top of page

- Trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su bị đâm thâu.

 

“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Sau khi Chúa Giê-su nói lời mọi sự đã hoàn tất, thì có sự kiện xảy ra, là một người lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa. Đối với các lý hình, thì hành động này nhằm bảo đảm rằng ông Giê-su Na-da-rét đã chết thật sự, nhưng đối với thánh sử Gio-an, thì đó là một sự kiện đầy ý nghĩa. Thánh nhân đã làm chứng một cách long trọng. Chân của Chúa không bị đánh gãy vì Ngài là chiên Vượt Qua (x.Xh 12,46). “Bản văn này nhắc lại một giới luật Do Thái liên quan đến Chiên vượt qua. Qua đó, thánh Gio-an muốn cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su bị đâm thâu bởi lưỡi đòng vào chính giờ hiến tế chiên vượt qua trong đền thờ. Chính Ngài là chiên vượt qua đích thực không tì vết. Chỉ ở nơi Ngài, ý nghĩa thực sự của nghi lễ mới trở thành hữu hình”.[i]

Ngoài ra, lời của thánh Gio-an còn liên hệ đến lời tiên báo bí nhiệm của tiên tri Dacaria: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng” (Dcr 12,10). Và ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy từ tội lỗi và ô uế. Thánh Gio-an đã thấy điều này được thực hiện ở đây. Nếu việc đâm thủng cạnh sườn Chúa Giê-su với máu và nước chảy ra là sự hoàn tất lời của ngôn sứ Dacaria, thì điều này có nghĩa là nó hoàn tất toàn bộ lời các ngôn sứ về ân huệ nước hằng sống, ân huệ Thần Khí thời Đấng Messia và như vậy, một cách nào đó nó hoàn tất đoạn Tin Mừng của Gio-an, như các Giáo Phụ tin tưởng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Thánh Kinh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7,38-39).

Thần Khí phải được trao ban sau khi Chúa Giê-su được tôn vinh, nhưng Gio-an trình bày việc Chúa chịu đóng đinh như là được nâng lên, nói cách khác, nó được xem như là khởi đầu của việc tôn vinh. Và việc máu cùng nước chảy ra trong bối cảnh này trở nên một dấu chỉ quan trọng của việc trao ban Thần Khí. Suối nguồn đã mở ra và bắt đầu tuôn chảy. Bây giờ, khi chúng ta trong Đức Tin nhìn lên Đấng bị đâm thâu, chúng ta sẽ được chữa lành nhờ Thần Khí, Đấng ban sự sống.

Các nhà thần bí thời Trung Cổ nhìn lên Đấng bị đâm thâu và khám phá ra Trái Tim yêu thương của Chúa Giê-su. Mỗi thế hệ đều được mời gọi nhìn lên Đấng bị đâm thâu và nghiền ngẫm mầu nhiệm này. Ở đây, chúng ta đang ở chính nguồn suối; ai khát hãy đến mà uống. Và Thần Khí, Đấng ban sự sống, sẽ trở thành nguồn mạch trong chúng ta, trong trái tim của chúng ta, sẽ dần dần biến đổi đời sống của chúng ta, sẽ đổi mới thế giới này. “Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30). 

Máu và Nước. Máu của hiến tế và Nước biểu tượng cho Thần Khí. Các Giáo Phụ còn đi xa hơn, khi nghĩ về Bí Tích Thánh Thể và Rửa Tội. “Hai bí tích này làm nên nội dung đích thực của hữu thể Giáo Hội. Phép Rửa và Bí Tích Thánh Thể là những phương tiện, mà nhờ đó con người được đưa vào bầu khí Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

Phép Rửa có nghĩa là trở nên một Ki-tô hữu dấn thân dưới danh hiệu của Đức Giê-su Ki-tô…Phép Rửa làm cho ta trở nên Ki-tô hữu và nối kết ta với danh hiệu của Đức Ki-tô, một diễn đạt một thực tại hoàn toàn giống thực tại hôn nhân: Sự thâm nhập hỗ tương của hiện hữu ta với hiện hữu của Ngài, tháp nhập cuộc đời ta vào cuộc sống của Ngài, cuộc sống đã trở thành chuẩn mực, bầu khí cho con người ta. Bí tích Thánh Thể chính là cộng đoàn cùng dùng bữa với Đức Ki-tô, nhờ đó, ta được biến thể nơi Ngài, và được hiệp nhất với nhau. Tất cả cùng ăn một tấm bánh: Thân xác Đức Ki-tô. Ngài muốn ta ra khỏi chính ta để tháp nhập vào với Ngài, hơn là Ngài được ta đón nhận. Và thực sự, Ngài đã làm như thế để cho ta, những chi thể của Giáo Hội Ngài”.[ii]

Còn một ý nghĩa khác về đoạn này của thánh Gio-an, là Giáo Hội hình thành từ cạnh sườn của Chúa Giê-su với tư cách là Evà mới. Về điều này Ratzinger chú giải như sau: “Gio-an đã thuật lại cho ta một người lính đã lấy lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Giê-su. Như thế, Gio-an đã sử dụng lại ngôn từ của Cựu Ước trong việc mô tả về trình thuật dựng nên Evà được rút ra từ cạnh sườn Adam trong khi ông đang ngủ. Dầu ý nghĩa chính xác có như thế nào chăng nữa, rõ ràng, Gio-an muốn nói rằng mầu nhiệm sáng tạo người đàn ông và người đàn bà này, chỉ làm một thân xác duy nhất, được lập lại trong mối liên hệ giữa Đức Ki-tô với nhân loại tin tưởng vào Ngài. Giáo Hội sinh ra từ cạnh sườn mở ra của Đức Giê-su đang chết. Nói cách khác, và kém hình ảnh hơn: Chính cái chết của Đấng Cứu Thế, tình yêu tận căn của Ngài, đi cho tới việc dâng hiến chính Ngài là nền tảng, sự phong phú của Giáo Hội, vì Ngài không tự giam mình trong sự ích kỷ của kẻ chỉ vui sống cho chính mình, đặt quyền lợi riêng tư của họ lên trên tất cả những người khác, nhưng vì Ngài đã bằng lòng bị mở ra để ra khỏi chính mình, để phục vụ cho kẻ khác…Cạnh sườn mở ra như thế trở nên một biểu tượng cho một hình ảnh mới về con người, con người Adam mới. Cạnh sườn mở ra này đánh dấu Đức Ki-tô, con người ‘cho đi’ cho những người khác”.[iii]

Tóm lại, “từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su Ki-tô tuôn chảy máu và nước. Thoạt nhìn, xem ra là dấu hiệu của sự chết của Ngài, dấu hiệu thất bại hoàn toàn, đồng thời lại tạo nên một sự bắt đầu mới. Đấng bị đóng đinh trên Thánh Giá đã sống lại và không còn chết nữa. Từ vực sâu, sự chết hiện lên lời hứa cho sự sống vĩnh cửu. Trên Thánh Giá của Đức Giê-su Ki-tô đã chiếu sáng vinh quang của buổi sáng Phục Sinh. Chính vì thế, sống với Ngài dưới dấu hiệu Thánh Giá cũng đồng nghĩa với sự sống của lời hứa về niềm vui Phục Sinh”.[iv]  Sống với Chúa Giê-su dưới dấu hiệu Thánh Giá là một cuộc sống tháp nhập vào cuộc sống của Chúa, nên một với Ngài, và để cùng Ngài bước đi trên chặng vui mừng, chặng khổ đau, chặng phục vụ, chặng yêu thương, chặng chết đi và chặng sống lại trong vinh quang của Ngài. Đó là tinh thần tháp nhập đời mình vào cuộc đời của Chúa Giê-su, khi chúng ta sống tinh thần các Mối Phúc.

- Tháp nhập đời mình vào cuộc đời của Chúa Giê-su.

Ratzinger đã nêu bật tính cách Ki-tô học sâu xa của Mối Phúc về người có trái tim trong sạch, bằng cách ngài đã mời gọi chúng ta đi vào trong tâm hồn, trong tâm trí của Chúa Giê-su, để thực sự hiệp nhất với Chúa, để tháp nhập đời mình vào cuộc đời của Chúa Giê-su, để sống nhưng không phải chúng ta sống, mà là chính Chúa Giê-su sống trong chúng ta. Khi đó, chúng ta với trái tim trong sạch sẽ nhìn thấy được Thiên Chúa. “Cho dù trên môi miệng của Đức Giê-su, những lời này đạt được chiều sâu mới. Vì chiều sâu này lệ thuộc vào bản chất của Ngài, nên Ngài nhìn thấy Thiên Chúa, nên Ngài đứng diện đối diện với Thiên Chúa, trong diễn từ nội tâm vĩnh cửu, trong tương quan làm con. Nói cách khác, các Mối Phúc này mang tính Ki-tô học sâu xa. Chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa khi chúng ta đi vào trong tâm trí của Đức Ki-tô (Pl 2,5).

 

Sự thanh luyện tâm hồn xảy ra như là hệ quả của việc đi theo Đức Ki-tô, trở nên một với Ngài. ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi’ (Gl 2,20). Và ngay tại điểm này, một điều mới sáng tỏ: Việc đi lên tới Thiên Chúa xảy ra chính trong việc đi xuống phục vụ cách khiêm hạ, trong việc đi xuống của tình yêu, vì tình yêu là bản thể của Thiên Chúa, và vì thế, là sức mạnh thanh luyện con người cách đích thực và giúp cho họ nhận thấy Thiên Chúa và nhìn ra họ. Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã mạc khải chính Người trong việc đi xuống. ‘Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu’ (Pl 2,6-9).

Những lời này đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử của bí nhiệm học. Những lời này cho thấy những gì mới mẻ trong bí nhiệm học Ki-tô, đến từ những gì mới mẻ trong mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa đi xuống, cho đến chết trên thập giá. Và cách chính xác, qua việc làm như thế, Người mạc khải chính Người trong thiên tính đích thật của Người. Chúng ta đi lên tới Thiên Chúa qua việc đồng hành với Người trong con đường đi xuống này. Trong bối cảnh này, cánh cửa phụng vụ trong Thánh Vịnh 24 nhận lấy một ý nghĩa mới: Trái tim thanh sạch là trái tim yêu thương đi vào trong hiệp nhất của phục vụ và vâng phục với Đức Giê-su Ki-tô. Tình yêu là ngọn lửa thanh luyện và hiệp nhất trí tuệ, ý chí và tình cảm, vì thế, làm cho con người trở nên một với chính họ, cũng như làm cho họ trở nên một trong con mắt Thiên Chúa. Chính vì thế, con người có thể phục vụ cho việc hiệp nhất những ai đang chia rẽ. Đó là cách thức con người đi vào nơi Chúa ngự và trở nên có khả năng nhìn thấy Người. Và đó là ý nghĩa về con người được chúc phúc”.[v]

Một thần học gia người Đức khác, là mục sư Bonhoeffer, cũng nhìn người có trái tim trong sạch là người hoàn toàn hiến dâng trái tim cho Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Ai có trái tim trong sạch? Chỉ là những người hoàn toàn dâng hiến trái tim họ cho Chúa Giê-su, và chỉ Chúa Giê-su cư ngụ trong trái tim đó. Người có trái tim trong sạch là người không để cho trái tim họ bị vương vấn bởi những điều xấu của họ, và cả các điều tốt của họ. Trái tim trong sạch là trái tim tinh tuyền của trẻ em, trái tim đó không biết đến điều tốt và điều xấu. Đó là trái tim của Adam trước khi phạm tội. Đó là trái tim không vương vấn điều gì cả, ngoại trừ thánh ý của Thiên Chúa đầy tràn trong đó. Ai có thể từ bỏ những điều xấu và cả những điều tốt của bản thân, cũng như từ bỏ chính trái tim của mình, và luôn sống trong tâm tình sám hối, và chỉ bám chặt vào Chúa Giê-su mà thôi, thì trái tim của người đó sẽ được trong sạch qua Lời của Chúa Giê-su. Sự trong sạch của trái tim trái ngược với tất cả mọi sự trong sạch mang dáng vẻ bề ngoài…

 

Trái tim trong sạch luôn tinh tuyền với mọi điều tốt và điều xấu. Trái tim trong sạch không phân chia và hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Giê-su. Trái tim trong sạch luôn hướng nhìn về Chúa Giê-su, Đấng đang đi trước. Chỉ có những người trong cuộc sống này hướng nhìn lên Chúa Giê-su, con Thiên Chúa, mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trái tim của họ tinh tuyền và không vương vấn với mọi hình ảnh khác, và cũng không bị giao động bởi tính muôn hình vạn trạng của ý muốn riêng và mục đích riêng tư. Trái tim trong sạch được tập trung hoàn toàn cho việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Những ai có trái tim phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô, thì người đó nhìn thấy Thiên Chúa”.[vi]

  • Nhìn thấy Thiên Chúa.

 

Thánh Âu-tinh, vị thánh đã trải nghiệm cách đặc biệt ơn hoán cải trái tim, hoán cải cuộc đời, và được trở về để gặp gỡ, được nhìn thấy Thiên Chúa, đã chia sẻ như sau trong cuốn Tự Thuật của Ngài: “Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: ta phải hoàn tất điều kiện nào để được nhìn thấy Chúa trên trời? Chính Chúa đã trả lời cho ta: Phúc cho người có lòng trong sạch, họ sẽ thấy Chúa. Anh em biết tôi cảm phục giám mục Ambrose như thế nào, vì nhờ ngài Chúa đã giải thoát tôi khỏi lầm lạc, dẫn tôi đến ơn cứu độ và phép rửa. Tôi rất thích mấy điều ngài viết về vấn đề này không phải vì cá nhân tôi thán phục ngài, nhưng vì đặt căn bản trên chân lý Thánh Kinh. Ngài viết: ‘Ngay cả khi sống lại không dễ gì thấy Chúa, chỉ trừ kẻ thanh sạch trong tâm hồn. Vì Chúa đã kê ra nhiều người nhân đức được Chúa ban phúc nhưng chỉ có người trong sạch trong tâm hồn có thể thấy Ngài’. Nếu ngài bảo chỉ có người có lòng trong sạch mới thấy Chúa thì có những kẻ khác không thấy Chúa: những kẻ không xứng đáng, người không trong sạch và người không thực sự muốn thấy Ngài. Nhưng người trong sạch trong lòng sẽ thấy Ngài và không chỉ trong ngày sống lại. Họ thấy Ngài khi Ngài đến và ngự trong lòng họ, tại đây và lúc này. Vì thế, ta hãy thanh tẩy tâm hồn và dọn phòng cho Ngài, để Ngài có thể mở mắt và ta thấy vinh quang Ngài”.[vii]

 

Như thế, sự liên hệ giữa trái tim trong sạch và việc nhìn thấy Thiên Chúa được nối kết chặc chẽ với nhau. Điều này được diễn tả trong những đoạn Thánh Vịnh sau đây:

“Ai được lên núi CHÚA?

Ai được ở trong đền thánh của Người?

Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,

chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.

 

Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,

được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.

Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,

tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp” (Tv 24,3-6).

 

“Tìm nhan thánh Chúa” có nghĩa là muốn chiêm ngắm Thiên Chúa. Và để có thể chiêm ngắm Chúa, thì người ta phải có bàn tay thanh sạch và trái tim tinh tuyền. Trong Cựu Ước có hai kiểu nói khác nhau và có phần tương phản với nhau: Kiểu nói đầu nêu rằng, không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết, vì Thiên Chúa quá lớn lao và vĩ đại. Khi Mô-sê xin Chúa cho được nhìn thấy tôn nhan Chúa, thì Chúa chỉ cho nhìn thấy lưng, còn tôn nhan thì không được thấy: “Ông Mô-sê nói: ‘Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.’ Người phán: ‘Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.’ Người phán: ‘Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.’ Đức Chúa còn phán: ‘Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33,18-23).

 

Thiên Chúa sống trong ánh sáng siêu phàm không ai có thể tới gần được, và vượt trên mọi khả năng cảm nhận và đón nhận của con người. Ở đây, thánh Phao-lô nói rằng: “Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16) Trong nền tảng, không ai có thể biết tường tận về Thiên Chúa như thế nào. Kiểu nói thứ hai kể lại hình ảnh của các tổ phủ Áp-ra-ham và Gia-cóp. Nhiều lần các ngài đã được nhìn thấy Thiên Chúa. Các Thánh Vịnh thì luôn diễn tả ước ao của người Ít-ra-en đạo đức và thánh thiện, muốn được nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42,3), và “nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài” (Tv 27,8). Trong các câu Thánh Vịnh này, lòng ao ước bừng cháy được nêu lên rõ ràng.

 

Như vậy, sự tương phản nhất định của hai kiểu nói trên trong Cựu Ước chỉ ra một điều: việc “nhìn thấy tôn nhan Chúa” có những ý nghĩa khác nhau. Nếu tư tưởng “có thể nhìn thấy Thiên Chúa” bị bác bỏ, thì có nghĩa là người ta không thể thấy Thiên Chúa ở đời này, nhưng có thể thấy Thiên Chúa trong ngày cánh chung, trong sự vinh quang tuyệt đối của Ngài. Về sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong ngày cánh chung, thánh Gio-an đã diễn tả như sau: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Việc chiêm ngắm này được giữ cho thời gian cứu rỗi cuối cùng của Đấng Mê-si-a. Ơn cứu rỗi mà Đức Ki-tô sẽ đem lại cho chúng ta, khi chúng ta ở trong Ngài và với Ngài. Trong Ngài chúng ta sẽ được chiêm ngắm Thiên Chúa Cha. Sách Khải huyền của Gio-an cũng diễn tả một hình ảnh: “Các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ” (Kh 22,3b-4).

 

Ngoài ra, Cựu Ước cũng diễn tả việc con người có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nếu người ta sống trung thành với lề luật, phụng sự Thiên Chúa trong tình yêu. Ý nghĩa của việc “Nhìn thấy hay chiêm ngắm Chúa” ở đây có thể được làm sáng tỏ qua một hình ảnh của Đông Phương cổ, mà chúng ta cũng tìm thấy trong Thánh Kinh. Đó là việc “diện kiến Vua”. Trong các triều đình lớn, như trong triều đình của Nebukadnezar (vua của Ba-by-lon, 1128 tcn -1104 tcn), chỉ có một số vị quan lớn đảm nhận những trọng trách mới được diện kiến và nhìn thấy Vua. Điều muốn nói ở đây không phải là họ chỉ nhìn thấy Vua trong một số dịp lễ quan trọng, mà điều muốn nói là họ có tương quan gần gũi, có sự tin cẩn của Vua. Những người được Vua tin tưởng là các thư ký riêng, các đại thần đại diện cho Vua để công bố những điều cần thiết. Họ biết rất rõ ý muốn của Vua và họ cũng làm cho ý muốn của Vua trở thành ý muốn của họ. Họ vâng phục ý muốn của Vua trong tình yêu trung tín, và không bao giờ làm sai những chỉ thị của Vua. Họ tuân chỉ tất cả những luật lệ Vua đưa ra. Như vậy, việc diện kiến và chiêm ngắm tôn nhan Vua diễn tả tương quan này, một tương quan sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Vua.[viii]

 

Trở về với việc nhìn thấy và chiêm ngắm Thiên Chúa, theo giáo phụ Gregor de Nyssa thì việc chiêm ngắm Thiên Chúa đã được hiện thực hóa trong lúc này, trong sự tỏa sáng của những Ki-tô hữu thánh thiện, những người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Còn theo Athanasius thì những tâm hồn đã được thanh sạch chiêm ngắm Thiên Chúa trong chính mình như trong một tấm gương.[ix] Việc chiêm ngắm Thiên Chúa ở đây không phải tự do sức mình không thôi, mà phần lớn là do hồng ân của Thiên Chúa ban cho. Thật vậy, không phải chỉ do sức mình mà tôi có thể trở thành một Ki-tô hữu thánh thiện, mà phần lớn nhờ bởi sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Nhờ Người, với Người và trong Người mà tôi có thể tránh xa tất cả những tư tưởng và hành động xấu xa, để rồi có một trái tim trong sạch.

 

Trong một số đoạn của Cựu Ước cũng có hình ảnh liên quan đến việc phụng vụ: Tìm tôn nhan Thiên Chúa cũng chính là ước muốn được gần gũi Thiên Chúa trong việc phục vụ đền thờ, trong việc tế tự và phụng vụ. Đó không phải là sự chiêm ngắm mang tính cách bị động, như khi đi xem kịch. Mà ở đây là thái độ chủ động được phép tiến vào đền thờ, đến gần Chúa, diện kiến tôn nhan Ngài, và chiêm ngắm Ngài. Thật đơn sơ, là gặp gỡ Ngài và ở lại bên Ngài, như hai người bạn, hay như người Cha với người con, để ca tụng và ngợi khen Ngài, để tri ân và tán dương Ngài. Đây chính là nguyên nhân Thánh Vịnh gia đã viết trong Thánh Vịnh 24, là người ta cần có “tay sạch lòng thanh”, để đi tìm tôn nhan Thiên Chúa, nghĩa là nếu người ta muốn nhìn thấy Thiên Chúa trong đền thờ và trong các giờ phụng vụ.[x]

 

Có “tay sạch lòng thanh” để đi tìm tôn nhan Thiên Chúa còn mang ý nghĩa: luôn giữ trái tim khát khao Chúa, khát khao sự Công Chính, và cố gắng sống xa lánh mọi khuynh hướng xấu xa, để gìn giữ đôi tay sạch sẽ và trái tim tinh tuyền. Ratzinger đã suy niệm như sau: “Điều này làm bật ra câu hỏi: Làm thế nào con mắt bên trong của con người được trong sạch? Làm thế nào để cắt bỏ căn bệnh cườm làm cho cái nhìn của con người bị mờ hay bị mù chung với nhau? Truyền thống bí nhiệm đã nói về ‘con đường thanh luyện’ đi lên tới sự ‘hiệp nhất’ cuối cùng là một cố gắng để trả lời câu hỏi này. Trước hết và trên hết, phải đọc các Mối Phúc trong bối cảnh sách thánh. Nơi đó, trước hết, chúng ta gặp chủ đề về sự trong sạch tâm hồn trong Thánh Vịnh 24, phản ánh cánh cửa phụng vụ thời xưa. ‘Ai sẽ lên núi Chúa? Và ai sẽ cư ngụ trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối’ (Tv 24,3-4). Trước cửa Đền thờ, câu hỏi đưa ra là ai có thể vào và đứng gần với Thiên Chúa hằng sống. Tay sạch và lòng thanh là điều kiện.

Thánh Vịnh giải thích nội dung điều kiện để được vào trong nơi Thiên Chúa ngự trị bằng nhiều cách khác nhau. Một điều kiện nền tảng là ai muốn vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa, họ phải tìm hiểu Người, phải tìm kiếm tôn nhan Người (x.Tv 24,6). Chính vì thế, điều kiện nền tảng chứng minh cùng một thái độ mà chúng ta đã nhận ra trên đây, được diễn tả trong cụm từ ‘đói khát sự công chính’. Tìm hiểu Thiên Chúa, tìm kiếm tôn nhan Người, là điều kiện đầu tiên và cơ bản, để hướng lên dẫn đến việc hội ngộ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, cả trước khi đó, Thánh Vịnh ghi rõ ràng tay sạch và lòng thanh đòi hỏi con người từ chối sự lừa dối và thế gian. Điều này đòi hỏi sự trung thực, thành thật và công bình đối với tha nhân và cộng đoàn. Đó là những gì chúng ta gọi là đạo đức xã hội, dù đạo đức này thật sự chạm vào tận sâu thẳm tâm hồn.

Thánh Vịnh 15 ghi thêm chi tiết về điều này, và như thế chúng ta có thể nói rằng, điều kiện để được nhận vào sự hiện diện của Thiên Chúa đơn giản là nội dung của Mười Điều Răn, với điểm nhấn trên việc tìm kiếm Chúa bên trong, trên hành trình hướng về Người (tấm bia thứ nhất) và trên yêu thương tha nhân, trên sự công chính hướng về cá nhân và cộng đoàn (tấm bia thứ hai). Không có những điều kiện nào liên quan đặc biệt tới kiến thức về mặc khải được liệt kê ra, chỉ có ‘tìm hiểu Thiên Chúa’ và những giáo lý cơ bản của công lý mà một lương tâm cảnh giác chuyển tải đến mọi người, lương tâm này chuyển thành hoạt động qua việc tìm kiếm Thiên Chúa. Suy tư trước đây của chúng ta về vấn đề cứu rỗi tìm thấy sự xác nhận chỗ này”.[xi]

  • Thêm một vài tâm tình và một số câu hỏi.

 

Chuyện kể về Pachomius, một vị thánh ẩn sĩ của Giáo Hội tiên khởi sống vào thế kỷ thứ 4 bên Ai-cập: Một ngày nọ, có một người tu sĩ mắt ướt đẫm và đến hỏi Pachomius. Tu sĩ khóc vì nghi ngờ rằng, không biết ông có được phép nhìn thấy Thiên Chúa trong đời sống sau này hay không. Thấy thế, Pachomius liền nói với ông: Con hãy ra sức để gặt hái được hoa trái của Mối Phúc được nhắc trong Phúc Âm: ‘Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa’. Như vậy, nếu có một tư tưởng xấu nào trỗi dậy trong con, như hận thù, ghen tương, ganh tỵ, khinh thường người anh em mình, tính kiêu ngạo của con người, những cảm giác tiêu cực, thì đừng quên là con phải lập tức phản ứng lại bằng cách con hãy nói: Nếu tôi chạy theo những tư tưởng này, thì tôi sẽ không nhìn thấy Thiên Chúa. Vị thánh ẩn tu khuyên nhủ chúng ta, trong những khi chúng ta bị lôi cuốn và cám dỗ làm cho tâm hồn chúng ta bị bối rối và chia cách, thì chúng ta có thể tự giúp mình, bằng cách chúng ta hãy nghĩ tới lời hứa của Mối Phúc thứ sáu này. Những suy nghĩ về niềm hạnh phúc được hứa ban, nghĩa là được nhìn thấy Thiên Chúa, có thể giúp chúng ta, không chào thua những cám dỗ ác tâm, cám dỗ ghen tương và ganh tỵ. Nếu không thì chúng ta rơi vào tình trạng nguy hiểm, có thể đánh mất đi niềm hạnh phúc này, đánh mất “khẩu vị” về Thiên Chúa. Những ai sống đời nội tâm sâu xa đều có Thiên Chúa ở bên, người đó luôn biết giữ cho trái tim mình ngay thẳng, và không bao giờ mang những tư  tưởng xấu xa.[xii]

 

Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, chúng ta có khao khát những niềm vui đem lại cho lương tâm trong sạch không? Niềm vui đó có giá trị gì với chúng ta? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh chính mình cho niềm vui đó không? Trong Bí Tích Giao Hòa có một cơ hội lớn ban tặng cho chúng ta, là được sống trong niềm vui của ân sủng tha thứ và của một lương tâm trong sạch, chúng ta ý thức giá trị của Bí Tích Giao Hoà như thế nào? Chúng ta có thường xuyên đến gặp Chúa trong toà giải tội không?

 

Nhiều lần chúng ta đã phàn nàn rằng, trong giờ cầu nguyện chẳng tìm thấy tương quan với Chúa. Ngài như ở xa, ẩn mình, tách rời khỏi chúng ta. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng, chúng ta cần phải làm cho tâm hồn mình trở nên trong sạch không? Tình trạng khô khan đôi khi có thể liên hệ đến một điều, là chúng ta không có thái độ đúng đắn khi bắt đầu cầu nguyện, và chúng ta không xin ơn tha thứ về những lầm lỗi của chúng ta. Đúng vậy, làm sao chúng ta có thể chờ đợi được nhìn và chiêm ngắm Thiên Chúa, nếu chúng ta không làm cho tâm hồn mình nên trong sạch, nếu chúng ta không để mình được ảnh hưởng bởi sức mạnh giải phóng và thanh tẩy của Thánh Thần Chúa?

 

Trái tim trong sạch là trái tim của lòng khiêm nhường và hiền lành như Chúa Giê-su. Trong cuộc sống thực tế, chúng ta có ý thức hạ mình xuống như Chúa Giê-su, vì yêu thương bước ra khỏi mình để phục vụ anh chị em? Đọc lại lời trong sách Huấn Ca, chúng ta soi lại đời mình, xem mình đã hạ mình và khiêm tốn như thế nào? “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Ðức Chúa. Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Ðừng tìm những gì khó quá đối với con. Những điều vượt sức con, con đừng xét tới” (Hc 3,17-21).

 

Nhiều lần trái tim của chúng ta bị vẩn đục bởi kiêu căng và tự phụ. Làm thế nào để có thể tìm cho mình được một cuộc sống thanh thản với trái tim khiêm nhường? “Ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6,3). Thánh Phao-lô muốn nói: ai muốn đánh giá đúng về mình, phải thừa nhận sự hư vô của mình. Người khiêm tốn là người biết thừa nhận như vậy. Hạt ngọc quý là xác tín rằng mình chẳng là gì, chẳng thể nghĩ gì, chẳng làm được gì. Ðức Giê-su đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thánh Phao-lô thêm:“Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng, để nghĩ rằng mình làm được gì” (2Cr 3,5). Khi nào có dịp, có thể dùng một trong hai câu trên đây như lưỡi gươm của Thần Khí, để cắt đứt cám dỗ của sự kiêu căng, và hướng về tinh thần sống khiêm tốn nhiều hơn. Vì quả thực, người ta cảm nghiệm được hiệu năng của lời Chúa, khi áp dụng lời Chúa cho mình hơn là cho người khác.

 

Trái tim trong sạch. Đó là điều mà Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhắc nhớ trong cuốn Đường Hy Vọng. Chúng ta để một vài câu dưới đây của Đức cố Hồng Y thấm vào lòng chúng ta: “Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhường. Con hãy cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con” (Đường hy vọng số 427). “Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu những bàn tay cắt tỉa” (Đường hy vọng số 431). “Càng sống trong trắng, chí khí càng vững, vì đã được rèn luyện qua nhiều trận anh dũng” (Đường hy vọng số 459)

 

Để sống được tinh thần của Mối Phúc về người có trái tim trong sạch, với sức người thôi thì chúng ta không thể làm gì được. Vì thế, chúng ta cần tháp nhập cuộc đời mình vào cuộc đời của Chúa Giê-su, để như thánh Phao-lô nói, tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta tự hỏi xem Chúa Giê-su đang hiện diện trong đời chúng ta như thế nào? Cuộc sống của chúng ta có phảng phất hương thơm của Lời Chúa, của Thánh Ý Chúa không? Trái tim của chúng ta có tìm thấy trái tim của Chúa Giê-su chưa? Chúng ta có muốn tìm gặp Chúa không?

 

“Trong tiểu sử chân phước Angela Foligno, một nhà thần bí lớn ở thế kỷ 12, có một sự kiện có thể giúp ta hiểu những điều nói trên đây. Trong một thời gian khá dài, Angela đã từ bỏ thế gian và tội lỗi, để sống một cuộc đời thật khắc khổ. Nhưng một hôm, Angela thấy còn một công việc phải làm, thấy Thiên Chúa chưa thực sự là tất cả cho mình. Vì sao? Linh hồn thì muốn Thiên Chúa, vậy mà nó còn muốn nhiều sự khác nữa. Bởi đấy, Angela cảm thấy như phải thống nhất cả con người của mình, thân xác phải là một với linh hồn, ý muốn phải là một với trí khôn, để chỉ còn một ý muốn mà thôi. Lúc ấy, Angela nghe thấy tiếng Chúa nói tự thâm tâm: ‘Con muốn gì, Angela?’ Không lưỡng lự, Angela kêu to: ‘Con muốn Thiên Chúa’. Tiếng ấy tiếp: ‘Ta sẽ thực hiện ý muốn của con’. Quả thật, Thiên Chúa đã giúp cho ý nguyện của Angela được thực hiện, giúp Angela kiến tạo một cuộc đời thánh thiện, một cuộc đời không ngừng soi sáng cho Giáo Hội và thế giới suốt nhiều thế kỷ qua.

Con muốn Thiên Chúa. Đây quả là một lời cao đẹp nhất mà một con người có thể thốt lên. Con người chúng ta thường bị phân hoá nơi chính mình, với hàng ngàn ý tưởng, ước muốn, dự phóng trong trí. Có thể nói đếm số tóc trên đầu còn dễ hơn biết hết những ý nghĩ trong đầu chúng ta. Ta giống như một cây xum xuê, có chim trời tứ phương đến đậu, líu lo ríu rít. Chỉ cần hô lên một tiếng lớn thôi là chúng sẽ bay đi hết. Tiếng hô ấy là tiếng hô lặp lại tiếng hô của Angela Foligno: ‘Tôi muốn Thiên Chúa’. Tiếng hô ấy xua đuổi bao nhiêu chuyện trong trí, trả lại cho ta sự thinh lặng và an bình. Vậy giờ đây, mỗi người hãy nhìn vào đời sống của mình. Trong thâm tâm ta, Chúa cũng gọi tên ta và hỏi: ‘. . . , con muốn gì?’. Thật phúc cho những ai can đảm, được đầy sức mạnh của Thần Khí, biết lặp lại lời của Angela ‘Con muốn Thiên Chúa’, để rồi thực sự biết sống cho Chúa”.[xiii]

 

Tóm lại, trong Mối Phúc về người có tâm hồn trong sạch, Chúa Giê-su đã tóm tắt và nối kết với các tư tưởng của Cựu Ước, và làm cho các tư tưởng đó được trở nên trọn vẹn. Trái tim hoặc tâm hồn trong sạch ở đây, theo Chúa Giê-su là sự đồng ý và đón nhận thánh ý của Thiên Chúa cách chân thật, không mờ ám, và cũng là tình yêu và sự trung tín xin vâng tất cả những gì Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Trái tim trong sạch, lời xin vâng trọn hảo với thánh ý Chúa, và việc đi tìm vương quốc Thiên Chúa hướng về một mục đích là được diện kiến và chiêm ngắm Thiên Chúa với vinh quang của Ngài trong ngày cánh chung. Đó cũng là tâm tình muốn phục vụ Ngài, ca ngợi Ngài, chiêm ngắm và thờ lạy Ngài trong Thiên Quốc Giê-ru-sa-lem.

 

Như vậy, Mối Phúc của chúng ta liên hệ đến hạnh phúc được hiện thực hóa hoàn toàn và trọn vẹn trong cuộc sống vĩnh cửu, trong cuộc sống không có giới hạn, không có chấm hết, trong cuộc sống ở bên cạnh Chúa. Vì vậy, Mối Phúc này là Mối Phúc của niềm hy vọng. Một niềm hy vọng vừa vượt trên thời gian hiện tại của chúng ta, để đạt tới chân trời của tương lai tuyệt hảo, vừa tỏ hiện ngay trong lúc này cho những ai có tâm hồn trong sạch. Người có tâm hồn trong sạch đã được ở trong cộng đoàn vĩnh cữu với Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện, trong việc cử hành phụng vụ, và cùng trên đường hành hương với Giáo Hội lữ hành. Thiên Chúa cũng ban tặng cho những tâm hồn trong sạch kinh nghiệm về mầu nhiệm của Ngài, và một bảo đảm, là họ sẽ được diện kiến tôn nhan Thiên Chúa trong ngày sau hết.

 

Mối Phúc này cũng hướng chúng ta về sự hiệp nhất của niềm tin và cuộc sống, của việc cử hành phụng vụ cũng như những hành động và cử chỉ trong ngày sống: Một tâm hồn trong sạch và tinh tuyền thì luôn vui mừng đứng bên bàn thờ của Thiên Chúa, và song song mỗi ngày luôn phục vụ Ngài và sống tinh thần Chúa dạy với niềm vui thỏa, khi làm việc ở hãng xưởng cũng như ở nhà, trong tất cả những trách nhiệm của xã hội và Giáo Hội. Ai sống như thế, thì luôn nhận được ân sủng, là được Thiên Chúa hiện diện ở bên. Người đó có thể chiêm ngắm Chúa và khám phá Ngài trong mọi sự kiện và hoàn cảnh của cuộc sống. Người đó đặc biệt sẽ cảm nhận được tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Đấng chịu đóng đinh và Phục Sinh.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin hãy ban cho chúng con kinh nghiệm về sự trong sạch của trái tim,

kinh nghiệm giúp cho chúng con được diện kiến và chiêm ngắm Chúa trong lúc này.

 

Xin ban cho chúng con niềm xác tín,

Được nhìn thấy Chúa trong cõi đời đời.

 

Lạy Trái Tim Chúa Giê-su, nguồn mạch niềm hy vọng của chúng con,

Xin đừng bỏ mặc chúng con cho những trái tim cứng cỏi và nhẫn tâm,

Xin hãy biến đổi chúng con nên giống như Chúa:

hiền lành và khiêm nhường, dồi dào ân sủng và đầy nhân hậu. Amen.[xiv]

 

 

[i] RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, t.204.

[ii] RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, t.208.

[iii] RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, t.206.

[iv] RATZINGER J., Đấng chịu đâm thâu, t.210.

[v] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.125-127.

[vi] BONHOEFFER D., Nachfolge, t.87

[vii] THÁNH ÂU-TINH, Sách Tự thú, số 41, Bản dịch tiếng Việt của Rev. Ngo tuong Dzung, Texas, USA 1990.

[viii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.77-79.

[ix] Trích bởi LUZ U., Das Evangelium nach Matthäus, 1.Teilband, t.213.

[x] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.80.

[xi] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.124-125

[xii] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.82.

[xiii] CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, t.256-257.

[xiv] X. MARTINI C.M., Selig seid ihr!, t.83.

bottom of page