top of page

Phần 05:

PHÚC THAY AI XÓT THƯƠNG NGƯỜI,

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

BẢN PDF

“Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót (Mt 5,7): đó là mối phúc chúng ta nên ao ước đặc biệt trong Năm Thánh này. Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau”. Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông sắc năm Thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa (số 09) liên hệ trực tiếp đến Mối Phúc chúng ta suy niệm.

 

Với Mối Phúc nói về lòng thương xót, chúng ta bắt đầu phần thứ hai của các Mối Phúc trong Phúc Âm Mát-thêu. Bốn Mối Phúc đầu tiên nhắc đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, cũng như niềm tin vào Thiên Chúa, và sự khao khát tìm gặp Ngài. Còn bốn Mối Phúc kế tiếp nhắc đến tương quan của chúng ta với nhau, với tha nhân bên cạnh. Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, và có tâm hồn nghèo khó, có tinh thần hiền lành khiêm nhường như Đức Ki-tô, và cùng với Ngài đón nhận những đau khổ xảy đến, cũng như cả cuộc đời luôn khát khao sống sự công chính, khát khao thánh ý của Thiên Chúa, thì người đó sẽ nhận ra rằng, tương quan của mình với anh chị em cũng cần được thay đổi. Yêu Chúa và yêu người là hai tinh thần luôn đi chung và tương hợp với nhau. “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Ai tách lìa hai tinh thần này ra khỏi nhau, thì chưa sống trọn vẹn tinh thần của Đức Ki-tô.

 

  • Thuật ngữ thương xót.

 

Mối Phúc thứ năm này trong mạch văn có một điểm đặc biệt. Đó là từ ngữ “thương xót” được nhắc đến hai lần trong vế đầu và trong vế cuối: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Còn ở các Mối Phúc trước, chúng ta thấy các cặp sau: tâm hồn nghèo khó và Nước Trời; hiền lành và được Đất Hứa; sầu khổ được Thiên Chúa ủi an; và khát khao nên người công chính được Thiên Chúa cho thoả lòng. Để giúp cho việc suy niệm về Mối Phúc này, giờ đây xin tìm hiểu về ý nghĩa của từ ngữ thương xót.

 

Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo Cantalamessa, từ ngữ này có hai ý nghĩa nền tảng. Thứ nhất từ ngữ thương xót ngụ ý nói về thái độ của bên mạnh hơn (trong một hiệp ước, hay chỉ về Thiên Chúa) đối với bên yếu hơn, và thường thì diễn tả sự tha thứ cho những người bất tín và tội lỗi. Ý nghĩa thứ hai ngụ ý nói về thái độ hướng đến những hoàn cảnh bất hạnh và khổ đau của người khác (không nhất thiết là những người tội lỗi), và ý nghĩa này được diễn tả trong các hành động nhân hậu và thương xót. Như thế, có thể nói đó là lòng thương xót của trái tim và lòng thương xót của đôi tay.[i]

 

Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót là hesed. Hesed diễn đạt những ý nghĩa như ân huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesed vượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài. Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người. Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt vì những tội lỗi họ gây ra. Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[ii]

 

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ eleao có ý nghĩa là thương xót, cảm thông. Theo Walter Kasper, Aristoteles là người đầu tiên đưa ra định nghĩa cho từ ngữ thương xót. Cụ thể hơn, Aristoteles đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm của người khác dù không lầm lỗi gì nhưng phải chịu đau khổ cũng làm cho chúng ta bị ảnh hưởng hay cũng đụng chạm tới chúng ta, bởi vì sự đau khổ đó có thể xảy ra với chúng ta. Qua đó, chúng ta sẵn lòng chia sẻ với họ sự đau khổ đó. Trong sự chia sẻ với những nạn nhân phải chịu đau khổ, có hai tâm tình được biểu lộ. Đó là tâm tình cảm thông và đoàn kết. Các Giáo Phụ đã đón nhận cách giải thích của Aristoteles về sự thương xót. Thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô đều đã giải thích sự thương xót ở trong ý nghĩa “trái tim dành cho những người đau khổ”.

Trong tiếng La-tinh thương xót là misericordia. Cor nghĩa là trái tim và miseri nghĩa là những người nghèo. Như vậy cả hai vị thánh đều theo ý hướng của Aristoteles: “miserum cor habens super miseria alterius – Có một trái tim biết khổ đau đối với đau khổ của những người khác”. Lòng thương xót và cảm thông này đối với thánh Âu-tinh và thánh Tôma A-qui-nô, không chỉ nằm ở trên phương diện cảm giác, hay chúng không chỉ mang dáng dấp của tình cảm, mà còn hướng tới một hành động, tìm cách để chiến đấu cũng như loại bỏ những đau khổ.[iii]

 

Trong Tân Ước, lòng thương xót trong bản văn tiếng Hy-lạp là eleemosyne, có nghĩa là yêu thương người nghèo, và giúp đỡ họ. Trong bản văn của Mát-thêu về Mối Phúc thương xót, từ ngữ được dùng trong tiếng Hy-lạp là eleemon, cũng mang ý nghĩa thương xót và cảm thông, ở đây Chúa Giê-su muốn nói về hành động đúng đắn của người môn đệ là biết sống cảm thông và thương xót.[iv]

 

Từ ngữ thương xót trong tiếng Đức là Barmherzigkeit. Trước hết, trong từ ngữ này có từ Herz – trái tim (tâm hồn). Theo Schellenberger, trong lịch sử phát triển của tiếng Đức, thì vào thế kỷ 11, từ ngữ armselig có nghĩa tương đương với từ ngữ thương xót trong tiếng La-tinh misericors. Nếu dịch sát nghĩa là “có tâm hồn nghèo khó”.  Danh từ là misericodia, từ tiếng Đức dịch sát nghĩa là Armseligkeit. “Armseligkeit được nêu ở đây, vì từ ngữ này liên hệ chặt chẽ với một tâm hồn nghèo khó”. Tu sĩ Christian von Stablo đã viết như vậy vào năm 865. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó trong tâm hồn, để qua đó Ngài có được trái tim nghèo khó như chúng ta có. Như thế, Chúa trở nên nghèo như chúng ta là người nghèo.

 

Ở đây, Schellenberger đã giải thích khá thú vị. Từ ngữ nghèo - Armut trong tiếng Đức, khi liên hệ đến tương quan thương xót của Chúa (Đấng trở nên nghèo) dành cho chúng ta là người nghèo, thì được biến đổi thành B(i)-Armherzigkeit trong tiếng Đức. Như thế, khi Chúa Giê-su chúc phúc cho những người sống tinh thần thương xót, thì cũng liên hệ đến chính Ngài. Chúa Giê-su chính là lòng thương xót - B(i)-Armherzigkeit của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa trong Chúa Giê-su đã tự đồng hoá với con người, và con người cũng được đồng hoá với Chúa, khi con người sống đúng tinh thần thương xót – barmherzig của Chúa. Như thế lòng thương xót – Barmherzigkeit ngụ ý chỉ về tương quan của hai người trong cùng một tâm tình và hoàn cảnh, vì người ban tặng và hiến dâng đã tự mình bước vào hoàn cảnh của người đón nhận.[v]

 

Còn trong tiếng Việt, từ điển Khai Trí đã định nghĩa từ ngữ thương: (1) Thương là yêu (mẹ thương con, vợ thương chồng…). (2) Thương là đau đớn xót xa (thương người nghèo khó, thương thân, thương tâm). Ngoài ra còn có những từ như thương cảm, thương hại trong ý nghĩa thương xót (thương hại cho thằng bé mới lọt lòng mà đã mồ côi).[vi] Đọc trong Từ điển Công Giáo 500 mục từ, từ ngữ lòng thương xót (liên ái, Misericordia, Mercy, Miséricorde) được giải thích như sau: “Thương: đau lòng. Xót: thương sâu xa. Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thương được thể hiện bằng hành động cụ thể, như việc giúp đỡ hay ủi an”.[vii] Hơn nữa, từ ngữ lòng thương xót này rất gần với từ ngữ lòng nhân hậu. Nhân: lòng thương yêu; hậu: sâu nặng. Nhân hậu: lòng thương yêu sâu nặng. Người có lòng nhân hậu luôn mong muốn và thực hiện điều tốt hoàn toàn vì lợi ích của người khác.[viii]

 

Như thế, từ ngữ thương xót luôn là đề tài quan trọng trong Ki-tô giáo. Vì từ ngữ này gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của Ki-tô hữu. Vì thế, một cách nào đó, có thể nói rằng, từ ngữ “thương xót” là từ ngữ điển hình của Ki-tô giáo. Nếu chiêm ngắm lại những biến cố xảy ra trong những thập niên vừa qua, người Ki-tô hữu càng thấy giá trị cao quý và quan trọng của lòng thương xót. Trong tác phẩm Barmherzigkeit – Lòng thương xót của Thần học gia ĐHY. Walter Kasper, có chương với tựa đề Barmherzigkeit – ein aktuelles, aber vergessenes Thema – Lòng thương xót, một đề tài có tính hiện tại nhưng lại bị lãng quên. Và Kasper đã mời gọi mọi người cùng suy tư về lòng thương xót, và có thể nói cùng kêu gọi đến lòng thương xót – Schrei nach Barmherzigkeit. Nếu chúng ta đồng ý bước vào hành trình suy tư này, cụ thể hơn bước vào hành trình suy niệm Mối Phúc về lòng thương xót, chúng ta cùng lật lại sách Thánh Kinh, để khám phá ra tầm quan trọng của lòng thương xót.

 

  • Sứ điệp lòng thương xót trong Cựu Ước.

 

Trong Cựu Ước, từ ngữ lòng thương xót được nhắc đến khoảng 400 lần (tính theo sự xuất hiện của từ ngữ rachamim và hai từ ngữ khác có sự liên hệ gần gũi là hesed và hen).  Các tác giả của Cựu Ước đặc biệt đã nhắc đến từ ngữ rachamim, có nghĩa là tấm lòng (entrailles), là tử cung (utérus) của người mẹ mang thai đứa con của mình trước khi sinh ra em bé. Tấm lòng, trong chiều sâu, diễn tả không gian trong người phụ nữ có hướng nhìn về người khác. Nghĩa là, trong ý nghĩa của Thánh Kinh mang tính cách nhân chủng học, tấm lòng diễn tả một nơi chốn là nguồn mạch của mọi cảm xúc, là nguồn mạch sâu xa nhất của tình yêu. Tình yêu này được biểu lộ như là lòng từ bi: tình yêu nội tâm, mãnh liệt, thương xót. Ở đây, chúng ta có thể nhớ đến một đoạn của tiên tri I-sai-a: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?Cho dù nó có quên đi nữa,thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).[ix]

Lòng của người mẹ chỉ được hiểu cách trọn vẹn, khi hướng về trái tim, về tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình. Như thế, để hiểu được lòng thương xót, theo Kasper, thì cần phải trở về và suy nghĩ về từ ngữ trái tim trong Thánh Kinh (leb, lebab, cardia). Trong ý nghĩa Thánh Kinh, từ ngữ trái tim không chỉ biểu lộ cách đơn giản về một bộ phận quan trọng nhất của sự sống, mà nhìn theo phương diện nhân chủng học, trái tim diễn tả trung tâm điểm của con người, là nguồn mạch của mọi cảm xúc và của mọi khả năng phán đoán. Ở đây, chúng ta nhớ đến các bài Thánh Vịnh trong Cựu Ước mang tính cách kêu than, tới bài hát ai oán của Giê-rê-mi-a, tới lời than van kêu gào của Vua Đa-vít về cái chết của con trai là Áp-sa-lon (x.2Sam 19). Chúa Giê-su cũng phẫn nộ và buồn rầu về sự cứng lòng của nhóm Pha-ri-sêu: “Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (Mc 3,5), cũng như Ngài chạnh lòng thương dân chúng: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).

Thánh Kinh đi xa thêm một bước, khi nói về trái tim của Thiên Chúa trong ý nghĩa thần học. Thiên Chúa chọn con người theo trái tim của Ngài: “Nhưng bây giờ vương quyền của ngài sẽ không đứng vững. Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn, và Đức Chúa đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Người” (1Sam 13,14). “Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta” (Cv 13,22).[x] Những hành động của Thiên Chúa luôn là hành động của trái tim, hành động chan chứa lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại. Điều này, Thiên Chúa đã tỏ lộ ngay trong việc sáng tạo của Ngài.

 

- Hành động của Thiên Chúa đối diện với sự hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi.

 

Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được biểu lộ qua từ ngữ, mà đặc biệt qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Lật lại các trang Thánh Kinh về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta khám phá được lòng thương xót sâu xa của Thiên Chúa. Qua việc sáng tạo, Thiên Chúa đã làm mọi sự đều tốt đẹp và rất tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Đặc biệt, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, với người nam và người nữ. Ngài đã chúc lành cho con người, và con người cần sinh sôi nảy nở khắp mặt đất. Ngài còn trao trách nhiệm cho con người coi sóc và làm thăng tiến mọi loài thọ tạo (x.St 1,17-30; 2,15). Tất cả tốt đẹp và rất tốt đẹp.

Tuy nhiên, lập tức câu chuyện lại tiếp tục với một thảm hoạ. Con người lại muốn giống như Chúa và muốn tự vinh danh mình, và muốn mình có khả năng biết điều thiện điều ác. Sự lạ lẫm của con người với Thiên Chúa dẫn đến sự lạ lẫm của con người với nhau, và của con người với thiên nhiên. Trái đất giờ đây mang vào mình biết bao nhiêu gai nhọn, và mọi người phải cực nhọc vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm việc cho sự sống còn. Mầm sống mới giờ đây chỉ có thể được sinh ra trong đau đớn. Phụ nữ và nam giới trở nên xa lạ với nhau (x.St 3,16-19). Còn cả chuyện anh em ruột Ca-in và Aben giết hại lẫn nhau nữa (x.St 4). Sự dữ lớn mạnh như những cơn bão tuyết. Trái tim và những giác quan của con người ngày càng nhuốm màu của sự dữ (x.St 6,5).

 

Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không để cho thế giới và con người tiếp tục sống trong thảm hoạ, và tiếp tục rơi vào trong khổ đau. Từ khởi đầu Thiên Chúa nhiều lần đã ra tay can thiệp với những biện pháp khác nhau, để chống lại tội lỗi và sự dữ. Ngài luôn có những hành động tương phản đối với sự hỗn loạn và với những thảm hoạ xảy ra. Từ ngữ lòng thương xót không xuất hiện trong các chương đầu của sách Sáng Thế, nhưng hành động của Thiên Chúa ngay trong câu chuyện sáng tạo diễn tả rất rõ ràng lòng thương xót của Ngài. Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21). Hơn nữa, dù có phạt Cain về tội giết em, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ Cain, Ngài đã ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông không giết ông (x.St 4,15). Cuối cùng Thiên Chúa đã tạo cho ông Nôe một cơ hội mới để bắt đầu một cuộc sống mới, sau trận lụt hồng thuỷ. Thiên Chúa đã ban phúc lành cho ông Nôe và con cháu ông, Ngài lập lại trật tự và ký kết giao ước tình yêu che chở con người mang hình ảnh của Ngài (x.St 8 và 9).

Nhưng như vậy cũng chưa đủ cho con người. Tính kiêu căng của con người không có điểm kết. Con người lại xây dựng tháp Babel cao ngất tới trời cao. Sự kiêu ngạo đã đưa con người tới tình trạng hỗn loạn của ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất (x.St 11). Một lần nữa Thiên Chúa lại không để con người bất trung và bội phản cô đơn lẻ loi với số phận của họ. Ngài đã chống lại hỗn loạn và thảm hoạ. Với việc kêu gọi ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (x.St 12,1-3). Với Áp-ra-ham Thiên Chúa viết trang sử cứu độ con người. Trong Áp-ra-ham, tất cả mọi người trên trái đất được Thiên Chúa chúc phúc. Trong câu chuyện của Áp-ra-ham, người ta có thể đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa (x.St 24,12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi. Ngay từ ngày đầu tiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực hiện rõ ràng. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là cách thức hành xử của Thiên Chúa với sự dữ luôn đe doạ con người. Cách hành xử và hành động xót thương của Thiên Chúa tương phản với sự dữ và hỗn loạn cùng thảm hoạ của nó, và cách hành xử và hành động của Thiên Chúa không nhuốm màu bạo lực. Ngài không tự nhiên xen vào ngay, nhưng với lòng thương xót Ngài tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành.[xi]

 

- Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính tên của Ngài.

 

Câu chuyện sáng tạo đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sau đó đã mặc khải cho Mô-sê tên của Ngài trong biến cố ở tại bụi gai trên núi Hô-rép. Nơi đây, Thiên Chúa đã tự mặc khải là Thiên Chúa của Ap-ra-ham, của I-sa-ác, và của Gia-cóp (x.Xh 3,6). Thiên Chúa của các tổ phụ luôn nhìn đến những nối thống khổ của dân Ngài và lắng nghe tiếng kêu than của họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8). Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận nỗi khốn cùng của con người, Ngài nói, Ngài hành động và can thiệp, Ngài giải phóng và cứu độ.

 

Công thức “JHWH,” Đấng dẫn đưa dân Ngài ra khỏi Ai-cập, trở thành một cách diễn tả niềm tin nền tảng trong Cứu Ước: “Ta là JHWH-Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Bốn mẫu tự này trong tiếng Híp-ri được tranh cãi và giải thích rất nhiều rồi, nhưng với người Do Thái đạo đức thì bốn mẫu tự này rất là thánh thiêng, đến nỗi họ không được phép phát âm bốn mẫu tự đó hay từ ngữ đó. Trong bản văn tiếng Việt của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ, bốn mẫu tự này được chuyển ngữ là Ta là Đấng hiện hữu. Cha Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ là Ta có sao Ta có vậy. Bản văn đại kết của tiếng Đức Einheitsuebersetzung, dịch là Ich bin der ich bin da. Trong bản TOB của tiếng Pháp là: Je suis qui je serai. Còn trong bản tiếng Anh của the New Jerusalem Bible thì: I am he who is.

 

Theo Kasper, trong tư tưởng của người Do Thái, sein (động từ là – hiện hữu) không diễn tả một trạng thái yên tĩnh, mà diển tả một năng động lớn. Nói khác đó, trong tư tưởng của người Do Thái, sein có nghĩa là một sự hiện hữu cụ thể có nhiều ảnh hưởng và ảnh hưởng mạnh mẽ. Như thế, việc mặc khải của Thiên Chúa: ta là Đấng hiện hữu, diễn tả Thiên Chúa hiện hữu trên con đường cuộc sống của con người, và Ngài ở với con người trong những lúc con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngài lắng nghe những lời kêu than của con người. Sự mặc khải tên của Thiên Chúa là một xác nhận cho giao ước giữa Thiên Chúa và con người: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa các ngươi” (Xh 6,7). Sự hiện hữu của Thiên Chúa là sự hiện hữu cho dân Ngài và với dân Ngài. Từ ngữ lòng thương xót chưa xuất hiện trong mặc khải của Thiên Chúa trên núi Hô-rép, nhưng đã được diễn tả qua tên của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và hiện hữu cho và với dân Ngài.

Tiếp nối với biến cố mặc khải ở Hô-rép là mặc khải ở núi Si-nai. Bối cảnh của câu chuyện là dân Ít-ra-en được Chúa giải thoát khỏi sự nô lệ ở Ai-cập, và Thiên Chúa trao cho dân Ngài Mười Điều Răn (x.Xh 20,1-21). Nhưng ngựa quen đường cũ, dân Ít-ra-en lại bội tín và bất trung, chạy theo các thần thánh lạ lẫm và thờ lạy con bò vàng. Thiên Chúa đã giận dữ và muốn trừng phạt dân Ít-ra-en. Mô-se đã cầu xin với Thiên Chúa và nhắc Ngài nhớ đến lời hứa của Ngài. Ông đã cầu xin Chúa lòng thương xót và ân sủng: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài”. Một lần nữa Chúa đã mạc khải tên của Ngài: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương (hen) ai thì thương, xót (rachamin) ai thì xót” (Xh 33, 19). Lòng thương xót của Thiên Chúa ở đây được diễn tả với quyền năng và sự tự do tuyệt đối của Ngài. Thiên Chúa không quen với bất cứ cái khung đóng kín nào, chuẩn mực nào, ngay cả sự công bình theo nghĩa bình thường. Lòng thương xót của Thiên Chúa tương hợp với chính tên của Ngài. Ngài ra lệnh cho Mô-se hoàn thành bản Mười Điều Răn, Ngài không để cho dân của Ngài, dù bất trung và bội tín, rơi vào hố sâu của khổ đau mà không có lối ra. Thiên Chúa làm mới giao ước của Ngài với dân Ngài, và ban cho dân những cơ hội mới. Thiên Chúa làm điều này với tất cả sự tự do và đó là ân sủng hoàn toàn dành cho dân Ngài.

Biến cố mạc khải thứ ba về tên của Thiên Chúa cho Mô-se vào một buổi sáng khác. “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Trong lần mặc khải này, lòng thương xót còn được diễn tả với sự trung tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa trung tín với dân Ngài, dù dân Ngài có bội tín đến mấy. Đó là bản chất đích thật của Thiên Chúa: nhân hậu giàu lòng thương xót và trung tín. Trong các sách khác của Cựu Ước đều nhắc đến Thiên Chúa với lòng xót thương và trung tín.[xii]

 

- Sự bất trung của con người đối diện với lòng thương xót trung tín của Thiên Chúa.

 

Theo Kasper, cao điểm của mặc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa được tiên tri Hô-sê diễn tả. Tiên tri Hô-sê sống trong bối cảnh bi thảm suy sụp của dân tộc Ít-ra-en trong vòng 20 năm, khiến vùng Sa-ma-ri bị xâm chiếm và dân chúng phải lưu đày. Bối cảnh bi thảm này tương hợp với sứ điệp mạnh mẽ được viết trong sách của tiên tri Hô-sê. Hô-sê đi vào lịch sử như vị ngôn sứ bị vợ lừa dối, nhưng vẫn hằng yêu mến nàng. Đó cũng là hình ảnh của dân Ít-ra-en bất trung và bội tín với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn thương xót dân của Ngài. Tiên tri Hô-sê đã tố cáo một dân sống dửng dưng, và ông tiếp tục rao giảng trong lúc vương quốc sắp sụp đổ, ông báo trước hình phạt dành cho dân vô trách nhiệm và bất trung với Giao Ước. Bên cạnh đó, Hô-sê hiểu Thiên Chúa là nhà giáo dục và Người có lý do để răn đe và cho phép những tai hoạ xảy ra. Chính nhờ phương thế này, mà Ít-ra-en quay trở về. Thiên Chúa, Đấng trung tín và đầy lòng thương xót, lại cầm tay của dân Người và cứu độ họ. Tuy nhiên, lúc đầu Thiên Chúa đã quyết định không còn tỏ lòng thương xót với dân bất trung nữa (x.Hs 1,6), và dân của Ngài không còn là dân của Ngài nữa (x.Hs 1,9). Với quyết định đó, tưởng chừng tất cả mọi viễn tượng tương lai của dân Ít-ra-en tan thành mây khói, nhưng có một khúc quanh quyết định:

“Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!

Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!

Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,

để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?

Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8).

 

Thiên Chúa biểu lộ sự cảm thông với dân Ngài, và Ngài không muốn hoàn toàn trừng phạt dân Ngài. Lòng thương xót này tương hợp với chính Thiên Chúa, Đấng hiện hữu cho và với con người, đặc biệt khi con người rơi vào hố sâu tối tăm. Đó là cách hành xử của Thiên Chúa, của Đấng Thánh, chứ không phải của người phàm:

“Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.

Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,

và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,9).

 

Như thế, Thiên Chúa thánh thiện không tỏ mình ra trong phẫn nộ và giận dữ, mà Ngài tỏ mình ra trong lòng thương xót và nhân hậu. Thật vậy, lòng thương xót chính là cách diễn đạt sống động về bản chất của Thiên Chúa. Với những tâm tình của tiên tri Hô-sê, chúng ta nhận ra ở trong chiều sâu, Thiên Chúa trong Cựu Ước không phải là Thiên Chúa của giận dữ mà là Thiên Chúa của lòng thương xót. Ngài cũng không dửng dưng với các đau khổ của con người. Ngài là Thiên Chúa có một trái tim hoá giải mọi sự giận dữ, và biến đổi mọi sự trong lăng kính của lòng thương xót. Qua đó, một đàng Thiên Chúa tự tỏ ra rất gần gũi với con người, đàng khác Ngài lại mặc khải chính mình hoàn toàn khác với tất cả mọi sự thuộc về con người. Ngài mặc khải chính Ngài là Đấng Thánh, là Đấng hoàn toàn khác với con người. Bản chất phân biệt Ngài với con người chính là lòng thương xót vô bờ bến của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sự cao cả đầy quyền năng của Ngài, một bản chất thánh thiện. Quyền năng của Thiên Chúa ở đây được diễn tả mạnh mẽ qua sự tha thứ của Thiên Chúa đối với dân bất trung của Ngài. Tha thứ gắn chặt với lòng thương xót thuộc về bản chất thánh thiện của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,

giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 86,5).

 

Thiên Chúa nhân hậu đầy lòng thương xót vượt trên mọi thước đo và chuẩn mực của con người. Các tư tưởng thần học dù có hay đến mấy cũng không thể nhốt Thiên Chúa vào trong những khuôn chữ thông minh mang tính cách con người. Khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, con người không thể dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả cho hết được. Chúng ta chỉ có thể chân nhận rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa là một sự mặc khải về sự siêu việt của Ngài vượt trên mọi điều và mọi sự mang tính cách con người, và vượt trên cả mọi sự tính toán của con người. Thật vậy, đừng có giỡn chơi với Chúa, đừng có giam giữ Thiên Chúa vào tư tưởng của con người. Vì thế, Thiên Chúa giàu lòng xót thương không đơn giản là một Thiên Chúa tốt bụng không màng tới những điều xấu xa và tội lỗi của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa hướng chúng ta về với sự khác biệt trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng như hướng chúng ta về sự thánh thiện hoàn hảo không thể hiểu thấu của Ngài, và đó cũng là cách diễn đạt của tình yêu Thiên Chúa luôn tuôn tràn đầy ân sủng.[xiii]

 

- Lòng thương xót, sự thánh thiện, sự công chính và trung thành của Thiên Chúa.

 

Lòng thương xót của Thiên Chúa được trải dài trong lịch sử cứu độ, từ công trình sáng tạo đến các cuộc mặc khải của Ngài cho Mô-sê, và các tiên tri cũng đã khám phá lòng thương xót của Chúa, đặc biệt là tiên tri Hô-sê. Nơi tiên tri Hô-sê, lòng thương xót của Thiên Chúa liên hệ chặt chẽ với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Kasper còn nhấn mạnh thêm rằng, lòng thương xót gắn liền với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Qua đó, sự thánh thiện của Chúa nói lên sự khác biệt và sự vượt trổi của Thiên Chúa so với những gì thuộc về trần thế và thuộc về sự dữ. Sự thánh thiện này, tiên tri I-sai-a đã nhắc đến với ba lần cao rao: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3).

 

Trước những lời tung hô đó con người cần phải cẩn trọng, không được xúc phạm đến Thiên Chúa, không được coi thường Ngài và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, con người cũng không được phép biến Thiên Chúa thánh thiện và tràn đầy lòng thương xót, thành một người ngốc nghếch không biết gì. Và con người cũng không được phép lấy Thiên Chúa ra làm trò cười cho mình, hay chế diễu Thiên Chúa. Con người là ai? Trí thông minh con người lớn cỡ nào? Sức con người mạnh đến mấy? Một cơn gió thổi qua cũng đủ làm cho những con người thông minh nhất, kiêu hãnh nhất và mạnh mẽ nhất có thể gục ngã. Thiên Chúa thương xót con người. Đó là một điều rất tuyệt vời mà con người cần chiêm ngắm và cảm tạ. Trong chính lòng thương xót của Chúa, Chúa chỉ cho chúng ta thấy bản chất thánh thiện của Ngài.

Vì sự thánh thiện này, Thiên Chúa luôn chống lại sự dữ. Thánh Kinh nhắc đến sự giận dữ của Thiên Chúa trong sách tiên tri Nakhum: “Đức Chúa là Thiên Chúa ghen tương và báo oán, Đức Chúa là Đấng báo oán: Người nổi cơn lôi đình, Đức Chúa báo oán những kẻ thù địch, những kẻ thù của Người, Người tỏ lòng oán hận” (Nk 1,2).

Chắc chắn có nhiều người không thể chấp nhận hình ảnh của Thiên Chúa giận dữ như vậy. Điều đó cũng đúng thôi. Tuy nhiên, sự phẫn nộ này của Thiên Chúa không phải là sự tức giận mang tính cách tình cảm (emotionel), mà là thái độ mạnh mẽ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi và những bất công. Cho nên, tức giận ở đây có thể nói là một cách thức diễn đạt đầy năng động và mạnh mẽ về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì thế, mà sứ điệp của ngày Chúa phán xét không được phép bỏ qua trong các chú giải.

Sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn tương hợp với sự công chính của Ngài. Trong Cựu Ước, suy nghĩ về luật lệ và sự công chính luôn là những suy nghĩ nền tảng và quan trọng. Vì sự thánh thiện của Thiên Chúa, nên Ngài không thể làm gì hơn là trừng phạt sự dữ và ân thưởng sự tốt lành. Nhưng người đạo đức của Cựu Ước luôn hy vọng vào sự mặc khải về sự công chính mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa (x.Ps 5-9; 67,5; 96,13; 98,9). Một niềm hy vọng cánh chung mong chờ ngày Đấng Mê-si-a công chính sẽ đến: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11,3-4).

Sự công chính và công lý ở trong một thế giới bất công, đã là một hành động của lòng thương xót đối với những người thấp cổ bé miệng. Như vậy, sứ điệp của lòng thương xót không phải là một ân ban rẻ tiền. Thiên Chúa cũng chờ đợi nơi con người chúng ta hành động đúng đắn theo luật lệ và sự công chính: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5,24). “Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không? Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12). Như thế, lòng thương xót không đối nghịch với sự công chính và công lý. Trong lòng thương xót, Thiên Chúa dừng cơn giận dữ của Ngài lại, và ban tặng cho con người những cơ hội mới để sám hối ăn năn trở về. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban tặng cho người tội lỗi thời gian ân huệ, và mong muốn sự quay về của họ. Cuối cùng, lòng thương xót là ân sủng giúp con người ý thức ăn năn sám hối trở về với Đấng yêu thương.

“Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.

Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,
Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.

Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.

 

Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,7-10).

 

Với lời này, tiên tri I-sai-a muốn diễn tả rằng, lòng thương xót chính là sự công chính rất năng động và đầy sức sáng tạo của Thiên Chúa. Lòng thương xót vượt trên những lô-gíc sắt đá của cuộc đời là mang tội thì bị phạt. Nhưng lòng thương xót không bao giờ đối nghịch với sự công chính và công lý. Hơn nữa, lòng thương xót phục vụ cho sự công chính và công lý. Thiên Chúa xót thương không phải là một quan toà nghiêm khắc xét xử mọi người theo lề luật đã được đặt sẵn. Thiên Chúa cũng không phải là một quan chức thực thi theo những quy định đã được đề ra. Ngài thực hiện luật lệ với quyền năng của Ngài. Sự tự do đầy quyền năng của Thiên Chúa cũng không phải là sự tự do tuỳ tiện và cũng không mang tính cách theo hứng, mà là một hành động của sự trung thành của Thiên Chúa.

 

Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự trung thành của Ngài, như tiên tri Hô-sê đã diễn tả. Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cách tuyệt đối trong sự tự do tuyệt đối của Ngài. Con người có thể tin tưởng vào Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh con người có thể cậy dựa vào Ngài. Niềm tin tuyệt đối luôn được hướng về Thiên Chúa. Niềm tin không đơn giản có ý nghĩa là công nhận điều gì là thật. Niềm tin có ý nghĩa là trong sự chân nhận sự thật, con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin của mình vào Ngài, hoàn toàn bám chặt vào Chúa và đứng vững trong Chúa. Nói khác đi, niềm tin là tín thác hoàn toàn vào sự trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa.“Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). “Cứ tin tưởng vào Người, các ngươi sẽ tồn tại” (2Sb 20,20).[xiv]

 

- Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến cuộc sống.

 

Sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, mà còn rất gần với thực tế của cuộc sống, và với đời sống xã hội của con người. Vì tội lội đã phạm, nên con người đáng phải chết, nhưng với lòng thương xót Thiên Chúa đã tha thứ, gìn giữ con người trong sự sống, và còn ban tặng sự sống mới cho con người. Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa của sự chết, mà là Thiên Chúa của sự sống. Ngài không bao giờ mong muốn con người phải chết, mà Ngài ước mong con người được sống và sống dồi dào hơn. Thiên Chúa chẳng bao giờ vui sướng về cái chết của những người tội lỗi, mà Ngài chỉ mong chờ sự ăn năn sám hối trở về của tội nhân, để họ tiếp tục sống là con cái được Thiên Chúa yêu thương. “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Chúa Giê-su đã đón nhận sứ điệp của Cựu Ước và luôn nhắc lại rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).

Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa chính là sức mạnh của Thiên Chúa, sức mạnh gìn giữ, khuyến khích, tái lập, xây dựng và thăng tiến sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên cái lô-gíc công lý của con người, công lý luôn chú ý đến hình phạt và cái chết đáng ban tặng cho người có tội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mong muốn sự sống. Trong sự trung tín với Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân của Ngài và với lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa gầy dựng lại tương quan giữa Ngài với dân của Ngài, tương quan đã bị tội lỗi làm cho đổ vỡ. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ưu tiên cho sự sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã diễn tả rõ ràng rằng, Thiên Chúa chúng ta tin không phải như Nietzsche nghĩ: Thiên Chúa là kẻ thù của sự sống. Với chúng ta, Thiên Chúa là sức mạnh (x.Tv 27,1), Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống (x.Tv 36,10). Ngài là người bạn của sự sống: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).[xv]

 

- Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối.

 

Sự ưu tiên đặc biệt của Thiên Chúa luôn là ưu tiên chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối. Khi dân tộc Ít-ra-en còn nghèo nàn và sống ở Ai-cập, họ đã được Thiên Chúa chú ý thương yêu và cứu thoát đưa ra khỏi Ai-cập và đến vùng đất Chúa hứa. Điều này vẫn luôn luôn ở trong tâm thức của dân Ít-ra-en. Khi dân Ít-ra-en đến được vùng đất hứa, Thiên Chúa lại chú ý đặc biệt đến những người khốn cùng, nghèo khổ và yếu đuối đang sống trong vùng đất hứa này. Điều này được diễn tả qua các giới luật cấm ức hiếp và bóc lột những người ngoại kiều, những phụ nữ goá bụa và các trẻ em mồ côi (x.Xh 22,20-26), cũng như luật che chở người nghèo hèn trước toà án (x.Xh 23,6-8). Sách Lê-vi còn viết ra luật lệ giúp mọi người cần có thái độ tốt trong tương quan xã hội: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19,13-18).

Trong bài ca tạ ơn của bà Hanna, mà Mẹ Maria sau này đã lấy phần nào để hát lên bài ca Magnificat, có câu: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (2Sm 2,8). Cũng cần nhắc đến lề luật của ngày Sa-bát: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (Xh 23,12).

Còn trong sách Đệ Nhị Luật, có phác thảo về một dân tộc không có người nghèo và cô đơn lẻ loi: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh (em) trong miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu” (Đnl 15,4). Và còn nhiều giới luật bênh vực người ngoại kiều, cô nhi quả phụ và người nghèo khổ. Sự chăm sóc của Thiên Chúa và sự chú ý của Ngài dành cho người nghèo cũng được diễn tả rõ rệt trong sách của các tiên tri. Thiên Chúa lên án những người bóc lột, và bênh vực những người nghèo khổ bị bóc lột và ngược đãi (x.Am 2,6-8; 4,1.7-12; 8,4-7). Thiên Chúa luôn quan tâm chú ý đến người nghèo khổ và không bao giờ bỏ rơi họ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ta sẽ không bỏ rơi chúng” (Is 41,17). Tiên tri I-sai-a cũng nói rằng, Đấng Mê-si-a sẽ đến với những người nghèo khổ:

“Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1).

        

Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa giàu lòng xót thương luôn chú ý đặc biệt đến những người nghèo khổ bất hạnh và yếu đuối. Ngài sẵn sàng bênh vực và chở che họ. Trong nhà Ngài luôn có chỗ cho họ, ngôi nhà tràn đầy lòng xót thương của Thiên Chúa quyền năng và trung tín.[xvi]

 

- Tán tụng lòng thương xót của Thiên Chúa trong các Thánh Vịnh.

 

Như là các lời thơ, Thánh Vịnh đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa rất đẹp và phong phú. Ở đây trong phạm vị hạn hẹp, chúng ta chỉ có thể đọc một số Thánh Vịnh: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời“ (Tv 23,6). “Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa” (Tv 25,10). “Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh, lòng thành tín vượt ngàn mây biếc” (Tv 36,6). “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,13). Kế bên các Thánh Vịnh tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thấy những lời kêu xin lòng thương xót Chúa: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4,2). Đặc biệt cần nhắc đến Thánh Vịnh 51 của Vua Đa-vít diễn tả sự ăn năn hối cải về tội lỗi ông đã phạm với bà Bát-se-va, vợ của ông U-ri-a:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm,

lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 51,3-5).

 

Sau lời kêu van lòng thương xót của Chúa, là các lời tri ân Chúa đã thương xót dân Ngài: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106,1), vì “Chúa cứu họ khỏi tay người ghen ghét, giải thoát họ khỏi tay địch thù” (Tv 106,10). Đặc biệt trong Thánh Vịnh 136, lời tạ ơn Chúa Đấng giàu lòng xót thương được nhắc đi nhắc lại đến 26 lần: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Với Thánh Vịnh 136, tác giả muốn mời gọi chúng ta hãy cảm tạ Gia-vê, vì Người tốt lành, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Hãy cảm tạ Chúa của cả chư thần, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! Hãy cảm tạ Chúa của các Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Dân Ít-ra-en hát lên lời tạ ơn trong dịp đại lễ Vượt Qua, kể lại tất cả những kỳ công Thiên Chúa từ lúc tạo dựng cho đến khi giải phóng và ngày ngày vẫn chăm sóc cho họ. Mỗi kỳ công được kèm theo một điệp khúc đơn điệu nhưng đầy ý nghĩa: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

 

Nếu nhìn lại đời mình, chúng ta thấy lòng thương xót Chúa đã trải dài trong cuộc đời chúng ta, ngay khi chúng ta lọt lòng Mẹ cho đến giây phút hiện tại, và cả trong tương lai đang chờ đón chúng ta, lòng thương xót cũng sẽ đồng hành với chúng ta. Chúa đã cho con vào đời, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã cho con sinh ra trong một gia đình ấm cúng đầy yêu thương, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã dạy con xưng tụng Thánh Danh Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa mở Thánh Kinh của Chúa cho con, để qua đó con khám phá ra Chúa yêu thương con dường nào, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã cho phép con thờ lạy Chúa, và mời gọi con đến phụng sự Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chúa đã gọi con trở thành môn đệ, trở thành bạn thân của Chúa, dù con bất xứng và tội lỗi, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Giờ đây, trong sự tĩnh lặng của cõi lòng, con ôn lại những giờ phút chỉ có Chúa và con biết được, những giờ phút hạnh phúc và thân ái, những giờ phút buồn phiền và sám hối, những giờ phút xót thương và ân sủng. Con thấy cuộc đời con như được biến thành một lời kinh, những ký ức của con như biến thành một kinh cầu diễm ái, và lịch sử của con như biến thành một Thánh Vịnh. Sau mọi biến cố lớn nhỏ, vui buồn, chung riêng, là một câu thơ điệp khúc nói lên ý nghĩa của tất cả và liên kết cuộc đời con thành một hoạt động của ơn quan phòng Thiên Chúa: Vì tình yêu và lòng thương xót của Chúa miên man vạn đại và từ đời này đến đời kia Chúa vẫn thế, Đấng yêu thương chúng con vô vàn. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.[xvii]

 

Như thế, sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài trong Cựu Ước. Các tác giả luôn luôn nhắc lại rằng, Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã kìm hãm cơn giận dữ của Ngài, và luôn ban ân huệ cho dân bất tín và bội trung, để dân của Ngài có thêm cơ hội mà ăn năn sám hối trở về. Thiên Chúa giàu lòng xót thương cũng là Đấng che chở, Đấng gìn giữ, Đấng bênh đỡ những người nghèo khổ và yếu đuối, những người bất hạnh và nhỏ bé không được xã hội chú ý tới. Trong các Thánh Vịnh, Thiên Chúa đã được ca tụng là Đấng giàu lòng xót thương, và muôn người cần ý thức mỗi ngày cao rao lời tri ân cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Cựu Ước đóng lại nhưng không phải là kết thúc, Cựu Ước sẽ tìm được sự trọn vẹn của mình ở trong Tân Ước. Và trong Giao Ước mới này, Thiên Chúa giàu lòng xót thương được biểu lộ cụ thể qua chính Chúa Giê-su, con yêu dấu của Cha trên trời, mà vì yêu thương Cha đã ban tặng cho nhân loại chúng ta, để Chúa Giê-su loan báo cho chúng ta Tin Mừng mà muôn người cần đến. Đó là sứ điệp của lòng thương xót.[xviii]

 

  • Sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

- Lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh.

 

Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nêu bật sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. Biến cố Giáng Sinh của Chúa và cuộc đời của Ngài nơi trần thế là sự thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23). Câu chuyện của Chúa Giê-su cũng thuộc về lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Giờ đây, Thiên Chúa thực hiện toàn vẹn lòng thương xót của Ngài dành cho dân Ngài, như Ngài đã hứa với tổ tiên của dân Ít-ra-en: Chúa “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

Trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa (từ 08.12.2015 đến 20.11.2016), Đức Phanxicô đã viết: “Vào ‘thời viên mãn’ (Gl 4,4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 01).


Thật vậy, qua lòng thương xót của Thiên Chúa, Vầng Đông từ trên cao là Ánh Sáng đích thực viếng thăm chúng ta. Ánh Sáng tràn đầy lòng xót thương đó đặc biệt chiếu soi đến những tâm hồn ngồi trong tối tăm, sưởi ấm họ và dẫn đưa họ về lại con đường bình an:

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79).

 

Tin Mừng Giáng Sinh của Lu-ca đã loan báo một cuộc Giáng Sinh mà biết bao nhiêu người đang chờ mong, cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11). Cuộc sinh ra của Đấng Cứu Thế, Đấng giàu lòng xót thương đã đến với nhiều người thuộc về nhiều thành phần khác nhau: như ông Gia-ca-ri-a với vợ là bà Ê-li-sa-béth thuộc dòng tộc của Aaron  (x.Lc 1,6), như Thánh Giu-se đính hôn với Mẹ Maria thuộc dòng tộc của Vua Đa-vít (x.Lc 1,27 và Mt 1,20). Cuộc sinh ra này cũng đến với ông Si-mê-on một người công chính, và bà ngôn sứ An-na. Cả hai đều là những người đạo đức bình dân. Khi ông Si-mê-on ẵm Chúa trên tay đã hát lên bài ca An Bình:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2, 29-32).

 

Câu chuyện sinh ra của Chúa Giê-su đã thực hiện toàn vẹn lời hứa của Thiên Chúa mà ông Si-mê-on và bao người chờ mong, cũng như đã làm cho ý nghĩa của những câu chuyện trong Cựu Ước tìm thấy được ý nghĩa tròn đầy. Như bà An-na, mẹ Sa-mu-en đã hát lên bài hát tạ ơn (x.1Sm 2,1-11) như là tiếng hát kể về một câu chuyện lịch sử, mà trong đó:

“Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.
Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng” (1Sm 2,6-8).

 

Với Kasper, trong bài hát của bà An-na, người ta có thể nhận ra những điểm tương đồng với Bài Giảng Trên Núi, đó là sứ điệp của Thiên Chúa vượt trên những lô-gíc bình thường của con người. Ngài đã chúc phúc cho kẻ nghèo hèn, những người đau khổ, những người công chính sống tinh thần bất bạo động, những ai có lòng thương xót và những ai xây dựng hoà bình (x.Mt 5,3-11 và Lc 6,20-26).[xix] Hơn nữa, biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng đến với những người rất bình thường. Đó là các mục đồng đơn sơ. Họ đã được diễm phúc đến để thăm viếng và thờ lạy Đấng Cứu Thế, Vua Hoà Bình sinh ra trong hang lừa nghèo nàn ở Bê-lem. Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã suy niệm về những mục đồng như sau: “Không những họ gần gũi với biến cố theo phương diện bên ngoài, nhưng cả bề trong cũng gần gũi với biến cố này hơn là những người trong thành phố vẫn đang an giấc. Tâm hồn họ không xa mấy với Thiên Chúa đã hoá thành Hài Nhi. Điều này cho thấy họ thuộc về những kẻ nghèo hèn, những tâm hồn thật đơn sơ được Đức Giê-su ca tụng, vì họ được dành riêng để tiếp cận Thiên Chúa (x.Lc 10,21-22). Họ đại diện cho những kẻ nghèo hèn Ít-ra-en, những người nghèo nói cách chung: những con người nhận được sự ưu ái của tình yêu Thiên Chúa”.[xx]

Biến cố Giáng Sinh của Chúa cũng đem lại sứ điệp của lòng thương xót của Thiên Chúa với hương hoa của bình an. Khi Chúa sinh ra, các Thiên Thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đấng giàu lòng thương xót đến với con người để ban tặng bình an. Sự bình an mà biết bao nhiêu người đang chờ mong và cần tới. Si-mê-on đã thoả mãn khi được nhìn thấy Chúa và xin cho ra đi trong an bình. Các mục đồng đơn sơ đã vui mừng siết bao, khi được nhìn thấy Hài Đồng Giê-su, Vua Bình An được quấn tã và đặt nằm trong máng cỏ đơn sơ. Bình an của Chúa Giê-su là bình an mà trần thế không thể nào đem đến được: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

 

Sự bình an này được ban tặng rất âm thầm. Đó cũng là cách diễn tả của lòng thương xót của Thiên Chúa qua biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su. I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-cia đã nhận ra điều đó và đã nói rằng, Chúa Giê-su Ki-tô đã bước ra từ sự thinh lặng của Cha trên trời.[xxi] Thánh Giáo Phụ này hướng đến một đoạn trong sách Khôn Ngoan:

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,
lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài
đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường
xông vào giữa miền đất bị tru diệt,
mang theo bản án không thể huỷ của Ngài
như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18,14-15).

 

Thiên Chúa, Đấng như ở rất xa con người, và Đấng mà chúng ta nghĩ rằng, chỉ có thể tôn vinh Ngài trong thinh lặng, giờ đây lại thức giấc ngay trong đêm đen của thế giới chúng ta, Ngài không đến với tiếng hò la, mà Ngài đến từ trong tĩnh lặng, và Ngài - Ngôi Lời - đã mặc lấy xác phàm và dựng lều ở giữa chúng ta (x.Ga 1,1.14).

Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, đã viết:

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem người giải nghĩa yêu”.

 

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, bước vào thế giới này trong tĩnh lặng, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lòng thương xót, và lắng nghe Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu được toả lan từ hang Bê-lem, khi chúng ta không nói nhiều, không ồn ào và đi vào thing lặng, nơi đó Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta.

 

Tóm lại, đã hai ngàn năm qua rồi, câu chuyện Giáng Sinh không đánh mất đi sự thuyết phục của nó. Ngược lại ngày càng lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới. Biết bao văn hoá và dân tộc, dù là Ki-tô giáo hay không phải Ki-tô giáo vẫn mừng vui câu chuyện Giáng Sinh với những sắc thái riêng biệt, từ món ăn Giáng Sinh đến các tục lệ mừng ngày Giáng Sinh. Thánh Phan-xi-cô thành A-si-si là người đầu tiên đã dựng nên cảnh hang đá Giáng Sinh, để rồi qua hình ảnh dễ thương của hang lừa với Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria, Thánh Giu-se, các mục đồng cùng chiên lừa, các thiên thần và ba vua đã diễn tả cách sống động hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu giàu lòng thương xót. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi ngày sau, ánh sáng của lòng thương xót được thắp lên trong hang Bê-lem luôn chiếu sáng, để sưởi ấm và chiếu soi tất cả mọi người, đặc biệt những ai ngồi trong tối tăm. Câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su còn chứa đựng một điều rất quan trọng. Đó là việc Chúa thương xót chúng ta, đến nỗi mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Đó là bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót.

 

[i] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.65.

[ii] X. KASPER W., Barmherzigkeit, Herder Verlag, Freiburg 2012, t.51.

[iii] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.30-31.

[iv] X. STAUDINGER F., trong Exegetisches Wörterbuch zum Neuen Testament, Horst Balz und Gerhard Schneider (Hrgs.), Band I, Kohlhammer Verlag, Stuttgart 1980, .1043-45.

[v] X. SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, t.74-75.

[vi] HỘI KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC, Việt Nam Tự Điển, nxb. Văn Mới, Sài-gòn - Hà Nội 1954, t.587.

[vii] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211-212.

[viii] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.211.

[ix] X. BIANCHI E., Chemins d’humanité, Les Béatitudes, Cerf, Paris 2013, t. 92-93.

[x] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 50-51.

[xi] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 52-53.

[xii] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 53-57.

[xiii] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 57-59.

[xiv] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 59-62.

[xv] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 62-63.

[xvi] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 63-64.

[xvii] X. VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation - Thánh Vịnh để chiêm niệm, Loyola Presse,  Chicago 1998, bản tiếng việt do Ngọc Đính CMC. chuyển ngữ năm 2005, t.447-448.

[xviii] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 64-66.

[xix] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 69.

[xx] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Verlag, Freiburg 2012, Bản tiếng Việt của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, NXB. Tôn Giáo 2013,  t.103.

[xxi] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 70.

bottom of page