top of page

Phần 03:

PHÚC THAY AI SẦU KHỔ,

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC THIÊN CHÚA ỦI AN

BẢN PDF

Bình thường các Mối Phúc khác đều liên hệ trực tiệp đến cung cách sống và hành xử của mỗi cá nhân, như tinh thần nghèo khó, hiền lành, thương xót, xây dựng hoà bình, trong sạch, khao khát sự công chính. Tuy nhiên, có Mối Phúc lại không liên hệ trực tiếp đến cung cách sống của con người, mà liên hệ đến những hành động và ảnh hưởng từ bên ngoài trên con người, như Mối Phúc nói về những người gặp đau khổ, họ chỉ còn biết chấp nhận và gánh chịu những đau đớn xảy ra cho họ. Đó là biết bao anh chị em trên thế giới, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, họ là những người vô tội đang bị chèn ép, bị bóc lột và bị hãm hiếp, bị đẩy vào trong hố sâu của cuộc đời, và bị cướp đi ánh sáng sưởi ấm tâm hồn và đời sống.

Ở đây, chúng ta cũng phải hỏi rằng, phải chăng khi gặp đau khổ chúng ta phải ngồi chịu trận bó gối ở đó và luẩn quẩn trong cái vòng ma quái, rồi chỉ còn buồn tủi thất vọng cho đến nỗi buông xuôi tất cả, hoặc tệ hại nhất là tự đi tìm cái chết, hay chúng ta có thể làm gì, để dù đau khổ đến, nhưng đau khổ đó không có quyền chế ngự chúng ta, và không nhấn chìm chúng ta vào trong hố sâu của cuộc đời. Là người Ki-tô hữu, dù đau khổ chúng ta vẫn không đánh mất đi niềm hy vọng, niềm tin tưởng vào Chúa, và tình yêu của Ngài. Chính Ngài luôn ở đó và ban cho chúng ta bình an và niềm vui. Dưới đây, từng bước xin tìm hiểu và suy niệm Mối Phúc này. Trước hết, thử đi tìm ý nghĩa của từ ngữ sầu khổ được nêu trong Mối Phúc? Và tại sao những người sầu khổ lại được Chúa ban phúc lành? Cũng như lời hứa được ủi an hệ tại ở điều gì?[i]

 

  • Từ ngữ sầu khổ và buồn phiền.

 

Penthountes theo Martini[ii] bao hàm ý nghĩa buồn phiền và sầu khổ. Người ta có thể nghĩ đến những người đang khóc than vì mất người thân. Trong bản văn La-tinh Vulgata viết là: Beati qui lugent, nghĩa là phúc cho những người đang than khóc. Như vậy, penthountes liên hệ đến tất cả những hoàn cảnh, trong đó người ta đau đớn, chịu đựng nỗi khổ, đắng cay, và những dày vò ở bên trong tâm hồn, và họ than khóc về những điều đó.

 

Một đoạn của tiên tri I-sai-a 61,1-3 diễn tả rõ sự sầu khổ trong ý nghĩa bao quát:

“Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,

vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

băng bó những tấm lòng tan nát,

công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

ngày phóng thích cho những tù nhân,

công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,

một ngày báo phúc của Thiên Chúa chúng ta;

Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,

tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on

tấm khăn đại lễ thay tro bụi,

dầu thơm hoan lạc thay tang chế,

áo ngày hội thay tâm thần sầu não.

Người ta sẽ gọi họ là cây thánh rừng thiêng,

là vườn cây Đức Chúa trồng để làm cho Người được vinh hiển”.

 

Trong đoạn trên, I-sai-a nhắc từ khóc than đến hai lần. Và khóc than được đặt kế bên người nghèo hèn, những tù nhân, những người bị chèn ép. Tâm hồn của họ bị đâm nát. Những người này có thể được so sánh như những người khóc than lớn tiếng vì mất đi người thân yêu nhất của mình. Như vậy, chúng ta có thể coi những người sầu khổ mà Chúa Giê-su nhắc đến trong Mối Phúc, là những người gặp hoạn nạn, những người đau khổ trong cuộc sống của mình, và cả những người gặp đau khổ ngoài xã hội, đau khổ vì bị bắt bớ về chính trị và cả về tôn giáo. Đối với Luz, từ ngữ sầu khổ trong Mối Phúc hướng đến tất cả những người đang gánh chịu bất cứ nỗi thống khổ nào có trên trái đất này.[iii]

 

Trong Cựu Ước, người Do Thái đau khổ vì thành thánh Giê-ru-sa-lem. Về điều này, chúng ta thấy Tô-bi-a nhắc đến:

“Phúc thay tất cả những ai than khóc

vì những tai hoạ giáng xuống trên ngươi,

bởi họ sẽ vui mừng

thấy ngươi được hưởng niềm vui bất tận.

Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Thiên Chúa, là Đức Vua cao cả” (Tb 13,16).

 

Nhưng Tô-bi-a muốn nói điều gì qua những lời trên? Sứ điệp của Tô-bi-a là: Ai phải chịu đựng đau khổ trong xã hội hay bởi một thể chế chính trị, một ngày nào đó có thể sẽ vui mừng và cười rạng rỡ. Tình trạng sẽ tự động thay đổi. Người ta đã vui mừng như thế nào, khi tình trạng xã hội của các quốc gia không có công bằng và người dân phải sống trong khổ đau đổi thay, và qua đó mọi người tìm lại tự do và hạnh phúc.

 

Còn trong Tân Ước, cũng có nhiều đoạn trực tiếp hay gián tiếp nhắc đến sự sầu khổ. Chính Chúa Giê-su cũng sầu khổ về thành thánh Giê-ru-sa-lem, khi thành này không hiểu được con đường đưa tới hòa bình: “Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,41-42).

Và tại mồ của người bạn thân La-gia-rô, Chúa Giê-su cũng đã chảy nước mắt: “Người hỏi: ‘Các người để xác anh ấy ở đâu?’ Họ trả lời: ‘Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.’ Đức Giê-su liền khóc. Người Do Thái mới nói: ‘Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!’” (Ga 11,34-36).

 

Còn Phao-lô, trong sự dấn thân phục vụ của mình cũng không thiếu những lúc đau buồn sầu khổ: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do Thái” (Cv 20,19), và “vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ” (Cv 20,31). Trong Tân Ước, chúng ta cũng quen với những người đau khổ về chính tội lỗi của mình. Chính Phê-rô đã đau khổ thế nào, khi nhận ra rằng mình đã chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: ‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần’. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).

 

Ngoài ra, sầu khổ cũng được nhìn như là cơ hội để biết ăn năn trở lại, được thánh hóa và qua đó người ta tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống cao quý hơn, như Phao-lô nói: “Dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em phải ưu phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc, vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em phải ưu phiền, tuy chỉ trong chốc lát, thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em” (2 Cr 7,8-9). Về tâm tình này Gia-cô-bê còn nói mạnh hơn: “Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4,8-10).

Truyền thống Ki-tô giáo cũng nhìn những người sầu khổ trong Mối Phúc của Chúa Giê-su ở Mát-thêu là những người đau khổ và ăn năn thống hối tội lỗi của mình. Thật vậy, rất nhiều vị thánh đã khóc lóc về chính tội lỗi của mình và tội lỗi của nhân loại.

Thần học gia Ratzinger đã diễn tả về điều này, bằng cách nêu lên hai loại đau khổ và than khóc: “Có hai loại than khóc. Loại thứ nhất là loại mất niềm hy vọng, trở nên mất tin tưởng vào tình yêu và chân lý, và vì thế loại than khóc này gặm nhắm và phá hủy con người từ bên trong. Nhưng còn có một loại than khóc khác do việc hội ngộ với chân lý đang làm đảo lộn, dẫn con người trải qua hoán cải và chối từ sự dữ. Sự than khóc này chữa lành, vì dạy cho con người hy vọng và yêu thương trở lại. Giuđa là một ví dụ của loại than khóc thứ nhất: Bị chính sa ngã của mình giáng xuống, Giuđa không còn dám hy vọng nữa và treo cổ trong tuyệt vọng. Phê-rô là ví dụ của loại than khóc thứ hai: Bị cái nhìn của Thiên Chúa giáng xuống, Phê-rô đã bật ra tiếng khóc chữa lành. Tiếng khóc này đã cày xới mảnh đất linh hồn của thánh nhân. Ngài bắt đầu lại và chính thánh nhân được đổi mới”.[iv] Như thế, có thể nói sự than khóc và sầu khổ của Phê-rô mang tính tích cực. Trong phần sau, sẽ diễn tả về sự than khóc này cách rõ rệt hơn.

Mối Phúc cho những người sầu khổ lớn lên từ sự suy gẫm các mầu nhiệm vô cùng của Thiên Chúa, và từ sự chiêm ngắm đầy cảm thông về sự yếu đuối của con người, về bản chất “dễ vỡ” của đời người, cũng như từ những trái ngang mà con người gặp phải trong lịch sử của mình. Chắc chắn rằng, không vì sự đau khổ và không từ chính sự đau khổ mà người ta được chúc phúc. Nghĩa là không được phép nói rằng: “Những người đau khổ là những người có phúc”. Thiên Chúa yêu thương con người, nên không bao giờ mong muốn con người bị đau khổ, và Ngài cũng không bao giờ đem đau khổ đến cho họ. Còn những ai gặp đau khổ, thì được Thiên Chúa chú ý cách đặc biệt, và phúc lành Ngài sẵn sàng ban cho họ, Ngài sẵn sàng ủi an họ.[v]

 

  • Suy niệm về Mối Phúc dành cho những người sầu khổ.

 

Sau khi đã tìm hiểu những yếu tố quan trọng của từ ngữ sầu khổ trong Mối Phúc, giờ đây chúng ta cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của sầu khổ, của sự khổ đau. Nhưng trước khi đi tìm ý nghĩa khổ đau trong tinh thần Ki-tô giáo, xin mạn phép được đi tìm hiểu sơ lược về sự khổ đau trong giáo lý của Phật Giáo.

 

- Vài nét về khổ đau trong cái nhìn của Phật Giáo.

 

Tứ Điệu Đế là giáo lý mà Đức Phật dạy về khổ đau. Có bốn yếu tố: khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Khổ ám chỉ những bất hạnh mà ta cảm nhận trong cuộc đời mình. Nguồn gốc là nhân cho sự đau khổ này: là tâm không rèn luyện, tham đắm của chúng ta. Chấm dứt khổ là lời hứa của Đức Phật, rằng chúng ta có thể chấm dứt khổ đau bằng cách tận diệt ái dục. Con đường (đạo) là tám bước chúng ta phải theo để đạt đến mục đích này.

Theo Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, “Chúng ta có thể gọi diệu đế thứ nhất của Đức Phật với bằng nhiều tên tùy thuộc vào hoàn cảnh: khổ đau, căng thẳng, sợ hãi, lo âu, bồn chồn, trầm uất, thất vọng, sân hận, ghen tuông, ruồng bỏ, thần kinh hay đau đớn. Tất cả mọi chúng sanh, không cần biết họ sống ở đâu, khi nào, đều có thể đối mặt với những vấn đề này.

Chúng ta có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Cũng có thể bị chia ly với người thân yêu. Có thể đánh mất những gì đang có hay bị đẩy vào những hoàn cảnh phải chấp nhận những điều mà ta ghê tởm. Cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, hàng xóm, bè bạn, các cộng đồng và các quốc gia - tất cả đều xung đột tranh đấu vì tiền bạc, địa vị, quyền lực và biên giới. Một số những vấn đề này là do tham, sân và si tạo ra. Tất cả đều liên quan đến những điều kiện ở bên ngoài, như xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường và cả bên trong ta.

Nhận ra rằng những điều này là không thể tránh khỏi khiến tâm ta đau khổ vô ngần. Hãy nhận mặt và chấp nhận chúng như chúng thật sự là, mà không trách móc, đổ lỗi cho người, là trọng tâm của diệu đế thứ nhất của Đức Phật. Ngài dạy rằng để bắt đầu tiến đến hạnh phúc, chúng ta cần phải đối mặt với khổ đau - bằng tâm vững chãi và tình cảm ổn định - mà không oán trách hay cảm thấy buồn nản, bi quan. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào các vấn đề của mình: bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống cũng mang đến một mức độ khổ đau nào đó cho bất cứ những ai chưa hoàn toàn giác ngộ”.[vi]

“Diệu Đế thứ hai của Đức Phật cho chúng ta biết nguồn gốc của khổ đau là ái dục, mà chúng ta cũng có thể gọi là bám víu, tham luyến hay chấp. Không quan trọng đối tượng là gì – có thể là một bữa ăn ngon, một người bạn thân, hay một mục đích tâm linh cao quý - nhưng nếu bám víu vào đó, bạn sẽ cảm thấy thất vọng, khổ đau. Bạn có thể hỏi ái dục từ đâu đến? Nguồn gốc rõ ràng nhất là bản năng – lòng ham muốn được sinh tồn, ham muốn được có thực phẩm, quần áo, chỗ trú ngụ, sự ấm áp, sự phong phú, sự thỏa mãn... Trong diệu đế thứ hai này, Đức Phật khuyên ta nên nhận biết rằng sự bám víu vào dục lạc rất nguy hại cho hạnh phúc. Ngài đã so sánh dục lạc với một mẩu xương không còn thịt được vứt cho một con chó đói. Dầu chú chó gặm cục xương rất lâu, nhưng cục xương chẳng bao giờ có thể thỏa mãn được cơn đói của nó. Suy gẫm lại ta có thể thấy mình cũng giống như thế. Dầu có hưởng bao nhiêu dục lạc, ta vẫn không thỏa mãn, vẫn còn muốn hơn thế nữa. Đức Phật đã so sánh dục lạc với một lưỡi gươm bén thấm đầy mật ngọt trên lưỡi dao. Để nếm được mật, ta có thể phải chịu nhiều đớn đau. Có biết bao câu chuyện về những người tự làm tổn thương bản thân, đôi khi cả tánh mạng, để tìm được khoái lạc. Vài năm trước đây, có một chuyện đăng báo về người công nhân đang sửa mái nhà, khi nhìn xuống qua cửa kính trời, anh ta bắt gặp người đàn bà khỏa thân đang đi lại trong nhà. Để nhìn kỹ hơn, anh chòm người tới cửa kính, chẳng may trợt té khỏi mái nhà và bị thương nặng. Rượu chè, ma túy, những cuộc du lịch thám hiểm, các trò thể thao nguy hiểm - chưa kể đến những hành động tình dục bừa bãi - đã khiến nhiều người phải khổ. Có người quá chìm đắm trong ham muốn, đến nỗi họ nguyện sẽ tái sinh để được hưởng tất cả các dục lạc đó nữa. Người khác, trái lại, vì những kinh nghiệm khổ đau mà họ đã trải qua, không muốn tái sinh: Vậy là đủ rồi, họ nói. Một kiếp là đủ rồi. Tôi không muốn những thứ này nữa”.[vii]

“Sự thật thứ ba là lời hứa của Đức Phật rằng khổ đau có thể được đoạn trừ. Sự chấm dứt đó xuất phát từ việc hoàn toàn diệt bỏ mọi chấp thủ, mọi ái dục của chúng ta. Diệu đế thứ ba dạy rằng hạnh phúc xóa sạch tất cả mọi trạng thái tâm tiêu cực - tất cả tham, sân, si. Cuối cùng khi chúng ta đã thành công trong việc dập tắt các ngọn lửa nội tâm làm cháy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, thì lúc đó ta sẽ chứng nghiệm được hạnh phúc toàn vẹn, thanh tịnh tuyệt đối. Có thể khó tưởng tượng ra trạng thái đó cảm giác như thế nào, nhưng cách duy nhất để tự khám phá ra điều đó là bước theo con đường đạo dẫn đến mục đích đó…Hiện tại thì kinh nghiệm gần gủi nhất đối với hạnh phúc của giác ngộ là trạng thái tâm thanh tịnh mà thỉnh thoảng chúng ta có thể đạt được khi buông xả được các gánh nặng của mình trong một giây phút nào đó, khi tâm chỉ là ‘tâm’ chứ không có gì trong đó nữa”.[viii] 

Diệu đế thứ tư của Đức Phật là con đường đạo dẫn đến sự chấm dứt khổ. Con đường tám ngành (Bát Chánh Đạo), mang lại hạnh phúc và an bình cho những ai thực hành chúng.

Bước 1: Chánh Kiến trong giáo lý của Đức Phật đòi hỏi chúng ta phải liễu tri (biết rõ như thật không còn một chút nghi ngờ nào cả) các hành động thiện dựa trên nhân quả và Tứ Diệu Đế, và xét xem chúng có phù hợp đối với giáo lý của Đức Phật nói chung.

Bước 2: Chánh Tư Duy hướng ta đến ba tư duy tích cực – sự rộng lượng hay xả, tình thương yêu và lòng bi mẫn.

Bước 3: Chánh Ngữ dạy chúng ta làm thế nào để nói sự thật và tránh nói lời ác độc, cộc cằn, phù phiếm để giúp ta tiến trên con đường đạo.

Bước 4: Chánh Nghiệp đưa ra những nguyên tắc giúp ta sống có đạo đức - nhất là tránh giết hại, trộm cắp, tà dâm và các chất gây nghiện.

Bước 5: Chánh Mạng giải thích tại sao việc ta chọn một công việc hay nghề nghiệp thích đáng là điều quan trọng đối với sự thực hành tâm linh, và đối với những câu hỏi về đạo đức trong kinh doanh, thái độ của chúng ta phải thế nào.

Bước 6: Chánh Tinh Tấn đề ra bốn bước mà ta có thể theo để thúc đẩy công phu tu tập - ngăn ngừa các trạng thái tâm tiêu cực, chế ngự các trạng thái tâm tiêu cực, vun trồng các trạng thái tâm tích cực và duy trì các trạng thái tâm tích cực.

Bước 7: Chánh Niệm nói đến sự thực hành thiền chánh niệm - nhất là vun trồng chánh niệm nơi thân, thọ, tâm, và pháp.

Bước 8: Chánh Định nói đến bốn giai đoạn của thiền định sâu xa mà chúng ta có thể đạt được trong thiền quán.

Với thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, tám bước này (Bát Chánh Đạo) không chỉ là một bảng liệt kê thú vị về các tư tưởng đã được Đức Phật dạy, mà chúng là nguồn hy vọng tốt đẹp nhất của chúng ta để đạt được giác ngộ…Không có lời dạy nào trong giáo lý của Đức Phật sâu sắc hơn và quan trọng hơn. Đúng ra tám bước này chính là Phật pháp.

Tám bước này thường được diễn tả như một bánh xe - bánh xe của trí tuệ, ngược lại với bánh xe của luân hồi sanh tử không dừng dứt. Trí tuệ sẽ chặn đứng lại vòng xoay của sanh tử luân hồi. Các nấc trên bánh xe trí tuệ là tám bước trên con đường đạo của Phật. Trục bánh xe là sự kết hợp của tâm từ bi và trí tuệ. Để tự giải thoát khỏi khổ đau, bạn cần thực hành mọi khía cạnh của bánh xe trí tuệ. Chỉ đọc về tám bước của bánh xe (Bát Chánh Đạo) sẽ không giúp bạn được hạnh phúc. Nếu bạn cố gắng để giữ một bánh xe đạp đứng thẳng, nó sẽ ngã xuống. Tuy nhiên nếu bạn giữ cho bánh xe quay bằng cách đạp xe đi tới, thì bánh xe sẽ đứng thẳng cho đến khi nào sự chuyển động dừng lại. Để mang đến ích lợi cho bạn, bánh xe của trí tuệ cũng cần phải được lăn đi trong sự thực tập hằng ngày”.[ix]

- Những khổ đau của chúng ta.

Giáo lý về khổ đau của Phật Giáo rất sâu sắc và phong phú. Giờ đây, chúng ta trở về lại với tinh thần Ki-tô Giáo, để cùng suy niệm và tìm hiểu về sự đau khổ mà chúng ta gặp phải trên hành trình Đức Tin, dưới sự soi sáng của Mối Phúc sầu khổ mà Chúa Giê-su đã dạy. Trước hết chúng ta hãy tự hỏi rằng: Tôi có đang đau khổ không, và đau khổ điều gì vậy? Tôi đang khóc vì cái gì? Đâu là nguyên nhân của những giọt nước mắt và sầu khổ của chúng ta?

Có thể có nhiều người sẽ chia sẻ rằng: tôi đang phải ôm ấp một nỗi khổ tâm trong lòng mình. Có những nỗi khổ có “khuôn mặt” rõ rệt: bệnh hoạn, mất đi người thân … Trong các nỗi khổ đau, sự sầu nội tâm nặng nề hơn và dày vò nhiều hơn. Đôi khi chúng ta nhìn thấy những hoàn cảnh khổ đau, và chúng ta chỉ muốn khóc lên, muốn hét lên, và muốn mở miệng tố cáo cuộc đời bất nhân và dã man này. Rất nhiều nước mắt đã phải chảy ra trong các gia đình, vì một hay nhiều người trong gia đình rơi vào một hoàn cảnh éo le, hay vì tương quan tình thân giữa cha mẹ và con cái, hay giữa anh chị em với nhau bị sức mẻ, bị tan vỡ.

Nhìn vào thế giới, chúng ta thấy rằng, con người đang sống với nhiều nỗi đau khổ trong một xã hội tràn đầy bất công và bạo lực. Hết khủng bố này đến khủng bố nọ. Hết đe dọa này đến đe dọa kia. Rồi còn những cuộc rủ rê bao người trẻ vào với thế giới của “nàng tiên nâu”, vào thế giới của hộp đen và lầu xanh, nơi đó cuộc đời xuân xanh kia sẽ bị chôn vùi, bị hành hạ, bị bán làm trò vui thú…Và còn biết bao trẻ thơ chưa lọt lòng mẹ đã bị cuộc đời bất nhân lắc đầu từ chối, và thẳng tay đuổi ra khỏi thế giới này, khi các em chưa một lần được mở miệng kêu oan.

Dù các thai nhi đó không thể kêu oan, nhưng rất nhiều anh chị em khác nhìn thấy đã lên tiếng kêu oan. Tiếng kêu oan này tố cáo tất cả những khổ đau mà con người đang gây ra cho nhau. Tiếng kêu oan này chúng ta đọc được ngay trong Thánh Kinh. Không phải không có lý do, khi có cả một cuốn sách trong bộ Thánh Kinh, chỉ diễn tả lời kêu than. Đó là sách Ai-ca. Sách này được mở đầu như sau:

“Làm sao Đô Thị dân đông đúc

lại ngồi trơ, tủi nhục một mình!

Xưa lệnh bà giữa muôn dân nước,

nay khác chi quả phụ tội tình.

Bà nữ chúa đứng đầu các tỉnh

đã trở thành một kẻ khổ sai.

 

Tỉ ti nàng khóc suốt đêm dài,

suối lệ đắng cay tràn đôi má;

chẳng thấy kẻ nào đến ủi an

trong số những người yêu thuở trước.

Bạn hữu thân tình nay bội ước,

thành ra cả một lũ địch thù” (Ac 1,1-2).

 

Tiếp đến, tác giả đã kể lại hoàn cảnh đau thương của mình. Hoàn cảnh cũng chính là hình ảnh về hoàn cảnh của Đô Thị được nhắc trong phần đầu của sách:

 

“Tôi là người đã sống cảnh lầm than

dưới làn roi giận dữ của Người.

Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,

trong tối tăm, không ánh sáng soi đường.

Suốt ngày Người ra tay

hành hạ tôi đủ cách.

Da thịt tôi, Người khiến phải hao mòn,

xương cốt tôi, Người làm cho rời rã.

Người đắp ụ nhằm tấn công tôi,

vùi dập tôi trong cay đắng nhục nhằn.

 

Người nhốt tôi trong ngục tù tăm tối,

như những kẻ đã chết tự ngàn xưa.

Người xây tường vây kín lấy tôi, tôi không sao trốn thoát.

Xiềng xích tôi, Người làm cho thêm nặng.

Tôi kêu la cầu cứu, Người cũng bịt miệng tôi,

không để tôi khẩn nguyện.

Người lấy đá hộc chận đường tôi,

xoá lối đi khiến tôi phải lạc hư” (Ac 3,1-9).

 

Đó là bài ca kêu than trước Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng, chúng ta không chỉ được phép kêu than với Thiên Chúa, mà hơn nữa lời kêu than còn rất tốt cho cuộc sống và có sức mạnh thanh tẩy. Có lẽ đến bây giờ chúng ta chưa khám phá được hiệu quả tốt đầy ủi an và làm tăng thêm sức mạnh của lời cầu nguyện khóc lóc và than van. Nếu chúng ta chưa bao giờ làm hay sợ không dám làm, thì từ hôm nay chúng ta có thể làm. Như anh mù Bác-ti-mê chúng ta hãy mở miệng và kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đừng sợ, cứ kêu lên, và nếu “nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, thì anh ta càng kêu lớn tiếng: Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47-48). Có thể cuộc đời này sợ bị quấy rầy, nhưng Thiên Chúa không bao giờ sợ bị quấy rầy. Mạnh hơn có thể nói rằng, Thiên Chúa rất vui khi có đứa con nào đến quấy rầy Ngài. Đây chính là một thái độ cần có của người sầu khổ. Thái độ kêu xin cần có, khi chúng ta gặp đau khổ. Và chúng ta cần kêu xin Chúa nhiều hơn, khi chúng ta thấy những khổ đau mà Giáo Hội phải chịu, những đau khổ do chính con cái, do chính một số người có trách nhiệm trong Giáo Hội gây nên.

 

- Lạy Chúa, xin dủ lòng thương đến Giáo Hội của chúng con.

 

Nhiều lần gặp gỡ một số tu sĩ, sau năm năm hay mười năm sống đời tu, khuôn mặt của họ hiện lên nét buồn buồn trầm lắng và nặng nề, như ẩn giấu một kinh nghiệm gì đó không hay. Và có những tu sĩ kế bên niềm vui và hạnh phúc trong đời dâng hiến, đã phải rơi nước mắt, khi nhìn ngắm lại chặng đường tu trì vừa qua với những dấu ấn nặng nề. Thật vậy, không thiếu nước mắt trong cộng đoàn đời tu. Những sự hiểu lầm giữa chị em và anh em đồng tu. Những bất đống ý kiến và ganh tị với nhau. Những tranh giành quyền lực giữa các phe cánh của người này với người kia, hậu quả là bao tu sĩ đau khổ và dằn vặt, đến nỗi chẳng còn thấy đời tu mang màu trắng tinh tuyền, mà ngược lại màu “hồng trần” sao đượm thắm đời tu. Vì vậy, một số người tu sĩ chỉ muốn gấp quần áo xếp vào Va-li và rời khỏi khung cảnh tu viện đầy tràn màu “hồng trần” kia. Với những kinh nghiệm có phần tiêu cực đó, mới thấy rằng đi tu đúng là đi vào trong một đời sống nhiều thử thách và không thiếu vắng khổ đau. Nhà Dòng và Tu Viện không phải luôn luôn là thiên đàng, và các tu sĩ với bộ tu phục nghiêm chỉnh cũng không phải luôn luôn là thiên thần như một số bạn trẻ mường tượng. Nói như thế, không được phép kết luận là nhà Dòng và Tu Viện là nơi có toàn khổ đau. Không, linh đạo của mỗi nhà Dòng đều chất chứa những hương hoa thơm ngát. Hương thơm của dâng hiến và bước theo Đức Ki-tô, hương thơm của hy sinh và sẵn sàng vác Thánh Giá theo chân Đấng Yêu Thương, hương thơm của những tu sĩ sẵn sàng xả thân phục vụ cho những người nghèo khổ, phục vụ cho Giáo Hội, cho Hội Dòng và cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, những đau khổ mà đời tu có đều đến từ con người. Tu sĩ cũng là con người mà! Vì thế, đôi khi cung cách hành xử của tu sĩ không được chú ý đủ, không “tu” kỹ, nên máng dáng dấp và bản chất quá đời. Và nếu hành xử theo thói đời, thì biết bao đau khổ sẽ theo bước để xuất hiện trong đời tu. Khi chứng kiến những khổ đau đó, khi nghe một số tu sĩ thốt lên trong nghẹn ngào “đi tu mà lại xử với nhau như vậy à”, lòng người đau đớn, và chỉ biết nguyện cầu “Lạy Chúa, xin dủ lòng thương đến anh chị em tu sĩ đang khổ đau, xin dủ lòng thương đến Giáo Hội của chúng con”.

 

Cũng không phải là xa lạ, khi chính trong Giáo Hội, khổ đau vẫn còn và khổ đau vẫn tiếp tục đến. Đôi khi Giáo Hội không trở thành gương mẫu như Giáo Hội cần phải là mẫu gương. Thay vì sống tinh thần làm chứng cho Đức Ki-tô, thì một số người có trách nhiệm lại ganh tị, cãi cọ, kéo bè lập phái, tranh giành quyền lực, lạm dụng và tìm danh lợi cho chính mình. Mới đây, biến cố đau thương về sự lạm dụng tình dục trẻ em của một số giáo sĩ và tu sĩ ở Châu Âu đã làm cho vết thương của Giáo Hội hằn sâu. Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã coi đó là một trong những đau thương lớn lao nhất, bởi vì chính những người bên trong lòng Giáo Hội đã tạo nên những vết thương đó, đã làm cho Giáo Hội phải khổ sở biết bao. Trong bài giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Vatican, cha Cantalamessa đã chia sẻ rằng: “Giáo Hội đã phải thở than và rên rỉ trong thời gian vừa qua, vì sự ghê tởm ở bên trong, bởi một số người có trách nhiệm và một số linh mục đã gây ra. Giáo Hội đã phải trả một giá rất đắt cho những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em của một số giáo sĩ… Thời điểm đã tới để thực hiện những điều cần thiết. Đó là than khóc trước Thiên Chúa, là đau buồn như Thiên Chúa đau buồn, vì những hành động tấn công thân thể của Đức Ki-tô, và vì những Xì-căng-đan tệ hại làm tổn thương đến những người rốt hết trong lòng Giáo Hội. Đó là những hành động thực sự đến từ Sa-tan. Sự hoà giải giữa con người và Thiên Chúa, và những linh mục cần được thực hiện.

“Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh,
công bố mở cuộc họp long trọng;

Giữa tiền đình và tế đàn,
các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng:
‘Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!
Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã
và nên trò cười cho dân ngoại!
Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói:

Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?”  (Ge 2,15.17).

 

Lời này của tiên tri Giô-en vọng đến chúng ta. Chúng ta không thể làm điều giống như vậy ngày hôm nay sao, đó là kêu gọi ăn chay và sám hối, ít nhất tại những nơi và những đất nước mà vấn đề đó xấu xa nhất, để mời gọi tất cả sám hối trước Thiên Chúa và đoàn kết với các nạn nhân?”[x]

 

Giáo Hội thánh thiện, nhưng Giáo Hội cũng tội lội. Với tội lỗi của mình, Giáo Hội cần sám hối và ăn năn, cần than thở và rên siết, và cần phải có trách nhiệm với lầm lỗi của mình, có trách nhiệm với những nạn nhân mà một số giáo sĩ hay tu sĩ đã làm tổn thương. Trong lá thư mục tử gởi Giáo Hội Ái-Nhĩ-Lan đề ngày 19.3.2010, Đức Thánh Cha Benedicto XVI gởi đến các nạn nhân bị lạm dụng tình dục như sau: “Các con đã chịu đựng thật kinh khủng, và điều đó làm cho cha rất đau lòng. Cha biết rằng, không có gì có thể chuộc lại những đau khổ các con phải chịu. Niềm tin của các con đã bị lạm dụng và phẩm giá của các con đã bị tổn thương. Nhiều người trong các con đã cảm nhận rằng, không có ai lắng nghe các con, khi các con có can đảm để có thể nói ra điều mà các con gặp phải. Một số trong các con bị lạm dụng trong các trường nội trú đã phải mang cảm giác rằng, không có đường thoát khỏi sự đau khổ của các con. Thật là dễ hiểu, khi các con khó lòng tha thứ cho Giáo Hội và hoà giải với Giáo Hội. Nhân danh Giáo Hội cha xin được bộc lộ sự xấu hổ và ăn năn thống hối mà mọi người chúng ta đều có. Song song đó, cha xin các con đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Trong cộng đoàn Giáo Hội, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng tự mình là nạn nhân của bất công và tội lỗi. Như các con, Chúa luôn luôn còn mang trong mình vết thương từ những đau khổ do bất công gây ra. Chúa hiểu chiều sâu của sự đau khổ các con phải chịu, và Chúa cũng hiểu những ảnh hưởng tiếp nối trên cuộc đời của các con, cũng như trong các tương quan của các con, và cả tương quan của các con với Giáo Hội…Cha cầu nguyện để cho các con qua sự gần gũi với Chúa Ki-tô và qua sự hiệp thông với Giáo Hội của Chúa, có thể tái khám phá tình yêu bao la của Chúa Ki-tô dành cho mỗi người trong các con”. [xi]

 

Lời của Đức Thánh Cha thật là sâu sắc, diễn tả tâm tình khiêm tốn nhận lỗi trong tinh thần trách nhiệm, và nói lời xin lỗi với các nạn nhân. Tuy nhiên, Giáo Hội không chỉ dừng lại trên môi miệng với lời xin lỗi, Giáo Hội còn phải sửa lỗi, cũng như làm mới lại con đường, lấp đi những hố sâu và ổ gà, nhặt đi những hòn đá dễ gây thương tích. Khi sống đúng tinh thần trách nhiệm, sám hối và sửa đổi thực sự, Giáo Hội sẽ tìm lại niềm tin tưởng của con cái mình. Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói trong một buổi tiếp kiến phái đoàn Giám Mục (ad limina) của nước Công Giáo Ái-Nhĩ-Lan, liên hệ đến sự lạm dụng tình dục trẻ em của một số giáo sĩ: “Những vết thương bởi những hành động đó thật là sâu, và đây là thời khắc khẩn thiết, để tìm lại tính khả tín và sự tin tưởng ở mọi nơi mà những hành động đó đã phá huỷ… Qua đó Giáo Hội Ái-Nhĩ-Lan cần được lớn mạnh hơn, và mỗi ngày Giáo Hội có thể làm chứng sức mạnh cứu độ của Thánh Giá Chúa Ki-tô”.[xii] Tuy nhiên, Giáo Hội dù sầu khổ vì tội lỗi của mình, nhưng không vì vậy mà thất vọng hoàn toàn. Trong niềm hy vọng và niềm tin vào Thiên Chúa nhân hậu và quyền năng, Giáo Hội cần khóc lóc về những tội lỗi của mình, và mời gọi tất cả con cái mình biết khóc lóc và ăn năn sám hối. Đó là con đường tích cực ngay trong tình trạng rất tiêu cực.

 

- Tiếng khóc tích cực, giọt nước mắt cần thiết của những ai đang đau khổ

“Bị cái nhìn của Thiên Chúa giáng xuống, Phê-rô đã bật ra tiếng khóc chữa lành. Tiếng khóc này đã cày xới mảnh đất linh hồn của thánh nhân. Ngài bắt đầu lại và chính thánh nhân được đổi mới”.[xiii] Phê-rô, người môn đệ trưởng và được Chúa Giê-su trao cho sứ vụ Mục Tử đầu tiên coi sóc Giáo Hội đã sống kinh nghiệm than khóc này cách đặc biệt. Sau khi chối Thầy, và nhận ra lầm lỡ lớn lao của mình, ông đã khóc lóc thảm thiết. Tiếng khóc chất chứa đau khổ chỉ vì một phút giây nhát sợ đến nỗi đã chối Thầy. Tiếng khóc bật ra qua cái nhìn đầy cảm thông và tràn đầy tha thứ của Thầy. Tiếng khóc ăn năn thống hối đưa Phê-rô trở về lại tư cách của người môn đệ, và không chỉ thế, tiếng khóc đó đưa Phê-rô đi sâu hơn nữa vào trong bản chất và căn tính của người môn đê: Một người tội lỗi được Chúa yêu thương và chọn gọi.

 

Cũng là tiếng khóc thống hối ăn năn rất tích cực, chúng ta tìm thấy nơi người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng, đã tìm gặp Chúa Giê-su, khi Ngài đang ở nhà một người Pha-ri-sêu dùng bữa. Lu-ca đã diễn tả câu chuyện thật sâu sắc và chi tiết (x.Lc 7,36-50). Dù không được mời, người phụ nữ vẫn xuất hiện trong bữa tiệc chủ nhà đang thiết đãi Chúa Giê-su. Chị ta tới không phải để được hưởng ké bữa cơm. Chị đến không phải vì cái đói của thân xác. Chị tìm đến Chúa Giê-su ở tại bàn tiệc Ngài đang dùng, vì chị đang đói thức ăn của lòng nhân hậu mà chị đang cần tới. Đến và đã vào, nhưng lạ thay chị lại không dám đến đứng đối diện với Chúa Giê-su, mà đứng đàng sau sát chân Chúa. Chưa có lời nào được thốt lên, mà ngôn ngữ đầu tiên chị dùng là những giọt nước mắt. Lu-ca nói rằng, nước mắt của chị đã tưới ướt chân Chúa. Như thế, chị phải khóc nhiều lắm. Những giọt nước mắt tuôn ra từ trái tim chân thật đầy lòng ăn năn và hối lỗi. Những giọt nước mắt tuôn ra do niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giê-su, Đấng nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho chị. Những giọt nước mắt tuôn chảy xuống mà không bị chối từ. Thật vậy, đôi chân Chúa vẫn ở đó đón nhận những giọt nước mắt của chị nhỏ xuống, mà không một chút ngần ngại, một chút rụt rè. Những giọt nước mắt đó tuôn chảy trước Chúa Giê-su và trước cả đám đông tại bàn ăn, mà không biết mắc cỡ hay xấu hổ là gì? Mà nếu có xấu hổ hay mắc cỡ, để rồi gặp gỡ được Chúa Giê-su, thì cũng thật đáng để đón nhận. Chính những giọt nước mắt đó kết hiệp với những thái độ lạ lùng chan chứa tinh thần sám hối và yêu thương của chị dành cho Chúa, đã thúc đẩy Chúa mở rộng vòng tay yêu thương, tha thứ và đón nhận chị. “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. “Tội của chị đã được tha rồi”. “Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an”. Những lời nói rất mạnh mẽ nhưng cũng rất dịu dàng của Chúa như là một lời đáp trả thật tuyệt vời cho những giọt nước mắt đã làm ướt đẫm chân Ngài. Lòng thống hối ướt đẫm của đời người đã gặp được trái tim đầy nhân hậu của Thiên Chúa.

Phê-rô và chị phụ nữ tội lỗi kia là những người không bao giờ muốn cho sự dữ đi vào đời sống và linh hồn họ, nhưng sự yếu đuối và bất lực của con người đã bị sức mạnh của sự dữ chế ngự điều khiển. Điều quan trọng là cả hai đều không thất vọng, mà họ vẫn tin tưởng vào lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa. Ngước mắt trông lên Chúa, họ được phép khóc lóc. Dù làm cho chân Chúa bị ướt, cũng không làm cho Chúa phật lòng, mà ngược lại còn làm cho Chúa vui hơn. Niềm vui của người mục tử nhân lành tìm lại được con chiên bị lạc đàn. Niềm vui của ánh sáng đang chiếu rọi những người ngồi trong bóng đêm. Phúc thay những ai khóc lóc, những ai sầu khổ, vì ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của sự ủi an sẽ chiếu giãi đến họ, nếu họ biết mở cửa sổ đời họ để đón nhận ánh sáng.

 

Trong lịch sử các vị Thánh, không ít các vị đã có kinh nghiệm khóc lóc tích cực này. Có thể kể đến thánh Âu-tinh, thánh I-nhã thành Loyola, chân phước Charles de Foucauld. Với thánh I-nhã, sự khóc lóc tích cực là một nét trong linh đạo của ngài. Đặc biệt, trong tiến trình Linh Thao, thánh I-nhã luôn mời gọi người tĩnh tâm xin được ơn ăn năn khóc lóc về những tội lỗi của bản thân, khi cầu nguyện và suy niệm về tội lỗi: “Xin được lòng ăn năn đau đớn thảm thiết và chảy nước mắt ra vì tội lỗi tôi” (Linh Thao số 55). Chảy nước mắt ở đây mang tính cách tích cực và là điều thuộc về sự yên ủi thiêng liêng, như Thánh I-nhã nói: “Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa” (Linh Thao số 316,3). Như thế, khóc lóc tích cực về tội lỗi của mình đã phạm mà thánh I-nhã nêu ở đây là một điều kiện cần thiết và nền tảng, để qua đó có thể tìm thấy được sự an ủi của Thiên Chúa, và để gặp được Chúa trong tình yêu và lòng nhân hậu luôn tha thứ của Ngài. Kinh nghiệm khóc lóc tích cực này được trải nghiệm bởi những anh chị em với quá khứ nhiều lầm lỡ. Khi được Chúa thương đoái nhìn và cho họ cảm nhận được tấm lòng nhân hậu bao dung hay thương xót của Chúa, họ được thúc đẩy trở về với lòng sám hối ăn năn thực sự. Thuộc về sự thống hối ăn năn đó là những dòng nước mắt tràn ra từ chiều sâu của tâm hồn. Những dòng nước mắt thật tích cực giúp cho họ tìm thấy được sự tha thứ và ủi an của Chúa, và qua đó họ có thêm lòng can đảm và sức mạnh để nói lời chia tay với tội lỗi, với quá khứ nặng nề và bắt đầu một chặng đường mới, chặng đường của người con hoang đàng được Cha Nhân Hậu đón tiếp, chặng đường của con chiên lạc đàn được người Mục Tử Nhân Lành bế trên vai và đưa trở về lại mái ấm. Như thế, có thể nói đó là những dòng nước mắt của ân sủng, của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 

Cũng là những dòng nước mắt tích cực, nhưng đến từ một địa chỉ khác. Đó là những nạn nhân của bất công, của những hành động bất nhân và tội lỗi của người khác đã gây ra, hay là những người rơi vào tình trạng bị mất người thân, hay một số người bất ngờ phải đón nhận những bệnh hoạn nặng nề, làm cho họ và gia đình đau buồn khổ sở, hay những trường hợp tương tự. Trong kinh nghiệm mục vụ và thiêng liêng, không ít lần đối diện với những anh chị em bất hạnh đó. Trong khổ đau, may thay có những khi họ đã khóc được. Khi họ để cho những dòng nước mắt chảy ra, thì nỗi đau của họ phần nào bớt đi. Nói một cách khác, trong khổ đau và trong nước mắt chất chứa một năng lực của sự ủi an. Người ta còn khám phá yếu tố thú vị về phương diện hoá học. Ngay giữa lúc các dòng nước mắt tuôn chảy, chất độc Toxino trong cơ thể cũng được tuôn ra ngoài. Như thế, khóc lóc là một hành động cần thiết để thanh tẩy cơ thể.

Trong phương diện tâm lý học, ai gặp khổ đau và sẵn sàng đón nhận khổ đau đó, cũng như có thể diễn tả khổ đau đó ra ngoài, qua việc chia sẻ hay qua việc khóc lóc, thì người đó sẽ tìm thấy một cơ hội. Nếu không, người đó sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng bế tắc, và có thể từ từ đi vào con đường huỷ hoại. Nghệ thuật nằm ở chỗ, là không để cho những đau khổ xảy ra với mình như dòng lũ lụt cuốn trôi và sẽ huỷ hoại mình, mà tỉnh táo và can đảm đón nhận những khổ đau xảy đến với mình, dù chúng khó chấp nhận và đôi khi không hiểu lý do tại sao. Như trường hợp những ai bất ngờ trở bệnh nặng, như phải mang cơn bệnh ung thư vào thời kỳ cuối cùng. Khi tập để chấp nhận khổ đau, nghĩa là tập để đối diện và làm việc với khổ đau, thì đã có dấu hiệu tích cực và đã hàm chứa một sự ủi an, vì đang có cái gì đó giao động ngay trong tình trạng khổ đau, chứ không nằm lỳ hay nằm bất động một chỗ. Trong phương diện tâm lý học, tiến trình làm việc với khổ đau là tiến trình của ân sủng. Vì qua đó có một cái gì đó đã được đặt vào, được ban cho. Passivum divinum có nghĩa là hành động hay lời nói đến từ Thiên Chúa. Như thế, những gì tích cực được ban cho và được đặt vào trong tiến trình làm việc với khổ đau đến từ một địa chỉ rất khôn ngoan, rất nhân từ. Trong niềm tin của chúng ta, đến từ Thiên Chúa.

Trong thế kỷ thứ tư các giáo phụ ở Sy-ri-a, như Ephram và Simon đã nhấn mạnh về sự khóc lóc. Với các giáo phụ này, những ai có thể đau khổ và có thể khóc than, thì họ thấu hiểu được những gì thâm sâu. Ephram còn đi xa hơn nữa khi nói rằng, ai không bao giờ biết khóc, người đó không quen biết Thiên Chúa thực sự. Ai để cho Chân Lý ảnh hưởng trên họ, nghĩa là Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô đã trở thành người và Ngài ở trong thế giới và đã khóc về thế giới này; và ai có thể cùng khóc với Chúa về thế giới này, thì thực sự người đó đã hiểu được Thiên Chúa, hơn là những người chỉ biết nghĩ về Thiên Chúa, mà không màng tới điều bên trong này. Điều này cũng đúng trong tương quan giữa con người với nhau. Ai không bao giờ hay đã lâu rồi không khóc nữa, một cách nào đó người đó thiếu một cảm nhận sâu xa về tình trạng sống của con người.

Khi Chúa Giê-su nói: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Đàng” (Mt 19,23), thì một cách nào đó có nghĩa là, người giàu có luôn cho rằng, nước mắt là một điều vô bổ trong cuộc sống của họ, vì thế họ không bao giờ cần thiết phải khóc lóc, vì họ có mọi thứ họ cần. Tuy nhiên, tiền bạc và vật chất của họ có thể làm cho họ trở thành những con người ảo tưởng. Với họ, lời Thánh Kinh trong sách Khải Huyền dành cho họ: “Ngươi nói: ‘Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi’, nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh 3,17).

Xã hội hôm nay của chúng ta, một xã hội đề cao sự hưởng thụ, luôn đi tìm niềm hoan lạc trong các cuộc chơi bời, theo ý nghĩa của câu nói trong sách Khải Huyền ở trên, bị coi là một xã hội với những con người đui mù và trần truồng, những người chỉ muốn giàu có lên mà thôi, đến nỗi không màng tới ai cả, chỉ muốn hưởng thụ cho riêng mình, và không muốn buồn sầu và khóc than. Ma tuý, thuốc lắc và biết bao nhiêu cách thức khác đang ru ngủ con người, đang ban cho con người những niềm vui sướng, đang giữ họ ở lại trong tình trạng lâng lâng đó, là những phương tiện nguy hại đang từ từ gặm nhấm cuộc đời họ. Khi cứ sống và ở trong tình trạng lâng lâng vui sướng đó, thì tất cả những cảm giác buồn đau, những dòng nước mắt bị chôn giấu ở một chỗ nào nhất định. Đến một lúc nào đó, họ sẽ đi vào một tình trạng thê thảm với khổ đau chồng chất và nước mắt tuôn tràn, như người ta đã cảm nhận trong thời cổ đại Sunt lacrimae rerum - Nước mắt ở trong tất cả mọi sự.

Gregor von Nysse đã viết: “Cả hai đều không thể chối cãi được. Ai tự nhìn nhận mình và có một cách thức đánh giá chín chắn về những gì diễn ra trong thế giới, thì người đó không thể sống mà không có nước mắt. Ngược lại, những ai chìm mình trong một cuộc sống sung túc, và không bao giờ ý thức về những sự đau khổ, thì người đó như là con thú vô tri”. Như thế, người tỉnh táo và chín chắn là người luôn ý thức trên con đường mình sống, với niềm vui và khổ đau, với nước mắt và nụ cười. Thật vậy, đau khổ và nước mắt là một điều gì đó quý giá trong cuộc sống làm người.[xiv] Hơn nữa, khi người đau khổ khóc than với Thiên Chúa, thì họ đang diễn tả một niềm trông cậy hy vọng vào Chúa. Như Áp-ra-ham ngày xưa, họ đang hy vọng mặc dù không còn hy vọng.

 

- Hy vọng trong khổ đau.

 

Là tín hữu của Chúa Ki-tô, chúng ta không bao giờ bị chôn vùi trong khổ đau mà không có đường ra. Nhìn ngắm Đức Ki-tô trên đường thương khó, và rồi Ngài đã sống lại như thế nào, chúng ta vẫn giữ chặt niềm hy vọng. Với niềm hy vọng đó chúng ta được phép kêu cầu lên cùng Chúa, Đấng nhân từ và quyền năng. Khi kêu cầu Chúa, thì chúng ta - những người sầu khổ, đang sống trong niềm tin tưởng và niềm hy vọng như thánh Phao-lô nói: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Khi gặp sầu khổ, nhưng vẫn hy vọng và tin tưởng vào Chúa, Đấng là đầu và là cuối, là An-pha và Ô-mê-ga, là chủ của muôn loài, Đấng biến khổ đau thành niềm vui, bóng đêm thành sự sáng; lúc đó niềm an ủi sẽ đến - niềm an ủi của niềm tin, niềm an ủi của Thần Khí, niềm an ủi của tình yêu. Ngược lại, nếu gặp đau khổ mà cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn về nỗi đau mình mang, cứ đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác về sự khổ đau, thì sẽ dễ bị lạc vào trong cái vòng ma quái, và rồi cứ dằn vặt, mất ăn mất ngủ, xuống sức, và cuối cùng là rơi vào trạng thái chán sống và mất hết niềm tin tưởng. Thật là nguy hại biết bao! Vì vậy, như thánh Phao-lô, khi gặp khổ đau thì cần phải luôn hướng lòng về Chúa, đặt niềm hy vọng duy nhất vào Chúa mà thôi. Không có gì, dù đó là thế lực mạnh mẽ đến mấy đi nữa cũng không thể thắng được tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân từ yêu thương của Ngài. Đừng Sợ! Đó là lời mà Chúa Giê-su vẫn luôn nói với các môn đệ của mình, khi các ông rơi vào hoàn cảnh sợ hãi, hiểm nguy và khổ đau. Vì vậy, cùng với thánh nữ Tê-rê-sa thành A-vi-la, những ai sầu khổ hãy cất lời hát lên bài ca Nada te turbe mà Jacques Berthier phổ nhạc cho cộng đoàn Taizé. Bài hát này trở thành bài hát rất quen thuộc: Nada te turbe, nada te espante, quien a Dios tiene, nada le falta. Nada te turbe, nada te espante, solo Dios basta. Xin được tạm chuyển ngữ như sau: Không có gì làm cho bạn sợ hãi, không có gì làm bạn hãi sợ. Ai có Thiên Chúa, thì không thiếu gì. Không có gì làm cho bạn sợ hãi, không có gì làm bạn hãi sợ. Một mình Thiên Chúa là đủ cho bạn rồi.

 

Thiên Chúa đủ cho bạn rồi. Không sợ hãi gì cả. Khi tin tưởng như vậy, thì người sầu khổ sẽ được ủi an. Dù sầu khổ và ăn năn về chính tội lỗi của mình, hay sầu khổ vì những đau đớn người khác đưa lại, nhưng khi hướng lòng về Chúa thì Ngài sẽ ủi an. Trong sách vở thiêng liêng vẫn thường nhắc đến sự an ủi nội tâm hay an ủi thiêng liêng. Đó là những lúc chúng ta tưởng như hoàn toàn chẳng còn hy vọng gì nữa, thì một ánh sáng đã xuất hiện và sưởi ấm cõi lòng chúng ta. Chúng ta cảm nhận một sự bình an sâu xa và một sức mạnh mới đến với mình. Chúng ta cảm nhận một sự ấp ủ và chở che lớn hơn tất cả những kinh nghiệm đắng cay. Dù cho đắng cay đến mấy nhưng vẫn không đáng giá bằng kinh nghiệm được ủi an này. Trong chính lúc đó, bóng đêm bị ánh sáng của sự bình tâm chiếu soi, và chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa ở rất gần bên chúng ta, và bàn tay của Ngài nắm lấy chúng ta, dù lúc đó sóng to gió lớn đang nhâm nhe cuốn chúng ta đi. Những kinh nghiệm này, theo Martini, đặc biệt thường đến với những ai, trong tình yêu thương chiêm ngắm và suy gẫm sự thương khó của Đức Ki-tô.[xv]

 

[i] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.30-31.

[ii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.31-33.

[iii] X. LUZ U., Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, s.208.

[iv] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.116.

[v] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.33-34.

[vi] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.43-44.

[vii] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.56-57.

[viii] Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.61-64.

[ix] X. Thiền sư Bhante Henelopa Gunaratana, Eight Mindful Steps to Hapinness – Bát chánh Đạo – con đường đưa đến hạnh phúc, t.65-67.

[x] X. CANTALAMESSA, R O.F.M. CAP., Beatitudes, t.28-29.

[xi] Hirtenbrief des Heiligen Vaters Benedikt XVI. an die Katholiken in Irland, Aus Vatikan, 19. Maerz 2010. www.vatican.va

[xii] Ansprache von Benedikt XVI. An die Bischoefe aus Irland anlaesslich ihres “Ad-limina” – Besuches, Samstag 28.kt.2006. www.vatican.va

[xiii] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.116.

[xiv] Tham khảo SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, t.46-48.

[xv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.40.

bottom of page