận ra một sự khác biệt. Đó là: trong khi bản tiếng Việt nhắc đến Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi, thì các bản văn của các ngôn ngữ khác không nhắc đến điểm này. Các bản của các tiếng vừa nêu ở trên tách điểm thứ bốn thành 02 điểm: Viếng kẻ liệt. Thăm kẻ tù rạc. Như thế cũng có 07 điểm thương xác bảy mối. Về bản tiếng Việt, người viết không biết bản gốc ai đã chuyển ngữ, và tại sao lại có phần Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Dù không có sự giải thích, nhưng điểm này mang một ý nghĩa quan trọng trong Thương xác bảy mối.

[viii] X. BOPP K., từ ngữ Werke der Barmherzigkeit, trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, 10. Band, Herder Verlag, Freiburg 2001, c.1099.

[ix] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.27-28.

[x] X. NGUYỄN Ngọc Thế SJ, Lời Kinh Cha Mẹ dạy, t.100-104.

[xi] X. HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987, t.60.

[xii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2831, t.784.

[xiii] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.51

[xiv] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 52.

[xv] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.212-214.

[xvi] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2449.

[xvii] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’ accompagnement des Malades, Édetions Parole et Silence, Genève 2003,  t.67-68.

[xviii] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’ accompagnement des Malades, t.68-70.

[xix] Nguồn: dongten.net. Nguyễn Minh Triệu SJ chuyển ngữ từ Radio Vaticana.

[xx] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.16-17.

bottom of page