top of page

Phần mở đầu (A)

  • Các Mối Phúc trong Bài Giảng Trên Núi.

 

Các Mối Phúc được Thánh Mát-thêu viết lại, nằm trong Bài Giảng Trên Núi (BGTN) của Chúa Giê-su (từ chương 5-7). Thánh Lu-ca cũng có viết về các Mối Phúc, nhưng ngắn hơn (x.Lc 6,22-26). Tập sách suy niệm này, xin được chú tâm đến các Mối Phúc trong Phúc Âm của Thánh Mát-thêu, và phần nào cũng đối chiếu với các Mối Phúc trong Phúc Âm của Thánh Lu-ca. Trong phần mở đầu này, trước hết xin được tóm lược về BGTN với những nét đặc sắc.

 

Trước khi Chúa Giê-su bắt đầu bài giảng này, Mát-thêu thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su bị cám dỗ trong Sa mạc (x.Mt 4,1-11), Chúa bắt đầu sứ vụ ở Ga-li-lê qua lời rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17), và việc Chúa kêu gọi các môn đệ đầu tiên (x.Mt 4,18-22). Với việc kêu gọi này, Chúa Giê-su, qua một cử chỉ biểu trưng nhưng trong một hành động cụ thể, canh tân dân tộc Ít-ra-en gồm 12 chi tộc, công bố việc qui tụ Ít-ra-en mới. Ngoài ra, trước BGTN, Mát-thêu đã tường trình ngắn ngủi về hoạt động đầu tiên của Chúa tại Ga-li-lê. (x.Mt 4,23-25).

 

- Ga-li-lê, mảnh đất đầu tiên của sứ vụ.

 

Ga-li-lê được nhấn mạnh trong Phúc Âm của Mát-thêu, như là Ga-li-lê của dân ngoại. Đây là vị trí mà các ngôn sứ công bố: “Nhưng sẽ không còn bóng đêm ở nơi đang bị ngặt nghèo. Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 8,23-9,1).

 

Như thế, Ga-li-lê, một vùng đất của dân ngoại sẽ đón nhận một ánh sáng chứa chan, ánh sáng bừng lên chiếu rọi tất cả những ai đang bị đêm đen bao phủ và làm chủ (x.Mt 4,15).

 

“Thật kinh ngạc khi thánh Mát-thêu muốn nhấn mạnh Đấng cứu độ không đến từ Giê-ru-sa-lem hay Giu-đê-a, nhưng từ một mảnh đất bị coi là nửa ngoại giáo. Điều đối với những người xem như lý do để chống đối sứ vụ của Đức Giê-su – đó là việc Người xuất thân từ Na-da-rét, từ Ga-li-lê – thì trong thực tế lại là chứng cứ cho sứ vụ thiên sai của Ngài”.[i] Tại Ga-li-lê này, Chúa Giê-su đã giảng bài giáo huấn đầu tiên. Vì bài giáo huấn này được thực hiện trên một ngọn đồi núi nằm dọc biển hồ Tibêria, nên người ta mới gọi đó là Bài Giảng Trên Núi (BGTN).

 

         - Núi đồi, nơi lời giáo huấn mới được loan truyền.

 

“Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi”. Hình ảnh núi trong Phúc Âm của Mát-thêu có nhiều ý nghĩa. Trước hết, núi là nơi Chúa Giê-su cầu nguyện: “Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14,23). Núi cũng là nơi Chúa Giê-su chữa lành: “Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành” (Mt 15,29-30). Núi cũng nơi Chúa Giê-su mặc khải về chính Ngài: “Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” (Mt 17,1-2).

 

Trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, núi còn là nơi Chúa Giê-su giảng dạy, những lời rao giảng của Ngài xuất phát từ việc trao đổi thâm sâu với Chúa Cha. Cụ thể hơn, núi được Mát-thêu nhắc ở đây không được xác định là ngọn đồi núi nào trong vùng Ga-li-lê. Vì thế, điều quan trọng ở đây không phải là danh tánh của núi, mà là ý nghĩa thần học của nơi Chúa Giê-su giảng Bài Giảng Trên Núi. Theo thánh Âu-tinh: “Điều này có ý nghĩa rằng, chỉ có một Thầy dạy có tư cách và khả năng dạy những điều cao siêu, mới ngồi trên núi cao để giảng dạy. Ngồi để giảng dạy, nêu bật phẩm cách cao quý của Thầy dạy”.[ii]

 

Dù không xác định ngọn núi này là núi nào, nhưng theo truyền thuyết thì đó là một quả đồi cao về phía bắc hồ Giê-nê-gia-rét như núi Bát Phúc. Ratzinger diễn tả: “Ai đã một lần đến đây sẽ được nhìn một cảnh quang thật rộng trên nước mặt hồ, trời cao và mặt trời, những cây cao và đồng cỏ, hoa và tiếng chim hót, sẽ không thể nào quên bầu khí thanh bình, đẹp đẽ của vũ trụ mà họ được gặp nơi đó, nhưng cũng thật đau thương, vì tất cả phải nằm trong một nước không có được bình an”.[iii]  Ngoài ra, núi Bát Phúc cũng được coi là núi Si-nai mới, là một trong những nơi Đức Giê-su là Môi-sê mới loan báo Tin Mừng.

 

- Chúa Giê-su, Môi-sê mới.

 

Khi thu thập những lời của Đức Ki-tô dưới hình thức một bài giảng, thánh Mát-thêu muốn giới thiệu cho chúng ta Chúa Giê-su là vị Môi-sê mới, với ý nghĩa sâu xa mà trước đây chúng ta đã nhìn thấy lời hứa về vị ngôn sứ trong sách Đệ Nhị Luật. “Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng” (Mt 5,1-2). Đức Giê-su ngồi xuống. Đó là thuật ngữ nói lên thẩm quyền của người giảng dạy. Như vậy, ở đây Đức Ki-tô dùng núi làm toà giảng. Ngài ngồi trên “toà” để giảng dạy, nhưng không giống như các giảng sư đã được đào tạo trong các trường lớp; Người ngồi đó như vị Môi-sê mới, vị Môi-sê vĩ đại loan báo một sứ điệp đưa lại sức sống mới.

 

Như thế, hình ảnh Chúa Giê-su lên núi giảng dạy có liên hệ đến hình ảnh của Môi-sê trong Cựu Ước lên núi, để nhận Giao Ước với Mười Điều Răn của Thiên Chúa, và trao lại cho dân Do Thái (x.Xh 19,3.12 và 24,15.18).  Qua đó, chúng ta nhớ lại điều nền tảng của lịch sử ơn cứu độ của dân Ít-ra-en: Như ngày xưa trên núi Si-nai, qua Môi-sê Thiên Chúa nói với dân Ít-ra-en Mười Điều Răn nền tảng, giờ đây cũng ở trên núi, qua Chúa Giê-su Thiên Chúa cũng nói điều nền tảng không chỉ cho dân Ít-ra-en, mà cho toàn thể nhân loại. Trong ý nghĩa này, Chúa Giê-su vượt trên Môi-sê, hay như Ratzinger diễn tả: “Đức Giê-su ngồi trên ngai tòa Môi-sê. Ngài ngồi chỗ này, nhưng không theo phong cách của các thầy đã được huấn luyện cho công việc này tại trường học. Ngài ngồi đó tầm cỡ hơn Môi-sê, mở rộng Giao Ước đến toàn thể các dân tộc. Điều này cũng giải thích tầm quan trọng của ngọn núi. Tác giả Phúc Âm không kể lại cho chúng ta ngọn núi nào tại Ga-li-lê. Nhưng chính yếu tố cảnh tượng giảng dạy của Đức Giê-su làm thành ‘ngọn núi’ Si-nai mới. ‘Ngọn núi’ là nơi Đức Giê-su cầu nguyện, nơi Ngài diện đối diện với Chúa Cha. Cách chính xác, lý do tại sao nơi này cũng là nơi giảng dạy của Ngài, vì sự giảng dạy của Ngài xuất phát từ cuộc trao đổi thân tình nhất với Chúa Cha. Như thế, qua chính bản chất của trường hợp này, ‘ngọn núi’ được thiết lập như một Si-nai mới và cuối cùng”.[iv]

 

Sau những lời giảng ngắn ngủi của Chúa Giê-su mà Mát-thêu nhắc tới (x.Mt 3,15 và 4,17), Chúa Giê-su ngồi xuống để giảng dạy, như các Ráp-bi thường làm trong các hội đường Do Thái. Bài giảng của Ngài là BGTN. Đó là bước khởi đầu của sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Chúa Giê-su thực hiện.

 

- Sứ điệp và ý nghĩa của Bài Giảng Trên Núi.

 

Theo Ratzinger, BGTN là lề luật mới do Đức Giê-su đem đến. Ông Môi-sê chỉ có thể đem lề luật của mình đến khi tiến vào vùng huyền bí của Thiên Chúa trên núi cao; cũng thế, lề luật của Chúa Giê-su là việc tiến vào sự hiệp thông với Cha. Ngoài ra, những yếu tố nội tâm trong sự sống của Người cũng được tiếp tục thể hiện, trong việc Người đi xuống để tiến vào sự hiệp thông với đời sống và khổ đau của con người.[v]

 

Theo Luz, thì BGTN là lời giáo huấn đầu tiên và chi tiết của Chúa Giê-su trong Phúc Âm thánh Mát-thêu. Hơn nữa, BGTN cũng là bài giảng duy nhất của Đức Ki-tô chứa đựng tất là mọi  giáo huấn của Ngài. Đọc lại Mát-thêu 28,19-20, cũng trong bối cảnh trên núi, chúng ta thấy: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều. Nhưng mọi điều đó là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giê-su trong BGTN. Đó cũng nội dung chính yếu cho đời sống Đức Tin và cho việc truyền giáo của người Ki-tô hữu.[vi]

 

Cũng theo Luz[vii], với BGTN, thánh Mát-thêu hướng các tín hữu đến tinh thần sống Đức Tin của Ki-tô hữu. Ki-tô hữu là ai? Là những người lắng nghe và thực thi những giáo huấn của Chúa Giê-su trong đời sống thực tế hằng ngày. Như thế, Mát-thêu nhấn mạnh đến sự hiệp nhất giữa “nghe” và “làm”: “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19), và “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23). Như thế, BGTN không phải là những tư tưởng “thần học”, mà là những lề luật mới của Đức Ki-tô cần được sống và kiện toàn (x.Mt 5,17). Vì thế, câu hỏi quan trọng không chỉ là làm sao để hiểu cho đúng BGTN, mà còn là làm sao để sống đúng tinh thần của BGTN trong đời sống Đức Tin của Ki-tô hữu.

 

Vì thế, khi đọc BGTN, chúng ta nhận ra được lối hành văn nổi bật nhất được dùng theo thì mệnh lệnh cách (imperativ). BGTN là bài giảng của Chúa Giê-su. Trong bài giảng đó, Thiên Chúa nói qua Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, những chân lý và giáo huấn mời gọi các tín hữu tập sống theo. Đó là tinh thần của Tin Mừng, và chân lý cao quý nhất chính là tinh thần sống yêu thương.

 

- Lề luật yêu thương trong Bài Giảng Trên Núi.

 

Mát-thêu đã nhấn mạnh lề luật yêu thương là nền tảng lề luật trong BGTN. Cụ thể, lề luật yêu thương được nhắc đến ở phản đề thứ nhất - 1.Antithese (x.Mt 5,21-26) nói về việc giận ghét, với một đòi hỏi mãnh liệt của Chúa Giê-su: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22). Tiếp đến, lề luật yêu thương được nhắc đến trong phản đề thứ sáu, cũng là phản đề cuối cùng trong BGTN: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Cuối cùng, lề luật yêu thương được coi là “Khuôn vàng thước ngọc” cho đời sống tín hữu: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Luật vàng này diễn tả lề luật yêu thương, và đưa ra một châm ngôn để hành xử. Lu-ca đặt luật vàng này trong mạch văn yêu kẻ thù (x.Lc 6,27-35), và Mát-thêu hiểu nó như là tinh hoa trong những chỉ thị của Đức Giê-su, vốn vượt xa những chỉ thị của luật cũ, và đó là điều mà Ngài cũng xem như chạm tới đỉnh trong giới luật yêu thương. Đối với Mát-thêu, yêu thương anh chị em và yêu thương kẻ thù, luật vàng và giới luật cao cả nhất, đi với nhau. Mát-thêu quan tâm đến cộng đoàn của Ngài là phải diễn tả tình yêu trong hành động, ngoài tầm những phạm vi hoạt động của cộng đoàn, giữa mọi dân tộc, như xảy ra với tình yêu họ cảm nghiệm, và tiếp tục trải nghiệm trong tay Thiên Chúa (x.Mt 25,31-46 -  cuộc phán xét chung).[viii] Kế bên lề luật yêu thương, Mát-thêu còn nêu lên những giới luật khác.

Khi sống giới luật yêu thương và những giới luật khác được nêu lên trong BGTN, là lúc mà tín hữu đang trên đường để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x.Mt 5,48). Khi sống tinh thần trở nên hoàn thiện, tín hữu luôn hướng về với Nước Trời, vương quốc của Cha đang mời gọi chúng ta bước vào.

 

- Bài Giảng Trên Núi với bức tranh về Nước Trời.

 

Phần trước BGTN, Nước Trời đã được nhắc đến: “Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), và “thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23). Trong BGTN, ở phần đầu tiên về các Mối Phúc, Nước Trời được nhắc đến 2 lần (x.Mt 5,3 và 10). Và ở phần cuối của BGTN, Nước Trời cũng được nhắc đến: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như thế, Nước Trời như là một cái khung của BGTN. Trong cái khung đó, Nước Trời được nhắc đến là một Vương Quốc dành cho những ai sống tinh thần công chính: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Đi vào trung tâm của BGTN  là Kinh Lạy Cha, Nước Trời cũng được nhắc đến với tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Xin cho triều đại Cha mau đến” (Mt 6,10). Như thế, Nước Trời là một đề tài nền tảng trong BGTN. Những ai lắng nghe bài giảng này, đều ước ao được bước vào đó, nơi Cha trên trời với Chúa Con và Chúa Thánh Thần đang ngự trị.

 

- Thính giả của Bài Giảng Trên Núi. 

 

Thính giả của Bài Giảng Trên Núi là các môn đệ. Theo Ratzinger, thì với thuật ngữ “môn đệ”, thánh Mát-thêu không hạn hẹp vào vòng thính giả đang lắng nghe, nhưng vượt xa hơn. Bất cứ ai lắng nghe và đón nhận lời đều có thể trở thành “môn đệ”. Trong tương lai, điều quan trọng không tuỳ thuộc vào nguồn gốc, nhưng là do hành động lắng nghe và bước theo. Mỗi người có thể trở thành môn đệ; ơn gọi này dành cho mọi người: chính trên nền tảng lắng nghe Lời Chúa mà một Ít-ra-en rộng lớn hơn được hình thành -  một Ít-ra-en được canh tân, không loại trừ hay xoá bỏ Ít-ra-en cũ, nhưng bung ra mở rộng cho mọi người.[ix] Với Luz, BGTN không chỉ được gởi tới các môn đệ của Chúa, mà được gởi tới thành phần dân chúng:“Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,25), và “khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (Mt 7,28). Trong việc rao truyền Tin Mừng, toàn thể thế giới là “địa chỉ” mà Tin Mừng cần được gởi tới: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Thật vậy, những giới luật trong BGTN không chỉ dành cho con cái của Thiên Chúa, mà nó cũng có giá trị cho toàn thể thế giới đang chờ chúng ta, những tín hữu, đem tinh thần của BGTN đến với mọi người ở khắp mọi nơi.

 

Ngoài ra, ở đây chúng ta cũng thấy rằng, qua BGTN Chúa Giê-su không chỉ được coi là thầy thuốc chữa lành, mà còn là Thầy dạy dỗ, vì Ngài dạy dỗ về Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Với Tin Mừng đó, Thầy Giê-su kiện toàn tất cả những gì lề luật của Cựu Ước và các lời giảng dạy của các ngôn sứ.

 

- Bài Giảng Trên Núi kiện toàn tinh thần lề luật của Cựu Ước và lời giảng dạy của các ngôn sứ.

 

Chúa Giê-su trong Phúc Âm thánh Mát-thêu luôn hướng về Cựu Ước, mà qua hành động và lời giảng dạy, Ngài làm cho Cựu Ước được kiện toàn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môi-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18).

Cựu Ước vẫn là nền tảng và trung tâm của thánh ý Thiên Chúa, và qua Đức Ki-tô thánh ý của Thiên Chúa được “đào sâu” cách mạnh mẽ hơn:“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12), và “ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).

 

- Cấu trúc của Bài Giảng Trên Núi.

 

Nhà chú giải Thánh Kinh Gnilka[x] phác hoạ một cấu trúc đơn giản và dễ hiểu:

 

Dẫn nhập.   Các Mối Phúc (Mt 5,1-12).

                  Trách nhiệm lớn lao (5,13-16).

                  Chúa Giê-su kiện toàn lề luật (5,17-20).

 

Phần 1.       Các phản đề - Antithesen (5,21-48).

Phần 2.       Bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6,1-18).

Phần 3.       Tinh thần phục vụ triệt để (6,19 - 7,12).

 

Phần kết.     Hai con đường (7,13-14).

                  Lời răn bảo về các ngôn sứ giả (7,15-23).

                  Dụ ngôn người xây nhà trên đá (7,24-27).

                 

Trong cấu trúc này, dù Gnilka không làm nổi bật vị trí trung tâm của Kinh Lạy Cha, nhưng với Gnilka, vị trí trung tâm của Kinh Lạy Cha trong BGTN là điều rõ ràng, không cần bàn cãi, vì đó là điều mà hầu như các nhà chú giải đều đồng ý. Kinh Lạy Cha (x.Mt 6,9-13) luôn được coi là trung tâm điểm của BGTN, và chủ đề “Cha – le père” cũng được chú ý tới như là một trong những chủ đề nền tảng. Thuật ngữ “Cha” được nhắc tới 44 lần trong Phúc Âm của Mát-thêu (trong khi ở Mác-cô chỉ có 4 lần và ở Lu-ca là 17 lần). Trong 44 lần đó, thì có đến 17 lần thuật ngữ “Cha” được nhắc đến trong BGTN. Chúa Giê-su luôn nói “Cha bạn – ton père ” hoặc “Cha của các bạn – votre père ”, chỉ có 2 lần ngoại lệ là “Cha chúng tôi – notre père” ở Mt 6,9, và  “Cha tôi-mon père” ở Mt 7,21. Như vậy, một cách rõ ràng, Thiên Chúa được mạc khải là Cha của chúng ta.

 

Ngoài ra, nằm ở trung tâm của BGTN, Kinh Lạy Cha phải có một ý nghĩa nhất định. Theo Luz, thì sau khi các môn đệ được dạy dỗ về những huấn giáo mà họ cần tập sống để trở nên hoàn thiện (x.Mt 5,20-48), thì họ được dẫn vào trong trung tâm của BGTN để học biết cầu nguyện, và đặc biệt học biết về thánh ý của Cha trên trời. Thánh ý này không mang sắc thái hủy diệt, cũng không phải là sự đòi hỏi quá sức của con người, mà thánh ý của Cha có sức chữa lành và đem lại ơn cứu độ. Như thế, con đường tập sống nên hoàn thiện được nối kết với con đường cầu nguyện. Và từ con đường cầu nguyện, con đường tập sống theo tinh thần của Chúa lại tiếp tục được mở ra và được đào sâu hơn. Như thế, hoạt động và cầu nguyện luôn có sự nối kết chặt chẽ. Đó là điểm đặc biệt mà Mát-thêu muốn diễn tả trong BGTN.[xi] Ngoài ra, BGTN với trung tâm của nó là Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13), muốn đưa con người hoạt động vào trong cầu nguyện và dẫn họ đến với Cha trên trời. Vì thế, cách giải thích nào “để ngoài tai” điều: trung tâm của tinh thần sống của BGTN là cầu nguyện, thì cách giải thích đó không đúng theo tinh thần của thánh Mát-thêu muốn diễn đạt.[xii] Cũng trong ý nghĩa này, chúng ta đọc được trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo: “BGTN là giáo huấn để sống, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giê-su dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tuỳ thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta”.[xiii]

Đó là vài hàng sơ lược về BGTN. Trước khi đi vào phần suy niệm các Mối Phúc, cũng xin có một vài sơ lược về các Mối Phúc.

 

  • Sơ lược về các Mối Phúc.

 

Mỗi một kiệt tác âm nhạc đều bắt đầu với phần dẫn vào, cũng thế Bài Giảng Trên Núi như là một kiệt tác của Chúa Giê-su và phần dẫn vào thật xuất sắc chính là các Mối Phúc. Từ ngữ Phúc trong tiếng La-tinh là beatitudo, và trong tiếng Hy-lạp là makarismos[xiv]. Dưới đây, xin dành vài hàng để bàn về chữ Phúc.

 

- Chữ Phúc được viết trong nhiều thời đại.

 

Tất cả mọi người đều khao khát Hạnh Phúc. Đó là một định lý bất di bất dịch của đời người. Các triết gia Hy-Lạp như Platon hay các thần học gia lỗi lạc như thánh Âu-tinh, và cả triết gia Kant, cũng như Pascal và tâm lý gia Sigmund Freud đều gật đầu đồng ý với định lý này. Vì thế, hạnh phúc là mục đích cuối cùng của mọi ao ước và hành động của con người, và cũng là đích đến của lòng ao ước được cứu rỗi. Giờ đây thử đi dạo một vòng với chữ Phúc.

Trong lịch sử triết học và thần học, chữ Phúc được chú ý rất nhiều, và được diễn tả khác nhau.[xv] Triết học Cổ Đại nói rằng, người ta sẽ đạt được hạnh phúc qua chính cuộc đời nỗ lực sống điều tốt lành. Theo Boerthius, một triết gia Ki-tô giáo, thì: “Hạnh phúc là một tình trạng sống sung mãn thật sự, nhờ sự hiệp nhất của biết bao điều tốt lành”. Như thế, một con người sẽ hạnh phúc khi tất cả mọi ước muốn và khao khát được thỏa mãn, và trong tâm hồn của họ không còn bồn chồn gì nữa, ngược lại chất chứa an bình và niềm vui, cùng cảm giác sung sướng tràn ngập trái tim và thân xác họ.

 

Thánh Tô-ma A-qui-nô đón nhận cách giải thích này, nhưng lại nhìn theo một góc cạnh khác, khi ngài định nghĩa chữ Phúc cho thế giới này và thế giới mai hậu. Ở thế gian này, con người ao ước và có thể đạt được hạnh phúc với sức lực của mình. Nhưng hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu thì với sức mình con người không thể đạt được, mà đó là món quà và hồng ân của Thiên Chúa ban tặng.

 

Còn theo các triết gia vào thế kỷ 17-18, thì chữ Phúc lại liên hệ nhiều đến cảm giác và sự hứng thú, nói khác đi chữ Phúc đối với họ gắn liền với chủ nghĩa khoái lạc. Nghĩa là, người ta sẽ hạnh phúc khi thỏa mãn được những đam mê và sự hứng thú trong nội tâm lẫn bên ngoài. Như thế, nguyên tắc của hạnh phúc dựa vào sự thỏa mãn những ham thích sâu xa trong nội tâm, và vì thế có liên hệ đến tình yêu vị kỷ, tình yêu chỉ hướng về bản thân. Như thế, hạnh phúc theo các triết gia vào thời đại này không liên hệ gì nhiều đến luân lý. Cũng thế, với tâm lý gia Sigmund Freud, ông ta hiểu chữ Phúc trong cái nhìn trải nghiệm những cảm giác hứng thú mạnh mẽ - Erleben starker Lustgefuehle.

 

Còn trong thời đại của chúng ta hôm nay thì sao? Con người thời đại hôm nay quan niệm rằng, người ta có thể tạo ra hạnh phúc. Nếu nhìn vào đời sống thường nhật có thể nhận ra điều này. Người ta chỉ cần đăng ký vào những Fitness club, và thường xuyên tập luyện, thì cơ thể qua hoạt động sẽ có sức khỏe cường tráng, và còn đẹp nữa chứ. Vậy là hạnh phúc rồi! Dịp cuối tuần có thể tham gia những chương trình Wellness ở trong những khách sạn sang trọng, chỉ cần trả tiền thôi, thì sẽ được những người thực hiện chương trình này cưng chiều, và người ta sẽ cảm thấy có một tinh thần minh mẫn và thân thể tráng kiện cho cuối tuần đó. Như thế là hạnh phúc rồi! Cũng là một cảm giác hạnh phúc, khi một số người đã trực chờ trước cửa những Store chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới và rất hấp dẫn, chẳng hạn như Iphone. Truyền thông đã cho chúng ta thấy những người đó diễn tả hạnh phúc và vui mừng như thế nào, khi trở thành một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc Iphone đời mới, dù phải mất đến cả ngày trời xếp hàng trực chờ. Trong hình ảnh này, hạnh phúc trở thành một vật mua bán. Nhưng kinh nghiệm cuộc sống của chúng ta chỉ ra rằng, con người không thể bán buôn hạnh phúc được.

 

Hạnh phúc đích thật mang một dáng vẻ khác. Hạnh phúc có được chiếc điện thoại qua việc dùng tiền mua, không thể so sánh được với hạnh phúc của một người nỗ lực công sức để xây dựng được một cuộc sống sung mãn, với công việc tốt đẹp và gia đình ấm êm. Hạnh phúc của một cuối tuần Wellness làm sao là hạnh phúc của một sinh viên siêng năng mài dũa kinh sử, và cuối cùng đỗ đạt và nhận được tấm bằng tốt nghiệp với hạng thứ cao. Triết gia La-mã Seneca đã nói: “Thật vậy, một cuộc sống hạnh phúc không phải là một điều đơn giản”. Để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thật trong cuộc sống, cần phải nỗ lực và cần đi đúng con đường đẫn dến hạnh phúc đích thật. Có nhiều con đường dẫn đến hạnh phúc đích thật, nhưng để bước vào con đường đó, đòi hỏi con người phải ra sức cố gắng, và cố gắng trước hết là vĩnh biệt với ảo tưởng cho rằng, con người luôn luôn có thể sở hữu hạnh phúc. Đức Phật đã trải nghiệm con đường dẫn đến hạnh phúc trong cuộc đời của ngài, và ngài đã để lại một giáo lý rất tuyệt vời như là kim chỉ nam cho anh chị em Phật Tử đi tìm hạnh phúc.

 

- Chữ Phúc trong tinh thần của Phật Giáo.

 

Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana trong tác phẩm Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo, con đường đưa đến hạnh phúc, đã bàn tới việc Đức Phật dạy về hạnh phúc: “Đức Phật đã khám phá ra con đường đưa đến hạnh phúc dài lâu. Khám phá này của Ngài - một phương pháp rèn luyện tâm từng bước từng bước để đạt được sự tự tại – là điều quan trọng hôm nay cũng như ở bất cứ lúc nào. Nhưng đem ứng dụng những khám phá của Đức Phật không phải là điều dễ dàng. Nó có thể kéo dài hàng năm. Yếu tố quan trọng nhất lúc bắt đầu là một ý chí mãnh liệt muốn thay đổi cuộc đời của bạn bằng cách chấp nhận những thói quen mới và tập nhìn thế giới một cách khác”.[xvi]

Với cái nhìn trong tinh thần của Phật Giáo, Thiền sư đã diễn tả về ý nghĩa của hạnh phúc: “Ước muốn được hạnh phúc không xa lạ với chúng ta, nhưng nó vẫn luôn xa rời chúng ta. Được hạnh phúc có nghĩa là gì? Chúng ta thường tìm cách hưởng thụ dục lạc như ăn ngon hay giải trí, vì chúng đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Nhưng có thứ hạnh phúc nào vượt lên trên những giây phút khoái lạc chóng qua đó không?

Nhiều người cố gắng xâu chuỗi lại thật nhiều những phút giây sung sướng, dễ chịu để họ có thể gọi đó là một cuộc sống hạnh phúc. Lại có người cảm nhận được sự giới hạn của dục lạc tầm thường, đã đi tìm một thứ hạnh phúc lâu dài hơn với những tiện nghi vật chất, đời sống gia đình yên ổn. Tuy nhiên các nguồn hạnh phúc đó cũng có những giới hạn của chúng... Ngày nay con người càng có nhiều đòi hỏi tinh tế hơn, điều đó đúng, nhưng dầu họ có bao nhiêu thứ vật chất của cải đẹp đẽ, đắt tiền, họ vẫn muốn hơn thế nữa. Và nền văn hóa tân tiến càng củng cố thêm lòng tham muốn này. Những gì bạn thật sự cần để được hạnh phúc, theo như các quảng cáo trên truyền hình hay trên những tấm biển quảng cáo nói, là phải có chiếc xe hơi mới sáng chói này, phải có chiếc máy vi tính siêu nhanh này, một chuyến nghỉ hè ở Hawaii đầy nắng ấm. Và những thứ đó cũng có vẻ được như thế thật, nhưng một cách ngắn ngủi. Người ta thường lầm tưởng cảm giác phấn chấn, hào hứng, có được từ việc sở hữu một món đồ mới này hay những giây phút khoái lạc là hạnh phúc, nhưng sau đó những ham muốn khác lại trỗi dậy. Khi màu da rám nắng đã phai, khi chiếc xe mới đã bị trầy thì họ lại nghĩ đến những cuộc mua sắm khác. Việc họ không ngừng kéo nhau đến các trung tâm thương mại mua sắm, khiến họ không thể khám phá ra suối nguồn của hạnh phúc thật sự”.[xvii] Vậy đâu là nguồn hạnh phúc và hạnh phúc nào là hạnh phúc đích thật không tàn phai? Đức Phật đã miêu tả một số loại hạnh phúc, xếp chúng theo thứ tự từ cái tầm thường nhất cho đến cái cao thượng nhất.

Đầu tiên là hạnh phúc thấp kém của sự bám víu, hay nói khác đi là hạnh phúc của dục lạc hay hạnh phúc của những điều kiện dễ chịu.

“Nó bao gồm tất cả những thứ hạnh phúc thế tục chóng qua có được từ sự đắm chìm trong dục lạc, những sự thỏa mãn thân xác và vật chất: hạnh phúc được sở hữu của cải, áo quần thời trang, xe mới, nhà sang; sự hưởng thụ từ việc được nhìn cảnh đẹp, thưởng thức âm nhạc, món ăn đồ ngon, và những cuộc chuyện trò thú vị; sự thỏa mãn vì có tài hội hoạ, chơi đàn, hay những thứ đại loại như thế; và hạnh phúc đến từ việc chia sẻ một cuộc sống gia đình đầm ấm.

Chúng ta hãy nhìn thấu đáo hơn về hạnh phúc của dục lạc. Trạng thái thấp kém nhất của nó là sự hoàn toàn đắm chìm trong ngũ dục. Tệ nhất là khi quá đắm chìm trong trạng thái này có thể đưa đến sự trụy lạc, đồi bại và lệ thuộc. Có thể dễ dàng nhận ra rằng sự đắm chìm trong ngũ dục không phải là hạnh phúc, vì trạng thái khoái lạc nhanh chóng qua đi, và còn có thể để lại cho người ta một cảm giác chán chường, hối tiếc. Đức Phật đã dạy rằng khi con người trưởng thành về mặt tâm linh, họ sẽ hiểu rằng trên đời có nhiều thứ cao quý hơn ngũ dục… Tuy nhiên, có những hạnh phúc thế tục vượt trên các dục lạc tầm thường. Như là thú đọc sách, xem phim, hay những hình thức giải trí khác nhằm làm phấn chấn tinh thần. Hay những niềm vui thế tục cao cả như là giúp đỡ người, duy trì một gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng con cái, cũng như kiếm sống một cách lương thiện.

Đức Phật cũng nhắc đến một vài loại hạnh phúc được chấp nhận hơn. Đó là cảm giác hạnh phúc tự bản thân bạn có được, khi sở hữu những vật chất của cải đã được tạo ra bằng chính sức lao động lương thiện và khó nhọc của mình. Bạn sẽ tận hưởng tài sản của mình với một lương tâm trong sáng, mà không sợ bị trả thù hay xâm hại. Tốt hơn thế nữa là hạnh phúc của việc vừa hưởng thụ của cải bạn đã kiếm được một cách lương thiện, đồng thời chia sẻ nó với người khác. Một loại hạnh phúc tự tại đặc biệt khác nữa đến từ việc nhận ra rằng ta hoàn toàn không nợ bất cứ gì, cũng như không mắc nợ bất cứ ai”.[xviii]

Nhưng dù cho những hạnh phúc này được chấp nhận và hợp với tinh thần đạo lý, Đức Phật vẫn mời gọi đi tìm một hạnh phúc cao thượng hơn, là một loại hạnh phúc tâm linh đến từ việc theo đuổi một điều gì đó vượt lên trên những niềm vui thế tục. Nguồn hạnh phúc này là hạnh phúc của sự bỏ đi và cho đi. “Tâm rộng rãi là một hình thức cho đi mạnh mẽ. Chia sẻ một cách rộng rãi những gì ta có, và nhiều hình thức khác của cho đi, đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Mỗi khi biết buông bỏ, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó suy ra nếu ta có thể buông bỏ hoàn toàn sự bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian, thì sự buông bỏ rộng lớn này sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn là những hành động bỏ đi không thường xuyên.

Cao thượng hơn sự buông bỏ vật chất là ‘hạnh phúc của việc buông bỏ các tâm lý bực bội’. Loại hạnh phúc này phát sinh một cách tự nhiên khi ta rèn tâm buông bỏ một cách nhanh chóng những sân hận, ham muốn, bám víu, ghen tỵ, kiêu hãnh, nghi hoặc và các tâm lý bực bội khác mỗi khi chúng phát sinh. Dập tắt ngay khi chúng vừa phát sinh giúp tâm không vướng mắc, đầy hỷ lạc, trong sáng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm rằng các uế nhiễm này sẽ không xuất hiện trở lại và không quấy nhiễu tâm ta. Tốt hơn nữa là những niềm vui và hạnh phúc vi tế trong các trạng thái thiền định sâu lắng. Trong những trạng thái này sầu não không thể phát sinh”.[xix]

Cuối cùng, Đức Phật chỉ ra hạnh phúc cao thượng nhất mà đời người cần đạt tới. “Hạnh phúc cao thượng nhất là niềm hỷ lạc đạt được qua các mức độ giác ngộ. Ở mỗi mức độ, gánh nặng cuộc đời được giảm nhẹ đi, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự giải thoát, hạnh phúc to lớn hơn. Giai đoạn cuối cùng của giác ngộ, sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các trạng thái tâm tiêu cực, mang đến cho ta nguồn hạnh phúc tuyệt vời, không gián đoạn. Đức Phật khuyên chúng ta phải tập buông bỏ những bám víu vào các loại hạnh phúc thấp kém và tập trung tất cả nỗ lực của chúng ta vào việc tìm ra chính hạnh phúc cao nhất, đó là sự giác ngộ. Nhưng Đức Phật cũng khuyến khích chúng sanh hãy phát huy đến cao độ hạnh phúc của họ ở bất cứ mức độ giác ngộ nào mà họ có thể đạt đến. Đối với những ai không thể nhìn thấy gì hơn là hạnh phúc dựa trên dục lạc, Ngài đưa ra những lời khuyên nghiêm chỉnh để họ tránh xa các phiền não thế tục và để họ tìm được nguồn hạnh phúc thế tục tối ưu nhất, thí dụ, bằng cách vun trồng những đức tính đưa đến sự thành công vật chất hay đời sống gia đình yên ấm. Đối với người có ý hướng cao hơn muốn được tái sinh vào những cõi thanh tịnh, Ngài chỉ cho họ phương cách để đạt được mục đích đó. Đối với những vị muốn đạt được mục đích cao nhất của sự giác ngộ viên mãn, Ngài dạy họ làm thế nào để thành tựu điều đó. Nhưng dầu theo đuổi bất cứ loại hạnh phúc nào, chúng ta cũng phải thực hành theo con đường của bát chánh đạo”.[xx]

 

Theo thầy Thích Nhất Hạnh thì “Bát chánh đạo còn được gọi bằng một từ khác là Bát Thánh đạo Phận. Bát Thánh đạo Phận là tám thành phần của con đường cao quí. Trong tiếng Phạn, thánh đạo phận là arya marga anga, thánh đạo có tất cả tám chi phần. Thứ nhất là Chánh kiến... Rồi tới Chánh tư duy (right thinking) là sự tư duy đúng đắn. Chánh ngữ (right speech) là lời nói có tác dụng chuyển hóa, tháo gỡ, đem lại hạnh phúc và đánh tan mê lầm. Chánh nghiệp (right action) là hành động không tạo khổ đau, đưa lại hạnh phúc. Chữ nghiệp ở đây chỉ thân nghiệp, là hành động do thân thể ta làm. Còn khẩu nghiệp thuộc về chánh ngữ và ý nghiệp thuộc về chánh tư duy. Tiếp theo là Chánh mạng (right livelihood). Mạng tức là phương tiện sinh sống. Chánh mạng là nghề nghiệp, là phương cách sinh sống không gây đau khổ và mê lầm cho con người, không tàn hại thiên nhiên. Chi phần thứ sáu là Chánh tinh tấn (right energy). Tinh tấn là sự siêng năng. Thứ bẩy là Chánh niệm (right mindfulness) và sau cùng là Chánh định (right concentration)”.[xxi] Ai đi trên Bát Chánh Đạo này sẽ tìm thấy hạnh phúc của Giác Ngộ. Con đường đó đưa người ta vượt qua thế giới này để tìm thấy sự hoàn thiện. Trong khi Bát Chánh Đạo luôn được bắt đầu bằng chữ Chánh, và hướng về cách sống luân lý, thì trong các Mối Phúc được bắt đầu bằng chữ Phúc, và không chỉ dừng bước ở cách sống luân lý. Nói khác đi, chữ Phúc này với người Công Giáo không chỉ hàm chứa ý nghĩa luân lý, mà hơn nữa chất chứa tinh thần của tình yêu, tinh thần kết hiệp nên một với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tình yêu.

Là Ki-tô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa tình yêu. Với tình yêu vượt trên mọi ranh giới, Thiên Chúa hành động để cứu rỗi muôn người, và khi hành động của Ngài mang bản chất của tình yêu, hành động của Ngài cũng luôn luôn là một hành động tự do hoàn toàn. Tự do để trao ban những món quà mà con người chúng ta không xứng đáng gì, nhưng vẫn nhận được, cụ thể như trong các Mối Phúc. Trở về với chữ Phúc trong tinh thần của Ki-tô Giáo, chúng ta luôn xác tín rằng, đối với người Ki-tô hữu, thì hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu không nằm trong bàn tay của con người, mà nằm ở nơi Thiên Chúa. “Quan điểm Ki-tô giáo soi chiếu cho biết điều Phúc thật không cốt tại việc sở hữu mà là cho đi và dâng hiến: của cải trần thế (x.Mt 19,16-22), vinh quang nhân loại (x.Mt 4,8-10) hay những thụ tạo mà mình yêu mến (x.Mt 8,21-22; 10,37) và cả chính mạng sống mình (x.Mt 10,38tt), bởi vì chính Thiên Chúa mới là nguồn mạch mọi điều thiện hảo và mọi tình yêu (x.GLHTCG 1723). Phúc là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban, chứ không đến từ sức mạnh hay tài năng của con người (x.GLHTCG 1727). Phúc thật chính là ‘Nước Thiên Chúa, nhìn thấy Thiên Chúa, thông phần bản tính thần linh...’ (GLHTCG 1726)”.[xxii]

Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu. Không chỉ vậy. Chính Ngài là Tình Yêu. Ngài yêu thương nhân loại, yêu thương đến nỗi Thiên Chúa đã ban cho nhân loại người Con duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, để đem lại cho chúng ta Tin Mừng, Phúc Âm, những âm thanh đem lại hạnh phúc. Đức Ki-tô đến với chúng ta để viết chữ Phúc vào cuộc đời chúng ta, đặc biệt qua các Mối Phúc, và qua chính cuộc đời của Ngài tương hợp hoàn toàn với các Mối Phúc lành này. Để hiểu được phần nào chữ Phúc trong các Mối Phúc và trong Tin Mừng của Chúa Giê-su, thì cần tìm hiểu một chút về thế giới cổ đại nói về chữ Phúc như thế nào trong triết học Hy-lạp.

 

- Chữ Phúc theo triết học Hy-lạp.

 

Triết học Hy-lạp cổ đại có nhắc tới ba từ ngữ liên hệ đến chữ Phúc.[xxiii] Từ ngữ đầu tiên là eudaimonia. Eu có nghĩa là tốt và daimon diễn tả thiên thần của tâm hồn, có ý nói về tình trạng bên trong của tâm hồn. Triết gia Platon hiểu chữ daimon có nghĩa là một thành phần mang tính thần thánh ở trong con người, cũng là khả năng tự nhiên cao nhất của con người, khả năng này nằm ở trong lý trí. Như thế, một người hạnh phúc là người có tương quan thật tốt với chính tâm hồn của mình. Và người ta có thể nỗ lực làm việc để có được tương quan này. Trong nỗ lực này, đối với người Hy-lạp, cần phải tập sống đức khôn ngoan là nhân đức cao nhất. Trong việc chiêm niệm và lượng giá lại cuộc sống, người ta trở thành con người hạnh phúc trong chiều sâu nội tâm. Đối với Aristoteles, học trò của Platon, hạnh phúc của con người nằm ở trong hành động có tính cách chiêm ngưỡng, trong sự chiêm ngưỡng về chân lý, về sự thật để khám phá chính bản thân mình. Nếu con người không có bất cứ ẩn ý nào khác, mà hoàn toàn chìm mình vào chân lý và sự thật của cuộc sống, và chiêm niệm chân lý đó, thì người đó sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Đối với phái Stoa, thì luân lý (ars vitae – nghệ thuật sống) đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra cho con người con đường dẫn tới hạnh phúc. Từ ngữ thứ hai diễn tả hạnh phúc là eutyche. Tyche là bất ngờ. Eutyche chỉ về những gì tốt lành bất ngờ đến với chúng ta. Trong tiếng Việt có thể nói là: Bạn thật may mắn. Sự may mắn này hay hạnh phúc này đến từ bên ngoài với tính cách bất ngờ, nên người ta không thể gây ảnh hưởng hay tạo ra được. Từ ngữ thứ ba chỉ về hạnh phúc hay phúc thay là từ makarios. Đối với người Hy-lạp, thì từ ngữ makarios chỉ được dùng trong sự liên hệ đến thần thánh. Nghĩa là, makarios diễn tả một cuộc sống bất tử, một cuộc sống không phải lao nhọc, và không phải lo lắng chi cả. Đó là cuộc sống của các thần thánh. Họ không cần phải lệ thuộc vào ai, hay bất cứ thế lực nào. Họ hạnh phúc, bởi vì họ bất tử và có cuộc sống vĩnh cửu. Như thế từ ngữ makarios chỉ được dùng cho các thần thánh vượt trên từ ngữ eudaimonia được dùng để diễn tả về hạnh phúc của con người. Aristoteles đã phân biệt hai từ ngữ này rõ ràng theo ý nghĩa này.[xxiv] Và từ ngữ makarios cũng gần với khái niệm hạnh phúc trong Thánh Kinh.

 

- Chữ Phúc trong Cựu Ước.

 

Theo Gnilka, kiểu nói makarisos bắt nguồn trong Cựu Ước và Do Thái giáo, và cũng tìm thấy trong sách vở của văn hóa Hy-lạp[xxv] như đã nói ở trên.

Cụ thể chúng ta có thể tìm thấy kiểu nói này trong Thánh Vịnh và các sách Khôn Ngoan. Dưới đây là một vài ví dụ:

“Phúc thay kẻ được chung sống với người vợ thông minh,

kẻ không lỗi lầm trong lời ăn tiếng nói

và kẻ không phải làm tôi người chẳng xứng với mình.

Phúc thay kẻ biết xử sự khôn khéo,

kẻ nói mà người ta lắng tai nghe” (Hc 25,8-9).

 

“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng” (Tv 1,1).

 

“Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể,

hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp” (Tv 33,12).

 

“Lạy Chúa Tể càn khôn, phúc thay người tin tưởng vào Chúa!” (Tv 84,13).

 

“Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn,
được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban” (Tv 94,12).

 

“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Tv 119,1-2).

 

Khi đọc những ví dụ trên, chúng ta nhận ra chiều kích tương lai trong các phúc lành được nêu bật. Chiều kích này cũng hiển hiện rất rõ trong các Mối Phúc của Mát-thêu. Ngoài ra, trong Do Thái giáo, các Mối Phúc thường được viết trong thể văn truyền giảng mang tính cách khôn ngoan. Bình thường các Mối Phúc được sử dụng với ngôi thứ ba số ít, nghĩa là không nhắm tới một ai rõ ràng, không có địa chỉ rõ ràng của độc giả. Các Mối Phúc với tính cách khôn ngoan là thể văn rất sư phạm, và có tính cách giáo dục. Nếu đọc tiếp các sách của Cựu Ước, sẽ khám phá được nhiều đoạn khác, mà chữ phúc được nêu bật. Tuy nhiên, trong sự hạn hẹp của tập sách này, chỉ xin trình bày sơ lược. Ngoài ra, cũng nên đi tìm hiểu chữ phúc trong Tân Ước.

 

- Chữ Phúc trong Tân Ước.

 

Trong Tân Ước chữ makarios được dùng tất cả 50 lần. Phúc Âm Nhất Lãm dùng 28 lần cả thảy (13 lần ở Phúc Âm thánh Mát-thêu và trong đó 9 lần dùng cho Bài Giảng Trên Núi, và 15 lần ở Phúc Âm thánh Lu-ca). Ngoài ra sách Khải Huyền dùng chữ makarios 7 lần, và một số sách khác đôi lần cũng dùng chữ makarios.[xxvi]

Cựu Ước đã dùng từ ngữ makarios này chỉ về tình trạng của con người luôn hướng về Lề Luật của Chúa, và trong Tân Ước từ ngữ này được sử dụng để chỉ về những ai lắng nghe Lời Chúa Giê-su và sống theo Lời đó.[xxvii] Vì thế, mà một người phụ nữ đã kêu lên rằng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Chúa Giê-su cũng chúc phúc cho các môn đệ, khi họ được ở bên Ngài và nhìn thấy những gì Ngài làm: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 20,23-24). Như thế, với Chúa Giê-su, người có phúc là người hướng nhìn Ngài trong mầu nhiệm Thiên Tính của Ngài, là người hiểu Chúa Giê-su và sống theo Lời Chúa dạy dỗ. Như vậy hạnh phúc hệ tại ở việc lắng nghe và sống đúng theo Lời Chúa dạy.

 

Lời Chúa Giê-su dạy được viết lại trong bốn Tin Mừng, nhưng đặc biệt các Lời Ngài dạy dỗ được diễn tả rõ ràng và nổi bật trong Bài Giảng Trên Núi của Phúc Âm Mát-thêu, và trong đó các Mối Phúc như là một trong những lời dạy dỗ nền tảng cho những ai tin vào Chúa. Nhưng làm sao hiểu và sống được các Mối Phúc này? Đó là câu hỏi làm cho những nhà chú giải Thánh Kinh, các nhà thần học gia từ xưa đến nay luôn luôn cố gắng đào sâu tìm hiểu, và đưa ra những chú giải, cũng như những hướng dẫn, giúp người đọc không chỉ hiểu, mà còn can đảm sống theo tinh thần của các Mối Phúc. Như đã nói ở trên, các Mối Phúc được hai Thánh Sử viết lại. Tuy nhiên, tín hữu quen với bản văn của các Mối Phúc trong Phúc Âm thánh Mát-thêu nhiều hơn. Tập sách suy niệm các Mối Phúc này cũng dựa nền tảng trên bản văn của thánh Mát-thêu. Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu đôi chút cả hai bản văn nói về các Mối Phúc.

 

- Các Mối Phúc trong Phúc Âm thánh Mát-thêu và Phúc Âm thánh Lu-ca.

 

Mát-thêu 5,3-12

 

3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.


5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

 

Lu-ca 6,20-26

20  Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21 Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.

22 Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

 

Đọc các Mối Phúc trong hai Phúc Âm, chúng ta thấy rằng, trong bản văn của Phúc Âm thánh Mát-thêu có tất cả tám Mối Phúc, và bản văn của thánh Lu-ca chỉ có bốn Mối Phúc (x.6,20-23). Ngoài ra, Lu-ca còn nêu lên bốn mối hoạ (x.6,24-26) tiếp nối theo bốn Mối Phúc. Đó là sự khác biệt lớn nhất trong phần nội dung của hai bản văn. Về Mối Phúc thứ nhất, cả hai bản văn đều nhắc đến phúc lành dành cho người nghèo. Ở Mát-thêu thì nói là người có tâm hồn nghèo khó, còn Lu-ca thì nói trực tiếp về người nghèo. Ý nghĩa khác biệt này sẽ được tìm hiểu ở phần sau. Tiếp đến, cả hai bản văn cũng đều nhắc đến vế thứ hai của mỗi Mối Phúc như vì Nước Trời là của họ, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Cả Mát-thêu và Lu-ca đều nhắc đến Mối Phúc dành cho những ai bị bách hại. Phúc thay….bị bách hại. Như thế, dù ở đâu, tín hữu không thể sống Tin Mừng mà không phải chịu bị bách hại.

Ngoài ra, bốn Mối Phúc trong Lu-ca được giáo phụ Ambrosio đồng hoá với bốn nhân đức trụ theo triết học của Aristoteles. Còn bản văn của Mát-thêu được Ambrosio giải thích rằng, tám Mối Phúc này giải thích và phát triển thêm dựa trên bốn nhân đức trụ.[xxviii] Bốn nhân đức trụ là các nhân đức chính gồm: Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ. Sách Khôn ngoan nhắc đến: “Quả vậy, Đức Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, cẩn trọng, công bình và dũng mãnh. Trên đời này, còn chi hữu ích cho con người hơn các nhân đức ấy ?” (Kn 8,7). Bốn nhân đức trụ được hiểu như những điều kiện phổ quát phải có trong mọi nhân đức, nghĩa là trong mọi nhân đức đều phải có khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ, để không thái quá, hoặc không bất cẩn. Ngoài ra, bốn nhân đức trụ này cũng được coi như nguyên lý của mọi nhân đức, vì thế các nhân đức khác đều quy về một trong bốn nhân đức căn bản này.

 

Về cách hành văn, chúng ta thấy cách hành văn của bảy Mối Phúc đầu trong Mát-thêu (từ câu 3-09) thuộc về ngôi thứ ba phúc thay ai…, mối Phúc thứ 8 trong câu 10 cũng là phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, nhưng sau đó ở câu 11 thì diễn tả phúc thay anh em, khi vì Thầy... Cách hành văn ở đây chỉ về ngôi thứ hai. Còn trong Lu-ca, thì bốn Mối Phúc và bốn mối hoạ đều diễn tả ngôi thứ hai phúc cho anh em… khốn cho các ngươi.

 

Về thính giả của các Mối Phúc, theo Lc 6,20 thính giả là các môn đệ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, khi đọc đến bốn mối hoạ, thính giả không chỉ là các môn đệ, mà còn là một nhóm đông người đi theo Chúa Giê-su. Ở đây, theo Strecker, Mát-thêu và Lu-ca có cùng một quan điểm, là thính giả của các Mối Phúc là các môn đệ và dân chúng.[xxix] Nhưng dân chúng ở đây là ai? Đó chính là khác biệt, theo Phúc Âm của Lu-ca, thính giả lắng nghe Chúa Giê-su nói, ngoài các môn đệ, là nhóm người bình dân. Chúa nói năng như một người cùng giai cấp với họ. Chúa tuyên bố thẳng thừng, không nói bóng bẩy, y như các ngôn sứ: “Anh em là kẻ nghèo, anh em là những người đầu tiên được hưởng các lời hứa của Thiên Chúa”. Ngược lại, Mát-thêu nhắm tới thành phần Ki-tô hữu. Giáo Hội lan rộng, và các cộng đoàn thuộc những tầng lớp xã hội khác nhau: người nô lệ, người bình dân và người giàu có. Vậy khi Mát-thêu đặt lên miệng Chúa Giê-su những lời khen chúc này, thì đó là cách ông chiêm ngắm những việc Chúa đã thực hiện nơi họ: Phúc thay những ai đã lãnh nhận Thần Khí của Thầy, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Rồi ông thêm vào danh sách ấy những người xây dựng hoà bình và những ai có tâm hồn trong sạch. Còn đối với Lu-ca, thì ông cho biết phải rao giảng Tin Mừng cho ai trước tiên: cho những hạng người bị xã hội rẻ rúng, và có nhiều khó khăn hơn. Tác giả Mát-thêu thì khác: ông nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi của mình, đồng thời chỉ cho thấy phải làm thế nào, để được xứng với Thiên Chúa, Đấng đã chọn chúng ta.[xxx]

Bối cảnh của hai bản văn thì khác nhau. Mát-thêu đặt các Mối Phúc trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7), còn Lu-ca thì đặt các Mối Phúc và mối hoạ trong bài giảng ở đồng bằng như là một phiên bản ngắn so với Bài Giảng Trên Núi của Mát-thêu. (Lc 6,20-49). Đến đây, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu sơ lược về các Mối Phúc và các mối hoạ mà Lu-ca đã diễn tả trong bài giảng ở đồng bằng.

 

- Vài hàng sơ lược về các Mối Phúc và các mối hoạ trong Phúc Âm của Lu-ca.

 

Trước hết, chúng ta lắng nghe sự giải thích của thần học gia Ratzinger: “Tác giả Phúc Âm Lu-ca cho chúng ta một phiên bản ngắn hơn về Bài Giảng Trên Núi với những điểm nhấn khác nhau. Lu-ca viết cho người Ki-tô hữu ngoại giáo, và vì thế, thánh nhân không quan tâm lắm đến việc họa chân dung Đức Giê-su như một Môi-sê mới, lời của Đấng này làm thành luật Torah cuối cùng. Do đó, cả bố cục bên ngoài của bài giảng cũng được trình bày theo cách khác. Trong trình thuật của Lu-ca, ngay sau  bài giảng là việc chọn mười hai Tông Đồ mà Lu-ca trình bày như là hoa quả sau một đêm tỉnh thức cầu nguyện. Biến cố này rất quan trọng, vì là nền tảng trên con đường sứ vụ của Đức Giê-su. Sau đó Ngài từ trên núi đi xuống với nhóm mười hai, những người mà Ngài vừa chọn (hoặc những người mà Lu-ca vừa giới thiệu tên tuổi). Ngài đứng trên đất bằng. Theo Lu-ca, thế đứng này diễn đạt về quyền bính tối cao và trọn vẹn của Đức Giê-su, và đất bằng diễn đạt về phạm vi cử tọa mà Ngài nhắm đến thật rộng rãi. Lu-ca tiếp tục nhấn mạnh đến chiều sâu này khi nói với chúng ta rằng, ngoài nhóm mười hai cùng với Đức Giê-su từ trên núi đi xuống, còn có đông đảo các môn đệ của Ngài, cũng như đám đông dân chúng từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem và các vùng biển phụ cận như Tia và và Xi-đon, đã tuôn đến lắng nghe Ngài và được Ngài chữa lành (x.Lc 6,17). Trong cảnh tượng này, ý nghĩa phổ quát của bài giảng minh chứng tiêu chuẩn cao hơn thế nữa, khi Lu-ca, cũng như Mát-thêu, tiếp tục nói ‘Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói …’ (Lc 6,20). Cả hai yếu tố đều chính xác: Bài Giảng Trên Núi nói với toàn thể thế giới, trong cả hiện tại và tương lai. Tuy vậy, bài giảng này mong chờ có những người bước theo chân Chúa. Bài Giảng Trên Núi cũng chỉ có thể hiểu được và sống động được nhờ vào tinh thần theo bước Đức Giê-su và đồng hành với Ngài trên hành trình của Ngài”.[xxxi] Đó là tinh thần bài giảng trên đồng bằng mà Lu-ca đã viết lại.

 

Như đã trình bày ở trên, theo Phúc Âm của Lu-ca, thính giả lắng nghe Chúa Giê-su nói về các Mối Phúc, ngoài các môn đệ, là nhóm người bình dân, và Chúa nói năng như một người cùng giai cấp với họ. Hơn nữa, nhóm người bình dân này là những người bất hạnh và khổ đau. Họ là những người nghèo, những người đói khổ, những người đang khóc lóc và những người bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.[xxxii]

 

Chúa Giê-su đã hứa ban cho họ một phúc lành. Phúc lành đó chính là Nước Thiên Chúa đang đến. Các Mối Phúc của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của Lu-ca như là lời công bố ơn cứu rỗi dành cho tất cả những ai đang ở trong những hoàn cảnh đau thương. Đó cũng là viễn tượng của sứ mạng phục vụ và giải thoát của Chúa Giê-su, đặc biệt dành cho những kẻ cùng khổ và thấp cổ bé miệng. Tinh thần này của Chúa tương hợp với những lời khác của Chúa Giê-su, cũng như với cách sống và cách hành xử của Ngài: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chúa Giê-su đến để cứu những người đã hư mất, và Ngài muốn giới thiệu lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Đó chính là nét chính yếu về sứ mạng của Đấng Mê-si-a.

 

Tiếp nối với các Mối Phúc, Lu-ca đã nêu lên bốn mối hoạ. Theo Schnackenburg, qua các mối hoạ này, Lu-ca càng muốn nêu bật tầm quan trọng của các Mối Phúc. Hơn nữa, Lu-ca cũng đã nghĩ đến đời sống thực tế của đời người và ông đã hiểu Tin Mừng của Chúa Giê-su như là lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa giải thoát con người khỏi mọi sự nghèo khổ, đói rách và bất hạnh. Lu-ca cũng đã lên tiếng cảnh cáo những người giàu có và những người có vai vế và chức quyền trong xã hội, họ sống trong sự no nê, trong vui cười và được người khác ca tụng. Vì kết cục có thể thay đổi cuộc sống sung túc của họ đang có bây giờ, sự thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Tuy nhiên, là một sai lầm lớn, nếu ai nghĩ rằng các Mối Phúc trong Phúc Âm theo thánh Lu-ca mang dáng dấp của một cuộc cách mạng mang tính chính trị. Thiên Chúa có thể thay đổi đời sống và số phận của con người. Đó là điều căn bản. Ngoài ra, Lu-ca cũng không muốn ca ngợi sự nghèo khó và sự bất lực trong bản chất của nó. Khắp nơi trong Phúc Âm của Lu-ca nhắc đến một điều nền tảng, người nghèo và người bất hạnh cần lắng nghe Lời Chúa và hướng cuộc sống của họ theo Lời Chúa. Đó là Tin Mừng của Lời Chúa dành cho những phận người khổ đau đó. Ngoài ra, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại là, Phúc Âm của thánh Lu-ca là Phúc Âm của người nghèo và Phúc Âm nêu bật lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Trên đây là vài hàng sơ lược về các Mối Phúc trong Phúc Âm của Lu-ca. Giờ đây, xin đi vào các Mối Phúc trong Phúc Âm thánh Mát-thêu, mà người ta thường gọi là Tám Mối Phúc Thật hay Bát Phúc.

 

[i] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, Herder Verlag, Aufl.3, Freiburg in Bresgau 2007, s.94.

[ii] AUGUSTINUS A., Die Bergpredigt, Johannes Verlag Einsiedeln, Freiburg 2006, t.34

[iii] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.96.

[iv] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.96.

[v] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.97-98.

[vi] LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1. Teilband, Benziger Verlag, Zuerich 1985, s.188.

[vii] LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1. Teilband, s.188.

[viii] SCHNACKENBURG R., Tin Mừng Mát-thêu, Chuyển ngữ: Nt. Phạm thị Huy OP., NXB. Tôn giáo, Hà Nội 2010, t.96-97.

[ix] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.95.

[x] GNILKA J., Das Mathaeusevangelium, 1,1-13,58, I/1, Herders theologischer Kommentar zum Neuen Testament, Sonderausgabe, Freiburg – Basel, Wien 2000, t.112.

[xi] LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, s.352.

[xii] LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, s.189.

[xiii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2764, t.766.

[xiv] X. BETZ H.D., The Sermon on the Mount, Hermemeia, a Critical and Historical Commentary on the Bible, Fortress Press, Minneapolis 1995, t.92.

[xv] X. Lexikon fuer Theologie und Kirche, KASPER Walter und andere (Hrg.), 4.Band, Herder Verlag, Freiburg 1995, Cột 757-758, và tập sách của GRUEN Anselm, Glueckseligkeit, Herder Verlag, Freiburg 2007, t.7 -9.

[xvi] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, Wisdom Publications, Bosten 2001. Bản tiếng Việt do Diệu Liên và Lý Thu Linh, năm 2007, t. 13-14.

[xvii] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.15-16.

[xviii] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.17-18.

[xix] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.18-19.

[xx] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.19-20.

[xxi] THÍCH NHẤT HẠNH, Trái tim của Bụt, NXB. Tổng Hợp, 2011, t.104-105.

[xxii] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội 2011, t.271.

[xxiii] Tham khảo GRUEN A., Glueckseligkeit, Herder Verlag, Freiburg 2007, t.10-11.

[xxiv] X. KITTEL G. (Herg.), Theologisches Woerterbuch zum Neuen Testament, IV. Banb, Verlag W.Kohlhammer, Stuttgart 1942, t.365-366.

[xxv] GNILKA J., Das Mathaeusevangelium, 1,1-13,58, t.116 tt.

[xxvi] X. Exegetisches Woerterbuch zum Neuen Testament, Balz H. und Schneider G. (Herg.), Verlag W.Kohlhammer GmbH., Stuttgart – Berlin – Koeln – Mainz 1980, cột 926.

[xxvii] Tham khảo GRUEN A., Glueckseligkeit,, t.11-12.

[xxviii] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.25.

[xxix] STRECKER G., Die Bergpredigt, ein exegetischer Kommentar, 2. Aufl., Vandenhoeck & Ruprecht, Goettingen 1985, t.26-27.

[xxx] X. Phần chú thích Mt 5,1 của anh em Hurault, trong Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, t.1607.

[xxxi] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.98.

[xxxii] Tham khảo sách của SCHNACKENBURG R., Alles kan glaubt, Bergpredigt und Vaterunser in der Absicht Jesu, Herder Verlag, Freiburg 1984, t. 48-52.

BẢN PDF
bottom of page