top of page

- Cầu nguyện đem lại bình an nội tâm thật sự.

 

Sự bình an đến trong cầu nguyện. Đó chính là món quà nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng cho những tâm hồn cầu nguyện, những ai chạy đến với Ngài, Đấng là vị Mục Tử nhân lành. Hơn nữa, chúng ta không thể có được bình an và cũng không thể gìn giữ bình an nội tâm, nếu chúng ta không cầu nguyện. Vì thế, cầu nguyện phải là điều ưu tiên hàng đầu cần làm, nhất là đối với những ai hoạt động tông đồ, cũng như đối với những người nói rằng, họ muốn làm điều lành cho người khác; bằng không, họ chỉ thường xuyên trao ban sự bồn chồn, bối rối và thất vọng của họ. Nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ sống xa Thiên Chúa, và khi ở xa Thiên Chúa cũng như tận lòng dạ sâu thẳm của chúng ta không hoàn toàn qui hướng về Thiên Chúa, thì chúng ta không thể nếm hưởng bình an bền vững được.

“Và rõ ràng, rất nhiều người thất vọng chỉ vì họ không biết chiêm ngắm, họ không dành thời giờ để nuôi sống tâm hồn và đem tâm hồn về lại bình an bằng việc chiêm ngắm Đức Giê-su với lòng yêu mến. Để chống lại sợ hãi và nản lòng, phải nại đến việc cầu nguyện - đó là một kinh nghiệm cá nhân về việc gặp lại, nhận biết và yêu mến Thiên Chúa - nào, ‘hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo dường bao’ (Tv 34). Những xác tín mà thói quen cầu nguyện khắc sâu vào tâm hồn chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với những xác tín bắt nguồn từ lý luận, ngay cả những suy tư thần học ở trình độ cao nhất.

Vì sự công kích của ma quỷ - những ý tưởng làm nản lòng, bất tín - thì không bao giờ ngưng nghỉ; cho nên, tương tự như thế, để chống lại chúng, chúng ta cũng phải cầu nguyện liên lỉ và không mệt mỏi. Biết bao lần tôi tôn thờ Thánh Thể trong tâm trạng lắng lo hoặc ngã lòng và không có bất cứ điều gì đặc biệt xảy ra; không nói một lời, không trào dâng một cảm xúc đặc biệt nào cả… nhưng tôi ra về với tâm hồn bình an. Hoàn cảnh bên ngoài vẫn mãi như thế, luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết, nhưng một khi tâm hồn đã được đổi mới, cũng từ đó, tôi có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh cách thanh thản. Chúa Thánh Thần đã thực thi công việc kín đáo của Ngài.

Không bao giờ con người coi trọng đủ sự cần thiết của việc cầu nguyện lặng lẽ, trầm tư - nguồn mạch đích thực của bình an nội tâm. Làm sao một người có thể phó mình cho Thiên Chúa, đặt hết niềm tin vào Người nếu người ấy chỉ biết Thiên Chúa xa xa hoặc nghe người khác nói? ‘Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến’ (G 42,5). Tâm hồn không nhận ra niềm tin mãi cho đến khi nó nhận ra tình yêu; phải cảm nhận cho được sự trìu mến và dịu hiền của Trái Tim Đức Giê-su. Điều này không thể có được trừ khi chúng ta có thói quen cầu nguyện suy niệm và lặng yên dịu dàng trong Chúa, tức là chiêm ngắm”.[i]

Khi hướng nhìn chiêm ngắm Chúa Giê-su và chạy đến để ở lại bên Ngài, là lúc chúng ta sống tinh thần cậy trông và tín thác vào Chúa, vào Mục Tử Nhân Lành:

“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi” (Tv 23,1-3a).

 

Thiên Chúa là Mục Tử chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Nếu bạn tin như thế, và nếu bạn ý thức bước vào tương quan với Đấng là Mục Tử chăn dắt bạn, nghĩa là bước vào tâm tình cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Ngài, thì cuộc đời bạn sẽ biến đổi. Ưu tư của bạn sẽ tan biến, những mặc cảm sẽ không còn, và bình an sẽ quay về với tâm tư đầy xao xuyến của bạn. Với Chúa và ở bên Ngài, bạn sẽ sống an vui ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ kia. Chúa đang ở đó bên cạnh bạn và bạn đang ở trong vòng tay yêu dấu của Chúa. Chúa của những cánh chim bay lượn giữa bầu trời và những đoá huệ khoe sắc ngoài đồng ruộng.[ii]

Thiên Chúa là Mục Tử chăn dắt mỗi người trong chúng ta. Bạn có tin điều đó không? Bạn hãy quan sát những đàn chiên trên các sườn núi với cỏ xanh. Đàn chiên tung tăng chạy nhảy, chúng nhẩn nha gặm gỏ, chúng lững thững dưới bóng râm. Và dưới bóng râm đó chúng nằm lặng yên để nghỉ ngơi trong an bình. Không có gì là hối hả, là kích động, là âu lo. Chúng thậm chí cũng chẳng nhìn người mục tử, chúng biết anh ta vẫn ở đó, vẫn hiện diện bên cạnh và chăm sóc chúng. Và thế là chúng thoải mái vui hưởng đồng cỏ mơn mởn và xanh tươi. Thanh thản, chúng lại rảo bước tới dòng suối với dòng nước trong lành đang chảy róc rách. Bình lặng nhưng tràn đầy niềm vui, chúng tận hưởng những dòng nước làm mát tâm hồn. Đó là bình an. Đó là hạnh phúc.

 

Thật vậy, hướng về Đấng là Mục Tử nhân lành, chúng ta nhận ra rằng, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta – những con chiên của Chúa không thiếu gì cả. Đắm chìm trong cầu nguyện, kề bên lòng Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Có Chúa là có tất cả. Chúa là đủ cho tôi rồi. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Là Mục Tử nhân lành, Ngài chia sẻ cuộc sống với đàn chiên, cả ban ngày cũng như lúc đêm khuya, khi buồn đau và lúc vui mừng. Nỗi lo của chiên là nỗi lo của Ngài, niềm vui của chiên là niềm vui của Ngài. Là Mục Tử nhân lành, Ngài chỉ mong sao cho chiên của mình được an bình. Ngài đưa đàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi, nơi yên tĩnh và bình lặng, và Ngài để chiên được nghỉ ngơi trong an bình, trong sự an toàn với sự đồng hành và chăm lo của Ngài. “Vui tươi và hồn nhiên. Những con cừu không biết tính toán. Còn bao nhiêu thời giờ? Ngày mai sẽ đi đâu? Năm tới, lượng mưa có đủ cho thảo nguyên hay không? Những con cừu không quan tâm, bởi đã có người chăm sóc cho chúng. Chúng sống hết ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ kia. Đó là hạnh phúc”.[iii] Đó là bình an. Thật quý báu biết bao, khi đàn chiên được Mục Tử nhân lành chăm lo và cho hưởng những giây phút hoà bình tuyệt mỹ.

 

“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,4-5).

 

Lũng âm u mà Thánh Vịnh gia nhắc đến, cũng là thời gian đau thương của dân tộc Do Thái, bị đày ải ở Ai Cập, 40 năm ròng rã trong sa mạc, rồi thời kỳ lưu đày ở Babylon. Những đau thương đó không làm cho dân Do Thái thất vọng hoàn toàn, dù nhiều khi tiếng ai oán thét lên thảm khốc, dù không ít lần bao tâm hồn đã rơi lệ. Thiên Chúa vẫn hiện diện và chở che: “Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, đã chúc phúc cho (các) ngươi trong mọi việc tay (các) ngươi làm, Người đã biết cuộc hành trình của (các) ngươi trong sa mạc mênh mông ấy; đã bốn mươi năm Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi, ở với (các) ngươi, và (các) ngươi đã chẳng thiếu thốn điều gì” (Đnl 2,7).

 

Thiên Chúa ở đó và với côn trượng trên tay, Ngài bảo vệ đoàn chiên mình, che chở từng con chiên một. Theo truyền thống Thánh Kinh về vị Mục Tử nhân lành, tình yêu của vị mục tử không chỉ được dành cho một đàn, một nhóm, mà còn dành cho từng con chiên, từng người một. Ngài chú ý đến từng con và biết đến từng con một. Ngài biết bạn đang cần gì, Ngài cũng thấu hiểu điều cần cho tôi. Phần chúng ta, điều quan trọng là biết nhận ra Ngài, biết chạy đến với Chúa, và khiêm nhường cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái của Chúa.

“Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con.

Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31,6).

 

Lời Thánh Vịnh này là lời cầu nguyện của những ai khổ đau và bất hạnh. Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã dùng lời Thánh Vịnh này để cầu nguyện với Cha trên trời: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). “Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong lúc đau khổ này, là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tột độ và hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lời cầu nguyện này diễn tả ý thức hoàn toàn của Người rằng Người đã không bị bỏ rơi…Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn ‘Lạy Cha’, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31: ‘Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Tv 31,6). Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su phó mình cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện trao phó, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa… Bây giờ, sự sống sắp sửa rời Người, Người đóng ấn lời cầu nguyện của Người trong quyết định cuối cùng: Chúa Giê-su tự cho phép mình bị nộp ‘vào tay người ta’, nhưng chính trong tay Chúa Cha mà Người phó linh hồn, vì vậy, như thánh sử Gio-an nói, mọi sự đã hoàn tất, hành động tối cao của tình yêu đã được thực hiện đến cùng, đến giới hạn và vượt quá giới hạn”.[iv]

Theo gương Chúa Giê-su, biết bao người đã chìm sâu trong cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái của Chúa, khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh khổ đau. Qua chính việc cầu nguyện, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, là Mục Tử nhân lành, họ tìm lại được bình an cho cuộc sống. Đấng là Mục Tử nhân lành luôn ở cùng họ, khi họ bước vào lũng âm u của cuộc đời. Lũng âm u đó là những bất nhân, là những kết án và chụp mũ, là những lời nói, những mưu mô và hành động ác độc. Lũng âm u với sự dữ là chủ và luôn nhăm nhe nuốt chửng đời người trong màn đêm tăm tối. Đừng sợ, dù phải bước đi trong màn đêm u tối. Trong đêm đen của cuộc đời, đừng quên cầu nguyện, đừng bao giờ sợ hãi đến nỗi vung tay khỏi ra khỏi bàn tay Chúa. Ngài là nguồn của ánh sáng đang nắm lấy đôi tay nhỏ bé của mỗi người, ngay tại trong đêm đen đang phủ lấp cuộc đời. Ngài ở đó và Ngài biết tất cả. Điều ấy đủ cho chúng ta rồi. Hãy tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, chúng ta sẽ ung dung đi lại, hít thở và sống khoẻ vào mọi lúc, ban ngày cũng như ban đêm; và ở mọi nơi, trên đồng cỏ xanh tươi cũng như khi rảo bước qua lũng âm u. Đừng lo toan quá sức đến nỗi không để Chúa là Đấng chăn chiên lo với chúng ta. Có Ngài ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta không còn vướng bận ưu tư cho những giây phút kế tiếp.

Tuy nhiên, đời người luôn lại phải đối diện với ngõ cụt, với những giây phút thê thảm và bất hạnh nhất ? Lúc đó cầu nguyện như thế nào để tìm lại được bình an? “Làm sao chúng ta dâng lên Chúa những giây phút đen tối nhất, khủng hoảng nhất? Làm sao chúng ta cầu nguyện khi đang ở trong trạng thái cô đơn cùng cực nhất, vô vọng nhất, và cả cuộc đời chúng ta dường như đang sụp đổ? Chúng ta có thể học ở Chúa Giê-su, cách Ngài cầu nguyện đêm trước ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Giếtsêmani, ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài…Tin Mừng mô tả như sau: Chúa Giê-su đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con’. Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu. Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. ‘Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ’. Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani có thể là lời cầu nguyện mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện khi ở trong cơn khủng hoảng.

 

Qua lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta có thể nhấn mạnh bảy điểm, mỗi điểm cho chúng ta những điều kiện để biết cách cầu nguyện trong những lúc đen tối nhất đời mình:

(1) Lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn cô đơn của Chúa: Tin Mừng nhấn mạnh điều này khi mô tả việc cầu nguyện diễn ra trong một khu vườn (hình ảnh tượng trưng cho tình yêu) và cả trong việc Chúa đi xa khỏi các môn đệ yêu dấu một tầm ném đá vì các ông không đủ sức lĩnh hội những gì Ngài đang trải qua. Trong cơn khủng hoảng sâu sắc nhất của mình, chúng ta luôn luôn cô độc trong đau đớn, xa khỏi mọi người trong một tầm ném đá. Lời cầu nguyện sâu đậm sẽ phát đi từ đó.

(2) Cầu nguyện với tâm tình mật thiết: Chúa Giê-su bắt đầu cầu nguyện bằng tiếng gọi Cha Ngài, ‘Abba’, tiếng gọi thân mật nhất có thể, tiếng một đứa con nhỏ sẽ nói lên khi ngồi trong lòng  cha mình. Trong những giờ tăm tối nhất, chúng ta phải biết thân mật với Thiên Chúa.

(3) Cầu nguyện từ tấm lòng chân thành trọn vẹn: Theo kinh viện, cầu nguyện được định nghĩa là “nâng tâm trí và tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”. Chúa Giê-su đã làm như thế, và làm một cách triệt để, với lòng chân thật cháy bỏng. Ngài xin Chúa Cha cất khỏi thống khổ này, xin cho Ngài một lối thoát. Nhân tính của Ngài run rẩy sợ hãi trước bổn phận này, và Ngài xin được giải thoát. Đó chính là lời cầu nguyện trung thực và chân thật nhất.

(4) Cầu nguyện từ sự bất lực hoàn toàn: Ngài nằm dài trên đất, chẳng ảo tưởng chút gì về sức mạnh của bản thân. Trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, có lời van xin rằng nếu Thiên Chúa làm điều này với Ngài, thì Người phải cho Ngài sức mạnh để thực hiện nó.

(5) Cầu nguyện từ sự mở lòng, bất chấp sự kháng cự trong bản thân mình: Thậm chí khi run rẩy đến rúm người trước điều sắp phải trải qua, và xin được giải thoát, Chúa Giê-su vẫn trao cho Chúa Cha quyền quyết định tuyệt đối trên tự do của Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài mở lòng để đón nhận thánh ý của Chúa Cha, nếu đó là điều tuyệt đối Ngài phải làm.

(6) Cầu nguyện liên lỉ: Chúa Giê-su lặp lại lời cầu nguyện trên nhiều lần, và càng lúc càng khẩn thiết, mồ hôi máu của Ngài không chỉ đổ một lần, nhưng nhiều lần.

(7) Cầu nguyện là sự biến đổi: Cuối cùng, một thiên thần (sức mạnh thiêng liêng) đến và tăng sức cho Ngài, rồi dựa vào một sức mạnh mới đến từ ngoài bản thân, Ngài tự phó mình cho điều mà Chúa Cha muốn Ngài trải qua. Nhưng sức mạnh đó chỉ có thể tuôn chảy trong Ngài sau khi, qua sự bất lực của mình, Ngài đã không cậy dựa vào sức mình. Chỉ sau khi đã trải qua sa mạc lòng khô khốc, chúng ta mới mở lòng để sức mạnh Thiên Chúa tuôn đổ vào mình.

Trong quyển sách ‘Tiến bước tới tự do’, Martin Luther King đã kể lại chuyện một đêm nọ, sau khi bị dọa giết, ông đã hoang mang, hoảng sợ, và cũng không khác gì Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani, ông đã nằm rạp xuống sàn trong nỗi sợ, cô đơn và bất lực – rồi cầu nguyện. Ông cảm nhận lời cầu nguyện đêm đó như tiếng van nài xin Thiên Chúa cho ông tìm được phương thế đường đường chính chính để thoát khỏi tình trạng này, nhưng Thiên Chúa muốn một điều gì đó khác nơi ông. Và đây là những lời cầu nguyện của ông trong đêm đó: ‘Nhưng giờ con sợ hãi. Người ta tìm đến nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và can đảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Đã đến lúc con phải tự mình đơn độc đối mặt với nó’.  Rồi ông nói thêm: ‘Chính lúc đó, con cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Chí Thánh, một trải nghiệm con chưa có bao giờ’. Một thiên thần đã đến bên ông. Khi cầu nguyện thật tâm, thì cho dù nỗi đau của chúng ta có thế nào đi nữa, thiên thần của Thiên Chúa sẽ luôn luôn đến bên chúng ta”.[v] Chúa ở bên, và sự hiện diện của Chúa luôn đem lại bình an, vì Ngài chính là bình an đích thật. Bình an lúc ban ngày, cũng như bình an lúc ban đêm.

 

“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ” (Tv 4,9a).

“Giấc ngủ là phúc lành Chúa tặng cho ban đêm, cũng như bình an là phúc lành Chúa ban cho ban ngày, và giấc ngủ sẽ đến nơi nào có bình an. Chúa đã ban cho con bình an giữa ngàn vạn bươn chải của ngày sống, giữa ganh ghét của người đời, giữa lo toan của công việc và rối bời của những quyết định. Chúa đặt nơi lòng con niềm hoan lạc hơn là buổi người ta được mùa lúa rượu đầy dư, và sự quan tâm Chúa dành cho con lúc ban ngày đã yêu thương dìu con vào giấc điệp ban đêm”.[vi] Thật hạnh phúc, khi được sống trong sự quan phòng thật lớn lao dường nào. Hạnh phúc được sống trong an bình của Đấng là bình an. Hạnh phúc được sống theo sự hướng dẫn của Mục Tử nhân lành trên những nẻo đường của cuộc sống. Lạy Thiên Chúa, Chúa là Đấng chăn dắt con, con sẽ không thiếu gì.

 

“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ

vì chỉ có mình Ngài, lạy CHÚA,
ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9).

 

“Con hiểu nỗi lo sợ của những người phiêu bạt giữa hoang mạc mỗi khi ngả lưng…Con biết họ lo sợ dã thú có thể tấn công lúc tối trời, lo sợ ác nhân có thể tìm đến trả thù giữa đêm khuya, lo sợ bộ tộc thù địch có thể bất thần mở cuộc công hãm giữa lúc mọi người đang mê mệt. Và con cũng biết những nỗi lo sợ của bản thân mình. Sợ một ngày mới, sợ phải đương đầu với cuộc sống, sợ phải trực diện với bản thân giữa lúc tranh sáng tranh tối của một buổi bình minh mới. Sợ phải cạnh tranh, sợ phải thất bại, sợ không thể kiên định để sống đúng với địa vị của mình, để đáp ứng với những kỳ vọng, để thực thi các vai trò, hoặc khó hơn nữa là sợ không thể phớt lờ những kỳ vọng ấy và khước từ những vai trò mà con biết mình muốn làm, nhưng lại không đủ sức thực hiện. Con sợ đặt lưng xuống giường, vì biết đâu sẽ không bao giờ trỗi dậy; con sợ phải thức dậy để rồi phải kéo lê công việc nhàm chán của kiếp sống. Đó là nỗi lo sợ của bản năng làm trì nặng cuộc sống của con, nhưng thần dược chữa lành lại ở nơi Chúa”[vii], Đấng là bình an đích thật. Chúa canh chừng cho con an giấc và với côn trượng trên tay, Chúa là Mục Tử nhân lành giữ gìn cho con vững dạ an tâm tiến lên phía trước. Sự hiện hiện của Chúa là bảo đảm của đường đời con đi, Lời của Chúa là ánh sáng soi lối con tiến tới, sự đồng hành của Chúa là sức mạnh của con. Thật vậy, ở bên Chúa, với Chúa và trong Chúa, tâm hồn, thân xác và toàn bộ con người con tràn ngập an bình.

Trong sự an bình thanh thản con còn được:

 

“Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,5).

 

Cuộc sống vẫn có ban ngày và ban đêm. Cuộc đời vẫn phảng phất mùi vị của niềm vui và đau buồn. Mọi sự hình như vẫn thế. Đúng vậy, Đấng là Mục Tử vẫn muốn chúng ta tiếp tục ở lại trong thế giới của mình, chúng ta vẫn phải rảo bước qua những lũng âm u trên hành trình của cuộc sống. Nhưng giờ đây có Chúa hiện diện ở bên. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta ngồi vào bàn tiệc với Ngài. Chính Mục Tử nhân lành chuẩn bị bàn tiệc này cho chúng ta. Bạn có thể mường tượng được ngồi cùng bàn ăn với Thiên Chúa không? Được ngồi vào bàn ăn của Chúa là một hồng phúc lớn lao. Hơn nữa, điều thú vị ở đây là, bàn tiệc với Thiên Chúa lại diễn ra ngay trước mặt quân thù. Như thế, chúng ta vẫn là con người trước đây, thế giới sống hằng ngày của chúng ta vẫn vậy. Ðiều đặc biệt là giờ đây chúng ta có Thiên Chúa tại bàn ăn. Vì vậy, chúng ta chẳng sợ gì.

Tình yêu của Thiên Chúa che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Tình yêu ấy còn xức dầu thơm lên đầu chúng ta, rót vào ly cuộc đời chúng ta chan chứa ân tình. Mà thương lắm và quý trọng khách lắm gia chủ mới xức dầu thơm lên đầu, và không ngừng châm chén rượu luôn đầy tràn chan chứa. Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Ngài, từng người chúng ta thật quý giá. Vì chúng ta quý giá nên Ngài gìn giữ chúng ta và ban cho chúng ta sự bình an. Vì chúng ta quý giá nên Ngài luôn mở tiệc mời chúng ta bước vào, bữa tiệc của an bình.

 

- Phúc lành bình an tại bàn tiệc an bình.

 

Bàn tiệc Thánh Thể là bàn tiệc tạ ơn. Bàn tiệc trao ban lương thực thiêng liêng cho mọi con cái của Thiên Chúa. Tại bàn tiệc đó, tất cả đều được đón nhận một phúc lành quý báu. Đó là phúc lành bình an được chính vị Vua Hoà Bình trao ban. “Đối với chúng ta, người Ki-tô hữu, mỗi cuộc tụ họp Thánh Thể trở thành nơi Vua Hòa Bình ngự trị theo ý nghĩa này. Vì thế, sự hiệp thông phổ quát của Hội thánh, Đức Ki-tô trở thành bản phác thảo sơ bộ cho thế giới ngày mai, được tiền định trở thành mảnh đất hòa bình của Đức Giê-su Ki-tô”.[viii]

 

Tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể hay quỳ thờ lạy và chầu Thánh Thể Chúa trong bầu khí thinh lặng linh thiêng, ai lại không cảm nhận được sự bình an sâu thẳm. Bên ngoài dòng sông cuộc đời vẫn chảy mạnh, biết bao lo toan và khổ đau vẫn ngập tràn, nhưng bước vào ngôi thánh đường và quỳ trước tôn nhan Thánh Thể Chúa, mọi sự đều ngừng lại. Sự ngừng lại trước Đấng là chủ của cuộc sống, là vị Vua Hoà Bình. Bàn tiệc Thánh Thể thật là một món quà lớn lao của bình an mà Chúa ban tặng cho chúng ta.  Thần học gia Ratzinger đã suy niệm rằng: “Giáo Hội tiên khởi đã hiểu mầu nhiệm Thánh Thể khi nhấn mạnh đến diễn đạt ‘bình an’. Thật nhanh, ‘bình an’ đã trở thành một tên trong nhiều tên gọi cho bí tích Thánh Thể. Vì đúng thế, chính nơi đó, Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Người ban tặng tự do cho chúng ta, cho dù chúng ta là những con nợ, tội lỗi trong mắt Người, Người nắm chúng ta trong tay Người, và ban chính Người cho chúng ta. Bằng cách dẫn chúng ta đến với chính Người, giới thiệu chúng ta vào trong hiệp thông Thân Xác của Người, bằng cách giới thiệu chúng ta vào trong cùng một chiều kích tình yêu của Người, bằng cách dưỡng nuôi chúng ta với cùng một Bánh, Người cũng ban cho chúng ta tha nhân như anh chị em. Thánh Thể là bình an từ Thiên Chúa”.[ix]

Và “Những lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh cho những môn đệ bị bấn loạn đã là ‘Bình an cho anh em’ (Ga 20,19). Trong mỗi lần tụ họp Thánh Thể, những gì đã xảy ra vào chiều ngày Phục Sinh đã được nhắc lại cho họ. Đấng Phục Sinh đã đến giữa các môn đệ và đã nói với họ: Bình an cho anh em. Trong lễ vượt qua này, trong đó Giáo Hội thực sự sống động, tín hữu kinh nghiệm làm thế nào lời nói của các tông đồ là sự thật: Đức Ki-tô là bình an của chúng ta (x.Ep 2,14). Ở đây, các tông đồ gặp gỡ một chiều kích bình an mới mà Đức Tin đã mở ra, sự hài hoà giữa những người nô lệ và kẻ tự do, giữa người Hy-lạp và người man rợ, Do thái và dân ngoại (x.Gl 3,28). Ở đây, dù họ chia rẽ nhau cách sâu xa trong bối cảnh xã hội thời đó, nhưng đúng thế, ngay tức thời lại trở nên một con người, con người mới, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng liên kết họ chung lại với nhau trên nền tảng của tình cha (x.Gl 3,27-28). Đó là lý do tại sao thông thường chính Thánh Thể được xem như là ‘bình an’.

 

Thánh Thể là nơi Đức Giê-su Ki-tô hiện diện. Do đó, Thánh Thể là lãnh vực của bình an mới, lãnh vực của bàn tiệc bằng hữu siêu việt vượt trên tất cả mọi biên giới và giới hạn, trong đó, mọi người ở khắp mọi nơi lại cùng ở chung một nhà. Các giám mục trên thế giới báo cáo cho các giám mục khác họ được tuyển chọn bằng lá thư bình an. Bất cứ ai mang lá thư bình an chợt gặp những người Ki-tô hữu nơi nào, họ đã ở giữa gia đình riêng của họ, dù là nơi nào, một người anh em giữa tha nhân. Cùng với việc tụ họp Thánh Thể, đó là với yếu tố Đức Tin nội tại nhất của họ, mà những người Ki-tô hữu tiên khởi đã làm một điều có ý nghĩa nhất mang tính chính trị: Họ tạo nên những lãnh vực bình an và xây dựng những đại lộ bình an qua một thế giới xung đột”.[x]

Mong sao thế giới chúng ta luôn có thêm nhiều Ki-tô hữu sống đúng tinh thần của bí tích Thánh Thể, như tấm bánh sẵn sàng được bẻ ra chia sẻ cho mọi người, luôn dấn thân để với đức ái, họ xây dựng một thế giới chỉ có những đại lộ bình an trải dài trong cuộc sống.

Để được như thế, chúng ta cần thường xuyên chạy đến với Chúa Thánh Thể, để xin Ngài biến đổi chúng ta, ban ơn cho chúng ta, để cùng với Chúa, chúng ta có thể dùng những viên gạch yêu thương xây dựng các đại lộ an bình cho thế giới. Thật vậy, đức ái thông truyền bình an, và yêu thương là xây dựng hoà bình. Trước khi suy niệm về việc yêu thương là xây dựng hoà bình, cũng xin được đi vào một bí tích quan trọng khác đem lại bình an cho cuộc sống. Đó là bí tích hoà giải.

 

- Phúc lành bình an từ bí tích Hoà Giải.

 

Là Ki-tô hữu chúng ta luôn ý thức rằng, Ki-tô hữu chưa là người hoàn hảo. Mỗi ngày, mỗi giờ, lời mời gọi của Chúa Giê-su vẫn là lời mời gọi khẩn thiết dành cho chúng ta: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Mỗi ngày thứ Tư lễ tro hằng năm, khi nhận tro trên đầu, chúng ta đều được nhắc nhớ sám hối, quay trở về và tin vào Tin Mừng. Giáo Hội cũng nhắc nhớ rằng: “Lời kêu gọi hoán cải của Ðức Ki-tô vẫn tiếp tục vang lên trong đời sống người tín hữu. Cuộc hoán cải thứ nhì này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh; vì ‘mang trong lòng mình những tội nhân’ và ‘vừa thánh thiện vừa được kêu gọi thanh luyện, Hội Thánh nỗ lực không ngừng để thống hối và canh tân’ (x.LG 8). Ra sức hoán cải không chỉ là công việc phàm nhân. Do ân sủng lôi kéo và thúc đẩy (x.Ga 6,44; 12,32), chúng ta sám hối với ‘tấm lòng tan nát’ (Tv 50,19), để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ðấng đã yêu thương chúng ta trước (x.1Ga 4,10)”.[xi]

Thật vậy, sám hối là thái độ căn bản của người Ki-tô hữu. Như đã nhắc ở trên, Thánh Antôn của Ai Cập, Giáo phụ Tu Viện, qua đời ở tuổi 105, khi còn ở tuổi 100, từng nói rằng: “Tôi chưa bắt đầu hoán cải!” Hoán cải thật quan trọng biết bao. Tín hữu nào còn hoán cải, tín hữu đó còn bước trên hành trình Đức Tin. Ai còn ý thức ăn năn sám hối, người đó đang tiến gần tới Thiên Chúa. Nếu ai hết sám hối ăn năn, thì có thể họ gần Chúa hơn hết, bởi vì họ đã được Chúa gọi về và được Chúa cho hưởng hạnh phúc trên thiên đàng bên Chúa; hay là họ xa Chúa hơn hết, bởi vì họ kiêu ngạo tự cho mình là hoàn hảo, không cần sám hối và không cần đến Chúa nữa.

 

Nhưng đôi khi chúng ta sẽ có cảm giác mắc cỡ hay xấu hổ khi vào toà giải tội. Không ít giáo dân đã nói với cha xứ của họ: “Con không xưng tội với cha đâu, con chỉ xưng tội với cha khách”. Câu nói đó tiết lộ một sự xấu hổ khi phải xưng thú tội lỗi. Đức Phanxicô đã đề cập đến điều này: “ ‘Nhưng thưa cha, con xấu hổ…’ Ngay cả xấu hổ cũng là điều tốt, có một chút ‘xấu hổ’ là điều lành mạnh, vì xấu hổ là lành mạnh.  Khi một người không biết xấu hổ, ở nước tôi, chúng tôi gọi là một ‘người trơ trẽn’. Nhưng xấu hổ là tốt, bởi vì nó làm cho chúng ta khiêm tốn hơn, và linh mục đón nhận lời thú tội này với tình yêu và lòng ân cần cùng nhân danh Thiên Chúa mà tha thứ. Ngay cả theo quan điểm con người, việc ‘trút bầu tâm sự’, tức là nói ra với anh em mình và với vị linh mục những điều đang đè nặng tâm hồn mình là điều rất tốt. Và người ta cảm thấy được cởi trói trước mặt Thiên Chúa, với Hội Thánh, với anh chị em mình.  Đừng sợ xưng tội!  Khi một người xếp hàng chờ xưng tội, người ấy cảm thấy tất cả những điều này, kể cả xấu hổ, nhưng sau đó khi xưng tội xong, người ấy ra đi tự do, cao quý‎, đẹp đẽ, được tha thứ, trong trắng và hạnh phúc. Và đó là vẻ đẹp của việc xưng tội!”[xii] 

Đến đây, xin ghi lại một trải nghiệm thiêng liêng về bí tích Giải Tội: Chỉ mong Ngài xóa đi, mong chẳng còn gì để chiếm hữu, mong chẳng còn gì ràng buộc con. Lời bài hát trên như là lời cầu nguyện dẫn tôi đi vào trong tòa giải tội, một chỗ trong đời sống Linh Mục của tôi. Trong tòa giải tội, một Linh Mục - đầy tớ vô dụng và tội lỗi của Chúa, tôi được phép lắng nghe tất cả những chuyện mà người ta vẫn thường nói là chuyện rác rưởi trong cuộc đời. Và cũng không thiếu những giọt nước mắt đã đổ xuống trong tòa giải tội. Và trong mỗi một trường hợp, dù nặng hay nhẹ, tôi đều cầu xin Chúa hãy “dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy” anh chị em đang hiện trước mặt tôi, xin Ngài hãy thay nước mắt của anh chị em bằng nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi và nguồn nước hằng sống của Ngài. Nguồn nước mang lại ơn cứu rỗi, cùng với máu, chảy ra từ cạnh sườn của Ngài (x.Ga 19,34). Nguồn nước hằng sống mà Ngài đã hứa ban phát cho chị phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp ngày xưa (x.Ga 2,1-42). Mỗi lẫn tôi thấy anh chị em bước ra khỏi tòa giải tội với một khuôn mặt mới, cái mới của ánh sáng thay thế cho bóng đêm không còn ràng buộc, cái mới của an bình thế chỗ cho nặng nề bất an, cái mới của nụ cười thay thế cho vẻ buồn rầu thất vọng, thì lòng tôi lâng lâng một nỗi vui mừng sâu thẳm. Nỗi vui mừng khi nhìn thấy người Mục Tử nhân lành tìm lại được con chiên lạc đàn, nỗi vui mừng ấy cũng nhảy nhót tôn vinh Thiên Chúa, khi thấy Mục Tử vui mừng vác chiên trở về nhà, và nỗi vui mừng ấy cũng mở tiệc ăn mừng, khi vị Mục Tử mời gọi mọi người hàng xóm cùng đến để cùng ngồi vào bàn tiệc của lòng thương xót, bàn tiệc của mất nay lại tìm thấy, bàn tiệc của chết nay sống lại (x.Lc 15,4-7). Thật tuyệt vời biết bao! Nhưng cái tuyệt vời này có trọn vẹn trong lòng tôi chưa, nỗi vui mừng kia có nở hoa trong tâm hồn tôi, một Linh Mục - đầy tớ thấp hèn và tội lỗi chưa?

 

Trở về với đời mình, rời tòa giải tội, tôi Linh Mục của Chúa cũng cần phải chạy đến tòa giải tội với sự ý thức tôi cũng là con người tội lỗi như anh chị em. Vâng, tôi cần phải xin Chúa xóa đi tất cả những gì là bóng đêm đang ràng buộc tôi.

 

Cái nhớ này dẫn tôi đến cái nhớ khác. Cái nhớ khác là một lần tôi đến tòa giải tội. Là Linh Mục nhưng cũng là hối nhân. Đứng ngoài tòa giải tội, đợi đến lượt mình, sao tôi thấy thời gian lâu đến thế. Lâu không phải kim đồng hồ chạy chậm. 60 giây vẫn là 60 giây không chậm và cũng chẳng nhanh hơn chút nào. Lâu là vì lòng tôi có gì đó ám ảnh. Và lúc đó Chúa làm cho tôi nhớ đến hình ảnh của anh phong hủi chạy đến với Chúa, xụp lạy xuống chân Ngài và cầu xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (x.Mc 1,40-45). Tự nhiên lời cầu nguyện này giờ đây trở thành lời cầu nguyện của riêng tôi. Tôi chờ đợi với tấm lòng hướng về Chúa Thánh Thể, miệng tôi bắt đầu đọc lời cầu nguyện trên. Tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho thân phận Linh Mục tội lỗi của tôi, một phận người đang mang biết bao phong và biết bao hủi, một đời người thấp hèn đang bị nhiều thứ đam mê ràng buộc. Chính trong lúc cầu nguyện như vậy, tôi bị cám dỗ đừng chờ nữa, vì lâu quá.

 

Lâu lâu tôi lại nhìn trộm tòa giải tội, xem đã vơi người chưa và bước chân tôi đã đến gần đó chưa. Nhưng cái lâu kia vẫn muốn thúc giục tôi hãy về nhà đi, đừng đợi nữa. Cái lâu kia lúc đầu mang dáng vẻ của thời gian, nhưng nhìn kỹ thì cái lâu đó đội lốt thần dữ và bóng đêm, chúng đang muốn tiếp tục ràng buộc và làm chủ đời tôi, chúng không muốn tôi gặp Chúa từ nhân trong bí tích giàu lòng thương xót này. Chần chừ, chân tôi định rảo bước ra khỏi nhà thờ để lấy xe ra về, nhưng khi nhìn lên Thánh Thể Chúa, tôi cảm thấy Ngài như nói với tôi hãy nán lại nơi này thêm một chút. Trong thinh lặng, tôi suy đi nghĩ lại và vâng lời nán lại và chờ. Nhưng sao tôi lại thấy cái chờ này chẳng dễ thương chút nào với tôi cả, vì tôi chờ mà sao lòng mình nặng trĩu. Nhìn kỹ lại, thì không phải cái chờ không dễ thương, mà hình như tâm hồn tôi thiếu trông cậy cũng như thiếu niềm tin vào lòng nhân hậu của Chúa. Hình như tôi nghi ngờ gì đó. Lúc này tôi thầm nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Lời cầu này làm cho tôi liên tưởng đến anh phong hủi.

 

Dù biết phận mình tội lỗi nhiều, dù phải đau khổ biết bao nhiêu về chứng phong hủi là dấu hiệu của tội lỗi ràng buộc đã biết bao năm trời, nhưng anh vẫn không mất đi niềm tin và niềm hy vọng. Niềm tin của anh đã thúc đẩy anh chạy đến để xin Chúa chữa lành cho anh. Nhưng điều thú vị ở đây là, lời cầu xin của anh lại chỉ có một chữ tôi và có hai chữ Ngài. Điều này nói cho tôi sứ điệp gì vậy? Phải chăng, khi ý thức thân phận tội lỗi và thấp hèn của mình và khi tin tưởng tuyệt đối về lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, nên anh đã tín thác đời anh, cơn bệnh của anh và những ràng buộc của chứng phong hủi đang bám trên anh, vào trong bàn tay của Chúa và thánh ý của Ngài, để giờ đây với thái độ bình tâm, anh được phép cầu xin ơn chữa lành, ơn tha thứ. Nhưng Chúa có chữa lành cho anh hay không là tùy ở nơi Chúa hoàn toàn. Với một chữ tôi anh không muốn ép buộc Chúa theo ý anh, với hai chữ Ngài anh xin vâng hoàn toàn theo ý Chúa.

 

Vì thế, anh tiếp tục bị phong hủi hay được trở nên lành mạnh, chuyện đó không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là điều Chúa muốn nơi anh. Thầm suy nghĩ đến đây, lòng tôi bồi hồi xúc động, những ám ảnh của tội lỗi vẫn còn, nhưng chúng không còn làm chủ tôi nữa. Trước Chúa tôi đứng đó với ý thức phận người tội lội của mình, của một Linh Mục, và tôi đồng ý đón nhận tất cả những gì Chúa muốn nơi tôi trong tòa giải tội. Lúc này, cái chờ và cái lâu kia không còn là sức nặng trì kéo tôi nữa, chúng trở thành một cơ hội để tôi hối lỗi cho thật lòng mình. Và rồi giờ của tôi cũng đã đến, bước vào tòa giải tội, không chần chờ tôi nói rõ ràng tôi là Linh Mục, và tôi xưng thú ngay tội lỗi đang núp kỹ và đang như muốn trốn tránh trong góc tối của căn nhà tôi. Sau khi lắng nghe lời khuyên nhủ và tha tội của Linh Mục, một người anh em, lòng tôi trở nên hoàn toàn khác hẳn. Lúc đó giống như lúc Chúa nói với anh phong hủi “Tôi muốn anh sạch đi.” Cái sạch đem lại niềm vui sâu thẳm. Thật vậy, niềm vui khi thấy Chúa tìm thấy anh chị em và vác anh chị em lên vai để đưa về đã lớn rồi, nhưng giờ đây niềm vui đó đối với tôi lớn hơn, vì tôi là người trong cuộc, một Linh Mục lạc bước, cảm được niềm hạnh phúc được Chúa thứ tha, được Chúa tìm thấy và đưa về, được Chúa cho sống lại và được ăn mừng như thế nào. Cảm tạ Chúa biết bao, tri ân Chúa dường nào.

Bước ra khỏi tòa giải tội, sao bình an và nhẹ nhàng đến thế! Lạy Chúa, chỉ mong Ngài xóa đi tất cả những gì ràng buộc con, chỉ xin Ngài xóa đi tất cả những gì con đang chiếm hữu cho chính mình, chiếm hữu anh chị em làm của riêng, chiếm hữu lời khen ngợi, chiếm hữu quyền lực, chiếm hữu tiền tài và của cải, chiếm hữu cả chức vị thánh thiêng này để làm lợi ích cho riêng mình.

 

Bí tích Giải Tội là bí tích của lòng Chúa thương xót, và ai ý thức chạy đến đón nhận sẽ tìm được an bình và sức mạnh mới cho hành trình cuộc sống. Tuy nhiên, tiếc thay có nhiều người không ý thức giá trị của Bí Tích Hoà Giải, hơn nữa lại có khuynh hướng trong thế giới hôm nay là gạt bỏ tội lỗi sang một bên, là đánh mất cảm thức về tội lỗi. Cha Cantalamessa đã chia sẻ: “Nhiều người đã mất ý thức về tội, hoặc coi tội như ba cái chuyện nhỏ, không đáng kể, ngay cả tội nặng. Người ta sợ mọi thứ: sợ ô nhiễm môi sinh, sợ chiến tranh hạt nhân, sợ khủng bố, sợ thiên thạch va chạm địa cầu..., trừ ra sợ tội. Trong khi đó, Ðức Giê-su dạy: ‘Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Hãy sợ Ðấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục’ (Lc 12,4-5).

 

Một bầu khí như vậy, một não trạng như vậy tác hại không nhỏ đối với những ai muốn sống Tin Mừng. Nó làm cho lương tâm của họ có thể cùn nhụt, mất cảm giác về phương diện thiêng liêng, có thể ngủ vùi trong tội. Có thể họ còn không nhận ra kẻ thù thực sự, người đang bắt mình làm nô lệ. Có người nói về tội mà không có một ý tưởng cân xứng về tội hoặc dường như tội không ở trong con người, mà ở chỗ đâu đâu. Chúa nói với người biệt phái: ‘Triều đại Thiên Chúa không phải ở chỗ này chỗ kia, mà ở chính trong các ngươi’ (Lc 17,21). Cũng có thể nói tương tự về tội: tội không phải ở chỗ này chỗ nọ, nhưng ở chính trong lòng ta. Người nào nói mình không có tội, là người lừa dối mình (1Ga 1,8-10), phủ nhận công trình của Ðức Ki-tô là ‘Ðấng đã chết vì tội ta’ (1Cr 15,3), làm cho ơn cứu độ của Ngài ra vô ích”.[xiii]

 

Thomas Rausch cũng đã nhận ra khuynh hướng gạt bỏ tội lỗi sang một bên: “Không may, trong nền văn hoá có tính cách chữa trị của chúng ta, tội lỗi thường bị gạt bỏ như một vấn đề tâm bệnh, chứ không được nhìn nhận như một lời đáp trả lành mạnh đối với sự sai trái ta đã thực hiện. Tuy cũng có những việc giống như một tội lỗi có tính tâm bệnh thật (như trong trường hợp bối rối chẳng hạn), nhưng kinh nghiệm về tội lỗi cũng có thể là dấu chỉ của một lương tâm lành mạnh. Như Bill O’Malley đã nói: ‘Điều bạn tìm được trong một thế giới không có tội lỗi chính là Auschwitz, những cuộc hiếp dâm tập thể, những người buôn bán ma tuý, việc ném bom bừa bãi, những bãi rác độc hại, những kẻ cướp đường, chủ nghĩa khủng bố… Xã hội của ta – và nền giáo dục tôn giáo- cần chấm dứt ngay việc che giấu tội lỗi hợp pháp’.”[xiv]

 

Ai còn cảm thức tội lỗi, ai còn sám hối thì người đó còn đang trên đường xây dựng bình an cho bản thân mình, sự bình an của tâm hồn khiêm nhường và sám hối trước mặt Chúa, Đấng giàu lòng xót thương và luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ và bình an. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ: “Tất cả chúng ta đều biết, chúng ta mang đời sống này ‘trong những bình bằng sành’ (2 Cr 4,7), chúng ta vẫn có thể bị khuất phục bởi cám dỗ, đau khổ, và cái chết, vì tội lỗi, chúng ta thậm chí có thể bị mất đời sống mới của mình. Vì lý do đó mà Chúa Giê-su đã muốn rằng Hội Thánh sẽ tiếp tục công việc cứu độ của Người cho ngay cả những phần tử của mình, đặc biệt với Bí Tích Hòa giải và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là hai Bí Tích có thể được kết hợp dưới danh hiệu các ‘Bí Tích Chữa Lành’. Bí Tích Hòa Giải là một Bí Tích Chữa Lành. Khi tôi đi xưng tội là để được chữa lành, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành trái tim tôi và điều gì đó tôi đã làm khiến tôi không được khoẻ mạnh. Hình ảnh Thánh Kinh diễn tả hai Bí Tích này cách tốt nhất trong mối liên hệ sâu xa của chúng, là tình tiết về sự tha thứ và chữa lành người bất toại, trong đó Chúa Giê-su tỏ ra Người là thầy thuốc của cả linh hồn lẫn thể xác (x.Mc 2,1-12; Mt,1-8, Lc 5,17-26)”.[xv]

 

Như thế, người có lòng sám hối siêng năng chạy đến với Bí Tích Hòa Giải, để xin được chữa lành, để tìm lại bình an cho cuộc sống. Ai bước vào toà giải tội, bình thường khuôn mặt đều đượm nét buồn buồn và sắc mặt toả nét u tối nặng nề; nhưng khi bước ra khỏi toà giải tội, thì sắc mặt thay đổi hoàn toàn, với sự bình an thanh thản nhẹ nhàng và như trút được những gánh nặng đeo bám từ bấy lâu nay. Đó chính là ân sủng của bình an mà Bí Tích Hòa Giải đem lại. Chắc chắn rằng, sự bình an đó không phải chúng ta tự mình làm nên được, vì “việc tha tội không phải là kết quả của những cố gắng của chúng ta, nhưng là một hồng ân, một hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng đổ tràn đầy trên chúng ta ơn tẩy rửa của lòng thương xót và ân sủng, là những điều không ngừng chảy ra từ trái tim rộng mở của Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Phục Sinh. 

 

Thứ đến, nó nhắc nhớ chúng ta rằng, chỉ khi nào chúng ta được hòa giải với Chúa Cha trong Chúa Giê-su Ki-tô và với anh chị em mình, thì chúng ta mới có thể thực sự được bình an. Và tất cả chúng ta đã cảm thấy điều này trong tâm hồn khi chúng ta đi xưng tội, với một gánh nặng đè trên tâm hồn, một chút buồn rầu; nhưng khi chúng ta nhận được ơn tha thứ của Chúa Giê-su, chúng ta được bình an, với một sự bình an của tâm hồn quá đẹp mà chỉ một mình Chúa Giê-su có thể ban, chỉ một mình Người mà thôi”.[xvi] Và “bí tích Hoà Giải phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả. Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ được bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng’ (x.CÐ Trentô: DS 1674). Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người (Lc 15,32)”.[xvii] Ngoài ra, “việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội: khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giao hòa với Hội Thánh và vạn vật”.[xviii]

Có một món quà thật đẹp khác của Bí Tích Hoà Giải, là được Chúa ôm ấp vào đôi tay nhân ái của Ngài, đôi tay thứ tha, đôi tay che chở và ban bình an. Đôi tay của người cha nhân hậu ôm đứa con hoang đàng trở về. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác tín : “Cử hành Bí Tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn rất đẹp này về người con bỏ nhà ra đi với số tiền thừa kế; anh ta đã phung phí tất cả số tiền ấy, và sau đó, khi không còn gì nữa, anh ta quyết định trở về nhà, không phải như một người con, mà như một đầy tớ. Trong lòng chất đầy tội lỗi và nhiều hổ thẹn. Điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu lên tiếng để xin được tha thứ, thì người cha không để cho anh nói, mà ôm chầm lấy anh, hôn anh, và cho dọn một bữa tiệc ăn mừng. Nhưng tôi nói với anh chị em, mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, Thiên Chúa cũng ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này”.[xix]  

Ở trong vòng tay của Thiên Chúa, như người con hoang đàng, là một ân sủng của tình yêu. Trong tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta nhận được phúc lành bình an thực sự. Sự bình an sâu thẳm này, chúng ta không thể tìm thấy ở nơi đâu và nơi người nào khác. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, là nguồn mạch của bình an. Là người Cha nhân hậu, Ngài luôn đứng ở cửa nhà chờ chúng ta, những người tội lỗi có lòng sám hối, trở về để Ngài ôm ấp, để Ngài trao ban những nụ hôn của thứ tha, của an bình. Với sự bình an cùng lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi hãy trao ban bình an cho mọi người khác, cụ thể qua chính đời sống yêu thương, như Chúa đã yêu thương chúng ta.

 

[i] PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.43-44.

[ii] X. VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation - Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.

[iii] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation - Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.83.

[iv] Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện của ĐTC Benedicto XVIban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phao-lô VI. Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. Nguồn: giaoly.org.

[v] ROLHEISER R, OMI., Bài viết Cầu nguyện trong cơn khủng hoảng (17.3.2013), nguồn: http://ronrolheiser.com

[vi] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation - Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.31.

[vii] VALLES C.G. SJ, Psalm for contemplation - Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.32.

[viii] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.114.

[ix] RATZINGER J., Thiên Chúa ở gần chúng ta, Nguyễn Luật Khoa OFM. dịch, NXB. Phương Đông - 2008, t.146.

[x] RATZINGER J., Thiên Chúa ở gần chúng ta, t.146-147

[xi] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1428.

[xii] Bài giáo lý của ĐTC Phanxcio về Bí Tích Hoà Giải, ban hành ngày 19 tháng 2 năm 2014, trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. http://www.giaoly.org/

[xiii] CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, t.109-110.

[xiv] RAUSCH T. SJ., Đạo Công Giáo thiên niên kỷ thứ ba, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông C.Ss.R., chuyển ngữ, NXB. Tôn Giáo, t.236.

[xv] Bài giáo lý của ĐTC Phanxcio về Bí Tích Hoà Giải, ban hành ngày 19 tháng 2 năm 2014.

[xvi] Bài giáo lý của ĐTC Phanxcio về Bí Tích Hoà Giải, ban hành ngày 19 tháng 2 năm 2014.

[xvii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1468.

[xviii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1469

[xix] Bài giáo lý của ĐTC Phanxcio về Bí Tích Thánh Thể, ban hành ngày 12 tháng 2 năm 2014, trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. http://www.giaoly.org/

bottom of page