top of page

Phần 06:

PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN TRONG SẠCH,

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC NHÌN THẤY THIÊN CHÚA

Trong đời sống xã hội, ai ai cũng chờ đợi một sự tương đồng giữa lời nói với hành động, nhưng tiếc thay thực tế thì lại khác. Trong marketing có một nguyên tắc quan trọng và căn bản: “Hãy làm thật tốt và sau đó mới kể về điều đó”. Niềm tin không chỉ dựa vào trong lời nói “mật ngọt làm chết ruồi”, mà niềm tin còn chờ đợi chính hành động xảy ra sau lời nói hay kế bên lời nói. Nếu lời nói và hành động tìm thấy được một mẫu số chung, tìm thấy một âm vang chung, thì lúc đó niềm tin sẽ nảy sinh. Thật vậy, ai ai trong chúng ta cũng đều khao khát những con người chân thật. Họ nói và làm đúng theo tinh thần của sự thật. Nơi nọ không có mâu thuẫn. Nơi họ có một trái tim trong sạch và rõ ràng.

 

Sự khao khát của chúng ta được Chúa Giê-su đáp lại, khi Ngài nói lời chúc phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Chúa Giê-su nói lời này, dù Chúa đã hiểu được bản chất và con người thật của chúng ta. Như thế, Ngài có niềm tin ở nơi chúng ta, khi Ngài nói lời chúc phúc này. Khi Chúa chúc phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, thì Ngài đã biết rằng, trong xã hội loài người, dù thế nào vẫn có những anh chị em thật sự tốt lành, thật sự có lòng khao khát đi tìm chân lý, đi tìm sự thật. Lời chúc phúc của Chúa Giê-su cũng là một động lực thúc đẩy mỗi người chúng ta lên đường ra khỏi mình, ra khỏi những tầm thường của cuộc sống, để hướng đến một tâm hồn trong sạch, một cuộc sống với trái tim luôn tương hợp với chân lý và với Lời của Chúa. Có như thế, thì chúng ta - những con người có tâm hồn, có trái tim trong sạch - sẽ tìm thấy hạnh phúc và bình an. Trước khi suy niệm về trái tim trong sạch, xin có vài sơ lược về từ ngữ trái tim.

 

  • Vài hàng sơ lược về từ ngữ trái tim.

 

Từ ngữ trái tim là một từ ngữ nguyên thuỷ và một cách nào đó, từ ngữ này vượt trên những định nghĩa bình thường. Từ ngữ trái tim đầu tiên hướng về một bộ phận trong cơ thể, nhưng lại vượt trên ý nghĩa đó để hướng về một ý nghĩa sâu xa diễn tả về con người. Từ ngữ nguyên thuỷ này – trái tim được nhiều nền văn hoá coi là chiều sâu nhất của con người với cả hồn lẫn xác. Trái tim là nguồn của mọi tư tưởng và mọi sự khôn ngoan, của mọi ước muốn và mọi hành động, và trái tim cũng là nơi tình cảm được diễn tả ra và sống động. Là từ ngữ nguyên thuỷ, trái tim cũng được nhắc đến nhiều lần trong Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, và được diễn tả là trung tâm điểm của cuộc sống con người, là nguồn cội của mọi sức mạnh của tâm  hồn và mọi khả năng. Trái tim cũng là chỗ ngự trị của lý trí, là nguồn của các tư tưởng và suy nghĩ. Cũng thế, trái tim là nơi gối đầu của các ước muốn, và là nguồn cội của mọi kế hoạch và quyết định. Trong một ý nghĩa đặc biệt, các hành động mang tính cách luân lý và tôn giáo của con người cũng được hình thành từ trong trái tim. Vì thế, trái tim là trung tâm điểm mà mọi tín hữu cần hướng về. Trong trái tim, Đức Tin đã được đâm rễ, Đức Tin với lời đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong trái tim, tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần được tuôn trào ra để trao ban. Vì thế, con người cần yêu mến Thiên Chúa với hết cả trái tim, cả tâm hồn. Ngoài ra, Cựu Ước cũng diễn tả ở nhiều nơi về trái tim của Thiên Chúa, và cao điểm của thần học trái tim là nơi chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà trong cả cuộc đời và trong cả sự chết đã diễn tả sự hy sinh toàn vẹn của trái tim cho Cha trên trời và cho nhân loại. Qua đó, Chúa Giê-su cũng mời gọi con người đáp lại Chúa với câu trả lời của niềm tin và của trái tim.[i]

 

Ngoài ra, theo Martini, trong Thánh Kinh, “trái tim” được coi như là chỗ sâu nhất của con người, là trung tâm của một bản vị. Trái tim là nơi mà con người tự ý thức về chính mình, suy nghĩ về sự vật và những sự kiện của cuộc sống, và cũng là nơi mà con người tìm ý nghĩa cho những thực tại đang xảy ra xung quanh. Trong chiều sâu của trái tim, con người nhận trách nhiệm, và tự đặt ra những kế hoạch cho các sự kiện trong cuộc sống. Và ở chính nơi trái tim, con người cũng đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa.[ii]

Đối với thần học gia Ratzinger, từ ngữ trái tim trong Mối Phúc của chúng ta là hình ảnh tổng thể của con người. Trái tim luôn được kết hiệp với trí năng và với toàn thể con người, trên hành trình đi đến với Chúa, để gặp Ngài và chiêm ngắm Ngài. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Bộ phận để nhìn thấy Thiên Chúa là trái tim. Chỉ có trí óc không thôi, thì không đủ. Để cho con người có thể có khả năng nhận ra Thiên Chúa, những năng lực trong hiện hữu của họ phải làm việc hài hòa. Ý muốn cũng như chiều kích cảm xúc bên dưới của linh hồn phải trong sạch, như thế, cho trí tuệ và ý chí một hướng đi. Nói về trái tim theo cách này có nghĩa là những sức mạnh nhận thức của con người đang thể hiện cách hòa điệu, cũng thế sự tương hợp giữa thân xác và linh hồn cũng cần được hoà điệu, vì đó là nền tảng của cái toàn thể trong thụ tạo mà chúng ta gọi là “người”. Tính khí cảm xúc nền tảng của con người thật sự chỉ lệ thuộc vào hiệp nhất giữa thân xác và linh hồn, và trên sự chấp nhận của con người vừa thân xác và vừa tinh thần. Có nghĩa là, họ đặt thân xác của họ dưới kỷ luật của tinh thần, tuy không cô lập trí tuệ hay ý chí. Đúng hơn, họ chấp nhận như chính họ đến từ Thiên Chúa, và vì thế, nhận ra và sống được tính thân xác hiện hữu của họ như sự phong phú cho tinh thần. Trái tim, tổng thể của con người, phải nên tinh khiết, cởi mở nội tâm và tự do, để họ có thể nhìn thấy Thiên Chúa.[iii]

 

- Từ ngữ trái tim theo Pascal và Newman.

 

Trong văn chương, từ ngữ trái tim con người là một chủ đề rộng lớn. Pascal và Newman là hai nhà tư tưởng lớn có ảnh hưởng, và họ đã làm cho quan niệm về trái tim trở nên tinh khiết hơn trong truyền thống Tây Phương. Đứng trước Blaise Pascal (1623-1662), có lẽ thế giới phải cúi đầu bái phục về tư tưởng và ảnh hưởng của ông. Pascal có một cuộc đời ngắn ngủi, chỉ có 39 năm, nhưng tư tưởng của ông là bất diệt. Tuy nhiên bức chân dung Pascal do sách báo và nền giáo dục mô tả nói chung không đầy đủ: trong khi mọi người đều biết Pascal là một thần đồng toán học, thì hầu như rất ít người biết rõ tư tưởng triết học và thần học của ông, mặc dù có thể đây mới là phần tài sản lớn nhất và quý giá nhất mà ông để lại cho hậu thế. Một trong những tác phẩm quan trọng và nền tảng của ông là tác phẩm “Pensées”. Tác phẩm này được viết theo kiểu liệt kê, đánh số từng câu nói. Rất nhiều câu đã trở thành châm ngôn đi vào lịch sử, được người đời trích dẫn rất nhiều, vì chúng quá sâu sắc.

 

Dưới đây là một vài trích dẫn nói về trái tim trong cuốn “Pensées - Tư tưởng”:

“Có sự khác biệt giữa ‘tâm trí toán học’ và ‘tâm trí trực giác’” (Tư tưởng 01).

“Người ta thiếu trái tim; người ta không muốn chọn trái tim làm một người bạn” (Tư tưởng 196).

“Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được” (Tư tưởng 277).

“Trái tim cảm nghiệm được Thiên Chúa, còn lý trí thì không thể. Đó là ý nghĩa của Đức Tin: Thiên Chúa có thể đến được qua trái tim, còn lý trí thì không” (Tư tưởng 278).

“Chúng ta biết sự thật, không chỉ bởi lý trí nhưng còn bởi trái tim; chính trái tim mà chúng ta biết được nguyên lý đầu tiên” (Tư tưởng 282).

 

Như thế, Pascal phân biệt hai loại kiến thức: lý trí trừu tượng và kiến thức của trái tim, một kiến thức trực tiếp, trực giác và linh hoạt. Trái tim mà Pascal nói đến là trái tim được thúc đẩy bởi ân sủng. Chính bởi ân sủng mà trái tim mở ra với Thiên Chúa. Trái tim hướng dẫn chúng ta trong đời sống luân lý, tôn giáo và trong những mối liên hệ loài người. Trái tim biết các sự vật một cách trực giác, và nó không luôn luôn đưa ra các lý do, dù vậy điều đó không có nghĩa là nó mù quáng.[iv]

 

John Henry Newman (1801-1890) là một thần học gia nổi tiếng vào thế kỷ thứ 19, và có ảnh hưởng trên nhiều thế hệ các tín hữu Công Giáo Anh Quốc. Sau 20 năm làm mục sư Anh Giáo, ngài đã trở lại Công Giáo. Mục sư Newman đã khởi xướng phong trào Oxfort, nhằm đào sâu việc nghiên cứu thần học, đặc biệt trong lãnh vực Giáo Phụ, tức là nghiên cứu về nền thần học trong thời kỳ Giáo Hội chưa bị chia rẽ, nhưng còn hiệp nhất giữa Đông và Tây Phương. Chính việc nghiên cứu ấy đã làm cho mục sư Newman đến gần Công Giáo, và gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào năm 1845, khi đã 45 tuổi. Năm 1897, ngài được phong làm hồng y khi sắp tròn 80 tuổi. Ngày 19.9.2010, John Henry Newman đã được Đức Benedicto XVI tuyên phong chân phước. Trong bài giảng của lễ tuyên phong chân phước cho Newman, Đức Benedicto XVI nói: “Khẩu hiệu giám mục của Đức Hồng Y Newman, ‘Cor ad cor loquitur - Trái tim nói với trái tim’ chỉ ra cho chúng ta nhận thức của ngài về cuộc đời Ki-tô hữu. Đó là một lời mời gọi nên thánh, trải nghiệm ước muốn sâu thẳm của trái tim con người, là được kết hiệp sâu xa với Trái Tim Chúa”.

 

Như thế, Newman tin rằng, Thiên Chúa cứu độ chúng ta không phải bằng các luận chứng, nhưng bằng cách nói với trái tim chúng ta. Newman có nhiều bản văn tuyệt đẹp về trái tim: trong trái tim, một con người sẽ tìm thấy lý lẽ xác thực cho việc tại sao người ấy chọn một nếp sống nào đó hay có ý kiến như vậy. Ơn Đức Tin là câu trả lời cho một khát vọng bẩm sinh đi trước mặc khải. Khi rao giảng Đức Tin, chúng ta phải khám phá và đánh thức tình cảm tôn giáo, và những nguyên lý nằm kín trong thâm sâu của trái tim người nghe, nơi là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng lập luật và là thẩm phán đã khắc ghi vào đó. Ngay cả trong những trái tim chai đá, cũng có một bản năng tôn giáo, và bởi đó nó có thể mở ra với sự thật.[v]

 

- Từ ngữ trái tim trong Thánh Kinh.

 

Thánh Kinh chú ý rất nhiều về từ ngữ trái tim con người. Tổng cộng có khoảng 1163 bản văn trong Thánh Kinh sử dụng từ ngữ “trái tim”, và nó thường quy chiếu về con người. Thiên Chúa quan tâm đến trái tim con người. Trong mắt Chúa: phẩm chất của một con người phụ thuộc vào phẩm chất của trái tim người ấy.[vi] 

Ở đây, nếu nhìn đến các sách thuộc thể khôn ngoan của Thánh Kinh, thì từ ngữ trái tim được sử dụng đến 403 lần. Trong số này, năm lần nói về Trái Tim Thiên Chúa, bốn lần nói về trái tim của các sự vật, hai lần ám chỉ đến trái tim của Sa-tan, còn lại 392 lần nói về trái tim con người.[vii]

 

Như thế, chúng ta nhận ra được tầm quan trọng của trái tim con người. “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4,23). Ở đây, tầm quan trọng của trái tim được diễn tả. Trái tim là nguồn mạch của sự sống, vì thế chúng ta phải canh phòng nó cẩn thận. Trái tim là nguồn của mọi cảm xúc và quyết định, của các suy nghĩ, của mọi điều chúng ta ước ao, nói năng và hành động. Thái độ cư xử bên ngoài của chúng ta được xác định bởi trung tâm bên trong này. Chúng ta không thể buông thả chính mình trong mọi sự; chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng mọi khát vọng, kế hoạch, quyết định và đây là điều quan trọng hơn mọi điều khác. Thật vậy, phẩm chất của một người thì phụ thuộc vào phẩm chất của trái tim người ấy. Cần phải kiểm soát những gì đang diễn ra trong trái tim của chúng ta, và qua đó cần cẩn thận trong việc phân định để chọn lựa bạn đồng hành: “Miệng lọc lừa con đẩy cho xa, môi thâm độc, con xua cho khuất” (Cn 4,24). Để có thể tránh được những lạc bước vào trong con đường sai lạc của những miệng lưỡi gian dối, thì cần hướng lòng về sự khôn ngoan: “Đừng để mắt rời xa lời thầy, những hãy luôn giữ ở tận đáy lòng con” (Cn 4,21).[viii]

 

Ngoài ra, một yếu tố liên kết nhiều nhất với trái tim trong văn chương khôn ngoan là việc hiểu biết: nhận thức, suy nghĩ, lý luận, nói với chính mình, tưởng tượng, nhớ lại và lắng nghe lương tâm của mình. Ở đây chúng ta đọc được: “Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ” (Hc 17,6), và “Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người” (Hc 17,8). Như thế, tác giả sách Huấn Ca muốn diễn tả trái tim là trung tâm của sự hiểu biết, và Thiên Chúa ban cho chúng ta một trái tim để suy nghĩ, và ánh sáng trong trái tim chúng ta là một ánh sáng của thần linh, giúp chúng ta nhận ra vẻ đẹp và sự khôn ngoan của công trình tạo dựng. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn khuyên chúng ta chú ý đi tìm sự khôn ngoan qua việc suy đi nghĩ lại cho kỹ lưỡng: “Con ơi, hãy nghe ta, hãy học cho biết, và để tâm suy nghĩ lời ta” (Hc 16,24). Để theo đuổi sự khôn ngoan, thì phải chuyên chăm và đòi hỏi phải có kỷ luật: “Tư tưởng con, ai sẽ lấy roi sửa trị, tâm can con, ai sẽ dùng khôn ngoan dạy dỗ, để đừng dung thứ những lầm lỗi của con, cũng đừng làm ngơ trước tội con đã phạm?” (Hc 23,2). Huấn luyện trái tim của chúng ta, để sử dụng trái tim, để trở nên chính mình, đòi hỏi phải có kỷ luật, sự lắng nghe và sự chú tâm. Chúng ta phải học “con đường”, và ý thức mỗi ngày đi con đường đó với tất cả sự khôn ngoan dẫn đến với Thiên Chúa. Vì thế, “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).[ix]

 

Về trí nhớ như là một chức năng của trái tim, các sách khôn ngoan nhắc tới: “ Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy, huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn.  Vì nhờ đó, con sẽ được sống lâu trăm tuổi, và đầy tràn phúc lộc bình an.  Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con ,nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng” (Cn 3,1-3), và “những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày” (Cn 6,21). Ngoài ra, trong sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc đến  việc ghi nhớ của trái tim: “Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6,6). “Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu” (Đnl 11,18). “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành” (Đnl 30,14). Như thế, việc ghi nhớ Lời Chúa dạy dỗ được các tác giả nhắc nhớ, để chúng ta đón nhận Lời Chúa vào trong trái tim quảng đại. Khi chúng ta gìn giữ, suy gẫm Lời Chúa trong trái tim của mình, thì Lời Chúa như là ngọn hải đăng hướng dẫn đời sống, và tầm nhìn của chúng ta, như tiên tri Giêrêmia nhắc đến: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33).[x] Đó là một số đoạn Thánh Kinh chỉ về trái tim. Các Giáo Phụ cũng chú ý tới từ ngữ này ở trong các bài suy tư của các ngài.

 

- Từ ngữ trái tim con người theo các Giáo Phụ.

 

Các Giáo Phụ đã sử dụng từ ngữ trái tim theo nghĩa của Thánh Kinh. Trái tim là trung tâm kín ẩn và sâu xa của con người.[xi] Tuy nhiên, đôi khi văn hoá và các triết gia Hy-lạp cũng có ảnh hưởng đáng kể, chẳng hạn như Origene sử dụng từ trái tim để chỉ về trí tuệ. Vào thế kỷ thứ hai, Hermas đã nói về việc thanh tẩy trái tim: “Hãy thanh tẩy trái tim của bạn khỏi các sự phù phiếm của thế gian này, khỏi mọi nỗi nghi ngờ. Hãy cậy dựa vào Đức Tin vì nó rất vững chắc”. Clemens thành Alexandria (150-215) nói về vai trò của Đức Tin trong việc biến đổi trái tim. Trong bản văn của ông, giống như Origene, Đức Tin được trình bày như sự phát triển tri thức: “Ánh sáng này sẽ chiếu soi vào trong phần thâm sâu nhất của con người, trong trái tim con người, và những tia sáng hiểu biết sẽ bừng lên, để mặc khải và soi sáng con người nội tâm, môn đệ của ánh sáng, người bạn của Chúa Ki-tô”.

Đối với thánh Âu-tinh, trái tim là trung tâm sâu xa nhất của con người, là nguồn mạch mọi hiểu biết, cảm giác, và khả năng tâm linh. Đặc biệt, từ kinh nghiệm bản thân, thánh nhân nói về sự hoán cải của trái tim một cách sâu xa, sự thanh tẩy, canh giữ trái tim, những lo âu của trái tim, và sự soi sáng trái tim: “Hỡi quân phản trắc, hãy trở về với trái tim các ngươi” (Is 46,8). Hãy trở về với trái tim! Tại sao bạn lại chạy trốn chính mình và đánh mất chính mình? Tại sao bạn lại đi vào con đường diệt vong? Bạn đang đi lang thang, hãy trở về! Trở về đâu? Trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên; trước hết hãy trở về với trái tim bạn, bạn đang đi lang thang bên ngoài chính bản thân mình; bạn không biết chính mình, và bạn muốn biết mình do ai tạo dựng nên! Hãy trở về, hãy ở lại với trái tim của bạn; đừng chú tâm đến xác thịt. Xác thịt là chỗ cư ngụ của bạn. Trái tim nhận biết nhờ các phương tiện của thân xác. Nhưng thân xác bạn không nhận biết được điều trái tim nhận biết. Hãy trở về với trái tim bạn. Trong thân xác, bạn tìm thấy một chỗ cho đôi mắt, chỗ khác cho đôi tai, thế bạn có tìm thấy tai và mắt trong trái tim bạn không? Bạn có đôi tai trong trong trái tim bạn không? Tại sao Chúa nói: “Ai có tai thì hãy nghe” ? Hay bạn có đôi mắt trong trái tim bạn không? Tại sao thánh Tông Đồ nói: “Xin người soi sáng cho đôi mắt của trái tim anh em” ? Hãy trở về với trái tim; hãy nhìn xem ở đó bạn có thể học biết về Thiên Chúa, vì hình ảnh của Thiên Chúa ở đó. Trong con người nội tâm có Chúa Ki-tô ngự trị. Trong con người nội tâm, bạn được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Hãy nhìn xem làm thế nào các giác quan của thân xác thông báo cho trái tim điều chúng nhận biết ở bên ngoài; hãy nhìn xem đôi mắt truyền đạt cho trái tim những hình ảnh trắng và đen, đôi tai truyền đạt cho trái tim những âm điệu du dương; trái tim truyền đạt cho chính nó sự phân biệt điều đúng và điều sai trái. Trái tim bạn vừa thấy, nghe và phán đoán các dữ liệu của cảm giác; và điều các giác quan của thân xác không thể làm được. Nó phân biệt điều đúng và điều sai trái”.

Khi trở về với trái tim, chúng ta có thể học biết lắng nghe và nhìn xem với trái tim. Thánh Âu-tinh nhiều lần nói: hãy thanh tẩy đôi mắt của trái tim bằng Đức Tin, để chúng ta có thể nhìn thấy điều chúng ta tin. Trở về với trái tim là bước đầu tiên trong việc trở về với Chúa, Đấng đã tạo dựng nên trái tim chúng ta: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con trong Chúa, và trái tim con còn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi nào được ngủ yên trong Chúa”.

 

Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, là đan sĩ trước khi làm Giáo hoàng, đã chia sẻ rằng: “Những con người thánh thiện, những người thấy mình bị buộc phải bận tâm đến những thừa tác vụ bên ngoài, luôn cẩn thận tìm kiếm một nơi kín ẩn trong trái tim của họ; ở đó họ đạt tới đỉnh cao của những tư tưởng nội tâm thâm sâu. Dẹp qua một bên trong chốc lát những xáo trộn của các hoạt động chóng qua, họ suy niệm về ý muốn của Thiên Chúa”. Các Giáo Phụ cũng nhắc đến trái tim của Chúa Giê-su, về điều này sẽ được bàn ở phần sau, khi hướng nhìn lên trái tim của Chúa Giê-su.

 

Vào thời trung cổ có một số thần học gia đã nhắc đến trái tim, như Hugo of St.Victor (1100-1141) nói về sự thanh tẩy trái tim: “Trái tim bằng thịt của chúng ta giống như cây xanh, vẫn còn những ướt át của dục vọng xác thịt. Khi nó đón nhận một tia lửa của lòng kính sợ Thiên Chúa hay tình yêu Thiên Chúa, thì khói của dục vọng xấu xa và các đam mê bốc lên tức thì. Sau đấy, linh hồn trở nên mạnh mẽ hơn, lửa tình yêu trở nên mãnh liệt hơn, trong sáng hơn, và chẳng bao lâu khói đam mê tan biến, tinh thần được nâng lên chiêm ngưỡng sự thật với một tâm trí tinh sạch. Cuối cùng, nhờ chiêm niệm, trái tim sẽ được tràn đầy sự thật, với lòng nhiệt thành, đạt đến nguồn mạch của sự thật tuyệt đối, được nung nấu bởi sự thật và được biến đổi trong ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, nó không còn bị quấy rối nữa. Nó đã tìm thấy sự yên tĩnh và bình an”.[xii] 

Các Giáo Phụ và các nhà thần học, khi nhắc đến trái tim con người, đều hướng về trái tim của Chúa Giê-su, là nguồn mạch của tình yêu thương, là trái tim tinh tuyền hoàn hảo nhất, mà tất cả chúng ta đều cần phải hướng về, để một phần nào đó trái tim con người chúng ta được trở nên tinh tuyền trong ân sủng của Thiên Chúa.

 

  • Suy niệm về trái tim trong sạch.

 

- Trái tim trong sạch theo các sách Cựu Ước.

 

Trái tim trong sạch tinh tuyền là điều mà các tác giả trong Cựu Ước hay nhắc tới. Người khôn ngoan luôn hướng trái tim tinh tuyền của mình theo chính đạo, theo điều tốt lành: “Hỡi con, hãy nghe thầy và con sẽ nên khôn, hãy hướng lòng con theo chính đạo” (Cn 23,19). Ở đây, chúng ta được khuyên hướng dẫn trái tim của mình, để hướng theo con đường tốt lành, con đường đưa đến niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa. Khi có một trái tim tinh tuyền, chúng ta bước vào trong một hành trình hoán cải liên lỉ, vì không ai có thể nói rằng, tâm hồn và trái tim mình luôn thanh khiết, và không vương vấn tội lỗi: “Ai dám nói: ‘Tôi đã giữ lòng mình thanh khiết, và tôi đã sạch tội rồi!’” (Cn 20,9). Việc thanh tẩy trái tim luôn là một tiến trình tiếp diễn mãi. Cũng thế, hành trình cuộc đời là hành trình hoán cải không ngừng. Trước Thiên Chúa, trái tim của chúng ta không hề hoàn hảo. Chúng ta cần thanh tẩy, thống hối, hoán cải, được rửa sạch để có sự tinh tuyền trong trái tim. Có như vậy, Thiên Chúa sẽ hiện diện, như trong sách Khôn Ngoan nhắc tới: “Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ” (Kn 1,4). Trong Thánh Vịnh cũng diễn tả lời cầu xin rất căn bản: một trái tim tan nát và lời nguyện xin thanh tẩy trái tim, xin Thiên Chúa ban cho trái tim trong trắng:

“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51,12-13).

 

Trước đó Thánh Vịnh gia đã tuyên xưng rằng:

“Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử” (Tv 51,6).

 

Trái tim trong sạch và một tinh thần mới là quà tặng của Thiên Chúa. Đó là một cuộc tạo dựng mới. Đavít có một cái nhìn mang tính ngôn sứ rất quan trọng: Thiên Chúa không hài lòng với việc hiến tế chiên bò, nhưng Ngài muốn một trái tim thành thật và thống hối:

“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,18-19).

 

Với những trái tim tan vỡ và có lòng thống hối, Thiên Chúa luôn gần gũi cách đặc biệt:

“Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34,19).

 

“Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147,2-3).

 

Khi Thiên Chúa gần gũi với những trái tim tan nát, Ngài băng bó chữa lành và làm mới lại hoàn toàn. Một trái tim mới luôn nhờ đến ân sủng và lòng thương xót của Chúa:

“Thiên Chúa nhân hậu biết dường nào với nhà Ít-ra-en,

với những kẻ có lòng trong sạch!” (Tv 73,1).

 

Thánh Vịnh 73 này đề cập đến trái tim con người sáu lần; việc thanh tẩy trái tim hai lần.[xiii] Thánh Vịnh này là một Thánh Vịnh khôn ngoan, một suy niệm về việc có đáng phải giữ trong sạch hay không. Thoạt đầu dường như những kẻ không giữ trái tim trong sạch vẫn sống khoẻ re: “Ác nhân như vậy đó, chúng vẫn cứ an nhàn, thu tích thêm của cải” (Tv 73, 12).

Nhưng vấn đề được đặt ra là:

“Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công
giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch!
Suốt ngày con bị đòn bị đánh,
mỗi sớm mai hình phạt sẵn chờ” (Tv 73, 13-14).

 

Khi suy niệm về điều này, Thánh Vịnh gia nhận thấy việc sống mật thiết với Thiên Chúa thì quan trọng hơn bất cứ việc nào khác:

 

“Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết,
những kẻ phụ Ngài, Ngài diệt cả đi.
Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,
chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời.
Mọi việc Ngài làm, con xin kể lại
nơi cửa vào thành thánh Xi-on” (Tv 73,27-28).

 

Và câu 26 của Thánh Vịnh là một câu nền tảng ấn tượng về trái tim:

“Dẫu cho hồn xác suy tàn,
thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con,
muôn đời là Chúa cao tôn” (Tv 73,26).

 

Trái tim con người có thể cậy dựa vào Thiên Chúa. Ngài là người bạn trung tín và đầy lòng cảm thương mà chúng ta cần đến, là lời hứa và hy vọng của chúng ta. Ngài cũng là người hướng dẫn chỉ đường cho chúng ta:

“Xin dạy con đường lối Ngài, lạy CHÚA,
để con vững bước theo chân lý của Ngài.
Xin Chúa hướng lòng con,
để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh” (Tv 86,11).

 

“Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119,34).

 

Khi sống theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, thì người có trái tim tinh tuyền quyết tâm với lòng tin tưởng vào Chúa, và tiếp tục kêu cầu Chúa, để Chúa giúp tránh xa mọi thứ kiêu căng và gian manh, xấu xa và đê tiện.

“Con nguyện chủ tâm theo đường hoàn hảo,
bao giờ Ngài mới đến cùng con?
Con sẽ sống theo lòng thuần khiết
ở trong cửa trong nhà.
Việc xấu xa đê tiện, con chẳng để mắt trông.
Con ghét kẻ làm điều tà vạy,
không để cho dính dáng đến mình.
Tâm địa gian manh con hằng xa lánh,
chẳng muốn biết gì đến chuyện xấu xa” (Tv 101,2-4).[xiv]

 

Ngoài ra, trong  Thánh Vịnh 24,3-4 trái tim trong sạch được nối kết với các từ ngữ khác:

“Ai được lên núi CHÚA?

Ai được ở trong đền thánh của Người?

Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,

chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối”.

 

“Trái tim” và “bàn tay” được diễn tả song song với nhau. Một trái tim trong sạch không thể tách rời bàn tay trắng ngần. Bàn tay đó không bao giờ nhúng vào sự dữ đầy màu đen tối, bàn tay đó không bao giờ gây hấn và làm tổn thương đến anh chị em, và luôn giữ chặt điều răn thứ năm vào trong lòng mình: “Chớ giết người”. Còn trái tim trong sạch chứa đựng lời từ chối quyết liệt trước dối trá, xảo quyệt. Trái tim này là trái tim của những người sống theo giới răn của Chúa. Họ luôn trung thành với Chúa, và trong nền tảng họ luôn chân thật và ngay thẳng.[xv]

Trái tim tinh tuyền và bàn tay thanh sạch chính là điều kiện để con người có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, để có thể bước vào đền thánh Giê-ru-sa-lem, nơi mọi người gặp gỡ được Thiên Chúa và cao rao lời tôn vinh Ngài: Thánh Thánh Thánh! Trong cái nhìn này, lề luật đã đặt ra những điều kiện bên ngoài, để con người thực hiện các nghi lễ thanh sạch trước khi bước vào đền thờ của Thiên Chúa. Nhưng Thánh Vịnh gia đi xa hơn, khi đòi hỏi con người cần phải có được cách hành xử và hành động trong sạch và tinh tuyền phát xuất từ chính trái tim, trong chiều sâu của nó. Nếu đọc lại Thánh Vịnh 15, chúng ta sẽ thấy Thánh Vịnh gia đặt câu hỏi: “Ai được vào ngụ trong nhà Chúa?” và cũng đã trả lời cho mọi người với 5 câu ngắn ngủi của Thánh Vịnh:

“Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,

miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,

cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ”.

Về Thánh Vịnh 15 này, chúng ta hãy để Valles giúp chúng ta suy niệm: “Lạy Chúa, con muốn sống thân mật bên Chúa, nhưng con cứ đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa. Con quên bẵng Chúa để rồi sống hết giờ này sang giờ khác như không hề có Chúa. Những thời khắc cầu nguyện làm con nhớ lại sự hiện hữu của Chúa, nhưng rồi sau đó, hầu như chứng nào tật nấy. Con muốn tìm lại sự tiếp xúc với Chúa, con muốn vào lều tạm của Chúa, và được sống trên núi thánh của Chúa. Xin Chúa chỉ cho con biết phải làm sao để đạt được điều ấy.

Con háo hức chờ đợi câu trả lời của Chúa, nhưng sau khi nghe những điều kiện Chúa nêu ra, con chợt nhận ra mình đã biết tất cả, và tất cả thực ra cũng quy về một, đó là giới luật buộc con phải sống yêu thương, công bình chính trực với anh em đồng loại. Những kẻ bước đi trọn lành và làm điều chính trực,… không xử ác với người đồng loại, không buông lời phỉ báng người thân, họ sẽ được sống trên núi thánh và vui hưởng sự hiện diện của Chúa.

Một lần kia có một thanh niên đến hỏi Chúa, ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì?’ Và Chúa đã giải đáp, ‘Ngươi đã biết các giới luật’. Câu trả lời ‘Người đã biết’ như vậy cũng dành cho thắc mắc của con ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Vâng, con biết, con biết điều mình biết. Và con còn nhớ Chúa đã dạy một người khác: ‘Ngươi hãy đi và làm như vậy, thì sẽ được sống đời đời’.

Xin cho con biết ra đi và làm như vậy. Xin cho con biết yêu thương anh em đồng loại biết sống công bình và nói năng chính trực. Xin cho con biết nhân ái, yêu thương và từ tâm. Xin cho con biết nhân danh Chúa mà phục vụ dân Chúa, phục vụ niềm tin; và động lực là khi phục vụ con cái Chúa, con sẽ chiếm được chính Chúa. Để qua cuộc sống tốt lành ở đời này, con sẽ được nhận vào lều của Chúa và sống trên núi thánh của Chúa”.[xvi]

Thánh Vịnh 50 cũng diễn tả sự lên án mạnh mẽ của Thiên Chúa đối với những người đạo đức giả: “Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?
Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50,16-17).

Thánh Vịnh 50 là một lời mời gọi các tín hữu luôn hướng tâm hồn mình lên Chúa và sống theo sự hướng dẫn của Chúa, và sống theo lề luật và thánh ý của Thiên Chúa. Nói cách khác, tương quan của tín hữu tốt lành với Thiên Chúa, luôn tương hợp với tương quan tốt lành của họ đối với tha nhân. Đó là lối sống của những người có tâm hồn trong sạch. Trong cuộc sống của họ không có sự mâu thuẫn.

Ngoài ra, tiên tri I-sai-a cũng đã diễn tả những điều kiện để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,16-17).

Tiên tri Giêrêmia cũng bổ túc thêm: “Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: ‘Chúng ta được an toàn!’, sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết” (Gr 7,9-11).

Tóm lại, Cựu Ước đã đưa lại cho chúng ta một sứ điệp rõ rệt, là chỉ những ai có trái tim trong sạch tinh tuyền thì mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa, có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Họ thuộc về “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp” (Tv 24,6). Thật vậy, được nhìn thấy Thiên Chúa, được gặp Ngài là mong ước lớn lao của tín hữu:

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,2-3).[xvii]

Như vậy, thật phúc thay những ai có trái tim trong sạch và tinh tuyền, vì họ được diễm phúc lớn lao nhất, là được chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện. Còn gì là cao quý hơn nữa. Đó là con đường mà chính Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta và mời gọi chúng ta bước đi theo Ngài.

- Trái tim trong sạch trong Tân Ước.

 

Trong Tân Ước, từ ngữ trái tim xuất hiện 159 lần. Trong đó 154 lần chỉ về trái tim con người. Đặc biệt, Chúa Giê-su luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trái tim.[xviii] Trong Phúc Âm của mình, Lu-ca đã nhấn mạnh một điều: Sự hiện diện của Chúa Giê-su trở thành biến cố đem lại ơn cứu rỗi cho từng người một, nếu họ đón nhận sự hiện diện này với tất cả trái tim: trong trái tim của các mục đồng, của Mẹ Maria. Trong trái tim của mình, Mẹ đã gìn giữ mọi sự mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho chúng ta, qua biến cố giáng trần của Chúa Giê-su. Mẹ đã chiêm ngắm những sự đó và đã sống trọn vẹn cho những sự đó, nghĩa là cho chính kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[xix] Trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu, tác giả ghi lại Mối Phúc chúng ta đang suy niệm, có tất cả 16 lần từ ngữ trái tim được Chúa Giê-su dùng, để mời gọi sự đổi mới nơi con người. Như từ ngữ trái tim được nhắc đến trong Mối Phúc với lời mời gọi mọi người cần có trái tim trong sạch, và như vậy thì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.

 

Từ ngữ “trong sạch” trong tiếng Hy-lạp là “katharos”. Từ trái nghĩa là “dơ bẩn”. Chúng ta gặp được trong một đoạn của Phúc Âm Mát-thêu nói về việc sau khi Chúa Giê-su chết, ông Giuse A-ri-ma-tha đã xin Phi-la-tô cho được nhận xác của Chúa Giê-su: “Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm” (Mt 27,58-59). Trong Mối Phúc mà Chúa Giê-su nói, từ ngữ katharos – trong sạch được gắn với từ trái tim, không chỉ về sự sạch sẽ bên ngoài, mà chỉ về chất lượng bên trong. Trong lịch sử chú giải Thánh Kinh, các nhà chú giải tranh luận xem có phải sự trong sạch của trái tim ở đây là sự chế ngự và làm chủ tất cả các giác quan hay không, (theo truyền thống thì vẫn hiểu như vậy) hay có ý nghĩa nói về mục đích duy nhất.

Một khía cạnh khác của từ ngữ katharos ở trong Phúc Âm Gio-an chương 13, nói về sự trong sạch trong đời sống luân lý là không mang tội lỗi gì cả: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13,10b). Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của mình như vậy, sau khi Ngài rửa chân cho các ông. Sau đó, Gio-an viết tiếp: “Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: Không phải tất cả anh em đều sạch” (Ga 13,11). Một mình Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nên trong sạch, chỉ có Ngài mới có thể phục hồi lại trái tim của chúng ta, qua chính sự tha thứ của Ngài.[xx]

 

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa giải thích sự tương phản giữa luật cũ và luật mới (x.Mt 5,21-48). Sự tương phản hệ tại ở chỗ luật mới thì sâu xa hơn, nó vươn tới trái tim. Không phải chỉ việc giết người mới là điều xấu mà cả việc giận ghét anh em nữa. Không chỉ ngoại tình là xấu, nhưng cả việc ao ước phạm tội trong lòng nữa, vì đó là ngoại tình của trái tim (x.Mt 5,28). Đối với các việc tốt lành của người Do Thái, Chúa chú ý tới ý ngay lành của việc làm, để cho chúng đừng trở nên sự phô trương bên ngoài. Chiều sâu của luân lý mới cũng được biểu lộ ở hai điểm mà Chúa Giê-su nêu lên ở Mt 5,38-48, những điểm này là đặc tính của một trái tim mới. Điểm thứ nhất là huỷ bỏ việc trả thù. Đối với luật báo thù của người Do Thái “mắt đền mắt răng đền răng”, Chúa Giê-su đưa ra một giải pháp khác: tha thứ, không sử dụng bạo lực. Báo thù không thuộc về Ki-tô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Tiếp đến, tính phổ quát của tình yêu huynh đệ được Chúa Giê-su nêu bật. Không ai bị loại trừ, ngay cả kẻ thù của chúng ta. Tình yêu phổ quát của Cha trên trời là tiêu chuẩn: “Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Chúa Giê-su cũng nhắm đến việc đổi mới trái tim. Khi trái tim tốt đẹp, thì các hành động tốt sẽ theo sau: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,33-35). Nguyên tắc này cũng được nhắc tới trong Bài Giảng Trên Núi: “Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7,17-18). Các hành động của chúng ta nảy sinh từ chính trái tim của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận đặt trái tim của mình vào những giá trị chân chính: “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21).[xxi] Như thế, nếu kho tàng của chúng ta ở nơi Chúa Giê-su, Đấng có trái tim tinh tuyền và trong sạch nhất, thì trái tim của chúng ta cũng bước vào hành trình trở nên tinh tuyền và trong sạch như lòng Chúa ước mong.

 

- Trái tim trong sạch trong cái nhìn của các Giáo Phụ.[xxii]

 

Các Giáo Phụ giải thích từ ngữ trái tim trong sạch theo ba ý nghĩa: Luân lý, thần bí và khắc khổ. Ý nghĩa luân lý nhấn mạnh đến mục đích chân chính; ý nghĩa thần bí nhấn mạnh đến việc được nhìn thấy Thiên Chúa, và ý nghĩa khắc khổ nhấn mạnh đến việc chiến đấu chống lại thân xác nhiều yếu đuối. Thánh Âu-tinh trước hết đã chú ý đến ý nghĩa luân lý của trái tim trong sạch. Tin Mừng Mát-thêu có ghi:“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1). Ngoài ra, với thánh Âu-tinh, ý nghĩa của trái tim trong sạch hệ tại ở điều: mục đích chân chính. Âu-tinh viết: “Tất cả mọi việc chúng ta làm sẽ tinh tuyền trong sạch và đẹp lòng Thiên Chúa, nếu những việc đó được làm với mục đích chân chính của trời cao, và có một kết thúc hướng về tình yêu”. Cách thức giải thích này nhấn mạnh đến mục đích chân chính đã được nhiều linh đạo chú ý tới, đặc biệt linh đạo của Thánh Inhaxio thành Loyola.

Cách giải thích mang tính cách thần bí được Gregory Nyssa hướng đến. Mọi người cần có trái tim trong sạch tinh tuyền đối với mọi ràng buộc, mọi đam mê trong thế giới này, cũng như mọi ràng buộc, mọi đam mê đến từ ma quỷ. Trái tim của con người cần trở nên trong sạch và tinh tuyền, vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là bước đầu tiên. Sau đó, linh hồn con người như một tấm gương phản chiếu sự sống của con con người, sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Thánh Greogory Nyssa viết rằng: “Nếu bạn được tẩy rửa qua chình cuộc sống tốt lành, tẩy rửa mọi thứ rác rưởi như là những thứ bám chặt vào trái tim của bạn, thì vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ được chiếu soi trở lại trong chính bạn. Vì thế, nếu ai có trái tim trong sạch, thì người đó sẽ nhìn thấy được chính mình. Nếu người đó nhìn thấy chính mình, thì họ nhìn thấy điều họ ao ước, và như thế người đó là người được chúc phúc”.

Ở đây, điều quan trọng được nhấn mạnh nằm ở chỗ “thì được nhìn thấy Thiên Chúa”. Cách giải thích mang tính cách thần bí này cũng được các nhà thiêng liêng học chú ý trong nhiều thời đại, như thánh Bernard, thánh Bonaventure. Thánh Bernard viết rằng: “ ‘Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa’, như muốn nói rằng: hãy làm sạch trái tim bạn, hãy trở nên tự do với tất cả mọi thứ, hãy trở nên một đan sĩ – có nghĩa là, trở nên một trái tim duy nhất thôi. Đi tìm một điều duy nhất từ Thiên Chúa, và xin Ngài ban cho điều đó: ‘Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng’ (Tv 27,4). Nếu bạn đã thanh tẩy trái tim của bạn, chẳng bao lâu bạn sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Cách giải thích mang tính cách khắc khổ đã đồng hoá trái tim trong sạch với đức trong sạch. Các giáo phụ như John Chrysostom, và sau đó một số nhà thần bí và thiêng liêng học cũng theo chiều hướng giải thích này. Ở đây, có thể nhắc đến nhà thần bí John Russbroec đã phân biệt đức trong sạch của tinh thần, đức trong sạch của trái tim và đức trong sạch của thân xác. “Đức trong sạch canh chừng và che chở mọi giác quan thuộc về bên ngoài, đức trong sạch chế ngự và ngăn trở mọi ước muốn đầy dục vọng…, và đức trong sạch như là một chìa khoá giúp trái tim đóng lại với mọi thứ thuộc về trần gian và mọi thứ giả dối, cũng như giúp trái tim mở ra với mọi thực tại của thượng giới, cũng như mở ra với tất cả sự thật”. Đó là ba cách thức giải thích trái tim trong sạch của các Giáo Phụ và được các nhà thiêng liêng học trong nhiều thời đại chú ý tới. Dưới đây, xin tìm hiểu thêm một chút về người có trái tim trong sạch theo nghĩa là người luôn có mục đích chân chính và không có hậu ý gì.

 

 

[i] X. STIERLI J., Từ HERZ trong Praktisches Lexikon der Spiritualitaet, Christian Schuetz (Hrgs.), Herder Verlag, Freiburg 1992,  c.619-620.

[ii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.73.

[iii] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.123-124.

[iv] Trích và diễn giải bởi BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, Lm. Monfort Phạm Quốc Huyên O.Cist. chuyển ngữ, NXB. Tôn Giáo 2010, t. 212-213.

[v] Trích dẫn bởi BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.213.

[vi] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.9-10.

[vii] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.15.

[viii] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.15-16.

[ix] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.18-19.

[x] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.23-25.

[xi] Phần này tham khảo trong X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t. 182-188.

[xii] Trích bởi BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t. 188.

[xiii] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.28-29.

[xiv] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.29-33.

[xv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.77.

[xvi] VALLES C.G. SJ., Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.59-60.

[xvii] BIANCHI E., Chemin d’humanité, Les Béatitudes, t.110-112.

[xviii] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.134.

[xix] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.73-74.

[xx] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.74-75.

[xxi] X. BOVENMARS J.G. MSC., Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, t.134-137.

[xxii] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.83-86.

bottom of page