top of page
  • Hướng nhìn Chúa Giê-su.

 

Các vị ẩn tu sống vào thế kỷ thứ hai và thứ ba trong sa mạc ở Ai-cập đã kể lại một câu chuyện diễn tả tinh thần sống hướng nhìn lên Chúa Giê-su. Ngày nọ một thầy tu trẻ tìm đến với vị ẩn tu lớn tuổi nhiều kinh nghiệm và đầy khôn ngoan. Anh ta hỏi: “Thưa cha, xin cha giải thích cho con, tại sao có nhiều người đã đến để tập sống đời tu trì, nhưng chỉ có một số người trung thành ở lại, phần nhiều thì lại trở về”.

Vị ẩn tu trả lời: “Con hãy nghe một câu chuyện giống như thế. Khi một con chó nhìn thấy con thỏ, thì nó sẽ săn lùng và đuổi bắt con thỏ đó. Nó vừa chạy vừa sủa to. Các con chó khác nghe tiếng sủa của con chó này, thì cũng bắt đầu chạy theo. Chúng rất nhiều và chạy song song với nhau, nhưng chỉ có một con chó nhìn con thỏ đang chạy, và chỉ có nó thực sự mới theo sát con thỏ với đôi mắt mở to. Các con chó còn lại không nhìn thấy con thỏ, chúng chỉ cắm đầu cắm cổ chạy theo mà không có mục đích rõ rệt, và rồi hết con này đến con khác bỏ cuộc, vì chúng mệt mỏi và hết sức. Như thế, con nào có mục đích rõ rệt và luôn hướng nhìn đến mục đích mà nó có, thì sẽ bền đỗ đến cùng, và cuối cùng sẽ bắt được con thỏ, sẽ đạt được mục đích của nó”. Vị ẩn tu già nói tiếp: “Con thấy chưa, với các tu sĩ cũng thế. Chỉ có những ai giữ đôi mắt của mình luôn hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng bị đóng đinh vì chúng ta, thì người đó sẽ đạt được đích đến”.[i]

 

Như vậy, để có thể sống tinh thần các Mối Phúc, chúng ta cần hướng nhìn lên Chúa Giê-su, Đấng đã rao giảng và đã sống đúng tinh thần các Mối Phúc, và chúng ta chiêm ngắm Ngài, học biết và bắt chước Ngài sống các Mối Phúc, để đạt được đích đến là chính Chúa, là Nước Trời. Có thể nói, các Mối Phúc chính là sự diễn tả chính xác về cuộc sống của Chúa Giê-su.[ii] Các Mối Phúc nêu bật hình thức và cách thức sống của Chúa. Chúa Giê-su thật sự sống đúng tinh thần nghèo khó, Ngài cũng chính Đấng hiền lành và khiêm nhường, Ngài còn là người đau buồn thật sự trước tội lỗi của con người, và trước chén đắng mà Ngài phải đón nhận, Ngài còn là vị Thầy luôn khát khao sự công chính, là Đấng giàu lòng thương xót với những người đau khổ và tội lỗi, và cả cuộc đời Ngài luôn xây dựng tinh thần hoà bình, đến nỗi sứ điệp bình an là sứ điệp quan trọng của Đấng Phục Sinh. Và chính Chúa cũng đã bị bách hại vì sự công chính, vì tình yêu dành cho nhân loại. Đức Benedicto XVI cũng đã nêu bật chân dung của Đức Ki-tô gắn liền với các Mối Phúc mà Chúa rao giảng: “Chúa Giê-su giảng rằng: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó; phúc thay ai sầu khổ, phúc thay ai không dùng đến bạo lực, phúc thay ai khát khao nên người công chính; phúc thay ai xót thương người, phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, phúc thay ai xây dựng hoà bình, phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính (x.Mt 5,3-10). Thật vậy, người có phúc hoàn toàn là chính Chúa, Chúa Giê-su. Bởi vì Ngài đã thực sự sống tinh thần nghèo khó, là Người sầu khổ, là Người không bao giờ đụng đến bạo lực, là Người khát khao sự công chính, là Người tràn đầy lòng thương xót, là Người có tâm hồn trong sạch, là Người luôn xây dựng hoà bình, và là Người bị bách hại vì sự công chính. Các Mối Phúc đã diễn tả cho chúng ta thấy chân dung thiêng liêng của Chúa Giê-su”.[iii]

Như vậy, Chúa Giê-su và các Mối Phúc có một sự liên kết chặt chẽ. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã thốt lên rằng: Ôi mầu nhiệm nào đối với tôi là mầu nhiệm của sự nghèo khó. Nhưng mầu nhiệm đó sẽ được sáng tỏ, khi tôi chiêm nghắm Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa và đã từ bỏ sự giàu sang để trở nên nghèo khó cho chúng ta và với chúng ta.

Khi đọc các Mối Phúc chúng ta khám phá được chân dung của Chúa Giê-su. Vì thế, khi đọc các Mối Phúc mà không hướng nhìn lên Chúa Giê-su, thì không thể thấu hiểu và cảm nhận được tinh thần và chiều sâu mà sứ điệp các Mối Phúc muốn diễn tả. Những ai được chúc phúc trong tinh thần của các Mối Phúc, là những người luôn hướng nhìn lên Đấng đã yêu thương họ, đến nỗi chết cho họ. Thần học gia Ratzinger cũng nhấn mạnh điều này: “Ý nghĩa của các Mối Phúc không thể được diễn tả trong những thuật ngữ thuần túy mang tính lý thuyết. Các Mối Phúc được công bố trong cuộc đời và sự đau khổ và trong niềm vui nhiệm mầu của người môn đệ tự dâng hiến chính mình cách triệt để để đi theo Chúa. Điểm này dẫn đến điểm thứ hai: Đặc tính Ki-tô học trong các Mối Phúc. Người môn đệ liên kết với mầu nhiệm Đức Ki-tô. Cuộc đời của người ấy chìm sâu vào trong hiệp thông với Đức Ki-tô. ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi’ (Gl 2,20). Các Mối Phúc chuyển Thánh Giá và sống lại vào trong cuộc đời làm môn đệ. Nhưng các Mối Phúc được áp dụng cho các môn đệ vì, trước tiên, chính Đức Ki-tô đã sống mẫu mực các Mối Phúc. Điều này càng trở nên hiển nhiên nếu bây giờ, chúng ta quay trở lại để nghiên cứu phiên bản các Mối Phúc trong Phúc Âm Mát-thêu (x.Mt 5,3-12). Những ai đọc bản văn của Mát-thêu cách chăm chú, sẽ nhận ra rằng các Mối Phúc trình bày một loại tiểu sử nội tâm của Đức Giê-su được mở ra, một kiểu chân dung về Ngài. Đấng không có chỗ tựa đầu (x.Mt 8,20), là Đấng nghèo thật sự. Đấng có thể nói ‘hãy đến cùng tôi… vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường’ (x.Mt 11,28-29), là Đấng hiền hậu thật. Ngài là Đấng trong sạch trong lòng và luôn luôn nhìn thấy Thiên Chúa. Ngài là Đấng đem lại hòa bình, Ngài là Đấng chịu đau khổ vì Thiên Chúa. Các Mối Phúc phô diễn mầu nhiệm của chính Đức Ki-tô, và kêu mời chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với Ngài. Nhưng vì đặc tính Ki-tô học ẩn giấu, các Mối Phúc cũng là bản chỉ đường cho Hội Thánh. Qua chúng, Hội Thánh nhận ra mẫu mực Hội Thánh phải trở nên. Các Mối Phúc là những hướng đi cho cuộc đời làm môn đệ, những hướng đi liên quan đến từng cá nhân, cho dù, theo nhiều ơn gọi khác nhau, những hướng đi rất khác biệt cho mỗi cá nhân”.[iv]

Dietrich Bonhoeffer trong tác phẩm Nachfolge – Bước Theo đã viết: “ Đối với những người được chúc phúc chỉ có một nơi duy nhất. Nơi đó họ tìm thấy Đấng Nghèo Nhất, Đấng Đau Khổ Nhất, Đấng Hiền Lành Nhất, với Thánh Giá trên đồi Gôn-gô-tha”.[v] Trên đường bước theo Chúa Giê-su để sống tinh thần các Mối Phúc, chúng ta những Ki-tô hữu, luôn hướng nhìn lên Ngài, xin Ngài cho chúng ta được chia sẻ phần nào cuộc sống của Ngài, dù đó là cuộc sống với nhiều đau khổ, như Thánh Tông Đồ Phê-rô viết: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1P 4,12-13).

 

- Đấng sinh ra trong nghèo khó và với thân phận nghèo bị đóng đinh trên Thánh Giá.

 

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ở chương thứ Tư và số 197, Đức Thánh Cha Phanxicô có đề cập đến việc Chỗ đứng đặc quyền của người nghèo trong Dân Thiên Chúa, ngài đã chia sẻ rất sâu sắc về hình ảnh của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô đã trở nên nghèo: “Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Người ‘trở nên nghèo’ (x.2Cr 8, 9). Toàn thể cuộc hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người nghèo.  Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời ‘xin vâng’ của một thiếu nữ khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại”.

 

Thiên Chúa trở nên một người nghèo, nhưng cụ thể như thế nào? Tông huấn, trong số 197, viết tiếp: “Đấng Cứu Thế đã được sinh ra trong máng cỏ, giữa những thú vật, như trường hợp những đứa con của những người nghèo nhất; được dâng trong đền thờ với hai con chim câu, lễ vật của những người không có khả năng dâng một con chiên (x.Lc 2,24; Lv 5,7); lớn lên trong một ngôi nhà của người lao động đơn giản và làm việc với đôi bàn tay của mình để kiếm được bánh mà ăn. Khi Người bắt đầu công bố Nước Thiên Chúa, đám đông những kẻ bị bóc lột đã theo Người, và do đó minh họa những gì chính Người đã nói: ‘Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu cho Tôi và sai Tôi đi để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo’ (Lc 4,18);  cho những người đang gánh nặng với đau buồn, bị áp bức bởi sự nghèo khổ, đảm bảo cho họ rằng Thiên Chúa đang dành cho họ một chỗ đặc biệt trong quả tim Ngài: ‘Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em’ (Lc 6,20), và Người đã tự đồng với họ: ‘Ta đói, các con đã cho Ta ăn’, và đã dạy rằng lòng thương xót đối với họ là chìa khóa của Thiên Đàng (x.Mt 25,35 tt)”.

Với lời của Tông Huấn, chúng ta hướng nhìn Chúa Giê-su trong máng cỏ Bê-lem và trên Thánh Giá. Ngài chính là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đón nhận sự nghèo khổ nhất cho chính mình. Ngài đã tự hạ mình và hy sinh cho chúng ta, đến nỗi Ngài sẵn sàng để mình bị nộp vào tay người đời:

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

 

Đọc những lời của thánh Phao-lô, có thể nhận ra con đường đi xuống của Chúa Giê-su. Con đường từ bỏ mọi sự cao cả, để mặc lấy phận nghèo hèn của kiếp nhân sinh. Ngược với dòng chảy của cuộc đời, Đức Ki-tô đã chọn con đường đi xuống. Đọc trong các Tin Mừng và những tâm tình của thánh Phao-lô, chúng ta thấy rất rõ ràng, Chúa Giê-su đã chọn con đường này. Ngài không chỉ chọn con đường đi xuống một lần, mà thật nhiều lần Ngài thực sự đi xuống, trở nên thấp hèn. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Ngài vẫn chọn con đường đi xuống, con đường nghèo khó, con đường đón nhận biết bao khổ đau.[vi]

Con đường đi xuống của Đức Ki-tô khởi đi từ chính mầu nhiệm làm người của Ngài. Karl Rahner khi suy niệm về mầu nhiệm này đã thốt lên: “Nhưng Chúa đến như thế nào và Chúa đã làm gì rồi? Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng: sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pon-ti-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ và chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều, theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt: đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu xa nhất và là cái chết”.[vii]

Chúa đã thực sự đi vào trong đời sống rất bình thường của chúng ta, đến nỗi gần như chúng ta không nhận ra Ngài từ giữa những người khác. “Ôi lạy Chúa, Chúa đã gọi mình là Con Người?” Nhưng không chỉ là một Con Người, mà Chúa còn được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ, của một người tôi tớ hèn hạ, đến nỗi cuộc đời này coi khinh Chúa và muốn làm gì Chúa thì làm.

Thật vậy, chúng ta không thể hiểu được con đường đi xuống của Đức Ki-tô. Ngài đang “bơi ngược dòng đời”, Ngài yêu thương và ôm ấp cái nghèo, Ngài sẵn sàng chọn “cái ghế thấp nhất” không ai để mắt tới, Ngài đang tự huỷ chính mình cho nhân loại. Ngài là một Thiên Chúa ẩn mình trong những nơi hèn hạ nhất, Ngài thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào , Ngài bước vào trong hàng lối của chúng ta, cùng lê bước với chúng ta một cách không ngừng nghỉ. Vâng, con đường đi xuống của Đức Ki-tô không ai có thể thấu hiểu, dù có đặt biết bao nhiêu câu hỏi và luận đề, có mày mò lý luận và dùng nhiều cách thức để tìm câu trả lời, thì vẫn phải đối diện với ngõ cụt, kể cả thần học gia danh giá Karl Rahner: “Ngài cần phải đến, để cứu độ chúng con ra khỏi chúng con, và Ngài, một lần nữa, chính Ngài là Đấng duy nhất có tự do, và chính Ngài là Đấng vô biên duy nhất đã trở nên như chúng con. Và dù con có biết rằng Ngài yêu thương và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vô biên, thì con vẫn xin hỏi Ngài rằng: Ngài không sợ hãi trước cái chết của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng không bao giờ chết; không sợ hãi trước sự giới hạn của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng vô biên; không sợ hãi trước sự hào nhoáng bên ngoài giả dối của chúng con sao, lạy Ngài, Đấng trung thành với sự thật? Có phải Ngài đã tự mình đóng đinh vào tạo vật, bằng cách Ngài đã đón nhận cuộc sống thực của Ngài, một cuộc sống thật gần và thân thiện với cuộc đời, mà trước đó trong cõi xa xăm vĩnh cửu Ngài chỉ đụng tới bóng đêm đàng sau, bóng đêm không có giá trị gì đối với ánh sáng không thể tới gần của Ngài? Có phải thập giá trên đồi Gôn-gô-ta không chỉ là sự tỏ bày của Thánh Giá được chuẩn bị cho Ngài, và Ngài phải mang vác Thánh Giá đó trong mọi nơi và mọi lúc ?”[viii] Ngài phải mang vác Thánh Giá đó trên hành trình sứ vụ. Đó chính là chọn lựa của Chúa Giê-su, là cách thức Chúa chọn trên hành trình loan báo Tin Mừng. Cách thức của Thánh Giá, của tự huỷ và của nghèo khó.

 

- Cách thức rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, Đấng tự huỷ và Đấng nghèo khó.

 

“Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.’ Người trả lời: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’.” (Lc 9,57-58). Thánh Lu-ca đã diễn tả cho chúng ta thấy sự nghèo khó của Chúa Giê-su cách vắn tắt như vậy. Nếu so sánh với chúng ta hôm nay, đa số chúng ta loan báo Tin Mừng với những phương tiện hiện đại đắt tiền, và còn xây dựng biết bao nhiêu cơ sở lớn lao, và đôi khi xây dựng cả cho cá nhân người thi hành sứ vụ nhà cao cửa rộng, trang bị xe hơi đắt tiền, với lý do hoàn toàn hợp lý: Đi vào vùng sâu vùng xa, cần có phương tiện tốt, và nhờ phương tiện đó mới giữ gìn được sức khoẻ cho hành trình lâu dài của việc loan báo Tin Mừng. Dù chúng ta có đưa biết bao nhiêu lý do chính đáng để biện hộ cho cách thức loan báo Tin Mừng của chúng ta, thì chúng ta cũng cần nhìn lên Chúa Giê-su.

 

Chúa Giê-su đã không thi hành sứ vụ của Ngài bằng những phương tiện của con người, và cũng khước từ tất cả mọi mánh lới hay mọi phương tiện do ma quỷ đề nghị với Ngài. Đó là của cải vật chất và tiền bạc, đó là quyền lực và danh vọng, đó là kiêu ngạo và ganh đua. Chúa đã khước từ việc tự khẳng định, sự khoe khoang quyền lực và sức hấp dẫn của giàu sang. Ngài không ngần ngại phó thác đời mình cho tình yêu thương quan phòng của Chúa Cha. Khởi sự việc công khai loan báo Tin Mừng, Chúa rời bỏ gia đình, nhà cửa, của cải, nghề nghiệp để bắt đầu hướng đến một cuộc sống lưu động, và thường xuyên phục vụ những người khác.

Bước theo Đức Giê-su lưu động nghĩa là bước cạnh Ngài trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Với những ai đã gặp gỡ và xin theo Ngài, Đức Giê-su tỏ lộ cho họ thấy ý nghĩa và điểm cốt lõi về lối sống của Ngài. Với một người trong nhóm tiến lại gần Ngài và đã thưa với Ngài, “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9,57), Đức Giê-su bảo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58; Mt 8,20).

Con Người viết hoa là Chúa Giê-su, Ngài không vợ con, luôn rong ruổi trên đường, lữ hành từ thành này tới thành nọ; Ngài tiện đâu trú đấy. Ngay cả loài vật, chẳng hạn như những con cáo và những con chim khi di chuyển từ nơi này đến nơi nọ, ít nhất cũng có một cái hang ở dưới đất hay cái tổ trên cây; vậy mà Chúa Giê-su chẳng có lấy một cái chiếu nhỏ hay chỗ nương thân. Ngài không có vợ cũng chẳng có con, cũng chẳng có dinh thự. Ngài sống trong tình trạng hoàn toàn không cố định. Như thế, có thể nói rằng Chúa là hiện thân của người nghèo, độc thân, không gia đình, không nơi ở nhất định, không có vẻ gì là công dân. Hình ảnh so sánh với chim trên bầu trời và cáo dưới đất càng làm tăng mức độ tương phản của tình trạng bấp bênh, bị bỏ rơi là tình cảnh Đức Giê-su đang sống. Đó cũng là lối sống Ngài mời gọi những ai muốn theo Ngài phải sống. Để rồi với cách thức đó, Ngài đem Tin Mừng cho người nghèo hèn và bất hạnh.

 

- Chúa Giê-su với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.

 

Không chỉ là đón nhận thân phận nghèo của kiếp nhân sinh, mà Ngài còn chọn cách thức thật đơn sơ và nghèo nàn, để mang sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, những người có chỗ ưu tiên trong cuộc đời của Chúa. Thánh Lu-ca đã kể lại trong Phúc Âm hình ảnh Chúa Giê-su ở tại Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (x.Lc 4,16-18). Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta sẽ thấy nhiều câu chuyện về việc Chúa Giê-su đã chú ý tới người nghèo, nâng đỡ họ với tất cả tình yêu thương dành cho họ.

 

Chuyện kể về một người nghèo hành khất có tên là Bác-ti-mê (x.Mc 10,46-52). Không chỉ nghèo mà còn bị mù nữa chứ. Phải chăng cái mù và cái nghèo dễ làm bạn với nhau? Hằng ngày anh ngồi bên cổng thành để ăn xin. Chắc chắn rồi, Bác-ti-mê mong ngóng được bố thí vài đồng cắc, hay một chút của ăn nuôi thân. Nhưng nếu chỉ mong như thế, thì chẳng cần phải kể câu chuyện này làm gì. Vượt trên của ăn và tiền bạc, Bác-ti-mê ao ước những tấm lòng nhân ái có sức đem lại cho anh niềm vui, có thể chiếu soi một chút ánh sáng vào tâm hồn của kẻ mù loà. Ao ước của kẻ thấp hèn và nghèo khó luôn được Thiên Chúa đoái nhìn. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Lời hát của Mẹ Maria, khi mang thai con mình là Chúa Giê-su giờ đây được ứng nghiệm. Đi ngang qua nơi anh hành khất Bác-ti-mê ngồi, Chúa Giê-su nghe tiếng than van và kêu xin. Không chỉ kêu nhỏ mà con kêu lớn hơn, khi có ai đó muốn giập tắt tiếng kêu. Không chỉ kêu một cách vô định hướng, mà tiếng kêu đó có địa chỉ đàng hoàng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Địa chỉ chính xác, cánh cửa mở ra. Chúa Giê-su, Đấng loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, đã dừng lại và truyền đưa anh hành khất lại với Ngài. “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Một câu hỏi thật thú vị. Dù Chúa đã biết anh ao ước được thấy, được có đôi mắt sáng để rời khỏi chỗ ngồi ở bên lề cuộc đời, và có thể bước vào giữa cuộc đời, để làm việc và để tự nuôi thân, nhưng Chúa vẫn hỏi anh. Câu hỏi đưa anh trở về lại với lòng khao khát thực sự, trở về lại với niềm tin tưởng mạnh mẽ của anh. “Thưa thầy xin cho tôi nhìn thấy được”. Câu trả lời đơn sơ của kẻ hành khất. Lòng ước ao của kẻ mù loà là được có ánh sáng, được nhìn thấy, và qua đó có thể thoát khỏi thân phận nghèo hèn. Tin Mừng cho kẻ nghèo và cho kẻ mù đã được Chúa đưa tới. Tin Mừng của Đấng là Ánh Sáng đích thực gặp phận người nghèo nàn và mù tối. Tin Mừng đó không thể đứng yên, cũng như Ánh Sáng không bao giờ là Ánh Sáng, nếu Ánh Sáng đó đánh mất đi bản chất và tính năng động. Đó là chiếu sáng, là sưởi ấm, là soi dẫn và đôi khi là đốt cháy và thiêu huỷ. Thật vậy, Chúa không chỉ đưa tới một Tin Mừng qua lời nói, mà Tin Mừng của Chúa chứa đựng “chất lượng” của tình yêu. Tình yêu đem lại ơn cứu rỗi, tình yêu giải thoát kẻ nghèo hèn, tình yêu xoá tan bóng tối và đem lại ánh sáng. “Tức khắc, anh nhìn thấy được, và đi theo Người trên con đường Người đi”.

 

Đi với Chúa trên đường, chúng ta còn được phép chiêm ngắm cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Chúa với bà goá ở thành Na-im (x.Lc 7,11-17). Trên hành trình sứ vụ, Chúa Giê-su đi từ thành này đến thành nọ, và Ngài luôn gặp gỡ và chú ý đến những người nghèo khó và bất hạnh. Khi đến thành Na-im, một đám tang đã thu hút đôi mắt của Chúa. Đó là đám tang của một thanh niên, là đứa con ruột của một góa phụ. Trong xã hội Do Thái thời đó, là goá phụ đã thê thảm lắm rồi; giờ đây, gia tài duy nhất là đứa con trai cũng rời bỏ người phụ nữ đáng thương này. Câu chuyện không nói rõ người phụ nữ này giàu hay nghèo trên phương diện xã hội, nhưng ít nhất bà là một người bất hạnh. Hơn nữa, cái nghèo của cải vất chất làm sao so sánh bằng cái nghèo tinh thần, cái nghèo của một phụ nữ đã mất chồng, giờ lại mất đứa con trai duy nhất là núm ruột của mình. Có thể đó lại là đứa con trai duy nhất còn lại của bà. Người ta nói rằng khi một người già chết đi, người ấy mang đi quá khứ của chúng ta; còn khi một người trẻ chết đi, người ấy mang đi chính tương lai của chúng ta. Sự mất mát to lớn của người phụ nữ goá chồng này to lớn đến nỗi, có thể khiến cho bà không còn thiết tha sống nữa. Bước vào giữa cuộc đời ở tại ngôi làng nhỏ bé đó, Chúa Giê-su đã chứng kiến cảnh tượng đau thương này. Ngài phản ứng thế nào, Đấng đem Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, Đấng băng bó cho những ai đang bị đau thương, Đấng đem lại cho họ một năm mới tràn đầy hồng ân cho những kẻ cùng khổ? Đọc kỹ lại câu chuyện, chúng ta thấy một loạt hành động rất nhỏ bé nhưng rất tuyệt vời của Chúa: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!’ Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,13-15). Như thế, hành động đầu tiên là Chúa thấy, rồi Chúa chạnh lòng thương bà, Chúa nói với bà, Chúa lại gần quan tài, giơ tay sờ vào quan tài. Tiếp đến Chúa nói với người thanh niên đang nằm chết, cuối cùng với kết quả tuyệt vời là sự sống đã trở về với gia tài duy nhất của người mẹ goá bất hạnh đang đứng kia. Sự sống đó được Chúa trao lại cho bà mẹ. Chỉ cần chiêm ngắm và suy niệm từng cử chỉ nhỏ bé này của Chúa Giê-su, chúng ta mới thấy tấm lòng tuyệt vời của Đấng đem Tin Mừng cho người nghèo khó.  Qua hành động giàu lòng thương xót của Chúa đối với người phụ nữ goá phụ kia, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su đã làm cho bà trở thành người giàu có. Sự sống mà trước đây bà sinh ra đã trở về với bà, nhưng sự sống này lại mang một giá trị mới. Đó chính là sự sống mà chính Thiên Chúa ban tặng cho bà. Thiên Chúa luôn để mắt đến những con người nghèo khó và bất hạnh, và Ngài luôn muốn làm cho họ trở thành người giàu có.

 

- Chúa Giê-su tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo làm cho con người trở nên giàu có.

 

“Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Thánh Tông đồ viết cho các Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô để khuyến khích họ quảng đại giúp đỡ các tín hữu ở Giê-ru-sa-lem đang túng thiếu. Những lời này của thánh Phao-lô có ý nghĩa gì? Trong tinh thần suy niệm Mối Phúc nghèo, chúng ta thấy sự giàu có mà con người nhận được qua Chúa Giê-su được khám phá dưới ánh sáng của biến cố vượt qua. Biến cố này vừa tỏ lộ viễn tượng về cuộc đời Đức Giê-su, vừa là tiêu chuẩn đặc thù để hiểu sự khó nghèo của Ngài. Biến cố Phục Sinh đã hiển lộ sự thật về Chúa Giê-su Na-da-rét: Ngài không chỉ là ngôn sứ, mà còn là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa và là Chúa của mọi loài vì Chúa Cha đã trao cho Ngài mọi quyền năng trên trời dưới đất.

Thật vậy, Chúa Giê-su, vốn là Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho nhiều người trở nên giàu có. Khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như Chúa, mà như người tôi tớ, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy thân xác như thân xác của chúng ta (x.Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Chiêm ngắm thêm về mầu nhiệm nhập thể của Chúa, chúng ta thấy đó là một hành động vĩ đại qua việc Con Thiên Chúa tự nguyện trở nên khó nghèo, Ngài chọn cái nghèo làm lẽ sống thay vì sự giàu sang. Đức Ki-tô từ bỏ sự giàu sang trên trời là vinh quang Thiên tính của Ngài, chọn trở nên nghèo khó và xuất hiện trong thân phận người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tâm tình này như sau: “Thiên Chúa không tỏ mình nơi quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng nơi sự yếu đuối và nghèo nàn: ‘Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em...’. Chúa Ki-tô, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng quyền năng và vinh quang với Chúa Cha, đã chọn trở nên nghèo khó; Người đã đến giữa chúng ta và trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Người đã trút bỏ vinh quang và huỷ mình ra không, để trở nên giống chúng ta trong mọi sự (x.Pl 2,7; Dt 4,15). Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm thật cao cả! Và nguyên nhân của tất cả những điều ấy là tình yêu của Người, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, một tình yêu chẳng do dự hiến thân hy sinh cho người mình yêu. Bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ số phận của người mình yêu trong mọi sự. Tình yêu làm cho chúng ta nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và loại bỏ những ngăn cách… Khi tự ý trở nên nghèo, Chúa Giê-su không tìm kiếm cái nghèo vì chính nó, nhưng như thánh Phao-lô đã nói: ‘để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Người’. Đây không phải là một kiểu chơi chữ hay một khẩu hiệu! Nhưng là tóm tắt lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc của tình yêu, lô-gíc của Nhập thể và Thánh giá. Thiên Chúa không làm cho ơn cứu độ từ trời cao rơi xuống cho chúng ta, như ai đó làm phúc bố thí từ của dư thừa, chẳng có ý nghĩa vị tha và đạo đức. Tình yêu của Chúa Ki-tô thì khác! Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Giô-đan để cho Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, Người làm thế không phải vì cần thống hối hay hoán cải; Người làm điều ấy để ở giữa dân chúng là những người cần ơn tha thứ, ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Người đã chọn con đường ấy để an ủi chúng ta, cứu rỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng khốn khổ. Thật là ấn tượng khi Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Ki-tô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài, dù rằng Thánh Phao-lô biết rõ ‘những sự phong phú khôn lường của Chúa Ki-tô’ (Ep 3,8), ‘là người được thừa kế mọi sự’ (Dt 1,2)”.[ix] Với tình yêu cao cả vượt mọi bức tường, Chúa đã rộng lượng ban cho nhân loại sự phong phúc khôn lường của Nước Trời, sự giàu sang của Thiên Chúa. Và qua thân xác nhân loại mà Chúa đã đón nhận, Chúa mặc lấy tất cả chúng ta thành chính Ngài. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho chúng ta được phép trở nên giống Chúa hơn và được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Chúa. Đó cũng là nét giàu có, và cũng là một ân sủng lớn lao mà chúng ta nhận được. Đức Benedicto XVI đã suy niệm như sau: “Thiên Chúa thật lớn lao, đến nỗi Ngài có thể trở nên nhỏ bé. Thiên Chúa thật quyền năng, đến nỗi Ngài có thể trở nên bất lực và trở nên một trẻ sơ sinh và đến với với chúng ta, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Thiên Chúa thật tốt lành, đến nỗi Ngài đã từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, Ngài đi xuống thế gian và hiện diện trong hang lừa, để chúng ta có thể tìm thấy Ngài, và để sự tốt lành của Ngài đụng đến chúng ta, lây lan đến chúng ta, và qua chúng ta sự tốt lành của Ngài tiếp tục ảnh hưởng. Đó là Giáng Sinh. ‘Con là con Cha của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con’. Thiên Chúa đã trở nên một người ở giữa chúng ta, để chúng ta có thể được sống với Ngài, có thể trở nên giống như Ngài. Ngài đã chọn hình hài của trẻ sơ sinh trong máng cỏ như là dấu hiệu giúp chúng ta nhận ra Ngài: Đó là Chúa. Chúng ta quen biết Chúa qua Hài Nhi nhỏ bé này”.[x]

Sau khi sinh ra trong cuộc đời, Chúa Giê-su đã bước vào cuộc đời của chúng ta, và Ngài bắt đầu làm cho nhân loại được giàu có qua chính tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả như sau: “Như thế đâu là cái nghèo mà Chúa Giê-su dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang? Đó là cách Người yêu thương chúng ta, cách Người trở nên người thân cận của chúng ta như người Samaritanô nhân lành đến gần người bị bỏ mặc dở sống dở chết bên vệ đường (x.Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do đích thực, ơn cứu độ đích thực và hạnh phúc đích thực là lòng thương xót, nhân lành và chia sẻ của tình yêu của Người. Cái nghèo của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta nên giàu có là ở chỗ Người đã làm người, mang lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta”.[xi]

 

Qua đó, chúng ta thấy rằng, khi Chúa Giê-su làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng ta với tất cả những thực tế của nó, thì cuộc sống của chúng ta đã được mang một hương hoa khác. Hương hoa của tình yêu. Khi Chúa Giê-su để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy dài trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng ta, thì cuộc sống đầy giới hạn này của chúng ta tìm thấy lối thoát, vì Chúa đã mở ra cho chúng ta một hướng đích xuyên suốt qua con đường hẹp, con đường vượt qua sa mạc khô cằn, và Biển Đỏ nhiều hiểm hoạ. Khi Chúa cẩn thận chạm vào cuộc sống của chúng ta, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra khỏi chén đắng cuộc đời, và hơn nữa Chúa còn uống chén đắng khổ đau đó, thì chén đắng của nhân loại được biến đổi trở thành chén nồng say của tình yêu đem lại ơn cứu rỗi. Khi Chúa để những guồng máy đầy bạo lực và dã man của nhân loại đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đi vào cuộc sống của Chúa, là lúc Chúa làm cho con người chúng ta thoát khỏi gọng kìm của Sa-tan và thần dữ, của ác độc và bất nhân. Ách nặng nề của cuộc đời được biến thành ách nhẹ nhàng nơi Chúa Giê-su. Ôi giàu có biết bao nhiêu, hỡi con người được Chúa yêu thương, một Thiên Chúa trở nên nghèo nàn, để làm cho chúng ta trở nên giàu có.

Thật vậy, qua tình yêu rất cụ thể, Thiên Chúa đã đi bước trước, để làm cho chúng ta được giàu có, để chúng ta được đón nhận biết bao hồng ân cao quý. Hồng ân được gặp Chúa, hồng ân được hiệp thông với Chúa, hồng ân được trở nên người thân của Chúa, là anh em của Chúa trong một gia đình, là con của Cha trên trời với Đức Ki-tô là Anh trưởng tử. Đọc tiếp tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy: “Sự giàu sang của Chúa Giê-su ở chỗ là Con Thiên Chúa; tương quan độc nhất của Người với Chúa Cha chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Mê-si-a nghèo khó này. Khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta mang lấy ‘ách nhẹ nhàng’ của Người, Người mời gọi chúng ta trở nên giàu có thêm bằng ‘cái nghèo giàu sang’ và ‘sự giàu sang nghèo khó’ của Người, chia sẻ Thần Khí con thảo và huynh đệ của Người, trở nên con cái trong Người Con, và anh chị em trong người Anh Trưởng Tử (x.Rm 8,29). Người ta bảo rằng chỉ có một điều đáng tiếc thực sự, đó là không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng chỉ có một sự khốn khổ thực sự, đó là không sống như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của Chúa Ki-tô”.[xii]

Khi ý thức mình là anh em của Chúa Giê-su, và là con của Cha trên trời, chúng ta mới càng ngạc nhiên hơn với sứ điệp từ trời cao gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với tất cả tâm hồn, chúng ta đọc những lời này, và chúng ta hướng nhìn lên trời cao, hướng nhìn lên Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, chúng ta có thấy mình xứng đáng được yêu thương không? Hơn nữa, Cha trên trời còn ban cho chúng ta Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su. Đó là người con yêu dấu của Ngài. Một tình yêu cao quý, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu lớn hơn tất cả mọi tưởng tượng của con người. Vâng, chúng ta chẳng xứng đáng được như thế, nhưng Cha trên trời vẫn ban tặng cho chúng ta “Món Quà” quý giá trên hết mọi món quà của trần gian. Chúng ta có ý thức đón nhận Chúa Giê-su không? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có là “Gia Tài” lớn nhất của chúng ta không? Ngài có là tất cả đối với chúng ta không? Trong lịch sử nhân loại, cũng đã có những người cảm nghiệm và ý thức được điều này, như Thánh Nữ Teresa thành Avila, Thánh I-nhã thành Loyola, Mẹ Teresa thành Can-cút-ta, và còn biết bao nhiêu người khác. Với họ, “Chúa là tất cả của tôi”.

Là anh em của Chúa Ki-tô và là con của cha trên trời, còn diễn tả một hồng ân cao quý là chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Chúa. Đó là sự giàu sang mà ai ai cũng ao ước. Karl Rahner giúp chúng ta khám phá sâu hơn nữa về hồng ân cao quý này: “Vì chúng con tự mình không thể giúp mình được, và vì chúng con không thể tự cứu mình thoát khỏi mình được, nên chúng con đã kêu cầu sự hiện diện của Chúa và Chân Lý của Chúa, kêu cầu sự toàn năng của cuộc sống Ngài ngự đến trên chúng con, và cũng vì thế chúng con kêu cầu sự khôn ngoan của Chúa, sự tốt lành của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, để rồi khi Chúa đến, Chúa sẽ đập vỡ tất cả những giới hạn của chúng con, Chúa làm cho nghèo nàn nên giàu có, và Chúa cho chúng con, những con người của thời gian, được tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa”.[xiii] Tham dự vào trong sự vĩnh cửu của Chúa là một món quà làm cho chúng ta trở nên giàu có. Nếu dừng bước và đi vào trong chiều sâu của con người, đụng tới bản chất thật nhưng đầy giới hạn của mình, một phận người nhỏ bé, dễ vỡ và đầy tội lỗi, chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao, khi chúng ta được phép bước vào trong ngôi nhà của Thiên Chúa, khi chúng ta - những phận đời giới hạn, được Chúa cho phép tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Chúa. 

Thật là hạnh phúc lớn lao, khi nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Một tình yêu biến đổi con người từ nghèo khó trở nên giàu có. Sự biến đổi đó được Chúa thực hiện qua chính cái nghèo của Chúa, cái nghèo trong hang lừa Bê-lem, cái nghèo ở trên Thánh Giá của Chúa.

 

- Chúa Giê-su trên Thánh Giá, kho tàng của Ki-tô hữu không giữ cho riêng mình.

 

Hướng nhìn lên Chúa Giê-su, chúng ta khám phá được Ngài đã sống tinh thần Mối Phúc nghèo khó như thế nào. Có thể nói, cao điểm của sự nghèo khó mà Chúa Giê-su biểu lộ là chính Thánh Giá của Ngài. Trên Thánh Giá, Chúa bị tước đoạt tất cả, và Ngài đối diện với cái chết trần trụi, cái chết của một người nghèo của mọi người nghèo. Tuy nhiên, chính ở nơi cái nghèo nhất đó, bao nhiêu người sống theo tinh thần các Mối Phúc đã tìm thấy kho tàng quý giá. Dietrich Bonhoeffer đã nhận ra điều đó và ông đã viết: “Họ là những người có tâm hồn nghèo khó và Nước Trời thuộc về họ. Kho tàng này họ ôm ấp trong chiều sâu của tâm hồn, và kho tàng họ có là chính Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Nước Trời đã hứa ban cho họ trong vinh quang rạng rỡ. Và Nước Trời đã được ban tặng cho họ trong sự nghèo khó hoàn hảo nhất, sự nghèo khó của Thánh Giá”.[xiv]

Như thế, những người có tâm hồn nghèo khó sống trong kho tàng to lớn nhất. Chúa Giê-su chính là kho tàng to lớn nhất của những người có tinh thần nghèo khó. Ngài luôn đi trước họ và dẫn lối cho họ, Ngài chính là tình yêu của họ, niềm hy vọng của họ và con đường mà họ bước đi.

Một bài ca của những người Ki-tô hữu da đen ở Bắc Mỹ đã diễn tả như sau: Ai đã tìm kiếm tôi khi tôi lưu lạc? Ai giúp tôi đang nặng gánh giữa cuộc đời? Ai dẫn lối tôi đi về nẻo công chính, ai đặt tôi trên nền nhà vững chãi? Tôi biết đó là Đức Giê-su; tôi biết đó là Chúa tôi.

Một giám mục người Ma-li trong dịp mừng lễ ngân khánh linh mục, đã chia sẻ: Tôi mãi chọn Đức Giê-su Ki-tô, như một tình yêu trong tâm hồn tôi, một niềm hy vọng trước mắt tôi, một con đường và một ngọn đèn chiếu sáng trên mọi nẻo đường mà ước vọng rao truyền Phúc Âm và tình huynh đệ còn dẫn bước tôi đi, nhân Danh Ngài.[xv]

Như thế, người có tinh thần nghèo khó, người bước theo Chúa Giê-su nghèo khó, luôn là người diễn tả được sự sống động và hình ảnh của Chúa Giê-su qua chính đời sống thường ngày của họ. Thánh Phao-lô nói rằng: “Vậy như anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào Đức Tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ” (Cl 2,6-7).

Với lòng biết ơn sâu xa, người có tinh thần nghèo khó đón nhận kho tàng quý giá là chính Chúa Giê-su trên Thánh Giá, nhưng họ không bao giờ được phép giữ kho tàng đó cho riêng mình. Ngược lại, kho tàng là chính Chúa Giê-su trên Thánh Giá cần được tiếp tục trao ban cho tất cả mọi người trong mọi thời đại và ở mọi nơi chốn.

Trong cùng một cái nhìn, có thể nói rằng, Chúa Giê-su giờ đây không có thân xác, nhưng Ngài có thân xác của chúng ta. Chúa Giê-su không có đôi tay nhưng Ngài là có đôi tay của chúng ta. Chúa Giê-su không có đôi chân, nhưng đôi chân của chúng ta là chính đôi chân của Ngài. Đôi mắt của chúng ta cũng chính là đôi mắt của Chúa, để qua đó lòng thương cảm của Đức Ki-tô nhìn đến thế giới, nhìn đến những con người nghèo khổ và bất hạnh. Đôi chân của chúng ta là đôi chân của Chúa, và Chúa bước đi để thi hành các việc tốt lành. Đôi tay của chúng ta là đôi tay của Chúa, để qua đó Chúa tiếp tục thi hành các phép lạ trong thế giới chúng ta, phép lạ của tình yêu thương, phép lạ xoá bỏ những khổ đau, và phép lạ dẫn đưa người nghèo khó tìm đến nguồn mạch của niềm vui, của Tin Mừng. Tóm lại, cả cuộc đời, người sống tinh thần nghèo khó trước mặt Chúa là người gắn bó hoàn toàn với Chúa trên từng hành trình của cuộc đời, đến nỗi có thể nói như Thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1, 21).

 

- Sống với Đức Ki-tô nghèo khó trong đời thường.

 

Khi hướng nhìn Chúa Giê-su nghèo khó trên Thánh Giá, là giây phút chúng ta gặp Chúa, Đấng đã tự huỷ và trở nên nghèo khó vì chúng ta. Đó cũng là giây phút chúng ta đang cố gắng để bước đi con đường của Đấng khó nghèo, và sống với Ngài trên mọi nẻo đường, cụ thể trong đời sống thường ngày. Trong đời sống thường ngày đó, chúng ta có những câu hỏi có thể giúp chúng ta sống tinh thần Mối Phúc đầu tiên này cách sát sao hơn.[xvi]

 

Hướng nhìn Chúa là Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, tôi thường có những đòi hỏi nào? Tôi là một người thích để người khác phục vụ? Tôi thường đặt ra những sự chờ đợi gì – tại gia đình, trong cộng đoàn, tại hãng xưởng, trong văn phòng? Tôi sẽ phê bình ngay, nếu tôi thấy có điều không hợp với những chờ đợi của tôi?

 

Hướng nhìn lên Chúa là Đấng tự huỷ và hy sinh nhân loại, tôi tự hỏi xem, lâu lâu tôi có sẵn sàng từ bỏ một điều gì đó và ý thức sống đơn giản không?

 

Hướng nhìn lên Chúa Giê-su là Đấng sinh ra và chết đi trong nghèo khó, tôi phản ứng như thế nào trong những trường hợp tế nhị đòi hỏi tôi cần phải ý thức sống nghèo nàn? Cả những người giàu có nhất cũng cần phải biết sự nghèo khó là gì: Mỗi người đều có kinh nghiệm về sự hư không, sự giới hạn và sự bất lực của chính mình, như khi nhận ra cái hư không và mong manh của đời người và cuộc sống, nhìn ra những giới hạn trong nhiều phương diện khác nhau. Có thể kể đến các trường hợp thực tế, như những người đang mạnh khoẻ đột ngột qua đời trong đêm khuya, hay ngay cả lúc đang ngồi tại bàn làm việc hơi thở cũng có thể chào vĩnh biệt mà không bao giờ báo trước, hoặc lúc bị bệnh hiểm nghèo và bác sĩ không còn phương cách chữa trị. Cũng có thể kể đến trường hợp gia đình hoàn toàn đổ vỡ, bởi sự bất trung với người bạn đời, hay bởi đam mê cờ bạc cho đến khi tán gia bại sản, và không còn gì có thể cứu chữa. Hay khi cha mẹ thấy con mình rơi vào trong tệ nạn nghiện xì-ke ma tuý lúc nào chẳng ai biết, và khi biết thì đã quá trễ. Đưa đi cai nhưng rồi ngựa quen đường cũ, và chẳng ai có thể làm gì, chỉ còn biết xót xa đứng nhìn với sự bất lực hoàn toàn. Những trải nghiệm về sự hư không và mong manh, sự giới hạn và bất lực này đều nêu bật được phận người mỏng dòn, nghèo nàn và yếu đuối biết bao nhiêu. Trong những lúc như thế, chỉ còn cố gắng bám chặt vào Chúa, Đấng nghèo nàn và đau khổ đang bị treo trên Thánh Giá. Chính Ngài sẽ cho chúng ta một niềm hy vọng. Trong những lúc như thế, chúng ta cũng nên ý thức hướng đến nhiều người khác trong xã hội cũng đau khổ như chúng ta, hay còn đau khổ gấp bội lần, để cùng hiệp thông với họ, đón nhận sự nghèo nàn và mỏng dòn của đời người, và cùng họ hướng về Chúa, và xin Ngài giúp chúng ta luôn tín thác vào Ngài, với tâm hồn nghèo khó hoàn toàn của chúng ta.

 

Ngoài ra, Thomas Merton mời gọi chúng ta đừng chạy trốn, nhưng ý thức đón nhận và yêu mến sự hư không và giới hạn của đời người một cách tích cực: “Quả không đủ khi chê ghét những ảo tưởng, lỗi lầm và thiếu sót của bản thân đồng thời xa lánh chúng như thể chúng không có hoặc như thể tôi là một người nào khác không phải là mình. Việc tự triệt tiêu này không chỉ là một ảo giác tồi tệ hơn, nhưng đó là một sự khiêm tốn vờ vịt bằng cách nói ‘tôi không là gì’ thì, dẫu vậy, điều đó có ý nói, ‘ước gì tôi không phải thế. Điều này có thể phát xuất từ một cảm nghiệm thiếu thốn và bất lực nơi bản thân nhưng nó không đem đến cho chúng ta bất cứ nguồn bình an nội tâm nào. Để thật sự biết cái ‘hư không’ của mình, chúng ta còn phải biết yêu mến nó. Và sẽ không thể yêu mến nó trừ phi chúng ta thấy nó tốt lành. Và sẽ không thể thấy nó tốt lành trừ phi chúng ta chấp nhận nó…

Để yêu mến cái ‘hư không’ của mình theo cách này, chúng ta không ruồng rẫy chối nhận những gì thuộc về mình, cái chúng ta có, cái chúng ta là. Chúng ta phải thấy và thừa nhận rằng, tất cả là của chúng ta và tất cả đều tốt lành: tốt trong thực thể tích cực của nó bởi nó đến từ Thiên Chúa; tốt trong sự thiếu hụt của nó bởi sự yếu hèn của chúng ta, thậm chí cả cái khốn cùng luân lý và thiêng liêng của mình lại thu hút lòng nhân từ của Thiên Chúa xuống với chúng ta…

Để yêu mến sự hư không của chúng ta, chúng ta phải yêu chính mình. Thế nhưng, người tự phụ yêu chính mình bởi người đó nghĩ rằng, mình đáng được yêu, được tôn trọng và kính mến vì mình. Người đó nghĩ, họ phải được Thiên Chúa và người khác yêu, họ đáng được tán dương, yêu mến và tôn trọng hơn mọi người khác.  Người khiêm tốn cũng yêu chính mình, ước ao được yêu và trân trọng, nhưng không phải bởi người đó xứng đáng để được yêu và tán dương cho bằng vì tình yêu và danh dự không xứng với người đó. Người đó tìm được yêu thương bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đó xin được yêu thương và được cứu giúp bởi sự hào phóng nơi những bằng hữu của mình. Biết rằng mình không có gì, người đó cũng biết mình cần mọi thứ và không ngại van xin điều mình cần và nhận nó nơi mình có thể. Người kiêu căng yêu mến những ảo giác và tự mãn về những gì mình có, đang khi người nghèo khó về mặt tinh thần yêu mến chính sự thiếu thốn của mình”.[xvii]

Hơn nữa, chúng ta có thể tập sống tinh thần nghèo khó qua nhiều thái độ nhỏ bé: Dành giờ cho người khác, phục vụ một người nào đó dù cho chúng ta thấy rằng điều đó không đáng gì cả, sống ý thức giây phút đợi chờ, đứng trong nơi lạnh lẽo, trong khi chờ đợi xe tàu điện hay xe buýt, kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, kiên nhẫn chờ đợi trong phòng khám bệnh…. Ngay cả khi chúng ta có lý do để than phiền về sự chậm chạp của những người làm việc bàn giấy, nhưng đừng vì thế mà chúng ta để cho lòng mình trở nên tức giận và cay đắng quá đỗi. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta hãy hướng lòng về Chúa:

Lạy Chúa,

Bây giờ con đang tập sống một chút tinh thần khó nghèo.

Con biết rằng, ngay lập tức con không thể có được tất cả.

Bao nhiêu điều con đã đón nhận một cách tự nhiên.

Con biết rằng: Tất cả mọi sự đều đến từ Chúa,

Và từ Chúa con xin đón nhận tất cả.

 

Hơn nữa, tinh thần cầu nguyện của chúng ta cũng cần được nhìn lại. Chúng ta đã để cho Mối Phúc thứ nhất này đi sâu vào lòng chúng ta được bao xa: Tôi có cầu nguyện như là một người nghèo không? Tôi có cầu xin Chúa ban cho ân sủng, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Ngài, để bước vào Nước Trời? Nếu chúng ta cầu xin như vậy, thì chúng ta đang ở trong tinh thần biết ơn sâu xa:

Con cám ơn Ngài, lạy Chúa,

Về hồng phúc Chúa dành cho những người có tâm hồn nghèo khó trước Chúa.

Con cám ơn Ngài, vì Ngài đã hứa Nước của Ngài cho con.

 

Ai có tâm hồn nghèo khó, thì người đó được chúc phúc. Ai có tâm hồn nghèo khó và luôn chú ý đến người nghèo còn được chúc phúc nhiều hơn nữa.

 

- Chú ý, yêu thương và giúp đỡ người nghèo là phúc lành cao quý.

 

Xuyên suốt qua các Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su luôn chú ý đến người nghèo khó cách đặc biệt, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy luôn “có chỗ” cho người nghèo khó và bất hạnh, vì họ chính là hiện thân của Chúa. Bài Tin Mừng về ngày phán xét là một diễn tả mạnh mẽ về điều này (x.Mt 25,31-46). Thật vậy, mở lòng và giúp đỡ cho người nghèo khó chính là thách thức và cũng là thước đo quan trọng của đời sống Ki-tô hữu. Rolheiser đã chia sẻ như sau: “Không ai lên thiên đàng mà không có thư giới thiệu của người nghèo! Đó là câu của James Forbes, một mục sư liên giáo phái ở thành phố New York, và câu này nắm bắt tuyệt vời điều mà các nhà tiên tri cổ đại của Do Thái đã nhấn mạnh nhiều thế kỷ trước. 

Các nhà tiên tri vĩ đại của Do Thái đã nghĩ ra câu thần chú này: Giá trị đức tin của các con sẽ được phán xét theo chất lượng của công lý trong xứ sở của các con. Mà chất lượng của công lý trong xứ sở đó sẽ luôn luôn được phán xét qua cách ‘các bà góa, con côi, và người lạ’ sống như thế nào trong khi các con còn tại thế. Cụm từ này ‘bà góa, con côi, và người lạ’ là mật mã để chỉ ba nhóm người yếu ớt nhất, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vào thời đó. Đối với những vị tiên tri vĩ đại của Do Thái, cuối cùng chúng ta sẽ được phán xét về mặt tôn giáo và luân lý dựa trên việc những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo sống như thế nào khi chúng ta còn tại thế. 

Đó là một tư tưởng làm chúng ta rùng mình, và càng rùng mình hơn khi chúng ta thấy Chúa Giê-su ủng hộ quan điểm đó mạnh mẽ như thế nào. Trong khi điều này cần được đặt trong bối cảnh thông điệp của Chúa Giê-su xét về tổng thể, chúng ta có trong Phúc âm của thánh Mát-thêu đoạn văn nổi tiếng về Lời Phán xét Cuối cùng khi Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, cuối cùng, khi chúng ta đứng trước Đức vua vĩ đại vào ngày phán xử, chúng ta sẽ được hỏi chỉ duy nhất một loại các câu và tất cả đều liên quan tới chuyện chúng ta đối xử với người nghèo như thế nào: Con có cho kẻ đói ăn? Cho kẻ khát uống? Tiếp đón người lạ mặt? Cho kẻ trần trụi mặc? Thăm người đau ốm? Thăm kẻ tù tội? Tôi ngờ không ai trong chúng ta đủ gan rao giảng lời này từ bất kỳ bục giảng nào hôm nay, như nó được viết trong các Phúc âm. Ấy vậy mà Giê-su đã ý nói như vậy. Không ai lên được thiên đàng mà không có một bức thư giới thiệu của người nghèo…

 

Câu thần chú của các nhà tiên tri và lời dạy của Chúa Giê-su về Lời Phán xét Cuối cùng cần phải là thách thức để luôn luôn soi xét bản thân tôi với câu hỏi: Tôi có đang thật sự đến với người nghèo không? Tôi có thật sự có ‘con côi, bà góa, và người lạ’ trong đời mình không? Có phải cam kết của tôi với người nghèo là điều gì đó chỉ là lý thuyết, một lý tưởng mà tôi đề cao nhưng lại là điều gì đó chưa bao giờ thật sự tác động đến người nghèo? Nói suông về lý tưởng này thì dễ dàng rồi, và viết về nó trong sơ yếu lý lịch của tôi thì còn dễ dàng hơn để tôi có vẻ tốt đẹp trong mắt người khác và để cảm thấy hài lòng về bản thân. Tuy nhiên, như Ruth Burrows hỏi: Những lời hùng hồn của chúng ta về người nghèo có thật sự giúp cho họ được không hay chỉ giúp ta cảm thấy hài lòng thoải mái hơn về bản thân?

 

Tôi thừa nhận rằng những câu hỏi này không dễ dàng gì và chúng ta cần phải trả lời một cách từ tốn. Đôi khi tất cả những gì chúng ta có thể làm được là chấp nhận mình bất lực. Tôi từng tham dự một buổi nói chuyện của Gustavo Gutierrez, và sau bài trình bày của ông, một người đàn ông đứng lên, trung thực một cách đau đớn, ông chia sẻ về chính nỗi bất lực của chính mình không thể đến với những người nghèo. Một người có thể làm gì đây trước tất cả các vấn đề toàn cầu bất công đang làm rối loạn tâm trí chúng ta?

Gutierrez thừa nhận tính chất phức tạp của câu hỏi và thông cảm với nỗi bất lực của người đàn ông này, nhưng nói thêm: ‘Tối thiểu, hãy bảo đảm anh luôn luôn có ít nhất một người bằng xương bằng thịt trong cuộc sống để mình đặc biệt chăm lo. Điều này sẽ bảo đảm cam kết của anh luôn luôn ít nhất cũng có đôi phần thực chất!’ Một lá thư giới thiệu duy nhất của người nghèo còn tốt hơn là không có lá thư nào”.[xviii]

Như thế, khi sống Mối Phúc giành cho những ai có tâm hồn nghèo, Ki-tô hữu không “bay trên mây”, mà được mời gọi chú ý sống tinh thần yêu thương và giúp đỡ những ai đau khổ, nghèo hèn và bất hạnh, qua đó Ki-tô hữu sẽ tìm thấy được phúc lành thật sự. Phúc lành đến từ Đấng đã trở nên nghèo như mọi người nghèo, Đấng đã mặc khải cho chúng ta rằng: Người nghèo chính là hiện thân của Chúa. Thật vậy, Mối Phúc nghèo này cần được sống động qua mỗi tín hữu. Khi các tín hữu sống Mối Phúc này, thì trong Giáo Hội trong toàn bộ cũng cần chú ý để sống tinh thần Mối Phúc nghèo cách rõ rệt và sát sao. Khi Giáo Hội có tâm hồn nghèo thực sự, thì Giáo Hội sẽ trở nên chứng tá sống động cho Chúa và cho Tin Mừng giữa lòng một xã hội tục hoá và luôn có khuynh hướng chạy theo vật chất và tiền bạc.

 

- Giáo Hội cần là Giáo Hội nghèo khó và Giáo Hội cho người nghèo.

 

Cách đây vài năm, Giáo Hội và xã hội bên Đức nóng lên với hiện tượng ở địa phận Limburg, khi Đức Giám Mục ở đó đã cho xây dựng toà Giám Mục với số tiền lớn quá sức tưởng tượng của mọi người. Báo chí và truyền thông đã đưa tin với biết bao vấn nạn và câu hỏi về Giáo Hội liên quan đến sự nghèo khó, liên quan đến sự lạm dụng tiền bạc. May thay, mọi chuyện đã được Đức Thánh Cha Phanxicô và Toà Thánh giải quyết êm thoả, với việc vị Giám Mục đó chấm dứt trách nhiệm ở địa phận Limburg. Trong lúc hiện tượng ở địa phận Limburg nóng lên, thì mọi người đều hướng về Đức Thánh Cha Phanxicô, và đã cảm phục vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo sống nghèo và đơn sơ, cũng như ngài luôn chú ý đến người nghèo, để chia sẻ và nâng đỡ họ. Ở đây, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại giai thoại trong việc Đức Thánh Cha Phanxicô được chọn làm chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha kể lại: “Trong ngày bầu Giáo Hoàng, Tôi ngồi kế bên Đức Tổng Giám Mục danh dự của Sao Paolo và Đức Hồng Y Claudio Hummes, một người bạn chí thân. Khi kết quả bầu Giáo Hoàng đã có, ngài ôm hôn tôi, và nói với tôi: ‘Đừng quên người nghèo khổ nhé’.” Đức Thánh Cha giải thích thêm: chữ ‘người nghèo khổ’ tiếp tục in trong trí của ngài, và tự nhiên ngài nghĩ tới thánh Phanxicô Assisi. Một người của người nghèo, người của hòa bình, một người yêu thương và bênh vực Đấng Tạo Hóa. Và Đức Thánh Cha diễn tả lòng ao ước về hình ảnh của Giáo Hội trong ngày đầu tiên (ngày 16.3.2013) ngài tiếp kiến mọi người: “Ồ, tôi ước muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Câu nói này của Đức Thánh Cha đã làm cho biết bao người vui mừng và hy vọng, và câu nói này đã được báo chí trên thế giới truyền đi một cách nhanh chóng. Câu nói này Đức Thánh Cha Phanxicô tương hợp với lời của thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII. Một tháng trước khi mở Công Đồng Vaticanô II ngài nói:  “Giáo Hội ước mong và thể hiện mình là một Giáo Hội của tất cả mọi người, đặc biệt là Giáo Hội của người nghèo”.

 

Giáo Hội nghèo hay Giáo Hội cho người nghèo? Đây là song đề được các nhà thần học tranh luận. Vâng, nếu Giáo Hội thực sự nghèo, thì Giáo Hội không sở hữu tiền bạc, và Giáo Hội có thể sống hoàn toàn với người nghèo, như thế thì Giáo Hội sẽ đánh mất chiếc “vỏ sò được tổ chức chắc chắn”. Nếu Giáo Hội sở hữu tiền bạc, thì Giáo Hội có thể giúp đỡ người nghèo rất nhiều. Theo Anton Rotzetter, trong nguyên thuỷ trước khi Giáo Hội trở thành một tổ chức (institution), thì Giáo Hội được hình thành từ chính kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa trong sự liên hệ chặt chẽ với Đức Ki-tô. Thiên Chúa, Đấng tự huỷ (x.Pl 2,5tt), Đấng mặc lấy xác phàm của thế giới như là thân xác của Ngài, Đấng đã tự ý “sống trong tối tăm”, và Đấng là niềm hy vọng đối diện với tất cả mọi thất vọng, Ngài muốn tự mình hiện diện trong và qua cộng đoàn của niềm tin. Trước khi Giáo Hội là một tổ chức, thì Giáo Hội là một sự kiện của Thiên Chúa, Đấng đã tự mình hiện diện trong mọi sự, ngay cả trong khổ đau và trong sự chết. Kinh nghiệm nguyên thuỷ này của Giáo Hội không được trở nên phai mờ bởi các cơ cấu tổ chức.

Như thế, Giáo Hội vừa là một cộng đoàn tín hữu và vừa là một tổ chức. Nên Giáo Hội cần có luật lệ, cần có sự thoả thuận, cần có những tài liệu, cần có những qui định, và cần có cả sự đảm bảo về tài chính. Giáo Hội muốn đoàn kết với người nghèo, thì không thể là một Giáo Hội nghèo được. Đó chính là một dilemma, một song đề đưa lại nhiều khó khăn. Trong Tân Ước, chúng ta thấy hai hình thức xã hội của Giáo Hội. Hình thức đầu tiên là Giáo Hội nghèo và luôn trên đường, hình thức này tương hợp với các tu sĩ sống cuộc đời hành khất và rao giảng Lời Chúa. Hình thức thứ hai là Giáo Hội định cư ở một chỗ và sở hữu một tài sản nhất định, và tài sản này được phân phối đều đặn cho mọi người trong Giáo Hội để trang trải cuộc sống, cũng như để chia sẻ và nâng đỡ những người nghèo. Tuy nhiên, sự phân biệt này không được đưa Giáo Hội tới tình trạng trở thành một Giáo Hội giàu có hay là Giáo Hội của người giàu. Giáo Hội luôn phải được nhận ra như là một cộng đoàn ý thức sống nghèo và luôn hướng về người nghèo.[xix] Như thế, Giáo Hội vẫn cần đến cơ sở vật chất, vẫn cần phải được bảo đảm về phương diện tài chính, nhưng kế bên đó Giáo Hội luôn cần phải cẩn trọng, để giữ đúng căn tính của mình, giữ đúng tinh thần nguyên thuỷ của mình, tinh thần tự huỷ của Đức Ki-tô. Ngoài ra, Giáo Hội không được quá đề cao sự bảo đảm, đến nỗi không còn không gian nào để Thiên Chúa có thể hoạt động được. Giáo Hội luôn phải được xây dựng trên chính Thiên Chúa.

“Ồ, tôi ước muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Trở về lại với câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy rằng, vị cha chung đã cho chúng ta hiểu được tâm tình của ngài. Với tông huấn Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng lời mời gọi và lời thách đố của ngài mang chiều kích thần học và thiêng liêng (theologisch-spirituelle), chứ ngài không làm cho Giáo Hội trở nên Giáo Hội nghèo theo ý nghĩa vật chất (materiell).  Những gì Đức Thánh Cha làm trong thời gian qua, diễn tả điều này: Đức Thánh Cha không đóng cửa ngân hàng Va-ti-can, mà ngài cải cách ngân hàng. Đức Thánh Cha không bán điện Va-ti-can, cũng như những tác phẩm nghệ thuật ở đó, mà ngài đã quyết định sống trong một căn phòng đơn sơ, và hơn hết Đức Thánh Cha luôn mở rộng trái tim và vòng tay để đón nhận những người nghèo khổ. Ngài đi vào trong tù, đến những trại tị nạn, thăm người khuyết tật, ôm ấp người dị dạng vào lòng. Cả cách sống đơn sơ không hào nhoáng của ngài đã làm cho lời ngài nói mang một giá trị xác thực, mà mọi người và mọi nơi đều thấy và cảm phục. Một cách nào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sống một cuộc sống cân đối cho hình ảnh Giáo Hội nghèo vật chất và Giáo Hội cho người nghèo. Như có người đã nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô không còn đi giày đỏ, nhưng ngài vẫn đi giày chứ không đi chân không”.

Chắc chắn đó là cách sống của Đức Thánh Cha thuyết phục rất nhiều người. Với cách sống này, Đức Thánh Cha nỗ lực đưa Giáo Hội chú ý đến tinh thần Giáo Hội của người nghèo. Thử đọc tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ở chương bốn, phần số II với tựa đề Việc hoà nhập xã hội của người nghèo, chúng ta thấy rằng, Đức Thánh Cha đã đưa Giáo Hội chú ý đến người nghèo cách đặc biệt: “Đức Tin của chúng ta vào Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo khó và luôn luôn gần gũi những người nghèo và những người bị hất hủi, là cơ sở cho mối quan tâm của chúng ta đối với sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất của xã hội” (số 186). “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Ki-tô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ” (số 187). “Hội Thánh đã nhận ra rằng chính nhu cầu lắng nghe tiếng kêu cứu này phát sinh từ hành động giải thoát của ân sủng trong mỗi người chúng ta, và vì thế đây không phải là sứ mạng chỉ dành riêng cho một số ít người: ‘Được hướng dẫn bởi Tin Mừng của lòng thương xót và tình yêu thương đối với loài người, Hội Thánh nghe thấy tiếng kêu đòi công lý và muốn đáp lại tiếng kêu này bằng tất cả sức lực của mình’. Trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu lệnh truyền của Đức Giê-su cho các môn đệ: ‘Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ (Mc 6,37), có nghĩa là làm việc để loại trừ các cơ cấu gây nên đói nghèo, đồng thời cổ vũ sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như có những hành vi nho nhỏ hằng ngày để đáp ứng các nhu cầu thực sự mà chúng ta gặp” (số 188). “Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ ‘lòng thương xót của Người trước tiên’ cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống Đức Tin của người Ki-tô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có ‘tâm tình như Chúa Giê-su Ki-tô’ (Pl 2,5). Được gợi hứng bởi điều này, Hội Thánh đã có sự chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một ‘hình thức đặc biệt của vị trí hàng đầu trong việc thực thi bác ái Ki-tô giáo, mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh luôn làm chứng’. Sự chọn lựa này - như Đức Benedicto dạy - ‘hàm ẩn trong Đức Tin Ki-tô giáo của chúng ta vào một vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có với sự nghèo khó của Người’. Đây là lý do tại sao tôi muốn một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo” (số 198).

“Tình yêu đích thực luôn luôn suy gẫm và cho phép chúng ta phục vụ người khác không phải vì nhu cầu hay để phô trương, nhưng đúng hơn vì họ đẹp vượt trên dáng vẻ bề ngoài của họ: ‘Tình yêu làm chúng ta thấy người khác dễ thương khiến chúng ta tự ý trao tặng họ một điều gì đó’. Khi được yêu, người nghèo ‘được quí chuộng như một giá trị lớn’, và đây chính là điều làm cho chọn lựa đích thực vì người nghèo khác với mọi ý thức hệ khác, khác với mọi cố gắng bóc lột người nghèo vì lợi ích cá nhân hay chính trị. Chỉ trên cơ sở của sự gần gũi thực sự và chân thành này, chúng ta mới có thể đồng hành với người nghèo trên con đường giải phóng của họ. Chỉ có sự gần gũi này mới bảo đảm rằng ‘trong mỗi cộng đồng Ki-tô giáo, người nghèo cảm thấy như ở nhà mình. Đây chẳng phải là phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất để loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa sao?’ Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, việc rao giảng Tin Mừng, tự nó là hình thức cơ bản của đức ái, sẽ có nguy cơ bị ngộ nhận hay bị nhấn chìm bởi đại dương những lời nói hằng ngày nuốt chửng chúng ta trong cái xã hội truyền thông hôm nay” (số 199). “Không ai được nói, mình không thể gần gũi người nghèo, vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác. Đây là một lời bao biện thường nghe thấy trong các giới học thuật, doanh nghiệp hay chuyên môn, thậm chí cả trong giới giáo sĩ” (số 201). Trong thư gửi cho các tân Hồng Y ngày13.1.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như sau: “Cái mũ đỏ không có ý nghĩa là được thăng thưởng một danh dự hay hào nhoáng bề ngoài, mà chỉ đơn thuần là một hình thức phục vụ đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và trái tim… do đó, xin quý chư huynh nhận sự bổ nhiệm mới này với lòng khiêm cung,  giản dị và vui mừng, nhưng vui mừng không theo cách người đời, hay bằng cách mừng vui nào xa lạ với tinh thần của Phúc Âm về sự khắc khổ, tiết độ và khó nghèo”.

Như vậy, “Giáo Hội của Chúa phải thực sự nghèo khó theo gương Đấng sáng lập là Chúa Giê-su Ki-tô, Người đã thực sự sống và chết cách nghèo khó để dạy mọi người chúng ta coi khinh, coi thường sự sang giầu chóng qua ở đời này để đi tìm sự giầu sang đích thực là chính Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang vĩnh cửu mà tiền bạc, của cải ở đời này không thể mua hay đổi chác được. Chỉ có nghèo khó thực sự trong tâm hồn,  thì Giáo Hội mới có thể để lách mình ra khỏi mãnh lực của đồng tiền, và của cải vật chất, để chú tâm vào việc thi hành sứ mệnh của mình là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Ki-tô và chân lý  của sự giầu sang đích thực, là chính Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta  hạnh phúc mà ‘mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người’ (1Cr 2,9)”.[xx]

Tóm lại, Mối Phúc cho người có tâm hồn nghèo khó rất hợp với căn tính và đời sống của Giáo Hội từ nguyên thuỷ cho đến hôm nay. Mọi người trong Giáo Hội, dù là giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ, giám mục hay giáo hoàng đều được Chúa Giê-su mời gọi sống Mối Phúc đặc biệt này. Đó là con đường đưa lại phúc lành thực sự cho chúng ta, và khi chúng ta đi trên con đường của Mối Phúc này với nỗ lực sống là những người có tâm hồn nghèo khó, thì chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa, trở thành những môn đệ đích thật của Chúa Giê-su, Đấng đã tự huỷ và trở nên nghèo khó, vì Ngài yêu thương và muốn trao ban Nước Trời cho muôn người, đặc biệt những ai có tâm hồn nghèo khó.

  • Nước Trời của những người có tinh thần nghèo khó.

 

Trong cả hai Phúc Âm của Mát-thêu và của Lu-ca, đều có lời hứa cho người có tâm hồn nghèo và người nghèo vật chất: “Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3; Lc 6,20). Nước Thiên Chúa là phạm trù cơ bản trong sứ điệp của Đức Giê-su. Ở đây trở thành một bộ phận của các Mối Phúc. Bối cảnh này rất quan trọng để hiểu đúng về thuật ngữ đã gây ra tranh cãi khá nhiều.[xxi]

 

Thật vậy, câu trả lời cho câu hỏi Nước Trời là gì? vừa đơn giản, vừa khó khăn. Vì Nước Trời quá bao quát và rộng lớn như chính hành động của Thiên Chúa đối với con người, như tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Nước Trời thật là vô giới hạn như chính quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng được biểu hiện trong lịch sử và vươn tới vĩnh cửu. Nước Trời là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, đã làm cho tôi và cho bạn, và vẫn đang làm và sẽ còn tiếp tục làm. Nước Trời vượt trên tất cả mỗi công thức, mỗi sự mường tượng, mỗi khả năng của con người. Nước Trời là sức mạnh tuyệt đối của Thiên Chúa. Khi con người có tinh thần nghèo khó nhận được Nước Trời, hay khi họ được phép bước vào Nước Trời, thì hạnh phúc đích thực, tuyệt đối và vĩnh cửu sẽ nở hoa và đơm trái trong cuộc đời của họ.

 

Dù vậy, có thể nói Nước Trời mà Mát-thêu nhắc đến trong Mối Phúc thứ nhất này hướng về Thiên Chúa, và nhắc đến nơi Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa ngự trị. Ai có tinh thần nghèo khó, người đó từ bỏ tất cả, để trở nên trống rỗng hoàn toàn cho Nước Trời. Sự trống rỗng đó cũng là thái độ sẵn sàng để Thiên Chúa làm chủ, thái độ sẵn sàng để bước vào Nước Trời, bước vào tương quan với Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa ở trong tâm hồn và đời sống của người có tinh thần nghèo khó, người đó không chỉ tìm thấy Thiên Chúa, mà còn tìm được chính bản thân mình. Vì thế, trong ý nghĩa này, người có tinh thần nghèo đón nhận Nước Trời là người có một không gian tự do và một chân trời mới với tình yêu và hạnh phúc thực sự.[xxii] 

 

Nước Trời mà Chúa Giê-su hứa ban cho họ không chỉ mang ý nghĩa cánh chung (eschatologie), mà còn mang ý nghĩa của hiện tại. Người có tinh thần nghèo khó đón nhận hạnh phúc là Nước Trời ngay trong giây phút hiện tại này, khi họ bước đến với Chúa Giê-su, ở lại với Chúa tại nơi Chúa hiện diện, và không bao giờ xa lìa Ngài nữa.[xxiii]

 

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su cũng nhắc đến Nước Trời. Đó là một lời cầu xin căn bản và quan trọng mà Chúa Giê-su dạy chúng ta: Xin cho Nước Cha trị đến. Lời cầu xin này cũng chính là lời cầu xin của chúng ta. Và phải chăng khi cầu xin như vậy, là chúng ta cũng đang cầu xin cho được trở nên giống như Đức Ki-tô, cầu xin cho được tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gl 2,20). Để khi Đức Ki-tô sống trong tôi thực sự, thì tôi ở đâu, Nước Trời cũng hiện diện. Như vậy, lời cầu xin thứ hai của Kinh Lạy Cha cũng là lời cầu xin cho được sống tinh thần theo bước Đức Ki-tô, cho được trở nên một với Ngài trong một thân thể duy nhất.[xxiv] Đức Benedicto XVI nói rằng : “Cầu xin cho triều đại Cha mau đến có nghĩa là đang nói với Chúa Giê-su: Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những người thuộc về Ngài. Xin hãy ngự đến trong chúng con, xin hãy sống trong chúng con ; xin hãy hiệp nhất tất cả nhân loại đang bị phân tán về thân thể của Ngài, để trong Ngài tất cả đều quy phục Thiên Chúa và Ngài có thể trao tất cả cho Cha, để Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả và trong tất cả”.[xxv]

Như thế, người có tinh thần nghèo khó và người nghèo khó về phương diện xã hội được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Họ được ở gần Chúa ngay trong đời này qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Và Nước Trời cũng là ân sủng mà họ được nhận ở đời sau, nơi đó họ được phép diện kiến tôn nhan Thiên Chúa, diện kiến Chúa Giê-su Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng luôn yêu thương và chú ý đến họ.

 

[i] MARTINI C.M., Christus entgegengehen, Meditation fuer jeden Tag, Herder Verlag, Freiburg 1990, t.150.

[ii] X. SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, Echter Verlag 2006, t.27.

[iii] BENEDIKT XVI, Die Heilige Schrift, Meditation zur Bibel, Stefan v. Kempis (Hg.), Benno Verlag, Leipzig 2008, t.229.

[iv] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.103-104.

[v] BONHOEFFER D., Nachfolge, t.89.

[vi] NOUWEN H., Jesus - A Gospel, Edited and introduced by Michael O´Laughlin, Orbis Books, New York 2001, t.7.

[vii] RAHNER K., Gott, der da kommen soll, trong “Wort ins Schweigen”, Verlag Filizian Insbruck 1954, 6.Auflage, s.66-72.

[viii] X. RAHNER K., Gott, der da kommen soll, s.66-72.

[ix] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 01. Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org

[x] BENEDIKT XVI, Die Heilige Schrift, Meditation zur Bibel, t.198.

[xi] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

[xii] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp mùa Chay 2014, số 02.

[xiii] X. RAHNER K., “Gott, der da kommen soll”, trong ‚Wort ins Schweigen‘, s.66-72.

[xiv] BONHOEFFER D., Nachfolge, t.82.

[xv] DORÉ J., Giê-su – Ki-tô, Nguyễn Đăng Trúc chuyển ngữ, Định Hướng Tùng Thư, Reichstett, France 2003,  t.51.

[xvi] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.27-28.

[xvii] MERTON T., Thoughts in solitude - Hoa Trái Thinh Lặng, Lm. Minh Anh chuyển ngữ, Phần Một, IX. Sự hư không.

[xviii] ROLHEISER R., Bài viết Câu thần trú tiên tri về người nghèo (07.8.2011). Nguồn: http://ronrolheiser.com.

[xix] X. ROTZETTER A., Franz von Assisi und die Kirche der Armen, trong tạp chí Geist und Leben, Heft 01, Jan.-Maerz 2014, Verlag Echter, Wuerzburg, t.91-92.

[xx] Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Tại sao Giáo Hội cần phải nghèo để rao giảng Tin Mừng?, nguồn: http://conggiao.info

[xxi] X. RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.108.

[xxii] X. SCHELLENBERGER B., Entdecke, dass du glueklich bist, t.39.

[xxiii] X. GRUEN A., Glueck Seligkeit, t.38.

[xxiv] X. NGUYỄN Ngọc Thế SJ, Lời Kinh Cha Mẹ dạy, NXB Phương Đông 2012, t.77.

[xxv] RATZINGER Joseph, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, s.181.

bottom of page