top of page

- Sống giây phút hiện tại và sống tinh thần phó thác vào Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy an bình trong cuộc sống.

 

Đời sống được kết nối bằng những tích tắc của chiếc đồng hồ chạy thật đều đặn. Nhìn đồng hồ chạy, chúng ta nhận ra được cuộc sống có quá khứ, có hiện tại và có tương lai. Nhưng làm sao để cuộc sống có được hạnh phúc và bình an? Kinh nghiệm của biết bao người để lại nói cho chúng ta biết rằng, một trong những điều kiện thiết yếu của đời sống hạnh phúc và bình an là khả năng sống trong giây phút hiện tại.

“Các bạn có đồng hồ, chúng tôi có thời gian”. Một người da đỏ đã nói với một thương nhân. Đàng sau lời nói này ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa: làm thế nào chúng ta sử dụng thời gian cho hợp lý. Người Hy-lạp đã phân biệt thời gian với hai từ ngữ chronos và kairos. Chronos có nghĩa là thời gian đo được. Trong đời sống ở Tây Phương, người ta bị đặt dưới thời gian đo được này. Tất cả đều cần phải lấy những cuộc hẹn đúng giờ. Đặc biệt người Đức nổi tiếng về điều này. Và có người còn đưa hai chữ văn minh ghép vào hai chữ đúng giờ. Nghĩa là, người đúng giờ là người văn minh. Tất cả đều phải chạy theo thời gian đo được. Thời gian đo được áp lực trên chúng ta, đưa chúng ta vào một vòng tròn chật chội. Thần thánh của thời gian đo được là một kẻ chuyên chế. Còn đối với người da Đỏ, thì họ chọn lựa thời gian theo nghĩa Kairos. Kairos là giây phút quý báu, là thời gian được mời đón.

 

Trong khi thời gian theo nghĩa của chronos là thời gian mang tính cách số lượng, đo đạc, thì thời gian theo nghĩa kairos mang tính cách chất lượng. Nghĩa là, sống theo thời gian kairos, là sống trong lúc này, trong giây phút hiện tại. Tôi để mình bước vào vòng thời gian mở rộng này, và tôi sống hoàn toàn ở đó, thì tôi có thể thanh thản lớn lên, có thể làm việc với tất cả tâm hồn mà không cảm thấy bị trói chặt vào vòng quay của chiếc đồng hồ, tôi sống thật trọn vẹn với từng giây phút và với từng bổn phận. Có thể nói, sống theo thời gian kairos, là sống theo tinh thần của sách Giảng Viên:

“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; 

một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy” (3,1-4).[i]

 

Mỗi chuyện và mỗi việc đều có thời gian của nó, chúng ta cần ở lại trong hiện tại và sống trọn vẹn giây phút hiện tại, và sẽ tìm thấy bình an. Thánh Têresa có nói: “Khi sự nghi ngờ đến với chúng ta, thì bình thường nguyên nhân nằm ở chỗ, là chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và về tương lai”. Thật vậy, chúng ta không kiểm soát được quá khứ, nghĩa là không thể thay đổi chút quá khứ nào. Có lúc, người ta tìm cách sống lại những biến cố quá khứ được coi là thất bại, người ta nhủ thầm rằng: Lẽ ra tôi phải làm điều này… Lẽ ra tôi nên nói điều kia…, nhưng những lúc nhủ thầm đó, những lúc tưởng tượng đó chỉ là giấc mộng, nó không thể tìm về lối cũ để thay đổi một hành động và một lời nói đã qua. Hành động mà chúng ta có thể làm đối với quá khứ là chấp nhận nó đúng như nó là, và tin tưởng giao phó nó vào tay Thiên Chúa. Như thế, chúng ta sẽ tìm thấy được hạnh phúc và bình an với quá khứ của mình.[ii]

Chúng ta cũng kiểm soát rất ít tương lai. Dù mọi viễn cảnh thấy trước, những hoạch định hay hứa hẹn gì đi nữa, thì chúng ta vẫn không có gì nhiều để thay đổi hoàn toàn mọi chuyện. Chúng ta không thể lên chương trình trước cho cuộc sống, và nếu chúng ta có đặt những kế hoạch cụ thể thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng không thể chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ diễn ra đúng theo như kế hoạch được. Cuộc đời chúng ta không phải là những thước phim đã được dàn dựng, vì thế chúng ta chỉ có thể từng bước đón nhận tương lai. Tất cả những gì chúng ta có là giây phút hiện tại. Chỉ trong giây phút hiện tại chúng ta mới thực sự tiếp xúc với cuộc sống thật. Chỉ khi sống giây phút hiện tại cách tròn đầy, chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc và an bình. Ai đó có thể bi quan nghĩ rằng hiện tại thì quá thê thảm và quá khứ lẫn tương lai đều không thuộc về chúng ta. Nhưng một khi được tiếp cận từ cái nhìn Đức Tin và Đức Cậy Ki-tô giáo, giây phút hiện tại lại tràn trề ân sủng và giúp chúng ta thấy an tâm vững dạ vô cùng.

 

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thiên Chúa là hiện tại vĩnh cửu. Mọi khoảnh khắc, dù mang lại điều gì, đều ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa và biết bao khả năng hiệp thông với Người. Chúng ta không thông hiệp với Thiên Chúa trong quá khứ hay trong tương lai, nhưng bằng cách chào đón mỗi khoảnh khắc, như là nơi để Người trao ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta phải học sống trong mỗi khoảnh khắc, như tự nó đã đủ để Thiên Chúa hiện diện ở đó; và nếu Thiên Chúa có đó, chúng ta không thiếu thốn gì. Chúng ta cảm thấy bỏ qua điều này, lỡ hẹn điều kia, chỉ vì chúng ta đang sống trong quá khứ hoặc trong tương lai thay vì ở lại trong từng phút giây hiện tại. Thánh Vịnh 145,15-16 nói rằng:

“Muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,

và chính Người đúng bữa cho ăn.

Khi Người rộng mở tay ban,

thì bao sinh vật muôn vàn thoả thuê”.

 

Lời Thánh Vịnh nhắc nhớ con người chúng ta ý thức hướng lòng về với Chúa, tin tưởng và cậy trông vào Ngài. Chúa luôn ở bên và đồng hành với chúng ta. Chúa biết chúng ta cần đến Chúa, Chúa biết chúng ta cần gì trong lúc này. Đúng bữa Ngài sẽ ban cho của ăn. Lương thực Ngài ban hợp với đời sống của chúng ta trong giây phút hiện tại. Và trong mọi lúc tình yêu và ân sủng của Ngài ngập tràn đời sống chúng ta. Vì thế, thật hạnh phúc và bình an khi sống hồng ân của giây phút hiện tại. Thậm chí cả khi toàn thể quá khứ của chúng ta là một tai ương hoặc tương lai tưởng chừng như một ngõ cụt, thì trong giây phút hiện tại chúng ta vẫn có thể thiết lập một tương giao với Thiên Chúa ngang qua một hành vi Đức Tin, tín thác và trao phó. Thiên Chúa hiện diện mãi mãi, trẻ trung mãi mãi, mới mẻ mãi mãi; quá khứ và tương lai của chúng ta là của Người. Người có thể tha thứ mọi sự, thanh luyện mọi sự, đổi mới mọi sự. “Người sẽ lấy tình thương mà đổi mới ngươi” (Xp 3,17).

Trong giây phút hiện tại, vì tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, chúng ta luôn luôn có thể bắt đầu lại, quá khứ không thể cản trở cũng như tương lai không thể dằn vặt chúng ta. Quá khứ ở trong tay Thiên Chúa từ nhân, Đấng có thể làm cho mọi sự sinh ích; tương lai nằm trong bàn tay quan phòng của Người, Đấng không bao giờ quên lãng chúng ta. Đức Tin không để chúng ta sống như nhiều người sống, họ để cho quá khứ nặng nề và tương lai đầy sợ hãi đè bẹp. Sống giây phút hiện tại cho phép tâm hồn chúng ta tràn đầy bình an, và luôn sống hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Antôn của Ai Cập (Giáo phụ Tu Viện, qua đời ở tuổi 105, khi còn ở tuổi 100, từng nói rằng: “Tôi chưa bắt đầu hoán cải!”) ghi nhớ lời của Êlia: “Hôm nay tôi đang đứng trước Thiên Chúa hằng sống”.

 

Thánh Athanasiô, người viết tiểu sử của thánh Antôn giáo phụ tu viện, đã thêm vào: “Ngài chỉ ra rằng, khi Êlia nói ‘hôm nay’, ông không đề cập đến quá khứ. Và như thế, dù chỉ mới khởi đầu, mỗi ngày ông cố gắng sống như ông muốn xuất hiện trước thánh nhan Chúa, tinh tuyền nơi tâm hồn và sẵn sàng vâng phục và không gì khác”. Nói chung, các thánh cũng thực hành thái độ tương tự. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su là một mẫu gương sáng ngời. Thánh nhân viết: “Ôi Chúa Giê-su, để yêu mến Ngài, con chỉ có ngày hôm nay”. Khi sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn, thì chúng ta luôn có bình an trong tâm hồn, dù lúc đó chúng ta phải chịu những khổ đau. Thật vậy, nỗ lực sống trong thực tại của mỗi giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất lúc khổ đau. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su nói khi mắc bệnh: “Tôi chỉ đau một lúc thôi. Chỉ vì người ta nghĩ về quá khứ và tương lai nên họ trở nên nản chí và thất vọng”. Không ai có khả năng chịu đau khổ mười năm hay hai mươi năm; nhưng chúng ta có ơn Chúa để ngày hôm nay mang lấy nỗi đau vốn là nỗi đau của chúng ta ngay lúc này. Khi sẵn sàng đón nhận khổ đau trong hiện tại với tất cả tâm hồn, thì khổ đau sẽ không còn làm chúng ta đau khổ nhiều, vì khổ đau đã có được một chỗ yên thân. Khi khổ đau yên thân, thì chúng ta cũng sẽ yên ổn. Hơn nữa, đau khổ thực sự có thể sinh hoa kết trái trong ý nghĩa tích cực, và có thể biến cuộc sống thành một điều cao quý.

Ngược lại, khi gặp khổ đau mà cứ sống dằn vặt trong giây phút hiện tại, cứ loay hoay trong cái vòng quỷ quyệt với bao nhiêu thắc mắc, bao lo sợ, sẽ dễ dẫn chúng ta đến một đời sống ảo tưởng, mất quân bình và tràn đầy bất an. Lúc đó cuộc sống như bị giam hãm đằng sau những chắn song. Đón nhận đau khổ trong giây phút hiện tại cách tích cực, và với niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ có sức mạnh để mang lấy đau khổ thực sự, đau khổ của bản thân, của người khác và đau khổ của thế giới.

“Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó”. Chúng ta hãy hấp thụ bài học Chúa Giê-su dạy. Chúng ta thường phàn nàn về bao đau khổ đang gánh chịu mà không nhận ra rằng, đó là lỗi của chúng ta. Như thể nỗi đau ngày hôm nay chưa đủ, chúng ta thêm vào những tiếc xót trong quá khứ và lo lắng về tương lai! Thật không ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bị vùi dập, điều đó chẳng lạ gì. Để cuộc sống trở nên nhẹ gánh, chúng ta phải tập mang lấy những vấn đề của hôm nay thôi.

Quá khứ phủ bóng trên hiện tại bất cứ khi nào chúng ta nghiền ngẫm những thất bại đã qua và những chọn lựa của ngày hôm qua. Dĩ nhiên, chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha những lầm lỗi của mình và nên rút ra từ chúng những bài học thích đáng. Nhưng một khi chúng ta nói mình lấy làm tiếc và thực tâm như thế, thì vậy là đủ rồi. Trong khi tìm cách cải thiện những tổn hại ngần nào có thể, những tổn hại do chúng ta gây ra, thì hầu hết thời giờ còn lại, hãy giao phó mọi sự trong tay Chúa và tin rằng Người sẽ điều chỉnh tất cả. Hãy đặt dấu chấm hết cho những thái độ và suy nghĩ cản trở chúng ta sống tin tưởng trong giây phút hiện tại.

 

Như thế, chúng ta mới tìm thấy bình an cho cuộc đời. Khoá mình trong quá khứ, khác nào thêm một tội vào những tội đã phạm. Đó là một sự thiếu niềm tin nghiêm trọng vào lòng nhân từ vô biên và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương luôn muốn tạo cho chúng ta cơ hội mới để trở nên thánh thiện dù quá khứ thế nào đi nữa. Thay vì như vậy, chúng ta hãy cố gắng sống Đức Tin và Đức Cậy, và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về toàn bộ quá khứ của con. Con vững tin rằng, Chúa có thể rút ra điều lành từ mọi điều con đã trải qua. Con không muốn hối tiếc về một điều gì và hôm nay con quyết tâm bắt đầu lại từ con số không với niềm tin không lay chuyển, như thể lịch sử quá khứ của con được dệt nên không bởi một điều gì ngoài lòng trung thành và sự thánh thiện của Chúa”. Không gì có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn thế!

 

Nếu chất thêm gánh nặng quá khứ vào trọng lượng hiện tại là một sai lầm, thì chất chồng tương lai lên hiện tại lại là một sai lầm tệ hại hơn. Phương thức chữa lành khuynh hướng đó là suy gẫm bài học chứa đựng trong Tin Mừng về việc phó thác cho Thiên Chúa quan phòng và xin Người ban ơn để thực hành tinh thần phó thác: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 

 

Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,25-34).

Bài Tin Mừng này được Chúa Giê-su dạy trong Bài Giảng Trên Núi, và nó nêu lên một thực tại quan trọng. Có thể nói những lời của bài Tin Mừng này đánh động chúng ta, vì nói về sự lo lắng của chúng ta trong đời sống thường ngày. Nhà Thánh Kinh học Carlo Maria Martini chia sẻ: “Lúc tôi còn nhỏ, người ta nêu lên những câu di ngôn nổi tiếng: ‘Nếu mỗi người viết lên mặt mình những lo lắng giày vò tâm hồn mình, có lẽ những điều đó là những khao khát đáng thương’. Có những người đã che giấu rất kỹ những lo lắng của tâm hồn họ, trong khi ngày nay những lo lắng này lại biểu hiện trên các khuôn mặt. Biết bao người hoặc rảo bước trên những con đường hoặc đi trên xe điện ngầm, khuôn mặt bị biến dạng vì những ấn tượng bởi hằng ngàn những lo âu. Vậy, chúng ta sẽ nói: Làm thế nào để không phải lo lắng? Nếu muốn thế thì đừng thuộc về thế giới này! Thế trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giê-su đã dạy chúng ta những gì?”[iii]

 

Khi đọc đoạn Tin Mừng trên, chúng ta không được phép hiểu lầm rằng, chúng ta cần sống vô lo và không có trách nhiệm. Đó là một sự hiểu lầm về sứ điệp của Chúa Giê-su. Martini nói tiếp: “Chúa Giê-su không đòi hỏi, cũng không mong chúng ta sống trong sự ngớ ngẩn vô trách nhiệm. Có khi nhiều người nghĩ rằng Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta sống vô trách nhiệm, và họ kết luận rằng Tin Mừng đòi hỏi quá đáng, khi nói rằng chúng ta đừng lo lắng gì, nó dẫn chúng ta rời xa sự lo xa, sống trong cảnh mờ mịt. Thánh Phao-lô chắc là am hiểu đường lối này, nên ngài chỉ khiển trách những người lười biếng rồ dại, chính ngài nói: ‘Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân’ (2Tx 3,10-12).

 

Chúa Giê-su không muốn chúng ta vô trách nhiệm, cứ đui mù chạy theo dục vọng…Chúa Giê-su không đòi hỏi chúng ta gì hơn là một sự khôn ngoan tinh tuyền của con người từ bỏ cơ hội được sắp đặt theo sự tiến hành tự nhiên của các sự kiện: Cha trên trời đã nuôi dưỡng chim trời, cũng sẽ ban cho chúng ta của ăn; Ngài sẽ mặc cho chúng ta như Ngài đã làm cho các bông huệ ngoài đồng. Đó là một sự giải thích vẫn chưa đầy đủ, vì sự quan phòng của Thiên Chúa theo tự nhiên, giả như có sự cộng tác của nhân loại, cả chim chóc cũng đi kiếm thức ăn cho mình; bông huệ diễn tả tác động nuôi dưỡng, cho dù nó có một sự dồi dào tổng quát ở những sức mạnh vốn sẵn có”.[iv]

 

Như thế, chúng ta phải hoạch định tương lai và nghĩ về ngày mai. Nhưng làm điều đó mà không lo lắng, không bận tâm day dứt trong lòng vì điều đó. Tâm hồn lo lắng về ngày mai không thể mở ra đón nhận ân sủng của giây phút hiện tại. Hơn nữa, sứ điệp Chúa Giê-su nói ở đây là: “Với những lời cảnh tỉnh trên, Chúa Giê-su đã lập luận trên một điều quan trọng: Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài biết chúng ta cần gì, và Ngài là Đấng quyền năng, và Ngài lo lắng cuộc sống này bằng một cách thức vượt trên mọi khả năng của con người chúng ta. Chim trời và hoa huệ ngoài đồng đã được lo lắng theo cách thức đó của Thiên Chúa. Đó chính là nguyên nhân tại sao chúng ta không nên lo lắng cho cuộc sống của mình”,[v] và “hình ảnh về chim trên trời và hoa ngoài đồng cũng không bao giờ hướng về một sự vô lo ngây thơ, ngược lại hình ảnh đó muốn mở đôi mắt chúng ta để nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta không bao giờ trọn vẹn trong cái nhìn đầy ghen tỵ của sự dữ ác độc”.[vi]

“Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6,27). Theo Jacques Philippe, không bao giờ con người có thể bảo đảm có được bất cứ điều gì và mọi thứ đang nắm trong tay cũng có thể dễ dàng vuột mất một ngày nào đó; không một bảo đảm nào mà chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối. Và đây chắc chắn không phải là cách thức Đức Giê-su chỉ dạy chúng ta. Ngược lại, Ngài nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25). Người ta, thậm chí có thể nói cách chắc chắn nhất rằng, để đánh mất bình an, hãy tìm bảo đảm mạng sống riêng của mình chỉ với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, những dự án và những quyết định cá nhân hoặc bằng cách cậy dựa vào một ai đó. Con người tự đặt mình vào một trạng thái lo lắng, dằn vặt và vì thế, họ tìm cách tự cứu lấy bản thân, mặc cho sự bất lực, sự giới hạn của mình; bên cạnh đó, họ không thể thấy trước biết bao điều cũng như những dối trá đến từ những gì mà họ dựa dẫm. Giữa bao hiểm hoạ trong cuộc sống, để duy trì bình an, chúng ta chỉ có một giải pháp: Cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa và tín thác hoàn toàn vào Người, vì “Cha Trên Trời biết anh em cần gì” (Mt 6,32).[vii]

Ngoài ra, qua đoạn Tin Mừng trên, “rõ ràng, Đức Giê-su không muốn cấm cản chúng ta làm bất cứ điều gì cần thiết để kiếm cho mình cái ăn cái mặc, cũng như đáp ứng những nhu cầu khác, nhưng Ngài chỉ muốn giải thoát chúng ta khỏi những lắng lo vốn huỷ hoại chúng ta và khiến chúng ta đánh mất bình an. Vậy mà không ít người vẫn sững sờ khi nghe những lời này và họ không thành tâm đón nhận chúng; thậm chí họ cảm thấy chướng tai gai mắt bởi cách thức nhìn nhận sự vật như thế. Thế nhưng, họ sẽ không phải đau khổ và giày vò vô ích nếu họ coi trọng những lời ấy, vốn là Lời của Thiên Chúa, Lời yêu thương, Lời ủi an và vỗ về phi thường.  

Bi kịch lớn lao của chúng ta là ở chỗ này: Con người không có niềm tin vào Thiên Chúa. Từ chỗ đó, con người tìm mọi ngóc ngách khả dĩ hầu giải thoát chính mình bằng những năng lực riêng; và rồi, thấy mình bất hạnh quá đỗi từ ngày này sang ngày khác, thay vì phó thác toàn thân trong vòng tay trìu mến và cứu độ của Cha trên trời. Việc thiếu lòng tin này thật phi lý biết bao! Không phi lý sao được khi đứa con lại ngờ vực Cha mình, một người Cha tuyệt vời và quyền năng nhất, Đấng hằng hữu, là Cha trên trời? Bất chấp chân lý này, chúng ta vẫn rất thường xuyên sống trong chính sự điên rồ đó. Hãy nghe lời khiển trách nhẹ nhàng của Chúa nói với chúng ta qua miệng thánh nữ Catarina Siêna: ‘Tại sao con không tin vào Ta, Đấng tạo thành con, mà lại cậy dựa vào bản thân mình? Ta không trung thành và chung thuỷ với con sao? Được cứu chuộc và được hoàn lại ân sủng nhờ máu Con Một của Ta, con người có thể nói rằng, nó đã nghiệm biết lòng trung thành của Ta. Và dẫu thế, xem ra nó vẫn hoài nghi không biết Ta có đủ quyền uy để giúp nó, đủ mạnh mẽ để trợ lực và bảo vệ nó chống lại kẻ thù, đủ khôn ngoan để soi sáng đôi mắt trí năng của nó hoặc đủ bao dung để thương ban những gì cần thiết cho ơn cứu độ của nó hay không? Xem chừng như nó nghĩ, Ta không đủ giàu có để làm cho nó thịnh vượng, không đủ xinh đẹp để làm cho nó mỹ miều; hay là nó sợ không kiếm đủ bánh ăn trong nhà để nuôi dưỡng nó, hay không có đủ vải vóc cho nó che thân?’ (The Dialogue of St. Catherine of Siena, Algar Thorold, tr., TAN Books & Publisher, 1991, Chương 140)”.[viii]

Ngoài ra, Jacques Philippe còn nhấn mạnh sự phó thác vào Thiên Chúa phải là sự phó thác hoàn toàn. Có như thế thì chúng ta mới tìm thấy được sự bình an đích thật: “Nói đến phó thác, chúng ta cần lưu ý đến một vài nhận xét. Để phó thác có thể trở nên chính hiệu và sản sinh bình an, đó phải là một phó thác hoàn toàn. Chúng ta phải đặt mọi sự, không gì ngoại lệ, vào tay Thiên Chúa và không tìm cách điều khiển hay ‘cứu lấy’ mình bằng những phương thế riêng nữa: mặt vật chất cũng không, tình cảm cũng không và mặt thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta không thể chia cắt sự hiện hữu của con người mình thành nhiều mảng khác nhau: có những mảng trong đó chúng ta chính thức phó mình cho Thiên Chúa trong niềm tin; và ngược lại, có những mảng khác, nơi mà chúng ta cảm thấy phải tự mình xoay xở. Và một điều chúng ta biết rất rõ: tất cả những thực tại chưa trao gửi cho Thiên Chúa, những gì chúng ta giữ lại để tự trông coi mà không cho Thiên Chúa toàn quyền hành động, chúng sẽ không ngừng ít nhiều đem đến những lắng lo và bất an. Mức độ bình an nội tâm của chúng ta được đo bằng mức độ phó thác của mỗi người, bởi thế, cũng là mức độ từ bỏ.

Phó thác chắc chắn còn đòi buộc yếu tố từ bỏ, đây chính là điều khó nhất đối với chúng ta. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là bám chặt hết thảy mọi sự: của cải vật chất, tình cảm, ước muốn, dự tính v.v.. và chúng ta phải trả một giá quá đắt để cắt đứt khỏi nó, bởi chúng ta nghĩ rằng, trong quá trình tháo cởi đó, chúng ta sẽ đánh mất chính mình, sẽ chết. Nhưng đó là lý do tại sao chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào lời Đức Giê-su, tin vào luật ‘mất thì được’ vốn quá rõ ràng trong Tin Mừng: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy’ (Mt 16,25).

 

Ai chấp nhận chết vì cắt đứt và từ bỏ này sẽ tìm được sự sống đích thực. Ai còn bám víu vào một điều gì đó, ai còn muốn giữ lại một phần nào đó trong cuộc sống để tiện việc tự biên tự diễn mà không phó thác tận căn trong tay Thiên Chúa, người ấy phạm một sai lầm lớn lao: hiến mình cho những mối bận tâm không cần thiết và tự đặt mình vào một tâm trạng mất mát day dứt. Trái lại, ai biết chấp nhận đặt mọi sự vào tay Thiên Chúa, để Người ban cho hay lấy đi tuỳ theo ý thích tốt lành của Người, người đó sẽ tìm được bình an khôn tả và được tự do trong tâm hồn. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã thốt lên, ‘Ôi, giá mà người ta biết được phần phúc của họ khi từ bỏ mọi sự!’. Đây là con đường dẫn tới hạnh phúc; vì nếu chúng ta để Thiên Chúa tự do hành động theo cách của Người mà khả năng của Người thì vô cùng so với chúng ta trong việc làm cho chúng ta hạnh phúc, bởi Người biết và yêu thương chúng ta hơn cả chúng ta từng biết và yêu thương chính mình. Thánh Gio-an Thánh Giá cũng bày tỏ chân lý này theo một cách nói khác, ‘Mọi sự được ban cho tôi ngay khi tôi thôi tìm kiếm chúng’. Nếu chúng ta dứt bỏ chính mình ra khỏi mọi sự và đặt nó vào tay Thiên Chúa, Người sẽ trả lại cho chúng ta gấp trăm ‘kể từ nay về sau’ (1Mcb 10,30)”.[ix]

 

Về tinh thần sống phó thác vào Thiên Chúa, thánh Phanxicô thành Sale đã khuyên nhủ như sau: “Con đừng tiên liệu những khả năng bất ưng có thể xảy đến trong cuộc sống bằng sự e sợ; ngược lại, hãy mong đợi chúng với niềm hy vọng trọn vẹn rằng, khi chúng xảy đến, Thiên Chúa của con sẽ bảo vệ con. Người không ngừng bảo vệ con cho đến giờ phút này, hãy kiên tâm ở lại trong bàn tay quan phòng của Chúa, Người sẽ trợ giúp con trong mọi hoàn cảnh, cả những lúc khi con thấy mình không còn khả năng bước đi, Người sẽ cõng con. Con còn sợ gì nữa, hỡi con gái yêu quý, vì con thuộc về Chúa, Đấng đoan chắc với chúng ta rằng, với những ai yêu mến Người, mọi sự trở nên niềm hoan hỷ. Đừng nghĩ ngợi về những gì có thể xảy đến cho ngày mai bởi Người cũng là một người Cha đời đời, Đấng chăm sóc con hôm nay cũng sẽ chăm sóc con ngày mai và cho đến muôn đời. Hoặc là Người sẽ trông chừng để không tai hại nào sẽ xảy đến cho con, hoặc nếu Người cho phép bất cứ tai hại nào xảy đến với con, Người cũng sẽ ban cho con một sự can trường bất khả bại để con chống đỡ”.[x] Và thánh Phanxicô Maria Jacob Libermann (1802 - 1852), một người Do Thái trở lại Công Giáo, sáng lập dòng Các Tổ Phụ của Chúa Thánh Thần, tâm tình với chúng ta rằng: “Trước mặt Thiên Chúa, con hãy đơn sơ phó mình trong tay Người để Người có thể làm từ nơi con, trong con những gì Người yêu thích. Hãy ao ước một cách lặng lẽ và thanh thản chỉ sống cho một mình Người, qua Người và trong Người”.[xi]

 

Trong tinh thần sống phó thác vào Thiên Chúa, chúng ta được Chúa Giê-su mời gọi: “Hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính trước” (Mt 6,33). “Các lo lắng không lung lạc chúng ta được, vì chúng ta tin tưởng vào tất cả đường lối Thiên Chúa đã định đoạt…Những lo lắng được rũ bỏ vì chúng ta, đó là nhiệt huyết đối với Nước Trời…Điều mà Chúa Giê-su đòi hỏi, là đặt Thiên Chúa lên vị trí hàng đầu, không phải đặt Thiên Chúa lên hàng đầu theo cách thức bình thường, Thiên Chúa trừu tượng, Thiên Chúa sáng tạo, mà chính là Nghĩa Tử của Chúa Cha đến với chúng ta bằng sự kiện lạ lùng và lo toan cho Nước của Ngài, triều đại của Người dành cho chúng ta là những người con hợp với Ngài dâng lời ca khen mãi mãi trong sự chiêm ngắm dung nhan Chúa Cha, và sự sống chúng ta được biến đổi làm cho nó trở thành nghĩa tử, dựa theo Bài Giảng Trên Núi. ‘Hãy tìm Nước Thiên Chúa trước’ giải thích thái độ làm con, thái độ của những Mối Phúc thật. ‘Hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính trước’. Thông điệp rất đơn giản này được trình bày liên quan với những lo lắng, ưu tư dày vò cuộc sống biết bao người, cũng như cuộc sống chúng ta, nếu như chúng ta không đề phòng. Quả thật, khi những vấn đề kinh tế, hành chánh, mục vụ cụ thể không được đặt trên sự lệ thuộc thiết yếu của Nước Trời, thì chúng trở thành nguồn gốc những lo lắng, ưu tư, cạn kiệt vô ích và kết quả là làm chúng ta hư đi”.[xii]

 

Đó là sứ điệp của bài Tin Mừng mà Chúa Giê-su nói. Đúng vậy, đừng lo lắng một cách không biết cậy trông vào Chúa. Sự cậy trông tín thác vào Chúa là nền tảng cho cuộc sống trong giây phút hiện tại. Đầu tiên chúng ta phải hướng về là Nước Trời, và trên nền tảng đó, chúng ta cần lo toan cho cuộc sống. Hơn nữa, lo toan đấy, nhưng không bao giờ để cái lo làm chủ cuộc đời chúng ta. Chúng ta lo đó, nhưng chúng ta tín thác điều chúng ta lo cho Thiên Chúa. Kết quả nằm ở bàn tay của Ngài. Lương thực chúng ta có là do ân sủng của Ngài. Như Manna nuôi dân Do Thái trong sa mạc, ân sủng không thể dự trữ. Chúng ta không thể xây những kho dự trữ ân sủng nhưng chỉ có thể nhận nó dần dần, như phần “lương thực hằng ngày” mà chúng ta cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha. Việc phóng chiếu những nỗi lo sợ của mình vào tương lai khiến chúng ta không sống trong giây phút hiện tại để giải quyết những gì lẽ ra chúng ta phải làm. Nó tiêu huỷ những nguồn năng lượng tốt nhất của chúng ta.

 

Trong một đoạn văn từ nhật ký của Etty Hillesum, một thiếu nữ Do Thái chết tại Auschwitz tháng 11 năm 1943 (nhật ký của cô được xuất bản năm 1981), có viết: “Nếu người ta chất nặng những lo lắng của mình cho tương lai, tương lai đó không thể lớn lên một cách sống động. Lòng tôi ngập tràn tin tưởng, không phải rằng, mình sẽ thành công trong đời, nhưng là ngay cả khi mọi sự xảy đến với tôi dẫu không mấy xuôi may chăng nữa, tôi vẫn thấy đời thật đẹp tươi và đáng sống”, và “chúng tôi phải chiến đấu mỗi ngày với những lo lắng nhỏ nhặt về ngày mai như chiến đấu với những con bọ chét, vì chúng huỷ hoại năng lượng của chúng tôi. Chúng tôi vắt óc suy nghĩ về những ngày sẽ đến và mọi thứ hoá ra không phải như vậy, hoàn toàn không phải như vậy. Ngày nào có đủ sự khốn khổ cho ngày đó. Điều gì cần làm thì phải làm; với những gì còn lại, chúng ta đừng để chính mình bị tàn phá bởi cả ngàn nỗi sợ và lo lắng vụn vặt với quá nhiều động thái dẫn đến việc mất niềm tin vào Thiên Chúa… Mọi chuyện sẽ ổn… Rốt cuộc, chúng tôi chỉ còn một việc đạo đức duy nhất là đòi lại những khu vực bình an lớn trong chính mình, làm sao càng ngày tâm hồn càng bình an hơn và thông chuyển sự bình an này cho những người khác. Càng có nhiều bình an trong chúng tôi, thì cùng lúc, càng có nhiều bình an trong thế giới rắc rối của chúng ta”.[xiii]

 

Thánh Phanxicô Maria Jacob Libermann khuyên nhủ chúng ta: “Hãy quên đi quá khứ và sống như thể không có ngày mai, hãy sống cho Chúa Giê-su trong từng khoảnh khắc mà con đang sống hoặc hơn nữa, hãy sống như thể con không có sự sống trong mình nếu không có Ngài, nhưng để Chúa Giê-su sống trong con một cách thoải mái; nhờ đó, con có thể bước đi trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả mọi khó khăn mà không hề lắng lo sợ hãi vì con là con của Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Đừng bao giờ nghĩ đến bản thân, nhưng hãy để một mình Chúa Giê-su lo cho linh hồn con”.[xiv]

Trong linh đạo Hy Vọng của Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, tinh thần sống giây phút hiện tại là một điều Ngài luôn chú ý, nhiều lần ngài nhủ thầm với chính bản thân: “Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương”. Cụ thể hơn ngài chia sẻ: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất, đó là: giây phút hiện tại (x.Mt 6,34; Gc 4,13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó”. (Ðường Hy Vọng, số 997).

Một lần khác ngài chia sẻ nhiều hơn về tinh thần sống giây phút hiện tại: “Trong Phúc Âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: ‘Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn’... Nhưng Chúa Giê-su muốn hành động trong phút hiện tại: ‘Chính các con hãy cho họ ăn đi’ (Lc 9,1). Trên Thánh Giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giê-su: ‘Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi’. Chúa Giê-su đáp: ‘Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng’ (Lc 23,42-43). Trong tiếng ‘hôm nay’ của Chúa Giê-su, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài. Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: ‘Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện.’ Tôi đã nghe Ðức Cha Helder Camara nói: ‘Cả cuộc đời là học yêu thương’. Một lần Mẹ Têrêsa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: ‘Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc’. Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là ‘đẹp nhất’ của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa”.[xv]

 

Cuộc sống hiện tại của chúng ta luôn là điều gì đó tốt lành, vì Tạo Hoá đã ban cho nó phúc lành mà Người sẽ không bao giờ huỷ bỏ, dầu tội lỗi đã làm mọi chuyện nên phức tạp. Sách Sáng Thế nói cho chúng ta: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,10). Đối với Thiên Chúa, “thấy” không chỉ có nghĩa là ghi nhận nhưng thực sự còn thông ban thực tại. Sự tốt lành căn bản này của cuộc sống cũng được Đức Giê-su biểu lộ: “Mạng sống không quý hơn của ăn và thân thể không quý hơn áo mặc sao?” (Mt 6,25). Hãy sống trọn vẹn mỗi khoảnh khắc, đừng lo lắng liệu thời gian qua nhanh hay chậm nhưng hãy đón nhận mọi điều được ban cho chúng ta dần dần.

Để sống tốt hôm nay, chúng ta cũng phải nhớ rằng, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi mỗi lúc một việc, không bao giờ hai.

 

Không thành vấn đề, công việc bạn có trong tay là lau chùi sàn bếp hay đang diễn thuyết cho bốn mươi ngàn người. Chúng ta phải chú tâm vào đó cách đơn sơ, bình thản và đừng cố giải quyết cùng lúc hơn một vấn đề. Ngay cả khi, những gì chúng ta đang làm thực sự gây ngột ngạt, thì thật sai lầm khi chúng ta đổ xô vào công việc đó mà tưởng mình như đang phí phạm thời gian. Nếu có một việc nào đó cần thực hiện, đó cũng là một phần của cuộc sống chúng ta, thì dù tầm thường đến đâu, nó vẫn đáng làm và đáng được chú tâm vào. Khi sống giây phút hiện tại cách tràn đầy như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ có được sự bình an. Sự bình an Thiên Chúa ban tặng, Đấng chúng ta tin tưởng và trông cậy hoàn toàn.

Tuy nhiên, sống giây phút hiện tại là một điều rất khó, nó đòi hỏi một sự cố gắng luôn mãi. Và nếu thành thật, thì tinh thần sống giây phút hiện tại cũng là điều tương đối. Linh mục Ronald Rolheiser OMI., một thần học gia người Hoa Kỳ đã chia sẻ rằng: “Hiếm khi chúng ta thấy mình thật sự ở trong phút giây hiện tại. Tại sao? Do cái cách chúng ta đã được tạo nên. Chúng ta đã được nạp quá nhiều năng lượng để sống trong thế giới này. Khi Chúa đặt chúng ta vào thế giới này, như tác giả sách Giảng Viên nói, Người đã đặt “phi thời gian tính - timelessness” (tình trạng không chịu ảnh hưởng của thời gian) vào trái tim chúng ta, vì vậy chúng ta không dễ dàng gì hòa điệu với cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đọc được điều này trong đoạn văn nổi tiếng về giai điệu các mùa trong sách Giảng Viên. Mọi thứ đều có một thời và một mùa để làm, chúng ta được bảo như vậy: Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành…, và cứ như vậy. Nhưng sau khi liệt kê cái giai điệu tự nhiên về thời và các mùa này, tác giả kết thúc với những lời sau đây: Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc, nhưng lại đã đặt phi thời gian tính vào trái tim con người để cho con người không đồng điệu với thế gian này từ đầu chí cuối…Từ trải nghiệm của mình, chúng ta biết ở trong phút giây hiện tại là khó đến mức nào, bởi vì quá khứ và tương lai không để chúng ta yên. Chúng mãi mãi nhuốm màu lên hiện tại. Quá khứ ám ảnh với những bài hát ru và giai điệu mơ hồ nửa quên nửa nhớ thỉnh thoảng vụt lên trong ký ức, với những tình yêu đã tìm thấy được và đã mất, với những vết thương lòng không bao giờ lành da non, và với những nỗi thao thức hoài niệm, tiếc nuối, và mong mỏi níu giữ một điều gì đó đã qua. Quá khứ mãi mãi gieo nỗi bất an vào giây phút hiện tại.

Và tương lai lại cũng len lỏi vào hiện tại, đổ cái bóng lờ mờ của hứa hẹn và đe dọa, luôn luôn đòi chúng ta phải chú ý, luôn luôn gieo lo lắng vào đời sống, và luôn luôn tước đi của chúng ta cái khả năng đơn giản là đắm mình trong hiện tại. Hiện tại mãi mãi bị nhuốm màu bởi ám ảnh, những cơn đau của tâm hồn và trí óc, những nỗi lo lắng mà hầu như chẳng liên quan gì đến với những người đang ở bên cạnh chúng ta.

Các triết gia và thi sĩ đã gọi nó bằng nhiều tên khác nhau: Plato gọi nó là ‘cơn điên đến từ các thần’; các thi sĩ Hindu gọi nó là ‘nỗi hoài niệm về cái vô hạn’; Shakespeare nói về ‘những nỗi khát khao bất diệt’, còn thánh Âu-tinh, mà có lẽ nhiều người biết tới cách nói này của ngài nhất, nói rằng nó là một nỗi bất an vô phương cứu chữa mà Chúa đã đặt vào trái tim con người để nó không thể tìm thấy bình an trong bất cứ điều gì ở thấp dưới cái vô hạn và vĩnh hằng: Chúa đã tạo ra chúng con cho chính Chúa, và trái tim chúng con sẽ không bình an chừng nào nó chưa tìm về yên nghỉ bên Chúa.

Và như vậy, rất khó để sống bình an cái phút giây hiện tại của đời sống chúng ta, bình an trong chính con người chúng ta. Nhưng sự ‘day dứt’ này, như T.S. Eliot từng nói, là có mục đích của nó. Henri Nouwen, trong một đoạn văn nổi bật vừa nhận diện những nỗ lực gắng gỏi này vừa nêu mục đích tối thượng của nó, đã nói như sau: Cuộc sống chúng ta là  khoảng thời gian ngắn mong chờ, là thời gian trong đó nỗi buồn và niềm vui trộn lẫn với nhau trong từng giây phút. Có một tính cách buồn bao phủ mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Dường như không hề có cái gì là niềm vui tinh khôi trọn vẹn, mà thậm chí trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc hiện sinh, chúng ta vẫn thấy gợn buồn. Trong mọi nỗi hài lòng, đều có sự nhận biết về các giới hạn. Trong mọi thành công đều có nỗi sợ hãi bị tị hiềm. Đằng sau bất cứ nụ cười nào đều có nước mắt. Trong mỗi vòng tay ôm đều có nỗi cô đơn. Trong mọi tình bằng hữu đều có khoảng cách. Và trong mọi dạng thể của ánh sáng, đều có ý thức về bóng tối vây quanh. Nhưng khi ý thức sâu xa rằng mỗi mảnh sự sống đều có một mảnh của sự chết, thì ý thức này có thể hướng chúng ta vượt lên trên những giới hạn của cuộc hiện sinh. Nó có thể làm như vậy bằng cách khiến chúng ta mong tới cái ngày trái tim chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui trọn vẹn, một niềm vui mà sẽ không ai tước đi được khỏi chúng ta”.[xvi]

Dù sống giây phút hiện tại thật khó, và đòi hỏi chúng ta phải luôn cố gắng và nỗ lực, chúng ta vẫn tập mỗi ngày để sống tinh thần này. Cụ thể chúng ta chú trọng đến đời sống thường ngày với từng phút giây, đời sống thường ngày với công việc, với bổn phận và trách nhiệm, với những cuộc gặp gỡ những người thân trong gia đình, các bạn bè và đồng nghiệp trong hãng xưởng. Dù mang hương vị của sự đơn điệu nhất định nào đó, nhưng không ai có thể chạy trốn cuộc sống thường ngày. Có người sống mà chỉ mong đến ngày nghỉ hè, còn có một số người đạo đức thì chỉ mong được tham dự cuộc hành hương hay tĩnh tâm sắp tới. Thật vậy, không ít người sợ hãi cuộc sống thường ngày đơn điệu và đôi khi chán chường. Nhưng dù gì đi nữa, cuộc sống được thêu dệt nên bởi những chuỗi ngày sống bình thường. Nhưng làm sao để có được một cuộc sống thường ngày an bình và hạnh phúc? Để có được hạnh phúc và bình an trong đời sống thường ngày, thì bạn nên chú ý và suy xét luôn mãi: “Tôi suy nghĩ gì, tôi nói gì và tôi làm gì trong lúc này, và sau đó một tháng, một năm, hay sau đó năm năm, mười năm, khi tôi nhớ lại điều tôi nghĩ, điều tôi nói và việc tôi làm trước đây, thì tôi thích thú muốn nhớ lại ngay. Ngược lại, nếu khi vừa nhớ lại điều tôi nghĩ, tôi nói và tôi làm trước đây, thì tôi muốn quên ngay lập tức, thì đó là dấu hiệu của sự bất an. Nói khác đi, trong đời sống thường ngày, tôi nên cẩn thận và suy xét xem, nếu tôi suy nghĩ, nếu tôi nói năng và hành động như thế này hoặc thế kia, thì có đưa lại bình an cho tôi và cho mọi người xung quanh không. Nếu bình an là hoa quả của suy nghĩ, của lời nói và của hành động tôi làm, thì đó là dấu hiệu rất tốt. Hoa quả bình an đó sẽ ở lại với tôi trong cuộc sống thường ngày của hiện tại, và là một hành trang tốt lành theo tôi bước vào cuộc sống thường ngày của tương lai”.

“Lạy Chúa, con không đợi chờ,

con quyết sống phút hiện tại,

và làm cho nó đầy tình thương,

vì chấm này nối tiếp chấm kia,

ngàn vạn chấm thành một đường dài.

 

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng.

 

Như Chúa Giê-su, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Ðức Chúa Cha.

Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,

‘một giao ước mới,

một giao ước vĩnh cửu’.

Con muốn cùng với Hội Thánh hát vang:

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và

Chúa Thánh Thần.

 

Alleluia! Alleluia! Alleluia!”[xvii]

 

 

Lời cầu nguyện trên cũng là một chứng thực cho chúng ta thấy rằng, để có bình an trong tâm hồn, ở trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta luôn cần phải kết hiệp với Chúa và chìm sâu vào cầu nguyện, vì đó là nơi và là lúc chúng ta kín múc sự bình an.

 

 

[i] X. GRUEN A., Buch der Lebenskunst, Phần Alles hat seine Zeit,

[ii] Phần này dựa vào PHILIPPE J., La Liberté intérieure, bản tiếng Việt: Tự do nội tâm, Phần II. Giây phút hiện tại. Lm. Minh Anh chuyển ngữ, nguồn: http://xuanbichvietnam.net.

[iii] MARTINI C.M., Miettes de la Parole, Saint Augustin Edition,  1998, Bản tiếng Việt Những mảnh vụn Lời Chúa, t.68.

[iv] MARTINI C.M., Miettes de la Parole, Bản tiếng Việt Những mảnh vụn Lời Chúa, t.71-72.

[v] LIMBECK M., Das Matthaeusevangelium, trong Das Stuttgarter Kleiner Kommentar Zu den Evangelien, LIMBECK M., MÜLLER P.G., PORSCH F. (Hrgs.), Bibelwerk, Stuttgart 2009, s.96.

[vi] LIMBECK, Das Matthaeusevangelium, trong Das Stuttgarter Kleiner Kommentar Zu den Evangelien, s.97.

[vii] X. PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.32.

[viii] PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.34-35.

[ix] PHILIPPE J., Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.45-47.

[x] Trích dịch bởi PHILIPPE J., trong Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.102-103.

[xi] Trích dịch bởi PHILIPPE J., trong Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.113.

[xii] MARTINI C.M., Miettes de la Parole, Bản tiếng Việt Những mảnh vụn Lời Chúa, t.73-75.

[xiii] X. PHILIPPE J., La Liberté intérieure, Bản tiếng Việt: Tự do nội tâm, Phần II. Giây phút hiện tại, bài 5. Ngài mai sẽ lo cho ngày mai.

[xiv] Trích dịch bởi PHILIPPE J., trong Tìm kiếm và giữ lấy bình an, t.119.

[xv] ĐHY. PHANXICÔ NGUYỄN VĂN THUẬN, Năm chiếc bánh và hai con cá, Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại.

[xvi] ROLHEISER R, OMI., Bài viết Gắng gỏi để sống trong giây phút hiện tại (26.9.2010), nguồn: http://ronrolheiser.com

[xvii] ĐHY. PHANXICÔ NGUYỄN VĂN THUẬN, Năm chiếc bánh và hai con cá, Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại.

bottom of page