top of page

Phần 5:

Xin tha tội (nợ) cho chúng con,

như chúng con cũng tha cho những người

có lỗi (nợ) với chúng con.

 

 

Trong lời cầu nguyện này, Đức Kitô dùng hình ảnh mắc nợ. Từ ngữ „nợ“ mà Chúa Giêsu nói trong bản văn của kinh Lạy Cha trong Mát-thêu rất quan trọng. Trước hết từ ngữ „nợ“ này trong Do-thái giáo thường dùng để chỉ về hoàn cảnh của con người trước Thiên Chúa[i]. Nên từ ngữ „nợ“ này diễn tả thái độ bất tuân của con người đối với lề luật của Chúa, và đối với Thiên Chúa. Ngoài ra, có thể dùng từ ngữ „tội“ thay cho từ ngữ „nợ“, nhưng vẫn ám chỉ đến tội lỗi của con người gây ra làm sức mẻ hay đổ vỡ tương quan của con người với Thiên Chúa. Dù sao, việc tha nợ là một món quà lớn lao đối với người mắc nợ. Cũng thế, chúng ta là những « con nợ » trước mặt Thiên Chúa, và chúng ta không có khả năng để trả nợ đó, bởi vì chúng ta đã « bẻ gãy » tương quan tình yêu với Ngài. Nói khác đi, chúng ta với sức mình thôi, thì không thể xây dựng lại mối tương quan này. Mối tương quan tình yêu này chỉ được xây dựng lại, khi mối tương quan đó được ban lại cho chúng ta một cách nhưng không. Vì thế, lời cầu xin « tha tội (nợ) cho chúng con » là một lời cầu nguyện nền tảng[ii].

 

Lời cầu xin tha thứ mà Chúa Giêsu dạy cũng là một trong những chủ đề chính trong những lời cầu nguyện của người Do-thái. Trong lời cầu nguyện 18 của người Do-thái, có lời cầu xin ơn tha thứ : Lạy Cha, xin cha cho chúng con, vì chúng con đã phạm lỗi chống lại Cha, xin xóa bỏ những lầm lỗi của chúng con trước mặt Cha, vì lòng nhân từ của Cha thật bao la. Lạy Gia-vê Thiên Chúa, Đấng hay tha thứ, xin ngợi khen Cha[iii].

 

Ngoài ra, theo Luz, trong Do-thái giáo ý tưởng về sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người : Thiên Chúa không tha thứ tội lỗi cho con người đã phạm, cho tới khi con người tha thứ cho người đồng loại của mình[iv]. Nhưng làm sao để hiểu đúng sự liên hệ giữa sự tha thứ của Thiên Chúa gắn liền với sự tha thứ của con người trong kinh Lạy Cha ?

 

Sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liến với sự tha thứ của con người.

 

Nếu đọc kỹ từng lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, sẽ nhận ra được nét đặc biệt trong lời cầu nguyện về tinh thần tha thứ. Đó là, chỉ trong lời cầu nguyện này, theo Joachim Jeremias[v], có thêm một yếu tố “thêm vào”, đó là hành động của con người: “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.

 

Điều này được diễn tả sống động trong dụ ngôn « tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót » (Mt 18, 23tt). Ý tưởng quan trọng của dụ ngôn này được diễn tả qua câu nói của vị vua trong câu chuyện: « Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? » (Mt 18, 32-33). Câu nói của vị vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tinh thần tha thứ trong đời sống đức tin, cụ thể trong tương quan của người Kitô hữu với Chúa và với người khác. Tuy nhiên, theo Gnilka, trong lời cầu xin tinh thần tha thứ của kinh Lạy Cha, chúng ta không được phép nói rằng : những ai đã sẵn sàng tha thứ cho người khác thì họ đã có một công nghiệp. Với công nghiệp này họ được phép đòi hỏi sự tha thứ của Chúa. Đúng hơn, người Kitô hữu cần ý thức rằng : con người chỉ được phép cầu xin ơn tha thứ của Chúa, khi con người về phần mình đã sống tinh thần tha thứ[vi]. Cũng thế, đối với Michel Hubaut, thì « chữ ´như´ này diễn tả một sự lô-gích của tình yêu…Và không thể chấp nhận được tình trạng, một đàng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ, nhưng đàng khác vẫn đóng kín mình lại và từ chối tha thứ cho tha nhân. Con người cộng tác vào sự tha thứ tội lỗi cho chính họ bằng cách họ đón nhận tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng giúp cho con người có khả năng để tha thứ cho anh chị em. Con người, khi sống tinh thần tha thứ cho người khác, là họ bước vào trong sự lô-gích của lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa »[vii].

Ngoài ra, các Giáo phụ Hy lạp rất nhạy cảm với những chi tiết ngôn ngữ lẫn thần học, nên không những đã dịch như thế mà còn lấy việc ta phải tha trước (‘chúng con đã tha‘) làm mũi nhọn để lý luận. Như thánh Jean Chrysostome đã viết: ‘Nếu chúng ta có tha thì người ta mới tha cho chúng ta. Chính chúng ta định mức cho ơn tha thứ. Nếu bạn tha thứ cho một người như bạn, tôi xin hứa tôi sẽ tha thứ cho bạn’. Không phải vì ta tha mà Chúa mới tha, nhưng việc ta tha sẽ chi phối việc Chúa thứ tha, dù Người vẫn tự do trong việc này[viii].

 

Thiên Chúa tha thứ không phải vì bị ép, sự tha thứ của Ngài không lệ thuộc vào công nghiệp của con người. Thiên Chúa tha thứ chỉ vì hào hiệp và từ tâm. Đó là thái độ của tình yêu, một tình yêu hoàn toàn tự do.

 

Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.

 

Tha tội là một việc tối quan trọng trong Cựu ước cũng như Tân ước. Tội lỗi không phải chỉ là một sự lỗi phạm của cá nhân đối với Chúa, vì nó làm nhục tới chủ quyền của Thiên Chúa, hơn thế nữa, nó làm thương tổn tới tình yêu của một người Cha. Thiên Chúa đau khổ khi thấy con người từ khước tình yêu của Người và đi vào chỗ hư thân, nhưng dù thế nào Ngài vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ.

 

Trở về với biến cố lụt đại hồng thủy, chúng ta thấy rằng, ngay sau biến cố này, nghĩa là sau khi ông Nô-ê ra khỏi tàu, Thiên Chúa đã nói : « Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa ». (St 8,21). Lời của Thiên Chúa đã diễn tả lòng nhân từ hay thương xót đối với các tạo vật của Ngài, và cũng nói lên được thánh ý cao cả của Ngài, thánh ý cứu rỗi con người, cụ thể qua hình ảnh Thiên Chúa thứ tha và cứu rỗi dân Do-thái. Và trong chiều dài lịch sử, khi dân Do-thái thờ cúng con bò vàng, Mô-sê đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân (x. Xh 32, 32). Thiên Chúa đã đáp lời bằng cách đã hiện ra với Mô-sê và mạc khải cho Mô-sê biết về chính bản chất của Ngài : « ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì ». (Xh 34, 6-7). Thiên Chúa có quyền năng tiêu diệt và có quyền năng cứu rỗi, có quyền năng hành phạt và có quyền năng tha thứ. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể nổi giận và xử phạt, nhưng sự nổi giận và xử phạt không nói được hết bản chất của Thiên Chúa. Theo Zenger, trong đoạn sách Xuất Hành này, Gia-vê Thiên Chúa mạc khải Ngài chính là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi. Ngài liên kết với dân của Ngài, như người Mẹ gắn bó với con của mình. Nhưng không chỉ thế, sự nối kết thân mật của Thiên Chúa với con người chắc chắn lớn hơn tình Mẹ giành cho con: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Sự liên kết chặt chẽ và thân mật này vượt trên không gian và thời gian. Không có bất cứ ngăn cách nào có thể làm thay đổi sự liên kết này. Hơn nữa, lòng nhân hậu và từ bi thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Ngài như vị vua tốt lành không bao giờ bóc lột con dân của mình, ngược lại luôn chăm sóc, thương yêu và làm cho con dân được hạnh phúc [ix].

 

Đối với các tiên tri, thì họ trình bày một Gia-vê Thiên Chúa nhân từ, tha hết mọi nợ nần, xoá hết mọi tội lỗi, thanh tẩy toàn vẹn con người và xoay chuyển tâm hồn con người. Tiên tri Hô-sê-a đã diễn tả về Thiên Chúa nhân từ cách đặc biệt qua cách hành xử của Ngài đối với dân Ít-ra-en (x. Hô-sê-a 1-3). Dù dân Ít-ra-en như « cô gái điếm » quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn tha thứ, Ngài vẫn trung tín và kiên tâm cứu dân Ngài về : « ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho”. (Hô-sê 3, 2).

Hơn thế nữa, Ngài sẵn sàng lập lại hôn ước với dân Ngài trong tình yêu thương :

 

“Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương;
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA”. (Hô-sê-a 2, 21-22).

 

Thật vậy, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Ngài có thể biến đổi tất cả những lầm lỗi vào trong tình yêu. Tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa, tất cả những gì cũ kỹ đều có thể trở nên mới đối với Thiên Chúa.

 

Cũng thế, sự tha thứ đem lại một cuộc gặp gỡ mới, sự tha thứ « cưu mang » một sự sinh ra mới, đó chính là giao ước mới của Thiên Chúa với dân Ngài, mà tiên tri Giê-rê-mi-a diễn tả : « Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 31-34). Dù dân Ít-ra-en có thất trung và “đập vỡ” giao ước với Thiên Chúa trên núi Si-nai, nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín và một mực yêu thương dân của Ngài. Ngay từ ngày đầu tiên, Thiên Chúa đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với con cái của Ngài, thì lời xin vâng đó có giá trị cho đến ngàn đời. Sợi dây nối kết của lời xin vâng tình yêu này vững chắc đến nỗi, không có sức mạnh nào của sự dữ, của bóng đêm có thể cắt đứt được. Ngược lại, trong lời xin vâng của tình yêu, Thiên Chúa thiết lập một giao ước mới với con cái của Ngài. Nhưng cái “mới” này không phải là sự lập lại của hành động ngày xưa, mà cái “mới” này diễn tả sự tái lập cách tuyệt vời dân của Thiên Chúa, sự tái lập này dựa trên sức mạnh biến đổi và thánh hóa nội tâm mà con cái của Thiên Chúa nhận được. Vì thế, lề luật và tinh thần của Chúa không còn được ghi trên phiến đá như giao ước ngày xưa trên núi Si-nai, mà được ghi trong tâm khảm của con người. Nơi tâm khảm đó, nơi cái bên trong sâu thẳm nhất, những người con của đất thấp học biết Cha của trời cao. Cái biết này không chỉ là cái biết thông thường của trí hiểu, mà là cái biết diễn tả thái độ đón nhận và biểu lộ niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, cái biết của những tấm lòng đơn hèn vui mừng bước vào trong tương quan tình yêu với Ngài, vào trong một cộng đoàn với Thiên Chúa là Cha[x], Đấng yêu thương con người đến nỗi đã hy sinh người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô, Ngài đến để đem tin mừng đến cho con người, tin mừng của tha thứ, tin mừng của cứu rỗi.

 

Qua Đức Kitô, Thiên Chúa nhân hậu tha thứ cho con người.

 

Lòng thống hối ăn năn của chị gắn liền với thái độ khiêm tốn đứng đàng sau chứ không dám đứng đàng trước Chúa, lòng thống hối ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật và đang trào ra qua những giọt nước mắt « tưới ướt » chân của Chúa. Nhưng lòng thống hối không dừng lại ở những giọt nước mắt đó, lòng thống hối thúc đẩy người ta phải tỏ lộ một thái độ khiêm cung hơn nữa, quỳ xuống và xõa tóc ra, chẳng còn mắc cở và cũng chẳng sợ lời đàm tiếu, rồi nâng đôi chân Chúa và lấy tóc lau đôi chân ướt đẫm nước mắt, nước mắt của lòng thống hối ăn năn sâu thẳm. Ai không xúc động trước thái độ ăn năn rất thật và rất khiêm cung của người phụ nữ ? Và ai lại không thấy lạ lùng về chính thái độ của Đức Kitô, im lặng và thật bình tâm để người phụ nữ nổi tiếng trong thành đến gần bên và làm những thái độ thật đặc biệt giành cho Ngài ? Phải chăng lòng nhân từ yêu thương của Ngài đã vượt trên tất cả mọi rào cản, rào cản của tội lỗi dù nặng nề đến mấy, rào cản của tập tục ngăn cách và cô lập người tội lỗi. Tất cả rào cản ngăn cách và không cho phép lòng nhân từ của Chúa đụng đến những phận người tội lỗi đều được phá đổ. Lòng nhân từ và thứ tha cần phải hiện diện trong đời sống của con người lỗi tội. Lòng nhân từ đã mở lời với người phụ nữ : « tội của chị đã được tha rồi », và chẳng màng tới những cái bụng gian ác lại hay đàm tiếu, lòng nhân từ dịu dàng nói tiếp: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an." Sự bình an không chỉ phảng phất “mùi thơm” từ lòng thống hối của người phụ nữ, mà chất chứa hương thơm hảo hạng từ lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện qua chính Đức Kitô.

 

Một cuộc gặp gỡ khác giữa người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi và Đức Kitô. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gioan diễn tả thật đặc biệt (Ga 8, 2-11). Một phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và theo luật thì bà ta phải bị ném đá. Xử theo luật sẽ là như thế, còn Đức Kitô, một Ráp-bi giảng về lòng nhân từ và tình yêu trong đôi mắt người Do-thái thời đó, sẽ xử như thế nào đây ? Thực sự đây là một cái bẫy ác độc của nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu đặt ra để ám hại Chúa Giêsu. Nếu Ngài đồng ý với luật, thì Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài và với những gì Ngài giảng dạy. Nếu Ngài không theo luật, thì Ngài sẽ gặp hiểm nguy, vì một Ráp-bi mà lại không tuân theo luật của Mô-sê truyền lại, thì ai có thể tin tưởng đây, và hơn nữa có thể người ta sẽ tìm cách để kết án Ngài.

 

Trước hoàn cảnh thật tế nhị này, Đức Kitô hành xử như thế nào? Giữa vòng tròn đám đông vây quanh và dưới sức ép của bao « cái mồm to » đang đổ dồn và chờ đợi, Đức Kitô vẫn bình tâm, cúi xuống viết trên đất. Chẳng hiểu Ngài viết gì. Một thái độ lạ lùng làm đám đông nhốn nháo và vặn hỏi Ngài nhiều hơn. Vẫn bình tâm, Đức Kitô ngẩng đầu lên và nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Ô, một câu nói thật nhẹ nhàng, nhưng rất rõ ràng được ném vào bao “cái mồm to” với dụng ý rất xấu xa của đám người gian ác. Và điều gì xảy ra ? Tất cả im thin thít, và những bước chân lẳng lặng tách khỏi đám đông, từ đôi chân già nhất đến đôi chân trẻ nhất. Vòng tròn kết án của con người theo luật lệ hà khắc đã tan biến, trả lại một bầu khí nhẹ nhàng dễ thở hơn. Chỉ còn chị phụ nữ và Đức Kitô. Đặt mình là người phụ nữ lúc đó, chắc cũng thở phào ra một chút, nhưng vẫn còn hồi hộp lắm, vì không biết Đức Kitô sẽ xử với tội lỗi của mình như thế nào. Vẫn với thái độ bình tâm, Đức Kitô ngẩng đầu lên và bây giờ Ngài mới nói với người tội lỗi : « Này Chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ? ». « Thưa ông, không có ai cả ». Trước lời đáp trả của người phụ nữ, Đức Kitô dịu dàng nhưng rất cương quyết nói với chị : « Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! ». Lòng nhân từ lên tiếng tha thứ và đem lại sức sống mới. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc. Thật tuyệt vời khi ngắm nhìn Đức Kitô đang tỏ lòng nhân từ tha thứ cho biết bao phận người tội lỗi. Không chỉ thế, Đức Kitô còn chia sẻ bàn ăn với họ nữa, nghĩa là Ngài sẵn sàng bước vào trong tương quan thân thiết với họ, để cứu chữa họ, để đưa họ ra khỏi hố sâu của tội lỗi và trở về với con đường của tự do và hạnh phúc. Thật vậy, Ngài biết họ, những con người tội lỗi, những người bệnh đang rất cần đến Ngài (x. Mt 9, 10-11), và sứ mạng của Ngài chính là cứu chữa họ, những con người bất hạnh đang phải ngồi trong bóng đêm, cũng như để tìm và cứu những gì đã mất (x. Lc 19, 10). Cao điểm của sứ mạng cứu rỗi, và sống tinh thần nhân từ hay tha thứ của Đức Kitô được thể hiện trên cây thập tự : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).  Đó là lời cuối cùng của Đức Giêsu trên thánh giá cũng là một lời cầu xin tha cho các người hành quyết. Thập giá ấy cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu.

 

Tất cả những hành động và đời sống của Đức Kitô tương hợp với những gì Ngài rao giảng, tương hợp với tinh thần của Ngài. Thật vậy, « đọc lại » đời sống nhân từ hay tha thứ của Đức Kitô, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của ba dụ ngôn diễn tả lòng nhân hậu hay thương xót của Chúa trong Luca, chương 15, cũng như chúng ta mới thấm thía biết bao lời Ngài truyền ban và khuyên nhủ chúng ta sống tinh thần nhân từ và tha thứ. Vâng, không chỉ tha bảy lần, mà cần phải tha đến bảy mươi lần bảy cho những người có lỗi với chúng ta. Đó là sự tha thứ liên lỷ, một sự tha thứ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày. Sự tha thứ mà Đức Kitô mời gọi chúng ta sống trong lời kinh Lạy Cha này.     

Tha thứ, thái độ căn bản của con người.

 

Không có tương quan nào lại không phảng phất « mùi vị » của phiêu lưu, của căng thẳng, của đổ vỡ. Ra khỏi mình để bước vào tương quan với người khác, và mở rộng cánh cửa đời mình cho người khác bước vào căn nhà của mình, là sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu, là ý thức và chấp nhận mình có thể bị tổn thương, bị đau đớn. Nhưng nếu chỉ ý thức và chấp nhận những hậu quả tiêu cực xảy ra, thì chưa đủ. Thêm vào đó, cũng cần ý thức để tìm cách chữa lành những vết thương, xoa dịu những khổ đau, và xây dựng lại mối tương quan trong hòa bình và tình yêu. Cụ thể hơn, bước đầu tiên cần có là cần phải cảm thông và tha thứ.

 

Tha thứ là một thái độ diễn tả tương quan của con người với nhau. Trong tương quan đó, một bên sẵn lòng tha thứ và bên kia nhận được sự thứ tha. Hơn nữa, tha thứ còn là hành động xây dựng lại mối tương quan đang bị đe dọa. Nói khác đi, tha thứ là một thái độ đáp lời cho những « tai nạn » trong tương quan giữa con người với nhau, nghĩa là sự tha thứ đem đến hòa giải, hàn gắn và băng bó lại những tương quan đang « rướm máu », và tìm lại niềm vui và bầu khí yêu thương. Thái độ cùng tinh thần tha thứ này được diễn tả qua nhiều hình thức khác nhau. Một lời nói tha thứ luôn là một cách diễn tả sống động cho tinh thần tha thứ. Và lời nói tha thứ này cần được phát xuất từ chính tâm hồn dù bị tổn thương, dù phải cay đắng, nhưng sẵn sàng mở lòng nhân từ đối với những người gây ra những căng thẳng và đau đớn. Tuy nhiên, thái độ tha thứ đôi khi lại không được diễn tả qua lời, mà lại được diễn tả qua thái độ thinh lặng với một ý hướng tích cực sẵn sàng đón nhận, hòa giải và bắt đầu lại. Như thế, tinh thần tha thứ không bao giờ « giậm chân » tại chỗ, ngược lại tinh thần tha thứ luôn đem lại một năng lực mới với sức sáng tạo mới, để xây dựng và để cùng xây dựng lại mối tương quan. Chắc chắn, trong thực tế cũng không loại trừ những trường hợp tha thứ thật sự, nhưng vết thương và vết sẹo vẫn còn, vì thế cũng khó lòng xây dựng lại mối tương quan. Trong trường hợp này, dù không lý tưởng, nhưng phải chấp nhận giới hạn nhất định của việc tha thứ.

 

Như vậy, tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống làm người. Đó là một trong những thái độ căn bản trong đời sống bình thường cho mọi người và đặc biệt cho đời sống của người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống tinh thần tha thứ cách triệt để, và đã dạy dỗ con cái theo gương Ngài sống tinh thần tha thứ cho nhau.

 

Tha thứ, thái độ căn bản của người Kitô hữu.

 

Kế bên lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha về tinh thần tha thứ mà Đức Kitô dạy dỗ, chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng những giáo huấn khác của Đức Kitô nhắc nhớ chúng ta sống tinh thần tha thứ. Như trong những câu kế tiếp của kinh Lạy Cha, Đức Kitô nhắc lại tinh thần tha thứ, nhưng với một cung cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn : « Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em ». (Mt 6, 14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống đức tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim “giết chết” đi lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống người Kitô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Kitô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài. Tuy nhiên, tha thứ là một điều không dễ để làm. Đó là một hành vi đòi hỏi chúng ta phải mở lòng ra, đôi khi phải lấy hết can đảm để nói lên hai tiếng “tha thứ”, để chạy đến với người có lỗi và giang rộng đôi tay ôm họ vào lòng. Alfred Delp, khi bị phát xít Đức giam giữ trong tù, đã viết về sự tha thứ trong kinh Lạy Cha, liên quan trực tiếp đến những người có quyền lực thời đó và kết án tử hình cha: “Tôi không tức giận với họ (phát xít Đức), và tôi cũng không tức giận với con người rất dối trá nắm lề luật của đất nước Đức trong tay (Roland Freisler, 1893-1945). Tôi thực sự chỉ đau lòng cho họ. Và hơn nữa đau lòng cho dân tộc…Xin Chúa che chở nước Đức”[xi].

 

Tinh thần tha thứ của Alfred Delp thật đáng khâm phục. Thật vậy, tha thứ chẳng những không phải là một sự yếu đuối mà còn là một hành vi dũng cảm, một sự chiến thắng, thậm chí là một thái độ anh hùng, như khi người cha tha thứ cho kẻ đã giết con mình. Một lần nữa nhìn vào tấm gương của Đức Giêsu bị đóng đinh trên Núi Sọ và sự tha thứ của Người, ta sẽ bớt trách móc, dù là trách móc một cách hợp lý nhất.

Không có lời cầu xin nào được đức Giám mục thành Hippone (thánh Augustin) khai triển rộng rãi bằng lời cầu xin tha thứ này. Sở dĩ thế là vì ngài đã sống giữa một đám dân ưa tranh chấp và hận thù, đôi khi đi tới chỗ phạm tội ác. Với những đầu óc nóng nảy đó, tha thứ có vẻ như một việc vượt sức con người. Vì thế, ngài bảo họ nhìn vào tấm gương thánh Têphanô, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình.

 

‘Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống.’[xii]

 

Lời của thánh Âu-tinh là một lời cảnh báo để chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Kitô: « Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện ». (Mt 5, 48). Sống đời sống đức tin là sống tương quan gần gũi với Cha trên trời, cụ thể là sống theo tinh thần của Ngài mỗi ngày một sát hơn. Một trong những hành động của tinh thần đó là tha thứ cho nhau mỗi ngày.

 

Tha thứ thuộc về cuộc sống thường ngày của người Kitô hữu.

 

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không ? Trong phúc âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giêsu : “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt 18, 21-22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Kitô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày[xiii].  Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ[xiv].

 

Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, con người cần phải tha thứ liên lỉ và tha thứ về rất nhiều chuyện. Tha thứ cho một ai đó làm ta thất vọng, tha thứ cho những người đã làm cho ta phải chờ đợi, tha thứ cho những người thân bỏ rơi ta khi ta lâm vào hoàn cảnh cảnh khó khăn, tha thứ cho những lời nói ác ý, những hành động bội phản và lừa dối làm cho ta bị tổn thương. Làm sao kể siết những điều chúng ta cần phải tha thứ. Như thế, cần phải tha thứ không ngừng, phải liên lỉ sống tinh thần hòa giải, nếu chúng ta muốn có một tâm hồn thanh bình, nếu chúng ta ý thức yêu thương chính mình và cuộc sống của mình.

 

Tha thứ là yêu thương chính mình và quý trọng cuộc sống của mình.

 

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngắn ngủi như sau : một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van nài, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy viên đá nằm ven đường ném vào người hành khất.

Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang viên đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.”

 

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì lừa dối, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người ăn xin nhẹ nhàng cất hòn đá vào trong túi của mình rồi tự nhủ: “Tại sao tôi lại mang hòn đá bên mình trong bao nhiêu năm qua. Con người này, giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

 

Thật vậy, hòn đá của hận thù cần được để xuống, nỗi đau cuộc sống cần được giải thoát khỏi cái vòng quỷ quyệt gây ra đau khổ. Hơn nữa, những người gây ra đau khổ cũng đáng thương lắm chứ, và một cách nào đó họ cần được cảm thông, được tha thứ, vì thế hòn đá họ ném vào người khác, giờ đây cần trở nên viên đá của lòng nhân từ và của sự thứ tha. Ngoài ra, nếu chúng ta cứ « cứng đầu » ôm ấp nỗi đau và nỗi hận trong lòng thì chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chính mình càng ra nặng nề hơn. Vì vậy, nếu còn yêu thương mình và quý trọng cuộc sống của mình, thì chúng ta cần phải thoát ra nỗi khổ đau của hận thù, và cách thức tốt nhất để thoát ra là tha thứ thật sự.

 

Hình ảnh của người anh cả trong dụ ngôn “người Cha nhân hậu” (Lc 15, 11-31) là một điển hình cho sự « cứng đầu » này. Thật vậy, cách cư xử hà khắc và cứng ngắc của người anh cả với người em hoàn toàn trái ngược với lòng nhân từ và tha thứ của người cha đối với người con hoang đàng. Có thể nói, người anh cả cứng đầu cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng tròn quỷ quyệt, đầy ghen tức và còn mang cả mùi vị rất đạo đức. Vì thiếu một sự cảm thông và tấm lòng nhân từ, nên anh ta không thể vượt ra được cái vòng tròn quỷ quyệt kia, để giang tay đón nhận em, để ôm em vào lòng và trao cho em nụ hôn của gia đình, như người cha đã làm. Hơn nữa, anh ta còn cay đắng và ghen tức khi nhìn đứa em được tha thứ và được đón nhận bằng những lễ nghi rất vui tươi. Tiếng đàn ca nhảy múa của lòng nhân từ và tha thứ từ nhà cha vọng ra đã không thể lọt vào đôi tai đang bị ghen tức và giận hờn làm cho điếc. Cái điếc này sẽ được chữa khỏi nếu anh ta mở lòng cảm thông và tha thứ cho em.

 

Vì thế, tinh thần tha thứ giúp con người có thể phá đổ vòng tròn quỷ quyệt kia, tháo cởi một vài mắc xích của vòng tròn đó, để rồi một làn không khí trong lành của lòng nhân hậu sẽ tràn vào. Có như thế, thì sự nặng nề trong lòng sẽ nhường chỗ cho sự thảnh thơi và thanh bình, chán nản phải rút lui trước niềm vui đang đến, và chân trời mới được mở ra cho cuộc sống mới đem lại nhiều ý nghĩa cho đời người. Như vậy, tha thứ là một sức mạnh có sức thay đổi cuộc sống, đặc biệt là thay đổi chính cuộc sống của người bị tổn thương. Nói khác đi, cần phải tha thứ cho người khác để cứu thoát chính bản thân mình và tìm lại những “nét đẹp” cho cuộc sống của mình. Đó là một hành động yêu thương bản thân và cuộc sống cách thanh cao. Hơn nữa, qua chính sự tha thứ, con người cũng yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, và tha thứ sẽ ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

 

Yêu thương tha thứ cho người khác là cho họ một tương lai.

 

« Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ. Chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và và chưa bị vẫn đục »[xv]. Ý tưởng của Simon Weil thật mạnh mẽ và rõ ràng. Còn trong thực tế, thì những lỗi lầm thường để lại những ảnh hưởng xấu cho tương lai. Nói khác đi, tương lai thường bị những lỗi lầm “ám ảnh”, đến nỗi khó có thể xây dựng một tương lai cho đẹp. Vì vậy, con người sẽ trao tặng cho nhau “món quà tương lai”, khi con người yêu thương và tha thứ lẫn cho nhau. Qua tha thứ, người ta không để cho sức mạnh tiêu cực của quá khứ ảnh hưởng trên hiện tại và trên tương lai nữa, cả tương lai của người tha thứ lẫn tương lai của người được thứ tha. Ở đây, nếu nhắc đến người được tha, chúng ta lại trở về với dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca. Người con đi hoang được Cha yêu thương, tha thứ và đón nhận trở về cách rộng lương vô cùng. Cách hành xử của Cha vượt trên tất cả những thành kiến và khổ đau, để vẫn giữ được một cái nhìn thật thanh cao của tình yêu tràn đầy sự cảm thông và tha thứ. Cái nhìn thanh cao này không chỉ trao lại cho người con hoang chiếc nhẫn diễn tả vị thế làm con, mà cái nhìn này còn mở ra cho người con, đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại, một chân trời mới, một tương lai với những viễn tượng mới đầy tràn tình yêu thương. Một tình yêu giàu lòng tha thứ đã dệt nên chiếc áo đẹp nhất. Một tình yêu không bao giờ để con đánh mất đi phẩm giá làm con, vì thế trong nhà cha, người con dù đi hoang và đã mất tất cả, giờ đây cần được xỏ nhẫn mới, đôi chân lấm bụi trần cần được rửa sạch và được xỏ dép mới. Với dáng vẻ bề ngoài đàng hoàng như thế, người con hoang được trao lại vị trí “Cậu”, và được ngồi vào bàn tiệc, bàn tiệc được chuẩn bị với con bê đã vỗ béo chứ không phải là bất cứ con bê nào, để ăn mừng ngày trọng đại này, ngày “phục sinh” của một phận người tưởng như đã mất và đã chết. Chính tại bàn tiệc này, chính từ giây phút “phục sinh” này, tương lai mới của Cậu được bắt đầu, và tương lai đó giờ đây được đâm rễ “nhân từ và thứ tha”. Nhưng không chỉ tương lai của Cậu, mà cả tương lai của gia đình Cậu cũng được xây dựng lại.

 

Tha thứ đem lại sức sống mới cho gia đình và cho cộng đoàn.

 

Tại bàn tiệc của lòng nhân hậu và tha thứ, người con hoang tìm lại vị trí « Cậu » trong gia đình. Niềm vui của « Cậu » chắc là lớn lắm. Niềm vui đó được hòa chung với niềm vui của nhiều người trong nhà. Niềm vui đó cũng chính là sức sống mới mà gia đình và cộng đoàn « Cậu » nhận được qua sự tha thứ, để mọi người bắt đầu xây dựng lại bầu khí yêu thương trong gia đình và trong cộng đoàn.

Trở về với Đức Kitô chúng ta thấy, sau khi tỏ lòng nhân từ và tha thứ cho Gia-kêu, cho Lê-vi, Ngài đã đến gia đình của họ để chia sẻ bàn tiệc với họ, nghĩa là qua sự tha thứ cho một thành viên, Đức Kitô cũng muốn đem lại một làn gió mát cho gia đình và cộng đoàn của họ. Nói cách khác, sự tha thứ không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân, mà cộng đoàn cũng nhận được những ảnh hưởng rất tích cực từ sự tha thứ cho mỗi thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn. Nếu tội lỗi làm đổ vỡ cộng đoàn, thì sự tha thứ nối kết và xây dựng lại cộng đoàn. Nói cách khác, « nếu cộng đoàn là nơi tội lỗi hiện diện, thì chúng ta phải mạnh dạn xin mọi người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta cũng cần tha thứ cho mọi người »[xvi].

 

Trong bài giảng trên núi, ở đoạn trước của kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dạy rằng : «Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. » (Mt 5, 23-24). Sự chia cách và khuynh hướng tạo nên những căng thẳng không được phép « có mặt » trong đời sống cộng đoàn và giữa anh chị em với nhau. Nếu không, thì mọi người trong cộng đoàn sẽ không xứng đáng dâng lễ để thờ lạy Thiên Chúa. Nói khác đi, sự bất hòa của anh chị em với nhau làm « rách » mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Thật vậy, lễ tế dâng lên Thiên Chúa của cộng đoàn cần được phát xuất từ những con tim hiệp nhất, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa và tình huynh đệ nối kết chặt chẽ với nhau[xvii].  Ở đây, thánh Cyprianô nhắn nhủ rằng : « Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền cho họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần »[xviii].

 

Hơn nữa, tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ trọn vẹn hơn xuyên qua tinh thần hòa giải với người bên cạnh. Thật vậy, « Nếu ai nói: ´Tôi yêu mến Thiên Chúa´ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối » (1Ga 4, 20)[xix].

 

Trong giáo huấn về đức tin và cầu nguyện, Đức Kitô cũng nói: « Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em ». (Mc 11, 25). Lời cầu nguyện cùng với của lễ không bao giờ tương phản với hành động, ngược lại cả hai được nối kết bởi một nhịp cầu. Cũng thế, tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa luôn gắn liền với tương quan của chúng ta với tha nhân. Thật vật, chúng ta không thể đi vào cộng đoàn để cầu nguyện, để dâng của lễ lên Chúa, cũng như để sống tinh thần hiệp thông yêu thương, nếu lòng chúng ta nặng trĩu những nỗi đau, những nỗi hận đang trì kéo chúng ta xuống những hố sâu đen đủi. Hơn nữa, lời cầu nguyện và của lễ của mỗi chúng ta trong cộng đoàn sẽ chẳng sinh ích gì, nếu chúng ta đang có những chuyện xích mích với anh chị em trong gia đình, với người hàng xóm, với bạn bè xung quanh, và lại ôm ấp vết thương và những bực tức, ôm ấp nỗi hận thù ngăn cản không cho tấm lòng nhân từ mở ra để tha thứ, để hòa giải và xây dựng lại đời sống của cộng đoàn. Đối với Jacques Guillet, cộng đoàn của Tin Mừng được thành lập trên tinh thần tha thứ. Cộng đoàn đó chỉ hiện hiện ở nơi mà tất cả các anh chị em, nghĩa là từng cá nhân một trong cộng đoàn có được một chỗ để hiện diện, được góp mặt vào trong một tập thể chung, vượt trên sự khác biệt về tính tình, và bất chấp mặt ưu và mặt khuyết của họ. Trong cộng đoàn đó, anh chị em chấp nhận mỗi người như họ là, chấp nhận tất cả những lỗi lầm và tội lỗi họ gây ra. Đó chính là tinh thần tha thứ được diễn tả qua tinh thần đón nhận nhau trong cộng đoàn[xx].

 

Thánh Phao-lô cũng luôn quan tâm đến sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Ngài đã để lại nhiều giáo huấn khuyên nhủ mọi người trong cộng đoàn sống tinh thần yêu thương và tha thứ. Trong thư gởi giáo đoàn thành Ê-phê-sô, thánh nhân đã khuyên nhủ mọi người về đời sống mới trong Đức Kitô, đời sống mới trong tình yêu của Chúa. Trong lời khuyên đó có đoạn : « Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô. » (Eph 4, 31-32). Trước hết, cộng đoàn của Tin Mừng, của những người con sống theo gương Đức Kitô cần « lột xác », cần cởi bỏ đi con người cũ với chua cay gắt gỏng, với nóng nảy giận hờn, với la lối thóa mạ, để mặc lấy chính Đức Kitô, để thấm nhuần tinh thần của Thần Khí Thiên Chúa, để trở nên con người mới thuộc về Đức Kitô. Con người mới đó đứng vững trên mặt đất của tình yêu thương. Nơi đó anh chị em trong cộng đoàn học cách hành xử thật tốt với nhau. Một trong những cách hành xử tốt là luôn ý thức tha thứ cho nhau. Thật vậy, đối với thánh Phao-lô tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Sự tha thứ mang lại  tinh thần « phục sinh » cho cộng đoàn. Sự tha thứ này trước hết đến từ Thiên Chúa và qua Đức Kitô giành cho mỗi người trong cộng đoàn. Nếu thành thật với nhau, thì sẽ nhận ra rằng, cộng đoàn và mỗi người trong cộng đoàn mỗi ngày luôn cần đến sự tha thứ của Chúa. Vì thế, cộng đoàn cần chú ý cầu xin sự tha thứ của Chúa, và cũng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn có thiện chí và có khả năng để biết sống tha thứ cho nhau mỗi ngày.

 

Trong thư gởi cho giáo đoàn Cô-lô-sê, thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh đến tinh thần sống tha thứ trong cộng đoàn của những người được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn : « Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. » (Cl 3, 12-13). Thánh Phao-lô mời gọi anh chị em thuộc về cộng đoàn của Thiên Chúa, mang lấy những tinh thần tốt lành của Đức Kitô, và cần vượt trên những sự khác biệt, vượt qua những thành kiến tiêu cực mà người này có về người nọ, biết chấp nhận nhau, chấp nhận mỗi người như họ là, và cần phải chịu đựng lẫn nhau trong ý hướng tích cực, và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tinh thần tha thứ đóng một vai trò nền tảng và quan trọng trong tương quan giữa mọi người với nhau, và tinh thần này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng là mẫu gương tuyệt vời nhất sống sự tha thứ cách trọn vẹn.

Trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48), là yêu thương như Cha trên trời yêu thương, là tha thứ như Cha trên trời tha thứ. Khi chúng ta tha thứ là chúng ta sống trong sự hài hòa với tình yêu của Ngài. Cũng thế, khi sống tinh thần tha thứ, là chúng ta mở rộng lòng mình ra cho tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, Đấng chúng ta tin tưởng, và Đấng mà chúng ta luôn luôn có thể chạy đến với Ngài bất cứ lúc nào, để xin Ngài che chở, cứu chữa, đặc biệt khi chúng ta rơi vào « vòng xoáy » của sự dữ, hay khi chúng ta phải đối diện với những cám dỗ thứ thách trong cuộc đời dương thế này.

 

 

 

[i] HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, Desclée de Brouwer, Paris 1999, t.115.

 

[ii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.86-89.

 

[iii] X. BILLERBECK P., I Band, t.421.

 

[iv] X. LUZ U., Das Evangelium nach Mattheus, 1.Band, chú thích 94, t.348.

 

[v] JEREMIAS J., Das Vater Unser, Calwer Hefter 50, Calwer Verlag, Stuttgart 1962, t.25.

 

[vi] Ss. GNILKA Joachim, das Matthaeusevangelium, teil 1, t.225.

 

[vii] HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, Desclée de Brouwer, Paris 1999, t.117.

 

[viii] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.62-63.

 

[ix] ZENGER E., Das Buch Exodus, 3.Aufl., Patmos Verlag, Düsseldorf 1987, t. 245.

 

[x] HAAG E., Das Buch Jeremia, teil II, 1. Aufl., Patmos Verlag, Düsseldorf 1977, t.105-108.

 

[xi] X. DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, t.238.

 

[xii] Trích bởi HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, t.63-64.

 

[xiii] X. Martini C., Le Notre Pere, t.41.

 

[xiv] X. BONHÖFFER D., Gesammelte Schriften, IV. Band, 3.Aufl., CHR. Kaiser Verlag, München 1975, t. 402-403.

 

[xv] WEIL S., Attente de Dieu, t.219.

 

[xvi] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.85.

 

[xvii] X. TRILLING W., Das Evangelium nach Mathaeus, 1.Teil, t.118-119.

 

[xviii] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2845, t.789.

 

[xix] X. HUBAUT M., Dieu, mon père et votre père, t.118.

 

[xx] X. GUILLET J., trong “Dictionnaire de Spiritualité”, Tome XII, Beauchesne, Paris 1984, c.213-14.

bottom of page