top of page

Phần3:

Triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

 

“Triều đại Cha mau đến”, triều đại được Đức Kitô rao giảng.

 

Đây là hai lời cầu xin được gói gọn trong một câu. Sau đây xin đi vào từng lời cầu xin. Trước hết, xin đi vào lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

Theo một số nhà chú giải kinh thánh, lời cầu xin này là lời cầu xin rất căn bản. Để tìm hiểu và suy niệm lời cầu xin này, trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ « triều đại » hoặc « vương quyền » trong lời cầu xin.

 

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ này được gọi là « basileia » vừa có nghĩa là vương quốc, vừa có nghĩa vương quyền và triều đại. Vương quốc hay triều đại nói tới trong lời cầu xin này thường được Đức Giê-su dùng, vì thế có thể nói rằng, đó là « từ ngữ của Chúa Giê-su »[i].

Chúng ta cũng nhận ra rằng, Vương quốc Thiên Chúa gắn liền với Chúa Giê-su và sứ mạng của Ngài. Rao giảng vương quốc của Thiên Chúa, đó chính là mục đích chính yếu mà Đức Giêsu muốn nhắm tới trong lời Người giảng và trong các việc Người làm.

 

Trong phúc âm Mát-thêu, chúng ta đọc lại câu hỏi của các nhà chiêm tinh bên Đông Phương : « Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2,2). Qua câu hỏi này, các nhà chiêm tinh muốn nói về Vương Quốc và Vua của Vương Quốc đó. Và hậu quả là vị vua Do-thái thời đó là Hê-rô-đê đã sợ hãi và tìm cách để khử trừ « Vị Vua của Vương Quốc » mới được sinh ra trên chính mảnh đất Do-thái. Để tránh mối họa đó, vị Vua trẻ thơ của Vương Quốc đã được cha mẹ đưa đi lánh nạn ở Ai-cập.

 

Sau khi trở về lại Do-thái, vị Vua của Vương Quốc là Chúa Giê-su đã sống ẩn dật ở Na-gia-rét, cho đến khi Ngài lớn lên và bắt đầu sứ vụ của mình : « Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ´Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng´. » (Mc 1, 14-15)[ii].

 

Đi sâu hơn, chúng ta hỏi rằng Chúa Giê-su cách nghĩa từ ngữ này như thế nào ? Trong tin mừng nhất lãm, Chúa Giê-su đã dùng nhiều cách thức khác nhau để diễn tả triều đại Thiên Chúa, đặc biệt trong các dụ ngôn. Chẳng hạn như trong dụ ngôn hạt giống tự mọc lên, Chúa Giê-su đã nói rằng : « Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất… » (Mc 4,26), và sau đó ở Mc 4,30, Ngài lại đưa hình ảnh Nước Trời vào dụ ngôn khác : « Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. » (Mc 4, 30-32). Ngoài ra, cũng nên nhắc đến dụ ngôn quen thuộc nhất diễn tả Nước Thiên Chúa, đó là dụ ngôn người gieo giống (Mc 4, 1-20).

 

Tóm lại, Chúa Giê-su khi nói về Nước Thiên Chúa, Ngài thường dùng dụ ngôn để nói, để diễn đạt và so sánh. Nhưng Ngài không bao giờ nêu lên một định nghĩa nào về Nước Thiên Chúa[iii].

 

“Triều đại Cha” với trí hiểu giới hạn của con người.

 

Trở về với chính mình, chúng ta tự hỏi xem, phần chúng ta hiểu thế nào về Nước Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta đọc hay lắng nghe những từ ngữ đó ? Bản thân tôi, từ trước đến giờ vẫn luôn mường tượng Nước Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị, và nơi đó tình yêu của Ngài đang hiện diện, nơi đó không còn bất công và khổ đau, nơi đó tất cả mọi người và mọi vật đều được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, một sự hiệp nhất trong tình yêu.

 

Alfred Delp khi viết bài suy niệm kinh Lạy Cha trong nhà tù của phát-xít Đức, đã nói rằng : « Khi con người ở trong ân sủng của Thiên Chúa, khi thế giới ở trong trật tự của Thiên Chúa : Đó là Nước Trời »[iv]. Thực vậy, nước Thiên Chúa không chỉ là nơi cao xa mà triều thần thánh đang hiện diện và Thiên Chúa đang ngự trị ở giữa, mà Nước Trời cũng đang hiện diện ở giữa lòng thế giời này, khi thế giới tuân theo trật tự của Thiên Chúa và sống theo thánh ý của Ngài, cũng như khi con người đồng ý đón nhận ân sủng Chúa ban và sống trong ân sủng của Người. Như thế, triều đại của Thiên Chúa luôn hiện diện trong tình yêu và với tình yêu. Triều đại đó, trên hết cần phải được xây dựng qua sự can thiệp của Thiên Chúa, qua sự can thiệp của Chúa Giê-su.

 

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa.

 

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách thức của Thiên Chúa, chứ không bằng cách thức của loài người chúng ta. Ngài không dùng đến bạo lực, không dùng đến sức mạnh và vũ lực để chiến thắng trong vinh quang, để xây dựng một « lâu đài » nguy nga là biểu tượng của vương quyền. Ngược lại, cách thức Ngài dùng rất nhẹ nhàng và rất đơn sơ. Đó là cách thức của kẻ tôi trung, của người phục vụ trong khiêm hạ. Qua chính cách thức rất khiêm nhường này, Ngài đã cứu thoát và chuộc lại tất cả mọi người khỏi vương quyền của Satan. Vâng, trước khi Nước Thiên Chúa xuất hiện thật rực rỡ trong vinh quang vào ngày cánh chung, lúc đó tất cả mọi người đều được hiện diện trước tôn nhan huy hoàng của Thiên Chúa, thì Nước Thiên Chúa xuất hiện rất nhỏ bé như hạt cải bé nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ bé này đã được vùi sâu vào mảnh đất của nhân loại hôm nay, và qua Giáo Hội đang phát triển từ từ trên trái đất này. Một ngày nào đó, hạt cải mọc thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá của nó xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đó chính là mầu nhiệm của nước Thiên Chúa, mầu nhiệm vượt qua khỏi trí hiểu của con người.

 

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm sâu sa của nước Trời, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện của Nước Trời qua chính Đức Kitô, Đấng xây dựng Nước Trời trong tinh thần hiền lành và khiêm nhượng. Tinh thần đó được bắt đầu bằng chính các mối phúc hiền lành, nghèo khó, công chính, hòa bình…, mà chính Đức Kitô đã rao giảng, và chính Ngài là người sống và thực hành đầu tiên. Chúa Giêsu sống tinh thần của Nước Trời, nên Ngài chính là Con Thiên Chúa cao sang, nhưng đã sẵn sàng đón nhận sự nghèo khổ nhất cho chính mình. Ngài đã tự hạ mình và hy sinh cho nhân loại, đến nỗi Ngài để mình bị nộp vào tay người đời:

 

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Phi 2, 6-8).

 

Với sự vâng lời Cha, Đức Kitô sống dấn thân cho Nước Trời, và cuối cùng Ngài đã đón nhận kết cục thật dã man. Đó chính là vành móng ngựa của con người xét xử Ngài.

 

Như vậy, Vương Quốc của Đức Kitô hoàn toàn khác với tất cả những vương quốc trên trần gian, những vương quốc mà trong đó sức mạnh và quyền lực của con người được đề cao. Trong vương quốc của Đức Kitô sự thật và chân lý ngự trị. Chân lý của tình yêu, của công bằng và lòng nhân. Phi-la-tô dù đã được Chúa Giê-su trả lời rõ ràng như thế, nhưng cuối cùng vẫn kết án tử Chúa Giê-su như là một kẻ cầm đầu nổi loạn chống lại cường quyền chính trị thời đó. Vì thế, trên thánh giá của Đức Kitô, Phi-la-tô ra lệnh treo tấm bảng với dòng chữ: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” (Ga 19,19)[v].

 

Khi bị treo trên thập giá, thì Chúa Giêsu, sống theo tinh thần của Nước Trời, không thù hằn người đã hãm hại mình, ngược lại Ngài đã cầu xin cho họ: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34). Và khi sống trong tinh thần của Nước Trời, Chúa Giê-su không bao giờ chọn ý mình để làm lương thực, mà ngược lại, "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34), và “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).

 

Tóm lại, như Martini nói: “Vương Quốc Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su, là chính cuộc sống của Ngài, một đời sống yêu thương và sẵn sàng chịu khổ đau”[vi]. Còn đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thì: « Nơi đâu Chúa Giê-su đang hiện diện, thì Nước Trời cũng đang có mặt »[vii]. Cũng thế, thánh Cyprianô cũng đã nói: “Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta”[viii]. 

 

Như vậy, Nước Trời được chính Đức Kitô giới thiệu trong cách thức thật tuyệt vời. Nước Trời gắn liền với sự nghèo khó khiêm hạ của hang bò lừa ở Bê-lem; với những dấu chân rảo bước của người Mục Tử hiền lành, khiêm nhượng và nhân lành, luôn sẵn sàng bảo vệ chiên trước thú dữ đe dọa, và sẵn sàng hiến mình cho chiên; với chính sự tự nguyện chết cho tất cả những người con yêu dấu của Ngài; và với thập giá giương cao để cứu độ tất cả mọi người. Chúng ta, những con người được Chúa Giêsu yêu thương cứu rỗi cũng được Ngài cho phép thốt lên lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

 

« Xin cho triều đại Cha mau đến », lời cầu xin của chúng ta.

 

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này cũng chính là lời cầu xin của chúng ta. Và phải chăng khi cầu xin như vậy, là chúng ta cũng đang cầu xin cho được trở nên giống như Đức Kitô, cầu xin cho được « tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. » (Gal 2,20). Để khi Đức Kitô sống trong tôi thực sự, thì tôi ở đâu, thì Nước Trời cũng hiện diện. Như vậy, lời cầu xin thứ hai của kinh Lạy Cha cũng là lời cầu xin cho được sống tinh thần theo bước Đức Kitô, cho được trở nên một với Ngài trong một thân thể duy nhất. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói rằng : « Cầu Xin cho triều đại Cha mau đến có nghĩa là đang nói với Chúa Giê-su : Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những người thuộc về Ngài. Xin hãy ngự đến trong chúng con, xin hãy sống trong chúng con ; xin hãy hiệp nhất tất cả nhân loại đang bị phân tán về thân thể của Ngài, để trong Ngài tất cả đều quy phục Thiên Chúa và Ngài có thể trao tất cả cho Cha, để Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả và trong tất cả »[ix].

 

Như vậy, có thể nói rằng, Nước Thiên Chúa tiếp tục được sống động trong chính đời sống của chúng ta, các tín hữu, những tâm hồn thuộc về Đức Kitô, những cuộc đời dám quên chính mình đi, để giờ đây dù chính mình sống đấy, nhưng như không sống, vì Đức Kitô đang sống trong chúng ta. Khi có Đức Kitô là nguồn sống, thì chúng ta sẽ sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ con người cũ, con người thuộc về tội lỗi, để mặc lấy con người mới với tâm hồn trong sạch. Thánh Cyrillô nói rằng: “Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6, 12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”[x].  

 

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này chính là lời cầu xin của chúng ta. Khi cầu nguyện như vậy là chúng ta đang sống trong sự ý thức : « Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho » (Mt 6, 33). Qua lời nhắn nhủ này của Đức Kitô, tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu cho tất cả mọi việc làm và mọi hành động của con người được xác định. Thực vậy, lời của Đức Kitô giúp chúng ta phân biệt được điều gì quan trọng nhất cho đời sống làm người của chúng ta trong một thế giới phức tạp, một thế giới có quá nhiều « khuôn mặt », có quá nhiều ý thức hệ luôn nài kéo con người, một thế giới mà trong đó con người hôm nay đang là con người của kỹ thuật, của tự động hóa, của computer…, con người hiện đại của ngày hôm nay đang muốn tự hoàn thiện mình, đang muốn đặt toàn bộ lịch sử đời mình vào trong bàn tay nhỏ bé nhưng đầy tham vọng của mình. Con người hiện đại đó đang muốn trở nên « đấng tạo hóa » của chính mình, và muốn làm chủ và điều khiển hoàn toàn tương lai của mình. Vì thế, con người hôm nay đang tự biến mình thành những siêu nhân. Một kiểu siêu nhân mà Sa-tan ngày xưa đã hứa với ông bà A-dong và Ê-và : "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 2,4).

 

Những vị thần biết thiện và ác như là biểu tượng của những con người siêu nhân, có thể làm được mọi chuyện, có thể định đoạt và biến đổi mọi chuyện, có thể tạo nên một Vương Quốc thật quyền lực và thật hoàn hảo giành cho superman, cho các idole, cho các superstar. Chúng ta có thể nhận ra được trào lưu này qua các bộ phim, qua các trò chơi computer, qua chính sự quảng bá và quảng cáo của một số ý thức hệ. Trào lưu đó chỉ ra được một khát khao và cao vọng của con người. Và khi con người tưởng rằng mình càng ngày càng gần đạt được mục đích đó, càng cảm thấy rằng tháp Ba-bel đang ở giai đoạn hoàn thành cách mỹ mãn và hoàn hảo, thì chính lúc đó con người đang đánh mất chính mình. Vương quốc nhân trần với tháp Ba-bel cao chút vút kia tưởng như xuyên suốt qua tầng trời để rồi làm bá chủ cả đất với trời, bỗng chợt bị sụp đổ hoàn toàn thành đống tro bụi. Bụi tro phải trở về với tro bụi của đất thấp. Bụi tro chỉ có thể được biến đổi trở nên những thành phần yêu dấu của trời cao, khi bụi tro khiêm nhường đón nhận thân phận thấp bé của mình, và công nhận Đấng trên trời cao là Chủ của mình, và chỉ có Ngài mới hoàn hảo, chỉ có Vương Quốc của Ngài mới thực sự cao chút vút, một Vương Quốc của sự công chính và tình yêu.

 

Như vậy, lời cầu xin cho Nước Cha trị đến giúp loài người chúng ta biết luôn chỉnh đốn đời sống và hành động của mình theo trật tự của Thiên Chúa. Nói khác đi, lời cầu xin của chúng ta cũng chỉ ra trách nhiệm của con người chúng ta. Trách nhiệm dám quyết định từ chối những « tháp Ba-bel cao chút vút của cuộc đời », dám « xóa đi và giục bỏ » những tưởng tượng và những công trình làm ra một mẫu người siêu nhân. Trách nhiệm xả thân để cố gắng xây dựng một thế giới trong trật tự của Thiên Chúa, xây dựng một văn hóa yêu thương và một xã hội công bằng. Đối với Alfred Delp, lời cầu nguyện xin cho Nước Cha trị đến chỉ là lời cầu nguyện thực sự, khi con người thi hành những trách nhiệm trên cách trọn hảo, ngoài ra thì đó chỉ là lời cầu nguyện đạo đức suông mà thôi[xi].

 

Tóm lại, khi thế giới chúng ta ở trong trật tự của Thiên Chúa, thì Vương Quốc của Thiên Chúa đang hiện diện, và chúng ta được phép sống trong đó. Nghĩa là, nơi đó Thiên Chúa và nhân loại chúng ta gặp gỡ nhau. Cuộc gặp gỡ này chính là cao điểm của hạnh phúc đời người. Hạnh phúc chúng ta được hưởng chính là được chung hưởng Nước của Chúa : « Như lương tâm làm chứng với họ, họ biết rõ rằng hễ khi nào Nước ấy xuất hiện họ sẽ được vào chung hưởng Nước ấy » (J. Cassien)[xii].

 

Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được thực hiện qua chính biến cố giáng trần của Đức Kitô, Đấng đã đến để xây dựng Nước Trời. Đúng là chỉ có Đức Kitô mới có thể xây dựng Nước Trời theo cách thức của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn ý thức mình phải cầu xin Thiên Chúa và Đức Kitô làm cho Nước Trời đến. Trong lời cầu xin này, chúng ta cũng ý thức rằng, con người chúng ta không có khả năng xây dựng nước Trời, mà chúng ta chỉ có thể cộng tác với Chúa trong công trình đặc biệt này của Chúa. Cụ thể, chúng ta ý thức thấm nhuần và sống theo tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của người phục vụ chứ không phải của ông chủ, tinh thần của mối phúc chứ không phải của những « bó luật lệ » nghiêm khắc, tinh thần của thánh ý Chúa chứ không phải của những mệnh lệnh đầy bạo lực. Trong tâm này chúng ta đi tiếp đến lời cầu xin thứ ba.

 

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

Lời cầu xin này được Mát-thêu nhắc đến, còn trong Phúc Âm của Luca thì không có (x. Lc 11,2). Lời cầu xin này cũng liên hệ đến lời cầu xin cho Nước Chúa được ngự đến. Ở đây có thể nói rằng : Nước Trời ngự đến thật sự, khi thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn.

Giờ đây, từng bước một chúng ta cùng suy niệm lời cầu xin này. « Xin cho Ý Cha được thể hiện ! » Khi chúng ta thốt lên và kêu cầu như vậy, là chúng ta đang kêu cầu đến Thiên Chúa và cầu cho Ý của Ngài được thực hiện. Ở đây, một lần nữa chúng ta tự hỏi Thiên Chúa Cha là ai và thánh ý của Ngài là gì, để chúng ta kêu cầu như vậy ?

Một lần nữa chúng ta hỏi Thiên Chúa Cha là ai và thánh ý Ngài là gì?

Trong niềm tin, chúng ta tuyên xưng rằng, Thiên Chúa Cha chính là Đấng tạo dựng, Đấng toàn năng, Đấng có thể làm được mọi sự, làm được điều Ngài muốn. Sức mạnh của Ngài thì tuyệt đối. Ngài cũng là Đấng Thánh, là Đấng tốt lành, Đấng luôn có ý muốn thánh thiện, ý muốn chân thật và đúng đắn, ý muốn xây dựng và thăng tiến mọi sự. Và đối với chúng ta, thật ý nghĩa biết bao, vì Ngài còn là Cha chúng ta. Đọc lại câu đầu tiên của kinh tin kính: « Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất », và chúng ta cũng nhớ lại nghi thức của bí tích rửa tội mà linh mục cử hành : « Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con và Chúa Thánh Thần » (x. Mt 28,18), và ở đây trong kinh Lạy Cha, Đức Kitô dạy chúng ta mở đầu bằng hai từ « Lạy Cha » hoặc « Thưa Cha ». Trong thế kỷ thứ 2-3, với biểu tượng « Cha »,  tương quan của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, với thế giới được diễn tả cách sống động. Theo Medard Kehl, đối với các Kitô hữu thế kỷ thứ 2, thì tình phụ tử của Thiên Chúa chiếm một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta có thể đọc lại một đoạn của Irenäus von Lyon : « Nếu Đấng Tạo Dựng, tự chính mình, sáng tạo và hoàn thiện tất cả trong sự tự do và với sức mạnh của chính Ngài, và nếu bản chất của tất cả mọi loài thọ tạo đều hướng về lại với Thánh Ý của Ngài, thì Ngài tự mạc khải như là Thiên Chúa thật, Đấng đã làm nên tất cả, và như là Đấng toàn năng duy nhất, cũng như là người Cha duy nhất…Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, Thiên Chúa của mọi người sống. Những điều luật đã nhắc đến Ngài, các tiên tri đã loan báo về Ngài, Đức Kitô đã mạc khải về Ngài, các tông đồ cũng đã giảng về Ngài, và Giáo Hội đã tuyên xưng Ngài. Qua Ngôi Lời của Ngài, nghĩa là qua người Con của Ngài, Ngài là Cha của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta »[xiii]. Như vậy, tình phụ tử của Thiên Chúa được nêu bật ngay từ những thời đầu tiên và tình phụ tử của Thiên Chúa cũng vẫn sống động trong thời đại hôm nay của chúng ta. Với tình phụ tử đó, chúng ta được dẫn vào trong tương quan gần gũi và cá nhân với Ngài. Vâng, như Medard Kehl nói : « Sự hiện diện của tôi và mạng sống của tôi chắc chắn được Thiên Chúa là Cha mang vác và nói lời xin vâng »[xiv]. Tâm tình này có thể nhắc nhớ chúng ta về dụ ngôn « Người Cha Nhân Hậu » trong Luca 15, 11-32. Thật vậy, sau khi Chúa Giêsu nói với chúng ta về người Cha nhân hiền, mọi sự không còn y như trước nữa. Giờ đây chúng ta biết Thiên Chúa: Người là Cha chúng ta, vì yêu thương đã tạo dựng chúng ta tự do và cho chúng ta có lương tâm, Người cũng đau khổ khi chúng ta lạc đường và ăn mừng khi chúng ta trở về. Thiên Chúa luôn luôn trung thành, dù cho chúng ta xa lìa Người, và lạc lối, Người tiếp tục theo dõi chúng ta với tình yêu của Người, tha thứ các lỗi lầm và nói trong nội tâm với lương tâm chúng ta để kêu gọi chúng ta trở về với Người. Trước tình yêu nhân hậu của người Cha, Chúng ta hãy tự nhìn thấy mình trong vai trò của hai người con, và trên hết chúng ta hãy chiêm niệm trái tim của người Cha. Chúng ta hãy lao vào cánh tay Người, để cho chúng ta được tái tạo bởi tình yêu xót thương của Người.

Trong cánh tay của Thiên Chúa là Cha, giờ đây chúng ta lắng nghe nhịp đập của trái tim tình yêu và thánh ý của Cha trên trời, cụ thể chúng ta tìm hiểu sâu hơn cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Guardini[xv], khi Thiên Chúa sáng tạo muộn vật, và đặc biệt tạo vật cao quý nhất là con người, Thiên Chúa lần đầu tiên đã bộc lộ thánh ý của Ngài. Thánh ý sáng tạo nên sự sống trong thế giới. Thật vậy, thế giới này và trong đó các tạo vật hiện diện cách sống động, là vì Thiên Chúa muốn như vậy. Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài đã đưa vào những định luật tự nhiên, để thế giới và các tạo vật được phát triển hài hòa và dồi dào, vì thế các định luật đó cũng phản ảnh rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa. Nên vật nào tuân phục thánh ý của Ngài, cũng như tuân theo những định luật tự nhiên đã được Chúa « cấy » vào, thì sẽ phát triển một cách tốt đẹp. Ngược lại, tạo vật nào cứng đầu « bước ra ngoài » quy luật tự nhiên, thì sẽ tự hủy hoại mình. Trong sách Khởi Nguyên (chương 1), chúng ta đọc được những lời : « Thiên Chúa phán », và « cái này rồi cái kia » được tạo thành. Khi ngắm nhìn các tạo vật đó, Thiên Chúa nói « thật tốt », thật đúng, thật xứng hợp. Điều đó diễn tả một Thiên Chúa có trách nhiệm, một trách nhiệm của tình yêu, của thánh ý hoàn hảo của Ngài.

Thánh Ý của Cha: tạo dựng con người mang hình ảnh của Ngài.

Sau khi đã tạo nên muôn vật, Thiên Chúa tạo nên thụ tạo cao quý nhất. Đó là con người mang chính hình ảnh của Chúa (Kn 1,27). Vì mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta có một phẩm giá cao quý. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng, phẩm giá của con người là một « kho tàng » cao quý và không ai được phép làm « tổn thương ». Hơn nữa, với phẩm giá cao quý này, nghĩa là với tâm tình « mang chính hình ảnh của Thiên Chúa », con người sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đó là mối dây liên kết tình yêu giữa Thiên Chúa và con người ngay từ thuở ban đầu. Trong tình yêu đó, con người chúng ta còn nhận ra một điều căn bản quan trọng. Đó là mỗi người chúng ta là « người có một không hai » trên trái đất này. Nói khác đi, mỗi người chúng ta là mỗi viên ngọc quý, và là viên ngọc độc nhất vô nhị trong cuộc đời này. Thật vậy, Bạn là người độc nhất vô nhị, tôi là người độc nhất vô nhị. Trong lớp giáo lý xưng tội của giáo xứ tôi, các em thiếu nhi đã khám phá tính cách độc nhất vô nhị này qua chính dấu tay của con người. Trong số hơn 8 tỷ người trên thế giới này Bạn vẫn là người độc nhất vô nhị. Ngoài Bạn ra, không có ai có dấu tay của Bạn cả. Cuộc sống của Bạn là cuộc sống độc nhất vô nhị. Không có ai đã một lần sống đời sống của Bạn, và trong tương lai cũng chẳng có ai sẽ sống đời sống của Bạn. Cuộc đời của Bạn là một viên đá độc nhất vô nhị trong một bức tranh ghép mảnh (mosaic). Cuộc đời của Bạn vô giá  và không thể thay thế được. Trong tâm tình này, Medard Kehl đã thốt lên rằng : « Tôi biết ơn Thiên Chúa trong phẩm giá của tôi, một phẩm giá làm người độc nhất vô nhị, phẩm giá làm người duy nhất. Tôi cũng cám ơn Thiên Chúa trong những giới hạn của tôi, và trong cả những khả thể của tự do tôi »[xvi].

Là tạo vật cao quý, con người mang trong mình tinh thần và lý trí. Con người không chỉ cảm nhận được thế giới xung quanh, mà con người còn thấu hiểu được mọi vật, hiểu được bản chất, trật tự của chúng, hiểu được nguyên nhân và ảnh hưởng, hiểu được nguồn gốc và đích điểm. Hơn nữa, con người còn có được sự tự do Thiên Chúa ban tặng, một sự tự do của tình yêu thương. Với tất cả những khả năng cao quý đó, con người phân biệt với các tạo vật khác, và con người được Thiên Chúa ban cho trách nhiệm xây dựng thế giới này. Nói cách khác, Thiên Chúa đã trao vào đôi tay của con người những tạo vật rất giá trị của Ngài. Điều này làm nổi bật một lần nữa phẩm giá cao quý của con người. Một phẩm giá không chỉ dựa trên tâm tình, con người được mang chính hình ảnh của Chúa, mà còn dựa vào sự tin tưởng của Thiên Chúa giành cho con người. Như vậy, phẩm giá con người mang trong mình như diễn tả tâm tình tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người. Ở đây, chúng ta có thể để lời Chúa dịu dàng nói với chúng ta qua tiên tri I-sa-i-a : « Trước mắt Cha, con thật là quý giá, vốn được Cha trân trọng và mến thương. » (Is 43, 4). Vâng, trong tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: « Hãy xem, Ta đã ghi khắc tên ngươi trong lòng bàn tay Ta » (Is 49, 16). Khắc tên chúng ta nghĩa là Ngài ban cho chúng ta một sự sống cao quý, độc nhất vô nhị. Khắc tên trong lòng bàn tay của Ngài, nghĩa là chúng ta thuộc về Ngài, và khi thuộc về Ngài, thì Ngài luôn ở bên và nhủ thầm với chúng ta : « Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta ». (Is 43, 1b). Trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Ngài. Hơn nữa, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không chỉ khắc tên, mà tình yêu đó còn gọi chúng ta bằng chính tên chúng ta. Với cái tên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta thấy phẩm giá làm người của chúng ta cao quý biết dường nào.

Tất cả những tâm tình cao quý mà con người nhận được, chúng ta gọi là « ân sủng ». Với ân sủng đó, con người được sống trong vườn địa đàng, nơi đó có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa vui mừng, vì có mặt các tạo vật của Ngài ở gần bên, và đặc biệt có sự hiện diện của con người mang hình ảnh của Ngài. Niềm vui của Đấng Sáng Tạo thật đẹp biết bao nhiêu, và cũng thật tuyệt vời khi chiêm ngắm vẻ vinh quang, đẹp đẽ và lớn lao của các tạo vật. Nhưng những nét cao quý đó chỉ tồn tại khi các tạo vật và con người với sự tự do của mình, luôn ý thức sống trung tín, vâng phục và luôn gắn bó với Thiên Chúa.

Lời xin vâng của Thiên Chúa giành cho con người từ ngày đầu tiên vẫn không thay đổi.

Nhưng nếu con người bất tuân và bất trung, thì Thiên Chúa là người Cha Nhân Hậu vẫn tỏ lòng từ bi, và không triệt hạ con người và các tạo vật yêu quý của Ngài. Ngược lại, với đôi mắt yêu thương, Thiên Chúa vẫn ngắm nhìn con người và phẩm giá cao quý mà Ngài trao ban cho con người. Trong đôi mắt của Thiên Chúa là Cha, con người vẫn luôn quý giá, dù con người thế nào đi nữa. Lời xin vâng của tình yêu Thiên Chúa giành cho con người ngay từ ngày đầu tiên vẫn không thay đổi, dù cho con người có „quay mặt đi“ với thánh ý của Ngài. Giao ước mà Thiên Chúa là Cha ký kết với con người trong công trình tạo thành của Ngài vẫn không đổi thay, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa của Ngài, trung thành với tình yêu của Ngài giành cho con người cho tới muôn muôn đời.

Đây thực sự là một mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, mà chúng ta không thể thấu hiểu được. Vâng, làm sao một Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và Đấng vô biên, lại vẫn yêu thương và trung tín với con người, một tạo vật đầy giới hạn và bất trung?

Không chỉ thế, Thiên Chúa còn đón nhận trách nhiệm mà tội lỗi con người đã gây ra. Trách nhiệm của Thiên Chúa được diễn tả qua tình yêu cao quý, tình yêu đã thúc đẩy Ngài tiếp tục thực hiện ý muốn thánh thiện: « Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất ». (Mt 18, 14).

Thánh Ý cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Vì thế, mà Thiên Chúa cần phải ra tay. Cụ thể, Thiên Chúa đã sai phái người con duy nhất của Ngài xuống trần gian, trở nên người như muôn người. Theo ngôn từ của Thánh I-Nhã, thì : « Ở đây là Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem khắp mặt địa cầu đầy người; vì thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục, Ba Ngôi quyết định trong sự vĩnh hằng của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm Người để cứu chuộc nhân loại. » (Linh Thao, số 102). Ý tưởng này của Thánh I-nhã nằm trong bài cầu nguyện về « mầu nhiệm nhập thể », Thánh I-Nhã mời gọi người cầu nguyện, chiêm ngưỡng và chiêm niệm công trình nhập thể của Đức Kitô, Đấng cần phải đến theo thánh ý Thiên Chúa, để cứu độ muôn người.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, ý định cứu độ nhân loại của Thiên Chúa có tính cách toàn cầu, nghĩa là ơn cứu độ đó giành cho tất cả mọi người trên trái đất. Phúc âm Gio-an chỉ cho chúng ta thấy được điều này cách tuyệt vời nhất : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. » (Ga 3,16-17). Như vậy, thánh ý cứu rỗi của Thiên Chúa « ôm ấp » tất cả mọi người trong mọi thời đại, ngày hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi về sau. Thánh ý cứu rỗi mang tính cách toàn cầu và vượt thời gian của Thiên Chúa, cũng được Thánh Phao-lô nêu bật trong bài thánh thi rất tuyệt vời trong thư gởi tín hữu thành Ê-phê-sô chương 1:

« Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu:

thiên ý này là kế hoạch yêu thương

Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.

Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn

là quy tụ muôn loài trong trời đất

dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. » (câu 9-10).

Để giải thích thêm về thánh ý cứu độ được thực hiện qua Đức Kitô, Thánh Phao-lô đã nói trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-xê 1,15-20 :

« Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo…

Người có trước muôn loài muôn vật,

tất cả đều tồn tại trong Người…

Vì Thiên Chúa đã muốn

làm cho tất cả sự viên mãn

hiện diện ở nơi Người,

cũng như muốn nhờ Người

mà làm cho muôn vật

được hoà giải với mình.

Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời. »

Ở đây, trong sự liên hệ đến thập giá, thánh ý cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện và tiếp tục được thực hiện trong thế giới này. Có lẽ vì thế, mà Phao-lô mời gọi tiếp tục cầu nguyện cho tất cả mọi người, vì « đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ». (1 Tm 2, 3-4).

Đó là kế hoạch cứu độ mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa. Và như chúng ta đã cảm thấy, kế hoạch này đã được tiến hành trong lịch sử nhân loại. Đầu tiên qua một dân tộc cụ thể là dân Do-thái, và sau đó loan đi khắp năm châu bốn bể. Và người thực hiện kế hoạch cứu độ cách mỹ mãn nhất chính là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Như vậy, giờ đây chúng ta cùng chiêm ngắm xem Đức Kitô đã vâng lời Ý Cha thế nào trong sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Ngài.

Đức Kitô sống thánh ý của Cha.

Đức Kitô, Người Con yêu dấu, Đấng được sai phái, đã đón nhận thánh ý của Cha. Với lòng vâng phục tuyệt đối, Người Con đã thực hiện ý của Cha cách hoàn hảo và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Qua đó, sự bất tuân, bất trung và tội lỗi con người gây ra đã được Ngài mang trên thân mình, và chính Ngài đã hiến dâng chính mình để đền tội cho con người. Nhờ đó trong Ngài, trong Đức Kitô, một mầm sống mới, một sự khởi đầu mới, được nảy sinh trong lòng thế giới nhân loại. Từ sự sống mới này, thánh ý của Thiên Chúa cần được tỏ lộ và cần được thực hiện trong một cách thức mới, để góp phần tạo nên trật tự và tự do cho thế giới này.

Theo Martini, ngay trong những bối cảnh đầu tiên, các Tin Mừng đã chỉ ra rằng, Đức Kitô hoàn toàn « chìm » vào trong thánh ý của Cha trên trời. Khi Ngài kêu lên « xin cho Ý Cha được thể hiện », thì Ngài muốn diễn đạt mục đích sâu kín nhất trong sứ mạng của Ngài : làm cho Nước Cha được trị đến bằng cách sống trọn vẹn ý Cha trên trời[xvii].

Thật vậy, ngay từ những ngày đầu tiên trên hành trình sứ vụ, Đức Kitô đã thốt lên rằng : « Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. » (Ga 4,34). Điều này có ý nghĩa gì ? « Lương thực », nghĩa là cái làm cho Thầy sống và hoạt động được. Ý muốn của Cha chính là lý do khiến Đức Giêsu đến trần gian và thi hành sứ mạng. Nói cách khác, trở nên một với thánh ý của Cha chính là nguyên lý đời sống của Chúa Kitô. Và « nên một với ý Cha » chính là điều cốt lõi của sự hiện diện của Ngài trên trần gian. Cũng trong phúc âm thánh Gio-an chúng ta nghe Chúa Giê-su nói rằng: « vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. » (6, 38-40). Như vậy, Chúa Giê-su là người thi hành ý Cha, và vì thế Ngài không bao giờ để cho những người thuộc về Ngài, thuộc về cộng đoàn của Ngài bị mất đi, mà ngược lại như người mục tử nhân lành, Ngài luôn bảo vệ những con chiên của Ngài, và Ngài sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên của Ngài (x. Ga 10, 14-15). Hơn nữa, là mục tử nhân lành, Ngài luôn sống tâm tình: « Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. » (Ga 10, 28). Đó cũng chính là thánh ý Cha trên trời. Cha trên trời không ao ước điều gì hơn là tất cả những ai tin vào Đức Kitô, đều được gìn giữ và không bao giờ bị diệt vong. Hơn nữa, qua Người Con của Cha, họ sẽ tìm được sự sống muôn đời, sự sống vĩnh cửu. Đó là thánh ý cứu rỗi, thánh ý diễn tả một tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa giành cho con người từ ngày đầu tiên và có giá trị cho đến muôn muôn đời.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, khi sống ý Cha thì Đức Kitô kết hiệp với Cha cách đặc biệt. Ngài và Cha là một (x. Ga 10, 30). Ở những đoạn khác của phúc âm thánh Gio-an, chúng ta đọc được : « Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người » (Ga 8,29). Một sự kết hiệp nên một của Cha với Con, sự nên một này diễn tả tình yêu tuyệt hảo trong « ngôi nhà Cha Con », và sau này trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Ngài diễn tả tâm tình ao ước mỗi người chúng ta đều được thông hiệp và sống trong ngôi nhà đó, nghĩa là chúng ta cũng được nên một với Ngài và với Cha (x. Ga 17,23). Nhưng không chỉ là lời ao ước hay là lời cầu nguyện thông thường, mà Đức Kitô còn hiến dâng chính mình để hiện thực điều Ngài ao ước, nghĩa là Ngài tiếp tục sống đúng theo ý của Cha, đặc biệt ngay trong chính hoàn cảnh đau thương nhất.

Thật vậy, khi Người tùng phục ý Cha với tâm tình con thảo, thì chẳng những không làm cho cuộc sống của Người hết bi thảm, mà còn khiến nó bị người đời công kích và bị đưa ra đương đầu với tội lỗi thế gian; tội lỗi này rốt cuộc Người vừa phải gánh lấy vừa phải chiến thắng. Nhìn hoạt cảnh xảy ra ở vườn Ghếtsêmani, ta có thể đo lường được tấm bi kịch đè trên vai Đức Kitô nặng tới mức nào : « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha… Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.» (Mt 26, 39 và 42).

Người bị chấn động không phải do ý muốn của Người và ý muốn của Cha đối chọi nhau, nhưng vì Người kinh hãi khi đứng trước nhiệm vụ mà kế hoạch cứu độ đòi Người phải thi hành. Trước công việc mà mình có bổn phận phải hoàn thành, Con Người ấy đã run sợ nhưng không khước từ thực hiện. 

Lời cầu nguyện này của Đức Kitô đã được thánh Phao-lô giải thích trong thư gởi tín hữu Do-thái : « Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,». (Dt 5, 7-9). Và tiếp đến, Phao-lô còn nói cách sống động hơn: « Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. » (Dt 10, 5-7).

Như vậy, lời cầu xin „xin cho ý Cha được thể hiện“ mang tâm tình cầu xin Chúa tiếp tục yêu thương và cứu độ con người chúng ta. Công trình cứu độ không phải tự chúng ta là con người làm nên hay được tưởng thưởng, mà do chính tình yêu nhưng không của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế trở nên giống phàm nhân, và hơn nữa, trở nên nô lệ và của lễ để đền tội và cứu chuộc con người. Tuy nhiên, trong công trình cứu chuộc đó, Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác vào, vì thế lời cầu xin „xin cho ý cha được thể hiện“ cũng mang tâm tình xin Chúa giúp con người chúng ta biết sống đúng theo thánh ý của Ngài.

Trở về với tác giả của kinh Lạy Cha là Đức Kitô, chúng ta thấy rằng, Đức Kitô thấu hiểu lòng của con người (Ga 2, 25), nên Ngài lo lắng về khả năng Nước Trời sẽ bị chối từ lần nữa, con người từ lòng mình có thể một lần nữa “lắc đầu” với Nước Trời, và chỉ đi tìm vương quốc của riêng mình. Và trong sự lo lắng đó, Đức Kitô đã dạy chúng ta cầu xin cho “ý Cha được thể hiện”. Như vậy, Đức Kitô dạy chúng ta ý thức tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha chúng ta và là Đấng quyền năng nhân từ, và xin Ngài đừng để cho Nước Trời bị hủy hoại bởi con người, bởi sự đui mù bất tuân và bất trung của con người, bởi ý muốn kiêu căng và ích kỷ của con người. Đức Kitô cũng dạy chúng ta xin Cha giúp chúng ta biết sống theo thánh ý của Cha.

Ai muốn vào Nước Trời, phải thi hành ý của Cha.

Thánh ý của Cha được Đức Kitô rao giảng như là một điều cần thiết cho những ai muốn bước vào nước Trời: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi“ (Mt 7, 21). Như vậy, Đức Kitô đã tỏ lộ cho chúng ta biết rằng, khi thánh ý của Cha được thực hiện, thì Nước Trời cũng được hiện diện, và con người có thể bước vào và sống trong Nước Trời. Điều này liên hệ đến toàn bộ cuộc sống của con người, „đụng“ tới suy nghĩ, hành động và cách sống của con người. Đây là yếu tố mang tính cách luân lý trong lời cầu xin.

„Xin cho ý Cha được thể hiện“. Với lời cầu xin này, chúng ta cầu xin Chúa kéo chúng ta thật mạnh ra khỏi bản thân chúng ta, vượt trên chính con người đầy giới hạn của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên con người tự do cho Chúa và cho thánh ý của Ngài. Ngoài ra, với lời cầu xin này, chúng ta cũng xin Người soi sáng và củng cố ý chí của chúng ta, giúp chúng ta biết ngoan ngoãn trước mọi sự thúc đẩy của ân sủng. Khi chúng ta lấy ý Chúa làm ý mình, lấy hết khả năng ra đón lấy, là ý Chúa đã được thực hiện. Trong ý nghĩa này, giáo phụ Tertulian nói rằng, lời cầu xin này cũng mang ý nghĩa xin Chúa cho ý Chúa được thực hiện trong chúng ta và trên trái đất này. Và lời cầu nguyện cho ý Cha được thể hiện không gì khác hơn là tâm tình xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức bước theo Chúa trên con đường giáo huấn của Ngài. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết kín múc tinh thần và « nhựa sống » từ thánh ý của Ngài, để nhờ đó chúng ta có thể được cứu rỗi không chỉ trên trời mà ngay trên trái đất này[xviii]. Còn theo Grégoire de Nysse thì, khi ra khỏi thánh ý của Thiên Chúa, linh hồn sẽ bị chôn vùi trong tội lỗi, và chính tội lỗi này dẫn linh hồn đến sự chết[xix]. Vì thế, lời cầu nguyện xin ý Cha được thể hiện, trong thực tế diễn tả lời cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi tội lỗi luôn muốn nhấn chìm chúng ta trong đêm đen của cuộc đời. Linh hồn nào đang đau khổ cần kêu lên « xin cho ý Cha được thể hiện », vì ý của Thiên Chúa chính là « sức khỏe » của con người. Và khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa với tất cả ý thức : « xin cho ý Cha được thể hiện trong con », thì chúng ta cần thay đổi cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống chúng ta tương hợp hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa. Qua đó chúng ta có thể ăn năn và kêu cầu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta thoát khỏi cuộc sống trong quá khứ, mà chúng ta đã sống như là nô lệ của tội lỗi, và chúng ta cầu xin Chúa đoái thương tha thứ, và ban cho chúng ta ân sủng, để chúng ta có thể làm cho ý Cha được thể hiện trong cuộc sống của chúng ta[xx].

 

Sống ý Cha bằng tấm lòng khiêm nhường.

Để bắt đầu kêu cầu và ý thức sống thánh ý của Cha, chúng ta cần có lòng khiêm nhường sâu thẳm. Theo Théodore de Mopsueste, trong sự ý thức về thân phận của mình, chúng ta không có thể thực hiện ý Cha nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Vì thế, thật là cần thiết khi tâm tình này được « gói » vào trong lời cầu nguyện mà Đức Kitô đã dạy chúng ta, để nhờ đó chúng ta có thể chọn lựa ý Cha với tất cả tình yêu tuyệt hảo và lại tiếp tục cầu xin Cha với tất cả sức lực và lòng khao khát. Vâng, ngay cả lúc chúng ta chọn ý Cha và muốn sống theo ý Cha cả triệu triệu lần, chúng ta vẫn hoàn toàn không có khả năng thực hiện ý Cha, nếu Thiên Chúa trong thực tế không nâng đỡ chúng ta[xxi]. Vì thế, lòng khiêm nhường trong lời cầu xin này thật là cần thiết biết bao. Thật vậy, nếu chúng ta nhìn lại vị Thầy khả kính là Đức Kitô, Ngài cũng đã phải chiến đấu như thế nào với chén đắng trước mắt, để rồi trong tương quan mật thiết với Cha và với tất cả tấm lòng khiêm nhường và hy sinh, Ngài đã xin vâng và đón nhận chén đắng. Đó là tinh thần của một vị Thầy khiêm nhường và hiền lành trong lòng (Mt 11, 29), và Ngài luôn yêu thương chúng ta.

Sống ý Cha bằng tình yêu thương thực sự.

Tình yêu thương, đó là tâm tình cao quý chúng ta cần có khi kêu cầu cùng Cha : « xin cho ý Cha được thể hiện ». Thánh Âu-tinh đã nói rằng : « ‘Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, lời cầu xin này là gì vậy ? Đó là lời cầu xin Chúa cho chúng ta biết thực hiện ý Cha dưới đất này như các thiên thần thực hiện ý Cha ở trên trời. Các thánh cũng tuân phục ý Cha, và không làm trái ngược ý Cha, các ngài đã thực hiện ý Cha với tất cả tình yêu thương. Cũng thế, chúng ta cầu xin cho được đón nhận « thực đơn » này với tất cả tình yêu thương »[xxii]. Với tình yêu chúng ta có thể sống theo ý Cha, và tình yêu đó chúng ta giành cho Cha, nghĩa là khi chúng ta ở lại và sống trong ngôi nhà yêu thương của Cha và con, thì chúng ta sẽ thực hiện được ý của Cha trong đời sống của chúng ta. Vì thế, lời cầu xin sẽ chưa trọn hảo, nếu chúng ta cầu « xin cho ý Cha » được thể hiện, nhưng chúng ta lại quên rằng lời cầu xin này chúng ta đang dâng lên cho Cha, nghĩa là chúng ta không ý thức và không có lòng ao ước ở lại trong tương quan thân thương với Cha, và trong bàn tay yêu dấu của Cha. Khi ở lại trong tương quan với Cha, chúng ta mang tinh thần thờ phượng Cha trên trời, cụ thể qua việc sống thánh ý Cha.

Sống thánh ý Cha trong tinh thần thờ phượng.

Trong tinh thần kết hiệp mật thiết với Cha trên trời và sống theo thánh ý của Cha, chúng ta luôn ý thức sống tinh thần thờ phượng Ngài. Maxime de Confesseur đã nói rằng : « Ai dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ phượng, thì người đó đã thi hành thánh ý Chúa trên trái đất này như các thiên thần đã làm ở trên trời »[xxiii]. Thật vậy, thờ phượng Thiên Chúa là một cách thức cầu nguyện, và qua đó chúng ta có thể từ từ đi vào « ngôi nhà Cha Con ». Và khi sống trong « ngôi nhà Cha Con », nghĩa là lúc chúng ta sống trong tương quan mật thiết với Cha trên trời, như chính Đức Kitô đã làm và đã dạy chúng ta, thì chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận ý Cha, tuân phục ý Cha và thi hành ý Cha với tất cả sự tự do và niềm vui của người con.

Cha Alfred Delp đã sống tinh thần thờ phượng này một cách đặc biệt trong thời gian bị cầm tù bởi phát xít Đức. Trong một số bức thư và một số bài suy niệm, Alfred luôn nhắc đến hai từ « Adoro et suscipe – thờ phượng và hiến dâng ». Trong bài suy niệm về ngày lễ Chúa Hiển Linh, Alfred đã viết : « Thờ phượng (adoro) – trong thái độ đầy biết ơn này, con người trở nên tự do hoàn toàn… Thờ phượng và hiến dâng là hai từ ngữ nguyên thủy của tự do của con người. Đầu gối quỳ xuống và đôi bàn tay trỗng rỗng giang ra là hai cử chỉ nguyên thủy của con người tự do…Thờ phượng và hiến dâng : những từ ngữ nguyên thủy của cuộc sống, đó cũng là những con đường đi thẳng đến với Thiên Chúa, cũng như là cánh cổng cho tinh thần dâng hiến, và đó cũng là những con đường giúp con người tìm đến chính mình »[xxiv]. Và trong lá thư gởi cho người con đỡ đầu Alfred Sebastian, cha Delp đã nhắn nhủ : « Chỉ có con người thờ phượng, con người yêu thương, con người sống theo điều luật của Thiên Chúa, mới là con người tự do và có khả năng sống »[xxv]. Và cuối cùng với cha Delp, thì con đường « thờ phượng và hiến dâng – adoro et suscipe » cũng là con đường trở nên của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa, con đường vâng phục và hiến dâng của một chứng nhân cho niềm tin, một vị tử đạo sẵn sàng chết vì Danh Chúa và thánh ý của Ngài. Sau ngày cha bị kết án tử (sau ngày 11, tháng giêng 1945), cha viết trong một lá thư với những hàng chữ sau: « Với mọi cách thức, tôi hoàn toàn từ bỏ tất cả và hiến dâng chính tôi cách hoàn toàn. Đó là thời điểm của mùa gieo, chưa phải là mùa gặt. Thiên Chúa gieo, và một ngày nào đó sẽ đến và lúc đó Ngài sẽ gặt. Sự lo lắng duy nhất của tôi lúc này là cần phải được rơi vào lòng đất, như một hạt giống mạnh khỏe và có sức sinh sôi nẩy nở. Rơi vào lòng đất ! Vâng, và cũng rơi vào đôi tay của Thiên Chúa…Nếu Thiên Chúa muốn giành cho tôi con đường đau khổ này, thì Ngài cần phải giúp tôi sẵn sàng lên đường với con tim thật tốt mà không vương vấn chút đắng cay nào »[xxvi].

Với tinh thần thờ phượng, kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, cha Delp đã sống mối tương quan thật mật thiết với Thiên Chúa, và nhờ vậy, cha đã can đảm đón nhận thánh ý Chúa và sẵn sàng trở nên hạt giống để hiến dâng cho Thiên Chúa và cho mọi người. Như vậy, để có thể đón nhận và thi hành thánh ý Cha trên trời, chúng ta cần xin Chúa kéo chúng ta đến với Ngài trong cầu nguyện, thờ phượng Ngài thường xuyên mỗi ngày, nghĩa là chia sẻ đời sống thường ngày với Ngài trong « ngôi nhà Cha Con », vì càng lúc chúng ta gần Thiên Chúa, thì chúng ta càng dễ dàng đón nhận và thi hành thánh ý của Ngài. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được đến gần Ngài mỗi ngày nhiều hơn nữa, trên con đường sống theo thánh ý của Chúa, và sống theo Lời của Chúa.

 

Sống ý Cha là vâng phục sống theo Lời Chúa và giới luật của Chúa.

 

« Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ đường con đi » (Tv 119,105).

Lời thánh vịnh này diễn tả một tinh thần sống của những ai kiếm tìm thánh ý Chúa. Sống theo Lời Chúa, chọn Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng dẫn lối cho chúng ta đi, đó là chúng ta đang tuân phục và thi hành ý của Cha trên trời.

Thật vậy, thánh ý của Cha được biểu lộ rõ ràng qua chính Lời của Ngài nói với chúng ta. Ở đây, chúng ta nhớ lại kinh nghiệm của Đức Hồng Y Thuận. Ngài viết trong bài suy niệm thứ bảy của cuộc tĩnh tâm giành cho giáo triều Rô-ma năm 2000 : « …trong suốt thời gian bị biệt giam. Trong những năm đó tôi đã tiến bước được vì "Lời Chúa là ngọn đèn cho bước chân tôi" "là ánh sáng trên đường đời tôi" (x. Tv 119, 105). Và tâm tình này của Đức Hồng Y được tỏ lộ mạnh mẽ hơn nữa: « Trong thời gian ở trong tù tôi đã viết: "Con hãy tuân giữ một quy luật thôi: Phúc Âm. Hiến Pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Đó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ (x. Mt 4, 23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật lệ khác: trái lại, nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa Phúc Âm là một vị thánh giả" (Đường Hy Vọng số 986).

Như vậy, sống thánh ý Chúa không gì khác hơn là sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa, sống theo tinh thần Chúa truyền ban. Thánh Phan-sinh khó nghèo đã nói: « Con người có giá trị thế nào là tùy theo hành vi của nó ». Tin Mừng chính là qui luật sống qui định mọi sự ứng xử và dấn thân của ta. Có thế, Lời Chúa, nơi biểu hiện ý Người, mới trở thành lương thực nuôi sống chúng ta. Đó cũng chính là ý nghĩa của đoạn sách Khải Huyền, theo đó tác giả bị yêu cầu phải « nuốt lấy cuốn sách ». Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng nhưng trong miệng ông nó sẽ ngọt ngào như mật ong (ss. Kh 10,9).

Và sống thánh ý Chúa là sống tinh thần vâng phục. Nhưng sự vâng phục của người Kitô hữu không phải là chấp nhận bị tổn thương hay cưỡng bức, mà là tự nguyện đồng ý với kế hoạch của Thiên Chúa và những đòi hỏi của Tin Mừng như một người con hiếu thảo. Vâng phục là chấp nhận bước vào “cuộc chơi” của Thiên Chúa, chấp nhận tiến xa hơn trong mầu nhiệm cứu độ, để cho ý Chúa chiếm lấy cuộc đời mình và kéo mình theo: một sự vâng phục không còn miễn cưỡng như của người nô lệ nữa, nhưng đầy tươi vui của con cái Chúa.

 

Ngoài ra, tinh thần sống thánh ý Chúa cũng được diễn tả trong tinh thần sống theo luật Chúa truyền dạy, như theo mười điều răn Chúa truyền, và đặc biệt theo điều luật sống công chính, sống tình yêu thương. Chúng ta đọc lại cuộc đối thoại giữa người thanh niên giàu có và Đức Kitô: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? " Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình. (Mt 19, 16-19).

 

Tinh thần sống theo tình yêu này còn được Đức Kitô làm nổi bật trong câu trả lời cho những người thông luật, những người Pha-ri-sêu: "Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 35-40).

 

« Yêu Chúa và yêu người thân cận ». Đó là hai mặt của một lề luật mà Đức Kitô đã đặt ra cho chúng ta. Không có luật lệ nào lớn hơn luật lệ này cả. (ss. Mc 12, 28-34). Ở đây, theo như thánh Phao-lô, chúng ta đề cập đến tình yêu người thân cận như chính mình. Một cách tự nhiên, mỗi con người chúng ta khi được sinh vào cuộc đời, chúng ta đều được cấy vào một tình yêu chính bản thân mình, nghĩa là chúng ta yêu mình, nên chúng ta lo lắng cho cuộc sống của mình sao cho thật tốt, và nếu càng ngày càng tốt hơn, thì càng hay. Vì thế, làm sao để no, làm sao cho an toàn, làm sao cho tốt và làm sao đẹp đây ? Đó là câu hỏi chúng ta ý thức hay vô thức đều đặt ra cho chính mình, và rồi chúng ta « lên đường » để kiếm và tìm những điều cho chính mình được sống và sống dồi dào hơn. Cũng thế, chúng ta cần phải yêu thương người thân cận như mình yêu mình vậy. Đức Kitô đòi hỏi chúng ta : yêu thương người thân cận như chính mình (Mc 12, 31). Trong bài giảng trên núi, Đức Kitô đã đưa ra một luật vàng của tình yêu: « Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta » (Mt 7, 12). Nếu được phép, chúng ta có thể chuyển tâm tình này vào trong câu mang tính cách phủ định, mà vẫn giữ được ý nghĩa của nó : « Vậy tất cả những gì anh em không muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng đừng làm cho người ta ». Và khi sống theo tinh thần của tình yêu, thì chúng ta không chiều theo xác thịt, mà tất cả chúng ta đều sống theo sự chỉ dẫn của Thần Khí Chúa. Và khi sống như vậy, thì con người chúng ta không còn gây ra những thương tích đớn đau từ những « vụ cắn xé nhau », từ những chuyện âm mưu hãm hại nhau cho thỏa cái bụng xấu xa, cho « đã » cơn giận hờn.

 

Ngoài ra, chúng ta tìm thấy một cách diễn tả sống theo thánh ý Chúa trong thư của Phao-lô: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới lý trí, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo“ (Rm 12,1-2). Ở đây, đầu tiên thánh Phao-lô nhấn mạnh tinh thần cải biến, tinh thần thánh hóa, nghĩa là người Kitô hữu không còn rập theo những thói đời, mà xin được thánh hóa, được dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô, để được mai táng và để được chết với Người: „Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi“ (Rm 6, 6-7). Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Như vậy, qua phép rửa và nhờ ân sủng Chúa, chúng ta được sống trong đời sống mới, với lý trí và tinh thần mới. Và trong đời sống mới này, chúng ta được trao cho khả năng, trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta có thể nhận định để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là đi tìm những điều tốt, những điều hoàn hảo, những điều đẹp lòng Thiên Chúa. Những điều này được gói gọn trong tinh thần sống tình yêu thương.

 

Thật vậy, tình yêu được hiện thực hóa trong đời sống cụ thể hằng ngày. Và khi sống tinh thần tình yêu là chúng ta sống thánh ý của Chúa, và chúng ta cũng làm cho đời sống mỗi ngày thêm hoàn thiện, tương quan giữa nhau cũng trở nên tuyệt hảo: „Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo“ (Cl 3,14).

Và theo Wilcken, thì tình yêu được nhận ra rõ ràng nhất qua cái hợp lý của cây thập giá, một tình yêu vâng phục ý Cha, một tình yêu hiến thân vì tình yêu con người, để cứu rỗi con người, và tình yêu đó chỉ được hiện thực hóa dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần Chúa[xxvii].

 

Sống thánh ý Cha dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

Để có thể sống tình yêu vâng phục ý Cha như chính Đức Kitô, chúng ta cần có sự hướng dẫn và trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì trong sâu thẳm của con người, chúng ta luôn sống trong cuộc chiến chẳng dễ dàng gì. Chúng ta hãy nhớ lại lời của Thánh Phao-lô: “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”. (Rm 7, 14-15).

 

Ở đây, thánh Phao-lô diễn tả về tình trạng của con người có một phần thuận là “thần khí” và một phần khác nghịch lại với các đòi hỏi của bổn phận, là “xác thịt”. Xác thịt ở đây không có nghĩa là thân thể; nó chỉ những gì yếu đuối nơi chúng ta khi đứng trước bổn phận của mình và kháng cự lại những mời gọi của Thiên Chúa. Cụ thể, khi nói tới “xác thịt”, thánh Phao-lô bàn về những xung đột nội tâm nơi mỗi người chúng ta, và xác thịt chỉ về một thực tại mang ít nhiều thú tính, mà chúng ta cảm thấy nó đè nặng trên chúng ta. Vâng, đối mặt với tội - ở đây chỉ về những sức mạnh ngăn cản nhân loại đáp lời Thiên Chúa và đón nhận  những ý định của Người -, thì sự tự do của chúng ta bất lực. Nơi mỗi người chúng ta, “xác thịt” đồng lõa với sự dữ: có thể chúng ta lên án ma túy, thái độ vô trách nhiệm, nạn tham nhũng… thật ra bản thân chúng ta hãy còn vướng ít nhiều những tục lụy đó. Như vậy, chúng ta cảm nghiệm được sự căng thẳng giữa xác thịt và thần khí chính là một phần nào đó của sự căng thẳng giữa nền văn hóa của chúng ta với tinh thần của Chúa Kitô; mà văn hóa hiện nay thì đề cao tự do và đi tìm những lạc thú, những cái luôn luôn mới, trong khi tinh thần Chúa Kitô thì tìm cách phụng sự Chúa Cha, và luôn vâng theo thánh ý của Cha.

 

Tương hợp với những điều Thánh Phao-lô diễn tả, các bậc thầy tu đức đã nhận ra bi kịch của một con người luôn bị giằng co. Văn hào Jean Racine cũng đã từng nói:

 

« Lạy Chúa tôi, ôi cuộc chiến thật là tàn bạo !

Nơi tôi có tới hai người ».

 

Ngoài ra, thánh Phao-lô còn diễn tả rõ ràng về hậu quả của lối sống theo tính xác thịt gây ra biết bao đau thương : « Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa » (Gl 5, 19-21). Qua lời của Thánh Phao-lô, chúng ta thấy rằng, cuộc chiến đấu giữa xác thịt và Thần Khí không chỉ là cuộc chiến đấu có tính cách mơ hồ, mà là cuộc chiến rất cụ thể, đòi hỏi chúng ta ý thức cần phải « biết người biết ta, thì trăm trận trăm thắng ».

 

Ở đây, « biết người », là như thánh Phao-lô, chúng ta cần phải gọi tên khi chạm mặt « phía người ». Nếu trong tôi đang có một giao động tức giận, thì tôi hãy gọi « phía đó » ra với tên của chính họ. Đó là « người tức giận ». Gọi ra không chỉ để ngắm, để nhìn, mà còn để thấu hiểu được dụng ý, mánh lới, đường hướng, mục đích và hậu quả của « người tức giận » sẽ gây ra và để lại. Qua đó, khi biết và ý thức được « người tức giận » với những « thứ rác rưởi » trong gói hành trang của người đó đang chuẩn bị đổ vào ngôi nhà cuộc đời của chúng ta, thì lập tức chúng ta thẳng thắn không nói lời « xin vâng », mà can đảm nói lời « chia tay » với « người tức giận ».

 

Khi sống như thế là chúng ta đang cố gắng bước đi trên con đường của Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để biết rằng chúng ta đang sống theo Thần Khí? Thánh Phao-lô chỉ cho chúng ta biết: « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. » (Gl 5, 22-23). Và để có thể dễ dàng giúp sống theo tinh thần của Thần Khí, xin được nhắc đến tinh thần của thánh I-Nhã. Rất đơn sơ và dễ hiểu : Trước mỗi điều chuẩn bị làm, cũng như trước mỗi quyết định cần có, đương nhiên bạn cần đắn đo, suy nghĩ và nhận định, để tìm ra cho mình một cách thức, một phương pháp, cũng như những phương tiện sử dụng... Nhưng để chuẩn bị theo tinh thần của Thần Khí, và để điều bạn muốn làm và điều bạn quyết định tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, bạn nên tự hỏi xem, « Nếu tôi dùng phương pháp đó, phương tiện kia để làm, hay quyết định như thế, thì sau đó tôi có được bình an không ? Sau đó tôi có cảm thấy tương quan giữa tôi với Chúa được thân mật hơn, tương quan giữa tôi với người khác có được gần gũi hơn ? Và cuối cùng tôi có khám phá mình và thăng tiến mình hơn hay không ? » Ngoài ra, cũng nên xét thêm về ba nhân đức đối thần, nghĩa là đức tin, đức cậy và đức mến có được ‘nở hoa và kết trái’ qua việc làm, với phương pháp và phương tiện tôi đã chọn không? Thật vậy, nếu chúng ta sống theo Thần Khí, thì cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, bình an, và chúng ta có thể nói rằng : « Life is beautiful, cuộc đời thật đẹp ».

 

Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời của Đức Kitô, vì Ngài đã sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, và chính Ngài đã sống tuân phục thánh ý của Cha trên trời một cách hoàn mỹ. Vì thế, chúng ta cầu xin cho chúng ta được thuộc về Đức Kitô một cách hoàn toàn, để nhờ đó, « Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. » (Gl 2, 20). Chúng ta cũng cầu xin cho mình được sống nhờ Thần Khí, và cũng nhờ Thần Khí mà tiến bước trên đường đời của chúng ta (ss Gl 5, 25). Trên con đường đó, mỗi ngày sống của chúng ta qua đi, thì thánh ý của Cha được tỏ lộ cách rõ ràng hơn.

 

Hơn nữa, Thánh Phao-lô còn mở ra cho chúng ta một chân trời mới : « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25). Chính Đức Kitô đã cứu thoát chúng ta qua chính sự chết và sự phục sinh của Ngài. Vì thế, lời tạ ơn cần phải được dâng lên từ môi miệng con người chúng ta, những người mang thân xác yếu hèn bất lực trước tội lỗi, được Thiên Chúa qua Đức Kitô chuộc về, và trao ban lại ánh sáng, trao ban lại sự tự do làm con cái của Thiên Chúa : « Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết. Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta » (Rm 8, 1-3). Và sau hy lễ của Đức Kitô, thì Thần Khí của Người sẽ cho phép các tín hữu chiến thắng cái chết. Bằng tình yêu và tha thứ, Thiên Chúa tạo nên một thế giới mới trong đó không còn oán giận, căm thù, cũng không còn những ân hận cắn rứt lương tâm chúng ta nữa. Chúng ta sống hòa thuận với Người, chúng ta sống hòa thuận với nhau, và chúng ta sống hòa thuận với cả chính mình nữa.

Tóm lại, để sống thánh ý của Chúa, chúng ta cần ý thức sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa. Đây là một điều rất quan trọng đối với thánh Phao-lô, bởi vì đối với ngài, đời sống của Kitô hữu trước hết là đời sống trong Thần Khí : « Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an » (Rm 8, 5-6). Hơn nữa, khi sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, là chúng ta có được sự tự do đích thật.

 

Sự tự do cần có để sống theo thánh ý Cha.

 

Trong thư gởi tín hữu thành Ga-lát-ta, Thánh Phao-lô nhắc nhớ với tất cả lòng trìu mến và quan tâm của mình : « Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. » (Gl 5, 13). Tự do là một ân sủng cao quý được ban cho con người ngay trong những giây phút Thiên Chúa tạo dựng con người. Hơn nữa, Thiên Chúa trong yêu thương còn trao cho con người, cho chúng ta tất cả những tạo vật yêu quý của Ngài, để chúng ta chăm sóc, gìn giữ và phát triển theo thánh ý của Ngài. Chúng ta sẽ chu toàn trách nhiệm này thật tốt, khi chúng ta ý thức sống sự tự do của Thiên Chúa trao ban với tinh thần trách nhiệm cao, nghĩa là chúng ta ý thức vâng phục những quy luật tự nhiên và những điều luật và thánh ý Thiên Chúa truyền ban. Nhưng Thiên Chúa biết rằng, chúng ta là tạo vật có tự do, nên chúng ta có thể nói không hoặc nói vâng với những những gì Ngài muốn. Nói vâng thì sự sống sẽ tồn tại và phát triển, nói không thì mọi sự sẽ từ từ tự hủy hoại. Tiếc thay, con người đã nói không từ những ngày đầu tiên, để rồi con người hủy hoại những tạo vật yêu quý của Thiên Chúa, cũng như con người tự hủy hoại mình. Khi nói không với những điều luật và thánh ý của Chúa, thì con người đang lạm dụng sự tự do Thiên Chúa ban tặng, sự lạm dụng của người con hoang đàng ham chơi, sự lạm dụng của những con người ích kỷ chỉ biết tìm mình, tìm ý riêng của mình, đến nỗi gạt bỏ thánh ý của Chúa. Vì thế, cần phải coi chừng, phải cẩn thận trong tinh thần sống thánh ý Chúa, trong đời sống đức tin, và trên hành trình sống đạo. Tự do Chúa ban luôn đi đôi với lòng mến yêu và trách nhiệm. Vâng, lòng yêu mến là ân ban cao quý nhất và là kim chỉ nam hoàn hảo nhất, giúp chúng ta không chỉ biết « định nghĩa » cho đúng hai từ tự do, mà còn giúp chúng ta biết thăng tiến tự do. Đó là tình yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận.

 

Tóm lại, để có được hạnh phúc cho cuộc đời, chúng ta cần chọn thánh ý Chúa là nền tảng cho đời sống chúng ta. Nghĩa là chúng ta chỉ ao ước một điều duy nhất là « thánh ý Chúa », như chị Elisabeth de la Trinité, khi được hỏi muốn mang tên gì khi về trời, chị trả lời: « Thánh ý Chúa ». Đối với Karl Rahner, thì Thiên Chúa cần ban cho chúng ta một ân sủng căn bản và cần thiết, giúp chúng ta dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đều luôn luôn nói : Đừng để cho ý con, mà là ý Cha được thể hiện. Và chúng ta không cần phải làm gì hơn là bắt chước Đức Kitô nơi vườn Giệt-si-ma-ni  và trong đêm trước khi Ngài chịu chết. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, nghĩa là không sống theo ý riêng của chúng ta, mà hoàn toàn sống theo ý của Cha trên trời, thì chúng ta đã làm được tất cả mọi sự. Vì thế, chúng ta cần phải luôn luôn cầu xin ân sủng giúp chúng ta sống theo thánh ý của Cha[xxviii].

 

Khi chúng ta có Chúa là Cha, và thánh ý của Ngài là nguồn sống, thì chúng ta đang sống trong căn nhà tràn đầy yêu thương và hạnh phúc với Thiên Chúa. Căn nhà « Cha-con » với chiếc áo đẹp nhất, với chiếc nhẫn đeo tay, với đôi dép dưới chân và ngồi vào bàn tiệc ăn mừng, bữa ăn với con bê đã được vỗ béo, và với rượu ngon của tình Cha. Đó là bữa ăn giành cho những ai sống tinh thần : “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Dưới đất cũng như trên trời.

“Đất và trời” được thánh Mát-thêu nhắc tới một vài lần, như trong chương 16, 19: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”, và “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18, 18).

 

Nhưng “đất và trời” được nhắc trong kinh Lạy Cha có ý nghĩa gì vậy? Trước hết, “như trên trời” chỉ về nơi Thiên Chúa mạc khải mình cách toàn diện cho các Thiên Thần và triều thần thiên quốc, nơi đó Thiên Chúa trị vì mà không gặp bất cứ chướng ngại và chống đối nào, nơi đó thánh ý của Thiên Chúa được kiện toàn cách trọn vẹn, mà không vương vấn bất cứ sự nhập nhằng hay “nước đôi” gì cả. Đó là thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời[xxix]. Nơi các thiên thần sống trọn vẹn tinh thần vâng theo thánh ý của Chúa.

 

„Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh“. (Tv 103, 20).

 

Nếu thánh ý Cha được các thiên thần thi hành cách hoàn hảo như thế nào, thì chúng ta cũng cầu xin cho thánh ý của Cha được thể hiện cũng hoàn hảo như thế trên trái đất mà chúng ta đang sống, cụ thể trong từng người của chúng ta thánh ý của Cha được sống động và thể hiện.

Để có thể sống thánh ý Cha dưới đất này, trong đời sống thường ngày, chúng ta cần sống theo tinh thần của Đức Kitô, Đấng đã thi hành ý Cha cách trọn vẹn ở trên trời, cũng như dưới đất thấp. Thật vậy, khi ở trên trời Ngài đã vâng lời Cha, sẵn sàng xuống đất thấp và mặc lấy thân phận loài người, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại, để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại về với Cha. Đó là thánh ý cứu rỗi và yêu thương của Cha được thực hiện trọn hảo trong Đức Kitô ở trên trời và dưới đất. Khi sống tinh thần của Đức Kitô, là chúng ta bước đi theo Ngài trong từng ngày sống, là học hỏi và sống tinh thần yêu thương tha thứ, tinh thần hy sinh dấn thân, tinh thần phục vụ chứ không để được phục vụ. Tất cả được ghi dấu trong tinh thần dâng hiến vì tình yêu giành cho chính người mình yêu. Có như thế, thì thánh ý của Cha mới được thể hiện thực sự trên trái đất này, có như thế thì thành thánh Giê-ru-sa-lem hiện diện trên trái đất này, và có như thế thì “trời và đất” tìm được một mẫu số chung.

 

Nhưng dù chúng ta có “sống” hay “thực hành” ý Chúa đến mấy, chúng ta cũng không bao giờ quên rằng, tất cả những hành động của chúng ta là sự cộng tác nhỏ bé, theo phần con người, nghĩa là tất cả còn tùy nơi Cha, Đấng quyền năng vô biên và nhân từ vô hạn. Hơn nữa, khi nhìn lại lịch sử của thế giới, chúng ta nhận ra biết bao nhiêu biến cố đi ngược với thánh ý của Chúa, và đã gây ra biết bao nhiêu đau thương cho con người. Gần đây nhất là thảm họa Khơ-me đỏ, thảm họa bởi chủ nghĩa Phát-xít... Tất cả những biến cố lịch sử đó đã để lại những “dấu ấn” dơ bẩn trên trái đất và thế giới chúng ta, chỉ vì con người đã tôn vinh chính mình lên, đi tìm quyền lực cho chính mình và chẳng ngại ngần chối bỏ tinh thần của Thiên Chúa, và chối bỏ chính Ngài.

 

Ý thức thân phận nhỏ bé đầy giới hạn của mình, ý thức về sự tiềm ẩn của sức mạnh sự dữ và sự ngu muội của con người, chúng ta khiêm nhường cầu xin với Cha : “ Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, và chúng ta cùng cộng tác với Chúa để tập sống thánh ý của Chúa trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Ngoài ra, “dưới đất cũng như trên trời”, mấy chữ vắn tắt này không phải chỉ bổ nghĩa cho lời cầu xin thứ ba thôi, nghĩa là xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, mà còn áp dụng cho cả ba lời cầu xin, như Origène lưu ý: “Chúng ta cầu xin cho dưới đất cũng như trên trời, danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”[xxx].

 

Kinh thánh có nói:

“Muốn làm gì là Chúa làm nên,

Chốn trời cao cùng nơi đất thấp

Lòng biển cả và đáy vực sâu” (TV 135,6).

 

Nếu quả thật mấy chữ ‘dưới đất cũng như trên trời’ liên hệ tới cả ba lời cầu xin, thì nó mang một ý nghĩa vừa có tính cách vũ trụ vừa có tính cách cánh chung. Lời cầu nguyện này là một lời mời gọi động viên toàn thể tạo vật, dưới trách nhiệm của con người, cộng tác vào công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa đã giao cho Con mình thực hiện. Công cuộc ấy được thực hiện mỗi ngày do mọi nỗ lực liên kết lại, cho tới khi lịch sử kết thúc.

 

“Lúc muôn loài đã qui phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Đấng bắt muôn loài phải qui phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28). Thiên Chúa tỏ mình ra không phải để thống trị các tên nô lệ, nhưng là để ngự trị trên các tâm hồn, Người vui tươi khi thấy các tâm hồn ấy ưng thuận với Người. Chúng ta được mời góp phần biến đổi thế giới và chuẩn bị ‘một trời mới, đất mới’.

 

Như vậy giữa ba lời cầu xin của kinh Lạy Cha có sự thống nhất. Cả ba đều bao hàm thái độ từ Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người; hai bên cùng nhau tìm cách thực hiện mầu nhiệm cứu độ duy nhất, và mầu nhiệm ấy được thực hiện ngày này sang ngày khác cho tới khi hoàn tất qua một lần thực hiện dứt điểm và trọn vẹn[xxxi].

Sự đáp trả của con người được diễn tả không chỉ qua thái độ sống tinh thần tin mừng, mà còn luôn được diễn tả qua lời cầu nguyện của chúng ta, những người con nhỏ bé đối với Cha ở trên trời, như thánh Phan-xi-cô thành A-si-si diễn tả:

 

“Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lạy Cha, xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả con tim của chúng con, bằng cách chúng con luôn nghĩ về Cha cách không ngừng nghỉ.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả linh hồn của chúng con, bằng cách chúng con luôn luôn ao ước về Cha.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả tinh thần của chúng con, bằng cách chúng con hướng mọi ý định và mục đích của chúng con về với Cha, và hằng tìm sự tốt lành của Cha trong mọi sự.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả sức lực của chúng con, để chúng con dùng tất cả sức lực của chúng con, và dùng tất cả mọi nguồn năng lượng của linh hồn chúng con, cũng như của thân xác chúng con duy nhất cho việc phụng sự Cha, chứ không cho bất cứ điều gì khác.

Xin giúp chúng con biết yêu mến người bên cạnh chúng con như chúng con yêu mến chính bản thân chúng con, bằng cách ban tặng cho họ mọi sự, theo khả năng của chúng con, và theo tinh thần tình yêu của Cha, và bằng cách chúng con vui mừng với niềm vui và hạnh phúc của họ như là niềm vui và hạnh phúc của chúng con, cũng như cảm thông và chia sẻ với những đau khổ họ phải chịu, và không bao giờ gây nên lỗi lầm đối với họ »[xxxii].

Với lời cầu nguyện này, xin kết thúc phần thứ nhất của kinh Lạy Cha. Giờ đây, để bước qua phần thứ hai của Kinh Lạy Cha.

 

 

 

 

[i] X. LUZ, U., Exegetisches Woeterbuch zum Neuen Testament, t.483.

 

[ii] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, Meditation über das Vaterunser, 3. Auflage, Matthias-Grünewald Verlag, Mainz 1988, t.59.

 

[iii] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.159.

 

[iv] DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, 2. Auflage, Knecht Verlag, Frankfurt am Main 1985, t.231.

 

[v] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, t.160.

 

[vi] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.165.

 

[vii] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.181

 

[viii] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2816, t.780.

 

[ix] RATZINGER J., Benedikt 16, Jesus von Nazareth, t.181

 

[x] Trích trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2819, t.781.

 

[xi] X.DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, t.233.

 

[xii] Trích bởi X. HAMMAN A. G., Abrégé de la prière chrétienne, t.55.

 

[xiii] Trích dẫn bởi KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, eine theologie der Schöpfung, Herder Verlag, Freiburg 2006, s.75.

 

[xiv] KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, eine theologie der Schöpfung, Herder Verlag, Freiburg 2006, p.76.

 

[xv] X. GUARDINI R., Gebet und Wahrheit, t.97-102.

 

[xvi] KEHL M., Und Gott sah, dass es gut war, t.76.

 

[xvii] MARTINI, Ne méprisez pas la Parole, t.180.

 

[xviii] X. TERTULIAN, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.31.

 

[xix] X. GREGOIRE de Nysse, Homélie 4, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.94.

 

[xx] X. HAMMAN A.G., Le notre Pére dans l’église ancienne », t.95.

 

[xxi] THEODORE de Mopsueste, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.155.

 

[xxii] AUGUSTIN, Sermon 59, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.135-136.

 

[xxiii] MAXIME le Confesseur, trong « Adalbert G. Hamman, Le notre Pére dans l’église ancienne », t.208.

 

[xxiv] DELP A., Gesamte Schriften 4, t. 218-219.

 

[xxv] DELP A., Gesamte Schriften 4, t.141.

 

[xxvi] DELP A., Gesamte Schriften 4, t.110.

 

[xxvii] WILCKEN U., EKK, Der Brief an die Römer (Rm 12-16), Benzinger Verlag, Zürich 1982, t.7.

 

[xxviii] RAHNER K., Betrachtungen zum Ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel Verlag, München, 1965, t.226-227.

 

[xxix] MARTINI C., Le Notre Pere, Editions Saint-Augustin, Saint-Maurice 2001, t. 50.

 

[xxx] Trích bởi X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.58.

 

[xxxi] X. HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, t.58-59.

 

[xxxii] X. HAMMAN Adalbert G., Le notre Pére dans l’église ancienne , t.223.

bottom of page