top of page

Phần 07:

PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HOÀ BÌNH,

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC GỌI LÀ CON THIÊN CHÚA

  • Một vài yếu tố quan trọng.

 

- Sự khao khát hoà bình giữa thế giới bất an.

 

Hôm nay, nếu mọi người được hỏi về sự khát khao của nhân loại trong xã hội hiện tại là gì, thiết nghĩ sự khát khao hoà bình luôn đứng hàng đầu. Sự khát khao này lớn hơn nữa, khi chúng ta thấy trong cuộc sống, sao lại có quá ít hoà bình đến vậy. Thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, để lại biết bao dấu ấn đau thương. Ở Châu Âu, đặc biệt ở Đức, các thành phố luôn có một tượng đài đánh dấu sự tàn nhẫn của hai cuộc chiến này. Trong một số thành phố, đôi khi có cả một danh sách tên được khắc trên đá của những người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh bất nhân kia. Kế bên đó, là ánh nến, là những vòng hoa được đặt cạnh bên, để nhắc nhớ cho tất cả mọi người kinh nghiệm đau thương mà con người đã gây ra cho nhau, bởi vì nhân loại không biết quý trọng hoà bình. Những tượng đài ghi dấu ấn chiến tranh đó cũng là lời nhắc nhớ cho mọi người trên thế giới biết về giá trị cao quý của hoà bình, và mời gọi mọi người cần ý thức để xây dựng hoà bình.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thế giới hiện nay, chúng ta vẫn còn thấy biết bao đau thương. Những cảnh tượng đổ nát của nhà cửa và bao người chết chóc vì súng đạn ở Syrien, ở Ít-ra-en, ở Ukraina. Rồi những cuộc nội chiến ở các nước Châu Phi, ở Trung Đông. Đặc biệt thế giới chúng ta đang được đánh dấu bởi những dấu chân của khủng bố. Khủng bố tìm đất sống ở những đất nước tưởng là luôn có hoà bình. Khủng bố đã gieo rắc biết bao sợ hãi và đau buồn. Khủng bố đang chống lại nhân loại. Có rất nhiều nhóm khủng bố đã ra tay một cách dã man, bởi vì họ không chấp nhận những sự khác biệt, bởi vì họ bảo vệ quyền lợi riêng tư của ý thức hệ, của tập thể. Cuối cùng nạn nhân là ai?  Vẫn vậy, là chính con người. Con người là nguyên nhân, là kẻ gây ra và cũng là nạn nhân của chiến tranh. Rồi còn những cuộc chiến tranh kinh tế không gây đổ máu, nhưng đưa lại biết bao khổ đau, nghèo khổ và bất công.

 

Không chỉ những bất an giữa các dân tộc, mà nhiều người còn phải đối diện với nhiều căng thẳng và xung đột trong cuộc sống. Xung đột trong hãng xưởng, căng thẳng trong giáo xứ, xung đột trong đảng phái, cẳng thẳng trong gia đình. Có rất nhiều vết rách bên trong lẫn bên ngoài đã làm biết bao nhiêu người khổ sở. Họ không tìm thấy an bình trong tâm hồn và trong đời sống. Trong thế giới bất an này, con người chúng ta luôn ao ước hoà bình và khao khát sức mạnh có thể hoà giải và chữa lành nhiều vết thương. Chúng ta hướng nhìn đến những người có trách nhiệm, và chờ đợi những người này có thể bắc những nhịp cầu hoà bình và hoà giải giữa con người với con người, và giữa các dân tộc với nhau. Chúng ta cũng hướng nhìn đến những người có một tâm hồn an bình thật sự, để họ toả chiếu ánh quang hoà bình đến môi trường xung quanh, trong xã hội, trong hãng xưởng, trong cộng đoàn, trong gia đình và trong trường học.

 

“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chúa Giê-su, Đấng kiến tạo hoà bình đã lên tiếng giữa những khát vọng hoà bình của con người. Lời này Chúa Giê-su nói trong bối cảnh lịch sử của dân tộc Ít-ra-en và thế giới thời đó với biết bao bất an. Palestina bị đế quốc Rôma chiếm đóng. Nhóm Zeloten đã khởi xướng cuộc chiến tranh yêu nước chống lại đế quốc Rôma. Nhưng đế quốc Rôma với lực lượng lính tráng quá mạnh đối với nhóm này. Vì thế, sự hận thù đã tìm thấy đất sống trong lòng của họ. Augustus được dân Rôma ca ngợi là vị hoàng đế kiến tạo hoà bình. Nhưng các dân tộc khác lại nhìn thấy nơi vị hoàng đế này là một kẻ hiếu chiến. Với chiến tranh ông ta đã dán nhãn hoà bình trên các dân tộc khác. Trong bối cảnh xã hội đó, Chúa Giê-su đã cất lời chúc phúc cho những ai với tất cả tâm hồn xây dựng hoà bình giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau.[i]

 

- Từ ngữ hoà bình.

 

Trong tiếng Do Thái, từ ngữ hoà bình là shalom. Với người Do Thái, shalom không chỉ diễn tả sự hoà bình giữa con người với nhau, mà diễn tả một sự hoà bình trong ý nghĩa toàn thể của nó, nghĩa là sự hoà bình trong nội tâm và hướng về Thiên Chúa, cũng như sự hoà bình trong tương quan với người khác. Shalom có nghĩa là, mọi sự đều tốt đẹp, con người có được một cuộc sống tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn, và luôn có tương quan vui mừng với mọi người khác. Pinchas Lapide, một người Do Thái đã giải thích từ ngữ shalom như sau: “Đó là sự phong phú tốt lành và sự an toàn, là sự an bình nhàn hạ, là lòng nhân từ và tâm hồn tĩnh lặng, là hạnh phúc và sự hài hoà trong xã hội. Những yếu tố này là liên hệ và bổ túc lẫn nhau để diễn tả về từ ngữ shalom”.[ii]  Theo Điển ngữ thần học Thánh Kinh, “Danh từ Hy bá shalom phát xuất từ một ngữ nguyên thường dùng để chỉ sự kiện nguyên vẹn, đầy đủ (x.Gb 9,4), vd. hoàn thành một căn nhà (x.1V 9,25), hoặc tái lập sự vật trong trật tự cũ, trong trạng thái nguyên vẹn của chúng, vd. làm nguôi lòng một chủ nợ (x.Xh 21,34), giữ trọn một lời hứa (x.Tv 50,14). Bởi vậy hòa bình theo Thánh Kinh không phải chỉ là hiệp ước tạo nên một đời sống yên ổn, cũng không mang ý nghĩa thời bình đối nghịch với thời chiến (x.Gs 3,8; Kh 6,4). Hòa bình theo Thánh Kinh chỉ sự an lạc của cuộc sống thường ngày, trạng thái con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với chính mình, với Thiên Chúa. Cụ thể mà nói thì đó là lời chúc phúc, sự nghỉ ngơi, vinh quang, giàu có, sự cứu rỗi, sự sống”.[iii]

Từ ngữ hoà bình trong tiếng Hy-lạp là eirene, có nghĩa là sự hài hoà. Sự hài hoà này sẽ xuất hiện, khi có sự hoà hợp giữa mọi sức mạnh ở trong tâm hồn con người, những sức mạnh có tính cách đối lập với nhau. Sự hài hoà này cũng nảy sinh, khi có sự hoà hợp giữa mọi người với nhau. Hoà bình cũng còn mang ý nghĩa là bình lặng. Trong trạng thái bình lặng và hài hoà, con người có được cuộc sống tốt. Khi con người càng đi sâu hơn vào trong không gian của sự bình lặng, thì họ càng ít bị quấy rầy bởi những cảm giác và tư tưởng mang tính cách đối chọi. Đối với các tu sĩ thời Giáo Hội tiên khởi, họ quen với cách suy nghĩ về sự hoà bình của người Hy-lạp, thì hoà bình là con đường chiêm niệm đi vào sự tĩnh lặng bên trong.

Trong tiếng La-tinh, hoà bình là pax. Pax có gốc từ chữ pacisci có nghĩa là: Hoà bình qua những cuộc nói chuyện, qua các cuộc thương thảo và qua các bản hợp đồng. Với người Rôma, sẽ có hoà bình, khi họ và những dân tộc khác hay các sắc dân khác tìm được mẫu số chung cho những điều các bên đều mong muốn. Vì sẽ không thể có hoà bình, nếu không có sự đồng thuận.

Có thể nói, từ ngữ hoà bình trong ba ngôn ngữ trên bổ túc lẫn cho nhau. Hoà bình – shalom xuất hiện trong chúng ta và giữa chúng ta với nhau, khi chúng ta để cho Thiên Chúa làm chủ trong chúng ta, và khi chúng ta trao một không gian cho Ngài. Thiên Chúa là Đấng thực sự ban phát hoà bình. Hoà bình – eirene như là một sự hài hoà nội tâm, và sự hài hoà này cần có một cái nhìn đầy yêu thương với kẻ thù trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Con đường chiêm niệm (contemplation) là con đường cần thiết, để qua đó chúng ta có thể bước vào trong sự thinh lặng nội tâm và tràn đầy tình yêu thương. Với tình yêu thương này, chúng ta có thể hoà giải với những người xung đột với chúng ta, và hoà giải với cả những căng thẳng và xung khắc trong bên trong chúng ta. Hoà bình – pax như là một khả năng giúp chúng ta có thể đối thoại với những người mà chúng ta có xung đột, cũng như đối thoại với chính những điều khác nhau trong tâm hồn của chúng ta. Qua đó, chúng ta có thể tìm được một mẫu số chung với những người xung đột và với những sự khác biệt trong tâm hồn chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Nếu chúng ta muốn chiến thắng kẻ thù, thì chúng ta không thể xây dựng hoà bình. Kẻ bại trận vào một lúc nào đó sẽ trở thành kẻ chiến thắng. Như thế, người bại trận lại đứng dậy và lại tiếp tục chiến đấu. Chỉ khi tìm được mẫu số chung tốt lành, thì mọi người sẽ sống trong hoà bình.[iv]

 

Trong cuốn Từ Điển Công Giáo 500 mục từ, có nhắc tới từ ngữ bình an (pax, peace, paix): “Bình: yên ổn; an: êm đềm. Bình an: yên ổn, vô sự. Bình an có gốc từ tiếng Hipri là shalom – sự an lạc, hạnh phúc, tiếng người Do Thái thường chào, chúc nhau. Bình an là sự an lạc con người được hưởng khi sống tốt tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình, và với thiên nhiên. Như thế bình an không chỉ là không có chiến tranh hay xung đột. Bình an bao gồm sức khoẻ, thịnh vượng, hạnh phúc, an ninh (x.Lv 26,3-7). Theo Cựu Ước, bình an là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đặt niềm tin vào Ngài (x.Is 66,12; Tv 35, 27; 85,9…). Bình an là đặc điểm của thời đại Đấng Messia (x.Is 9,5-6; 11,1-9). Tân Ước cho thấy Chúa Giê-su là Đấng ban bình an (x.Ga 14,27). Bằng cái chết trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự hận thù, hoà giải loài người với Thiên Chúa và với nhau (x.Ep 2,14-17; Cl 1,20). Người công bố những ai xây dựng bình an là con cái Thiên Chúa (x.Mt 5,9). Bình an là hồng ân Thiên Chúa ban và là hoa trái của Thánh Thần (x.Ga 16,33; Gl 5,22), nhưng cũng là trách nhiệm của con người (x.Rm 12,18). Sự bình an nội tâm của mỗi người là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới. Trên bình diện tập thể, bình an chỉ thực sự thể hiện, khi được đặt trên sự thật, được xây dựng trên công lý, được linh hoạt bởi tình yêu và được hoàn thiện trong tự do”.[v]

 

Trong tiếng Việt, từ ngữ hoà bình còn được gọi là bình an, và có họ hàng với một số từ ngữ khác như thái bình, bình thản, an hoà, hoà giải, giao hoà, hoà hợp, hoà thuận. Ngoài ra, về phương diện hoà bình trong văn hoá Việt Nam, có thể nhắc đến một vài hình ảnh rất quen thuộc đối với mọi người dân Việt. Đó là “câu chuyện bánh dày, bánh chưng”. Câu chuyện này là hình ảnh của vương đạo, tức là đạo cao cả làm người. Hòa bình theo đạo làm người ở đây là người nối kết với Trời (bánh dày tròn) và với Đất (bánh chưng vuông chỉ thời gian, đất). ‘Trời’ là gì, không ai chỉ được, nhưng cảm nhận ngay là một cái gì khác, có đó mà ta không thấy, bao trùm tất cả nhưng không phải là bất cứ cái gì trong tất cả mọi sự mà con người suy thấu được. Một cái gì mông lung, vô tận, tay không với được, nhưng cho con người ánh sáng và nước uống. ‘Đất’ tuy cũng bao la so với bước chân đi của con người, nhưng vẫn là cảnh giới hữu hạn trong tầm tay với của con người. Con người cảm nghiệm Đất nơi thời gian qua đi với sự sống và sự chết, với không gian mà ta có thể định phương hướng.

 

Tổ tiên người Việt Nam tượng trưng cho ‘Đất’ là vuông, là bốn góc, là nơi con người sinh ra và cũng là chốn chôn lấy con người khi nó chết. Đường đi cao cả của con người là sự nối kết Đất - Trời, là thân phận vừa hữu hạn và vừa vươn đến vô tận. Con đường đó dẫn lối cho Lang Liệu lên ngôi vua thể hiện vương đạo. Và câu chuyện sẽ làm giềng mối đó được tôn vinh trong tập tục dân Việt Nam, khi con cháu lấy bánh dày, bánh chưng là dấu chứng của ngày vui đầu năm mới. Con đường vương đạo cao cả như ngọn đuốc soi cho một thế giới mới, mở ra một thời gian mới, tân tạo lại cuộc sống. Tổ tiên ta không nói đến ‘shalom’ để chúc nhau ‘hòa bình’ khi gặp gỡ, nhưng để lại bài học bánh dày, bánh chưng nhắc nhở đạo hòa bình, yên lành.

Câu chuyện thứ hai là Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ và sinh hạ được một bọc: ‘Hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường’.[vi] Những con số như 7 ngày (thất hóa), những chi tiết như ‘không phải cho bú, cho ăn’, có thể giúp ta hiểu đây là câu truyện muốn chỉ đến một nội dung khác hơn là ưu tư giải thích về nguồn gốc đời sống tự nhiên. Đây là bài học của đạo làm người, một con người ‘linh ư vạn vật’. Con số trăm nói đến số rất nhiều và sự khác biệt. Nhưng mỗi người đều từ một cái trứng như nhau, và cũng đã nằm trong một cái bọc chung sinh ra từ Một cha và Một mẹ. Bài học hòa bình trong thuận hòa đó đã đi sâu vào ngôn ngữ Việt Nam khi gọi nhau là ‘đồng bào’ (cũng từ một bụng của Mẹ mà sinh ra), khi cảm nghiệm rằng mỗi người đều là anh em do nơi nguồn duy nhất nầy.

Ngoài ra, nói đến hòa bình là nói đến phúc đức, và chúng ta sẽ không thể quên đi tập tục phổ biến về việc hái lộc đầu xuân. Lộc là lá non, là sự sống nguyên sơ của thiên nhiên, của Đất - Trời. Lộc được hái ngày đầu năm, tại một nơi xa trần thế như cảnh chùa, trên núi…. Hình ảnh không gian và thời gian đó hàm ngụ lời cầu xin ân phúc, kêu gọi sự hiện diện của thần thánh, của Siêu Việt, đến trong ngày tháng sinh hoạt của con người. Và điều ân phúc con người cầu xin trước hết là sự yên lành.[vii]

 

Còn đối với Phật Giáo, tinh thần của Đức Phật được xem là gắn liền với bất bạo động và hoà bình. Trong hệ thống giá trị của Phật Giáo ý niệm này đã biểu hiện rõ nét. Ðức Phật dạy: “Ở thế gian này chẳng phải hận thù trừ được hận thù, nhưng hận thù được trừ diệt bởi nhân từ. Ðó là định luật của ngàn thu” (Pháp Cú, 5).

“Lấy không giận thắng giận 
Lấy lành thắng lành 
Lấy bố thí thắng xan tham 
Lấy chơn thắng hư ngụy” (Pháp Cú, 223).

 

Sẽ không thể có hạnh phúc về hoà bình cho con người, khi nào anh ta còn ao ước và khát ái sau khi chinh phục và qui phục láng giềng của anh ta. Như Ðức Phật dạy:

“Thắng lợi bị thù oán, 
Thất bại bị đau khổ 
Chẳng màng đến thắng bại 
Sẽ sống hoà hiếu an vui” (Pháp Cú, 201).

Sự chiến thắng duy nhất mà có thể mang lại an lạc và hạnh phúc là sự tự thắng mình:

“Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường 
Chẳng bằng người tự thắng 
Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất” (Pháp Cú, 103).

Phật giáo hướng đến việc tạo ra một xã hội mà ở đó cuộc tranh đấu hủy diệt vì quyền lực không còn hiện hữu, và nơi mà an tịnh và hoà bình lan toả khắp, và chiến thắng sự chinh phục và thất bại; một xã hội mà sự hành hạ những người vô tội bị tố cáo, lên án quyết liệt; nơi mà chính người tự chinh phục bản thân mình được tôn trọng hơn những ai chinh phục hàng triệu quân trên chiến trường quân sự và kinh tế, một xã hội mà hận thù được chinh phục bởi tình thương, và ác bị đánh bại bởi thiện; một xã hội mà hiềm khích, thù địch và tham lam không còn làm cho tâm con người bị nhiễm ố; một xã hội mà từ bi là động lực thúc đẩy hành động; tất cả sinh linh bao gồm những côn trùng nhỏ được đối xử công bằng, tôn trọng và thương yêu; một xã hội mà cuộc sống trong hoà bình, hài hoà, trong một thế giới bằng lòng về mặt vật chất, được hướng đến một mục tiêu cao nhất và thánh thiện nhất, hướng đến chân lý tối hậu an lạc, hạnh phúc và Niết Bàn.[viii]

 

- Thế nào là người xây dựng hoà bình trong ý nghĩa của Thánh Kinh?

 

“Xây dựng hòa bình” là điều rất quan trọng đối với người Do Thái, vì vậy đề tài này trở thành đề tài trung tâm trong các sách khôn ngoan, cũng như trong những tác phẩm của các Ráp-bi. Theo Ulrich Luz, Cantalamessa và Martini[ix], cụm từ này chỉ về thái độ chủ động tích cực, không chỉ trạng thái hòa bình. Nghĩa là, người xây dựng hòa bình không phải là người đang có hòa bình và đang ôm ấp sự hòa bình trong lòng, mà là người dấn thân cho hòa bình, đi tìm sự đối thoại như là phương tiện và con đường dẫn đến hòa bình.

 

Trong Mối Phúc của chúng ta, nhóm từ ngữ “người xây dựng hòa bình” trong tiếng Hy-lạp là eirenopoios. Trong Thánh Kinh, từ ngữ eirenopoios này chỉ có Mát-thêu nhắc tới ở đây. Ngoài ra, người ta nhiều lần tìm thấy kiểu nói faire la paix – làm lành hay cầu hoà trong các sách khác, như tiên tri I-sai-a 27,5 và trong sách Châm Ngôn: “Kẻ nháy mắt sẽ gây ra đau khổ, người thẳng thắn rầy la sẽ đem lại an hoà” (10,10). Trong Tân Ước cũng nhắc đến kiểu nói faire la paix. “Người (Chúa Ki-tô) đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2,15). “Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gcb 3,18).

Từ ngừ eirenopoios cũng liên hệ với danh hiệu người của hoà bình, người hiếu hoà: “Hãy xem kẻ thiện toàn, cứ nhìn người chính trực, ai hiếu hoà sẽ được con dòng cháu giống” (Tv 37,37). Và từ ngừ eirenopoios còn quy về sự hoà hợp giữa những người xây dựng hoà bình một cách cụ thể. Faire la paix – làm lành hay cầu hoà, là một công việc hướng về tinh thần shalom, tinh thần diễn tả một cuộc sống sung mãn, an toàn, hài hoà, vui mừng. Tinh thần shalom này vượt trên nghĩa bình thường là không có chiến tranh. Như thế, khi có shalom thì cuộc sống sẽ thánh thiện, tràn đầy niềm vui, đời sống thiêng liêng và đời sống vật chất được sung mãn, con người sẽ hài hoà với chính bản thân, hài hoà với người khác và hài hoà cả với muôn thụ tạo. Đó là một cuộc sống thực sự hoàn hảo và sung mãn, như sách thứ nhất của Macabê diễn tả: “Dân chúng được an cư lạc nghiệp, đất đai sinh sản ra hoa màu, và cây cối trong cánh đồng trổ sinh hoa trái. Các kỳ mục ngồi ở công trường trò chuyện với nhau về thời thịnh trị… Ông (Simon Macabe) kiến tạo hoà bình cho xứ sở và Ít-ra-en đầy hoan hỷ vui mừng. Ai cũng được ngồi dưới gốc cây nho, cây vả của mình. Không còn ai làm cho họ phải sợ hãi khiếp kinh” (1Mcb 14,8-9 và 11-12). Đó là một lối mô tả dễ thương về hoà bình. Đó cũng là giấc mơ của biết bao nhiêu người nam và người nữ.  Faire la paix – làm lành hay cầu hoà, là một hành động có giá trị cao quý. Như thế, người faire la paix và người xây dựng hoà bình không bao giờ phản ứng với sự dữ bằng sự dữ, nhưng họ luôn đi tìm câu trả lời và thái độ đáp lại tràn đầy sự tốt lành: “Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt” (Rm 12,17), và “đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21).

 

Faire la paix – làm lành hay cầu hoà, là can thiệp vào những cuộc xung đột để tìm cách thức hoà giải, nhịn nhục những bạo lực, để rồi mở ra một con đường mòn qua sự đối thoại, hoà giải và đưa lại an bình. Đó là một thái độ đầy chủ động, để tìm cách loại bỏ hận thù, nhưng không triệt hạ kẻ thù. Mẫu gương cho thái độ sống này chính là Chúa Giê-su. “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,14-16).[x]

 

Ngoài ra, theo Gregoire de Nysse, người xây dựng hoà bình là người ban phát hoà bình cho người khác, người đó không ban phát những gì họ không có. Vì thế, trước hết người đó phải có đầy tràn điều tốt lành của hoà bình trong mình, và tiếp đến là chia sẻ cho những người đã bị tước mất kho tàng quý báu đó. Đối với Pseudo-Chrysostome, những người được gọi là người xây dựng hoà bình không chỉ là những người kiến tạo lại hoà bình với thù địch, mà còn là những người quên đi sự dữ mà họ đã phải chịu đựng: Đó là những người yêu chuộng hoà bình thật sự. Có nhiều người tự nguyện ra sức làm việc cho sự hoà giải giữa các kẻ thù khác nhau, nhưng trong tâm hồn họ, thì họ lại không bao giờ hoà giải với những thù địch của chính họ. Những người này đã xúc phạm đến hoà bình. Họ không yêu chuộng hoà bình. Hoà bình thực sự không nằm ở trong lời nói, mà là trong trái tim.[xi]

 

  • Tinh thần hoà bình trong Thánh Kinh.

 

  • Tinh thần hoà bình theo Cựu Ước.

 

Từ câu chuyện của Cain và Abel (x.St 4,1-16) cho đến một số câu chuyện khác trong Cựu Ước, chiến tranh, thù hận, bạo lực và các cuộc đối chọi được nhắc đến. Nhân loại sống trong tình trạng đau khổ thiếu hoà bình và có nhiều căm ghét, vì sự ích kỷ của con người; và rồi tiếp đến là sự nghèo nàn, khổ đau và cái chết. Nếu chúng ta lật lại Thánh Kinh, đặc biệt các trang Thánh Vịnh, sẽ nhận ra được người tin vào Thiên Chúa đã ý thức về kẻ thù của họ, và đã phải chịu đựng nhiều sự hung hăng và bạo lực mà kẻ thù gây ra, và họ cũng bị cám dỗ phải phản ứng lại với kẻ thù theo đúng lô-gíc của chiến tranh và của hận thù. Nhưng người tin vào Thiên Chúa luôn ao ước hoà bình cho bản thân, hoà bình cho gia đình và hoà bình cho xã hội. Họ cũng luôn cầu khẩn cùng Thiên Chúa ban xuống những phúc ân, bằng cách ban tặng tình yêu và hoà bình cho nhân loại: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,24-26). Nhiều lần, những người tin vào Thiên Chúa đã kêu cầu: “Tấm thân này trải bao năm tháng sống cùng những kẻ ghét hoà bình. Tôi vốn chuộng hoà bình. Nhưng hễ tôi nói tới, thì phe họ lại muốn chiến tranh” (Tv 120,6-7). Và họ cũng ao ước kêu xin: “Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình” (Tv 125,5; 128,6).

Từ những lời kêu xin và ao ước này, chúng ta có thể hiểu được rằng, hoà bình mà con người ao ước, nhưng thực tế thì lại không có trong cuộc sống, chính là món quà của Đấng Mêssia ban tặng. Trong ngày Đấng Mêssia tới, thì shalom sẽ là một món quà thật lớn mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Đấng Mêssia chính là hoàng tử của hoà bình:

“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai,
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5).

 

Đấng Mêssia sẽ kiến tạo hoà bình đích thực. Đó là hoa quả của các giới răn và sự công chính.

“Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận
cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít.
Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền
trên nền tảng chính trực công minh,
từ nay cho đến mãi muôn đời.
Vì yêu thương nồng nhiệt,
Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9,6).

 

Tiên tri I-sai-a chú ý nhiều đến sự hoà bình của Đấng Mêssia. Sự hoà bình này luôn gắn liền với sự công chính, là hoa quả của sự công chính:“Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình” (Is 32,17). Vì thế, sự hoà bình đích thật luôn đòi hỏi có sự công chính, và mời gọi người xây dựng hoà bình cần ý thức xây dựng sự công chính. Hoà bình chắc chắn là quà tặng của Thiên Chúa được ban cho con người, nên con người cần ý thức cầu xin, chờ đợi, và luôn khao khát hoà bình một cách mãnh liệt. Khi hoà bình đến từ Thiên Chúa, thì hoà bình được ban tặng, được đầu tư vào cho mọi người, để họ có thể xây dựng hoà bình trong tâm hồn của họ. Cũng như họ luôn đi tìm sự hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với tha nhân và hoà giải với thiên nhiên.

Chuẩn bị mọi sự cho mục đích hoà bình là điều rất cần thiết. Đối với những người tin tưởng vào Thiên Chúa thời Cựu Ước, thì đó là việc họ trở về với Thiên Chúa, họ hoán cải quay về con đường của Thiên Chúa. Ngược lại, biến cố chiến tranh và bạo lực đã vạch trần tội lỗi của con người, vạch trần sự chọn lựa con đường dẫn đến sự chết của con người, con đường bất tuân với những điều mà Thiên Chúa dạy bảo, cũng như sự bất trung với giao ước. Khi dân Ít-ra-en không tuân phục Thiên Chúa của họ, thì họ sẽ đối diện với chiến tranh, với sự xâm lược và với sự lưu đày (x.Đnl 28,15-68). Nhưng khi họ quay trở về với Thiên Chúa qua việc thành tâm hối lỗi, và qua sự trung thành với những điều Thiên Chúa dạy dỗ, thì một ngày đẹp trời sẽ đến với họ. Trong ngày đó, Thiên Chúa,“Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).

Như thế, Đấng Mêssia hiền lành và khiêm nhường cưỡi con lừa, và đến trong sự dịu ngọt và sự chính trực để cứu rỗi mọi người. Như Vua thành Giê-ru-sa-lem, Người không còn xuất hiện trong những thành phố tràn đầy tang tóc, Người cũng không cần đến kỵ binh và chiến mã, và Người chỉ loan báo bình an cho mọi người:

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem;
cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,
và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9,9-10).

 

Đó là những ngày của giao ước hoà bình giữa Thiên Chúa và dân Người: “Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an, Ta sẽ đuổi thú dữ ra khỏi xứ. Chúng sẽ cư ngụ trong sa mạc an toàn, sẽ nằm ngủ trong rừng” (Ed 34,25).

Trong ngày này, mọi người mừng vui tung hô lời ca tụng:

“Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người” (Tv 85,9).

 

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).

 

Tuy nhiên, hoà bình không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa. Mà hoà bình còn là trách nhiệm của nhân loại, của những người tin. Thiên Chúa không thể tặng món quà bình an cho những người không muốn đón nhận sự bình an, cũng như những người không cảm thấy mình có trách nhiệm với hoà bình. Khi thực hiện những điều Thiên Chúa dạy bảo, thì người có niềm tin đang xây dựng hoà bình, và đang làm chứng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, cũng như đang làm sống động tình yêu của con người với nhau:“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Hai giới luật này của Cựu Ước được Chúa Giê-su, Đấng Mêssia làm thành một trong Tân Ước: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Như thế, xây dựng hoà bình, kiến tạo hoà bình không gì khác hơn là thực thi giới luật yêu thương, tinh thần bác ái. [xii]

 

- Trong Tân Ước, Chúa Giê-su đem lại tinh thần hoà bình.

 

So với Cựu Ước, thì sự hoà bình được đề cập nhiều hơn trong Tân Ước. Thiên Chúa đã đến giữa nhân loại qua người Con Yêu Dấu là Chúa Giê-su Na-da-rét. “Mỗi khi chúng ta đón nhận Đức Giê-su, Đấng là Thiên Chúa và là con người, chúng ta kinh nghiệm được niềm vui về một quà tặng lớn lao: sự sẻ chia chính sự sống của Thiên Chúa, đời sống ân sủng và là lời hứa về sự hiện hữu hạnh phúc tròn đầy. Cụ thể, Đức Ki-tô ban cho chúng ta bình an đích thực phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đầy tin tưởng giữa con người với Thiên Chúa”.[xiii]

“Khi Chúa Giê-su xác quyết Ngài ban cho chúng ta bình an, ‘Thầy ban bình an của Thầy cho các con’, thì những lời này là những lời của Thiên Chúa, những lời có cùng sức mạnh để sáng tạo như lời đã tác tạo trời và đất từ hư vô; những lời có trọng lượng như những lời đã làm lặng yên gió bão; những lời đã chữa lành kẻ ốm đau và đem người chết về lại cõi sống. Bởi lẽ Đức Giê-su nói với chúng ta, thậm chí đến hai lần rằng, Ngài ban cho chúng ta bình an của Ngài, chúng ta tin rằng, bình an này sẽ không bao giờ bị lấy đi. ‘Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn kêu gọi thì Người không hề đổi ý’ (Rm 11,29). Chính chúng ta, những người không phải lúc nào cũng biết cách đạt được hoặc giữ được bình an. Bởi vì, rất thông thường, chúng ta thiếu Đức Tin. ‘Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian’ (Ga 16,33). Trong Đức Giê-su, chúng ta sẽ ở lại luôn mãi trong bình an vì Ngài đã thắng thế gian, Ngài đã sống lại từ cõi chết. Bằng cái chết của mình, Ngài đã chiến thắng sự chết, tiêu huỷ án phạt đè nặng trên chúng ta. Ngài đã bày tỏ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Và ‘Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?... Ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?’ (Rm 8,31b. 35a)”.[xiv]

 

Chúa Giê-su đã loan báo sứ điệp hoà bình và Ngài cũng kiến tạo hoà bình cho nhân loại. Sứ điệp tốt lành của bốn Phúc Âm là sứ điệp hoà bình: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Chúa Giê-su không chỉ thực hiện lời hứa của Thiên Chúa, Ngài cũng không chỉ đưa bình an đến cho muôn người, mà Ngài còn chính là shalom, là sự bình an của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban chính người con duy nhất của Ngài là Chúa Giê-su, là sự bình an, là hoà bình cho nhân loại. Về hình ảnh Chúa Giê-su là shalom, là hoà bình, thần học gia Ratzinger đã suy niệm như sau: “Trước hết, chúng ta nhìn thoáng qua các biến cố lịch sử trần gian trong phần hậu cảnh. Trong trình thuật thời thơ ấu, Lu-ca đã đề nghị sự tương phản giữa đứa trẻ và hoàng đế Auguttô đầy quyền bính, người nổi tiếng như ‘đấng cứu thế cho toàn thể nhân loại’ và như người xây dựng hòa bình cao cả. Caesar đã tự gán cho mình danh hiệu ‘người mang lại hòa bình thế giới’. Tín hữu trong Ít-ra-en được nhắc nhớ về Sôlômon, tên Do thái có nguồn gốc trong thuật ngữ ‘hòa bình’ (shalom). Đức Chúa đã hứa cho Đavít ‘Suốt cuộc đời nó, Ta sẽ ban cho Ít-ra-en được an cư lạc nghiệp… Nó sẽ là con đối với Ta, Ta sẽ là Cha đối với nó’ (1Sb 22,9 tt). Điều này làm nổi bật sự nối kết giữa tư cách cuộc đời người Con Chúa và vương quyền hòa bình: Đức Giê-su là người Con, Ngài thật sự là người Con. Chính vì thế, Ngài là ‘Sôlômon’ đích thực, Đấng mang lại hòa bình”.[xv]

 

Trong Tin Mừng thứ ba, thánh Lu-ca đã vẽ lại chân dung vị Vua hòa bình. Khi Vua sinh ra, các sứ thần đã loan báo bình an cho những người Chúa thương: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Sứ điệp này được lập lại nơi miệng các môn đệ hớn hở tháp tùng Đức Vua vào thành Giê-ru-sa-lem: “Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19,38), nhưng tiếc thay Giê-ru-sa-lem không muốn đón nhận sứ điệp (x.Lc 19,42).

 

Nơi môi miệng Vua hòa bình, lời chúc bình an trần thế trở thành lời loan báo ơn cứu rỗi: như một người Do Thái tốt lành, Đức Giê-su nói: “Hãy đi bình an!” Với lời này, Ngài hoàn lại sức khỏe cho người đàn bà mắc bệnh băng huyết:“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an” (Lc 8,48). Cũng tương tự như vậy, khi Ngài tha thứ tội lỗi cho phụ nữ thống hối, Chúa cũng ban bình an cho bà: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Qua đó, Chúa muốn đánh dấu chiến thắng của Chúa trên quyền năng của bệnh tật và tội lỗi. Cũng như Ngài, với lời chào bình an, các môn đệ cần nói với các thành thị ơn cứu rỗi trong Đức Giê-su: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10,5-6).

Nhưng ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su đem đến làm xáo trộn bình an của thế gian: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51).[xvi] Làm sao hiểu được điều này? Chúa Giê-su đưa đến thời gian của ơn cứu độ. Con người có thể cảm nhận được gì qua thời gian của ơn cứu độ? Thời gian của ơn cứu rỗi là thời gian của hoà bình. Như thế, Chúa Giê-su là người đưa lại bình an. Nhưng thực tế, thì điều gì đã xảy ra thêm vào đó? Sự chia rẽ, những căng thẳng và chống đối trong gia đình và xã hội (x.Lc 12,52-53). Nhưng ở đây, như các môn đệ chúng ta cần tỉnh táo và không nên bối rối. Thời gian mà Chúa Giê-su đem đến là thời gian để quyết định. Chúa Giê-su đến thế gian và đã thực hiện sứ mạng của Thiên Chúa trao ban. Sứ mạng đó là:“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Lửa Chúa Giê-su ném vào mang dấu ấn của Thần Khí có sức mạnh tẩy sạch và đổi mới. Chúa Giê-su có một khao khát nóng bỏng. Nhưng đi theo sự khao khát này, là phép rửa Ngài phải chịu, cũng như biết bao đau khổ như là những dòng nước lũ phủ lên đầu Ngài: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50).

 

Sự khắc khoải sợ hãi thâm nhập vào Ngài, trước khi Ngài phải đón nhận khổ đau cùng cái chết đớn đau. Sự hãi sợ ở vườn Giêtsimani đã công bố một sứ điệp: Ơn cứu rỗi của thời cuối cùng sẽ không đến, nếu không có sự cố gắng chịu đựng khổ đau. Lòng khao khát ơn cứu rỗi cần đi đôi với lòng can đảm, sẵn sàng đón nhận và chịu đựng khổ đau. Việc nhân loại được đón nhận về trời được thực hiện qua Thánh Giá. Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, nơi mà vinh quang từ cái chết sẽ xuất hiện. Đấng Cứu Thế được loan báo như là Đấng đem lại bình an mà nhân loại chờ mong. Ngài chính là Hoàng Tử bình an. Sự sinh ra của Ngài đem lại bình an cho nhân loại trên trái đất. Bình an là trật tự, là hiệp nhất và là sự cứu rỗi. Nhưng trước khi thời gian của bình an, thời gian của cứu rỗi đến, thì xảy ra sự chia rẽ, bất an và căng thẳng. Sự chia rẽ xảy ra ngay tại gia đình, nơi mà tưởng rằng mọi sự đều tốt đẹp, đều bình an. Tiên tri Mika đã loan báo sự bất an và chia rẽ đến, trước thời gian ơn cứu rỗi:

“Quả thật, con trai khinh thường cha,
con gái đứng lên chống lại mẹ,
nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch.
Phần tôi, tôi ngóng đợi Đức Chúa,
tôi cậy trông Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi;
Thiên Chúa của tôi sẽ nghe tiếng tôi kêu cầu” (Mk 7,6-7).

 

Đi theo Chúa Giê-su, gia đình có thể chia rẽ; đi theo Chúa Giê-su, con người cần đi đến những quyết định quan trọng. Chia cách và căng thẳng có thể là dấu hiệu đầu tiên đối với những ai thực hiện những quyết định theo Chúa và theo tinh thần của Tin Mừng.[xvii] Thật vậy, những quyết định theo Tin Mừng và theo Chúa Giê-su có thể đưa lại những chia rẽ và căng thẳng. Nói một cách khác, “Chúa Ki-tô, trong Tin Mừng Lu-ca, không đòi hỏi sự chia rẽ, không kêu gọi những thành phần trong gia đình hãy chống đối lẫn nhau. Ngược lại, Ngài kêu gọi mọi người hãy lắng nghe lời kêu mời quan trọng của Phúc Âm. Khi lửa lan toả, thì sự trung dung sẽ bị lung lay. Có người thì sẵn sàng đón nhận Tin Mừng, có người lại phủ nhận, ngay cả những người trong gia đình cũng thế. Sự hiện diện của sự dữ đã chỉ ra rằng, Tin Mừng có thể kích thích sự chia rẽ và có thể làm cho đời sống xã hội bị lộn xộn. Tin Mừng tự nó luôn ca ngợi sự an bình và hài hoà”.[xviii]

 

Tóm lại, Chúa Giê-su chưa hài lòng khi chỉ nói lên những lời hăm dọa như các sứ ngôn chống lại mọi an ninh giả dối (x.Lc 17,26-36; x.1Tx 5,3), Ngài còn nói về phân rẽ các phần tử trong một gia đình. Ngài không đến để hủy diệt chiến tranh, nhưng đến ban thêm hòa bình, nền hòa bình của ngày Phục Sinh theo sau cuộc chiến thắng vĩnh viễn (x.Lc 24,36). Sự hoà bình quan trọng mà Chúa Giê-su ban tặng và thiết lập, là sự hoà giải giữa nhân loại với Thiên Chúa.

 

- Nhờ Người, với Người và trong Người mà nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa.

 

Hòa bình là con đường cần phải được bước trên đó. Chúa Giê-su đã đi con đường này một cách triệt để. Dù cho trong Mối Phúc nói về sự xây dựng hoà bình không nhắc đến Chúa Giê-su, nhưng khi đọc toàn bộ Phúc Âm, và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa, chúng ta nhận ra Ngài chính là Đấng xây dựng hòa bình, qua hành động dấn thân của Ngài, và hành động đó đạt đến cao điểm là chính cái chết của Ngài trên thập tự: “Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

 

Vì sự dữ và tội lỗi, nên bình thường con người có thể tự nhìn mình là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không muốn bước vào cuộc chơi là kẻ thù của con người, nên qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa bước vào con đường hoà giải với nhân loại, như thánh Phao-lô nói: Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Thánh Giá của Chúa Giê-su là biểu trưng cho việc Thiên Chúa yêu thương nhân loại, Ngài là người gần gũi với nhân loại, Ngài sẵn sàng tha thứ và hoà giải với nhân loại tội lỗi, dù Ngài phải hy sinh chính Người Con Yêu Dấu của mình: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta… Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,7 - 8.10).

 

Thật vậy, nhờ Người với Người và trong Người mà con người được hòa giải với Thiên Chúa, và nhờ Người với Người và trong Người, Đấng kiến tạo hòa bình, mà tội lỗi đã phải chào thua. Người viết hoa là Chúa Giê-su đem lại hoà bình cho nhân loại qua chính máu của Người đã đổ ra trên Thánh Giá, qua chính sự tự hiến dâng của Người cho nhân loại. Sự hiến dâng đi đôi với lời xin vâng đón nhận chén đắng, đón nhận roi đò và đón nhận Thánh Giá. Đó chính là sự hiến dâng của tình yêu cao quý.

Thánh Phao-lô nói tiếp: “Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người” (Cl 1,22). Trong chính thân thể của Chúa Giê-su, và qua chính sự chiến thắng sự ác và chiến thắng tội lỗi của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã gặp gỡ con người, và con người đã gặp gỡ Thiên Chúa. Đó chính là lý do tại sao Chúa Giê-su là shalom, là sự bình an, là hoà bình. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Đấng hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Sự hoà giải mà con người cần đến cho đời sống của mình. Thật vậy, làm sao con người tồn tại một cách trọn vẹn, nếu con người chúng ta không tìm lại được nhịp cầu hoà giải với Thiên Chúa trên trời. Chúa Giê-su đã xây dựng nhịp cầu hoà giải này cho nhân loại chúng ta, nhưng chúng ta cũng được mời gọi nỗ lực để sống tinh thần hoà giải với Thiên Chúa.

Như thế, “Thiên Chúa đã hòa giải với vạn vật dưới đất cũng như trên trời khi tạo lập hòa bình bằng máu Đức Ki-tô trên thập giá. Chính vì chúng ta đã tập hợp lại trong một thân thể, mà tâm hồn chúng ta có hòa bình của Đức Ki-tô ngự trị (x.Cl 3,15), nhờ Thần Khí se kết sợi dây liên lạc chắc chắn giữa chúng ta (x.Ep 4,3). Một khi đã được công chính hóa, mọi tín hữu đều được sống an bình với Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô (x.Rm 5,1), Thiên Chúa tình yêu và hòa bình (x.2Cr 13,11), Đấng thánh hóa tận thâm tâm họ (x.1Tx 5,23)”.[xix]

Ngoài ra, chúng ta để thần học gia Ratzinger chia sẻ vài tâm tình về điều này: “Thiết lập hòa bình là một phần trong chính bản thể của phận làm con. Như thế, Mối Phúc thứ bảy mời gọi chúng ta trở nên và hành động những gì Người Con thực hiện, nhờ đó, chính chúng ta được trở nên ‘những người con của Thiên Chúa’. Trước hết, điều này áp dụng vào trong hoàn cảnh sống của từng người. Điều này bắt đầu với quyết định nền tảng mà Phao-lô đã tha thiết nài xin chúng ta hành động nhân danh Thiên Chúa. ‘Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa’ (2Cor 5,20). Sự thù nghịch với Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả những gì đầu độc con người. Vượt qua sự thù nghịch này trở thành điều kiện nền tảng cho hòa bình thế giới. Chỉ có người nào đã hòa giải với Thiên Chúa, mới có thể hòa giải và hài hòa với chính họ, và chỉ ai đã hòa giải với Thiên Chúa và với chính họ, mới có thể thiết lập hòa bình chung quanh họ và khắp cả thế gian.

 

Nhưng bối cảnh chính trị xuất hiện trong trình thuật thời thơ ấu của Lu-ca, cũng như trong các Mối Phúc của Mát-thêu cho thấy phạm vi tổng quan của những lời này. Bình an dưới thế (x.Lc 2,14) là ý muốn của Thiên Chúa, và vì lý do này, nhiệm vụ này cũng được trao cho con người. Ki-tô hữu biết rằng hòa bình bền vững nối kết với con người đang cư ngụ trong eudokia của Thiên Chúa, ‘niềm hoan lạc tốt lành’ của Người. Cuộc đấu tranh để cư ngụ trong bình an với Thiên Chúa là một phần bất phân biệt trong cuộc đấu tranh cho ‘hòa bình dưới thế’. Bình an với Thiên Chúa là nguồn tiêu chuẩn và năng lực cho hòa bình dưới thế. Khi con người không nhìn thấy Thiên Chúa, hòa bình bị tan rã và bạo lực tăng nhanh đến cấp độ bạo lực không thể nào tưởng tượng nổi. Ngày nay, chúng ta thấy quá rõ bạo lực này”.[xx]

 

Hoà giải với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta mở lòng mình, và đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực. Trong sự cố gắng và nỗ lực đó, chúng ta luôn hướng về Đức Ki-tô, Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Ngài đã ban tặng bình an cho các Tông Đồ. Ngài ban bình an cho các ông cách rõ ràng, khi Ngài Phục Sinh. Chiên Thiên Chúa, Đấng Phục Sinh vẫn mang trên mình những vết thương của cuộc thương khó trên thân mình của Ngài, và Ngài đã ban tặng bình an, đã kiến tạo lại sự bình an với một cách thức không theo như cách thức của con người: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em!’ Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19-21).

 

Trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này của Gio-an, Đấng Phục Sinh đã nói lời chúc bình an đến hai lần. Lời chúc bình an thứ nhất mang tính cách của người Do Thái, nhưng với chủ đích Chúa Phục Sinh muốn giải thoát các môn đệ đang ở trong căn phòng đóng kín cửa, ra khỏi tình trạng bối rối và sợ hãi. Lời chúc bình an trở thành lời chúc của Phục Sinh. Tiếp đến Chúa Giê-su Phục Sinh lại mở lời chúc bình an lần thứ hai nhưng trong bầu khí của niềm vui mà các môn đệ vừa nhận được, qua việc các ông gặp được Thầy của mình, giờ là Đấng Phục Sinh. Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại nói hai lần chúc bình an trong một hoàn cảnh ngắn ngủi như vậy? Theo Schnackenburg, “ở đây người ta nhận ra được chủ đích thú vị của thánh sử, nếu so sánh với Ga 14,7: ‘Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi’. Chúa Giê-su ban cho các môn đệ bình an của Ngài như là một món quà cho toàn bộ thời gian tương lai, thời gian mà Chúa Giê-su không còn hiện diện hữu hình giữa các ông.

 

Ngài nói lời bình an cho các ông trước khi chịu nạn, nhưng Ngài ban tặng món quà bình an cách hiệu quả trên tư cách là Đấng Phục Sinh, món quà này Ngài ban với món quà của Thần Khí, vì thế lời chào bình an giờ đây không còn chỉ là một lời chào thông thường, mà lời chào bình an lần thứ hai này là một ân sủng của Thần Khí, một ân sủng của tâm hồn bên trong tuôn trào ra bên ngoài để tạo ra những ảnh hưởng…Lời chào bình an của lần thứ hai này luôn hỗ trợ và làm cho sự khao khát xây dựng hoà bình được sinh hoa kết trái. Bình an mà Đấng Phục Sinh từ Thiên Chúa ban tặng cho các môn đệ, cần đồng hành với các môn đệ trên đường sứ vụ, và làm chứng cho thế giới nhận ra, hoà bình thực sự là gì”.[xxi]

 

  • Sứ vụ rao giảng và xây dựng hoà bình của tín hữu.

 

Nếu Chúa Giê-su là shalom, là hoà bình; nếu Nước của Thiên Chúa là công lý, hoà bình và niềm vui trong Thần Khí, thì người Ki-tô hữu phải là con người của hoà bình, là những người luôn sẵn sàng kiến tạo hoà bình, như Chúa Giê-su mời gọi trong Mối Phúc của Ngài, cũng như trong lời của thánh Phao-lô nhắc nhớ: “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Vì người Ki-tô hữu biết rằng, sự chia rẽ được khích động bởi sự dữ chống lại sự thiện, và sự chia rẽ bị khiêu khích bởi sự bất công chống lại công lý, cũng như bởi hận thù luôn muốn lớn mạnh hơn tình yêu, và người Ki-tô hữu cũng ý thức rằng, vì Đức Ki-tô đôi khi những chia rẽ xảy ra trong các gia đình, trong tình bằng hữu, nên người Ki-tô hữu phải là người đi tìm hoà bình và theo đuổi hoà bình, và dấn thân xây dựng hoà bình như lời Thánh Vịnh nhắc nhớ: “Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (34,15).

Nhưng xây dựng hoà bình cụ thể như thế nào đối với tín hữu? Là Ki-tô hữu, chúng ta chỉ có thể xây dựng bình an trong thế giới, đưa bình an đến cho mọi người, khi chúng ta ý thức xây dựng bình an trong cuộc đời mình. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể trao ban bình an, khi chúng ta không có bình an trong tâm hồn và trong đời sống của mình. 

 

- Sự bình an nội tâm của người kiến tạo hoà bình.

 

Thật vậy, chỉ những ai sở hữu bình an nội tâm mới có thể phục vụ tha nhân cách hiệu quả; làm sao tôi có thể thông chuyển bình an này cho những người khác nếu bản thân tôi không có nó? Làm sao có được bình an trong gia đình, giữa xã hội, giữa người với người, nếu trước tiên không có bình an trong tâm hồn mỗi người? Thánh Séraphim Sarov nói: “Hãy tìm được bình an nội tâm và vô số người sẽ tìm thấy ơn cứu độ của họ ngang qua bạn”.[xxii]

Đối với Anselm Gruen - một nhà thiêng liêng học và tâm lý học thuộc dòng Biển Đức, để thực thi sứ vụ xây dựng hoà bình trong Giáo Hội, trong xã hội và thế giới, “điều kiện đầu tiên cần có, là người ta phải có bình an với chính bản thân mình trong sâu thẳm của tâm hồn. Nghĩa là, đầu tiên người ta cần phải xây dựng hoà bình trong chính bản thân. Điều này chỉ có thể thực hiện được, khi tôi có thể đối thoại được với mọi giao động trong tâm hồn. Kiến tạo hoà bình luôn đi qua sự đối diện và đối thoại với kẻ thù. Trên phương diện cá nhân, điều này có nghĩa là, tôi cần phải thiết lập một giao ước hoà bình với kẻ thù bên trong tôi. Trước hết, tôi cần phải hiểu kẻ thù bên trong là ai, và xem anh ta thực sự có ước muốn gì. Trong sự đối thoại với anh ta, có thể tôi sẽ hiểu ra rằng, điều ước ao của anh ta có thể là đúng đắn, và tôi cần phải tôn trọng ước muốn đó, để anh ta có thể sống với tôi trong hoà bình. Chúa Giê-su đã luôn đòi hỏi các môn đệ có tinh thần sẵn sàng để theo đuổi hoà bình.

 

Trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài kêu mời các môn đệ: ‘Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục’ (Mt 5,25). Khi chúng ta còn sống và còn bước đi trên đường, chúng ta cần phải ký kết giao ước hoà bình với kẻ thù bên trong. Kẻ thù bên trong có thể là kiểu mẫu sống loạn thần kinh. Kẻ thù bên trong đó cũng có thể là sự sợ hãi, là sự ghen tương, là sự tức giận, là sự bất an. Nếu chúng ta chỉ chiến đấu chống lại những kẻ thù bên trong, thì như Chúa Giê-su nói, là kẻ thù chúng ta sẽ đưa nộp chúng ta cho quan toà, và quan toà giao chúng ta cho thuộc hạ để tống chúng ta vào ngục. Điều đó có nghĩa là: Nếu chúng ta không ký kết hoà bình với kẻ thù bên trong, thì một lúc nào đó chúng ta sẽ bị rơi vào ngục tù của kiểu mẫu sống loạn thần kinh, rơi vào trong ngục tù của sợ hãi, trong ngục tù của sự bất mãn không hài lòng, đến nỗi chúng ta không còn có thể tìm đường thoát ra đó. Chúng ta cần phải ký kết giao ước hoà bình, khi chúng ta còn ở trên đường, và khi chúng ta chưa bị dồn vào trong những sự lệ thuộc bên trong. Ký kết hoà bình có nghĩa là, luôn trân trọng kẻ thù bên trong. Nếu chúng ta bắt đầu nói chuyện với kẻ thù bên trong, thì có thể anh ta sẽ đứng bên cạnh chúng ta và giúp đỡ. Kẻ thù bên trong sẽ tức giận và đầy thù hận, nếu chúng ta sao lãng không chú ý đến anh ta. Anh ta muốn được hội nhập vào trong cuộc sống của chúng ta”.[xxiii]

 

Ngoài ra, Gregor von Nyssa cũng nhấn mạnh đến phương diện trị liệu để xây dựng hoà bình trong Mối Phúc thứ bảy này: “Trong một câu ngắn ngủi, Lời của Chúa đã  đáp ứng được việc chữa khỏi nhiều bệnh tật của chúng ta”. Gregor đã nhắc đến sự tức giận và sự ghen tị. Sự tức giận làm cho vị đắng cay tràn ngập thân xác và làm cho thân xác trở nên bệnh hoạn. Sự ghen tị thì gặm nhấm tâm hồn. Ai bị tức giận chế ngự, thì sẽ sống trong khổ đau nhưng với một mặt nạ hoan lạc. Nếu người ta nhìn kỹ, thì sẽ nhận ra được một sự bệnh hoạn trong đôi mắt của người bị chế ngự. Chúa Giê-su là Thầy Thuốc, Ngài sẽ chữa lành chúng ta khỏi những bệnh hoạn đó. Gregor đã ca ngợi Chúa là Thầy Thuốc của tâm hồn: “Nếu bác sĩ chữa bệnh thân xác được kính nể nhiều, thì bác sĩ cứu những tâm hồn khỏi các bệnh hoạn tệ hại phải được kính nể nhiều hơn nữa. Bác sĩ chữa bệnh tâm hồn cần được coi là người làm phúc thật sự của cuộc sống”.

Như thế, theo Gregor, thì Chúa Giê-su không chỉ chúc phúc cho những người kiến tạo hoà bình giữa người với người, mà còn chúc phúc cho những người biết đưa lại một sự cân bằng và hài hoà cho các sự căng thẳng bên trong giữa thân xác và tinh thần. Ai làm cân bằng và hài hoà được những căng thẳng bên trong, thì người đó sẽ cảm nhận được một sự an bình cao độ. Người đó sẽ hiệp nhất với toàn bộ con người của mình. Ai tìm được sự hoà hợp trong con người mình, thì người đó sẽ dễ dàng là người kiến tạo và xây dựng hoà bình.[xxiv] Những tâm tình trên đã nhấn mạnh đến sự hài hoà trong đời sống tinh thần, cũng như nêu bật một đời sống nội tâm cân bằng. Có như vậy, người ta có được sự bình an trong tâm hồn. Sự bình an cũng sẽ đến, khi chúng ta biết ý thức sống một đời sống thực tế với từng giây phút hiện tại.

 

[i] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.98-100.

[ii] Trích bởi GRUEN A., Glueck Seligkeit, t. 105.

[iii] LÉON-DUFOUR X., Điển ngữ thần học Thánh Kinh II, Bản tiếng Việt do Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, Đà Lạt – Việt Nam 1974, t.221.

[iv] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.105-106.

[v] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, t.30-31.

[vi] Lĩnh Nam Chích Quái, bản hiệu đính của Vũ Quỳnh, bản dịch của Lê hữu Mục, Huế 1960, t. 44.

[vii] X. NGUYỄN Đăng Trúc, Bài Giảng Trên Núi, bản ebook, Định Hướng Tùng Thư, Reichstett – France, tái bản năm 2003, trong phần Phụ đính Hòa bình theo truyền thống văn hóa Việt-nam.

[viii] X. Hoà Thượng Walpola Rahula, Những gì Đức Phật dạy về thế giới ngày nay, Quang Bảo dịch, nguồn: http://www.budsas.org

[ix] X. LUZ U., Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.214; CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.97 và MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.85.

[x] BIANCHI E., Chemin d’humanité, Les Béatitudes, t.125-127.

[xi] Trích dẫn bởi BIANCHI E., Chemin d’humanité, Les Béatitudes, t.123.

[xii] X. BIANCHI E., Chemin d’humanité, Les Béatitudes, t.127-130.

[xiii] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2013, Nguyễn Minh Triệu SJ chuyển ngữ, số 2.

[xiv] X. PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, bản tiếng Việt do Lm. Minh Anh, Huế 2013, t. 23.

[xv] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.114.

[xvi] X. LÉON-DUFOUR X., Điển ngữ thần học Thánh Kinh II, t.226-227.

[xvii] X. STOEGER A., Das Evangelium nach Lukas, 1. Teil, Geistliche Schriftlesung, t.356-357.

[xviii] BOVON F., Das Evengelium nach Lukas, 2.Teil, t.356-357.

[xix] LÉON-DUFOUR X., Điển ngữ thần học Thánh Kinh II, t.227.

[xx] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.115-116.

[xxi] SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III. Teil, t.385.

[xxii] X. PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.16.

[xxiii] GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.100-101.

[xxiv] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.102-103.

bottom of page