top of page

Bài 09

Bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót -

Con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Trình bày đọc: Thérèse Huỳnh Thị Thúy Hằng

 

 

 

Phần 02

 

Im lặng và thờ lạy.

 

Thật vậy, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Ngài bơi ngược dòng đời, Ngài yêu thương và ôm ấp cái nghèo, Ngài sẵn sàng chọn cái ghế thấp nhất không ai để mắt tới. Ngài là một Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót - ẩn mình trong những nơi hèn hạ nhất, Ngài thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta, cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ.[i]

 

Vâng, con đường đi xuống của Đức Ki-tô không ai có thể thấu hiểu, dù có đặt biết bao nhiêu câu hỏi và luận đề, có mày mò lý luận và dùng nhiều cách thức để tìm câu trả lời, thì vẫn phải đối diện với ngõ cụt, kể cả thần học gia danh giá Karl Rahner: “Ngài cần phải đến, để cứu độ chúng con ra khỏi chúng con, và Ngài và một lần nữa chính Ngài là Đấng duy nhất có tự do, và chính Ngài là Đấng vô biên duy nhất đã ‘trở nên như chúng con’. Và dù con có biết rằng Ngài yêu thương và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vô biên, thì con vẫn xin hỏi Ngài rằng: Ngài không sợ hãi trước cái chết của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng không bao giờ chết; không sợ hãi trước sự giới hạn của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng vô biên; không sợ hãi trước sự hào nhoáng bên ngoài giả dối của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng trung thành với sự thật? Có phải Ngài đã tự mình đóng đinh vào tạo vật, bằng cách Ngài đã đón nhận cuộc sống thực của Ngài, một cuộc sống thật gần và thân thiện với cuộc đời, mà trước đó trong cõi xa xăm vĩnh cửu Ngài chỉ đụng tới bóng đêm đàng sau, bóng đêm không có giá trị gì đối với ánh sáng không thể tới gần của Ngài? Có phải thập giá trên đồi Gôn-gô-ta không chỉ là sự tỏ bày của Thánh Giá được chuẩn bị cho Ngài, và Ngài phải mang vác Thánh Giá đó trong mọi nơi và mọi lúc?”[ii]

 

Với trí thông minh đầy giới hạn của con người, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Đó là điều đáng mừng, vì nếu chúng ta hiểu được điều đó, thì con người chúng ta kiêu hãnh biết chừng nào, và có thể chúng ta lại tự nhủ rằng: “Chẳng có gì đặc biệt, đâu cần đến Thiên Chúa nữa”. Vì thế, thay vì tìm cách lý luận, thay vì mày mò để đưa ra những giả thuyết về mầu nhiệm của con đường đi xuống của Đức Ki-tô, thiết nghĩ chúng ta cần im lặng và thờ lạy Ngài, Đấng đang hiện diện trong hình hài của một em bé được bọc tã nằm trong mang cỏ đơn sơ, Đấng đang chịu treo trên Thánh Giá như một con chiên hiền lành và im lặng. Lặng yên ngắm nhìn Ngài, với toàn bộ con người kính cẩn thờ lạy Ngài, Đấng giàu lòng thương xót.

 

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, 

Để nghe dưới đáy nước hồ reo. 

Để nghe tơ liễu run trong gió, 

Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà Lạt trăng mờ). 

 

Xem, chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Yêu Thương, Đấng giàu lòng thương xót. Đó là những hành động tuyệt vời trước Đấng đã chọn con đường đi xuống để đến với chúng ta, Ngài sẽ sẵn sàng và vui mừng bước vào từng ngôi nhà tâm hồn mở rộng đón mời Ngài.

 

Mở lòng đón nhận.

 

May thay Thiên Chúa không cho chúng ta hiểu mầu nhiệm của con đường đi xuống, mà cho chúng ta đón nhận hoa quả của con đường đó. Con đường đi xuống của Chúa Giê-su diễn tả lòng thương xót vô bờ và cao quý của Thiên Chúa giành cho chúng ta. Một tình yêu làm cho chúng ta trở nên giàu có: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. (2 Cr 8,9).

 

Thánh Tông đồ viết cho các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô để khuyến khích họ quảng đại giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đang túng thiếu. Những lời này của thánh Phao-lô có ý nghĩa gì?

 

Chúa Giê-su, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Chiêm ngắm thêm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa, chúng ta thấy đó là một hành động vĩ đại qua việc Con Thiên Chúa tự nguyện trở nên khó nghèo, Ngài chọn cái nghèo làm lẽ sống thay vì sự giàu sang. Đức Ki-tô từ bỏ sự giàu sang trên trời là vinh quang Thiên tính của Ngài, chọn trở nên nghèo khó và xuất hiện trong thân phận người nghèo.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tâm tình này như sau: “Thiên Chúa không tỏ mình nơi quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng nơi sự yếu đuối và nghèo nàn: ‘Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em...’. Chúa Ki-tô, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã chọn trở nên nghèo khó; Người đã đến giữa chúng ta và trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trút bỏ vinh quang và huỷ mình ra không, để trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x.Pl 2,7; Dt 4,15). Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm thật cao cả! Và nguyên nhân của tất cả những điều ấy là tình yêu của Người, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự.

 

Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên nghèo, Chúa Giê-su không tìm kiếm cái nghèo vì chính nó, nhưng như thánh Phao-lô đã nói: ‘để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Người’. Đây không phải là một kiểu chơi chữ hay một khẩu hiệu! Nhưng là tóm tắt lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc của tình yêu, lô-gíc của Nhập Thể và Thánh Giá. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Ki-tô thì khác! Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Giô-đan để cho Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, Người làm thế không phải vì cần thống hối hay hoán cải; Người làm điều ấy để ở giữa dân chúng là những người cần ơn tha thứ, ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường ấy để an ủi chúng ta, cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Thật là ấn tượng khi thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Ki-tô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài, dù rằng thánh Phao-lô biết rõ ‘những sự phong phú khôn lường của Chúa Ki-tô’ (Ep 3,8), ‘là người được thừa kế mọi sự’ (Dt 1,2)”.[iii]

 

Với tình yêu cao cả vượt mọi bức tường, Chúa đã rộng lượng ban cho nhân loại sự phong phúc khôn lường của Nước Trời, sự giàu sang của Thiên Chúa. Và qua thân xác nhân loại mà Chúa đã đón nhận, Chúa mặc lấy tất cả chúng ta thành chính Ngài. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho chúng ta được phép trở nên giống Chúa hơn và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Đó cũng là nét giàu có, và cũng là một ân sủng lớn lao mà chúng ta nhận được. Đức Benedicto XVI đã suy niệm như sau: “Thiên Chúa thật lớn lao, đến nỗi Ngài có thể trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa thật quyền năng, đến nỗi Ngài có thể trở nên bất lực và trở nên một trẻ sơ sinh và đến với với chúng ta, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Thiên Chúa thật tốt lành, đến nỗi Ngài đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, Ngài đi xuống thế gian và hiện diện trong hang lừa, để chúng ta có thể tìm thấy Ngài, và để sự tốt lành của Ngài đụng đến chúng ta, lây lan đến chúng ta, và qua chúng ta sự tốt lành của Ngài tiếp tục ảnh hưởng. Đó là Giáng Sinh. ‘Con là con Cha của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con’. Thiên Chúa đã trở nên một người ở giữa chúng ta, để chúng ta có thể được sống với Ngài, có thể trở nên giống như Ngài. Ngài đã chọn hình hài của trẻ sơ sinh trong máng cỏ như là dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra Ngài: Đó là Chúa. Chúng ta quen biết Chúa qua Hài Nhi nhỏ bé này”.[iv]

 

Sau khi sinh ra trong cuộc đời, Chúa Giê-su đã bước vào cuộc đời của chúng ta, và Ngài bắt đầu làm cho nhân loại được giàu có qua chính tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả như sau: “Như thế đâu là cái nghèo mà Chúa Giê-su dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang? Đó là cách Người yêu thương chúng ta, cách Người trở nên người thân cận của chúng ta như người Samaritanô nhân lành đến gần người bị bỏ mặc dở sống dở chết bên vệ đường (x.Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do đích thực, ơn cứu độ đích thực và hạnh phúc đích thực là lòng thương xót, nhân lành và chia sẻ của tình yêu của Người. Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta”.[v]

 

Qua đó, chúng ta thấy rằng, khi Chúa Giê-su làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng ta với tất cả những thực tế của nó, thì cuộc sống của chúng ta đã được mang một hương hoa khác. Hương hoa của tình yêu và lòng thương xót. Khi Chúa Giê-su để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy dài trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng ta, thì cuộc sống đầy giới hạn này của chúng ta tìm thấy lối thoát, vì Chúa đã mở ra cho chúng ta một hướng đích xuyên suốt qua con đường hẹp, con đường vượt qua Sa mạc khô cằn, và Biển Đỏ nhiều hiểm hoạ, và cả con đường dẫn đến sự chết. Khi Chúa cẩn thận chạm vào cuộc sống của chúng ta, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra khỏi chén đắng cuộc đời, và hơn nữa Chúa còn uống chén đắng khổ đau đó, thì chén đắng của nhân loại được biến đổi trở thành chén nồng say của tình yêu đem lại ơn cứu rỗi.

 

Khi Chúa để những guồng máy đầy bạo lực và dã man của nhân loại đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đi vào cuộc sống của Chúa, là lúc Chúa làm cho con người chúng ta thoát khỏi gọng kìm của Sa-tan và thần dữ, của ác độc và bất nhân. Ách nặng nề của cuộc đời được biến thành ách nhẹ nhàng nơi Chúa Giê-su.

 

Ôi giàu có biết bao nhiêu, hỡi con người được Chúa yêu thương, một Thiên Chúa trở nên nghèo nàn, để làm cho chúng ta trở nên giàu có.

 

Thật vậy, qua tình yêu rất cụ thể, Thiên Chúa đã đi bước trước, để làm cho chúng ta được giàu có, để chúng ta được đón nhận biết bao hồng ân cao quý. Hồng ân được gặp Chúa, hồng ân được hiệp thông với Chúa, hồng ân được trở nên người thân của Chúa, là anh em của Chúa trong một gia đình, là con của Cha trên trời với Đức Ki-tô là Anh trưởng tử. Đọc tiếp tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy: “Sự giàu sang của Chúa Giê-su ở chỗ là Con Thiên Chúa; tương quan độc nhất của Người với Chúa Cha chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Mê-si-a nghèo khó này. Khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mang lấy ‘ách nhẹ nhàng’ của Người, Người mời gọi chúng ta trở nên giàu có thêm bằng ‘cái nghèo giàu sang’ và ‘sự giàu sang nghèo khó’ của Người, chia sẻ Thần Khí con thảo và huynh đệ của Người, trở nên con cái trong Người Con, và anh chị em trong người Anh Trưởng Tử (x.Rm 8,29). Người ta bảo rằng chỉ có một điều đáng tiếc thực sự, đó là không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ có một sự khốn khổ thực sự, đó là không sống như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của Chúa Ki-tô”.[vi]

 

Khi ý thức mình là anh em của Chúa Giê-su, và là con của Cha trên trời, chúng ta mới càng ngạc nhiên hơn với sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi tưởng tượng của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức được điều này, như Thánh Nữ Teresa thành Avila, Thánh I-nhã thành Loyola, Mẹ Teresa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ, “Chúa là tất cả của tôi”.

 

Là anh em của Chúa Ki-tô và là con của cha trên trời, còn diễn tả một hồng ân cao quý là chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Chúa. Đó là sự giàu sang mà ai ai cũng ao ước. Karl Rahner đã suy niệm về điều này: “Vì chúng con tự mình không thể giúp mình được, và vì chúng con không thể tự cứu mình thoát khỏi mình được, nên chúng con đã kêu cầu sự hiện diện của Chúa và Chân Lý của Chúa, kêu cầu sự toàn năng của cuộc sống Ngài ngự đến trên chúng con, và cũng vì thế chúng con kêu cầu sự khôn ngoan của Chúa, sự tốt lành của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, để rồi khi Chúa đến, Chúa sẽ đập vỡ tất cả những giới hạn của chúng con, Chúa làm cho nghèo nàn nên giàu có, và Chúa cho chúng con, những con người của thời gian, được tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa.”[vii]

 

Tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa là một món quà làm cho chúng ta trở nên giàu có. Thật vậy, nếu dừng bước và đi vào trong chiều sâu của con người, đụng tới bản chất thật nhưng đầy giới hạn của mình, một phận người nhỏ bé, dễ vỡ và đầy tội lỗi, chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao, khi chúng ta được phép bước vào trong ngôi nhà của Thiên Chúa, khi chúng ta -  những phận đời giới hạn, được Chúa cho phép tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Chúa. 

 

Sự ngạc nhiên sẽ lớn hơn, khi chúng ta lắng nghe một sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi “tưởng tượng” của con người.

 

Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức dược điều này, như thánh Tê-rê-sa Avila, như thánh I-nhã thành Lô-giô-la, Mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ “Chúa là tất cả của tôi”.

 

Lời kết.

 

Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót, bước vào con đường đi xuống, là Chúa đi hành trình trở nên nghèo, mặc lấy thân phận làm người, mặc lấy thân nô lệ. Và trên con đường tưởng như là vô nghĩa này, và con người ai ai cũng lánh xa, Chúa đã giải thoát từng con người được Chúa yêu thương. Ai mang phận người khổ đau, hãy nhìn kìa Chúa cũng mang phận khổ đau như bạn. Ai chịu kiếp tôi đòi nô lệ, xem kìa, Đức Ki-tô cũng chia sẻ kiếp nô lệ tôi đòi như bạn. Ai nghèo đói và rách rưới, không cần thiết phải mặc cảm, vì Chúa Giê-su còn nghèo hơn cả bạn. Hành trình đi xuống của Đức Ki-tô là một hành động tuyệt vời và lớn lao của Thiên Chúa, hành động của tình yêu đến nỗi trút bỏ tất cả, đến nỗi quên cả thân mình, để trở nên không không, trở nên nghèo nhất trong mọi người nghèo. Hành động này của Chúa có mục đích, là làm cho chúng ta được nên giàu nhất với gia tài lớn nhất: Chúa Giê-su. Con đường đi xuống của Chúa có đích đến, là mở cho chúng ta - những kẻ bé nhỏ một con đường lên trời, để có thể tham dự vào trong cuộc sống vĩnh cửu của Chúa.

 

Ôi tuyệt vời thay con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót.

Ôi lạ lùng thay tình yêu của Chúa, tình yêu nên nghèo nàn để làm cho người mình yêu nên giàu có.

 

 

 

[i] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.

 

[ii] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.

 

[iii] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 01. Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org

 

[iv] BENEDIKT XVI, Die Heilige Schrift, Meditation zur Bibel, t.198.

 

[v] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

 

[vi] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

 

[vii] X. RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72.

Unknown Track - Unknown Artist
00:00 / 00:00
bottom of page