top of page

Phần mở đầu (B)

- Các Mối Phúc – Tám Mối Phúc Thật – Bát Phúc.

 

Tám Mối Phúc Thật hay Các Mối Phúc hoặc còn gọi là Bát Phúc, là lời kinh quen thuộc và nền tảng, đến nỗi có người Ki-tô hữu đã đồng hoá Tám Mối Phúc Thật với Bài Giảng Trên Núi. Nhưng các Mối Phúc lành không chỉ quen thuộc với người Ki-tô hữu, mà còn được nhiều người ngoài Ki-tô giáo chú ý, học hỏi và đào sâu. Như Gandhi rất thường trích dẫn các Mối Phúc. Gandhi là một người Ân Độ giáo và ông ta rất thường đọc Thánh Kinh. Nơi các Mối Phúc, ông ta đã tìm thấy được tinh thần bất bạo động - ahimsa để giải quyết những tranh chấp của con người với nhau. Đó cũng là tinh thần sống của ông. Ông ta đã nói rằng: “Mỗi một suy nghĩ xấu xa, mỗi một sự sợ hãi không đáng để có, mỗi sự dối trá, mỗi cảm giác hận thù, mỗi sự xúc phạm và chà đạp người thân cận đều trái ngược với nguyên lý của ahimsa - tinh thần bất bạo động. Qua đó, một thương tổn lớn xảy ra, khi chúng ta cứ ôm ấp những điều đó, những điều đưa lại sự bất hạnh cho thế giới”.[i] Như vậy, các Mối Phúc có một hấp lực rất mạnh.

 

Nhớ lại thời ấu thơ ở giáo xứ của quê hương, các trẻ em chúng tôi được dạy đọc kinh Tám Mối Phúc Thật. Đó là một lời kinh nền tảng và quan trọng, được cả cộng đoàn Giáo Xứ đọc mỗi sáng Chúa Nhật, cùng với nhiều lời kinh nền tảng và căn bản khác. Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có ghi: “Các Mối Phúc là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giê-su. Việc công bố các Mối Phúc là lặp lại các lời hứa đã được ban cho dân Chúa chọn khởi từ tổ phụ Abraham. Các Mối Phúc kiện toàn các lời hứa này, bằng cách không còn chỉ hướng đến việc thừa hưởng một mảnh đất hứa, nhưng là hướng đến Nước Trời”.[ii]

 

Các Mối Phúc hướng chúng ta, những người Ki-tô hữu đến Nước Trời. Hiểu theo ý nghĩa này, có thể nói rằng, các Mối Phúc chỉ ra con đường của người Ki-tô hữu cần bước đi. Ở cuối con đường đó là cánh cửa Nước Trời được mở ra. Khi đạt được đích đến đó, đời sống người Ki-tô hữu tìm được sự trọn vẹn và ý nghĩa tròn đầy, ý nghĩa đó nằm ở nơi Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi chúng ta. Trong lịch sử Giáo Hội, các giáo phụ, các vị thánh và các thần học gia luôn coi các Mối Phúc có tầm quan trọng cho đời sống Đức Tin của người Ki-tô hữu. Vì thế, các ngài luôn cố gắng giải thích các Mối Phúc để giúp cho tín hữu hiểu và sống.

 

- Các Mối Phúc và một số cách thức giải thích.

 

Khi đọc các Mối Phúc người ta sẽ khám phá ý nghĩa rất hữu ích cho đời sống thiêng liêng và Đức Tin. Như thế, các Mối Phúc giúp ích cho các tín hữu thăng tiến đời sống Đức Tin. Điều mà Thánh Grêgô Cả nói có thể áp dụng cho các Mối Phúc: “Cum legentibus crescit”, có thể hiểu trong tinh thần suy niệm các Mối Phúc là: các Mối Phúc sẽ lớn lên với người đọc các Mối Phúc.[iii] Thật vậy, Lời Chúa luôn soi tỏ cho mọi người những ý tưởng, những hướng dẫn mới, Lời Chúa là nguồn nước trường sinh vô tận mà con người không bao giờ múc cạn, và để hiểu được Lời Chúa chúng ta luôn cần được Chúa Thánh Thần soi sáng, và được hướng dẫn bởi Giáo Hội, cũng như qua sự hỗ trợ của các học giả Thánh Kinh và các thần học gia. Có nhiều cách chú giải khác nhau về các Mối Phúc. Dưới đây chỉ xin sơ lược vài cách thức chú giải các Mối Phúc.

 

Trước hết, xin ngắn gọn nhắc đến cái nhìn của anh em Tin Lành.[iv] Luther, theo trường phái của Giáo Hội thời cổ, giải thích các Mối Phúc trong ý nghĩa luân lý, và Luther hiểu các điều dạy bảo trong các Mối Phúc như là nội dung của Phúc Âm. Trong một bài giảng vào năm 1725, Zinzendorf (1700-1760) đã coi Tám Mối Phúc như là sự diễn đạt về con đường cho những người khát khao hồng ân. Trên con đường đó người ta có thể học biết phải ứng xử với người đồng loại như thế nào. Cũng có những cố gằng chú giải các Mối Phúc như là trật tự cho cuộc sống sinh hoạt của cộng đoàn. Bonhoeffer (1906-1945), một mục sư Tin Lành chết dưới chế độ Phát xít, trong tác phẩm Nachfolge, nhìn các Mối Phúc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của cộng đoàn tín hữu tin vào Chúa Ki-tô: “Cộng đoàn của các Mối Phúc là cộng đoàn của Đấng chịu đóng đinh. Với Ngài cộng đoàn đã đánh mất tất cả và với Ngài cộng đoàn đã tìm thấy tất cả. Giờ đây, từ Thánh Giá có tiếng vang: phúc thay, phúc thay”.[v] Ngoài ra, theo Anselm Gruen, chung chung trong truyền thống của anh em Tin Lành, cách thức chú giải các Mối Phúc hướng theo cách nhìn: Thiên Chúa ảnh hưởng trên con người và ban cho họ ơn cứu rỗi. Con người không cần phải làm gì cả.[vi]

 

Còn trong truyền thống của Công Giáo, có một số cách giải thích khác nhau. Trước hết, giáo phụ Ambrosio nhìn các Mối Phúc là tổng hợp các nhân đức đan với nhau cách chặt chẽ giúp cho tín hữu đạt tới đời sống nhân đức tốt lành.[vii] Đặc biệt Ambrosio nhìn bốn Mối Phúc trong Lu-ca như là bốn nhân đức trụ theo triết học của Aristoteles. Còn bản văn của Mát-thêu được Ambrosio giải thích rằng, Tám Mối Phúc này giải thích và phát triển thêm dựa trên bốn nhân đức trụ.[viii] Bốn nhân đức trụ là các nhân đức chính gồm: Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ, như đã nhắc ở trên. Cùng với cái nhìn của thánh Ambrosio, thánh Chromatius (+ ca.406) đã giải thích cách ngắn gọn mỗi Mối Phúc, bằng cách ngài nhấn mạnh đến các nhân đức giúp chúng ta sống cách thực tế trong đời thường. Thánh Jean Chrysostome (ca.344 – 407) cũng nhìn các Mối Phúc như là những giáo huấn chung liên hệ đến tinh thần sống các nhân đức trong đời sống thực tế. Cũng ở trong chiều hướng này, còn có các thánh Grégoire de Nysse (ca.331 – 394), thánh Léon le Grand (ca.390 – 461), và thánh Bernard de Clairvaux (ca.1090-1153). Thánh Grégoire de Nysse trong tập sách bài giảng về các Mối Phúc Les Béatitudes, nhìn các Mối Phúc như là đỉnh cao của một ngọn núi. Các Mối Phúc được ca ngợi như là tám nhân đức mà người Ki-tô hữu cần tập sống.

 

Như thế, con đường dẫn đến hạnh phúc sẽ phải qua cửa tập sống các Mối Phúc mà Chúa Giê-su loan báo. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cách giải thích luân lý, Grégoire de Nysse còn diễn tả đỉnh cao của ngọn núi là kinh nghiệm siêu việt về Thiên Chúa, trên đỉnh cao đó con người tự do hoàn toàn với thế giới, và sống gần gũi bên Thiên Chúa, và có thể trở nên một với Chúa. Như thế Grégoire de Nysse nhìn hạnh phúc của con người trong tinh thần trở nên giống Thiên Chúa và hoàn thiện như Ngài. Nếu con người được Chúa Giê-su dẫn lên đỉnh núi cao và qua tinh thần tập sống tám nhân đức của các Mối Phúc, thì con người mỗi ngày sẽ giống Thiên Chúa hơn. Đó là hạnh phúc đích thật.[ix] Thánh Bernard de Clairvaux cũng nhìn các Mối Phúc như là những nhân đức căn bản và quan trọng cho đời sống người Ki-tô hữu.

Kế bên cách nhìn trên, có một số vị thánh nhìn các Mối Phúc trong chiều kích siêu nhiên. Thánh Âu-tinh là một điển hình. Ngài đã coi các Mối Phúc không chỉ là các nhân đức, mà ngài nhấn mạnh các Mối Phúc là những món quà, cụ thể là bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần ban tặng. Như thế, Mối Phúc thứ tám tóm tắt bảy Mối Phúc trước đó, và như vương mệnh đặt trên bảy Mối Phúc đó. Với bảy Mối Phúc này, Chúa Giê-su muốn đưa chúng ta đi vào kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Đích đến của kinh nghiệm này là được chiêm nghưỡng Thiên Chúa, trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa với tư cách là những người con trai và con gái của Thiên Chúa, và cuối cùng là được bước vào Nước Trời, nơi mà chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngoài ra, Âu-tinh còn nối kết bảy Mối Phúc với bảy lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha. Đó là những ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta cần phải cầu xin. Nhưng đó cũng là những trách nhiệm mà con người chúng ta cần đón nhận, để tạo nên sức sống đúng theo tinh thần của các Mối Phúc và của Kinh Lạy Cha. Nói khác đi, thánh Âu-tinh đã nối kết cách giải thích các Mối Phúc của thánh Ambrosio với cách giải thích mang tính cách siêu nhiên (mystische Interpretation).[x]

 

Cùng có cái nhìn mang tính cách siêu nhiên về các Mối Phúc như thánh Âu-tinh, có thánh Bède (ca.673-735), thánh Pierre Damien (ca.1007-1073) cũng nhìn các Mối Phúc là hồng ân của Thiên Chúa, và trong hồng ân đó tín hữu tìm thấy các nhân đức cần có để sống hoàn thiện. Còn Thánh Tôma Aquino thì coi các Mối Phúc như là các nhân đức căn bản (theo chiều hướng của thánh Ambroise), nhưng ngài cũng nhìn các Mối Phúc như là những hành động ân sủng của Chúa Thánh Thần (theo thánh Âu-tinh). Dù có hai cái nhìn đó, nhưng thánh Tôma vẫn nghiêng chiều về cái nhìn của thánh Âu-tinh hơn.[xi]

 

Đó là hai cách nhìn khác nhau về các Mối Phúc của các thánh và các nhà thần học. Nhưng thực ra, có thể nói hai cái nhìn trên có liên hệ với nhau cách chặt chẽ. Các Mối Phúc là các nhân đức. Các nhân đức này được tìm thấy sự toàn thiện nhờ chính các ân sủng mà tín hữu nhận được từ Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, để sống các nhân đức được diễn tả trong các Mối Phúc, người ta cần có ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng là thầy dạy chân lý, Đấng hướng dẫn chúng ta đến sự toàn thiện theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giê-su. Chính Thiên Chúa qua Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta các Mối Phúc, và qua Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta ân sủng cần thiết để sống các Mối Phúc. Mục đích của tinh thần sống các Mối Phúc là sự kết hiệp nên một với Thiên Chúa.

Như vậy, việc giải thích các Mối Phúc của các giáo phụ không chỉ theo hướng luân lý, mà các ngài hiểu các Mối Phúc như là những bậc thang dẫn đến với Chúa, là con đường trở nên một với Chúa. Origines đã nhìn sự kết hiệp bên trong giữa luân lý và siêu việt. Chúa Giê-su ban cho chúng ta sức mạnh để có thể thực hiện các nhân đức mà Ngài đã giảng trong các Mối Phúc. Chúng ta cần nỗ lực cố gắng sử dùng sức mạnh này. Chúa Giê-su không chỉ ban cho chúng ta sức mạnh, để chúng ta có thể leo lên đỉnh núi của hạnh phúc. Chính Ngài là món quà thật sự. Ngài chính là Nước Trời. Ngài chính là sự ủi an dành cho chúng ta. Ngài chính là mảnh đất hứa ban cho chúng ta. Ngài chính là phần thưởng mà chúng ta nhận được. Qua các nhân đức chúng ta đến được với Chúa Ki-tô, Đấng sống trong chúng ta. Và qua Chúa Giê-su chúng ta tìm thấy được con người thật của mình, tìm thấy được viên ngọc quý giá, mà chúng ta cần phải bán đi tất cả để có được viên ngọc đó (x.Mt 13,45tt), hầu đạt được hạnh phúc đích thật. Vì vậy, Origines hiểu các Mối Phúc là con đường của nghệ thuật sống dành cho người Ki-tô hữu, con đường thiêng liêng dẫn đến hạnh phúc đích thật.[xii] Đó là một số cách giải thích các Mối Phúc của các giáo phụ và của các nhà thần học. Còn các nhà chú giải Thánh Kinh cũng có cách thức giải thích theo chuyên môn riêng của họ.

 

- Giải thích các Mối Phúc của một học giả Thánh Kinh.

 

Ở đây, xin đơn cử Đức Cố Hồng Y Carlo Maria Martini SJ., một học giả Thánh Kinh lỗi lạc.[xiii] Đối với Martini, có hai vấn đề căn bản liên quan đến cách giải thích các Mối Phúc. Thứ nhất là cách thức diễn giải exegetischer, và thứ hai là khoa chú giải bản văn cổ hermeneutischer.

 

Cách thức diễn giải exegetischer có hai khía cạnh. Trước hết người chú giải cần xác định xem, dựa trên điểm nào họ nên tìm hiểu các Mối Phúc: (1) Có thể dựa trên chính những lời nói thực sự của Chúa Giê-su, nghĩa là dựa trên cách thức các Mối Phúc được thông truyền từ người này qua người nọ (muendliche Formulierung và muendliche Ueberlieferung). (2) Hay dựa trên chính bản văn đã được viết ra mà chúng ta đang có.

 

Cụ thể hơn, chúng ta thấy rằng, trên điểm thứ nhất, với những lời nói thực sự của Chúa Giê-su được thông truyền từ người này qua người nọ, các Mối Phúc là một lời loan báo trọng thể và tràn đầy niềm vui về Nước Trời: Phúc cho người nghèo, vì Nước Trời là của họ. Mối Phúc này thay đổi hoàn cảnh nghèo của họ. Điều mà Chúa Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi, được Mát-thêu viết lại như là những lời an ủi - paraklese. Ai khóc hay nghèo khổ trong tinh thần, ai hiền lành và nhân hậu, thì chắc chắn Nước Trời sẽ thuộc về họ. Kế bên lời paraklese này, thì đồng thời có lời kêu gọi mang tính thách đố - paraenese, để người nghe cố gắng sống đúng tư cách là môn đệ Chúa. Khi Tin Mừng biến đổi đời sống của người đọc và người nghe, thì điều mà tác giả Tin Mừng nhấn mạnh được biểu lộ và hiện thực hoá. Đó là: điều cần thiết và quan trọng là Tin Mừng biến đổi đời sống của con người, giúp họ trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.

 

Về điểm thứ hai, dựa trên chính bản văn được viết ra mà chúng ta đang có, người chú giải cần phải chuyển ngữ cho đúng từng từ một trong bản văn, và qua đó khám phá được sứ điệp của bản văn thực sự muốn nói. Đây là công việc mang tính cách nghiên cứu. Một thí dụ như từ ngữ hiền lành trong Mối Phúc thứ hai. Với một số tác giả, hiền lành được giải thích theo ý nghĩa chính trị. Người hiền lành là người từ chối bạo lực, từ chối những cuộc chiến tranh, từ chối những cuộc khủng bố. Nhưng với một số tác giả khác, hiền lành lại mang ý nghĩa luân lý. Người hiền lành là người làm chủ và kìm hãm được những cơn nóng giận. Còn với một số người khác nữa, hiền lành lại đồng nghĩa với sự khiêm nhường. Thật vậy, không dễ dàng để xác định ý nghĩa của từ ngữ trong bản văn. Đó là hai điểm của cách thức diễn giải exegetischer.

 

Tiếp đến, là khoa chú giải bản văn cổ hermeneutischer. Với cách thức này, đầu tiên Martini đặt ra một câu hỏi: Hôm nay, tôi cần phải sống các Mối Phúc như thế nào? Với Martini, trong cách thức này, không nhất thiết phải đi vào cuộc tranh luận thật kỹ lưỡng theo tính cách exegetisch, nghĩa là phân tích từng từ ngữ và khám phá ra ý nghĩa của từ ngữ đó. Điều quan trọng và căn bản ở đây là hiểu được sứ điệp trong tính toàn bộ của bản văn, và sau đó đặt ra câu hỏi: Hướng về Nước Trời, điều gì làm cho tôi hôm nay được hạnh phúc? Hay câu hỏi: Hướng về Nước Trời, tôi tự hỏi bản thân mình, điều gì tôi đang thiếu thốn? Tôi sẽ vui mừng về điều gì, nếu tôi được ban tặng điều đó? Ở đây, mỗi người được mời gọi để khám phá: Đối với anh hay với chị ý nghĩa của những lời trong Tin Mừng là gì, và dựa trên tinh thần cũng như những lời của các Mối Phúc, anh chị có thể suy xét xem, điều gì làm cho anh chị hôm nay được vui mừng? Điều gì mang ý nghĩa hạnh phúc trong cái nhìn riêng của anh chị? Nếu không đặt những câu hỏi như vậy, Lời Chúa sẽ không mang lại ý nghĩa thực tế cho người đọc, ngay cả cho các nhà chú giải chuyên môn.

 

Martini cũng chia sẻ chân thành như sau: Tôi rất vui mừng khi nhận ra rằng, Chúa Giê-su là duy nhất và là tất cả đối với tôi, và Chúa Giê-su không bám chặt vào những lầm lỗi của tôi, Ngài là lời cầu nguyện của tôi, Ngài là sự công chính của tôi, là sự trung tín của tôi, là tinh thần đạo đức của tôi, và là sự cứu rỗi đích thực của tôi. Đó là phúc lành đối với tôi. Phúc lành này tôi tìm thấy trong Tin Mừng, và phúc lành này cũng trở thành phúc lành của tôi, vì tôi đã học biết phúc lành này qua nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống, trong tinh thần của các Mối Phúc, trong tinh thần của sự khiêm tốn, của an bình, của lòng nhân hậu, của niềm tin và của sự giải thoát khỏi sự buồn sầu.[xiv] 

 

Như thế, chúng ta có thể chuyển ngữ tinh thần của các Mối Phúc vào trong nhiều phương diện của cuộc sống chúng ta, như vào trong sự cảm nhận và suy nghĩ, để tinh thần các Mối Phúc soi sáng và hướng dẫn mọi cách hành xử căn bản của chúng ta. Chúng ta có thể làm được điều này, khi chúng ta khiêm tốn và đón nhận, học hỏi và tìm cách sống các Mối Phúc, như là kim chỉ nam cho cuộc sống làm người và làm con cái của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mời gọi, để diễn tả các Mối Phúc gần với các hoàn cảnh trong cuộc sống của mình, và dưới ánh sáng của Tin Mừng chúng ta có thể kiểm tra lại cuộc sống của mình và chỉnh đốn lại những gì cần thiết. Nhờ đó, chúng ta mỗi ngày trở thành môn đệ của Chúa nhiều hơn. Vì thế, chúng ta không bao giờ mất đi ý thức: Lời của Chúa về các Mối Phúc đang nói với tôi đây.

 

Luôn luôn ở dưới ánh sáng của Tin Mừng, cũng có nghĩa là luôn hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng đã rao giảng các Mối Phúc, cũng như đã sống các Mối Phúc một cách triệt để, như Thánh I-nhã nhắc nhớ trong phương pháp cầu nguyện của Linh Thao với một trong những lời cầu xin nền tảng: “Xin cho con được biết Chúa nhiều hơn, yêu Chúa thắm thiết hơn và theo Chúa sát hơn”. Vì thế, trong tập sách này, khi suy niệm từng Mối Phúc, luôn có phần hướng nhìn lên Chúa Giê-su, để chiêm ngắm, thấm nhuần và học noi gương Ngài, để sống như Ngài đã sống. Cụ thể hơn, xin được theo phương pháp Lectio Divina mà Martini[xv] đề nghị với ba bước:

 

1. Lectio: tìm hiểu một số thuật ngữ và một số yếu tố quan trọng trong từng câu.

2. Meditatio: suy niệm về sứ điệp, về giá trị mà Lời của Chúa Giê-su muốn giới thiệu.

3. Contemplatio: hướng nhìn lên Giê-su, lên trái tim của Người Con. Nhờ đó, chúng ta có thể đón nhận được những câu hỏi cho chúng ta, những câu hỏi về thái độ sống cần có của chúng ta, làm thế nào để mỗi ngày trở nên Môn Đệ đích thực của Chúa nhiều hơn, nhờ đó đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Tinh thần các Mối Phúc là con đường đưa chúng ta tìm gặp được hạnh phúc, hạnh phúc tuyệt hảo nhất là khi chúng ta được kết hiệp với Chúa Giê-su và với Chúa Giê-su, chúng ta được nên một với Thiên Chúa chúng ta. Như thế, các Mối Phúc là con đường dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đích thực.

 

- Passivum divinum – Thiên Chúa, Đấng hành động trong các Mối Phúc.

 

Trong tinh thần các Mối Phúc, chúng ta nhận được những món quà quý báu mà chính Chúa Giê-su hứa ban. Đó là Nước Trời trong Mối Phúc thứ nhất (Mt 5,3) dành cho những người nghèo khó, và Nước Trời dành cho những ai bị bách hại vì sống công chính trong Mối Phúc thứ tám (Mt 5, 10). Đó cũng là đất hứa trong Mối Phúc thứ hai dành cho những người hiền lành (Mt 5,4). Như vậy, không phải bởi các nhân đức của con người đưa lại những phần thưởng lớn lao được nêu lên trong các Mối Phúc. Những phần thưởng và những món quà hay ân sủng, không phải là công trạng mà người đạo đức có quyền nhận được. Thật vậy, các ân sủng trong Mối Phúc đi ngược lại với công thức bình thường của con người Tun Ergehen Zusammenhang, nghĩa là không theo kiểu liên hệ chặt chẽ giữa việc làm và những hoa quả của việc làm đó. Nước Trời thuộc về người nghèo, người sầu khổ thì được ủi an…Đó là cách diễn đạt hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban. Passivum divinum – có ý nghĩa nói về Thiên Chúa là Đấng hành động. Và khi Ngài hành động, Ngài không lệ thuộc vào công thức Tun Ergehen Zusammenhang của con người. Hành động của Ngài hoàn toàn tự do và đưa lại những món quà nhưng không, những món quà không đặt ra bất cứ điều kiện gì.[xvi] Chính hành động của Thiên Chúa đã biến đổi biết bao nhiêu người. Hành động của Ngài đưa lại ân sủng cao quý, để với ân sủng đó, con người cộng tác với Chúa qua chính sự hy sinh và quyết tâm của mình, nhờ đó đến gần được với Chúa hơn, như Thánh Phanxicô thành Assisi.

 

- Phanxicô thành Assisi được Thiên Chúa biến đổi qua các Mối Phúc.

 

Trong lịch sử Giáo Hội, không ít các Thánh đã đón nhận tinh thần các Mối Phúc, và cuộc sống của họ đã được biến đổi hoàn toàn theo tinh thần này của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể kể đến Thánh Phanxicô thành Assisi (1181-1226). Chính các Mối Phúc của Bài Giảng Trên Núi, chính sự nghèo khó của Chúa Giê-su và đời sống luôn quan tâm chăm sóc người nghèo khổ của Chúa đã thúc đẩy một thanh niên, con của một gia đình giàu có, nói không với kho tàng của trần gian, để chọn một cuộc sống nghèo khó và khiêm hạ.[xvii]  Sự chọn lựa này hướng đến một đích đến rõ rệt: “Phanxicô thành Assisi được lời hứa của Mối Phúc thứ nhất ôm chặt lấy cách triệt để, đến nỗi đã trả lại quần áo của mình và để cho Đức Giám Mục mặc cho thánh nhân bằng cách khác, người đại diện cho lòng cha nhân từ của Thiên Chúa, qua đó hoa huệ ngoài đồng được mặc xiêm y đẹp hơn cả xiêm y của vua Sôlômon (x.Mt 6,28-29).

 

Đối với Phanxicô, trên hết tất cả, lòng khiêm nhường tuyệt đối này đã trở thành sự tự do để phục vụ, tự do để truyền giáo, sự tin tưởng tột bực vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc không chỉ hoa cỏ ngoài đồng, nhưng cách đặc biệt cho con cái nhân loại của Chúa. Đó là cách Phanxicô sửa sai Hội Thánh vào thời của ngài, vì trong thời phong kiến, Hội Thánh đã đánh mất tự do và năng động truyền giáo để vươn ra bên ngoài. Chính việc mở ra cho Đức Ki-tô tận sâu thẳm bên trong, Đấng mà Phanxicô đã được hình dung trước qua năm dấu thánh, quá tuyệt vời đến nỗi từ đó, thánh nhân không còn sống cho chính mình, nhưng như một con người được tái sinh, hoàn toàn từ và trong Đức Ki-tô. Bởi vì thánh nhân không sáng lập một dòng tu: Ngài chỉ muốn quy tụ Dân Chúa lại để lắng nghe Lời, mà không vượt qua tính nghiêm trọng trong lời mời gọi của Thiên Chúa qua các phương tiện chú giải uyên bác”.[xviii] Qua hình ảnh của thánh Phanxicô thành Assisi, chúng ta nhận ra được sức mạnh của Lời Chúa, của các Mối Phúc. Nơi đó, người ta tìm thấy một kho báu, một nguồn sống có sức biến đổi, và hướng dẫn người Ki-tô hữu tìm gặp được Chân-Thiện-Mỹ, tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy Nước Trời, và trên hết tìm gặp được Thiên Chúa, Đấng yêu thương.

 

- Các Mối Phúc – kho báu, nguồn sống dồi dào, hiến chương cho người Ki-tô hữu trên hành trình đi tìm hạnh phúc.

 

Các Mối Phúc chứa đựng một kho báu, một nguồn sống dồi dào, và mọi người đều có thể đến để kín múc trên hành trình Đức Tin của mình. Như đã nói ở trên, thánh Grêgô Cả đã nhìn các Mối Phúc theo tâm tình cum legentibus crescit, có ý nghĩa là, các Mối Phúc cùng lớn lên với người đọc các Mối Phúc.[xix] Nói khác đi, Lời Chúa luôn đưa lại những gợi ý mới và những ý tưởng phong phú, tương hợp những nhu cầu mới và những vấn nạn mà người đọc đang có, trong khi họ đang đọc Lời Chúa. Trong số các tác giả đương thời viết các tập sách suy niệm về các Mối Phúc, Linh mục Cantalamessa trong tập sách Beatitudes nói rằng: “Các Mối Phúc là nguồn mạch cảm hứng trong mọi thời gian, bởi vì Người công bố các Mối Phúc đã trỗi dậy và đang sống”.[xx] Còn Bernard Rérolle trong tập sách Dynamique des béatitudes, nhìn các Mối Phúc như là tám chìa khoá quan trọng, để có thể mở được cánh cửa bước vào một căn phòng lớn với biết bao điều mới mẻ cho đời sống Đức Tin, với ánh sáng mới soi sáng và chỉnh đổi đời sống của người Ki-tô hữu theo tinh thần của Tin Mừng.[xxi] Không chỉ như thế, Rérolle còn coi các Mối Phúc mà Chúa Giê-su dạy là bản hiến chương cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa, và cho cuộc chiến đấu của con người chúng ta trong đời sống thực tế. Hơn nữa, các Mối Phúc là một chương trình mang nhiều chuyển động, một chương trình bao quát và trực tiếp đi sát với cuộc sống thường ngày.[xxii]

Anselm Gruen, tu sĩ Biển Đức và là một nhà tâm lý học và thiêng liêng học, với tập sách suy niệm các Mối Phúc Glueck Seligkeit đã nhìn: “Các Mối Phúc là con đường dẫn đến một cuộc sống thành công trong ý nghĩa trọn vẹn của nó. Các Mối Phúc diễn tả cách sống đúng đắn của con người với chính bản thân mình…Và các Mối Phúc cũng là mẫu thức cho cách hành xử của con người chúng ta với nhau. Từ trên núi cao, Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta một kiểu mẫu sống, để chúng ta có thể hành xử với nhau đầy nhân bản, trong bình an và cuối cùng tìm được hạnh phúc với nhau. Chỉ những ai luôn luôn nhìn hai cách thức này – vừa biết hành xử tốt với chính bản thân, vừa biết hành xử tốt với người khác trong môi trường xung quanh, người đó sẽ khám phá ra rằng, cuộc sống của người đó tìm thấy một ý nghĩa và cuộc sống đó thành công thực sự”.[xxiii] Carlo Maria Martini, với tập sách suy niệm các Mối Phúc Selig seid ihr!, đã coi các Mối Phúc như là chương trình sống dành cho người Ki-tô hữu.[xxiv]  Đặc biệt, Ratzinger, thần học gia uyên bác, cũng là ĐTC. Benedicto XVI đã coi các Mối Phúc là con đường của tình yêu.

 

- Con đường của các Mối Phúc là con đường của tình yêu.

 

Trong tập sách Credo fuer Heute – Kinh Tin Kính cho hôm nay, thần học gia Ratzinger đã mô tả hình ảnh của Ki-tô hữu đích thực, khi Ngài nói đến Bài Giảng Trên Núi: “Ki-tô hữu là người không tính toán, mà là người làm mọi sự thật là dồi dào. Như thế, Ki-tô hữu là người luôn biết yêu thương, nên không bao giờ hỏi: Tôi còn phải đi xa đến bao giờ nữa…, Ki-tô hữa là hạng người đơn sơ chỉ đi tìm điều tốt lành, mà không tính toán gì cả…Nhưng như thế không có nghĩa là Ki-tô hữu không bao giờ làm điều lầm lỗi. Ngược lại, Ki-tô hữu luôn biết rằng anh ta có lầm lỗi, và bên cạnh đó anh ta luôn cởi mở và sẵn lòng với Thiên Chúa, với mọi người, như anh ta đã được Thiên Chúa và mọi người mở lòng yêu thương”.[xxv] Là người biết yêu thương, Ki-tô hữu thực hiện những điều tốt lành mang tính luân lý, nhưng không bao giờ dừng lại ở đó, vì với Ratzinger, nếu hiểu tinh thần các Mối Phúc trong ý nghĩa luân lý thì chưa đủ. Đọc tiếp tâm tình của Ratzinger: “Bài Giảng Trên Núi còn muốn hướng chúng ta đi xa hơn đến với sự dồi dào và hào phóng. Sự hào phóng và dồi dào này không mang ý nghĩa là chúng ta sẽ trở nên những con người hoàn thiện không vương vấn bất cứ lầm lỗi nào, nhưng có ý nghĩa là chúng ta đi tìm cách sống của người biết yêu thương. Đó là người không tính toán, mà chỉ biết yêu thôi”.[xxvi] Khi sống tinh thần yêu thương cách triệt để và vô vị lợi, người ta tiến gần đến với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tình yêu, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Người Con yêu dấu cho chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài đến để mang lại Tin Mừng cho chúng ta, Tin Mừng đem lại hồng phúc, đặc biệt qua chính các Mối Phúc mà Chúa Giê-su đã rao giảng và sống cách trọn vẹn.

 

- Con đường của các Mối Phúc là con đường bước theo Chúa Giê-su.

 

Bước đi trên con đường của các Mối Phúc là đang bước theo Chúa Giê-su. Thật may mắn, khi tín hữu không lẻ loi cô đơn trên hành trình này. Và thật quý báu biết bao, khi họ bước theo chính Đấng đã giảng và đã sống tinh thần của các Mối Phúc cách triệt để. Cuộc sống của Chúa Giê-su và lời giảng về các Mối Phúc của Ngài là một. Chúa cũng hướng về các môn đệ của Ngài, cũng như tất cả những ai tin tưởng vào Ngài, và mong họ cũng đi theo con đường Chúa đi. Ratzinger đã diễn tả tinh thần bước theo Chúa trên con đường Mối Phúc: “Bối cảnh mà Lu-ca dàn dựng Bài Giảng Trên Núi minh định việc Đức Giê-su nói các Mối Phúc cho ai. ‘Ngài ngước mắt lên nhìn các môn đệ của Ngài’. Từng Mối Phúc là hoa quả của cái nhìn đến các môn đệ này. Có thể gọi các Mối Phúc là những điều kiện đích thật của các môn đệ Đức Giê-su: Họ là những người đang khóc lóc, nghèo khó, đói khát. Họ bị oán ghét và bị giết (x. Lc 6,20-23). Những lời tuyên bố này có nghĩa là liệt kê ra cách thực tế, nhưng cũng mang tính thần học, về các thuộc tính của người môn đệ Đức Giê-su, của những ai bắt đầu lên đường đi theo Đức Giê-su và đã trở thành gia đình của Ngài... Trong tầm nhìn nói với cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su, các Mối Phúc là những nghịch lý. Những tiêu chuẩn của thế gian bị đảo ngược ngay khi sự vật được nhìn với quan điểm chính đáng. Nói cách khác, giá trị của Thiên Chúa quá khác biệt với những giá trị của thế gian. Cách chính xác, những ai nghèo khó theo nghĩa trần gian, những ai bị xem như lạc mất linh hồn, họ lại là những người may mắn, được chúc lành, họ có đủ lý do để vui mừng và hân hoan ngay trong đau khổ của họ...

Nghịch lý mà Đức Giê-su đưa ra trong các Mối Phúc diễn đạt hoàn cảnh thật của tín hữu trong trần gian, cũng cùng một cách mà Phao-lô hay dùng để nói lên kinh nghiệm sống và đau khổ như một Tông đồ. ‘Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh, tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả’ (2Cor 6,8-10). ‘Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt’ (2Cor 4,8-9)... Phao-lô quan niệm mình đã được dựng nên ‘hạng chót của tất cả’, kẻ bị án tử hình, trò cười cho thế gian, vô gia cư, bị vu khống, khinh miệt (x.1Cor 4,9-13). Tuy vậy, Phao-lô kinh nghiệm niềm vui vô bờ bến. Như người bị trao nộp, người tự dâng hiến chính mình để đem Đức Ki-tô lại cho con người, Phao-lô kinh nghiệm sự liên kết nội tại với Thánh Giá và sống lại: Chúng ta được trao ban sự chết ‚để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. (2Cor 4,11). Trong những sứ giả của Ngài, chính Đức Ki-tô vẫn còn chịu đau khổ, vẫn còn bị treo trên Thánh Giá. Tuy thế, Ngài đã sống lại, sống lại cách bất biến...

Những nghịch lý mà thánh Phao-lô đã kinh nghiệm trong cuộc đời mình, liên quan đến nghịch lý của các Mối Phúc, vì thế, phô bày ra cùng một điều mà Gio-an diễn đạt theo cách khác, khi Gio-an gọi Thánh Giá của Thiên Chúa là sự vinh quang, việc nâng lên tới ngai Thiên Chúa trên cao. Gio-an đem Thánh Giá và sống lại, Thánh Giá và vinh quang vào chung một từ duy nhất, vì theo thánh nhân, đúng thế, điều này không thể biệt phân với điều kia. Thánh Giá là hành động ‘xuất hành’, hành động tình yêu hoàn tất tới cực điểm và đạt ‘đến cùng’ (x.Ga 13,1)...

Suy tư này về Phao-lô và Gio-an đưa ra cho chúng ta hai điểm. Thứ nhất, các Mối Phúc diễn đạt ý nghĩa về cuộc đời làm môn đệ. Khi các Mối Phúc càng trở nên cụ thể và càng thật hơn, người môn đệ càng hoàn tất việc tự hiến đời mình để phục vụ theo cách thức mà cuộc đời thánh Phao-lô đã chiếu sáng. Ý nghĩa của các Mối Phúc không thể được diễn tả trong những thuật ngữ thuần túy mang tính lý thuyết. Các Mối Phúc được công bố trong cuộc đời và sự đau khổ, và trong niềm vui nhiệm mầu của người môn đệ tự dâng hiến chính mình cách triệt để để đi theo Chúa. Điểm này dẫn đến điểm thứ hai: Đặc tính Ki-tô học trong các Mối Phúc. Người môn đệ liên kết với mầu nhiệm Đức Ki-tô. Cuộc đời của người ấy chìm sâu vào trong sự hiệp thông với Đức Ki-tô. ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi’ (Gl 2,20). Các Mối Phúc chuyển Thánh Giá và sống lại vào trong cuộc đời làm môn đệ. Nhưng các Mối Phúc được áp dụng cho các môn đệ vì trước tiên, chính Đức Ki-tô đã sống mẫu mực các Mối Phúc”.[xxvii]

Chúa Giê-su đã giảng và đã sống mẫu mực các Mối Phúc, và Ngài mời gọi tất cả các môn đệ và tất cả những ai tin vào Ngài cố gắng sống tinh thần các Mối Phúc trong mọi thời đại và ở mọi nơi. Tuy nhiên, đứng trước xã hội và thế giới hôm nay, chúng ta những người tin vào Chúa cũng nên hỏi xem, Ki-tô hữu còn có thể sống tinh thần các Mối Phúc và tinh thần của Bài Giảng Trên Núi trong xã hội hôm nay hay không?

 

- Còn có thể sống tinh thần các Mối Phúc và Bài Giảng Trên Núi trong xã hội hôm nay hay không?

 

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh đặt nền tảng trên Kinh Tế, và được hỗ trợ bởi Truyền Thông. Hơn nữa, xã hội này càng ngày càng bị khuynh hướng vô thần và tục hoá làm chủ. Đó là chủ nghĩa gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, hay làm ngơ Thiên Chúa, đến nỗi con người thời đại, đặc biệt người trẻ không còn màng tới vấn nạn về Thiên Chúa. Ngài có hay không chẳng là vấn đề phải bận tâm nữa, vì Ngài đâu có làm cho con người thêm giàu có, và Ngài chẳng đóng vai trò gì trong việc đi tìm hạnh phúc, nên không cần chú ý đến Ngài làm gì cho mất thời gian. Hơn nữa, có khuynh hướng cho rằng, không có gì là tuyệt đối, kể cả Thiên Chúa. Vì thế, sự sống của con người hôm nay tuỳ thuộc vào chính họ. Chung quy, chính con người là chủ, là chuẩn mực, là chân lý cho đời sống của họ. Vì thế, những giá trị luân lý và truyền thống trong gia đình, trong Giáo Hội, và cả trong xã hội bị coi là cổ hủ, không còn thích hợp với con người nữa.

 

Sống trong một xã hội tục hoá, đề cao cá nhân và vật chất, cũng như gạt bỏ và làm lơ Thiên Chúa, tín hữu đối diện với một thách đố thật lớn, đặc biệt các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm giáo dục Đức Tin cho các bạn trẻ và các em thiếu nhi gặp nhiều khó khăn. Trước những vấn nạn trên của xã hội hôm nay, làm sao tín hữu có thể sống tinh thần của Mối Phúc “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), làm sao có thể sống tinh thần trong sạch chỉ chọn Chúa là cùng đích, là trung tâm điểm của cuộc sống? Làm sao họ có thể sống để làm chứng tá cho mọi người trong xã hội hiện đại này ý thức được tinh thần yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu luôn chăm sóc và ban cho con người phẩm giá cao quý hơn mọi loại thụ tạo khác: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 7,25-26)? Làm sao họ có thể cầu nguyện lời Kinh Lạy Cha mỗi ngày, để chứng thực cho mọi người biết rằng, con người luôn có một Vị Cha chung trên trời, Người Cha yêu thương luôn lắng nghe lời của con cái cầu xin?

 

Hơn nữa, xã hội kinh tế hôm nay luôn đặt ý muốn và nhu cầu của con người là điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, nền kinh tế luôn có khuynh hướng khêu gợi lên những nhu cầu giả tạo cho con người thời đại, đến nỗi có những thứ xa xỉ phẩm hay những đồ vật mà con người chẳng cần đến cho cuộc sống bình thường, nhưng qua truyền thông và quảng cáo, con người thời đại đã gián tiếp để cho nền kinh tế gắn vào cuộc đời họ những nhu cầu ảo đó. Nhu cầu cần phải có một chiếc xe hơi hiệu và bóng loáng như người hàng xóm, nhu cầu cần phải thay đổi liên tục điện thoại di động đời mới, để không bị nhóm bạn đẩy lùi vào góc tối của cổ hủ, nhu cầu đi mua sắm thường xuyên với những túi đồ đưa về nhà cất giữ trong tủ, như là cất vào viện bảo tàng, đến nỗi có những thứ mấy năm sau coi lại chẳng biết mình đi mua ở đâu, mua lúc nào và cũng chưa bao giờ sử dụng tới. Như thế, các sản phẩm, việc buôn bán đổi chác, và đặc biệt khuynh hướng sống sung túc với tiêu thụ và hưởng thụ được đề cao. Đối diện với khuynh hướng sống này, chúng ta đọc thấy trong Bài Giảng Trên Núi: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19-21). Với lời Thánh Kinh này, chúng ta đụng tới câu hỏi: Làm sao người ta có thể sống điều Chúa Giê-su mời gọi ngay trong một xã hội đặt nền trên kinh tế và tiêu thụ?

Xã hội dân sự được xây dựng trên quyền căn bản của con người, như quyền của người thấp cổ bé miệng cần được bảo vệ trước những thế lực mạnh mẽ. Nhưng nếu chúng ta không thắng được quyền lực của sự dữ, thì những hệ thống luật pháp trong xã hội còn có ý nghĩa gì? Và nếu chúng ta cứ luôn mãi tha thứ, thì luật pháp đưa ra hình phạt cho những kẻ phạm tội còn có giá trị gì không? [xxviii].

Những yếu tố trên đưa chúng ta đi tới vấn đề cơ bản là: “Phải chăng hướng đi mà Chúa chỉ cho chúng ta trong các Mối Phúc và trong những lời cảnh báo tương ứng, thật sự là hướng đi đúng? Có thực giàu sang, no nê, vui cười, và được người khác ca tụng là một điều xấu xa hay không? Friedrich Nietzsche đã chĩa thẳng lời phê bình giận dữ của ông đến khía cạnh này của Ki-tô giáo. Ở đây, không phải nền giáo lý Ki-tô giáo cần được phê bình, nhưng chính nền đạo đức Ki-tô giáo cần được bóc trần ra như ‘tội tử hình chống lại cuộc sống’. Khi nói về ‘đạo đức Ki-tô giáo’, Nietzsche có ý nói thẳng đến hướng đi mà Bài Giảng Trên Núi đưa ra. ‘Tội nào là tội lớn nhất trên thế gian này? Chắc chắn, đó là những lời của con người đã nói ‘Khốn cho ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười’. Chống lại những lời hứa của Đức Ki-tô, Nietzsche nói rằng ‘chúng tôi không muốn Triều đại Thiên Quốc. Chúng tôi đã trưởng thành rồi, và như thế, chúng tôi muốn có vương quốc trần thế’. Nietzsche nhìn viễn tượng của Bài Giảng Trên Núi như một tôn giáo phẫn uất, như sự ghen tị hèn nhát và bất tài, những ai không kham nổi những đòi hỏi của cuộc đời và cố gắng trả thù chúng bằng cách chúc lành sự thất bại của chúng và nguyền rủa những người mạnh, người thành công và kẻ hạnh phúc. Quan điểm rộng mở của Đức Giê-su đi ngược lại tính trần tục chật hẹp, với ý muốn chiếm lấy thật nhiều từ thế gian, và những gì cuộc sống ban cho bây giờ, tìm kiếm thiên đàng nơi đây, và không bị cấm cản bởi bất cứ đắn đo nào trong khi làm như thế. Những điều này đã tìm ra con đường đi vào trong tâm trí của thời hiện đại, và hơn nữa đã làm cho con người thời nay cảm thấy như thế nào về cuộc đời. Chính vì thế, Bài Giảng Trên Núi đặt câu hỏi về sự chọn lựa Ki-tô giáo nền tảng, và như con cái của thời đại, chúng ta cảm thấy sự phản kháng từ bên trong, cho dù chúng ta vẫn bị đánh động bởi lời Đức Giê-su ca ngợi người hiền lành, người thương xót, người kiến tạo hòa bình và người trong sạch”.[xxix]

Ngoài ra, Ratzinger chia sẻ với nhà báo Peter Seewald, khi vị ký giả này đặt câu hỏi: Người công giáo hạnh-phúc hơn những người khác?

“Hạnh phúc là một khái niệm đa diện. Ông chỉ cần đọc bài giảng trên núi thì biết, bài giảng mở đầu với những chúc phúc. Có thể nói Chúa đã mở ra một trường dạy hạnh phúc, Ngài giới-thiệu cho nhân loại trường hạnh phúc: ‘Tôi chỉ đường cho quý vị’. Nhưng nếu đọc kĩ những lời dạy, ta thấy quan điểm hạnh phúc của Ngài khác xa với quan niệm con người vẫn có.

Đối với ta, có lẽ hạnh phúc là những ai có của, những ai có phương tiện làm đẹp cuộc đời mình, những ai sống an vui thoải mái và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời. Nhưng Chúa thì lại bảo: Hạnh phúc cho những kẻ đau buồn. Nghĩa là bài học hạnh phúc của Ngài thật mâu thuẫn, ít là khi đem so với những gì ta nghĩ về ý niệm này. Hạnh phúc của Ngài không đồng nghĩa với dễ dàng thoải mái. Có vậy mới hiểu thấu được chữ ‘quay trở về’ của Ngài. Ta phải rời bỏ những chuẩn mực thông thường – ‘hạnh phúc là tiền tài, của cải, quyền lực’. Đi trên đường đó là ta đang lạc đường. Ngài không hứa hẹn cho người theo Ngài một hạnh phúc ‘bên ngoài’, nhưng là một bảo đảm an lành tâm hồn qua việc kết hợp với Ngài. Dĩ nhiên ở đây cũng phải hiểu chính Ngài là tia sáng hạnh phúc tối hậu trong cuộc đời tín hữu Công giáo”[xxx].

Trở về với cái nhìn phê bình của Nietzsche, chúng ta càng thấy sự khẩn thiết của tinh thần Bài Giảng Trên Núi và các Mối Phúc. “Đối diện với hình ảnh con người của Nietzsche được đánh bóng và thật hấp dẫn, thì hình như con đường của các Mối Phúc là vô lý và đưa tới những bất hạnh. Nhưng thực sự đây mới chính là con đường cao cả của cuộc sống. Chỉ trên con đường tình yêu, và với những lối đi của con đường tình yêu đã được Bài Giảng Trên Núi diễn tả, mà sự phong phú dồi dào của cuộc đời, và sự cao cả về ơn gọi của con người mới mở ra”.[xxxi]

Như vậy, dù đối diện với những tư tưởng rất phê bình của các triết gia, và dù đứng trước những thách đố lớn trong xã hội hiện đại, người Ki-tô hữu vẫn cần phải sống tinh thần các Mối Phúc và tinh thần của Bài Giảng Trên Núi. Tinh thần của con đường tình yêu. Nhưng khi sống tinh thần này của Đức Ki-tô, chúng ta cũng không trở thành những giáo phái luân lý thiểu số sống biệt lập và xa cách với xã hội hiện đại, nghĩa là sống bên lề xã hội không cần đến tài khoản và ngân hàng, không cần đến toà án và luật pháp, không cần đến quân sự và cũng chẳng màng đến buôn bán và đổi chác. Ngoài ra, tinh thần của các Mối Phúc và Bài Giảng Trên Núi luôn giúp tín hữu đặt ra những vấn nạn trong cuộc sống của mình, giúp chúng ta có cái nhìn phê bình chính mình, phê bình những khuynh hướng sống mang tính tiêu cực, hay những khuynh hướng sống quá đề cao con người. Hơn nữa, tinh thần các Mối Phúc và Bài Giảng Trên Núi cũng đưa lại cho chúng ta những cảm hứng mới, để chúng ta sống gần Chúa hơn, qua ân sủng của Ngài và qua nỗ lực nhỏ bé của chúng ta.

 

Như thế, khi sống tinh thần các Mối Phúc là chúng ta ý thức rằng, các giá trị như no nê với giàu sang, mạnh mẽ với quyền lực, và thoả mãn các đam mê không tương hợp với giá trị của Phúc Âm, của Tin Mừng. Hơn nữa, khi sống tinh thần các Mối Phúc, chúng ta đồng ý với cách sống nghịch lý mà Chúa Giê-su đề nghị, nghĩa là đồng ý bơi ngược dòng với xã hội hôm nay, một cuộc bơi ngược dòng có giá trị, đòi hỏi nhiều hy sinh và sự tỉnh táo, niềm tin và niềm trông cậy, trên hết là lòng yêu mến Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của chúng ta.[xxxii]

Cũng trong cái nhìn này, thần học gia Ratzinger diễn tả như sau: “Tuy thế, hoàn cảnh kinh nghiệm đang đe dọa mà Đức Giê-su thấy nơi những ai đi theo Ngài lại trở thành một lời hứa khi Ngài đoái nhìn đến họ. Lời hứa sáng tỏ trong ánh sáng của Chúa Cha. Trong tầm nhìn nói với cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su, các Mối Phúc là những nghịch lý. Những tiêu chuẩn của thế gian bị đảo ngược ngay khi sự vật được nhìn với quan điểm chính đáng. Nói cách khác, giá trị của Thiên Chúa quá khác biệt với những giá trị của thế gian. Cách chính xác, những ai nghèo khó theo nghĩa trần gian, những ai bị xem như lạc mất linh hồn, họ lại là những người may mắn, được chúc lành, họ có đủ lý do để vui mừng và hân hoan ngay trong đau khổ của họ. Các Mối Phúc là những lời hứa lộng lẫy với hình ảnh mới về thế gian và về con người được Đức Giê-su khai mở, ‘sự biến đổi những giá trị’ của Ngài. Các Mối Phúc là những lời hứa cánh chung. Tuy nhiên, điều này  không có nghĩa rằng niềm vui mà các lời hứa công bố bị hoãn lại cho đến một tương lai xa xôi vô định hay chỉ áp dụng cho thế giới mai sau. Khi nào con người bắt đầu thấy và sống trong tinh thần của Thiên Chúa, khi nào họ đồng hành trên con đường của Đức Giê-su, lúc ấy, họ sống dựa theo những tiêu chuẩn mới, và một điều gì đó về cánh chung - Eschaton, của thực tại đang đến, nhưng đã hiện diện. Đức Giê-su đem niềm vui vào giữa đau buồn”.[xxxiii]

Như thế, người sống tinh thần các Mối Phúc sẽ cảm nghiệm niềm vui của Chúa Giê-su đưa tới một cách sâu xa. Tuy nhiên, sự cảm nghiệm này đòi hỏi người Ki-tô hữu cần phải can đảm sống một cuộc sống ngược dòng, và khác biệt. Radcliffe, một cha dòng Đa-minh, đã chia sẻ trong tập sách Warum Christ sein – Tại sao là Ki-tô hữu: “Ki-tô hữu cũng đã được kêu gọi sống âm thầm nhưng khác biệt với người khác, khác biệt đến nỗi người ta có thể từ từ nhận ra và hết sức ngạc nhiên về Ki-tô hữu. Trong thế kỷ thứ II, Tertullian đã tường thuật lại về sự ngạc nhiên này, nghĩa là người ta ngạc nhiên không hiểu tại sao các Ki-tô hữu lại yêu thương nhau như vậy. Hôm nay, cách sống của chúng ta, những Ki-tô hữu, có hàm chứa một điều gì đưa lại sự ngạc nhiên hay không?”[xxxiv] Câu hỏi của Radcliffe thật là thú vị đối với chúng ta, những Ki-tô hữu. Có thể nói câu hỏi đó đưa chúng ta đi vào tinh thần của các Mối Phúc và Bài Giảng Trên Núi, chúng ta có sống yêu thương như Chúa Giê-su dạy trong Bài Giảng Trên Núi, để qua đó tự nhiên người khác sẽ ngạc nhiên về tinh thần yêu thương của chúng ta không? “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp“ (Mt 5,4) và “phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42). “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

 

Khi sống tinh thần của các Mối Phúc và của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta, những tín hữu đang làm chứng cho Đức Tin; chúng ta đang nói về Đức Tin của chúng ta một cách thật sống động; chúng ta đang sống đúng căn tính của chúng ta là người thuộc về Chúa Giê-su, bởi vì chúng ta đang cấy vào thế giới vật chất này tinh thần của Chúa Giê-su. Balthasar nói rằng: “Ki-tô hữu là ai? Cuối cùng họ là người đã cấy và làm cho đâm rễ thật sâu tinh thần Ki-tô giáo vào giữa lòng thế giới này”.[xxxv]

Và khi sống tinh thần của các Mối Phúc và của Bài Giảng Trên Núi, thì những lời rao giảng về niềm tin, những lời tuyên xưng niềm tin của chúng ta không là những lời rỗng tuếch, và hơn nữa, một cách nào đó chúng ta khác thường với xã hội này, chúng ta mang trong mình một sức lôi cuốn và hấp dẫn. Đó là sự hấp dẫn của tình yêu, của tinh thần các Mối Phúc, và của Bài Giảng Trên Núi, và trên hết là sự hấp dẫn của Đức Ki-tô, Đấng đã sống và đi trọn vẹn con đường của các Mối Phúc và những gì Ngài giảng. Chúng ta hướng nhìn lên Chúa, Đấng chúng ta tuyên xưng và sống kết hiệp với Ngài, sống giống như Ngài. Có như thế, chúng ta mới trở nên chứng tá cho Chúa và Tin Mừng của Chúa trong xã hội và trong nền văn hoá hiện đại hôm nay. “Cái nhìn của tôi phần nhiều đặt vào một số phương diện khác biệt của Đức Tin tín hữu, và lời mời gọi họ, can đảm sống ngược dòng với văn hoá đang làm chủ ngôi nhà toàn cầu của chúng ta. Không có sự khác biệt này thì lời tuyên xưng Đức Tin của chúng ta không có ý nghĩa. Nếu đời sống chúng ta bằng cách nào đó không khác thường, nếu chúng ta đơn giản chỉ cần thích hợp với cuộc sống bình thường, thì tất cả những lời chúng ta nói về niềm tin thật là rỗng tuếch và chẳng có sức hấp dẫn”.[xxxvi]

Ki-tô hữu cần là người khác thường, nhưng không phải là người tốt hơn người khác, giỏi hơn người khác. Thật vậy, sự khác thường của đời sống Ki-tô hữu nằm trong tinh thần sống yêu thương, và thiết nghĩ còn mang một chiều kích khác, đó là Ki-tô hữu qua lời xin vâng với Thiên Chúa và thánh ý của Chúa, sẵn sàng để Chúa dẫn đi vượt trên cả ý muốn, suy nghĩ và dự định của họ, cũng như vượt trên những gì xã hội hôm nay đang đề ra. Khi sống như thế, họ đang sống căn tính của những người con cái Thiên Chúa, là họ hiệp nhất với Thiên Chúa trong cả tinh thần và trong cả đời sống thực tế. Sự hiệp nhất với Thiên Chúa, “điều đó sẽ xảy ra, khi con người đồng ý để cho Thiên Chúa, (Đấng con người yêu thương, vì Thiên Chúa yêu thương con người) dẫn họ vượt trên tất cả, cả những kế hoạch của họ, cả những điều họ bỏ qua không nhìn thấy, cả những ước muốn của họ, cả sức mạnh của họ. Sự vượt qua trên tất cả mọi sự này, dẫn con người đi vào không gian của Thiên Chúa”.[xxxvii]

Cuộc sống tín hữu được gắn bó với Thiên Chúa, được hiệp nhất với Ngài là một ân sủng Thiên Chúa ban, và cũng nhờ sự cộng tác của con người, cụ thể qua thái độ vâng lời, sẵn sàng nói lời xin vâng với Thiên Chúa. Cuộc sống đó sẽ là một sự khác thường đối với xã hội hôm nay. Một cuộc sống có sức hấp dẫn và làm cho thế giới phải ngạc nhiên. Nếu chúng ta sống tinh thần của các Mối Phúc và của Bài Giảng Trên Núi cách đích thực, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa, chúng ta sẽ được bước vào Vương Quốc của Ngài. Nơi đó, chúng ta được hiệp nhất với Ngài trong ân sủng. Giờ đây, để đi sâu hơn nữa vào các Mối Phúc, thiết nghĩ nên tìm hiểu chút về cấu trúc của bản văn này.

 

- Cấu trúc của các Mối Phúc trong Phúc Âm thánh Mát-thêu.

 

Các Mối Phúc trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (Mt 5,1-12) nằm trong Bài Giảng Trên Núi (từ 5,1-7,29). Cấu trúc của các Mối Phúc có thể được chia đơn giản như sau:

 

Phần 1: từ câu 1-2 là phần mở đầu và dẫn nhập vào các Mối Phúc.

Phần 2: từ câu 3-12 về các Mối Phúc.

 

Bình thường người ta vẫn nói là Tám Mối Phúc, nhưng thực ra là chín mối tất cả. Như vậy, có thể được nhìn với công thức: 08 Mối Phúc đầu (câu 3-10) + 01 Mối Phúc cuối (câu 11). Mối Phúc cuối thứ 09 này liên hệ với Mối Phúc thứ 08 (câu 10) qua từ “bách hại”, nên cũng có thể gộp lại thành một mối. Như thế, thì chỉ có Tám Mối Phúc, như nhiều người thường nhìn.

 

Các Mối Phúc được liên kết chặt chẽ với nhau. Sự liên kết này có thể nhận ra qua cách sắp xếp: Tám Mối Phúc đầu tiên có một khung rõ rệt với câu “Nước Trời là của họ” (Mối Phúc thứ nhất ở câu 3 và Mối Phúc thứ tám ở câu 10). Như vậy, Nước Trời vẫn là đề tài Mát-thêu muốn bàn tiếp  (lấy từ Mt 4,17 và 23). Tin Mừng Nước Trời là chủ đề chính yếu trong công cuộc rao giảng của Chúa Giê-su. Và ở đây, trong các Mối Phúc, Chúa Giê-su triển khai ý nghĩa và nội dung của Tin Mừng Nước Trời. Ngoài ra, Mối Phúc thứ tư (câu 6) và thứ tám (câu 10) sử dụng cùng từ ngữ công chính. Qua đó, các nhà chú giải đã chia tám Mối Phúc làm hai đoạn. Phần một gồm bốn Mối Phúc đầu và phần hai là bốn Mối Phúc cuối.

 

Trong tiếng Hy-lạp, bốn Mối Phúc đầu tiên (câu 3-6) đều bắt đầu bằng vần “p”:

 

Ptochoi:     những người nghèo,

Penthountes:      những người sầu khổ,

Praeis:                 những người hiền lành và

Paivontes: những người khát khao.

 

Phép “điệp vần – alliteration” này, Mát-thêu chỉ sử dụng một lần duy nhất ở đây trong Phúc Âm của ông. Tóm lại, trong các Mối Phúc ở Mát-thêu có ba điều được nhấn mạnh: Phúc lành, Nước Trời và công chính. Đề tài phúc lành đã được chia sẻ ở trên. Dưới đây chúng ta lắng nghe Carlo Maria Martini chia sẻ ngắn gọn nhưng rất phong phú về hai đề tài còn lại trong các Mối Phúc.

 

Nước Trời[xxxviii] hướng về Thiên Chúa, về Đấng ngự trên trời. Như vậy, Nước Trời có ý nghĩa tương đồng với vương quốc của Thiên Chúa. Nhưng vương quốc này thực sự là gì, vương quốc mà chúng ta vẫn thường nhắc đến trong Kinh Lạy Cha? Trước hết, kiểu nói “Nước Trời” bình thường nêu bật sự mường tượng về một nơi, một vùng mà trong đó có ai ngự trị. Từ ngữ Hy-lạp basileia có ý nghĩa là vương quốc của vua chúa, sự trị vì của Thiên Chúa. Ở đây, có ý nhắc đến sự can thiệp đầy quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đến với con người. Ngài đến để ngự trị trên nhân loại, và Ngài đón nhận tất cả những vấn đề, những khó khăn và đau khổ của con người. Hơn nữa, chúng ta cần phải có cái nhìn mới hơn, là Thiên Chúa đến với chúng ta nhưng với một tinh thần rất rộng lượng và bao dung. Không có ngôn ngữ nào của con người có thể so sánh và diễn tả được sự phong phú và sức mạnh bao la của vương triều Thiên Chúa.

 

Câu trả lời cho câu hỏi “Nước Trời là gì?” vừa đơn giản, nhưng cũng rất khó. Vì Nước Trời quá bao quát và rộng lớn như chính hành động của Thiên Chúa đối với con người, như tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Nước Trời thật là vô giới hạn như chính quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng được biểu hiện trong lịch sử và vươn tới vĩnh cửu. Nước Trời là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, đã làm cho tôi và cho bạn, và vẫn đang làm và sẽ còn tiếp tục làm. Nước Trời vượt trên tất cả mọi công thức, mọi sự mường tượng, mọi khả năng của con người. Nước Trời là sức mạnh tuyệt đối của Thiên Chúa. Nước của Chúa là sự giải thoát tất cả những khó khăn của chúng ta, là sự hoàn thành tất cả những ước vọng sâu kín nhất của chúng ta: Ước vọng về một cộng đoàn, về tình bạn, về chân lý, về tình yêu, về sức khỏe và về sự sống…

 

Lời cầu xin xin cho Nước Cha trị đến! trong Kinh Lạy Cha, là lời cầu xin vượt khỏi tất cả những mường tượng của chúng ta, nhưng cũng bao hàm tất cả những khát vọng về sự thánh thiện và hạnh phúc. Lời cầu xin này hướng về một đích đến thật là lớn lao. Với những suy nghĩ này người ta hiểu được phần nào, lời hứa quá đặc biệt của Chúa Giê-su: “vì Nước Trời là của họ”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được phần nào về Nước của Chúa.

Xin hãy giúp chúng con nhận ra rằng, Nước đó được hứa ban cho chúng con.

 

Ngoài ra, vương quốc Thiên Chúa được diễn tả như là một sự kiện diễn ra, mà trong đó Thiên Chúa ban cho mỗi người chỗ tham dự thích hợp nhất.[xxxix] Vương quốc Thiên Chúa là sự hiện thực hóa thánh ý hoàn hảo của Thiên Chúa. Đấng sẽ xét đoán từng người và xét đoán tất cả, và sẽ để sự công chính hiển hiện trên từng người một. Vương quốc Thiên Chúa cũng là sự hoàn thành và đáp ứng hoàn hảo tất cả những khát vọng và đợi chờ của con người. Thiên Chúa thực sự làm cho tất cả những khát vọng của chúng ta được thỏa mãn, và trong ý nghĩa này, người ta có thể diễn tả hình ảnh Nước Trời cách rõ ràng với một khái niệm của Thánh Kinh sự công chính. Vương Triều của Thiên Chúa sẽ đem lại trật tự viên mãn và thước đo hoàn hảo cho tất cả. Không phải thước đo hẹp hòi của con người, mà là thước đo thật phong phú có sức đem lại ơn cứu rỗi, thước đo của lòng nhân từ và thương yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, kế bên từ ngữ “Nước Trời”, chúng ta còn gặp từ ngữ “công chính” trong các Mối Phúc. Hai từ ngữ này thuộc trọn về nhau. Chúng ta đói khát Nước Trời và sự công chính, vì chúng ta muốn rằng, tất cả tìm được sự viên mãn, trong tất cả và trong từng người một thánh ý của Thiên Chúa được biểu hiện. Ai khát khao sự công chính, thì luôn cầu xin cho Nước Cha trị đến. Và người đó yêu mến Thiên Chúa nhiều đến nỗi, có thể sẵn sàng chịu bách hại, và không sợ hãi trước bất cứ chướng ngại nào. Với người đó chỉ có một điều duy nhất là, thánh ý Chúa được thể hiện. Như thế, sự công chính trong các Mối Phúc liên hệ đến thánh ý của Chúa và Nước của Thiên Chúa. Để đi vào phần suy niệm và tìm hiểu từng Mối Phúc, chúng ta cùng dừng lại với gợi ý của Carlo Maria Martini, dâng lên Chúa một lời cầu nguyện. Sau đó, từng bước suy niệm các Mối Phúc theo phương thức lectio divina, theo đề nghị của nhà Thánh Kinh học, Đức Cố Hồng Y Carlo Maria Martini.

 

Giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa suy niệm các Mối Phúc, chúng ta cùng cầu nguyện:

 

Lạy Chúa,

Xin hãy giúp chúng con hiểu được các Mối Phúc trong chiều sâu chân thật.

Những Mối Phúc mà Chúa đã đem đến cho chúng con.

Xin hãy giúp chúng con có thể hiểu biết và cảm nhận được tâm hồn của Chúa,

và để có thể chiêm ngắm Chúa.

 

Chúng con ước ao rằng, các Mối Phúc sẽ thấm sâu vào tâm hồn chúng con,

để chữa lành và cứu thoát chúng con.

Và chúng con mong ước rằng,

Các Mối Phúc sẽ trao ban cho chúng con đầy tràn hồng ân của Chúa.

 

Chúa ơi, chúng con cầu xin Chúa điều đó,

nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria,

là Mẹ của Chúa và cũng là Mẹ của chúng con. Amen

 

[i] Trích dẫn bởi BAERBEL Wartenberg-Potter, Wes Brot ich ess, des Lied ich sing, Die Bergpredigt lesen, Herder Verlag, Freiburg 2007, t.23.

[ii] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1716, t.511.

[iii] X. CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, Servant Books, Cincinnati 2009, t.x

[iv] LUZ U., Das Evangelium nach Matthaeus, 1.Teilband, s.203.

[v] BONRHOEFFER D., Nachfolge, CHR. Kaiser Verlag, Muenchen 1971., s.89.

[vi] X. GRUEN Anselm, Glueckseligkeit, t.12.

[vii] X. BUZY D., từ vựng Beatitudes, trong Dictionnaire de Spiritualité, Tome 1, Beauchesne Editon, Paris 1937, cột (c.) 1302-1305.

[viii] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.25.

[ix] X. GRUEN Anselm, Glueckseligkeit, t.12.

[x] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.25. Ngoài ra, có thể đọc tác phẩm giái thích Bài Giảng Trên Núi của thánh Augustin, bản tiếng Đức với tựa đề Die Bergpredigt, Johannes Verlag Einsiedeln, Freiburg 2006.

[xi] BUZY D., từ vựng Beatitudes, trong Dictionnaire de Spiritualité, Tome 1, c.1305-1307.

[xii] X. GRUEN Anselm, Glueckseligkeit, t.13.

[xiii] X. MARTINI C.M., Die Bergpredigt, Ermutigung zur Nachfolge, Herder Verlag, Freiburg 2011, từ t. 57-62.

[xiv] MARTINI C.M., Die Bergpredigt, Ermutigung zur Nachfolge, t.60.

[xv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, Betrachtungen zu den Seligpreisungen, 1.Auflage, Neue Stadt Verlag, Muenchen 1994, t.7.

[xvi] X. EGLE I., Seligpreisung, trong Die Bergpredigt entdecken, Katholischen Bibelwerke e.V.Stutgart (Hrgs.), Suttgart 2000, t.32.

[xvii] X. STIEWE M. et VOUGA F., Le Sermon sur la Montagne, Labor et Fides, Genève 2002, t.25.

[xviii] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.108-109.

[xix] Trích trong CANTALAMESSA, R O.F.M. CAP., Beatitudes, Eight steps to happiness, Preface, t. x.

[xx] CANTALAMESSA, R O.F.M. CAP., Beatitudes, t.19.

[xxi] RÉROLLE B., Dynamique des béatitudes,  Éditions du Centurion, Paris 1993, t.15.

[xxii] RÉROLLE B., Dynamique des béatitudes, t.22.

[xxiii] GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.28.

[xxiv] X.MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.5.

[xxv] RATZINGER J., Credo fuer heute, Herder spektrum, Freiburg 2006, t.14-15.

[xxvi] RATZINGER J., Credo fuer heute, t.16.

[xxvii] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.101-104.

[xxviii] X. MARTINI C.M., Die Bergpredigt, Ermutigung zur Nachfolge, t.62-63.

[xxix] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.128-129.

[xxx] RATZIGER Joseph und Peter Seewald, Salz der Erde – Muối cho Đời. Bản dịch tiếng Việt của Trần Hoành và Phạm Hồng Lam, trong phần Đức Tin Công Giáo: Dấu chỉ và lời nó. Nguồn: lamhong.org.

[xxxi] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.130.

[xxxii] X. MARTINI C.M., Die Bergpredigt, Ermutigung zur Nachfolge, t.64-65.

[xxxiii] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.101.

[xxxiv] RADCLIFFE T., Warum Christ sein, wie der Glaube unser Leben veraendert, Herder Verlag, Freiburg 2012, t.10.

[xxxv] BALTHASAR H.U., Wer ist ein Christ, Benziger Verlag, Einsiedeln 1965, t.47.

[xxxvi] RADCLIFFE T., Warum Christ sein, wie der Glaube unser Leben veraendert, t.12.

[xxxvii] BALTHASAR H.U., Wer ist ein Christ, t.73.

[xxxviii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.11-13.

[xxxix] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!,t.14.

bottom of page