top of page

Phần 6 :

Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

 

 

Hai lời cầu xin cuối cùng này trong kinh Lạy Cha liên hệ đến một điều rất tế nhị trong đời sống đức tin và đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. Đó là đụng tới những cám dỗ và sự dữ hay ác thần mà người Kitô hữu hay gặp trong đời sống thường ngày. Vì thế, lời cầu xin này lột tả được thực tế khó khăn của đời sống đức tin và thiêng liêng. Phải chăng Đức Kitô đã thấu hiểu được thực tế này, và Ngài cũng hiểu được sự mỏng dòn của con người chúng ta, nên Ngài đã dạy chúng ta phải ý thức cầu xin Cha trên trời như vậy ?

Chắc chắn chúng ta phải đọc một mạch hai lời cầu xin này, vì cả hai liên hệ chặt chẽ với nhau, « vì cả hai làm thành một đơn vị thống nhất. Bởi thế, không được cắt hai, như một số nhà chú giải đã làm, vì ác thần được nhắc tới ở đây chính là chìa khoá giúp ta hiểu rõ toàn bộ lời cầu xin »[i]. Tuy nhiên, để dễ dàng, xin được suy niệm từng lời cầu xin một nhưng vẫn ở trong sự nối kết của cả hai lời cầu xin.

 

Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

 

Khi đọc lời cầu xin này, thật là sai lầm, nếu nghĩ rằng chính Thiên Chúa đưa con người vào trong cám dỗ, dẫn con người vào trong những cạm bẫy của sự dữ. Trong Tân Ước, không có đoạn nào nói rằng Thiên Chúa dẫn con người vào trong những cám dỗ. Thánh Gia-cô-bê cũng đã nhắc nhớ rất rõ ràng: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1, 13-14). Ở đây, thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ và quyền năng vô bờ, nên không có bất cứ thế lực sự dữ nào có thể cám dỗ Ngài, và Ngài cũng không quen biết đến điều xấu xa, vì thế Ngài không bao giờ cám dỗ con người vào những điều xấu xa[ii]. Sách Huấn Ca của Cựu Ước cũng nhắc nhớ:

 

“Con đừng nói: "Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội",
vì điều Người gớm ghét, thì Người không làm.

Đừng nói: "Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối",
vì Người không cần kẻ tội lỗi” (Hc 15, 11-12).

 

Ngoài ra, theo Jeremias thì lời cầu xin trong kinh Lạy Cha cũng tương hợp với lời cầu nguyện buổi tối của người Do-thái, mà có thể Chúa Giê-su cũng biết: “Xin đừng để con bước vào trong quyền lực của tội lỗi, xin đừng để con rơi vào trong bạo hành của lỗi tội, và xin đừng để con va phải sức mạnh của cám dỗ, cũng như xin đừng để con rớt vào trong quyền lực của sự dữ”. Lời cầu nguyện buổi tối của người Do-thái không chỉ về hành động của Thiên Chúa, mà chỉ về việc Thiên Chúa cho phép những điều đó có thể xảy ra. Vì thế, ý nghĩa của lời cầu xin là: Xin đừng để con rơi vào trong đôi tay của tội lỗi, của cám dỗ và của sự dữ. Như vậy, lời cầu nguyện này là lời cầu xin Chúa che chở trước tất cả những cám dỗ. Cũng thế, lời cầu xin trong kinh Lạy Cha cũng cầu xin Chúa che chở trước mọi cám dỗ[iii].

 

Thiên Chúa không phải là tác giả dẫn chúng ta vào trong cám dỗ, vậy ai là “tác giả” đưa chúng ta vào trong cám dỗ? Nếu đọc tiếp lời cầu nguyện “xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ”, thì chúng ta nhận ra rằng, tác giả cám dỗ con người vào những chuyện xấu xa là sự dữ, là Xa-tan. Hamman cũng nói về điều này: « ‘Xin đừng đưa chúng con vào cơn cám dỗ’, thì có vẻ như ta đã cho Chúa là tác giả gây ra cơn cám dỗ. Thế nhưng theo phần sau của lời nguyện thì chính ác thần, thiên thần của sự dữ, đã gây ra điều đó. Bởi vậy, Giáo hội ngày xưa thường có khuynh hướng dịch là: ‘Xin đừng để chúng con ngã trong cám dỗ’ »[iv].

 

Như thế, lời cầu xin này hướng về Cha trên trời, nhưng không xin Cha cho chúng ta đừng gặp phải cám dỗ, mà xin Cha đừng để chúng ta bị chìm mình trong cám dỗ mà không có đường ra, xin Cha ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan cùng những ơn cần thiết, để chúng ta vượt qua được những cám dỗ đến từ sự dữ đang bủa vây cuộc đời của chúng ta, cũng như chính Đức Kitô, Đấng cũng không xin Cha tránh cho Ngài gặp phải cám dỗ, mà Ngài cầu xin Cha giúp Ngài chiến thắng và vượt qua những cám dỗ của sự dữ.

 

Đức Kitô chiến thắng những cơn cám dỗ.

 

Đọc lại cơn cám dỗ của Đức Kitô trong tin mừng Mát-thêu 4, 1-11, chúng ta nhận ra rằng, cơn cám dỗ Chúa chịu là do bởi Xa-tan cám dỗ Chúa, dù cho Ngài được Thần Khí dẫn vào trong sa mạc: “Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1). Xa-tan muốn cám dỗ Chúa ra khỏi chính căn tính của Chúa, là “con yêu dấu của Cha trên trời”, bằng cách nó đưa ra những lời dụ dỗ không chỉ ngon ngọt mà còn mang vẻ thách thức: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi… nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá", và  "tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Ba cơn cám dỗ tiêu biểu của Đức Giêsu có một mẫu số chung. Đó là Chúa bị lôi kéo sống cho mình, lo cho mình, xây đắp cho mình. Dù là dùng quyền năng Cha ban để biến đá thành bánh ăn cho đỡ đói, dù là nhảy xuống từ nóc đền thờ như một thách đố, hay như một biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng, dù là sấp mình bái lạy Xa-tan để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước, tất cả đều là những cám dỗ của Xa-tan để Chúa Giê-su chỉ biết đi tìm mình, đánh mất tương quan với Thiên Chúa là Cha. Những cám dỗ của Chúa Giê-su với hương vị của giàu sang, quyền lực, và khoái lạc cho chính cái tôi của bản thân, vẫn là những cám dỗ muôn thuở, cho mọi người, mọi tập thể đạo đời.

 

Trước ba lời dụ dỗ đó, Đức Kitô đã phản ứng ra sao? Ngài đã đáp lại ba lời rõ ràng và mạnh mẽ. Lời thứ nhất: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Với lời cám dỗ thứ hai Chúa đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." Và cuối cùng thật quyết liệt mạnh mẽ Chúa nói với thần dữ: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

 

Như vậy, Chúa Giê-su chống lại một cách dứt khoát ba tiến trình mà Xa-tan muốn đặt vào trong Người. Xa-tan khêu gợi bằng những mục tiêu giả dối đầy vẻ quyến rũ và thách thức. Nó muốn nhân đó khơi dậy một điều ham muốn và lòng chiều theo ham muốn đó, tức là tội lỗi. Mỗi lần như thế, Chúa đều nghiêm khắc xua đuổi nó đi, và cuối cùng Chúa dùng chính uy quyền của Ngài để bắt Xa-tan phải lui vào vị trí của nó. Đó là phải thờ lạy Thiên Chúa.

 

Ngoài ra, Chúa Giê-su đã không thể thắng các cơn cám dỗ, nếu Người chỉ qui hướng về mình. Người sẽ thua ma quỷ, nếu Người tìm vinh danh mình khi hóa đá thành bánh, Người sẽ bị sập bẫy Xa-tan khi nhảy xuống từ nóc cao đền thờ để được khen ngợi tung hô. Người sẽ thất bại thảm thương khi quỳ lạy ma quỷ để được vinh hoa thế gian. Nhưng không, không bao giờ Người làm thế, vì tinh thần chủ đạo của Người, vũ khí sắc bén của Người chính là “thánh ý Cha”. Người suy nghĩ, nói năng, hành động bất cứ điều gì cũng là để theo thánh ý Cha. Chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất của Người trước cái chết, Người cũng chỉ thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39). Lời cầu nguyện của Chúa rất khiêm tốn, rất thiết tha, rất phó thác trong xao xuyến bồi hồi, và cũng không thiếu mùi vị của giao chiến quyết liệt với chính mình. Thật vậy, với lời cầu nguyện này,  Chúa Giê-su « ra khỏi chính mình », để Ngài tập trung hoàn toàn vào Cha và thánh ý của Cha. Có như vậy, Ngài đã chiến thắng được những cám dỗ của ma quỉ. Và Ngài cũng mong chúng ta vượt qua và chiến thắng những cám dỗ chúng ta gặp phải mỗi ngày, những cám dỗ do chính ma quỉ gây ra.

 

Những cám dỗ trong đời người và nỗ lực vượt thắng những cám dỗ đó.

 

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã thử thách những kẻ Người đã chọn như Ápraham, Gióp, những người công chính. Người đã cũng để cho Đức Giêsu bị cám dỗ ở hoang địa như vừa nói ở trên, và như lần Chúa Giêsu bị cám dỗ bỏ sứ mạng của Người Tôi Trung đau khổ.

 

Cũng vậy, Thiên Chúa không muốn miễn cho người tín hữu Người khỏi chiến đấu với cám dỗ, nhưng Người trang bị cho họ và tập cho họ dạn dĩ để đấu tranh với những cám dỗ của sự dữ. Thật vậy, chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ. Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân... Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Thật vậy, trong đời này ai lại không gặp cám dỗ ? Chính khi gặp cám dỗ và vượt qua được nó, thì con người mới trưởng thành, mới lớn lên được. Và có thể khi gặp cám dỗ, con người mới nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, và qua đó ý thức ăn năn thống hối, và khiêm nhường trở về với Chúa hơn. Đối với Thánh Âu-tinh, « trong đời sống hiện tại, cám dỗ là một điều có lợi, nhưng dù vậy đừng bước vào trong cám dỗ »[v]. Thật vậy, ai có thể nói chắc rằng, mình sẽ vượt thắng được những cám dỗ. Còn đối với Martini, « cám dỗ là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của người Kitô hữu. Và thật sự, cám dỗ là kinh nghiệm thường ngày. Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo cho chúng ta khi Ngài nói với các môn đệ : ´Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn´.» (Mt 26, 41)[vi].

 

Như vậy, có thể nói cám dỗ là thời điểm quan trọng thử thách chúng ta. Nếu chúng ta vượt qua được thì chúng ta sẽ trưởng thành hơn trong đời sống làm người, đời sống đức tin. Nhưng mặt khác,  cám dỗ luôn là một mối nguy cho đời người, vì ai cũng có thể bị rơi vào cám dỗ và trở nên « thân tàn ma dại ». Vì thế, luôn phải khiêm nhường cầu xin Chúa nâng đỡ. Trong phần suy niệm về lời cầu nguyện này của kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyên nhủ chúng ta cần can đảm sẵn sàng đón nhận những thử thách nặng nề đến với chúng ta. Mặt khác, chúng ta vẫn ý thức cầu xin Chúa đừng để chúng ta sa chước những cám dỗ vượt quá sức chịu đựng của chúng ta, cũng như cầu xin Chúa đừng để chúng ta rớt ra khỏi đôi tay của Ngài. Chúng ta cầu xin Chúa điều này với niềm tin tưởng vào lời của Thánh Phao-lô đã để lại cho chúng ta : « Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng ». (1Cr 10, 13)[vii].

 

Ngoài ra, chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khiêm nhường cầu xin Chúa rằng : « Lạy Chúa, con biết rằng con cần đến những thử thách, để con người của con trở nên trong sạch hơn. Nếu Chúa để con gặp phải những thử thách này, nếu Chúa cho thần dữ một chút không gian tự do như trường hợp của ông Gióp gặp phải, thì xin nghĩ đến sức lực giới hạn của con. Xin đừng quá tin tưởng ở nơi con. Xin đừng để con bị cám dỗ quá mức, và xin ở gần bên con với cánh tay chở che của Chúa, nếu cám dỗ quá nhiều đối với con »[viii].

 

Như vậy, trước những cám dỗ, thì con người của niềm tin không được phép tự cao và cũng không được phép tự ti. Và « để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. ‘Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó… Không ai có thể làm tôi hai chủ’ (Mt 6, 21.24)[ix].

 

Ngoài ra, trước mọi hoàn cảnh thử thách và trước những cám dỗ, luôn ý thức bước ra trước tôn nhan Chúa với lòng khiêm nhường để cầu xin Chúa và sự chở che của Ngài: « Xin đừng để con sa chước cám dỗ », và cũng xin Chúa cho chúng ta nhận ra được bộ mặt xảo quyệt của thần dữ và những kiểu cám dỗ của nó, để chúng ta biết phải cố gắng vượt thắng như thế nào trong ơn nghĩa và sự giúp đỡ của Chúa.

 

Sự xảo quyệt của thần dữ.

 

Như đã nói ở trên, Thiên Chúa không phải là tác giả của cám dỗ, mà là thần dữ. Vì thế, những cám dỗ đều bắt đầu từ địa chỉ « thần dữ », còn phần Thiên Chúa thì Ngài cho phép những cám dỗ đó xảy ra trong đời người chúng ta, như là những phần quan trọng cho kinh nhiệm làm người Kitô hữu, để chúng ta ngày càng lớn lên trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến.  

 

Chắc chắn chúng ta không thể xác định có bao nhiêu kiểu cám dỗ, vì làm sao con người chúng ta có thể đo lường được sự ranh ma xảo quyệt của thần dữ. Chúng sẵn sàng tìm bất cứ phương tiện nào, dùng bất cứ thủ đoạn nào, để cám dỗ và để cho chúng ta phải “lọt lưới”.

 

Vì thế, cần phải chú ý mới nhận ra được cái giả trá và cạm bẫy của những cám dỗ này. Thánh I-nhã đã hiểu được những mánh lới đầy dã tâm và nguy hiểm của thần dữ, nên Ngài đưa ra bài suy niệm “Hai Cờ Hiệu” trong Linh Thao, để giúp chúng ta nhận ra một bên là hình ảnh Đức Kitô, Đấng nhân lành và vị chỉ huy tối cao với mục đích cứu độ loài người, đối diện với bên kia là Lu-xi-phe, thủ lãnh của thần dữ luôn dùng những mánh lới xảo quyệt mang cả những nét đẹp của thiên thần để cám dỗ con người rơi vào trong bẫy của chúng, cái bẫy của tiền bạc và giàu có hấp dẫn mọi người, cái bẫy của chức tước cùng những chiếc “ghế cao” và vinh quang chói lọi trong đời, cái bẫy của khuynh hướng độc lập tự cao coi mình hơn tất cả mọi người... Khi đi vào việc nhận định về thần dữ, mới khám phá ra bộ mặt xảo quyệt của thần dữ, một bộ mặt được tô lên bao lớp phấn muôn màu muôn vẻ. Thật vậy, thần dữ sống trong ngàn vạn hình dáng. Nó có một sức mạnh lớn lao, nó đến từ chốn hỗn độn. Trong khi đó tình yêu chỉ có một khuôn mặt duy nhất. Đó là Người Con của Cha trên trời[x].

 

Nếu thần dữ xảo quyệt và xấu xa như thế, thì cách thức cám dỗ của chúng chắc chắn rất là nguy hiểm.

 

Một số cách thức cám dỗ.

 

Lời cầu nguyện xin đừng sa vào cám dỗ trong kinh Lạy Cha, có một số nhà chú giải trước đây đã giải thích như là sự cám dỗ của thời gian cuối cùng, thời cánh chung. Thánh Phao-lô có nói về sự cám dỗ này: “bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giê-su sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm. Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xa-tan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. ” (2 Th 2, 8-11). Những lời mạnh bạo diễn tả về sự cám dỗ cuối cùng của Xa-tan, sự hung dữ và sức mạnh cuối cùng của Xa-tan. Thánh Mát-thêu cũng nói về sự cám dỗ cuối cùng này trong bài giảng về thời cánh chung: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24, 11-13).

 

Ngoài ra, Tin Mừng và văn chương Khải Huyền Kitô giáo, cũng nói về ngày tận thế các lực lượng ma quỉ mà xưa nay Đức Giêsu hằng nhắc chúng ta đề phòng sẽ được mở trói tung hoành. Lúc đó chỉ cần tình yêu phai nhạt đi một chút cũng đủ để loại chúng ta khỏi Nước Trời. Chúng ta cầu xin cho khỏi sa ngã trong cơn thử thách quan trọng đó[xi], cầu xin cho được bền chí, được khiêm tốn và bám chặt vào Chúa, Đấng giải thoát và cứu rỗi, Đấng che chở và đỡ nâng, Đấng là cùng đích của đời người.

 

Ngoài cách thức giải thích “cám dỗ” theo ý nghĩa cánh chung, chúng ta cũng thấy sự cám dỗ của thần dữ đang “chạy chơi khắp nơi” trong đời sống thường ngày của người Kitô hữu. Martini[xii] đã diễn tả năm cách thức cám dỗ khác nhau của thần dữ mà chúng ta thường gặp phải. Đó là: (1) sự quyến rũ, (2) sự chống đối, (3) sự ảo tưởng, (4) sự thinh lặng của Thiên Chúa và cuối cùng là (5) sự chối từ Thiên Chúa và chối từ Chúa Giê-su. Sau đây, xin sơ lược những cách thức cám dỗ của thần dữ.

 

(1) Sự quyến rũ

.

Nhìn vào trong thực tế của xã hội, chúng ta thấy xã hội hôm nay không còn chú ý nhiều đến những giá trị đạo đức truyền thống, mà chạy theo những khuynh hướng sống và những quyến rũ rất tiêu cực, như khuynh hướng thích sống độc lập và ích kỷ, sự quyến rũ sống chạy theo tiền bạc và vật chất, sự quyến rũ sống bám theo chức tước và quyền lực, sự quyến rũ sống theo đam mê nhục dục, rượu chè và ma túy…Tất cả những khuynh hướng sống và quyến rũ đó đưa con người vào trong một cái khung sắt có tên là “nô lệ”, cái khung mà thần dữ dùng để nhốt con người vào trong vương quốc của chúng. Tiếp theo đây, một cách tóm tắt xin thử tìm hiểu những quyến rũ đó. Trước hết là sự quyến rũ của tiền bạc vật chất.

 

Sự quyến rũ của tiền bạc và vật chất.

 

Trong ý nghĩa nguyên thủy của nó, tiền bạc đóng vai trò là phương tiện giúp cho con người dễ dàng chia sẻ và trao đổi vật chất cho nhau, nhờ đó con người có được đời sống dồi dào, công bằng và hạnh phúc hơn. Vì thế, tiền bạc là một phương tiện không hơn không kém. Nhưng với sự phát triển của cuộc sống ngày càng văn minh, và với lòng tham vô đáy của mình, con người đã “tôn” tiền bạc từ vị trí là phương tiện lên “chức ông chủ”. Nghĩa là, một cách nào đó, con người được định nghĩa qua cái “có”, chứ không còn qua chính bản chất tốt lành và phẩm giá làm người của mình. Đó là một điều rất đáng tiếc. Trong cái nhìn này, ai có nhiều tiền, có nhiều vàng bạc và đầy dẫy vật chất, thì người đó bị cám dỗ là tự động “tự cảm thấy” mình đáng được tôn trọng hay dùng của cải mình có bắt những người khác, dù họ có muốn hay không, nhìn mình với một cặp mắt “bái phục”. Nghĩa là, tiếp theo với của cải vật chất là quyền lực và bao nhiêu thứ tồi tệ xấu xa khác đeo bám con người. Những câu tục ngữ như “có tiền mua tiên cũng được” đã làm mê hoặc con người, và qua đó con người trở nên “con vật hai chân” chỉ loanh quanh luẩn quẩn chạy nhảy trong cái vòng ma quái của tiền bạc và vật chất. Hơn nữa, họ dùng bất cứ thủ đoạn và phương tiện nào để “hái” thêm nhiều tiền, để ngày càng sống và sống hạnh phúc sung sướng hơn. Nhưng trớ trêu thay, tiền bạc đâu phải là nơi nương tựa vững chắc cho đời người. Thật là ngớ ngẩn và sai lầm, khi coi tiền bạc và vật chất là “bảo hiểm” an toàn nhất cho cuộc sống. Nhớ lại biến cố Chúa chịu cám dỗ, chúng ta thấy Xa-tan đã dùng chính vật chất là “của ăn” để dụ dỗ Chúa, vì chúng biết Chúa đang đói sau 40 đêm ngày Ngài ăn chay và cầu nguyện. Nhưng đâu phải chỉ có chiếc bánh kia là lương thực duy nhất để nuôi sống, nghĩa là đâu phải chỉ có tiền bạc và của cải là lương thực duy nhất làm cho đời người hạnh phúc, giúp cho con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Lời Chúa mới là lương thực chính yếu. Lời Chúa chính là lời của tình yêu mà Thiên Chúa là Cha đang “mớm” cho con cái mình mỗi ngày. Lời của yêu thương để nuôi sống và để cho con người mỗi ngày được sống và được sống dồi dào hơn. Cuộc sống của con người sẽ dồi dào thật, khi Lời Chúa với những lời dạy dỗ và tinh thần sống tràn đầy yêu thương của mười điều răn và của các mối phúc, và đặc biệt của tinh thần yêu Chúa và yêu người, được khắc ghi vào trong trái tim của con người, chứ không còn khắc ghi trên phiến đá, hay viết trên những trang giấy. Và từ trái tim đó, là những hành động và thái độ của tình yêu được biểu lộ.

 

Nhưng trớ trêu thay, trong đời sống thực tế, lại thấy biết bao hoàn cảnh và phận người không dùng lương thực cần thiết là Lời Chúa, mà lại loay hoay chạy theo tiền bạc vật chất. Vì thế, có biết bao đau khổ xảy ra. Có những gia đình đang hạnh phúc, nhưng khi tiền bạc và của cải “ghé thăm”, thì xảy ra cãi cọ, tranh giành, giận hờn và cả căm thù nữa. Thật đau lòng biết bao, khi người cha hay người mẹ trong gia đình nằm xuống, đàn con trở về đưa tang, nhưng có những đứa con lại không chịu rớt một giọt nước mắt, vì hận mẹ hận cha đã không sòng phẳng trong chuyện chia tiền bạc và của cải vật chất cho họ. Chữ “Tiền” đã lớn hơn chữ “Tình” rồi! Bánh mì đã quý hơn Lời Chúa rồi! Cũng đau lòng không kém, khi chỉ vì muốn chiếm cho được một món đồ nhất định, mà tình bạn tri kỷ cũng phải cúi đầu xin thua trước sự lừa lọc trắng trợn của người bạn đã từng thề thốt trung thành và yêu thương người bạn thân kia. Thật vậy, còn biết bao nhiêu tương quan trong đời đã bị thần dữ quấy nhiễu phá tan, bằng cách chúng đã dùng tiền bạc và của cải, dùng chính tấm bánh mì là mồi nhử ngon lành, để con người chẳng dễ dàng lánh đi xa mà không một lần “cắn câu”. Có tiền bạc trong tay rồi, con người lại bị cám dỗ “rộng tay” phung phí và tiếp tục “thu gom”. Một trong những thứ khác con người bị quyến rũ thu gom là quyền lực và địa vị.

 

Sự quyến rũ của quyền lực và địa vị.

 

Trong ý nghĩa nguyên thủy, thì quyền lực và địa vị luôn là phương tiện mà một số người, như bậc cha mẹ trong gia đình cần có để ảnh hưởng và giáo dục con cái theo chiều hướng tốt, cũng như những người có trách nhiệm trong một tập thể, một cộng đoàn hoặc một tổ chức được tín nhiệm trao cho quyền lực và địa vị, để phục vụ và giúp cho tập thể và cộng đoàn của mình được tồn tại và phát triển mỗi ngày được tốt hơn trong ý nghĩa công bằng và yêu thương nhau. Nhưng kế bên đó, quyền lực và địa vị lại là một sự quyến rũ rất hấp dẫn mà thần dữ luôn dùng để cám dỗ con người. Thật vậy, mấy ai lại không có khuynh hướng muốn “leo lên” chiếc ghế cao hơn, vì từ trên ghế đó nhìn người khác sẽ thấy mình lớn hơn họ nhiều. Khi thấy mình lớn hơn họ, là “khoái” rồi. Và khi lớn hơn rồi thì sẽ tỏ cái uy cái quyền để chứng tỏ mình là ai chứ. Trong ba lần Xa-tan cám dỗ Chúa Giê-su. Hai lần đầu tiên, Xa-tan đều dùng mưu mô xảo quyệt dụ Chúa Giê-su tỏ uy quyền lực. Cụ thể, Xa-tan nói với Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” và “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!” Xa-tan đặt Chúa vào trong vị trí thật của Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng Xa-tan đâu có tin vào điều đó, ngược lại Xa-tan diễn tả sự nghi ngờ của mình qua chứ “nếu”, và cũng qua chữ “nếu” đó, Xa-tan thách đố Chúa. Nghĩa là, Chúa cần phải tỏ quyền lực của mình ra. Chúng ta cũng nhớ lại biến cố Chúa bị nhục mạ và bị thách đố khi đang bị treo trên thập giá: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! " Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27, 39-42).

 

Một sự thách đố Chúa Giê-su đang bị treo trên cây thập giá cần phải tỏ quyền lực ra. Nhưng Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Ngắm nhìn khuôn mặt đau khổ với vòng gai trên đầu của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra Con Thiên Chúa đón nhận sự yếu đuối của con người vào trong mình, đón nhận những đau đớn người ta chất lên vai mình.

 

Con Thiên Chúa can đảm tự „đặt mình“ vào sự tự do của con người, để họ muốn làm gì Ngài thì làm. Như vậy, làm sao Ngài có thể xuống khỏi thập giá được. Xuống khỏi thập giá không phải là chiến thắng của Con Thiên Chúa đâu! Con Thiên Chúa đã được Cha trao phó cho sứ mạng đem lại Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn người. Ngài cần thi hành sứ mạng này cách trọn vẹn. Vì thế, dù con người có nghĩ gì, dù con người có thất vọng về Con Thiên Chúa, dù con người có thách đố Con Thiên Chúa, thì Ngài cũng không rời khỏi Thập Giá. Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa vô biên. Vì vậy, Ngài cũng không thể tự nói với mình rằng: „Ta đã đến để cứu độ, đã thử biết bao nhiêu phương cách để hoán cải và chuộc lại con người. Nhưng chúng rất cứng đầu. Bây giờ đã đủ rồi. Cố gắng của Ta đã chấm dứt. Ta sẽ làm cho chúng coi quyền lực của Ta lớn hơn tội lỗi của chúng, và sự chết không thể rờ đến Ta.“ Vâng, Chúa Giêsu vẫn nằm đó trên Thập giá! Chẳng nói năng chi. Chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả. Một Thiên Chúa thật quyền năng nhưng không bao giờ tỏ uy quyền năng theo sự dụ dỗ của ma quỷ và của con người. Con Thiên Chúa thật hiền lành và khiêm nhường biết bao (x. Mt 11, 29).

 

Thật vậy, sự dụ dỗ tỏ uy quyền lực thật nguy hiểm, vì càng muốn chứng tỏ uy quyền, thì càng dễ dàng gây ra biết bao nhiêu điều đổ vỡ và khổ đau cho người khác. Lịch sử nhân loại với vết xe đầy đau thương mà Phát-xít Đức hay Khơ-me đỏ đã “lăn” với quyền lực và hành động tỏ uy quyền của họ, là một bài học thật lớn cho con người.

 

Ngoài ra, cũng thật đau lòng, khi thấy một số trường hợp ngoài xã hội đã dùng mọi thủ đoạn bất công và bất nhân, kể cả đạp đầu người khác xuống, leo lên vai lên cổ họ, dù họ đã từng là ân nhân hay kể cả họ là người thân trong gia đình, để đạt tới một chức vị nhất định và có một quyền lực nào đó trong một hãng xưởng, một tập thể. Nguy thay cái quyến rũ của quyền lực! Cả trong giáo hội cũng không tránh được sự quyến rũ này. Một lần nọ, các sinh viên giáo sĩ và tu sĩ đang du học ở nước ngoài gặp nhau, sau một vài phút chia sẻ, thì một vài người nhao nhao chọc một người kia. “Ô, biết năm sáu thứ tiếng là tương lai sáng lạn. Tương lai làm giám mục rồi.” Dù chỉ là những lời chọc ghẹo, nhưng cũng đã bộc lộ một khuynh hướng nương theo chiều gió đầy quyến rũ của chức tước và quyền lực. Nhưng may thay, giám mục là một chức thánh với trách nhiệm để phục vụ đàn chiên Chúa trao, chứ không phải để dùng làm lợi ích cho cá nhân, hay làm cho tương lai đời người được sáng lạn. Cũng thật may, khi chức giám mục và những chức thánh trong giáo hội không thể dùng tiền, không thể dùng “chữ hay”…để mua được, mà là do thánh ý của Trời cao được tỏ lộ qua những sự tuyển chọn kỹ lưỡng của những người có trách nhiệm trong giáo hội. Có linh mục giáo sư lịch sử giáo hội biết đến 16 thứ tiếng, nhưng cả đời vẫn là linh mục giáo sư, và hạnh phúc với vị trí và trách nhiệm đó. Henri Nouwen cũng là một linh mục giáo sư đại học và viết nhiều sách vở thiêng liêng giúp ích cho biết bao nhiêu tâm hồn, nhưng rồi Nouwen đã bỏ lại chiếc ghế giáo sư đó, để đi vào trong cộng đoàn Arche, chia sẻ cuộc đời mình với những anh chị em kém may mắn bị bệnh tâm thần, trong tinh thần xả thân và phục vụ những anh chị em đó. Thật vậy, đừng bao giờ quên lời của Đức Kitô nhắn nhủ: Muốn làm lớn thì làm kẻ rốt hết và phục vụ mọi người.

Có tiền bạc và của cải, cũng như quyền lực rồi vẫn chưa đủ đâu. Thần dữ còn nhiều “món hàng” lợi hại lắm. Một trong những thứ đó là sự quyến rũ của tự mãn và kiêu căng giống như chính bản chất của thần dữ.

 

Sự quyến rũ của tự mãn kiêu căng.

 

Trong cuộc sống bình thường, con người cần được công nhận qua những việc tốt và hay mà họ làm. Sự công nhận nói lên sự trân trọng những khả năng và tài năng, cũng như những nỗ lực cố gắng trong mọi công việc của họ đã làm. Thật vậy, một lời khen của người khác sẽ làm cho đời sống được vui hơn, và qua đó con người tìm được sự hứng khởi và sức sống mới để họ tiếp tục vươn lên, để phát triển bản thân và góp phần phát triển tập thể và xã hội. Vì thế, thật là đẹp khi trong một tập thể, một cộng đoàn mọi người đều ý thức chú ý đến nhau, tôn trọng nhau, biết khen nhau và biết công nhận nhau. Ngược lại, nếu con người không công nhận nhau, mà chỉ biết chê bai nhau, bài bác nhau và kiêu căng luôn coi mình hơn người khác, thì cuộc sống sẽ rất nặng nề, có nhiều chia rẽ và đau khổ triền miên. Kiêu căng tự mãn là thái độ so sánh mình với người khác, và tự coi bản thân mình hơn người khác về nhiều phương diện. Với thái độ kiêu căng tự mãn, con người luôn đi tìm mình, đi tìm cái tôi ích kỷ của mình, và tìm mọi cách để làm cho cái tôi của mình được nổi bật hơn, để cho cái tôi của mình trở nên trung tâm điểm của cuộc đời này.

 

Trong Thánh Kinh, thái độ kiêu căng tự mãn cũng được đề cập đến như là một cám dỗ của sự dữ đối với ông bà nguyên tổ. Con rắn đã cám dỗ ông A-dong và bà E-và bằng cách nó khơi dậy nơi họ lòng ham muốn được trở nên giống như Thiên Chúa, và có khả năng biết điều thiện điều ác (x. St 3, 4-5). “Trở nên giống Thiên Chúa” là cám dỗ nguy hiểm đưa ông bà nguyên tổ ra khỏi vị trí làm con, tách lìa khỏi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, để vươn lên trên cao, và hơn thế nữa để tự coi mình có quyền năng như Thiên Chúa. Đó là một cám dỗ của kiêu căng và tự mãn. Cám dỗ này được lập lại trong biến cố tháp Ba-ben: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.” (St 11,4). Con người tự cao muốn vươn lên tận trời cao với khả năng của chính mình, con người muốn tự mình làm cho “danh mình được cả sáng”, và muốn đạt được mục đích khác là không bị phân tán khắp mặt đất. Một cách nào đó, con người muốn ”đánh cắp” vị trí của Thiên Chúa, là chủ và là trung tâm điểm của cuộc sống. Tháp Ba-ben cao trọc trời là biểu tượng cho kiêu căng tự mãn này. Nhưng trớ trêu thay, hay đúng hơn là may mắn thay, con người đã không thể “đánh cắp” được vị trí là chủ và trung tâm điểm của Thiên Chúa. “Ba-ben” trong tiếng Do-thái có nghĩa là “hỗn loạn”. Sự hỗn loạn chính là hậu quả cho sự kiêu căng tự mãn của con người. Sự hỗn loạn này đã không thể đưa con người đạt được vị trí là chủ và là trung tâm của cuộc sống, và cũng không đưa lại cho con người niềm hạnh phúc nào cả, ngược lại con người tự xa rời Thiên Chúa, bất hòa chia rẽ với nhau, và gây ra biết bao khổ đau cho nhau. Sự kiêu căng tự mãn của con người đã bị lên án trong các Thánh Vịnh:

 

«Ta bảo lũ kiêu căng: "Đừng kiêu ngạo!
Bảo phường tội lỗi: ´Chớ dương oai!
Này chớ dương oai ngạo với Trời,
ăn nói ngang tàng khinh cả Chúa´.

Vì chẳng có chi tự đông đoài hay sa mạc
làm cho ai được cất nhắc lên.
Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán,
Chúa hạ bệ người này, cất nhắc kẻ kia». (Tv 75, 5-8).

Thật vậy, con đường của kiêu căng tự mãn có đích đến mang tên “bất hạnh”. Sự bất hạnh xa rời Thiên Chúa, sự bất hạnh của một cuộc sống chỉ biết đưa mình lên cao và luôn hạ anh chị em mình xuống, đến nỗi gây ra biết bao khổ đau. Sự bất hạnh này sự dữ luôn tìm cách đưa lại cho con người qua những quyến rũ của chúng. Và tiếp với sự quyến rũ kiêu căng tự mãn là quyến rũ của tình dục và nghiện ngập.

 

Sự quyến rũ của tình dục và nghiện ngập.

 

Tình dục trong bản chất của nó là một điều tốt và căn bản của con người, cho đời sống tình yêu hôn nhân và gia đình cũng như cho việc nối dõi, nhưng một cách nào đó tình dục đã và đang bị lạm dụng, và có thể đánh mất đi vẻ thanh cao của nó. Thật vậy, trong cuộc sống chung quanh, chúng ta thấy biết bao nhiêu hình ảnh gợi dục ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên internet, Tivi, báo chí. Và cách ăn mặc đi đứng của một số người cũng đã diễn tả sự quyến rũ đi vào con đường hưởng thụ tình dục. Những hình ảnh xấu xa và khiêu gợi “mọc lên” ở khắp mọi nơi. Đôi khi, dù không muốn, chúng ta cũng phải đối diện với chúng. Chẳng còn lạ gì, khi những hình ảnh dâm dục tràn lan trên internet. Và cũng hay xảy ra, là chúng ta bất ngờ nhận được những message, những thông điệp qua email và qua cả điện thoại di động, với những dòng chữ tình tứ đầy quyến rũ, hay cả những dòng chữ sỗ sàng trơ trẽn và thô tục của một ai đó lạ lẫm và ở tận đâu đâu, đang mời gọi chúng ta bước vào trong một cuộc chơi xấu xa mà cuộc đời này coi là cuộc chơi hưởng thụ. Cũng là hưởng thụ, khi chúng ta thấy biết bao nhiêu quán Cà-fê ôm hay quán bia ôm hoặc phòng massage trá hình, nơi đó người ta có thể “bị hay được” đưa vào trong khung cảnh với ánh đèn mờ ảo, để đắm chìm trong hố sâu của dục vọng, của rượu chè và của ma túy mà sự dữ mời chào.

 

Kết cục là gì? Là cãi cọ, là bất tín, là bội phản, là đổ vỡ, là chia tay, là lệ thuộc vào sự dữ và đam mê nghiện ngập, là đánh mất chính mình, và đánh mất ý nghĩa làm người của mình. Hình ảnh một số gia đình hôm nay tan vỡ đã nói lên điều đó, chỉ vì vợ hay chồng qua internet và qua chat hay qua những lúc “mây mưa” trong các quán trá hình, đã bị lôi cuốn vào những mối tình “dây dưa”, và đã bị con sâu rượu và nàng tiên nâu là ma túy trói buộc. Đâu rồi hương vị của tình yêu? Đâu rồi lời hứa trung thành của ngày thành hôn? Đâu rồi những giá trị luân lý giúp con người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

 

Con người vì sa lầy vào những quyến rũ của tình dục, của rượu chè và ma túy, đã trở thành nạn nhân của chính mình. Có dịp rảo bước ở phố phường Paris tráng lệ và để mắt nhìn đến những người vô gia cư dưới gầm cầu, nơi công viên, bên nhà ga... mới thấy cái đau xót của biết bao phận người đã có một cuộc đời quá khứ chỉ biết và chỉ muốn chơi xả láng. Cuộc đời còn lại của họ là những chặng đường lê lết trên phố phường. Ngồi đối diện với một anh vô gia cư tuổi trung niên trong một bữa ăn trưa trong nhà của các Thầy dòng bác ái ở Paris, với tất cả sự hối hận anh đã chia sẻ về quá khứ ăn chơi trác táng của mình. Giờ đây đánh mất tất cả và đau khổ biết bao nhiêu, nhưng không thể tìm lại được một cuộc sống dồi dào của thời gian trước khi sa lầy nữa. Anh chỉ còn biết sống nhờ vào lòng bác ái của người khác. Nếu đảo mắt tiếp đến những ghóc phố khác, sẽ nhận ra những nạn nhân khác là những mảnh đời trẻ trung nhưng lại phải mang trong mình con sâu ma túy, vi trùng Si-đa. Con sâu đó và vi trùng kia “gặm nhấm” những người trẻ, lấy mất đi nơi họ nụ cười và khuôn mặt trẻ trung, sức sống mãnh liệt của người trẻ, để trao cho họ vẻ ủ rũ của những con nghiện, trao cho họ một thân xác gầy còm xanh xao, và một tinh thần ủ dột. Và chẳng bao lâu là một cái chết mà ít người muốn nhớ đến. Đau lòng thật!

 

Và cũng đau lòng không kém, khi trong chính Giáo Hội, có một số Giáo Sĩ và Tu Sĩ, thay vì là chứng nhân của Tin Mừng, là những con người phục vụ Chúa, phục vụ anh chị em, thì họ đã biến những anh chị em họ có trách nhiệm trở thành “phương tiện” để họ thỏa mãn cái quyến rũ của thân xác. Biến cố đau thương về một số giáo sĩ và tu sĩ lạm dụng trẻ em ở Mỹ, ở Ái-Nhĩ-Lan, ở Đức, ở Áo, Bỉ, Hà-lan…đã gây ra một vết thương thật sâu trong lòng Giáo Hội.

 

Thần dữ không chừa bất cứ nơi đâu. Nơi góc phố, trong tu viện. Nó có thể đến từ bên ngoài, và nó cũng có thể “chui” ra từ chính bên trong. Thần dữ đến với nhiều cách thức. Hôm nay, không còn cánh cửa nào có thể khóa lại trước thần dữ với nhiều mưu mô xảo quyệt. Khóa cửa trước ư? Chúng đến từ cửa sau.  Và chúng cũng không ngại khoét vách “tu viện”, khoét vách từng ngôi nhà của tâm hồn, dù tâm hồn đó bê tha trác táng hay tâm hồn đó thánh thiện đạo đức. Vì thế, chúng ta cần phải ý thức khiêm nhường cầu nguyện cho bản thân, cho tất cả mọi người trong lòng Giáo Hội và xã hội. Xin cho chúng ta, những người con của Giáo Hội và tất cả những anh chị em khác trong xã hội, biết ý thức sống đúng theo tinh thần là con cái của Thiên Chúa là Cha trên trời, không sa lầy vào những quyến rũ của sự dữ, và biết phải có thái độ thích hợp với những quyến rũ và cám dỗ của sự dữ, để không bao giờ đánh mất chính mình vào tay của thần dữ, kẻ nhiều mưu mô xảo quyệt để cám dỗ con người. Cám dỗ kế tiếp mà Martini đề cập đến là sự mâu thuẫn và chống đối trong cuộc sống.

 

(2) Mâu thuẫn và chống đối.

 

Những cộng đoàn Kitô hữu, dù rất khác biệt nhau, luôn cần có sự đồng thuận, đoàn kết và tinh thần yêu thương nhau, nhưng đôi khi có những mâu thuẫn và chống đối xuất hiện. Có những trường hợp, khi một số thành viên đang cố gắng hy sinh dấn thân, để xây dựng cộng đoàn Kitô hữu tốt, thì không ít lần họ lại gặp những chỉ trích phê bình và kể cả chống đối của một số người khác trong cộng đoàn, và cả của những người ở bên ngoài nữa. Trước những mâu thuẫn và chống đối đó, cần phải khiêm nhường kiên nhẫn và chịu đựng. Đức Kitô cũng đã phải trải nghiệm những sự mâu thuẫn và chống đối đến từ chính các môn đệ thân yêu và gần kề nhất của Ngài. Với tất cả sự kiên nhẫn, khiêm nhường, hiền lành và can đảm Ngài đã đón nhận những mâu thuẫn và chống đối đó. Sự chống đối và phản bội của Giu-đa. Việc chối Chúa ba lần của Phê-rô là mâu thuẫn của ông với chính bản thân mình, và mâu thuẫn với chính những lời hùng hồn tuyên bố của ông, là không bao giờ xa lìa Chúa, ngay cả khi tất cả các môn đệ khác đều bỏ rơi Thầy.

 

Giu-đa và Phê-rô ngày xưa là vậy. Nhưng chúng ta hôm nay cũng có thể là Giu-đa và Phê-rô đấy. Chúng ta có thể rơi vào và sa lầy trong cám dỗ, để rồi trở nên những con người mâu thuẫn và chống đối chính cộng đoàn Kitô hữu của mình. Nếu thành thật, chúng ta sẽ nhận thấy trong chính chúng ta đôi khi cũng có khuynh hướng gây chia rẽ, có thói ganh tỵ và kiêu căng. Nếu không chú ý để sống tinh thần khiêm nhường yêu thương, chúng ta sẽ dễ dàng “tự cảm thấy” bực mình, khi nhìn thấy những thành công của một số anh chị em giúp cho cộng đoàn Kitô hữu được phát triển tốt. Và bước kế tiếp là, sự bực mình đó sẽ lên tiếng chê bai, phê bình và chỉ trích. Rồi mâu thuẫn chống đối nối tiếp đuôi nhau trong hành trình chia rẽ những cộng đoàn Kitô hữu tốt lành. Thật vậy, chẳng thiếu gì những hình ảnh của giáo xứ và của cả cộng đoàn dòng tu, kế bên nỗ lực xây dựng một bầu khí đoàn kết yêu thương nhau như chính Đức Kitô mời gọi, lại phải đương đầu với những “con sâu làm rầu nồi canh”, những người chê bai, chỉ trích, phê bình và chống đối, những người đó đôi khi lại khoác trên mình những chiếc áo thật đạo đức nữa chứ. Chiếc áo đạo đức giả đó diễn tả một sự cám dỗ khác, đó là cám dỗ sống ảo tưởng.

 

(3) Ảo tưởng.

 

Sự cám dỗ của ảo tưởng liên hệ đến những điều mang hình dáng thật đẹp và thật tốt lúc đầu, nhưng hậu quả thực tế là, chúng lại sinh ra những hoa trái tiêu cực. Theo Martini[xiii], thì những người đạo đức hăng hái thường hay gặp phải cám dỗ này, vì thần dữ thường hay thích lôi kéo những người đó, đưa họ vào trong một lối sống đạo đức giả. Thần dữ thúc đẩy họ dựa vào những tinh thần sống tốt, như dựa vào sự nghèo khó, dựa vào sự công chính và thành thật, và hơn nữa còn đi trên con đường của sám hối và khắc khổ, nhưng thực ra họ chịu ảnh hưởng của thần dữ, nên họ lại luôn kiêu căng tự đắc, coi mình đạo đức hơn người khác, coi mình là một Kitô hữu “ngoại hạng”, như những người Pha-ri-sêu ngày xưa, thích người khác nhìn, công nhận và khen ngợi về những lối sống đạo đức bề ngoài, thái độ nghiêm trang được tỏ ra, cách ăn mặc “nhã nhặn”… Cả cách ăn nói của họ cũng mang “mùi vị rất đạo đức”, đến nỗi họ tự cho họ cái quyền “giảng dạy” hay nói cho thật hơn là dạy đời người khác. Nếu cứ theo cái đà sống đạo đức giả, rồi hay thích lên mặt dạy đời người khác, họ sẽ có thể rơi vào sự nguy hiểm trở thành những tiên tri giả.

 

Thánh Gioan viết: « Đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thể gian » (1 Ga 4,2). Ngôn sứ giả là những người đã dùng vị thế của các ngôn sứ của Thiên Chúa - những người nói về Thiên Chúa và về tinh thần của Ngài - để họ nói những lời nói sai lầm, phán đoán sai lầm, chủ trương sai lầm, cái nhìn sai lầm. Những sai lầm đó được pha trộn vào đời sống ngôn sứ của họ. Để rồi những sai lầm của họ cũng khoác áo chân lý. Hậu quả là họ lôi cuốn người ta đi theo những sai lầm của họ. Thánh Gioan cũng gọi họ là những tên Phản-Kitô "chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta" (1 Ga 2,18-19). Ngay chính thời Chúa Giêsu, các ngôn sứ giả, các thầy dạy giả, các chứng nhân giả cũng đã kích động thành công quần chúng. Do họ mà quần chúng đổi lòng đổi dạ, trở nên những kẻ hò hét yêu cầu giết Chúa Giêsu. Chứng tỏ sức lôi cuốn của những người đạo đức giả không phải luôn luôn là yếu.

 

Thánh I-Nhã đã chú ý đến kiểu cám dỗ này của thần dữ. Nghĩa là, thần dữ như là con rắn có thể đội lốt thiên thần để cám dỗ người khác. Lúc đầu thần dữ sẽ giúp cho những người đạo đức mà chúng cám dỗ làm hết điều tốt này đến điều tốt khác, nghĩa là làm cho họ trở nên một ngôn sứ và người đạo đức giả. Dĩ nhiên, những điều tốt đó đưa lại một chút hiệu quả tích cực và đẹp đẽ, nhưng đàng sau đó lại là một cạm bẫy thật lớn và đầy ác tâm mà thần dữ giăng ra. Thật vậy, mục đích chính yếu của thần dữ núp đàng sau những việc đạo đức nhỏ bé kia, luôn mang sắc thái thật tiêu cực và hiểm độc. Có những trường hợp lúc đầu rất sốt sắng đạo đức, hăng say đến nỗi không ai có thể kềm hãm được, nhưng rồi vì tự cao tự đại, vì đi tìm danh vọng và tiếng thơm, vì theo bè theo phái, cũng như tham làm tiền bạc và của cải…, đã gây ra những căng thẳng nạn rứt, tạo nên những hận thù chia rẽ, và cộng đoàn “chấm hết” với một đống gạch đổ nát. Tại đống gạch đổ nát đó, thiên thần lòi đuôi rắn với vẻ ngạo mạn, vì giờ đây chúng đã thắng. Một chiến thắng của thần dữ làm cho những con người sa lầy cám dỗ của chúng giờ đây phải tan nát cõi lòng, vì họ đã dùng chính những cách thức đạo đức để phá đổ “căn nhà yêu thương”. Còn những người là nạn nhân của cái bẫy ác độc này, đôi khi lại bị cám dỗ hỏi rằng: “Thiên Chúa đâu rồi? Ngài không thể thinh lặng như vậy được”.

 

(4) Sự thinh lặng của Thiên Chúa.

 

Sự thinh lặng của Thiên Chúa, theo Martini[xiv], cũng là một cám dỗ rất nghiêm trọng. Trong những khi gặp đau khổ và đi vào ngõ cụt của cuộc đời, cũng như phải đối diện với sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta thường kêu gào lên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang ẩn náu ở đâu? Tại sao Ngài không lên tiếng?” Có thể nói sự cám dỗ này đã có từ ngàn xưa. Chính dân tộc Do-thái cũng đã trải nghiệm sự cám dỗ này một cách sâu sa. Cụ thể qua kinh nghiệm của họ bị những cường quốc xung quanh bách hại vào thời Cựu Ước và Tân Ước. Đặc biệt kinh nghiệm của dân tộc Do-thái bị bài trừ trong chiến tranh thế giới thứ hai thật là một kinh nghiệm đau thương và kinh hoàng. Khi Hít-le lên nắm quyền vào năm 1933, nhà độc tài phát-xít này đã đưa ra chương trình xây dựng một vương quốc không có dấu vết của người Do-thái (judenfrei). Ông ta ra lệnh xua đuổi tất cả những người Do-thái ra khỏi nước Đức. Và người Do-thái bị coi là một sắc dân hạng bét, là những con người vô lại, vì thế họ cần bị bài trừ và giết chết. Hậu quả là biết bao nhiêu triệu người Do-thái bị tống vào những trại tập trung. Và số đông họ đã bị giết chết trong những lò ga[xv]. Thật vậy, những dấu tích của các trại tập trung, như trại tập trung Dachau ở Đức, với các lò ga giết người Do-thái đã tố cáo tội ác tày trời thâm độc của Hít-le và chủ nghĩa phát-xít. Và với những dấu tích đó, người Do-thái hôm nay vẫn bị cám dỗ tiếp tục hỏi: “Thiên Chúa đâu rồi? Tại sao Ngài không can thiệp?”

 

Phần chúng ta, cám dỗ này cũng “tấn công” chúng ta, mỗi lần chúng ta rơi vào những hoàn cảnh khổ đau đầy thử thách. Những lúc đó, chúng ta luôn chờ đợi Thiên Chúa đến với chúng ta, nhưng thực tế chúng ta chẳng thấy bóng dáng Ngài đâu. Như Đức Kitô, chúng ta thốt lên rằng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Chúng ta thấy mình bị bỏ rơi, bị tước đoạt tất cả những hy vọng mong được giải thoát và cứu chữa.

Thật vậy, sự thinh lặng của Thiên Chúa là một thử thách mà những người thăng tiến trong đời sống đạo đức và thiêng liêng thường hay gặp phải. Đôi khi sự thing lặng của Thiên Chúa có thể đưa lại sự thất vọng cho nhiều người, đến nỗi họ bị lung lay đức tin và có thể đi đến tình trạng, họ không còn muốn chú ý đến Thiên Chúa, chú ý đến Chúa Giê-su nữa.

 

(5) Cám dỗ chối từ Thiên Chúa, chối từ Chúa Giê-su.

 

Nối kết với cám dỗ về “sự thinh lặng của Thiên Chúa”, là cám dỗ chối từ Thiên Chúa và Chúa Giê-su. Cám dỗ này mang chiều kích xã hội. Nếu nhìn vào trong xã hội và văn hóa của Tây Phương, nơi chịu ảnh hưởng của Kitô Giáo từ hai ngàn năm nay, sẽ nhận ra rằng, hiện nay Kitô giáo đang đánh mất những ảnh hưởng trong xã hội. Xã hội tục hóa của Tây Phương đang có khuynh  hướng chối bỏ những sự đóng góp, những giá trị luân lý và tầm ảnh hưởng của Kitô giáo. Đó là khuynh hướng chối từ Thiên Chúa, chối từ Chúa Giê-su. 

 

Một cách nào đó, xã hội Tây Phương hiện đại không muốn chú ý đến Thiên Chúa nữa, khi trong lãnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, họ không còn xây dựng sự phát triển dựa vào Kitô giáo, không còn chú ý đến Chúa Giê-su với những giá trị tinh thần của Ngài giảng dậy, mà chỉ coi Chúa Giê-su như là một “ai đó” để họ sử dụng cho việc trang trí cây Noël. Thiên Chúa cũng đang bị cho ra rìa, khi cuộc sống của con người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi truyền thông và quảng cáo đề cao vật chất, đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân. Quảng cáo và truyền thông đang tạo nên một thế giới, mà một mặt con người được đề cao như là trung tâm điểm của cuộc sống, mặt khác con người lại trở thành nô lệ cho vật chất, cho tiền bạc và hưởng thụ. Thật vậy, con người đang “lăn bánh xe” đời mình một cách đầy mâu thuẫn, và thê thảm hơn họ chỉ muốn “lăn bánh xe” đó một mình mà không màng đến Thiên Chúa. Với họ, Thiên Chúa không còn, hay là không nhất thiết phải tồn tại. Những Kitô hữu sống trong một xã hội như thế, sẽ gặp phải cám dỗ và thử thách thật lớn. Người Kitô hữu có thể bị cám dỗ vào trong một lối sống với hai mặt: Họ đến nhà thờ và cầu nguyện, nhưng bước ra khỏi ngôi thánh đường là họ sống một cuộc đời không màng đến Thiên Chúa, không chú ý đến Chúa Giê-su. Cuộc sống như thế không còn đồng nhất nữa. Có một sự khập khễnh và mâu thuẫn nhất định trong đời sống của họ.

Thật vậy, là Kitô hữu chúng ta cần luôn lắng nghe lời của thánh Phao-lô: "Anh em đừng rập theo thói đời này" (Rm 12,2). Thói đời này rất khôn ngoan, dùng mọi cách để chối từ Thiên Chúa, chối từ Chúa Giê-su và Thánh Giá của Ngài. Một số nơi ở Tây Phương đã và đang khơi lên phong trào muốn tháo bỏ Thánh Giá của Đức Kitô đang được treo trong học đường và trong những tổ chức xã hội của Kitô giáo. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của thế gian không có sức cứu độ. Ngài cương quyết nhận lãnh sự khôn ngoan của Thần Khí được ban cho từ Đức Kitô trên thánh giá. "Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 2,2).

 

Một cha người Đức trong dịp kỷ niệm 50 năm Linh Mục, đã chia sẻ kinh nghiệm đời Linh Mục của mình: “Trong 50 năm đời Linh Mục, thử thách lớn nhất không phải là trải nghiệm chiến tranh thế giới thứ hai, cũng không phải là sự đối diện với phát-xít, mà là trải nghiệm thực tế về việc nhiều người rời bỏ Giáo Hội, rời bỏ cộng đoàn Kitô hữu. Số những người đạo đức nhiệt thành giảm đi rất nhiều”[xvi]. Đó là một thử thách thật lớn, mà chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta thắng vượt được, vì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở bên cạnh chúng ta, Ngài là Thiên Chúa của sự sống và Ngài luôn mong chúng ta được sống và được sống dồi dào hơn.

 

Cám dỗ này đòi hỏi chúng ta phải dùng hết nguồn lực Đức Tin của mình để chiến đấu. Và để có thể thắng vượt được cám dỗ này, Martini khuyên chúng ta cần giữ vững và chăm sóc đời sống đức tin của mình, bằng cách chúng ta cần phải xây dựng căn nhà đức tin của mình trên chính nền tảng là Lời Chúa[xvii]. Chúng ta cần chú tâm đọc và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày. Khi Lời Chúa được thấm nhuần vào trong tâm hồn, trở thành nguồn năng lực căn bản và quan trọng trong đời sống thường ngày, cũng như là lương thực hằng ngày của chúng ta, thì đời sống đức tin của chúng ta được chăm sóc, được xây dựng và được đổi mới luôn mãi. Nhờ đó, chúng ta có thể vững vàng vượt thắng được cám dỗ nguy hiểm này của sự dữ. Và ngay cả một đạo quân của sự dữ cũng không thể phá đổ được căn nhà đức tin của chúng ta, vì căn nhà đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa, chứ không phải trên nền đất cát dễ bị sụt lở, khi gặp bão tố và sóng nước tràn vào. Hơn nữa, là con người của Lời Chúa, chúng ta cũng có thể thắng vượt được những lúc cô đơn nhất, sự cô đơn phải bơi ngược dòng của người Kitô hữu giữa dòng đời tục hóa, chối bỏ Thiên Chúa và Chúa Giê-su.

 

Để hiểu được tinh thần và sức mạnh của Lời Chúa, Lời giúp chúng ta vượt thắng được cám dỗ của cuộc đời, là không muốn chú ý đến Thiên Chúa và Chúa Giê-su, chúng ta đọc lại thư thứ nhất của thánh Phê-rô. Bức thư này được viết vào khoảng năm 64 sau công nguyên, nghĩa là ngay trước thời gian giáo hội tiên khởi bị bách hại bởi hoàng đế Rô-ma là Nê-rô. Thư này được gởi cho các Kitô hữu tiên khởi như là một nhóm người thiểu số không đáng kể trong xã hội lúc đó. Vì thế, họ bị cám dỗ để tự nói với họ rằng, họ là những con người nghèo nàn chẳng đáng giá gì. Thấu hiểu được hoàn cảnh của họ, thánh Phê-rô đã động viên, nâng đỡ và khuyến khích họ, ngài đã chỉ cho họ một con đường của người Kitô hữu với một tinh thần sống vui tươi và thanh cao, mang một giá trị cao quý ngay giữa lòng một xã hội không công nhận Thiên Chúa, ngay lúc họ rơi vào trong thử thách và bị khinh miệt, cũng như phải chịu đau khổ[xviii]. Thử thách và cám dỗ họ phải đối diện đến từ thần dữ được thánh Phê-rô diễn tả cách mạnh mẽ: “vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5, 8). Những thử thách và cám dỗ này cũng là cơ hội để thử thách niềm tin của người Kitô hữu, vì thế thánh Phê-rô nhắn nhủ: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em” (1P 4,12). Và “những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1P 1,7). Trong quá trình đức tin được tinh luyện, người Kitô hữu cần luôn ý thức khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa (x.1P 2,2). Đó là Lời hằng sống và tồn tại mãi mãi, Lời củng cố Đức Tin, Lời luôn giúp cho người công chính sống tinh thần của Đức Kitô, tinh thần chân thiện mỹ, Lời đem lại niềm can đảm và không run sợ trước bất cứ đe dọa và thử thách nào. Thật vậy, “ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến” (1P 3, 13-14). Ở đây, lời của thánh Phê-rô liên hệ đến tám mối phúc thật của Đức Kitô, đặc biệt mối phúc giành cho những người bị bách hại vì sống công chính, và vì Đức Kitô (x. Mt 5, 10-12). Và tinh thần chịu đau khổ và bách hại vì sống sự công chính được biểu lộ qua chính thánh Phêrô. Ngài là một mẫu gương sống tinh thần công chính, mà chúng ta có thể noi theo. Noi theo ở chỗ dù bốc đồng ngăn cản Chúa đừng lên đường chịu đau khổ, nhưng vẫn can đảm theo chân Chúa cho tới cùng, vì “bỏ Ngài chúng con biết theo ai, vì Ngài có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 69)  Noi theo ở chỗ, dù có phạm tội tày trời đến nỗi chối Chúa ba lần, nhưng khi gà gáy và bắt gặp ánh mắt Chúa quay lại nhìn mình, thì can đảm khóc than ăn năn hối lỗi (x. Lc 22, 54-62). Noi theo ở chỗ, dù sợ hãi chạy trốn sự bách hại ở Rô-ma, nhưng khi vừa ra khỏi thành Rô-ma, thì gặp Chúa vác thánh giá đi vào, và vâng lời quay ngược bước chân, cùng Thầy trở về lại nơi đang bách hại, để rồi Phê-rô đã chết cho niềm tin, cho sự công chính và cho Nước Trời. Một cái chết gần giống như Thầy. Chỉ khác là xin được đóng đinh ngược, vì ý thức mình không xứng đáng được đóng đinh xuôi như Thầy.

 

Những con người bị bách hại vì sống công chính đánh mất chính mình để rồi tìm lại chính mình với một giá trị cao quý hơn. Cao quý vì họ được hiệp thông chia sẻ với Đức Kitô và sự đau khổ của Ngài, để rồi được chúc phúc và cùng được hưởng vinh quang với Ngài. Đau khổ, vinh quang và lời chúc phúc được hội tụ trên đồi Gôn-gô-tha mà Dietrich Bonhöffer diễn tả thật sống động: „Rõ ràng là có một nơi giành cho tất cả những ai sống cho sự công chính. Nơi đó Người nghèo khổ nhất, Người bất hạnh nhất và cũng là Người tốt lành nhất hiện diện. Đó chính là Thánh Giá trên đồi Gôn-gô-tha. Cộng đoàn của những người được chúc phúc là cộng đoàn của Đấng chịu đóng đinh. Với Đức Kitô họ dám đánh mất tất cả và với Ngài họ tìm thấy tất cả. Từ thánh giá sẽ vang lên tiếng nói thật dịu dàng: ´phúc thay, phúc thay!´. Giờ đây chính Đức Kitô nói với họ rằng: Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”[xix].

 

« Với Đức Kitô họ dám đánh mất tất cả và với Ngài họ tìm thấy tất cả », lời này diễn tả thái độ và tinh thần trung kiên bất khuất của người Kitô hữu, là trong mọi thử thách và khổ đau luôn hướng lòng nhìn lên Đức Ki-tô là Đấng Thánh, luôn chọn Ngài là chủ và tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng (x.1P, 3,15).  Đức Kitô đã cắm lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14), thì Ngài cần được chúng ta tôn vinh và thờ lạy với tất cả con tim của chúng ta. Trong Ngài chúng ta tìm thấy sức mạnh và can đảm để làm chứng nhân của sự thật, và trở nên những người dám hy sinh mạng sống mình cho Chúa và tinh thần của Ngài[xx]. Và trong Ngài, chúng ta, những Kitô hữu, có thể sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng chúng ta trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Chúng ta giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng chúng ta vì chúng ta ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác (x. 1P 3, 15b-16).

 

Cách thức trả lời mà thánh Phê-rô mời gọi đã được chính Chúa Giê-su thực hành trước. Mặc cho sự bất công và sự hèn nhát của Phi-la-tô, Chúa Giê-su vẫn tôn trọng ông ta, và với lòng nhân hậu, Ngài đã trả lời những câu hỏi của ông ta. Ngoài ra, nếu nhìn lại cảnh Chúa Giê-su bị xử án, chúng ta thấy, ở bên ngoài của nơi xử án dân chúng như là kẻ thù của Chúa Giê-su, đang la hét và kết án Ngài, vị vua của chính họ, nhưng bên trong sân xử án thì Chúa Giê-su, người đang bị kết án, tỏ lộ thái độ của một vị vua hiền lành và kiên nhẫn. Thái độ này của Ngài như đang tố cáo sự dối tra ranh ma của nhóm người bất nhân đang kết án Ngài.

 

Là những Kitô hữu, chúng ta cần ở lại luôn mãi trong Đức Kitô, luôn hướng mắt ngắm nhìn Ngài, luôn kết hiệp với Ngài và trở nên một với Ngài, nghĩa là chúng ta cũng có được thái độ hiền lành và kiên nhẫn, khi phải đứng trước những bách hại và những chối từ. Nhờ đó, chúng ta có đủ can đảm và đủ sức lực để bơi ngược với dòng chảy của cuộc đời này, một cuộc đời có nhiều khuynh hướng từ chối Thiên Chúa và niềm tin vào Ngài.  Thật vậy, chúng ta luôn được mời gọi để làm chứng nhân cho Thiên Chúa ngay giữa trần gian này, một trần gian mà sự dữ luôn tìm cách làm xóa đi bóng dáng của Thiên Chúa, một trần gian mà sự dữ muốn thay thế Chúa để chiếm hữu và điều khiển con người, đặc biệt những người con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn cần ý thức để cầu xin Chúa, giúp chúng ta đừng sa vào cám dỗ, mà nếu có sa vào, thì xin cho chúng ta có sức để vượt thắng cám dỗ và thần dữ. Còn nếu chúng ta không còn sức lực để thoát ra khỏi sự sa lầy trong cám dỗ của thần dữ, thì xin Ngài ra tay cứu chúng ta thoát khỏi bàn tay của thần dữ.           

 

 

 

 

[i] X. HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, t.64.

 

[ii] X. MUSSNER Franz, Der Jakobusbrief, 2.Auflage, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Wien, 1967, t.87.

 

[iii] JEREMIAS J., Das Vater Unser, t.27.

 

[iv] X. HAMMAN Adalbert G., trong Abrégé de la prière chrétienne, t.64.

 

[v] AUGUSTIN, trong “Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne”, t.139.

 

[vi] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.113.

 

[vii] X. RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.199.

 

[viii] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.198.

 

[ix] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2848, t.790.

 

[x] X. RATZINGER J., Benedilt XVI, Jesus von Nazreth, t.193.

 

[xi] HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.65.

 

[xii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.114-126.

 

[xiii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.119-120.

 

[xiv] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.120.

 

[xv] X. OLSCHEWSKI U., từ ngữ “Shoa” trong “Lexikon für Theologie und Kirche”, IX Band, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Rom-Wien 2000, C.195-196.

 

[xvi] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.121.

 

[xvii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.122.

 

[xviii] X. MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.122.

 

[xix] BONHÖFFER D., Nachfolge, t.89.

 

[xx] X. SCHWANK B. OSB., Der erste Brief des Apostels Petrus, Patmos Verlag, Düsseldorf 1963, t.94-95.

bottom of page