top of page

- Giáo Hội góp phần xây dựng hòa bình.

 

Thánh Phao-lô nhắc nhớ rằng Chúa Giê-su là “hòa bình của chúng ta”, bởi vì Người đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau (x.Ep 2,1-16). Ngài đã không những loan báo Tin Mừng hoà bình, và trao ban hoà bình cho các môn đệ (x.Lc 24,36), mà Ngài còn dạy các môn đệ xây dựng hoà bình dựa trên nền tảng quan trọng bậc nhất là: yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân, kể cả việc yêu mến kẻ thù. Trong Bài Giảng Trên Núi, thánh Mát-thêu đã nêu bật điều này. (x.Mt 5,38-41.43-47).

Với Thiên Chúa, ai xây dựng hòa bình cũng như kẻ chịu bách hại vì sự công chính đều được kể vào hạng người được Thiên Chúa chúc phúc (x.Mt 5,3-12). Nếu nhìn lại cuộc đời của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài đã thực hiện những điều ấy nơi bản thân, như sự kiện trong vườn Cây Dầu, khi các môn đệ muốn dùng vũ khí để bảo vệ, thì Chúa Giê-su đã nói với họ rằng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai sử dụng gươm thì sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

Xỏ gươm vào vỏ là một hành động cụ thể diễn tả một điều là xây dựng hoà bình cần phải rất cụ thể, nghĩa là hoà bình không chỉ là đề tài để tranh luận, để bàn thảo không thôi. Đức cố Hồng Y Martini đã chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau một điều, là hòa bình không phải là đề tài để tranh luận, mà là một điều tốt lành cần phải ra tay làm và đạt tới. Hòa bình chính là con đường cần phải được đi qua. Hòa bình chính là điều tốt lành mà chúng ta có thể đạt được, khi chúng ta có được những điều kiện cần thiết. Và nếu chúng ta không thể đạt được đích đến này, thì ít nhất chúng ta phải cố gắng tiến càng gần đến đích bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Như vậy, chúng ta không trở thành kẻ phá hoại hòa bình. Chính ở đây chúng ta đụng tới sự đau khổ lớn nhất. Chúng ta nói rằng, chúng ta muốn tạo ra những điều kiện cần thiết cho hòa bình. Nhưng chúng ta có biết hòa bình trong thế giới hôm nay cụ thể có ý nghĩa gì không? Chúng ta có thống nhất với nhau về những điều kiện cho hòa bình không? Đặt trường hợp chúng ta thống nhất, thì chúng ta có chắc chắn với nhau, là chúng ta sẵn sàng để dấn thân cho hòa bình không?”[i]

Dấn thân cho hoà bình là một trách nhiệm rất cụ thể mà Giáo Hội luôn quan tâm. Khi nhìn Giáo Hội, chúng ta thấy, trong Đức Ki-tô Giáo Hội là “bí tích”, nghĩa là Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ hòa bình trong thế giới và cho thế giới. Vì thế, Giáo Hội luôn cổ vũ cho hoà bình và xả thân xây dựng hoà bình. Cụ thể, Giáo Hội luôn cố gắng diễn tả Đức Tin Ki-tô giáo qua tinh thần rao giảng, sống, dấn thân và làm chứng cho Tin Mừng tình yêu, Tin Mừng đem lại an bình và hạnh phúc cho mọi người. Nếu chúng ta nhìn lại những cố gắng của Giáo Hội qua huấn quyền trong việc xây dựng hòa bình trong thế giới trong thế kỷ XX này, thì sẽ nhận ra được nhiều nỗ lực quý báu. Thế kỷ XX được đánh dấu bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, lôi kéo nhiều quốc gia tại Châu Âu và những lục địa khác, và đã để lại biết bao nhiêu đau thương. Bao triệu người đã chết vì hai cuộc chiến tranh. Cái chết của họ là dấu ấn ghi đậm nét trên trang lịch sử đau thương của thế giới nhân loại. Chính trong bối cảnh đau thương và đen tối này, mà Giáo Hội qua các Đức Thánh Cha và các Mục Tử đã phải lên tiếng. Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận vài thời điểm quan trọng hơn cả.

Đức Benedicto XV (1914-1922) đón nhận sứ mạng Mục Tử của Giáo Hội vào lúc thế chiến thứ nhất bùng nổ. Ngài đã nói đến hòa bình trong bài diễn văn đầu tiên (8.9.1914) và trong thông điệp Ad beatissimi (1.11.1914). Đặc biệt là trong tông huấn ngày 28.7.1915 (giáp năm ngày bùng nổ thế chiến) gửi các nước lâm chiến, ngài nhấn mạnh rằng việc thực hiện công bằng là điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình lâu dài. Sự can thiệp nổi tiếng nhất của ngài là văn kiện “Công hàm hòa bình” (Note di pace) ngày 10.8.1917. Bên cạnh việc kết án chiến tranh (được định nghĩa là như cuộc “tàn sát vô ích”), ngài đề ra một dự án hòa bình như sau: thỏa thuận giảm bớt khí giới; thiết lập cơ quan trọng tài quốc tế để giải quyết các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia; rút lại các sự phong tỏa (cấm vận), rút lui khỏi các vùng đất chiếm đóng.

 

Sau khi chiến tranh chấm dứt, ngày 23.5.1920 Đức Benedicto XV còn viết thông điệp Pacem Dei munus, trong đó ngài nhắc nhở rằng không thể có hòa bình lâu dài nếu không có tình bác ái hỗ tương, để xóa bỏ những hận thù, xoa dịu những vết thương vật chất và tinh thần của biết bao nạn nhân chiến tranh. Ngoài ra, để ủng hộ một nền hòa bình công bằng, ngài còn đề nghị thành lập liên minh các quốc gia để duy trì trật tự thế giới, và sự rút giảm nếu chưa nói là hủy bỏ các chi tiêu quân sự.

Đức Pio XII (1939-1958) là Mục Tử Giáo Hội trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngoài những hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh và những hoạt động ngoại giao, Đức Pio XII đã nhiều lần lên tiếng qua các diễn văn, thông điệp. Sứ điệp truyền thanh ngày 24.8.1939 kêu gào các quốc gia hãy tìm kiếm công lý bằng lý trí thay vì bằng vũ lực: “Với hòa bình, chẳng có gì mất mát; với chiến tranh, có thể mất tất cả”. Dựa theo kinh nghiệm hồi thế chiến thứ nhất, lần này Đức Pio XII không đưa ra một giải pháp chính trị để giải quyết thế chiến; ngài đứng trung lập giữa cả hai bên. Tuy nhiên, ngài phát triển học thuyết về hòa bình, đặc biệt là sứ điệp truyền thanh ngày 24.12.1941, ngài ước mong thiết lập một trật tự mới, dựa trên luân lý, ngõ hầu bảo đảm hòa bình lâu dài: tôn trọng các quốc gia dù là nhỏ bé; tôn trọng các nhóm thiểu số hiện diện trong lãnh thổ quốc gia; phân phối các tài nguyên, để tránh những chênh lệch kinh tế giữa các quốc gia; giảm bớt khí giới.

Đức Gio-an XXIII (1958-1963) đã để lại thông điệp về hòa bình Pacem in terris – hoà bình trên trái đất (11.4.1963) tựa như một chúc thư (bởi vì được ban hành không đầy ba tháng trước khi qua đời). Văn kiện này mang nhiều nét mới mẻ. Văn kiện này được gửi đến “tất cả mọi người thiện chí”. Thông điệp không còn nói đến những điều kiện để biện minh một cuộc chiến “công bằng”. Thay vào đó là những chương nhấn mạnh đến tôn trọng nhân quyền, những thái độ cần có để xây dựng hòa bình (giảm khí giới, tin tưởng nhau, liên đới). Nền tảng của tương quan hòa bình giữa cá nhân là tôn trọng nhân phẩm. Điều này cũng đúng cho tương quan giữa các cộng đồng: cần được điều khiển bởi chân lý, công bằng, liên đới, tự do. Việc tôn trọng con người đòi hỏi phải khước từ sự kỳ thị chủng tộc. Một cách tích cực hơn, cần cổ võ tình liên đới giữa các quốc gia. Thông điệp cũng chủ trương phải giảm bớt khí giới, vì các việc chế tạo khí giới lấy mất đi bao nhiêu năng lực vật chất và tinh thần, và cuộc thi đua võ trang đặt con người sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Việc giảm khí giới đòi hỏi không những là các cơ quan có thẩm quyền để giám sát, nhưng nhất là sự tin tưởng lẫn nhau thay thế cho não trạng bá quyền.

Ngày 01.3.1963, hội đồng tặng giải thưởng Hòa Bình Balzan gồm 37 thành viên thuộc 21 quốc gia quyết định tặng giải Hòa Bình cho Đức Thánh Cha với bốn lý do: (1) Vì hoà bình giữa mọi người và giữa các dân tộc, do sự quan tâm không biết mệt mỏi của Đức Thánh Cha để góp phần duy trì những quan hệ hòa bình giữa các nước, bằng cả những lời kêu gọi hòa bình gửi đến thiện chí của mọi người lẫn những hành động về ngoại giao mới đây. (2) Vì tình huynh đệ giữa người với người và giữa các dân tộc, do sự đóng góp lớn lao của Đức Thánh Cha cho tình huynh đệ ấy; cách riêng trong năm qua Đức Thánh Cha đã mời đại diện các Giáo Hội Ki-tô giáo khác; Chính Thống và Tin Lành đến dự và đặc biệt tham gia sinh hoạt Công Đồng. (3) Làm như thế, Đức Thánh Cha đã khiến các tín hữu của các Giáo Hội đó cũng như của Giáo Hội Công Giáo có một thái độ hiểu biết lẫn nhau cao hơn và đưa lại những kết quả vừa nhiều vừa quan trọng. (4) Đức Thánh Cha đã thiết lập những sự giao tiếp mở rộng ra ngoài cả Cộng đồng Ki-tô giáo.[ii]

Thông điệp Pacem in terris – hoà bình trên thế giới đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống Giáo Hội, cách riêng là Công Đồng Vaticanô II (1962-65) đã dành một chương của hiến chế Gaudium et spes – Vui mừng và hy vọng để bàn về chiến tranh và hòa bình (Phần II, chương V). Phần nhập đề có ghi: “Sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc lành cho những người kiến tạo hòa bình ‘vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5,9). Do đó, khi làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực và rất cao cả của hòa bình, và sau khi đã lên án sự dã man của chiến tranh, Công Ðồng muốn tha thiết kêu mời các Ki-tô hữu, với sự trợ giúp của Chúa Ki-tô, Ðấng sáng tạo hòa bình, hãy cộng tác với tất cả mọi người để chuẩn bị các phương tiện xây dựng hòa bình, và để củng cố nền hòa bình đích thực giữa họ trong công bằng và yêu thương” (số 77).

 

Ngoài ra, Công Đồng cũng cho thấy bản chất đích thực của hoà bình: hoạt động của công bằng (x.Is 32,7) và hoa trái của tình yêu. Hoà bình không chỉ là vắng chiến tranh, nhưng là sống tình huynh đệ, và đây là hoa trái của yêu thương. Sau khi đã lên án sự man rợ của chiến tranh, Công Đồng ca ngợi những người khước từ vũ lực khi tranh đấu cho các quyền lợi. Công Đồng chấp nhận tính cách luân lý của chiến tranh tự vệ (chứ không phải là chiến tranh xâm lăng), cũng như việc tham gia quân đội để bảo vệ hoà bình. Tuy nhiên, nguy cơ của một cuộc “chiến tranh toàn diện” đòi phải xét lại khái niệm của chiến tranh công bằng. Đồng thời Công Đồng cũng lặp lại sự phê phán của Pacem in terris về sự thi đua vũ khí. Để xây dựng hoà bình, cần đến một quyền bính quốc tế được tất cả các quốc gia nhìn nhận. Tuy nhiên, việc xây dựng hoà bình tùy thuộc vào mỗi người, qua việc giáo dục và thay đổi não trạng.

Đức Phao-lô VI (1963-1978) đã thiết lập ngày Thế giới hòa bình được cử hành vào ngày đầu năm dương lịch (từ năm 1968), cũng như Hội đồng Công lý và Hòa bình tại giáo triều (1967). Trong sứ điệp hoà bình lần thứ nhất năm 1968, Đức Phao-lô VI đã bày tỏ ước nguyện: “Mỗi năm, việc cử hành này sẽ lập lại, như một hy vọng và một lời hứa, vào lúc khai mở quyển lịch ghi lại và vạch ra con đường cuộc sống con người trong thời gian. Chúng tôi hy vọng trông thấy hoà bình, cùng với sự thăng bằng công chính và có lợi cho tất cả mọi người của nền hoà bình ấy, sẽ ngự trị các tiến trình lịch sử sẽ diễn ra” (số 1). Ngài cũng có một vài văn kiện quan trọng: diễn văn tại Liên Hợp quốc (4.10.1965); thông điệp Populorum progression (26.3.1967). Trong thông điệp này, ngài đã tuyên bố: “Sự phát triển là tên gọi mới của hoà bình”. Những chênh lệch bất công trong việc phân phối tài sản là mối đe dọa cho hoà bình.

Đức Gio-an Phao-lô II (1978-2005) đã dấn thân cho hoà bình cách đặc biệt, qua việc đối thoại và bắc nhịp cầu đối thoại giữa các quốc gia có chiến tranh. Những lần can thiệp của Đức Gio-an Phao-lô II về hòa bình đôi khi được chứa đựng trong các văn kiện giáo huấn xã hội, chẳng hạn: thông điệp Sollicitudo rei socialis (30.12.1987): “hòa bình là hoa trái của tình liên đới” (số 39). Thông điệp Centesimus annus (1.5.1991). Đề tài hòa bình được nói đến đặc biệt trong diễn văn tại Liên Hợp Quốc, hoặc khi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Ngoài ra cũng nên nhắc đến cuộc gặp gỡ các đại biểu tôn giáo tại Assisi để cầu nguyện cho hoà bình (27.10.1986 và 24.1.2002).

Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo do Đức Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 11.10.1992, bàn về hòa bình ở các số 2302-2317, phần lớn lặp lại giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II. Điều tương tự cũng có thể nói đến cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, và cập nhật với những vấn đề mới: thanh lọc chủng tộc, khủng bố, can thiệp nhân đạo. Ngoài ra, bên cạnh quyền tự vệ của chiến tranh công bằng, ta còn gặp thấy từ ngữ “quyền hòa bình” (số 518).

Ngoài ra, Giáo Hội có một cách thức tranh đấu và xây dựng cho hoà bình cách đặc biệt. Đó là việc cầu nguyện. Cầu nguyện mở rộng tâm hồn của con người chúng ta đến mối tương quan sâu đậm với Thiên Chúa, và cầu nguyện giúp chúng ta mở lòng mình ra để đến gặp gỡ tha nhân trong tình yêu. Cầu nguyện mang lại sự can đảm và sự nâng đỡ cho tất cả các bạn hữu của hoà bình. Lời cầu nguyện phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội nhắm đến, và là nguồn mạch mà Giáo Hội múc lấy sức mạnh.[iii]

Đức Benedicto XVI khi vừa được chọn vào vai trò Mục Tử của Giáo Hội vào năm 2005, Ngài đã chọn danh hiệu Benedicto. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho việc dấn thân xây dựng hoà bình của Ngài trong trách nhiệm của vị Mục Tử. Trong thông điệp hoà bình thứ 39 vào năm 2006, ngài đã chia sẻ: “Chính danh hiệu ‘Benedicto’ mà tôi đã chọn ngày được lên ngai toà thánh Phê-rô, nói lên sự dấn thân đầy xác tín của tôi cho hoà bình. Thật vậy, tôi đã muốn quy hướng mình về thánh Quan Thầy của đại lục Châu Âu, vị thánh đã gợi hứng cho một nền văn minh hoà bình trên toàn đại lục, cũng như muốn hướng về Ðức Benedicto XV, vị đã lên án thế chiến thứ nhất như là ‘những tàn sát vô ích’ và đã hoạt động ngõ hầu những lý lẽ cao quý hơn của hoà bình được tất cả mọi người nhìn nhận” (số 2). Ngoài ra, Đức Benedicto XVI còn đưa ra thông điệp Caritas in veritate – Tình yêu trong chân lý.  Thông điệp thứ ba của ngài là thông điệp về xã hội, và liên kết với toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Thông điệp quan tâm đặc biệt đến công lý và công ích. Đây là hai vấn đề lớn nhất của đời sống xã hội, cũng là hai đòi hỏi căn bản của tình yêu: tình yêu vượt trên công lý nhưng không thể có tình yêu nếu không có công lý, đồng thời khao khát và nỗ lực vươn tới công ích chính là đòi hỏi của công lý và tình yêu.

Đức Phanxicô khi được trao cho trách nhiệm coi sóc Giáo Hội vào ngày 13.3.2013, Ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Với danh hiệu này, Đức Phanxicô cũng muốn tỏ bày sự dấn thân cho hoà bình, theo gương vị thánh rất được yêu mến trong Giáo Hội, là thánh Phaxico thành Assisi, vị thánh của hoà bình, của người nghèo và của thiên nhiên. Trong vòng hơn hai năm trên tư cách Giám Mục Rôma, và là Mục Tử của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, Đức Phanxicô với những sáng kiến hay, đã không ngừng nỗ lực xây dựng hoà bình theo lời của Đức Ki-tô mời gọi. Tháng 9.2013, cả thế giới đang phập phồng hồi hộp về việc đất nước Syrien có thể sẽ bị Hoa Kỳ và Phương Tây tấn công bằng vũ lực. Lý do người ta nói là để diệt trừ bộ máy cai trì dã man đã dùng đến vũ khí hoá học giết hại dân thường.

 

Trong bầu khí căng thẳng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo và mọi người trên thế giới hãy nói không với bạo lực và với chiến tranh, để đi tìm con đường hoà bình cho người dân vô tội. Hơn nữa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người Công Giáo toàn cầu dành một ngày thứ bảy, để ăn chay cầu nguyện, lần chuỗi và viếng Thánh Thể Chúa, với mục đích cầu nguyện cho hoà bình ở Syrien và trên thế giới. Chiều Chúa Nhật 8.6.2014 là một ngày lịch sử trong hơn 60 năm chiến tranh giữa người Ít-ra-en và Palestine: lần đầu tiên hai vị tổng thống của hai dân tộc này gặp gỡ nhau ở tại Vatican, trong một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông và thế giới. Cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình này diễn ra theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

Trong bài phát biểu và kinh nguyện, Đức Thánh Cha nói: “Tôi thành tâm cám ơn quí vị đã nhận lời mời đến đây để cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa hồng ân hòa bình. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này là một con đường tìm kiếm những gì nối kết, để vượt thắng những gì gây chia rẽ…Thưa nhị vị Tổng Thống, thế giới là một gia sản mà chúng ta đã nhận lãnh từ tiền nhân: đúng vậy, nhưng đó cũng là một của mượn của con cháu chúng ta: những người con đã mỏi mệt và kiệt lực vì những cuộc xung đột và mong ước đạt tới bình minh hòa bình; những người con đang yêu cầu chúng ta phá đổ những bức tường thù hận và tiến bước trên con đường đối thoại và hòa bình để tình thương và tình thân hữu chiến thắng”. Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn được đăng một phần trên tờ tuần báo Argentina “Viva” hôm 27.7.2014 Đức Thánh cha đưa ra 10 lời khuyên mang lại niềm vui lớn hơn trong cuộc đời con người. Một trong 10 lời khuyên đó là: “Làm việc cho hòa bình. Chúng ta đang sống trong một thời đại có nhiều cuộc chiến tranh, và lời kêu gọi hòa bình phải được vang lên. Hòa bình đôi khi mang lại cảm giác yên lặng, nhưng không hề yên lặng, hòa bình luôn chủ động tích cực và năng động”.

Tất cả những nỗ lực xây dựng hoà bình của Giáo Hội, của các vị chủ chăn và của mọi tín hữu luôn quý báu. Sự nỗ lực đó luôn được Chúa chúc phúc cách đặc biệt. “Phúc cho những ai đem lại hòa bình, những ai hòa giải các cuộc cãi vã, những ai xóa bỏ hận thù, và nối kết những người sống ngăn cách. Một đời sống thường ngày an bình, một cử chỉ nhỏ bé chan chứa bình an, và mỗi lời hòa giải phát xuất từ trái tim, đều đến từ Thiên Chúa. Phúc cho những ai có lo lắng cho sự hòa bình giữa các dân tộc, và với tất cả tâm hồn dấn thân cho sự hòa bình đó. Đặc biệt, phúc cho những ai xây dựng hòa bình giữa Thiên Chúa và con người! Đó là một sứ mạng đặc biệt trong sứ vụ tông đồ… Ai ở trong Thiên Chúa và tỏa sáng sự bình an, thì người đó không cần phải nói nhiều lời. Người đó tìm thấy con đường và nhịp cầu dẫn tới sự bình an cho nhiều người”.[iv]

“Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15). Bình an của của Đức Ki-tô như là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc sống thường ngày của Giáo Hội, của mọi Ki-tô hữu. Bình an của Đức Ki-tô cần thấm nhập vào trong suy nghĩ, trong lời nói, trong ý muốn và trong hành động của Ki-tô hữu. Đó là phong cách sống của những người ý thức xây dựng tinh thần hoà bình. Người ý thức xây dựng tinh thần hoà bình, có một cách thức suy nghĩ trong Chúa Ki-tô, có những lời nói tương hợp với tinh thần của Chúa Ki-tô, có cung cách hành xử và những hành động theo Tin Mừng của Đức Ki-tô và được soi sáng bởi Thần Khí tốt lành của Thiên Chúa. Có như thế thì cuộc sống của họ mới được Chúa Ki-tô hướng dẫn, và cả cuộc đời họ sẽ được Chúa Ki-tô dẫn bước vào đường nẻo bình an (x.Lc 1,79). Trên nẻo đường đó họ được gọi là con cái của Thiên Chúa.

 

  • Người xây dựng hoà bình được gọi là con Thiên Chúa.

 

Trước hết, chúng ta hướng nhìn về Đức Ki-tô, Đấng là Con Thiên Chúa, Đấng kiến tạo hoà bình cho nhân loại. Ratzinger suy niệm như sau: “Tín hữu trong nước Ít-ra-en được nhắc nhở về Salomo, tên Do thái có nguồn gốc trong thuật ngữ ‘hòa bình’ (shalom). Đức Chúa đã hứa cho Đavít ‘Suốt cuộc đời nó, Ta sẽ ban cho Ít-ra-en được an cư lạc nghiệp… Nó sẽ là con đối với Ta, Ta sẽ là Cha đối với nó’ (x.1Sb 22,9 tt). Điều này làm nổi bật sự nối kết giữa tư cách cuộc đời người Con Chúa và vương quyền hòa bình: Đức Giê-su là người Con, Ngài thật sự là người Con. Chính vì thế, Ngài là ‘Salomo’ đích thực, Đấng mang lại hòa bình. Thiết lập hòa bình là một phần trong chính bản thể của phận làm con. Như thế, Mối Phúc thứ bảy mời gọi chúng ta trở nên và hành động những gì người Con thực hiện, nhờ đó, chính chúng ta được trở nên những người con của Thiên Chúa”.[v]

 

Phúc lành mà người xây dựng hoà bình nhận được là tư cách được làm con của Thiên Chúa. Đây là phúc lành rất đặc biệt, vì nếu suy xét kỹ lưỡng, thì phải chân nhận rằng: được gọi là con Thiên Chúa, được trở nên con của Thiên Chúa thật là một hồng phúc lớn lao. Những người con trai và con gái được gọi là con của Thiên Chúa đi vào thế giới với sứ mạng của Cha trên trời trao cho, là dấn thân cho hoà bình, là nỗ lực xây dựng hoà bình của Thiên Chúa giữa lòng một xã hội có quá nhiều mâu thuẫn, nhiều bạo lực, như chính Chúa Giê-su đã sống và trở thành mẫu gương cho chúng ta. “Như chính Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, đã sống tuân phục Cha mình như thế nào, thì tất cả những ai tuân phục Chúa Cha, sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

 

Cựu Ước thường gọi các thiên thần là con của Thiên Chúa, còn con người thì ít khi được gọi như thế. Vì vậy, khi con người qua Đức Ki-tô được gọi là con Thiên Chúa, thì đây chính là một hồng ân lớn lao. Là con Thiên Chúa nghĩa là được tham dự và thông hiệp với Chúa trong cộng đoàn của Ngài, trong tương quan gần gũi yêu thương như người cha với người con.

 

Đây không chỉ là lời hứa mang tính cách cánh chung, mà một cách nào đó đã được hiện thực trong hiện tại, dù rằng chưa ở trong ý nghĩa trọn hảo. Như thánh Gio-an nói: ‘Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa’ (1 Ga 3,1)”.[vi] Với Jacques Dupont, chính Thiên Chúa gọi những người xây dựng hoà bình là con của Ngài. Chính Thiên Chúa là tác giả làm cho họ trở nên con cái của Ngài. Ngoài ra, Dupont còn liên hệ đến một câu khác trong Bài Giảng Trên Núi, để làm sáng tỏ và mở rộng thêm ý nghĩa của việc trở nên con Thiên Chúa: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45).

Câu này nhắc đến tinh thần yêu thương kẻ thù. Những phần trên đã suy niệm về tinh thần này. Ở đây, điều cần chú ý là, chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời, khi sống đúng tinh thần mà Cha mời gọi, là hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Phải chăng Ki-tô hữu chỉ có thể trở nên con cái của Thiên Chúa, khi sống đúng tinh thần mà Cha trên trời truyền dạy, là yêu thương và bác ái? Phải chăng khi người Ki-tô hữu sống và mô phỏng sự tốt lành của Thiên Chúa, thì lời hứa về một phần thưởng lớn lao sẽ trở thành hiện thực, lời hứa trở nên con cái Thiên Chúa trong thế giới hôm nay và thế giới mai hậu?

 

Thật vậy, khi tín hữu sống phù hợp với điều Thiên Chúa chỉ dạy, thì họ sẽ được trở nên con cái của Thiên Chúa. Động từ “trở nên – ginomai” này được trở thành hiện thực qua các môn đệ của Chúa Giê-su, khi họ thực thi tinh thần yêu thương kẻ thù.

Như thế, đoạn Mt 5,44-45 với Mối Phúc yêu thương kẻ thù trong Mt 5,9, dù có sự khác biệt, nhưng vẫn hướng về một điều: con cái của Thiên Chúa luôn tỏ lộ tinh thần thực thi giới răn yêu thương và bác ái, và tinh thần này còn tuôn chảy đến việc yêu thương cả kẻ thù và kẻ ngược đãi. Chắc chắn là Mối Phúc xây dựng hoà bình không có từ ngữ “bác ái yêu thương”, nhưng ở trong hành động xây dựng hoà bình đều có hương vị nền tảng của yêu thương và bác ái. Như thế, yêu thương và con cái Thiên Chúa có sự liên hệ chặc chẽ với nhau. Và việc xây dựng hoà bình và con cái Thiên Chúa có sự liên hệ với nhau qua chính cách sống phù hợp với giới răn của Thiên Chúa. Nói khác đi, yêu thương là yếu tính của con cái Thiên Chúa, và căn tính của con cái Thiên Chúa luôn được xây dựng trên nền tảng yêu thương. Và danh tính của người Ki-tô hữu là agape, là yêu thương.[vii]

 

Là con cái của Thiên Chúa, tín hữu xây dựng hoà bình sống thật gần gũi với Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, họ tìm thấy nguyên lý sâu xa nhất của cuộc sống làm người. Thiên Chúa ban tặng cho họ một căn tính đích thật. Thật vậy, khi chúng ta sống trong bình an với chính bản thân mình, khi chúng ta đem bình an gieo rắc khắp mọi nơi và đến với mọi người, và đặc biệt khi chúng ta có một cuộc sống an bình với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ khám phá và cảm nghiệm được thân phận làm người cách sâu xa và đích thật, cũng như chúng ta sẽ tìm thấy được mình, biết mình là ai, và hiệp nhất hoàn toàn với chính mình, và trên hết chúng ta khám phá được hạnh phúc tuyệt vời. Đó là hạnh phúc được làm con cái của Thiên Chúa. Một trong những người con của Thiên Chúa được hưởng phúc làm con, vì đã dấn thân cho hoà bình, là thánh Phanxicô thành Assisi. Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa biến đổi ngài thành khí cụ của hoà bình. Lời cầu nguyện của thánh nhân đã lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới, và đã được biết bao người dấn thân xây dựng hoà bình cất lời ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự bình an:

Lạy Chúa từ nhân!

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

 

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

đem an hòa vào nơi tranh chấp,

đem chân lý vào chốn lỗi lẫm.

 

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,

chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con dọi ánh sáng vào nơi tốt tăm,

đem niềm vui đến chốn u sầu.

 

Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an.

Tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết.

Tìm yêu mến người, hơn được người mến yêu.

 

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

 

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con.

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

 

[i] MARTINI C.M., Mein spirituelles Woerterbuch, Begriffe Friede, Pattloch Verlag, Ausburg 1998, t.57-58.

[ii] ĐÀO TRUNG HIỆU op., Cuộc lữ hành Đức Tin, lịch sử Giáo Hội Công Giáo, Chương 21. Giáo Hội Thời Hiện Đại, trong phần bài đọc thêm “Giải thưởng Hòa Bình Balzan”, nguồn: http://gxdaminh.net/

[iii] Tham khảo bài viết Bảo vệ hoà bình, Lm. Giuse Phan Tấn Thành Op., http://ghxhcg.com.

[iv] TRILLING W., Das Evangelium nach Matthaeus, Geistliche Schriftlesung, 1. Teil, Patmos Verlag, Duesseldorf 1962, t.98.

[v] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.115.

[vi] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.?

[vii] X. DUPONT J., Les Béatitudes, Tome III, par Gabalda Edituer, Paris, 1973, t.662-664.

bottom of page