top of page

Phần 1:

Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng:

cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

 

 

Đừng lải nhải như dân ngoại.

Chắc chắn dân ngoại cũng có những lời cầu nguyện vắn tắt và có nội dung rất sâu sắc, nhưng bình thường thì sự lải nhải là điều mà dân ngoại thường làm khi cầu nguyện với các thần thánh của họ. Phải chăng họ nghĩ rằng, họ cần phải nói nhiều, phải lải nhải không ngừng trong lúc cầu nguyện, mới có thể làm cho các vị thần thánh xuôi lòng và « đưa tai ra hứng » những điều họ cầu xin, hay vì những lời lải nhải của họ sẽ làm cho các thần thánh đến một lúc nào đó phải « xiêu lòng». Có những người ngoại, khi cầu nguyện với thần thánh, họ kêu tới kêu lui đến 50 lần tên của vị thần thánh đó, trước khi họ mở lời xin vị thần thánh đó điều gì[i]. Phải chăng qua đó họ đỡ bị bối rối ? Phải chăng vị thần thánh của họ ở quá xa, nên họ phải gào lên, và cứ lải nhải kêu cho đến khi vị thần thánh kia xuất hiện ? Chúa Giêsu đã liên hệ đến kiểu cầu nguyện lải nhải nhiều lời của dân ngoại, để làm bài học cho các môn đệ của mình, khi Ngài dạy các ông cầu nguyện với Cha trên trời bằng tấm lòng chân  thành. 

 

Cầu nguyện với Cha bằng tấm lòng chân thành.

Thiên Chúa là Cha trên trời mong chờ tấm lòng chân thành chứ không phải của lễ sang trọng, và Ngài cũng không thích thú gì với những lời bóng bảy hay những lời cầu nguyện lải nhải dài dòng và rỗng tuếch. Nói khác đi, lời cầu nguyện và những thái độ thờ lạy phát ra ngoài miệng phải tương hợp với tâm hồn bên trong. Hy tế và hò la có nhiều đến đâu cũng vô ích, cái quan trọng là tâm hồn của mỗi người[ii]:

« Chúa chẳng ưa hy lễ và hiến tế…

Lạy Chúa, sách đã chép về con

Rằng con thích làm theo ý Chúa,

Tận đáy lòng, ấp ủ luật Ngài.” (TV 39).

 

Nội tâm hoá là một đòi hỏi trường kỳ của Tin mừng. Đức Giêsu bảo người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin Tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… những người đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong theo thần khí và sự thật”. (Ga 4, 21-23).

 

Vì thế, « đừng bắt chước họ »,  đừng bắt chước dân ngoại. Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời rất xa nhưng cũng rất gần. Ngài « đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin ». Nghĩa là Ngài biết tất cả và nhìn thấu tất cả, cả những gì tiềm ẩn nơi kín đáo nhất. Đôi mắt thấu hiểu của Ngài là đôi mắt của người cha, chứ không phải là đôi mắt lạnh lùng đầy phê bình và nghi vấn của một triết gia hay nhà nghiên cứu. Thiên Chúa nhìn bằng đôi mắt của tình yêu. Ngài biết điều gì chúng ta đang cần tới, vì thế chúng ta không cần phải gào thét lên và cũng chẳng phải lải nhải nhiều lời để làm cho Thiên Chúa phải chú ý tới. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không còn phải cầu nguyện nữa, không còn phải kêu xin Thiên Chúa nữa. Chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện và hơn nữa cần phải cầu nguyện không ngừng như thánh Phao-lô khuyên nhủ (x. 1Tx 5,17). Và trong khi cầu nguyện chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đang hiện diện bên cạnh chúng ta, và như người cha nhân từ, Thiên Chúa lắng nghe chúng ta. Sự lắng nghe và hiện diện của Chúa động viên chúng ta tiếp tục chạy đến với Chúa và kêu cầu cùng Ngài. Đức Kitô khuyên chúng ta đừng lải nhải nhiều lời khi cầu nguyện, nhưng Ngài cũng động viên chúng ta ý thức kêu xin cùng Thiên Chúa: « Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. » (Mt 7, 7-8). Vâng, lời cầu nguyện kêu xin của Kitô hữu không bao giờ thừa thãi cả.

Hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không phải là nguyên nhân cho các ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được, mà là dấu hiệu chỉ ra rằng, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị và ban phát các ân sủng đó cho chúng ta. Nghĩa là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta dựa trên sự lắng nghe và sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa. Vâng, « Nếu Thiên Chúa càng ở sâu trong chúng ta, thì chúng ta càng ở gần Thiên Chúa trong những lời cầu nguyện »[iii].

 

Như vậy, nếu Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta với tình yêu của một người Cha, và lắng nghe chúng ta bằng đôi tai và con tim nhân từ, thì chúng ta cần ý thức chuẩn bị sao cho lời cầu nguyện của chúng ta cũng phát xuất từ chính con tim khiêm nhường của mình. Dù có nhiều yếu đuối và lầm lỡ nhưng thật chân thành chạy đến với Cha. Không cần nhiều lời, nhưng rất đơn sơ xin Cha tha thứ những lầm lỡ của chúng ta, xin Cha ban cho chúng ta của ăn mỗi ngày sống, xin Cha che chở thân phận mỏng dòn dễ vỡ trước sức mạnh của sóng to gió lớn trên biển đời, và xin Cha cứu chúng ta ra khỏi bóng đêm đe dọa nuốt chửng tia sáng nhỏ bé là chính chúng ta. Có như vậy, thì lời cầu nguyện chúng ta sẽ đẹp lòng Thiên Chúa, vì lời cầu nguyện luôn hiệp nhất với tinh thần và tâm hồn chân thành, vì lời cầu nguyện của con người có chung một nhịp điệu với Thần Khí của Thiên Chúa. (Ss. Tu luật thánh Biển Đức, số 19,7)[iv]. Trong tâm tình của người con khiêm tốn và đơn sơ, chúng ta ngước mặt lên trời và cầu nguyện cùng Cha, Đấng ngự trên trời.

 

 

 

 

[i] X. TRILLING W., Das Evangelium nach Mathaeus, 1.Teil, patmos Verlag, Düsseldorf 1962, t.144-145.

 

[ii] HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.22.

 

[iii] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t. 164.

 

[iv] Tu luật thánh Biển Đức. Bản tiếng Việt của Đan Viện Thánh Mẫu Maria, Nữ Biển Đức, Thủ Đức (Lưu hành nội bộ).

bottom of page