top of page

Phần 7 :

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

 

 

Lời cầu nguyện « xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ » chỉ có trong bản văn của Mát-thêu, không có trong bản văn của Luca. Và lời cầu xin này nối kết với lời cầu trước đó « xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ » một cách chặt chẽ, đến nỗi có thể nói hai lời cầu xin trong câu 13 này như là « hai mặt của một đồng tiền ». Hơn nữa lời cầu xin này nêu bật sức mạnh và sự nguy hiểm của thần dữ, vì thế con người cần xin Chúa cứu thoát khỏi thần dữ, thoát khỏi tầm ảnh hưởng và quyền lực của chúng. Như vậy, sự giải thoát của Thiên Chúa được nhấn mạnh ở đây.

 

Trong mặt ngôn từ, đối chiếu với bản văn tiếng Hy-lạp, các nhà chú giải thánh kinh tranh luận về từ ngữ « poneros » là giống đực hay giống trung, nghĩa là chỉ về thần dữ hay sự dữ. Theo Luz, đa số các chú giải Tân Ước và chú giải phúc âm của Mát-thêu giải thích từ ngữ này theo giống trung[i], nhưng cũng có nhà chú giải nghiêng theo cách giải thích từ ngữ này theo giống đực. Tuy vậy, thần dữ và sự dữ luôn đi đôi với nhau, vì thế điều cần chú ý trong lời cầu nguyện này chính là sức mạnh và quyền lực của thần dữ luôn muốn đưa những đồ đệ và những tín hữu của Đức Kitô ra khỏi con đường niềm tin mà họ đang đi, cắt đức mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, và đưa họ vào con đường nô lệ thần dữ. Vì thế, lời cầu nguyện này là lời cầu nguyện căn bản của cuộc sống làm người.

 

Lời cầu nguyện căn bản của đời người.

 

Con người sống trong lòng một thế giới luôn bị đe dọa bởi quyền lực của thần dữ, bởi sức mạnh của thế lực đen tối luôn đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa. Qua lời cầu nguyện căn bản này, con người xin Thiên Chúa giải thoát họ khỏi quyền lực của thần dữ, kẻ có thể bắt chúng ta, những con người yếu đuối, trở thành kẻ tòng phạm của chúng. Lời cầu xin này kết nối với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su giành cho chúng ta : « Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần » (Ga 17,15)[ii].

 

Chúa Giê-su tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta, và Ngài cũng dạy chúng ta ý thức cầu nguyện luôn mãi : « xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ ». Đó là một lời cầu nguyện căn bản và đầy tin tưởng, phát xuất từ chính tâm hồn của chúng ta, khi chúng ta rơi vào tay của ác thần đang giam hãm chúng ta trong đêm đen, và gây ra cho chúng ta biết bao đau khổ. Lời cầu xin này là tiếng kêu cầu cứu của chúng ta với Thiên Chúa, một lời cầu cứu rất thật và rất đơn sơ của người con nhỏ bé và đầy giới hạn dâng lên Cha quyền năng ở trên trời.

Khi kêu cầu với Cha như vậy, là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, vì Người đã thắng thủ lãnh thế gian này, nhờ sự chiến thắng của Đức Giêsu phục sinh. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng là một cách kêu gọi ta tỉnh thức để luôn luôn sẵn sàng đón Chúa đến. Sau hết, lời cầu nguyện ấy chính là một tiếng kêu đầy hy vọng, tin tưởng rằng ơn Chúa sẽ làm cho ‘bất cứ ai sinh bởi Thiên Chúa’ (Ga 5,18) khỏi bị nhiễm độc. Vì Chúa Cha ‘dắt ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Nước Con chí ái của Người’ (Cl 1,13)[iii]. Quyền lực tối tăm đó chính là thần dữ và sự dữ với khuôn mặt muôn màu muôn vẻ.

 

Đi tìm khuôn mặt của thần dữ và sự dữ.

 

Trước hết, chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh của thần dữ trong chương 12 và 13 của sách Khải Huyền[iv]. Đó là hình ảnh của con Mãng Xà và hai con thú dữ. Con thú đầu tiên giống như con Báo (Kh 13,2) diễn tả về quyền lực bách hại người Kitô hữu. Nó đi lên từ dưới lòng biển khơi, theo nghĩa biểu tượng là từ Phương Tây, từ đế quốc Rô-ma. Con thú thứ hai từ đất đi lên (Kh 13, 11), theo nghĩa biểu tượng là từ Phương Đông. Nó tượng trưng cho các tôn giáo bấy giờ đang cạnh tranh với Ki-tô giáo. Các tôn giáo ấy đưa ra một sự cứu rỗi từ trên trời, nhưng lại không lên án tội lỗi của đế quốc Rô-ma, đặc biệt là sự suy đồi của của xã hội. Nói chung, hai con thú trong chương 13 là biểu tượng cho hai thứ quyền lực liên kết với nhau để phục vụ con Mãng Xà tức là ác thần chống lại Hội Thánh.

 

Như vậy, Giáo Hội tiên khởi sống trong một bối cảnh rất khó khăn. Thần dữ muốn thuyết phục mọi người rằng, trong thực tế Chúa Kitô đâu nắm trong tay vận mệnh của con người dưới thế. Nếu họ muốn sống, họ phải đem nộp tự do và lương tâm của họ cho một chúa tể khác, có tên là quyền lực, là hoàng đế Rô-ma. Đó là một cách thần tượng hóa hoàng đế, tôn hoàng đế lên làm một vị thần thánh để mọi người tôn sùng và thờ lạy. Thật vậy, hoàng đế Rô-ma thời đó là Đô-mi-ti-a-nô buộc mọi công dân trong đế quốc phải tôn thờ ông như một vị thần linh.

 

Người Kitô hữu thế hệ đầu tiên sống trong một tình cảnh éo le nghiệt ngã, và bị bắt buộc phải chọn lựa. Khi tuyên xưng Đức Kitô là Chúa của sự sống, họ đối đầu với kẻ bách hại mình. Thánh Gio-an chỉ ra bổn phận của họ : trung thành với Chúa Kitô và từ chối tôn thờ hoàng đế. Vậy, một nhóm nhỏ Kitô hữu sắp phải đương đầu với nhà nước độc tài ấy, và họ sẽ chiến thắng nhờ máu các thánh tử đạo, và nhờ vào sức mạnh và quyền lực của Thiên Chúa. Nên họ luôn ý thức cầu xin cùng Thiên Chúa : « xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ ».

 

Đế quốc Rô-ma không còn nữa, nhưng trong thế giới hôm nay thần dữ vẫn còn hiện diện qua nhiều khuôn mặt khác và với những quyền lực cũng mạnh mẽ không kém. Đó là sức mạnh của những thế lực hiện đại nằm sau việc mua bán vũ khí, mua bán ma túy và buôn bán con người. Những kiểu buôn bán này đang là những gánh nặng đè trên thế giới hôm nay, và đang đưa nhân loại vào trong cảnh sống nộ lệ mới, mà con người không sao cưỡng lại được. Rồi còn những chủ nghĩa kỳ thị dân tộc, những cuộc chiến giữa các bộ tộc đã và vẫn còn gây ra biết bao nhiều đau thương, hàng triệu triệu người là những nạn nhân đã phải nằm xuống. Những trại tập trung và những hố chôn người đang là nhân chứng cho sự tàn ác của những chủ nghĩa này gây ra. Hơn nữa, thế giới hôm nay đang phải đối đầu với những cuộc khủng bố thật dã man. Biết bao người dân vô tội đã phải chết vì những thế lực đen tối này. Những chủ nghĩa và cách thức đó được thần dữ đầy hung ác nhưng lại thích trá hình điều khiển. Cái xấu xa được mang tên « điều thiện », bóng đêm đen đủi được gọi là « áng sáng sưởi ấm ».

 

Cũng theo kiểu trá hình, những ý thức hệ và khuynh hướng sống chạy theo sự thành công, chạy theo cuộc sống sung túc tiện nghi đang lan tràn khắp mọi nơi. Những ý thức hệ đó nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa chỉ là một sự tưởng tượng của con người, Ngài chỉ làm cho chúng ta mất thời gian và lấy mất sự hứng thú hưởng thụ cuộc sống nơi chúng ta. Đừng để ý đến Thiên Chúa nữa. Hãy tập trung tìm kiếm những gì « ngon ngọt » và « tiêu thụ » càng nhiều càng tốt. Trước sự cám dỗ này, chúng ta cũng rất khó có thể cưỡng lại được[v].

 

Ngoài ra, thần dữ cũng có thể tấn công chúng ta từ bên ngoài, chúng căm ghét chúng ta và chúng muốn tiêu diệt chúng ta. Và cả từ bên trong thần dữ cũng xuất hiện. Đó là tất cả những cảm giác và những thái độ tiêu cực đang làm chúng ta bị biến chất, trở nên nộ lệ cho thần dữ. Chúng quyến rũ, xâu xé và manh nha hủy diệt chúng ta, bằng cách đưa chúng ta vào trong lối sống hoàn toàn tiêu cực phản lại với tinh thần làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta nhớ tới tình trạng tiêu cực mà con người chúng ta có thể mắc phải. Đó là tình trạng suy sụp tinh thần, trở nên trầm cảm, đánh mất đi niềm vui sống, không còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tình trạng bi quan không còn muốn vươn lên, không còn muốn sống, hay sống đó nhưng cuộc sống như cánh bèo trôi sông, chẳng còn thiết đến công việc, đến trách nhiệm, đến tương quan với người khác. Cuộc sống trở nên nhạt nhẽo. Rồi cả tình trạng tê liệt hoàn toàn, nghĩa là chúng ta bị đưa vào ngõ kẹt của cuộc đời, trở nên những con người « bại trận ». Và cả tình trạng chúng ta hoàn toàn biến chất, xa lìa Thiên Chúa, trở nên kẻ đồng minh, hay tệ hơn kẻ nô lệ của thần dữ, bị thần dữ điều khiển để gây ra biết bao đau khổ cho anh chị em xung quanh. Nói theo ngôn từ của thánh I-nhã thành Lô-giô-la, là nô lệ của thần dữ, chúng ta đang cộng tác với chúng để lôi kéo những người khác cùng với chúng ta đi vào trong đêm đen, rơi xuống vực sâu thăm thẳm, là vương quốc của thần dữ, một thủ lãnh xấu xa đối đầu với Thiên Chúa, luôn đi tìm những tâm hồn đơn sơ đầy yếu đuối, để dụ dỗ và dẫn đưa vào trong vương quốc đen tối của chúng. Ở đây, chúng ta thấy sự liên hệ gần gũi giữa hai lời cầu xin : « Xin đừng chúng con sa chước cám dỗ, xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ ».

 

Khi chúng ta rơi vào trong gọng kìm của thần dữ, bình an trong tâm hồn của chúng ta bị cướp mất, lương tâm chúng ta bị xáo trộn, đôi mắt chúng ta trở nên đui mù hoàn toàn. Như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi, một cuộc sống không còn có trật tự và cũng chẳng còn tuân theo lề luật  của Chúa nữa. Cuối cùng chỉ còn sự thất vọng hoàn toàn. Và rồi thần dữ muốn « chấm hết » cuộc đời chúng ta với một kết cục thật đau thương. Đó là chúng chiếm lấy linh hồn của chúng ta, và chúng xui khiến chúng ta hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa, bắt chúng ta tự kết liễu đời mình và phó mặc linh hồn chúng ta trong bàn tay hiểm độc của  chúng[vi]. Nhìn như thế, chúng ta mới thấy sự nguy hiểm của cám dỗ và của sức mạnh mà thần dữ dùng để hại chúng ta, những con người có giới hạn và nhiều yếu đuối. Ý thức thân phận đơn hèn của mình, và cũng ý thức sức mạnh và sự xảo quyệt của thần dữ, chúng ta lại thấy mình cần phải luôn hướng về Thiên Chúa biết bao nhiêu, để cầu xin với Ngài giải thoát chúng con ra khỏi sự dữ. Và cũng hướng về Chúa, để cầu xin Ngài giúp chúng ta có một cuộc nhận định về những cách thức hoạt động của thần dữ trong cuộc sống chúng ta. Qua sự nhận định đó, phần nào chúng ta sẽ ý thức hơn những mánh lới của chúng, để với ơn của Chúa, chúng ta có thể nỗ lực tránh xa được những mưu toan hiểm độc của chúng.

 

Những mánh lới của thần dữ.

 

Để tìm hiểu những mánh lời của thần dữ, xin dựa vào những nguyên tắc nhận định thần lành và thần dữ mà Thánh I-nhã đưa ra, để giúp cho những người tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao nhận biết những giao động trong tâm hồn của họ, và để biết những giao động đó có nguồn gốc từ đâu, từ thần lành hay thần dữ, và những giao động đó có ảnh hưởng như thế nào, cũng như hướng đi và đích đến của chúng ra sao. Trong các nguyên tắc đó, Thánh I-Nhã cũng miêu tả những mánh lới của thần dữ.

 

(1) Vui thú.

 

Thường kẻ thù quen giới thiệu những vui thú bên ngoài, làm cho chúng ta tưởng tượng ra những khoái lạc và những vui thú giác quan, để cầm giữ chúng ta hơn và làm cho chúng ta lớn lên trong những nết xấu và những tội lỗi của chúng ta (x. Linh Thao số 314). Như vậy, cách thức của thần dữ trước hết là những cám dỗ rất hấp dẫn, dễ dàng quyến rũ chúng ta, gợi lên sự thích thú trong chúng ta, và cuối cùng khi chúng ta thuận theo sự thích thú đó là chúng ta rơi vào tay của thần dữ, nghĩa là chúng ta sa lầy vào con đường tội lỗi. Nói cách khác, thần dữ tìm đủ mọi cách để làm cho con thuyền của chúng ta bị lung lay. Nó ru ngủ chúng ta, đưa chúng ta vào trong một thế giới ảo nhưng thật hấp dẫn, làm cho cho chúng ta có cảm giác không chỉ vui sướng, mà có cả cảm giác chắc chắn. Nó thuyết phục chúng ta bằng những giá trị của quyền lực mà chúng hứa ban cho chúng ta, và cả những thỏa mãn những nhu cầu thân xác, và thỏa mãn cả những nhu cầu ảo mà thực sự chúng ta chẳng cần đến. Thâm độc hơn, khi cám dỗ chúng ta như thế, thần dữ còn tìm cách đánh lừa chúng ta, bằng cách chúng chốn tránh kỹ đến nỗi chúng ta nghĩ rằng thần dữ đâu có hiện diện, đâu có tồn tại. Hơn nữa, thần dữ tìm đủ mọi cách gìn giữ sự bằng lòng và thỏa mãn của chúng ta, cũng như duy trì những an ủi chóng qua có tính cách ảo tưởng trong chúng ta. Chúng làm thế, để linh hồn chúng ta đi từ tội lỗi này đến tội lỗi khác, nghĩa là chúng ta có thể phạm từ tội trọng này đến tội trọng khác. Và kết cục chúng ta đánh mất chính mình và linh hồn mình vào trong tay của thần dữ[vii].

 

Một ví dụ cụ thể mà Martini đưa ra để làm nổi bật sự ranh ma của thần dữ điều khiển chúng ta, là khi chúng ta coi tivi vào buổi tối, hoặc chúng ta ngồi vào internet để coi những hình ảnh và phim ảnh xấu xa, chúng ta tự nhủ rằng : tôi coi những phim ảnh này không phải để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, mà bởi vì tôi cần phải học hỏi, cần phải hiểu biết những phim ảnh và hình ảnh mà các bạn trẻ thường hay coi, để rồi tôi sẽ giúp họ. Nhìn qua, thì đó là một động lực tốt. Nhưng thực ra, động lực tốt này được Xa-tan đưa vào trong suy nghĩ của chúng ta, từ từ kéo chúng ta đi theo một sự tiêu khiển rất tiêu cực và nguy hiểm, nhưng với những lý do tưởng rằng rất xác đáng[viii]. Nếu chúng ta nghe theo thần dữ, là chúng ta đang rơi vào trong cám dỗ đầy quyến rũ và ảo tưởng của chúng. Đó là mưu mô đầu tiên thần dữ thường dùng.

 

(2) Gieo vào lòng chúng ta sự buồn rầu cắn rứt.

 

Mưu mô thứ hai của thần dữ được thánh I-nhã diễn tả qua cách thức chúng tấn công chúng ta, lúc chúng ta đang có sự bình an trong tâm hồn. Chúng dùng đủ mọi cách để gieo vào lòng chúng ta sự buồn rầu, cắn rứt. Rồi chúng đặt ra thêm những vật cản, bằng cách chúng làm cho chúng ta trở nên bối rối và lo lắng với những lý lẽ giả dối. Như vậy, thần dữ sẽ ngăn trở không cho chúng ta tiến xa thêm trên đường thiêng liêng (x. Linh Thao số 315). Cụ thể hơn, thần dữ có thể nói nhỏ vào tai chúng ta rằng, chúng ta không đủ khả năng để tiến thêm trên đường thiêng liêng. Con đường này quá lớn lao đối với chúng ta, và chúng ta không bao giờ đạt được điều chúng ta ao ước. Đó là cách thức thần dữ thường dùng để làm cho chúng ta ra buồn rầu và nhụt chí, và nếu chúng ta không canh chừng, thần dữ sẽ đưa chúng ta vào tình trạng sầu não và rồi dụ dỗ chúng ta bỏ cuộc.

 

Thánh I-nhã gọi đó là tình trạng tối tăm của tâm hồn bị kéo xuống dưới với những điều tầm thường và thấp hèn. Nơi đó, tâm hồn dễ trở nên chán nản, bối rối, mất tự tin, mất luôn cả niềm hy vọng, và lửa tình yêu trong lòng như đang lịm tắt. Trong tình trạng đó, tâm hồn dễ dàng xa lìa Đấng Tạo Hóa, và tiếp đến là cắt đứt luôn tương quan thân tình với Ngài (x. Linh Thao số 317). Đây là một mưu mô rất nguy hiểm. Vì thế, chúng ta cần xin Chúa cho chúng ta nhận ra được tình trạng này ngay, và nhanh chóng gọi tên thần dữ với đặc điểm của nó là buồn rầu và sầu não ra[ix]. Tiếp đến, chúng ta cần mạnh mẽ nói không với chúng. Và khi xa rời thần dữ, chúng ta tiếp tục tiến bước trên con đường thiêng liêng, con đường của niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến.

 

(3) Hung dữ.

 

Mưu mô thứ ba của thần dữ được thánh I-Nhã diễn tả như sau : « đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất can đảm trước cơn cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy. » (Linh thao số 325).

 

Như vậy, mưu mô của thần dữ tập trung vào sự yếu đuối và sợ hãi của chúng ta. Nghĩa là nếu chúng ta tỏ ra yếu ớt và khiếp đảm, thì thần dữ sẽ càng trở nên dữ tợn và lộng hành hơn, với mục đích để chiếm đoạt và làm chủ chúng ta, đưa chúng ta vào trong hố sâu của đêm đen. Hơn nữa, chúng sẽ điều khiển chúng ta và biến chúng ta thành những dụng cụ của chúng. Vì thế, thánh I-nhã khuyên chúng ta cần phải kiên trì trong chiến đấu, cần phải can đảm hơn, mạnh mẽ hơn trong tinh thần, trong thái độ và lời nói của mình, để chống lại thần dữ và những cám dỗ cũng như mánh lới của chúng. Nói cách khác, trước mưu mô của thần dữ, chúng ta cần kiên tâm và không hãi sợ. Đó là thái độ cần thiết để chống lại thần dữ[x]. Cụ thể, theo thánh I-nhã, chúng ta cần làm ngược lại với điều mà thần dữ cám dỗ chúng ta. Nghĩa là thay vì bị cám dỗ chán nản và bỏ cuộc vì yếu đuối và khiếp sợ, thì chúng ta cần can đảm, kiên tâm, tiếp tục trung thành với những việc thiêng liêng. Đó là đến với bí tích hòa giải cách đều đặn, luôn bàn hỏi với linh mục hay người hướng dẫn đời sống thiêng liêng, luôn giữ đời sống cầu nguyện và dâng thánh lễ thường ngày, cũng như bền chí xét mình hồi tâm mỗi ngày.

 

Khi ý thức bền bỉ tập sống đời sống thiêng liêng và đức tin một cách sâu sa, khi ý thức bám vào Chúa hoàn toàn, và phục tùng Ngài cùng thánh ý của Ngài, thì chúng ta có thể chống lại thần dữ, chống lại mưu mô xảo quyệt của chúng. Thánh Gia-cô-bên khuyên nhủ chúng ta: «Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em » (Gc 4,7). Là những tín hữu, chúng ta cần từ bỏ hoàn toàn con đường của thần dữ, không chạy theo con đường “nước đôi”, con đường làm tôi hai chủ, và không để cho thần dữ có cơ hội để bước vào con đường của chúng ta. Là những tín hữu, chúng ta cần bước ra khỏi con đường ích kỷ và đam mê của chính mình, để bước vào con đường của Thiên Chúa và nói lời xin vâng với Ngài. Khi nói không với thần dữ và nói không với cái tôi ích kỷ và nhiều đam mê, là chúng ta nói lời xin vâng với Thiên Chúa. Lời xin vâng đó giúp chúng ta chân nhận Thiên Chúa là Chúa và là Chủ cuộc đời chúng ta, và đón nhận trọn vẹn thánh ý của Ngài. Như thế, chúng ta bước trên con đường theo Chúa cách trọn vẹn. Con đường “xin vâng theo ý Cha, chứ đừng theo ý con”. Đó là con đường chân thật của niềm tin vào Thiên Chúa. Hơn nữa, khi có Chúa hiện diện và chia sẻ cuộc sống với chúng ta, thì thần dữ dù có đó nhưng vẫn không thể làm gì chúng ta. Hay nói mạnh mẽ hơn như thánh Gia-cô-bê nói, thần dữ sẽ chạy xa chúng ta, khi Thiên Chúa ở gần bên chúng ta. Khi có Thiên Chúa ở bên và “ Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8, 31).

 

(4) Giữ bí mật.

 

Mưu mô thứ bốn của thần dữ mà thánh I-Nhã diễn tả là “khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui” (Linh thao số 326). Có thể nói, lời khuyên của thánh I-Nhã rất xác thực, gần với thực tế của đời sống thiêng liêng. Sự dấu giếm là một mánh lời nguy hiểm của thần dữ. Chỉ khi mọi sự được bảo vệ trong bức màn đen, thì “những tên chủ của đêm đen” mới có thể lộng hành và làm những gì chúng muốn, nghĩa là chúng có thể thao túng và thực hiện tất cả những dự định và kế hoạch nham hiểm của chúng. Thánh I-Nhã cũng đã đưa ra hình ảnh minh họa cho mưu mô giấu diếm mà thần dữ thường dùng. Đó là hình ảnh về người đàn ông si tình lẳng lơ, hay dụ dỗ các phụ nữ với những lời xảo trá đầy quyến rũ. Rồi hắn lại muốn những lời dụ dỗ của họ được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hắn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu (x. Linh Thao 326).

 

Giấu diếm đúng là một mưu mô nguy hiểm của thần dữ. Thật vậy, thần dữ có thể đe dọa và bắt chúng ta giấu diếm những điều tiêu cực. Chúng có thể nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta nói ra những điều mập mờ và tiêu cực mà chúng ta đang hay đã bị thần dữ cám dỗ, thì chúng ta bị mang tiếng, thanh danh gia đình chúng ta bị sức mẻ, chúng ta sẽ không còn mặt mũi nào nhìn người khác, và nguy hiểm hơn, sự nghiệp chúng ta sẽ “tan theo mây khói”, và gia đình chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối. Hơn nữa, thần dữ cũng có thể nhủ thầm rằng, nếu chúng ta giấu diếm thì mọi sự sẽ an lành, và nếu điều tiêu cực được che đậy và ém nhẹm kỹ, thì cuộc sống của chúng ta sẽ đâu vào đấy, và còn được phát triển nhiều hơn nữa. Trước mưu mô đầy xảo quyệt này, chúng ta nên dùng phương pháp mà thánh I-Nhã đã nói trước đây. Đó là lắc đầu với thần dữ, và làm ngược lại điều chúng muốn. Nghĩa là chúng ta càng phải chạy đến với bí tích hòa giải, để xưng thú và nêu ra tất cả những gì mập mờ và tiêu cực mà chúng ta đã và đang bị thần dữ cám dỗ. Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua bí tích hòa giải. Chúng ta cũng cảm tạ Thiên Chúa và Giáo Hội đã tạo nên bí tích hòa giải, để chúng ta có thể chạy đến giãi bày tất cả mọi tội lỗi trong tòa hòa giải, mà không sợ bị linh mục tiết lộ ra. Linh mục là người của Chúa và Giáo Hội. Tất cả mọi tội lỗi linh mục lắng nghe trong tòa hòa giải, thì không bao giờ được phép tiết lộ ra ngoài. Đó là một luật buộc quan trọng không có bất cứ luật trừ nào cả. Và cũng không ai có quyền bắt ép linh mục tiết lộ lỗi lầm của người xưng thú. Nếu bị bắt ép, thì “thà chết” chứ linh mục không hé môi tiết lội những gì đã nghe trong tòa hòa giải.

 

Ngoài bí tích hòa giải, chúng ta cũng nên chú ý chống lại mưu mô dụ dỗ giấu diếm của thần dữ, bằng cách chúng ta xin Chúa giúp chúng ta can đảm cởi mở lương tâm với những người có trách nhiệm, hay tâm sự với những ai chúng ta tin tưởng, về những điều mập mờ mà thần dữ đã và đang manh nha cấy vào trong tâm hồn và đời sống chúng ta. Để sống trong niềm vui và hạnh phúc, thì tất cả mọi sự tiêu cực có dáng dấp của tối tăm cần được soi tỏ trong ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng sẽ chiếu tỏ rõ ràng mọi ngóc ngách. Nếu cần thiết, ánh sáng sẽ thiêu hủy tất cả những gì đen tối nặng nề đang đè nặng chúng ta, những người con cái của Cha trên trời, để đưa lại niềm vui và hơi ấm cho cuộc sống của chúng ta. 

 

(5) Lượn quanh dò xét và nghấp nghé tấn công.

 

Ngoài bốn mưu toan trên, thần dữ còn bổ sung thêm mánh lới thứ năm: thần dữ luôn tận dụng sự yếu đuối và mệt nhọc về thần xác và tinh thần của chúng ta. Cụ thể thánh I-nhã nói rằng: “kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta” (Linh Thao 327).

 

Như vậy, thần dữ luôn nghấp nghé quanh chúng ta, để khi thấy chúng ta mệt mỏi về thân xác, bối rối về tinh thần, cáu giận vì chuyện này chuyện kia, đặc biệt khi chúng ta suy sụp tinh thần, tâm hồn chúng ta trống rỗng và khô khan và chúng ta trở nên chán nản, thì thần dữ sẽ dễ dàng đẩy chúng ta ngã nhào và tiêu diệt chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu được “ngôn ngữ của thân xác” của chúng ta. Và biết ứng xử với những dấu hiệu mệt mỏi và quá độ của thân xác chúng ta, để chúng ta có thể làm chủ được thân xác của mình trong mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, chúng ta cần chú ý đến sức khỏe thân xác, ăn uống làm việc và nghỉ ngơi điều độ, không “dồn thân xác” vào chỗ “chết yểu”, chỉ vì làm việc quá sức mà không chú ý để tịnh dưỡng và nghỉ ngơi, cũng như không theo đuổi những đam mê của thân xác, đến nỗi thân xác mất cân bằng vì thiếu sự điều hòa trong cuộc sống. Cũng thế, chúng ta cần gìn giữ đời sống tinh thần của mình được trong sạch và thanh thản, để khi chúng ta gặp những khó khăn, phải lo lắng chuyện này chuyện kia, hay khi mệt mỏi và mất định hướng, chúng ta cũng không chạy theo những chiều hướng của thần dữ đang manh nha hướng chúng ta theo.

 

Nói khác đi, chúng ta cần học biết ứng xử với chính những dấu hiệu tiêu cực của đời sống tinh thần, như ứng xử với sự giận giữ, với cảm giác khô khan và chán nản, với những lúc bối rối, thất vọng đến nỗi muốn buông xuôi. Chúng ta cần có những ứng xử tỉnh táo, chín chắn và khôn ngoan, để thần dữ không lợi dụng được chúng ta, bắt chúng ta có những phản ứng rất tiêu cực nhất thời, dễ dàng gây ra những rạn nứt các mối tương quan của chúng ta với người khác, và tránh được những hố sâu nguy hiểm mà chúng ta có thể bị thần dữ manh nha muốn đẩy chúng ta xuống.

 

Đó là suy sụp tinh thần trầm trọng, là thất vọng hoàn toàn và không còn thiết sống, và cuối cùng là bóng đêm của sự chết. Vì vậy, những giờ cầu nguyện suy niệm và hồi tâm hằng ngày sẽ giúp chúng ta rất nhiều để có thể tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống, cũng như gìn giữ và thăng tiến các nhân đức đối thần và những nhân đức khác. Dịp tĩnh tâm cấm phòng hằng tháng và hằng năm cũng đóng một vai trò quan trọng, để chúng ta có thể gạn lọc những gì tiêu cực mà thần dữ đã cấy vào trong cuộc sống của chúng ta trong thời gian qua. Nhờ đó chúng ta trở về lại với con đường Chân Thiện Mỹ mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi. Hơn nữa, cũng không quên chú ý đến thời gian nghỉ hè trong năm. Thân xác chúng ta không phải là cỗ máy, thân xác cũng cần được chăm sóc và nghỉ ngơi. Khi thân xác và tinh thần mạnh khỏe và có được nhịp sống hài hòa, thần dữ không dễ dàng tìm thấy lối vào trong đời sống của chúng ta.

Trên là sơ lược một vài mưu mô của thần dữ. Trước những mưu mô đó, chúng ta không chỉ phải cẩn thận, mà chúng ta cần phải nỗ lực để chống trả lại thần dữ với ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa, bằng cách chúng ta lắng nghe và sống theo sự hướng dẫn của thần lành.

 

 

 

Sống theo con đường của thần lành.

 

Là những Kitô hữu chúng ta luôn liên kết với Thần Khí của Thiên Chúa và với truyền thống của Giáo Hội. Trong sự liên kết đó, tinh thần lắng nghe, nhận ra và thấu hiểu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và đời sống chúng ta đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một vài nguyên tắc mà thánh I-nhã đưa ra, để giúp nhận ra sự tác động của Chúa Thánh Thần, và qua đó giúp chúng ta chống trả lại thần dữ và những mưu mô của chúng:

 

(1) Lắng nghe thần lành để có một lương tâm biết ăn năn.

 

Chúng ta cần chú ý tập lắng nghe thần lành, đấng luôn an ủi, để nhận ra tiếng nói và sự tác động của thần lành. Thần lành mà thánh I-nhã nhắc tới, theo Thomas Green, có thể hiểu là chính Chúa Thánh Thần[xi]. Như vậy, chính Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc cho lương tâm chúng ta cắn rứt bằng luật tự nhiên của lẽ phải, khi chúng ta đang bị thần dữ xúi dục để làm những điều tiêu cực (x. Linh thao số 314). Thật là quan trọng, khi chúng ta có được một lương tâm tốt, có khả năng và ý thức để “cắn rứt”, và may thay chúng ta không mang trong mình loại “lương tâm không răng”, lương tâm không còn biết phân biệt phải trái, trắng đen, xấu tốt, loại lương tâm bị thần dữ làm chủ và điều khiển. Với lương tâm biết “cắn rứt”, chúng ta “giật mình” và tỉnh ngộ ra, khi chúng ta được Thánh Thần Chúa tác động, trong lúc chúng ta lạc bước vào con đường đam mê và tội lỗi. Với lương tâm biết cắn rứt, chúng ta luôn ý thức hối lỗi và cầu nguyện như thánh vịnh gia:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 50, 3-5).

 

(2) Sống ơn can đảm, ủi an và tiến lên trong đời sống Chân Thiện Mỹ.

 

Ngoài sự thôi thúc cho lương tâm chúng ta bị cắn rứt, thần lành còn: “làm cho can đảm và ban thêm sức mạnh, an ủi, ơn nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho chúng ta tiến lên trong đàng lành (x. Linh Thao số 315). Đó là những điều tốt đẹp của thần lành. Với những điều tốt đẹp đó, cuộc sống và tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản và bình an sống. Sống trong sự an bình đó, như thánh vịnh gia, chúng ta tán dương Thiên Chúa:

 

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người”. (Tv 23, 1-3).

 

Khi tâm hồn và đời sống chúng ta được “thần lành thăm viếng”, nghĩa là được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì những tảng đá là những trở ngại đè nặng tâm hồn và cuộc sống của chúng ta sẽ được cất đi, để rồi chúng ta sẽ thăng tiến trên cuộc sống thiêng liêng và đức tin. Đặc biệt, chúng ta sẽ nhận được sự an ủi thiêng liêng tuyệt vời. Chúng ta có sự an ủi tuyệt vời đó, khi trong linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Ðấng Tạo Hóa và Chúa chúng ta, và do đó, chúng ta không có thể yêu một thọ tạo nào trên mặt đất vì chính thọ tạo ấy, nhưng chỉ yêu trong Ðấng tạo dựng mọi sự. Hơn nữa, qua ơn an ủi thiêng liêng cao quý đó, lòng tin- cậy- mền của chúng ta được gia tăng, và mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo tâm hồn chúng ta đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn chúng ta, làm cho linh hồn chúng ta được nghỉ ngơi và an bình trong Ðấng Tạo Hóa và Chúa của chúng ta (x. Linh thao số 316). Sự an ủi thiêng cao quý kia là món quà nhưng không mà chúng ta, những Kitô hữu, những người được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, được đón nhận. Vì thế, chúng ta ý thức sống lời khuyên nhủ của thánh Phao-lô: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3, 1-2).

 

Ngoài ra, chúng ta luôn ý thức rằng, con đường và tinh thần sống hướng về thượng giới, tinh thần yêu mến Chúa cách trọn vẹn, không bao giờ là một con đường phẳng ngay. Ngược lại đó là một con đường “hẹp”, con đường nhiều gian nan và không thiếu những thử thách. Vì thế, theo thánh I-Nhã, thần lành mời gọi chúng ta hãy chống trả lại thần dữ.

 

(3) Bền bỉ trung thành và không thay đổi quyết định tốt khi gặp sầu khổ.

 

Trên con đường “hẹp” nhiều gian nan kia, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta bền bỉ trung thành với Ngài, đặc biệt khi chúng ta với thân phận mỏng dòn, phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn. Với thánh I-nhã, sự bền bỉ và kiên trì trên đường thiêng liêng đóng một vai trò thiết yếu, vì thế mà Ngài đã đưa ra một nguyên tắc quan trọng không được phép quên, mà Martini gọi là “Nguyên tắc Vàng”[xii]: “Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đấy” (Linh thao số 318). Những lúc gặp khó khăn và thử thách lớn, chúng ta dễ trở nên bực bội và cáu kỉnh. Chính lúc đó, với bản tính con người, chúng ta muốn đi tìm một cách thức để giải quyết, hay một lối thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Điều đó là bình thường. Nhưng tiếc thay, khi đang ở trong sầu khổ, đang bị bối rối, đang giận dữ, có người lại đi đến quyết định thay đổi cuộc sống, nghĩa là bỏ đi quyết định tốt trước đó đã có, để đi tìm một hướng đi khác. Ngạn ngữ có câu: “giận mất khôn”. Thật vậy, có những tu sĩ chỉ vì một sự đụng chạm hay hiểu lầm với bề trên, với chị em hay với anh em trong dòng, đã vội vã quyết định để lại “chiếc áo dòng thân thương”, và trở về với cuộc đời, trong khi tâm hồn vẫn nặng trĩu những u sầu, và những nặng nề và ức chế vẫn còn vương vấn và chưa được giải quyết. Về lại cuộc đời, về với gia đình rồi, hỏi rằng người tu sĩ đó có hạnh phúc không? Làm sao hạnh phúc được, khi những nỗi đau đớn và sầu hận vẫn còn gặm nhấm tâm hồn. Chưa kể đến những thách đố trong cuộc sống mới mà người đó khó lòng hòa nhập và vượt qua được. Tiếp đến là những lúc nhung nhớ về mái ấm tu trì hạnh phúc trước đây, mà chỉ vì một phút nóng giận đã tự quyết định lìa xa con đường tu trì.

 

Đó chỉ là một ví dụ về đời sống tu trì, còn biết bao nhiêu trường hợp khác, như đời sống hôn nhân gia đình, đời sống phục vụ… Ai thay đổi quyết định tốt đã có trước đó, trong lúc gặp khó khăn thử thách, trong khi bị sầu khổ và chán chường, thì dễ bị rơi vào trong bẫy của thần dữ, kẻ đang xúi họ lìa bỏ quyết định và cuộc sống tốt đã có, để đi vào một con đường khác đầy dẫy hố sâu và bóng đêm luôn bao phủ. Đừng quên rằng, thần dữ chỉ muốn chiếm đoạt chúng ta, dụ dỗ chúng ta ra khỏi con đường Chân Thiện Mỹ, để bước vào con đường tiêu cực của chúng.

 

Vì thế, khi ở trong sầu khổ cần kiên tâm và bền chí, và đặc biệt không được phép quên “nguyên tắc Vàng”, là không được quyết định bất cứ điều gì khi tâm hồn đang sầu khổ, nặng nề và đang bị mây đen bao phủ. Ngược lại trung thành với quyết định tốt đã có trước đó. Theo Thomas Green, “sầu khổ là một dấu hiệu hoạt động của thần dữ, nên chúng ta không bao giờ làm hay thay đổi quyết định trong lúc sầu khổ, ngoại trừ trường hợp chúng ta muốn để cho thần dữ hướng dẫn đời sống thiêng liêng của chúng ta”[xiii]. Vì tầm mức quan trọng của “nguyên tắc Vàng” này, mà Green đã nói tiếp rằng: “Tôi thường nói với mọi người cần phải nhớ đến nguyên tắc đó, dù cho họ có quên tất cả mọi điểm khác trong việc nhận định thần loại. Nếu họ nhớ và thực hiện nguyên tắc cốt yếu đó trong đời sống thiêng liêng, thì họ có thể loại trừ được 90 % những điều bất hạnh trong đời sống của họ”[xiv].

 

Tuy nhiên, nếu có ý muốn thay đổi quyết định tốt đã có trước đó, thì cần phải suy xét kỹ lưỡng, cầu nguyện nhận định ý hướng đó có đúng hay không, và tâm trạng phải thanh thản bình an, không bị sầu khổ và không bị bối rối. Vì vậy thay vì rơi vào trường hợp “giận mất khôn”, thì xin Chúa cho mình biết “khôn trong lúc giận”. Sự khôn ngoan đến từ Thánh Thần Chúa với hoa quả là kiên nhẫn, là bền tâm, là phó thác, là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống đích thật. Đó cũng là tâm tình mà Thánh I-nhã khuyên nhủ chúng ta với những nguyên tắc quan trọng kế tiếp cần chú ý, để chúng ta khôn ngoan trong việc chống lại thần dữ.

 

(4) Thay đổi chính mình.

 

“Trong cơn sầu khổ, nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp” (Linh Thao số 320). Thật là khôn ngoan, khi không ngồi chịu trận một chỗ để đau khổ, để buồn sầu, cũng khôn ngoan không nghe theo sự xúi giục của thần dữ, mà can đảm và tỉnh táo nhìn lại chính bản thân và cuộc sống của mình, để thay đổi chính mình.

Cụ thể, trong sầu khổ chúng ta thường hay chán nản, đến nỗi bỏ bê việc cầu nguyện và những việc thiêng liêng, thì thánh I-Nhã khuyên chúng ta phải có thái độ khác, nghĩa là chăm chú cầu nguyện nhiều hơn, hồi tâm nhiều hơn, và gia tăng những việc thiêng liêng đạo đức, để qua đó với ơn Chúa chúng ta vượt qua được những lúc sầu khổ, và những mưu mô của ma quỷ. Thí dụ như nếu trong lúc sầu khổ, chúng ta bị cám dỗ cắt bớt giờ cầu nguyện, nghĩa là thay vì cầu nguyện 45 phút, chúng ta chỉ muốn cầu nguyện 30 phút, thì lúc này theo thánh I-nhã chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn, ví dụ như tăng thêm 5 phút cho giờ cầu nguyện, nghĩa là 50 phút thay vì 45 phút. Ở đây, chúng ta nên chú ý chữ “hơn” mà thánh I-nhã dùng. Đó là một trong những từ ngữ rất căn bản trong linh đạo của thánh I-nhã. Chữ “hơn” đó diễn tả tinh thần thượng võ của thánh I-nhã, một hiệp sĩ trong quá khứ, và chữ “hơn” đó cũng nêu bật được thiện chí luôn muốn vươn lên của chúng ta đối với Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Vì vậy, càng bị sầu khổ, thì càng phải chạy đến với Chúa nhiều hơn và thường xuyên hơn. Thật vậy, càng đâm rễ sâu trong Chúa, chúng ta càng được sống trong bình an của Ngài.

 

Ngoài ra, thánh I-nhã cũng nhắc nhớ chúng ta cần ý thức một điều, là khi rơi vào trong tình trạng sầu khổ, thì chúng ta cần nhẫn nại và nghĩ rằng, “chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy” (Linh thao số 321). Thật vậy, “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”. Nếu chúng ta ra sức chiến đấu với ơn của Chúa để chống lại thần dữ, thì chắc chắn sự sầu khổ sẽ lui bước nhường chỗ cho sự an bình và hạnh phúc. Đây là thái độ sống của người tín hữu tràn đầy niềm hy vọng và niềm tin tưởng vào Chúa, Đấng không bao giờ để chúng ta cô đơn lẻ loi một mình. Thomas Green cũng xác tín điều này : “Trong những lúc sầu khổ, điều quan trọng cần ý thức là ân sủng và sự giúp đỡ của Thiên Chúa luôn ở bên mỗi tâm hồn, dù cho chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài” [xv]. Vì vậy, chúng ta có thể mượn lời cầu nguyện của thánh vịnh gia để dâng lên Chúa tâm tình của chúng ta:

 

“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23, 4).

 

(5) Khiêm nhường trước Chúa.

 

Một tâm tình khác cũng không kém phần quan trọng trên con đường sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa, để chống lại thần dữ và những mưu mô của chúng, là tinh thần khiêm nhường. Thánh I-nhã nhắc nhớ rằng, khi chúng ta phải gặp sầu khổ, thì đó là “để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để ta đừng "làm tổ ở nhà người khác", và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng” (Linh thao số 322). Như thế, tinh thần khiêm nhường là một trong những thái độ cốt yếu trong đời sống thiêng liêng. Thật vậy, khi chân nhận tất cả mọi sự an ủi, mọi hoa quả thiêng liêng chúng ta có được là do bởi Thiên Chúa ban tặng, chứ không phải do sức của chúng ta làm ra hay công trạng chúng ta đạt được, là lúc chúng ta trở về lại với thân phận đích thực của mình. Đó là thân phận của con người nghèo hoàn toàn trước mặt Chúa. Chắc chắn kinh nghiệm nghèo này không đưa lại sự dịu ngọt lúc ban đầu, ngược lại chúng ta có thể phải đau khổ, buồn rầu và sợ sệt về điều đó. Nhưng nếu sống tinh thần khiêm nhường trước mặt Chúa thật sự, thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc có Chúa là chủ và là tất cả, hạnh phúc vì chúng ta là những người con nhỏ bé nghèo hèn lại được Ngài yêu thương, nâng đỡ và ban cho biết bao nhiêu ân sủng cao quý.

 

Tóm lại, trong tinh thần khiêm nhường, chúng ta luôn chạy đến với Chúa và kêu cầu cùng Ngài, đặc biệt khi chúng ta rơi vào trong gọng kìm của thần dữ. Chạy đến với Chúa chúng ta tìm thấy sự chở che, chạy đến với Chúa là Đấng làm cho ta có sức mạnh để vững vàng trong mọi cơn cám dỗ, chạy đến với Chúa để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài chúng ta có thể chống lại tất cả mọi sự dữ đến với chúng ta. Thật vậy, có Chúa là chúng ta có tất cả, có Chúa ở bên không có nỗi sợ nào có thể làm cho đời sống chúng ta bị rơi vào trong hố sâu của đêm đen.

 

Lời của thánh Giám Mục tử đạo Cyprian giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn tinh thần sống làm con của Thiên Chúa ở trên trời: “Nếu chúng ta cầu nguyện rằng ´xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ´, thì không còn gì hơn điều chúng ta đang cầu nguyện. Nếu chúng ta nhận được sự chở che mà chúng ta cầu xin để chống lại thần dữ, thì chúng ta đứng vững vàng và luôn được che chở để chống lại tất cả mọi sự mà thần dữ và thế giới này đưa lại. Còn có nỗi sợ hãi nào đến từ thế giới này, có thể làm chủ được những người sống trong lòng thế giới này, khi Đấng che chở họ chính là Thiên Chúa ?”[xvi].

Thật tuyệt vời, khi được ẩn náu trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, là Cha yêu dấu của chúng ta. Với tất cả tâm tình của người con, chúng ta hiệp lời với Giáo Hội để tôn vinh Ngài:

“Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” [xvii].

 

 

Lời kết

 

Chúa là Vua uy quyền, là Cha ở trên trời, là Đấng tạo dựng và yêu thương chúng ta từ ngày đầu tiên chúng ta bước vào cuộc đời, cho đến khi trở về với Ngài. Tình yêu đó được biểu lộ qua nhiều cách thức và trong mọi thời điểm. Nhưng tình yêu đó được đơm bông và kết trái tuyệt hảo nhất qua chính Người Con của Cha, Đức Giê-su Ki-tô. Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giê-su đã chia sẻ cuộc sống của chúng ta trong thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi. Trong hành trình ở trần gian, Ngài đã hướng các môn đệ, tất cả mọi tín hữu ngày xưa cũng như hôm nay về với Cha trên trời. Ngài không chỉ giới thiệu mà còn mở một lối vào cho chúng ta bước vào “căn nhà Cha-con” của Thiên Chúa. Trong căn nhà đó, Đức Giê-su đã dạy chúng ta lời kinh Lạy Cha. Một lời kinh thật gần với cuộc sống thực tế của đời người.

Gần ở chỗ, trước sức mạnh và quyền lực của thần dữ và sự dữ mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày, một mình chúng ta làm sao có thể thắng vượt được. Cha trên trời chính là nơi chúng ta cần hướng về để cầu xin Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự dữ, và đừng để chúng ta sa chước cám dỗ.

Gần ở chỗ, lời kinh dẫn chúng ta đi vào một vấn nạn mà chúng ta gặp mỗi ngày. Đó là sự tha thứ. Thật vậy, cuộc đời ai lại thiếu vắng căng thẳng, thiếu vắng tổn thương và giận hờn, đôi khi còn dẫn đến thù hận. Và ai lại không muốn sống hạnh phúc và an bình, sống trong bầu khí của hòa thuận và yêu thương. Để có được cuộc sống hạnh phúc đó, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta, những phận người tội lỗi. Cũng xin Ngài giúp chúng ta biết ý thức mở lòng, và giúp chúng ta biết tha thứ cho nhau.

Sự gần gũi của lời kinh Lạy Cha còn đi vào trong chính nhu cầu thiết yếu của đời sống làm người. Đó là cơm bánh mỗi ngày mà chúng ta cần tới. Vâng, “chúng ta” chứ không phải chỉ có tôi, hay chỉ có chị hoặc chỉ có anh. Thật vậy, lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày là lời kinh của số nhiều, lời kinh của lòng bác ái xóa đi tất cả mọi vị kỷ tham lam chỉ biết ôm ấp chén cơm tấm bánh cho riêng mình. Nhưng chúng ta chỉ cầu xin cho có cơm và bánh thôi sao? Cơm bánh thật là nhu cầu vật chất thật thiết yếu. Thiết yếu đấy, nhưng nếu chỉ dừng lại ở chén cơm và tấm bánh mì, thì cuộc sống làm người không tìm thấy sự trọn vẹn. Vì vậy, Chúa Giê-su đưa chúng ta vượt trên thế giới của vật chất, để cầu xin Cha ban cho chúng ta lương thực thiêng liêng là Bí Tích Thánh Thể, là món quà niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến.

Trong niềm tin vào Cha trên trời, qua lời kinh Lạy Cha, chúng ta đặc biệt hướng về Cha ở trên trời, để cầu xin cho Danh Cha được cả sáng, và Vương Quốc Cha trị đến. Khi Danh Cha được cả sáng, và Vương Quốc hiện diện trong vinh quang, chúng ta sẽ nhận ra được thánh ý của Cha, thánh ý của tình yêu cao quý, thánh ý cần được thể hiện nơi tất cả mọi loài thụ tạo, cả nơi triều thần thiên quốc lẫn ở cõi trần của con người chúng ta, để nhờ đó mọi loài đều cao rao:

Cha chúng ta ở trên trời vinh hiển muôn muôn đời.

 

 

 

 

[i] X. LUZ U., Das Evangelium nach Mattheus, 1.Band, t. 349.

 

[ii] X. HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, t.123.

 

[iii] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.66.

 

[iv] X. RATZINGER J., Benedilt XVI, Jesus von Nazreth, t.200.

 

[v] X. RATZINGER J., Benedilt XVI, Jesus von Nazreth, t.201, và X. MARTINI, Le notre père, t.24-25.

 

[vi] X. MARTINI, Le notre père, t.25-26 và x. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.134.

 

[vii] X. GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana 1984, t.101.

 

[viii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.138.

 

[ix] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.139.

 

[x] COATHALEM H., Commentaire du livre des Exercices, Collection Christus N.18, Suppléments, Desclée de Brouwer, Paris 1965,  t.304.

 

[xi] X. GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat,t. 103.

 

[xii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.143.

 

[xiii] X. GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat,t. 108.

 

[xiv] X. GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat,t. 108.

 

[xv] X. GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat,t. 110.

 

[xvi] Trích bởi RATZINGER J., Benedilt XVI, Jesus von Nazreth, t.201-202.

 

[xvii] Câu này không có trong bản văn của Mát-thêu, mà chỉ có trong sách Didachè (Giáo huấn của các tông đồ), thế kỷ thứ 2. Và Giáo Hội đã dùng như là câu vinh tụng kết thúc kinh Lạy Cha.

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo.

 

Các sách chú giải và suy niệm kinh Lạy Cha.

 

BONHÖFFER D., Gesammelte Schriften, IV. Band, 3.Aufl., CHR. Kaiser Verlag, München 1975.

BONHÖFFER D., Nachfolge, CHR. Kaiser Verlag, München 1971.

BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux, Cerf, Paris 1968.

DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, 2. Auflage, Knecht Verlag, Frankfurt am Main 1985.

GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, Meditation über das Vaterunser, 3. Auflage, Matthias-Grünewald Verlag, Mainz 1988.

HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987.

HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne, Les Editions Franciscaines, Paris 1995.

HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, Desclée de Brouwer, Paris 1999.

JEREMIAS J., Abba,Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 1966.

JEREMIAS J., Das Vater-Unser, Calwer Verlag, Stuttgart 1962.

MARTINI C. M., Le Notre Pere, Editions Saint-Augustin, Saint-Maurice 2001.

MARTINI C. M., Ne méprisez pas la Parole, Bayard, Paris 2007.

O´ COLLIN G., The Lord´s prayer, Darton, Longman and Todd Ltd., London 2006.

RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, Herder Verlag, 3. Auflage, Freiburg – Basel – Wien 2007.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009.

THERESE d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981.

WENGST Klaus, Didache - Banabasbrief - zweiter Klemensbrief - Schrift an Diognet, Wissenschaftliche Buchgesellschaft, Darmstadt 1984.

 

 

Kinh Thánh và các sách chú giải Kinh Thánh.

 

Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2006.

BILLERBECK P., Das Evangelium nach Matthaüs, I Band,  C.H. Becksche Verlag, München 1922.

BORING E., trong NIB – The new interpreter´s Bible, Volume VIII, Abingdon Press, Nashville 1995.

BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, EKK, III/1, Benzinger Verlag, Zürich 1989.

GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, 1. Teil, Herder Verlag, Freiburg -  Basel - Wien 1986.

HAAG E., Das Buch Jeremia, teil II, 1. Aufl., Patmos Verlag, Düsseldorf 1977.

LUZ Ulrich, EKK, „Das Evangelium nach Matthäus“, 1.Teilband (Mt 1-7), Benziger Verlag und Neukirchener Verlag, Zürich, Einsiedeln, Köln 1985.

MUSSNER Franz, Der Jakobusbrief, 2.Auflage, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Wien, 1967.

SCHWANK B. OSB., Der erste Brief des Apostels Petrus, Patmos Verlag, Düsseldorf 1963.

TRILLING W., Das Evangelium nach Mathaeus, 1.Teil, patmos Verlag, Düsseldorf 1962.

WILCKEN U., EKK, Der Brief an die Römer (Rm 12-16), Benzinger Verlag, Zurich 1982.

ZENGER E., Das Buch Exodus, 3.Aufl., Patmos Verlag, Düsseldorf 1987.

 

Các sách thần học và cách sách thiêng liêng.

 

Dictionnaire de Spiritualité”, Tome XII, Beauchesne, Paris 1984.

Tu luật thánh Biển Đức. Bản tiếng Việt của Đan Viện Thánh Mẫu Maria, Nữ Biển Đức, Thủ Đức (Lưu hành nội bộ).

KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, eine theologie der Schöpfung, Herder Verlag, Freiburg 2006.

Lexikon für Theologie und Kirche”, IX Band, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Rom-Wien 2000

Lexicon für theologie und Kirche”, X Band, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Rom-Wien 2001.

MARTINI, C.M., Mein spirituelles Wörterbuch, Pattloch, Ausburg 1998.

NOUWEN H., The only necessary thing, The Crossroad Publishing Company,New York 1999.

The Theological-Historical Commission for the Great Jubilee of the year 2000, God, the Father of Mercy, Translate from Italian by Robert R. Barr, The Crossroad Publishing Company, New York 1998.

WEIL S., Attente de Dieu, La Colombe, Paris 1950.

 

Linh đạo thánh I-nhã.

 

THÁNH I-NHÃ THÀNH LÔ-GIÔ-LA, Linh Thao, Bản tiếng Việt của Mai Sơn và Nguyễn Công Đoan (lưu hành nội bộ).

COATHALEM H., Commentaire du livre des Exercices, Collection Christus N.18, Suppléments, Desclée de Brouwer, Paris 1965.

GREEN Thomas H., SJ., Weeds among the wheat, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana 1984.

RAHNER K., Betrachtungen zum Ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel Verlag, München, 1965.

 

 

bottom of page