top of page

- Trong đau khổ, nhưng không bao giờ đi tìm con đường tự kết liễu đời mình.

 

Như vậy, sự ủi an của Chúa đến với những ai đang đau khổ, nhưng vẫn biết sống với những thái độ thật tích cực, chứ không mù quáng để cho đau khổ làm chủ cuộc đời, ảnh hưởng và có thể dẫn họ tới hố sâu của buồn chán và thất vọng, và cuối cùng là tự kết liễu cuộc đời.

Thật đau buồn, khi lâu lâu truyền thông đưa tin một người cha hoặc một người mẹ, vì chuyện gia đình đã quyết định kết liễu không chỉ đời mình, mà cả đời của những đứa con nhỏ bé của mình nữa. Sống thì sống hết, mà chết thì chết chung. Một suy nghĩ thiển cận và đầy tiêu cực. Hơn nữa, tự tử đâu phải là cách giải quyết, mà là một sự trốn chạy. Rồi hậu quả mà mỗi cuộc tử tự để lại thật là đau thương. Người thân và gia đình cũng như những người trong cuộc phải lãnh chịu những đau khổ tinh thần. Vết thương này hằn sâu trong cuộc đời và khó lòng mà có thể chữa lành được. Thử hỏi rằng con người chúng ta có quyền để tự kết liễu đời mình không? Đừng bao giờ làm cho Thiên Chúa phải đau buồn, khi con người chúng ta quên đi tình yêu của Thiên Chúa mà tự kết liễu sự sống quý báu Chúa đã ban tặng. Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta, Đấng nói lời xin vâng với chúng ta, đưa chúng ta vào cuộc đời. Và khi nhìn thấy chúng ta lớn lên trong cuộc đời, Ngài nói với chúng ta rằng: “Thật tốt khi có con”. Sau đó, Thiên Chúa của chúng ta tiếp tục chúc lành và đồng hành với chúng ta trên từng đoạn đường chúng ta đi. Đặc biệt ở những chặng đường chông gai nhất, thì Ngài gần gũi với chúng ta nhất, và Ngài mở lời nói với chúng ta rằng: “Phúc cho những ai sầu khồ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Sự ủi an của Thiên Chúa rất cụ thể và thực tế, qua việc Thiên Chúa đã chia sẻ thân phận đau khổ với chúng ta. Cứ nhìn lên Thánh Giá thì sẽ thấy. Trên Thánh Giá, Chúa luôn nói với chúng ta, những người đau khổ rằng: “Phúc thay, Phúc thay!”. Vì thế, đừng quên đi lời hứa về Mối Phúc lành của Chúa, về sự an ủi dịu ngọt của người Cha dấu yêu dành cho con cái đang sầu khổ.

Chúng ta cần ý thức sự nguy hiểm trong những lúc đau khổ với sức mạnh của nó luôn muốn chế ngự chúng ta. Như bóng đêm, đau khổ che mất hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta chẳng còn thấy Ngài đâu, mà xung quanh toàn thấy đau khổ, buồn tủi và thất vọng. Và rồi chúng ta cứ ngồi một mình mà than phiền khóc lóc. Cứ vậy chúng ta rơi vào trong nguy hiểm có thể dẫn chúng ta đến hố sâu thăm thẳm nhất của cuộc đời. Đó là cái chết. Để chống lại sức mạnh của khổ đau và cơn cám dỗ dẫn chúng ta đến việc tự kết liễu đời mình, chúng ta cần nhìn lên Đức Ki-tô trên Thánh giá. Ngài đang đau khổ với chúng ta, Ngài thấu hiểu những gì chúng ta đang phải chịu, và Ngài luôn an ủi chúng ta. Với tất cả tấm lòng nhân từ bao la, Ngài nói với chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Hãy ở lại bên Chúa! Hãy luôn hướng nhìn lên Đức Ki-tô trên Thánh Giá. Hãy ở lại với Chúa trên đồng cỏ xanh tươi, và luôn ý thức rằng, Chúa đủ cho tôi rồi. Chẳng cần phải hãi sợ gì. Thật vậy, ở bên Chúa chúng ta được phép nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Như một em bé, khi gặp vấn đề gì đe dọa mình, thì chạy lại và nép mình vào lòng Cha Mẹ. Vì vậy, khi đau khổ chúng ta chạy đến bên Chúa, nép vào lòng Ngài và nói với Ngài rằng: “Con nương ẩn bên Ngài, lạy Chúa!” Khi nương ẩn bên Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình tâm sâu thẳm.

 

- Bình tâm, thái độ cần có trong cuộc sống nhiều khổ đau.

 

Bình tâm là một thái độ rất căn bản và nền tảng cho đời sống tâm linh, và thái độ này giúp ích rất nhiều cho những ai gặp khổ đau và thử thách. Thái độ bình tâm này cũng là cung cách hành xử đúng đắn của người có niềm tin đối với Thiên Chúa, và đối với tha nhân.[i] Bình thường con người luôn có khuynh hướng cột chặt vào mình tất cả những gì quý báu. Thật vậy, “chúng ta luôn luôn yêu thích nhiều thứ, và tin tưởng vào chúng trong liên hệ đến cuộc sống thân xác, và chúng ta cũng đã nếm thử chúng với cả thích thú lẫn đắng cay. Những thứ đó đã được chôn kỹ trong tình yêu và trong sự sợ hãi của chúng ta đối với chúng. Chúng ta cần có can đảm cho một cuộc xuất hành nội tâm mới, để hoá giải sức mạnh lôi cuốn của nhiều thứ, và giải thoải chúng ta khỏi những nguy hiểm đến từ sự lệ thuộc hay tình trạng nô lệ”.[ii]

 

Không chỉ cột chặt mình vào những gì quý báu, trong vô thức hay ý thức con người cũng có khuynh hướng giữ mãi những khổ đau, đặc biệt những hận thù trong lòng. Người ta vẫn nói đến thái độ nuôi hận thù. Nuôi hay giữ lại và cột chặt những điều tiêu cực ấy vào mình, thì con người tự mình đánh mất đi sự tự do. Khi con người không có tự do thật sự trong lòng, thì khả năng đón nhận những gì cao quý sẽ bị giảm đi, và đôi khi khả năng đó bị tê liệt. Thay vào đó, con người sống trong lệ thuộc, trong thụ động, trong sợ hãi đến nỗi luôn luôn ôm chặt những gì mình đang có, và nói khác đi họ tự nhốt mình trong ốc đảo riêng với những gì họ có. Chỉ khi nào con người gặp gỡ Thiên Chúa, và can đảm trao cho Ngài tất cả. Với một hình ảnh khác, chỉ khi nào con người thực sự muốn và được rơi vào bàn tay của Thiên Chúa, thì con người sẽ tìm lại được sự tự do, và với sự tự do này họ có thể gặp gỡ Thiên Chúa và mọi người cách đích thật. Thái độ bình tâm cũng được đề cập trong Thánh Kinh.

 

“Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131,2-3).

 

Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện đơn sơ của tâm hồn có lòng trông cậy và có thái độ bình tâm sâu thẳm. Sự bình tâm trong sự thinh lặng và thanh bình của người có niềm tin đang khiêm tốn đứng trước tôn nhan Thiên Chúa. Thật vậy, trước sau như một, không có bất cứ thế lực và sự dữ nào có thể lấy mất sự thanh bình và thinh lặng của người bình tâm, của người khiêm tốn và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa.

Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh cũng diễn tả một thái độ khiêm tốn, một sự tinh ròng của niềm tin tưởng mạnh mẽ. Với sự khiêm tốn, người cầu nguyện ý thức mình không có thể hiểu thấu được Thiên Chúa và đường lối của Ngài, nên niềm tin và Lời của Chúa là đủ cho họ. Sự tin tưởng được diễn tả qua hình ảnh của đứa con thơ trong vòng tay của mẹ. Bỏ tất cả mọi sự, không màng đến những an ủi trần gian, tháo cởi tất cả mọi thứ thuộc về trần gian với vui buồn, yếu khoẻ, giàu nghèo, giỏi dốt, và chỉ cần được ấp ủ trong vòng tay Thiên Chúa, người có niềm tin tìm thấy sự thanh bình, yên tĩnh, hạnh phúc, và đặc biệt được kết hiệp với Thiên Chúa. 

 

Ngoài ra, Thánh Phao-lô nhắc nhớ:“Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-32). Thánh Phao-lô nhắc nhớ các tín hữu ở Cô-tin-tô về ngày Quang Lâm của Chúa Giê-su đã rút ngắn thời gian, nói theo nghĩa bóng: chúng ta không còn có thể sống an nhàn trong thế giới hiện tại như trước kia, khi chúng ta không thấy xa hơn. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn hướng về cái đang đến. Tín hữu sống trong hiện tại với mọi thực tế của nó, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả giàu sang lẫn nghèo nàn, và cả mạnh khoẻ lẫn đau yếu. Tất cả mọi thứ đó không phải là đích đến, không được là những điều tín hữu tha thiết và cột chặt vào mình, mà điều tha thiết nhất đối với tín hữu là cái đến sau khi bộ mặt thế giới này qua đi. Một hình ảnh của bộ mặt thế giới này qua đi được nhận ra rõ ràng qua sự chết của con người. Khi đối diện với sự chết, tất cả mọi sự trên trần gian đều chẳng còn có giá trị gì, lúc đó tín hữu chỉ còn xin được phó thác mọi sự trong bàn tay Thiên Chúa. “Cuối cùng, trong cái chết mọi sự đều tan biến. Lúc đó, chúng ta không còn có gì cả. Chúng ta chỉ biết kiên nhẫn để đứng vững và nói với Chúa rằng: Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”.[iii]

 

Phó thác trong tay Chúa là chú ý tới cái đến sau sự chết. Đó là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, Đấng là khởi nguyên và là cùng đích. Vì thế, tín hữu không cột chặt đời mình vào những điều thuộc về thế gian, mà một lòng hướng về Thiên Chúa, hướng về Đức Ki-tô. Tín hữu cần là người tự do, không bị bất cứ điều gì của trần gian chiếm đoạt, mà họ cần được chiếm hữu bởi Chúa Ki-tô, như chính Thánh Phao-lô, ngài đã được Chúa Ki-tô chiếm hữu.

 

Thái độ bình tâm này cũng được một số nhà thần bí người Đức đề cập tới, như Meister Eckhart, Johannes Tauler và Heinrich Seuse. Thánh Gio-an Thánh Giá và Thánh I-nhã Thành Loyola cũng đề cập tới. Thánh I-nhã viết trong sách Linh Thao số 23: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả”.

Bình tâm với mọi tạo vật và sống trong ý thức không ước muốn bất cứ điều gì cho bản thân mình. Đó là thái độ thoát ra khỏi con người mình, khỏi cái tôi ích kỷ của mình, để sống với một sự tự do nội tâm đích thật. “Ai thật sự tự do trong ý nghĩa này, thì sẽ không đặt những dấu chân đi tìm mình, và không bị giam hãm vào trong ngục tù của cái tôi. Chỉ có ai tự do thật, mới có thể hỏi xem, điều gì trong những khả năng của tôi sẽ thực hiện điều tốt hơn. Chỉ có người tự do mới có nhiều khoảng cách với chính bản thân, đến nỗi người đó không quyết định theo cảm giác nhất thời hay những tư tưởng nhất thời, mà quyết định theo những giá trị và chuẩn mực quan trọng”.[iv]

 

Ngoài ra, với thái độ bình tâm người ta không chỉ được tự do hoàn toàn, mà họ còn tin tưởng cậy trông vào Chúa, và một lòng một dạ tuân theo thánh ý của Ngài mà thôi. Chính Ngài là nền tảng và nguyên lý của đời sống chúng ta. Tin tưởng như vậy, thì sự sầu khổ sẽ được thánh hóa và có thể trở thành lời chúc phúc cho chúng ta, chứ không trở thành sức mạnh tiêu diệt chúng ta. Ở đây, chúng ta đọc một chút tâm tình chia sẻ của Karl Rahner: “Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta gặp phải đều có thể trở nên phúc lành hay là tai họa. Như vậy, điều lúc đầu tưởng như rất khó khăn, tối tăm và cay đắng, đều có thể trở thành phúc lành lớn cho chúng ta, nếu chúng ta vượt qua nó một cách tốt đẹp. Nghĩa là trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và trong sự bình tâm cùng kiên nhẫn, chúng ta đón nhận điều đó. Cuối cùng, bóng đêm và mọi sự khó hiểu đều có thể trở nên phúc lành. Nếu như vậy, thì chúng ta có thể nói rằng, tất cả mọi điều chúng ta gặp phải đều là phúc lành, dù cho đó là sức khỏe hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo khổ, danh vọng hay nhục nhã, sống lâu hay chết yểu.

 

Tất cả đều có thể trở thành phúc lành. Tuy nhiên, trong lời cầu xin của mình, chúng ta vẫn được phép cầu nguyện theo ý của mình: ‘Xin hãy làm cho con được mạnh khỏe và chúc lành cho con được như vậy…’ Dù thế, lời cầu nguyện sẽ chân thật, nếu chúng ta dù ở trong sự khác biệt của đời sống thực tế này, nhưng vẫn ý thức, vẫn tin tưởng và vẫn sẵn sàng đón nhận một tâm tình sống, là tất cả mọi sự, điều này hay điều nọ đều có thể trao ban cho chúng ta lời chúc phúc. Sự thanh thản cũng như nặng nề, tất cả đều có thể là lời chúc phúc hay đều có thể trở nên phúc lành. Và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta cầu xin ơn chúc phúc của Thiên Chúa, ngay cả trong lời cầu xin về một điều nhất định nào đó, thì chúng ta đang kêu cầu Chúa ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh, để đón nhận tất cả mọi sự đến với chúng ta như là sự chúc phúc của Thiên Chúa, và để chúng ta có thể thánh hóa chúng trở thành phúc lành, dù điều đó có bất ngờ xảy đến, hay điều đó có nặng nề đến mấy”.[v]

 

  • Hướng nhìn lên Chúa Giê-su.

 

Khi hướng nhìn lên Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra Chúa đã chịu rất nhiều đau khổ, đặc biệt trên con đường Thương Khó. Sự đau khổ rõ rệt nhất là trong vườn Giêtsimani, nơi Ngài đối diện với chén đắng.

 

- Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.

 

Đi vào câu chuyện, chúng ta thấy Chúa Giê-su cầu nguyện tại vườn Giêtsimani, và Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các môn đệ đi theo: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Không chỉ một lần, mà sau đó Chúa Giê-su còn nhắc lại lời nguyện này một lần nữa: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (x.Mt 26,36-46).

Chúa Giê-su đã phải đấu tranh và chiến thắng thái độ đối kháng của con người trước Thiên Chúa. Khi đối diện với chén đắng, Ngài đã bị cám dỗ, nhưng cuối cùng trong tinh thần cầu nguyện và trong tương quan gắn bó với Cha trên trời, Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ dù nó đạt tới cao điểm. Và khi cơn cám dỗ với sự đối kháng bị “tan nát” để trở thành lời xin vâng, thì tất cả những ý riêng của con người được hòa vào thánh ý của Thiên Chúa, và cuối cùng là lời cầu xin: “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Một lời cầu xin đầy tín thác và tràn đầy sự bình tâm. Bình tâm để vượt qua mọi thử thách và khổ đau, để rồi chỉ chú tâm vào thánh ý của Cha trên trời.

 

Sống theo ý Cha hoàn toàn. Đó là thái độ bình tâm sâu xa của Đức Ki-tô. Nhưng vâng theo ý Cha để làm gì? Vâng theo ý Cha, để cứu rỗi nhân loại. Đó chính là mục đích mà Chúa Giê-su hướng tới, và vì vậy dù buồn sầu và lo sợ, nhưng Ngài không lùi bước. Ngài đã đón nhận mọi khổ đau của nhân loại. Ngài cùng đau đớn như mọi người, Ngài cũng sợ hãi trước chén đắng như chúng ta. Nhưng dù chén đắng có đắng thế nào, dù khổ đau và sợ hãi có lớn lao đến mấy, Ngài vẫn không chối từ. Xin vâng đón nhận chén đắng, để qua đó đạt đến vinh quang và dẫn bước muôn người đau khổ đến vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang của tình yêu chiến thắng sự dữ, vinh quang của sự ủi an mà Chúa, Đấng không chạy trốn khổ đau, dành cho những phận người đang  đau khổ. Vì thế, tất cả những ai đang đau khổ đều được phép hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa. Dù đau khổ có làm cho người ta bị câm lặng; dù khổ đau có làm cho người ta tưởng chừng hoàn toàn thất vọng, thì khi nhìn lên Thánh Giá mà Chúa Giê-su đang bị đóng đinh và cùng chịu đau khổ, người ta sẽ tìm thấy ánh sáng của niềm hy vọng, ánh sáng ủi an đến từ Đấng chịu đóng đinh. Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận đã nói: “Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ” (Đường hy vọng số 694). Thật vậy, từ Thánh Giá Chúa luôn có sức mạnh tuôn tràn ra. Thánh Giá của Đức Ki-tô luôn là sự chứng minh thật tuyệt vời cho lời hứa ủi an mà Thiên Chúa dành đặc biệt cho những ai sầu khổ và khóc than.

 

Vượt qua cám dỗ, Chúa Giê-su đã nói lời xin vâng tuyệt đối với Cha mình. Sự xin vâng này đã tìm thấy sự trọn hảo, khi Chúa thốt lên trong những giây phút cuối cùng ở trên Thánh Giá: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Đó là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tột độ và hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này diễn tả ý thức hoàn toàn của Người rằng, Người đã không bị bỏ rơi. Lời cầu khẩn thứ nhất “Lạy Cha”, nhắc lại lời nói đầu tiên của Người được ghi lại khi lên mười hai tuổi. Khi ấy, Người đã ở lại ba ngày trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, là nơi mà màn che giờ đây bị xé đôi. Và khi cha mẹ Người bày tỏ sự lo âu của các ngài, Người đã trả lời: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Từ đầu đến cuối, điều hoàn toàn xác định cảm giác, lời nói và hành động của Chúa Giê-su, là mối liên hệ độc đáo của Người với Chúa Cha. Trên Thánh Giá, Người sống hoàn toàn trong tình yêu, chính mối liên hệ con thảo này với Thiên Chúa, đã sinh động hóa lời cầu nguyện của Người. Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn “Lạy Cha”, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh: “Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha” (Tv 31,6).

 

Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su “phó Mình” cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện “trao phó” hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước cái chết là một điều bi thảm, cũng như với mọi người, nhưng cùng một lúc, được tràn ngập bởi sự bình tâm thẳm sâu đến từ lòng tín thác vào Chúa Cha và ý muốn hiến thân hoàn toàn cho Cha trong vườn Cây Dầu, khi Người bước vào cuộc chiến đấu cuối cùng. Trong cuộc chiến đấu đó, Người cầu nguyện mãnh liệt, và Người sắp sửa “bị nộp vào tay người ta” (Lc 9,44), mồ hôi của Người đã trở thành “như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44), nhưng trái tim của Người hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, và “một thiên sứ từ trời” đã đến để an ủi Người (x.Lc 22,42-43). Bây giờ, trong những giây phút cuối cùng của Người, Chúa Giê-su đã thưa cùng Chúa Cha rằng, Người phó thác trọn cuộc đời Người trong tay Chúa Cha. Trước khi rời Ga-li-lê để đi lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh nhiều lần với các môn đệ: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người ta” (Lc 9,44).

 

Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giê-su tự cho phép mình bị nộp “vào tay người ta”, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, như Thánh Sử Gio-an nói, mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn.[vi]

Như thế lời cầu nguyện trong đau khổ nhưng với lời xin vâng hoàn toàn đón nhận chén đắng của Chúa Giê-su tại vườn Cây Dầu, đã nối kết với lời cầu nguyện cuối cùng của Ngài với Cha trên Thánh Giá. Cũng ở trên Thánh Giá, và cũng là một lời cầu nguyện với Cha, Chúa Giê-su một lần nữa đã diễn tả nỗi khổ đau của Ngài.

 

- Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Người  bỏ rơi con?

 

Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su được hai tác giả Phúc Âm Mát-thêu và Mác-cô nhắc đến (x.Mt 27,46; Mc 15,34). Điều đó làm nổi bật tầm quan trọng của lời cầu nguyện.

 

Phúc Âm thánh Mát-thêu viết:“Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Trong Phúc Âm của Mác-cô, chúng ta thấy:“Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: ‚Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Như thế, lời cầu nguyện này theo hai thánh sử, đều có chung một bối cảnh, đó là lúc Chúa Giê-su chuẩn bị sinh thì trên Thánh Giá. Về ngôn ngữ của lời cầu nguyện này, một số nhà chú giải Thánh Kinh đã nhận định, đó là âm điệu của ngôn ngữ A-ram và của tiếng Híp-ri. Qua đó các nhà chú giải Thánh Kinh đã nhận thấy lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su là những hàng đầu tiên của Thánh Vịnh 22.

 

Ngoài ra, về thời gian của của lời cầu nguyện, cả hai thánh sử đều nói là giờ thứ chín, nghĩa là ba giờ chiều theo lịch thời gian của chúng ta hiện nay. Ở đây chúng ta lắng nghe suy tư của Đức Benedicto XVI: “Như chúng ta đã nghe, đây là điều mà thánh Mác-cô viết: ‘Vào giờ thứ sáu (buổi trưa), tối tăm bao trùm khắp mặt đất đến giờ thứ chín (ba giờ chiều). Và vào giờ thứ chín, Chúa Giê-su kêu lên một tiếng lớn: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’ (15,34). Trong cấu trúc của tường thuật, lời cầu nguyện, tiếng kêu của Chúa Giê-su ở tột đỉnh của ba giờ đen tối này, từ trưa cho đến ba giờ chiều, là những giờ mà tăm tối bao trùm khắp mặt đất. Ba giờ đen tối này là sự tiếp tục của một khoảng thời gian trước đó, cũng ba giờ, bắt đầu với việc đóng đinh Chúa Giê-su. Thực ra, thánh Sử Mác-cô cho chúng ta biết rằng: ‘Khi đó là giờ thứ ba (chín giờ sáng), và chúng đóng đinh Người’ (x.15,25).

 

Chung quy thì những dấu chỉ về thời gian của tường thuật cho thấy rằng sáu giờ của Chúa Giê-su trên Thánh Giá được chia thành hai phần bằng nhau theo thứ tự thời gian. Trong ba giờ đầu, từ chín giờ sáng đến trưa, chúng ta thấy sự chế nhạo của các nhóm người khác nhau, là những kẻ bày tỏ sự hoài nghi của họ và xác định rằng họ không tin. Thánh Mác-cô viết: ‘Những kẻ qua lại chế nhạo Người’ (Mc 15,29), ‘Cũng vậy, các trưởng tế và luật sĩ đều chế giễu Người’ (Mc 15,31), và ‘những tên cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người’ (Mc 15,32). Trong ba giờ tiếp theo, từ trưa đến ba giờ chiều, thánh sử chỉ nói về bóng tối bao trùm khắp mặt đất: một mình bóng tối chiếm toàn cảnh mà không đề cập đến những chuyển động hay lời nói nào của các nhân vật. Khi Chúa Giê-su gần cái chết hơn bao giờ hết, chỉ có bóng tối đang bao trùm ‘khắp mặt đất’. Ngay cả vũ trụ cũng tham gia vào biến cố này: bóng tối bao phủ người và sự vật, nhưng ngay cả trong giờ đêm tối này Thiên Chúa vẫn hiện diện, Ngài không từ bỏ”.[vii] Ngài đã lên tiếng. Tiếng kêu lên với Cha trên trời là một lời cầu nguyện của người Con yêu dấu của Cha. Tiếng kêu đó Chúa Giê-su đã trích dẫn từ Thánh Vịnh 22.

 

Thánh Vịnh 22 nói về người lành thánh gặp đau khổ và đã kêu cầu đến Chúa, và Chúa đã nhậm lời. Đức Benedicto XVI đã chia sẻ về Thánh Vịnh này như sau: “Thánh Vịnh này luôn xuất hiện trong những tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, với cả hai bình diện chịu sỉ nhục và vinh quang, sự chết và sự sống. Đó là Thánh Vịnh 22 theo truyền thống Do Thái hay Thánh Vịnh 21 theo truyền thống La-Hy, một lời cầu nguyện chân thành và cảm động, có sự phong phú về thần học và chiều sâu về nhân bản, khiến nó trở thành một trong những Thánh Vịnh được ưa thích và nghiên cứu nhiều nhất trong các Thánh Vịnh…Thánh Vịnh này trình bày hình ảnh của một người vô tội bị lùng bắt và bao vây bởi những kẻ thù muốn cho ông chết, và ông cầu cùng Thiên Chúa bằng một lời than thở đớn đau, trong niềm xác tín của Đức Tin, mở ra một cách bí nhiệm để chúc tụng. Trong lời cầu nguyện của ông, thực tại kinh hoàng của hiện tại và đầy an ủi trong quá khứ thay phiên nhau trong một ý thức đau đớn về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng không muốn làm cho mình mất hy vọng. Lời kêu than lúc đầu của ông là một lời khẩn cầu cùng một Thiên Chúa dường như xa cách, không đáp lời ông và có vẻ đã bỏ rơi ông”.[viii]

 

Lời đầu tiên của Thánh Vịnh là:

“Ôi Thiên Chúa của con! Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?
Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nào xa vời!” (Tv 22,2).

 

Chúa Giê-su trên Thánh Giá đã thốt lên lời cầu nguyện này. Cả hai thánh sử đều kể lại rằng, Chúa Giê-su đã kêu lớn tiếng. Điều này tương hợp với lời Thánh Vịnh “dù con thảm thiết kêu gào” (Tv 22,2b). Lời cầu nguyện kêu xin lớn tiếng của Chúa “diễn tả tình trạng cô độc của Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Người đang đối diện với thảm trạng bị chết, một thực tại hoàn toàn trái ngược với Chúa sự sống. Bị hầu hết những người thân yêu của Mình bỏ rơi, bị các môn đệ phản bội và chối từ, bị vây quanh bởi những kẻ nhục mạ Người, Chúa Giê-su đang bị đè nghiến bởi sức nặng của một sứ mệnh phải trải qua sỉ nhục và hủy diệt. Vì lý do đó mà Người than khóc cùng Chúa Cha, và nỗi thống khổ của Người được diễn tả qua những lời đớn đau của bài Thánh Vịnh”.[ix] Không chỉ dừng lại ở cảm xúc đó, vì Người cầu nguyện bằng bài Thánh Vịnh với ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Cha, ngay cả trong giờ này khi Người cảm thấy thảm cảnh về cái chết của con người. Như thế, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ở đây diễn tả một tương quan sâu xa của Ngài với Cha. Tuy nhiên, khi đọc lời cầu nguyện này, chúng ta cũng đặt vấn nạn, tại sao Thiên Chúa quyền năng không thể can thiệp vào biến cố đau thương này của Con Mình, tại sao Ngài lại im lặng? Ngài có im lặng thật không?

Im lặng theo cái nhìn đầu tiên là không có tiếng nói, nhưng thực ra thì im lặng chính là một cách thức nói. Vì thế, Thiên Chúa im lặng trong biến cố này, không có nghĩa là Ngài vắng mặt và không nói gì. Đức Benedicto XVI đã nói rằng: “Thiên Chúa nói qua sự im lặng...Nhưng sự im lặng của Thiên Chúa, như Chúa Giê-su cũng đã cảm thấy, không phải là dấu chỉ của sự vắng mặt của Ngài. Người Ki-tô hữu biết rằng Chúa hiện diện và lắng nghe, ngay cả trong đêm đen của đau khổ, bị khước từ và cô đơn. Chúa Giê-su bảo đảm với các môn đệ của Người, và với mỗi người trong chúng ta rằng, Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta”.[x] Như thế, sự im lặng của Chúa Cha không có nghĩa là sự bỏ rơi, nhưng là một cuộc gặp gỡ thật sự, cuộc gặp gỡ trong thinh lặng của Cha với Con yêu dấu.

 

Mặt khác, khi cầu nguyện với lời mở đầu Thánh Vịnh 22, Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?, Chúa Giê-su tiếp tục cầu nguyện thầm thì với Thánh Vịnh 22 trong suốt cuộc khổ hình của Ngài, nghĩa là Chúa Giê-su không quên phần kết thúc của Thánh Vịnh, trở thành ca khúc về giải phóng và lời loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Về điều này, một số nhà Thánh Kinh học đã nhìn như thế, nghĩa là Chúa Giê-su đã cầu nguyện toàn bộ bài Thánh Vịnh 22 này ở trên Thánh Giá. Điều đó diễn tả một niềm tin mạnh mẽ của Chúa Giê-su vào Cha mình qua chính lời kêu cầu lớn tiếng của Ngài.  Đức Benedicto XVI cũng đồng ý, và đã nhắc đi nhắc lại về điều này, như trong bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 22, ngài viết: “Nhưng tiếng kêu của Người không phải là một tiếng kêu tuyệt vọng, cũng không như tiếng kêu của tác giả Thánh Vịnh, là người kêu cầu trong khi hành trình trên đường đau khổ nhưng cuối cùng dẫn đến một viễn cảnh ngợi khen, tin cậy vào chiến thắng của Thiên Chúa. Vì theo phong tục Do Thái, việc trích dẫn lời mở đầu của một Thánh Vịnh là có ngụ ý đề cập đến toàn thể bài thơ, như lời cầu nguyện hấp hối của Chúa Giê-su, trong khi vẫn giữ nguyên tình trạng đau khổ không thốt nên lời của Người, mở ra sự chắc chắn của vinh quang”.[xi]

 

Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con? Nếu đọc lời kêu cầu lớn tiếng của Chúa, chúng ta dễ dàng cho rằng, đó là một tiếng kêu cầu đầy sợ hãi và bối rối, tiếng kêu của những người bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Có lẽ các thánh sử cũng muốn diễn tả tâm trạng thực sự đó của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, lời kêu cầu này còn diễn tả một niềm tin mãnh liệt của Chúa Giê-su. Theo Pesch: “Lời kêu cầu của Chúa không phải là tiếng kêu bối rối hãi sợ, mà là một sự biểu lộ của niềm tin, một cách diễn tả về niềm tin sắt đá không lay chuyển khi ở trong hoàn cảnh đau khổ nhất. Trong đêm tối của tâm trạng ‘bị Thiên Chúa bỏ rơi’, Chúa Giê-su trong cầu nguyện đã hướng nhìn đến Thiên Chúa”.[xii] Thật vậy, chính trong hoàn cảnh tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã hướng nhìn đến Thiên Chúa. Với những lời đầu tiên trích dẫn từ Thánh Vịnh 22, Chúa bước đi trong sự hoài nghi và hãi sợ, nhưng rồi Chúa đã bước xuyên suốt qua đó, để đi vào chiều sâu của niềm tin vào Thiên Chúa[xiii], Đấng

“đưa con ra khỏi thai bào,

vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.
Chào đời con được dâng cho Chúa,
được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22,10-11).

 

Trong ánh sáng của lời Thánh Vịnh này, chúng ta thấy Chúa Giê-su luôn tin tưởng và bám chặt vào Thiên Chúa, đặc biệt khi Ngài rơi vào trong hoàn cảnh thống khổ đau thương nhất:

 

“Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 22,25).

 

Và Chúa Giê-su đã kết thúc lời cầu nguyện của Ngài với câu cuối cùng của Thánh Vịnh:

 

“Truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng: Đức Chúa đã làm như vậy!” (Tv 22,32).

 

Như thế, Chúa Giê-su đã bước qua tình trạng hoài nghi hãi sợ và bối rối, để đi vào niềm tin mãnh liệt, niềm tin sắt đá không lay chuyển. Niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa: ngay cả trong bóng tối của tử thần, Thiên Chúa vẫn ở bên. Qua niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và qua tình yêu trung tín cho đến giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su, mà cái chết của Chúa Giê-su đã trở thành một hành động đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

 

Qua đó, chúng ta mới thấy ý nghĩa cao cả của lời kêu cầu của Chúa, như thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, diễn tả trong tác phẩm Einfuehrung in das Christentum – Dẫn vào Ki-tô giáo: “Lời cầu nguyện này trào lên từ nỗi đau khổ tột cùng vì Thiên Chúa như vắng bóng, nhưng lại kết thúc bằng lời ngợi ca sự cao cả của Người. Tiếng kêu hấp hối của Đức Giê-su cũng mang ý nghĩa như thế”.[xiv] Ngoài ra, lời kêu cầu của Chúa Giê-su lên Cha còn diễn tả sự hiệp thông của Ngài với chúng ta, những con người đau khổ, lúc đó chúng ta cần xin Chúa cho mình có được niềm tin mạnh mẽ và hướng nhìn lên và kêu cầu cùng Chúa, Ngài luôn lắng nghe, đoái nhìn và ủi an.

 

- Chúa Giê-su, Đấng ủi an.

 

Nếu nhìn vào cuộc đời hoạt động của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài luôn luôn chú ý đến những anh chị em bất hạnh. Trái tim nhân hậu giàu lòng thương xót của Chúa luôn tìm thấy nhịp đập của những tâm hồn thống khổ, đôi tai Ngài rất thính trước những lời kêu xin của những người bất hạnh, dù họ còn có khả năng kêu lên Chúa, hay không còn khả năng thốt lên lời. Người bạn hành khất Bác-ti-mê của chúng ta là một điển hình sống động. Dưới sức nặng của chiếc áo choàng đè trên vai, anh Bác-ti-mê đã từ lâu rồi ngồi bên cửa thành Giê-ri-cô, để xin ăn, để chờ đợi những bàn tay nhân ái bố thí.

 

Một ngày nọ nhưng không giống như mọi ngày, anh nghe tin có Đức Giê-su Na-da-rét đi ngang qua nơi anh ngồi, với niềm tin tưởng anh đã kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Một lời kêu xin rất chân thật, rất khẩn thiết, lời kêu xin của kẻ tin. Chúa có nghe anh không? Đọc tiếp câu chuyện, chúng ta thấy rằng, nhiều người đứng ở đó đã quát mắng Bác-ti-mê - một kẻ hành khất, bắt anh phải im tiếng, bắt kẻ tin phải câm lặng. Không lẽ chỉ có những người giàu có, những người tự cho mình là đạo đức, những người hiểu biết và có vai vế mới có quyền kêu lên với Chúa? Nếu quyền làm người không ai cướp đi được, thì quyền cầu nguyện, quyền kêu cầu lên Chúa không ai được phép lấy mất đi. Chẳng màng tới sự quát nạt, anh ta vẫn tin tưởng và kêu lớn tiếng hơn nữa: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Lòng nhân hậu xót thương của Chúa không bao giờ điếc với những ai tin tưởng vào Ngài. Chúa Giê-su - Đấng an ủi, đã nghe lời kêu cầu của anh, Chúa đã chẳng coi thường và chẳng khinh miệt anh là kẻ nghèo hèn khốn khổ mang thân phận hành khất. Ngài cũng không ngoảnh mặt làm ngơ giả điếc bước đi tiếp để tránh bị quấy rầy, nhưng Ngài đã thương nghe lời cầu cứu. Dừng bước, Ngài kêu anh lại, kẻ tin vào Ngài. Một cuộc gặp gỡ của lòng xót thương nhân hậu với tâm hồn thống khổ - cuộc gặp gỡ của niềm tin, cuộc gặp gỡ đó đã tháo cởi chiếc áo choàng nặng nề, như là biểu hiện của người ăn xin ra khỏi anh Bác-ti-mê, và sự mù loà đã phải trở về lại chỗ của nó, để trả lại cho Bác-ti-mê một thế giới của Ánh Sáng. Ánh Sáng soi chiếu anh bước đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.

Lời kêu cầu của những con người bất hạnh và đau khổ luôn là quyền căn bản và quan trọng. Lời kếu cầu đưa họ đến gần với Chúa. Không có ai và không có thế lực nào có thể cấm cản những người bất hạnh tin tưởng kêu cầu cùng Chúa. Dù đôi khi chúng ta tưởng rằng Thiên Chúa vắng mặt và im lặng, nhưng thực ra Ngài luôn hiện diện ở bên và lắng nghe chúng ta. Ngài ở bên chúng ta, lúc chúng ta cảm thấy mình bị mọi người bỏ rơi. Ngay cả khi cha mẹ, người phối ngẫu và cả những người bạn tri kỷ nhất bỏ rơi chúng ta, Chúa vẫn ở cạnh chúng ta. Cả những khi chúng ta rơi vào tình trạng đau khổ của bệnh nan y không còn cứu chữa được nữa, cả khi chúng ta bị sự dữ dồn vào đường cùng và manh nha nuốt chửng chúng ta, thì Thiên Chúa, Mục Tử nhân hậu, Đấng ủi an, Ngài vẫn ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin tưởng và cầu nguyện. Chúng ta được phép kêu lớn tiếng lên với Chúa. Chúng ta được phép khóc lóc kêu gào với Chúa. Niềm tin luôn có chỗ cho nước mắt, niềm tin luôn đón chào những lời kêu gào lên với Chúa. Chúa sẽ không bao giờ đóng cánh cửa của căn nhà nhân hậu đối với chúng ta. Vì thế, không có sự sợ hãi nào, không có thế lực của sự dữ nào có thể cướp mất mạng sống và cướp mất linh hồn của chúng ta, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa Giê-su, và cùng với Ngài hướng nhìn và kêu cầu Cha trên trời.

 

         - Với Chúa Giê-su, người đau khổ kêu cầu cùng Thiên Chúa trên trời.

 

Trở về với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá: Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con? Chúng ta thấy rằng, tiếng kêu lớn tiếng của Chúa Giê-su với Cha trên trời là một lời cầu nguyện tuyệt vời. Lời cầu nguyện chất chứa sự sợ hãi, hoài nghi và bối rối lúc đầu, tìm thấy được sự trọn vẹn tuyệt vời ở khúc kết - sự trọn vẹn của niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa. Đó là sự thánh hoá mà niềm tin đem lại. Sức mạnh của niềm tin là thế đó. Niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là khởi đầu, là trung tâm điểm và là cùng đích của mỗi phận người chúng ta. Ở đây, thần học gia Ratzinger nói rằng: “Ernst Kaesemann mô tả tiếng kêu đó như lời kinh vọng lên từ vực sâu, như tấm bia ghi khắc giới răn thứ nhất dựng đứng trong sa mạc xem ra hoang vắng Thiên Chúa. ‘Nhưng Người Con vẫn giữ vững niềm tin, dù niềm tin dường như mất hết ý nghĩa, và thực tế rõ ràng cho thấy Thiên Chúa vắng bóng và lời của tên cướp thứ nhất cũng như của đám đông chế giễu không phải là vô lý. Tiếng kêu của Người không vì ham sống hay sống còn, cũng không vì bản thân mình, nhưng vì Cha mà thôi. Một tiếng kêu đối kháng lại tất cả thực tại trần gian’. Vậy giờ đây, chúng ta có còn phải băn khoăn với câu hỏi: thế nào là thờ phượng trong giờ phút đen tối của cuộc đời ?”[xv]

 

Trong tâm tình này, khi chúng ta phải trải qua kinh nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn giống Chúa, thì với Ngài chúng ta không bao giờ thất vọng, với Ngài chúng ta vẫn kêu cầu lên Cha trên trời, dù cho lúc đó bóng đêm tưởng như đang nuốt chửng lấy Ánh Sáng, sự cô đơn tưởng như đã phá tan tình yêu của Cha dành cho Con. Ngay trong bóng đêm dày đặc của đời mình, trong nỗi thống khổ tột cùng, với Chúa Giê-su chúng ta vẫn thốt lên lời kêu cầu. Chúa biết chắc rằng, Cha Ngài luôn ở bên và lắng nghe Ngài. Qua đó, Chúa dạy chúng ta hãy noi theo gương Ngài, theo gương anh Bác-ti-mê, không bao giờ bỏ cuộc mà luôn kiên tâm và hướng nhìn về Chúa. Đức Benedicto XVI đã chia sẻ như sau: “Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su chứa đựng niềm tin tưởng và phó thác một cách tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, ngay cả khi Ngài dường như vắng mặt, ngay cả khi Ngài có vẻ tiếp tục lặng im, theo một kế hoạch mà chúng ta không tài nào hiểu nổi…

 

Người chịu đau khổ trong sự hiệp thông với chúng ta và cho chúng ta, là điều phát sinh từ tình yêu và đã mang lại ơn cứu độ, là chiến thắng của tình yêu…Chúng ta cũng thế, chúng ta không ngừng thấy mình phải đương đầu với ‘hôm nay’ của đau khổ, của sự im lặng của Thiên Chúa – chúng ta thường diễn tả nó trong lời cầu nguyện của mình – nhưng chúng ta cũng đang thấy mình đối diện với ‘hôm nay’ của Phục Sinh, của sự đáp trả của Thiên Chúa là Đấng đã lấy đi nỗi đau khổ của chúng ta, để Người cùng vác chúng với chúng ta, và cho chúng ta niềm hy vọng vững chắc rằng chúng sẽ được vượt qua (x.TĐ. Spe Salvi, 35-40). Các bạn thân mến, trong cầu nguyện, chúng ta hãy mang thập giá hàng ngày của mình đến dâng lên Thiên Chúa trong niềm xác tín rằng, Ngài hiện diện và lắng nghe chúng ta”.[xvi]

Hơn nữa, “đặt tất cả niềm tín thác và hy vọng của mình vào Thiên Chúa Cha, và trong mọi hoàn cảnh khốn cùng, chúng ta cũng có thể cầu xin Ngài trong Đức Tin, và lời kêu xin giúp đỡ của chúng ta sẽ được biến đổi thành một bài ca chúc tụng”.[xvii] Bài ca chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ủi an chúng ta.

 

  • Vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

 

Câu này ở thì bị động (passiv). Trở về với đoạn của I-sai-a 61,1-3 đã trích dẫn ở trên, chúng ta thấy nhiều từ đề cập đến sự ủi an, như “băng bó những tấm lòng tan nát “, “yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não”. Ở sách Huấn ca 48,24 chúng ta cũng đọc được: “Ông (I-sai-a) được đầy thần khí, nên đã nhìn thấy trước những sự việc thời cuối cùng, và đã ủi an những người sầu khổ tại Xi-on”. Sự an ủi của Thiên Chúa như sự ban phát niềm vui, và trái tim được phép vui trở lại, và môi miệng sẵn sàng tung hô reo hò và ngợi khen Thiên Chúa:

“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,

nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!

Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,

choàng cho tôi đức chính trực công minh,

như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61, 10).

 

Trong Tân Ước sự ủi an của Thiên Chúa cũng được nhắc đến. Gio-an đã diễn tả thật đẹp trong sách Khải Huyền 7,16-17: “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”. Và trong các đoạn cuối, với sự xác tín sâu xa, Gio-an lại nhắc đến sự ủi an của Thiên Chúa: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3-4), và “sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,3-5).

 

Như vậy, tất cả những ai sầu khổ vì bất cứ lý do nào, vì tội lỗi của mình hay của anh chị em khác, vì sự chèn ép của cuộc đời, và bóc lột của xã hội, vì sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng của người quyền thế…, tất cả những người sầu khổ đó đều được Thiên Chúa ủi an. Chính Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. Chính Ngài là niềm an ủi của họ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

 

[i] Tham khảo trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, KASPER Walter und andere (Hrg.), 4.Band, Herder Verlag, Freiburg 1995, c.403-404.

[ii] RAHNER K., Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Koesel Verlag, Muenchen 1965, s.28.

[iii] RAHNER K., Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, s.28.

[iv] KIECHLE S., Sich entscheiden, Ignatianische Impulse, Echter Verlag, Wuerzburg 2004, t.22.

[v] RAHNER K., Praxis des Glaubens, geistliches Lesebuch, Hrg. Von Karl Lehmann und Albert Rafelt, Benziger und Herder Verlag, Zürich und Freiburg 1982, t.405-406.

[vi] X. Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI, ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phao-lô VI. Đề tài: Ba Lời Cầu Nguyện cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Bản tiếng Việt của Phạm Xuân Khôi trong giaoly.org.

[vii] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 26 về Cầu Nguyện, nói về Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.

[viii] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22, ban hành ngày thứ Tư 14 tháng 9, năm 2011, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.

[ix] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.

[x] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 28 về cầu nguyện, Ngài nói về Sự im lặng của Chúa Giê-su và Chúa Cha, ban hành ngày thứ Tư 07 tháng 3, năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>.

[xi] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.

  • PESCH R., Das Markusevangelium, II.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1977, t.495.

[xiii] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 4: Das vierte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle des Vertrauens.

[xiv] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, Koesel Verlag, Muenchen 1968, 3.Aufl., t.245.

[xv] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.245.

[xvi] BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ thứ 26 về cầu nguyện, Ngài nói về Lời Cầu Nguyện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá khi sinh thì.

[xvii]BENEDIKT XVI, Bài giáo lý thứ 13 về Cầu Nguyện, Ngài nói về Thánh Vịnh 22.

bottom of page